bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM GỌN VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÙI PHƯƠNG THẢO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN LÃ THANH TÙNG!THƯƠNG NHỚ ĐĂNG BẤY, NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG VUI TÍNH , HÒA ĐỒNG, GIẢN DỊ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

 

VU NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN!KÍNH MỜI CÁC ANH CHỊ DỰ BUỔI TỌA ĐÀM ĐÓ XEM HÌNH ẢNH CỦA MÌNH TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Cầm Sơn đã đưa videoclip này!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 142
Trong tuần: 815
Lượt truy cập: 706852

THÀNH NGỮ, ĐIỂN TÍCH

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 113 : 

                  TRẦM, TRẦN, TRẬN, TRÂU, TRẺ, TREO,TRÊN
 
                   ĐỖ CHIÊU ĐỨC

                            Inline image
                                          Trầm Ngư Lạc Nhạn
            
       TRẦM NGƯ LẠC NHẠN 沉魚落雁 là một thành ngữ có xuất xứ từ Tề Vật Luận của Trang Tử 《莊子·齊物論》nước Tống thời Chiến Quốc. Thành ngữ nầy dùng để hình dung những người đẹp mà khi cá thấy thì lặn sâu xuống nước và chim nhạn trông thấy thì rơi xuống bãi cát không bay nổi nữa. Sau dùng để chỉ Tây Thi 西施, một cô gái đẹp của nước Việt, khi ra bờ khe giặt lụa, cá dưới khe thấy được cái bóng đẹp đẽ của Tây Thi ở dưới nước nên không bơi nổi nữa mà từ từ chìm xuống đáy khe. Đến đời Hán thì có người đẹp Vương Chiêu Quân 王昭君 được chọn để cống Hồ. Khi ra đến ải Nhạn Môn Quan 雁門關 các con nhạn đang bay thấy nàng đẹp quá nên không vổ cánh nổi mà cùng rơi cả xuống bãi cát. 
       Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã mượn tích nầy để ví von cái vẻ đẹp tuyệt trần của nàng cung phi trong cung vua như sau :

                   Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,
                   Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa.
                   Hương trời đắm nguyệt say hoa,
                   Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình !

      Trong tryện thơ Nôm khuyết danh Nữ Tú Tài, Tuấn Khanh kể về Cảnh Tiểu Thư con quan Tướng Quốc như sau :

                     Thấy nàng thục nữ hình dung,
              TRẦM NGƯ LẠC NHẠN tuyệt vòng trần gian.

                   Inline image
                           Tây Thi                  Vương Chiêu Quân

      TRẦN ĐOÀN 陳摶(871—989)tự là Đồ Nam, hiệu là Phù Dao Tử, Bạch Vân Tiên Sinh, Hi Di Tiên Sinh 希夷先生. HI là Nghe mà không biết; DI là Nhìn mà không thấy. Thông hiểu Kinh Dịch và Nội Đan học. Được Đạo Giáo xem như thần tiên; tôn xưng là Trần Đoàn Lão Tổ, Hi Di Lão Tổ. Vua Tống Thái Tông nhiều lần cho sứ giả đến mời ra làm quan nhưng ông đều từ chối. Trần Đoàn là biểu tượng của những người tu tiên, tiêu dao tự tại, không màng đến phú qúy lợi danh.
      Trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, hồi thứ 8, khi Lục Vân Tiên cùng các sĩ tử trên đường đi thi ghé quán cơm. Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã cho chủ quán lý luận về công danh ở đời, có nhắc đến Trần Đoàn như sau :

                  Trần Đoàn chẳng chút lo âu,
              Gió trăng một túi công hầu chiêm bao.

                Inline image
                        Trần Đoàn qua họa ảnh và điện ảnh

      TRẬN BÚT là đảo ngữ của chữ Nho BÚT TRẬN 筆陣. Có xuất xứ từ Bút Trận Đồ 筆陣圖 của Vệ Phu Nhân, vốn tên là VỆ THƯỚC 衞鑠, tự là Mậu Y 茂漪, người đất An Ấp Hà Đông (thuộc tỉnh Sơn Tây ngày nay). Bà là Nhà Thư Pháp nổi tiếng đời Tấn, đã sáng chế ra Bút Trận Đồ 筆陣圖 gồm bảy cách vận hành bút lông để viết chữ cho đẹp. Bà lại là thầy dạy thư pháp cho Nhà Thư Pháp nổi tiếng là THƯ THÁNH 書聖 (Ông Thánh trong Thư Pháp) đời Tấn là Vương Hi Chi 王羲之 nổi tiếng với Thiếp Lan Đình; Vì Bà là bà dì cô cậu với mẹ của Vương Hi Chi. Bà mất năm Vĩnh Hòa thứ 5, thọ 78 tuổi. 
      Trong bài thơ thất ngôn cổ phong "Túy Ca Hành" của Đỗ Phủ《醉歌行》 杜甫 có hai câu chỉ khí thế của văn chương và ngòi bút của văn nhân nhiều khi mạnh mẽ đến có thể làm cho nước chảy cuồn cuộn ở Tam Hiệp của Trường Giang chảy ngược lại, cũng như ngòi bút của văn nhân lắm khi dũng mãnh đến có thể quét tan cả ngàn vạn quân thù :
      
               詞源倒流三峽水,  Từ nguyên đảo lưu Tam Hiệp thủy,
               筆陣獨掃千人軍.  BÚT TRẬN độc tảo thiên nhân quân.
Có nghĩa :
               Lời dũng mãnh đảo lưu Tam Hiệp,
               Bút kiêu hùng quét sạch ngàn quân.

     Trong bài Hát nói (ca trù) "Chí Nam Nhi" của Hi Văn Nguyễn Công Trứ có câu :

                     Đã xông pha BÚT TRẬN, 
                     thì gắng gỏi kiếm cung,
                     Làm cho rõ tu mi nam tử...

     Còn trong truyện thơ nôm khuyết danh "Lưu Nữ Tướng" thì có câu :

                     Có phen đạp tuyết tìm mai,
                 Hứng vui TRẬN BÚT, thơ bài bách thiên.

                 Inline image
                                Vệ Phu Nhân và Bút Trận Đồ 

     TRÂU LỖ 鄒魯 : Tên hai nước thời Chiến Quốc. LỖ là quê hương của Chí Thánh  Khổng Tử; TRÂU là quê hương của Á Thánh Mạnh Tử. Nên TRÂU LỖ dùng để chỉ những vùng đất hưng thịnh về văn hóa văn học, hay chỉ những người học trò học theo đạo Nho ngày xưa. Như trong bài thơ "Rắn Đầu Biếng Học" của Lê Qúy Đôn theo tích sau đây :

     Tương truyền, một hôm Tiến sĩ Vũ Công Trấn tới nhà thăm bạn là Tiến sĩ Lê Trọng Thứ là người bạn cùng đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn 1724. Đến đầu làng gặp mấy đứa bé đang tắm dưới sông, bèn kêu một đứa bé mặt mày sáng sủa để hỏi thăm nhà của ông Tiến sĩ Thứ. Đứa bé trần truồng leo lên bờ, đứng dang hai tay hai chân ra, hỏi :"Ông biết đây là chữ gì không, nói đúng thì tôi sẽ chỉ đường cho". Thấy thằng bé lí lắc thông minh ngộ nghĩnh, ông mới cười đáp :"Đó là chữ ĐẠI 大, ai mà không biết !" Thằng bé ranh mãnh chỉ tay xuống háng đáp :"Ông nói sai rồi. Đây là chữ THÁI 太! " Nói xong cười ngất, bỏ chạy về nhà. Khi tới nhà bạn mới biết thằng bé khi nảy là Lê Quý Đôn, con của bạn. Nghe kể lại, Lê Trọng Thứ mới gọi con ra trách mắng và đòi đánh đòn. Vũ Công Trấn thấy ông thông minh nên đã xin tha cho ông với điều kiện phải ứng khẩu đọc một bài thơ tạ tội. Ông xin ra đầu đề. Ông Trấn nói: "Phụ thân cậu đã bảo cậu “rắn đầu biếng học”, cậu cứ lấy đó mà làm đề bài". Lê Qúy Đôn ngẫm nghĩ một chốc rồi đọc bài thơ sau đây :

                   Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà!
                   Rắn đầu biếng học chẳng ai tha.
                   Thẹn đèn, hổ lửa, đau lòng mẹ,
                   Nay thét, mai gầm, rát cổ cha.
                   Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối,
                   Lằn lưng cam chịu vết roi tra.
                   Từ nay TRÂU, LỖ xin siêng học,
                   Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!

      Đề bài là do ông Vũ Công Trấn ra, ý nói cậu bé cứng đầu, lười học. Vậy mà Lê Quý Đôn đã rất tài tình sử dụng từ “rắn” để ghép vào trong nội dung các câu thơ của mình; như rắn liu điu, rắn đầu, rắn hổ lửa, rắn mai gầm, rắn ráo, rắn thằn lằn, rắn hổ trâu, rắn hổ mang và lại tự ví mình như là Khổng Tử và Mạnh Tử (từ nay Trâu Lỗ xin siêng học), làm cho ông Trấn hết sức thán phục.

                      Inline image
                                  Rắn đầu Biếng học
        
     TRẺ TẠO HÓA chữ Nho là HÓA NHI, là CON TẠO. TẠO HÓA 造化 là Sáng tạo và diễn hóa, là tạo ra, là làm nên theo diễn biến của tự nhiên. Nói cho dễ hiểu : là đấng thiên nhiên (là Ông Trời) tạo ra vũ trụ, vạn vật và muôn loài kể cả con người. Nhưng trong qúa trình của cuộc sống, người ta hay gặp những điều trắc trở, bất đắc ý, nên thường oán trách là "Tạo Hóa Trêu Ngươi","Con Tạo Lá Lay". Rồi đâm ra khinh bạc mà gọi cái "Đấng Tự Nhiên" tạo ra mình là TRẺ, là CON, là NHI...  Như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã cho nàng cung phi buông lời oán trách :

                     TRẺ TẠO HÓA đành hanh quá ngán,
                     Chết đuối người trên cạn mà chơi...

      Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thì cho Thúy Kiều oán trách khi bị Sở Khanh lừa gạt và bị Tú Bà đuổi theo bắt lại :

                     HÓA NHI thật có nở lòng,
                  Làm cho dày tía vò hồng lắm nao.
                     Một đoàn đổ đến trước sau,
                 Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời...

                Inline image
                                    HÓA NHI thật có nở lòng,

      Theo chương Nội Tắc trong sách Lễ Ký 《禮記.內則》có câu : "Tử sinh. Nam tử thiết hồ vu môn tả, Nữ tử thiết thuế vu môn hữu". Có nghĩa : "Con được sinh ra; nếu là con trai thì treo cây cung ở bên trái cửa ra vào; Nếu là con gái thì thì treo cái khăn tay ở bên phải cửa ra vào". Nên...
      Sanh con trai gọi là TREO CUNG như trong truyện thơ Nôm Quan Âm Thị Kính, tả về gia thế của Mãng Ông, cha của Thị Kính, có câu : 

                        Lũng Tài quận ấy không xa,
                  Hồ Nam huyện Bắc, có nhà Mãng Ông. 
                         Gia tư thời cũng bậc trung,
                 Chỉn hiềm trước cửa TREO CUNG còn chầy.
       
      "TREO CUNG còn chầy" là chưa có con trai. Đến khi sinh được Thị Kính là gái thì viết là :

                        Vết Kim Tiễn kể thiêng thay,
               Báo thai mộng nguyệt, mãn ngày TREO KHĂN.
                        Tuy chưa phải đấng thạch lân,
               Khấn cầu cũng bỏ người thân muộn màng.
                         Đặt cho Thị Kính tên nàng,
                Đượm nhuần sắc nước, dịu dàng nét hoa.

              Inline image

      TRÊN BỘC TRONG DÂU chữ Nho là TANG TRUNG BỘC THƯỢNG 桑中濮上. Theo sách Lễ Ký 禮記, chỉ các trai gái của nước Vệ thời Chiến Quốc thường hò hẹn nhau đến rừng dâu trên sông Bộc để hát hò rồi xảy ra chuyện dâm loạn với nhau. Nên "Trên Bộc Trong Dâu" dùng để chỉ sự quan hệ bất chính giữa trai và gái.
      Khi Kim Kiều gặp gỡ trong đêm hẹn ước với nhau và khi "Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chiều lả lơi" thì Thúy Kiều đã "xì-tốp" chàng Kim Trọng lại bằng câu :

                ... Ra tuồng TRÊN BỘC TRONG DÂU,
                    Thì con người ấy ai cầu mà chi.
                         Phải điều ăn xổi ở thì,
                 Tiết trăm năm nở bỏ đi một ngày ?!...

      Còn trong truyện "Trinh Thử" thì nói gọn lại thành TANG BỘC như lời của nàng  Chuột Bạch :
 
                     Ví đem TANG BỘC thói thường,
                  Xưa nay dạ sắt gan vàng như không...

            Inline image
                          TRÊN BỘC TRONG DÂU là TANG TRUNG BỘC THƯỢNG 桑中濮上  
                  
      Hẹn bài viết tới !

                                                                      杜紹德
                                                                  Đỗ Chiêu Đức
anh_cua_trung_nguyen_11
 


























































































 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)