bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 163
Trong tuần: 1481
Lượt truy cập: 774937

THẾ GIỚI THƠ VÕ VĂN HOA

 

Thế giới thơ Võ Văn Hoa

                  TS. BÙI NHƯ HẢI

  1. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” (Quý ở sự tinh, chứ đừng quý ở sự nhiều) là một trong những quy luật trong sáng tạo nghệ thuật, mà văn nghệ sĩ nào cũng phải hướng đến. Dẫu là thế, nhưng tôi cũng thiết nghĩ rằng, trong một trường hợp nào đó, đôi lúc cũng cần có “đa” mới có “tinh”. Với nhà thơ Võ Văn Hoa, “đa” hay “tinh”, nhiều hay ít, thì đó không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà điều tâm niệm trong sáng tác của mình là cốt viết bằng sự đam mê, nhiệt huyết, chân thành, chứ không được giả dối, không được điệu đà, không được khoa trương hay triết lý một cách rối rắm, khô khan. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với thơ ca, Võ Văn Hoa đã đạt được rất nhiều các giải thưởng về thơ, nhưng lại chưa bao giờ khoe khoang về các giải thưởng ấy. Trong một lần “trà dư tửu hậu”, nhà thơ Võ Văn Hoa tâm sự với tôi rằng: Đối với những người sáng tác văn chương, giải thưởng cũng rất là quan trọng, đó cũng là niềm vui, động lực đối với người sáng tác, nhưng giải này hay giải kia, thì đó không phải là cái đích cuối cùng cần đến. Do đó, trong hành trình sáng tác thơ của tôi, điều mà tôi mong muốn nhất, khao khát nhất chính là phải tạo ra bằng được những tác phẩm thơ hay hơn, mới hơn, thật hơn với chính mình. Và tôi viết thơ bằng chính cái tâm của mình hơn là viết bằng cái tài. Có như thế, thì mới gần gũi được với bạn đọc, nhà thơ mới thực sự tồn tại cùng với năm tháng.

Thơ Võ Văn Hoa được đăng rất nhiều trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương, được tuyển chọn vào các tập thơ in chung. Sau đó, Võ Văn Hoa đã tập hợp lại những bài thơ tiêu biểu, rồi in thành các tập thơ: Còn ta với mình (Nxb. Thanh Niên, 2004), Gió cuối mặt sông (Nxb. Thuận Hoá, 2008), Phù sa tình (Nxb. Hội Nhà văn, 2012), Cỏ phiêu bồng (Nxb. Hội Nhà văn, 2020). Có được thành quả đó, chính là nhờ vào quá trình làm việc thật sự nghiêm túc, miệt mài, không biết mệt mỏi, để làm nên chứng chỉ thi ca và chứng chỉ thời gian của hành trình nghệ thuật, mà anh đã trót nặng nợ, đa mang, thậm chí còn cả hệ lụy nữa, nhưng không thể khước từ, không thể lặng im. Khảo sát từ các tập thơ trên và một số bài thơ khác đăng trên các trang mạng, tôi nhận thấy thế giới  thơ Võ Văn Hoa rất đa dạng và phong phú. Cảm hứng sáng tạo chính trong suốt đường thơ của anh chính là sự hòa quyện của những cảm hứng lớn về nguồn cội, đất nước, thiên nhiên, tình yêu, thế sự nhân sinh,... và cả những nỗi niềm vui buồn, ân nghĩa cuộc đời nữa.

  1. Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một quê hương để thương, để nhớ. Quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn, nơi sinh ra, rồi lớn lên của những năm tháng ấu thơ và trưởng thành. Quê hương – hai tiếng thiêng liêng nhất vì thế đã đến với Võ Văn Hoa trong tiếng nói đầu tiên của hành trình sáng tác thơ ca của mình. Võ Văn Hoa vốn sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, đằm thắm hương vị của ruộng đồng và biển cả, nên luôn mang trong tâm hồn một tấm lòng tha thiết với nguồn cội. Quê hương luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim như vậy, nên bước vào đời thơ anh đã sáng tác ngay bài thơ Quê mẹ Hải Lăng đầy ngọt ngào và da diết. Đây là một trong những bài thơ tiêu biểu của mảng thơ viết về quê hương, đất nước. Bài thơ rất chân thật, nồng nàn và trong sáng, giàu cảm xúc. Lời thơ lại mộc mạc, trong trẻo, giản dị và một chất giọng tâm tình, nên đã làm bạn đọc tưởng như lời tâm tình đầy sâu nặng, tình yêu nồng mặn của chính mình đối với quê hương, đất nước.

 

 

Có một miền quê nồng nàn đến thế

Tôi đưa em về quê mẹ Hải Lăng

Có một vùng quê nồng nàn đến thế

Tôi đưa em về huyện trũng Hải Lăng

Có một vùng quê nồng nàn như lửa

Qua đạn bom mới yêu hết tình đời

Miền quê nghèo giàu nhân nghĩa nhân gian

Có một miền quê, có một miền

quê “rũ bùn đứng dậy”

Chói sáng tim hồng

Hải Lăng - chốn quê của nhà thơ, một vùng quê cát trắng bao quanh, cánh đồng chiêm trũng thẳng cánh cò bay, con sông Vĩnh Định chảy quanh bốn mùa xanh mát, biển bãi trải dài, bờ xanh lúa khoai, buổi trưa hè oi ả tiếng ve kêu,... tạo nên vẻ đẹp nhỏ nhẹ, đằm thắm và thơ mộng. Đặc biệt, hình ảnh con sông Vĩnh Định đã trở thành kỷ niệm đẹp, ăn sâu vào tâm thức của anh của một thời đã từng gắn bó với tuổi thơ đầy hoa mộng. Để rồi, con sông ấy được anh ký thác tâm tình qua bài thơ Vĩnh Định ơi ta về:

Bờ tre xanh nghiêng bóng

Con sông nhỏ về đâu?

Con sông nhỏ nông sâu

Vĩnh Định ơi ta về

Bài thơ được nhạc sĩ Phan Thạch Hùng phổ nhạc đã tiếp sức thêm để bài thơ tiếp tục lan tỏa đến với bạn đọc nhiều hơn, nên tâm hồn Võ Văn Hoa phơi phới, bay bổng và xúc động, góp phần tạo thêm động lực để anh đi suốt chặng đường sáng tạo đầy chông gai, khó khăn nhưng cũng rất hạnh phúc tròn đầy.

Quê hương Võ Văn Hoa cũng lớn hẳn lên với một khí thế chiến đấu tưng bừng của những người con ưu tú đã từng tham gia chiến đấu, anh dũng hy sinh để quê hương, Tổ quốc được hòa bình:

Về bãi ngang một thời oanh liệt

Mồ chen thôn xóm năm nào

Bao người mẹ anh hùng,

bao người con bất tử!

Hải Lăng trong tôi

(Quê mẹ Hải Lăng)

Những người mẹ, người chị, người anh, người em,... của quê hương nhà thơ đã trở thành bức tượng đài bất khuất, huyền thoại trong lòng của người dân nơi đây nói riêng và của toàn dân tộc nói chung. Trong tâm hồn nhà nhơ vì thế cũng đã đâm chồi, nảy lộc một niềm tin vào sức mạnh thật kì diệu của quê hương người thơ:

Đảng chỉ cho ta đường ra phía trước

Để mai sau đón lấy mùa vàng

Con muốn bơi giữa dòng đời đẹp thế!

Báo tin vui ngày nước đến muôn làng

(Nước đã về trên cách đồng Triệu Hải mẹ ơi)

Võ Văn Hoa làm quản lý giáo dục của một huyện, nên đã có nhiều chuyến đi thực tế, đồng thời thích xê dịch để hiểu biết, nắm bắt thêm về đời sống văn hóa và con người ở những miền quê mới. Những địa danh, tên đất, tên làng mà anh đã từng ghé đến thăm đều trở thành nguồn cảm hứng dạt dào như Hạ Long, Qua đèo Hải Vân, Một mình với Huế, Thơ viết từ mùa xuân đôi chín, Đêm Đà Lạt,... Với tài quan sát, tinh nhạy, Võ Văn Hoa đã tìm thấy nhiều miền quê mới đầy thú vị, tươi đẹp như:

Một Tiên Điền:

Làng quê nghèo như bao làng quê khác.

Sóng Cửa Hội vẫn vỗ vào đất liền âm ba của thơ

(Tiên Điền)

Một Đà Lạt mộng mơ, lung linh, huyền ảo trong sương mờ, ảo ảnh:

Đêm chùng xuống thông xanh

Một Đà Lạt mờ sương ảo ảnh

Ven Hồ Xuân Hương se lạnh

(Đêm Đà Lạt)

Một cố đô Huế cổ kính, rêu phong:

Màu tím Huế chiều Hoàng Thành bịn rịn

Không gian Huế bức tranh trầm mặc

Tố nữ ơi xuân tím đến bao giờ?

(Thơ viết mùa xuân đôi chín)

Một thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và thơ mộng của Hồ Gươm:

Bừng thức chuyện rùa vàng

Hồ gươm xanh bóng phố

Hạt ngọc qua thời gian

Sáng ngời trang cổ sử

(Bên hồ Gươm)

Yêu mến quê hương mình, yêu mến những miền quê, địa danh khác trong cả nước cũng chính là yêu mến đất nước. Mỗi bước đi của hôm nay luôn gắn liền với lịch sử của ngày hôm qua, và cũng chính là sự ngời sáng của ngày mai, của tương lai. Ngợi ca những miền quê, những địa danh cũng như đời sống con người ở những miền quê ấy đều xuất phát từ tình yêu quê hương được nâng lên thành tình yêu Tổ quốc của Võ Văn Hoa. Tôi rất thích những bài thơ viết về quê hương, đất nước phả đầy những xúc cảm, thao thiết, mặn nồng của người thơ vì sự hồn nhiên, mộc mạc, chân thật và cả lời tâm sự thủ thỉ, tấm lòng da diết với quê hương, đất nước không hề đổi thay.

  1. Mảng thơ sáng tác về gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp, bản thân và thế sự, nhân sinh,... cũng là một chủ đề lớn trong thơ Võ Văn Hoa. Thế giới nhân vật - con người trong thơ khá đa dạng, phong phú. Có đủ hạng người, lớp người, từ trẻ em đến người già, từ người nông dân đến người trí thức,… đều là đối tượng để anh viết lên những vần thơ mặn nồng, cháy bỏng. Mở đầu tập thơ Gió cuối mặt sông là bài thơ Có một nơi xa nào. Bài thơ viết về một người con gái - chiến sĩ anh hùng, gan dạ, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ và không xác định ngày trở về, chỉ có lý tưởng, mục tiêu duy nhất “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”:

Em vẫn đi dọc Trường Sơn

Tìm lại dấu chân son những ngày khói lửa

Đồng đội em ngã xuống nơi nào?

Cây rừng kèn dày phế tích

(Có một nơi xa nào)

Người con gái trong bài thơ chính là hình ảnh tiêu biểu cho sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, bất khuất, anh hùng,... Người phụ nữ ở bất kỳ đất nước nào trên thế giới, cũng không giống như người phụ nữ Việt Nam. Ở họ có một sức mạnh phi thường, vừa phải hứng chịu nhiều trận mưa bom bão đạn, đau thương, tan tác, vừa phải đứng lên để đánh giặc, bảo vệ quê hương, đất nước:

Cả Thị xã máu trộn cùng vôi vữa trắng thời gian. Dòng Thạch Hãn như vết cắt nhói tràn đất mẹ,...

(Vĩ thanh Thành Cổ)

Những người phụ nữa như chị Trần Thị Tâm - một người con ưu tú Hải Lăng, đang còn tuổi rất trẻ nhưng lại có một tấm lòng yêu nước, có lý tưởng cách mạng, kiên trung, căm thù lũ giặc cướp nước, quyết đứng lên từ trong đau khổ để chiến đấu, bảo vệ từng tất đất của làng quê, và rồi đã anh dũng hy sinh. Những chiến công và cả sự hi sinh của chị Trần Thị Tâm được xem như một huyền thoại về lòng yêu nước, về ý chí bất khuất, kiên cường của người con gái miền cát trắng gió lào:

Nơi này xưa chị ở

Cả vùng trời màu xanh

(Ở một chân trời quê hương)

Viết về Lê Duẩn - một người con ưu tú, xuất sắc của mảnh đất Quảng Trị anh hùng nói riêng và cả nước nói chung, một bậc lãnh đạo một thời của đất nước tài ba, có tầm vóc, Võ Văn Hoa đã dành trọn vẹn tất cả tình cảm chân thành, và tấm lòng tôn kính, ngưỡng mộ, cảm phục:

Vẫn làng quê như bao làng quê khác

Vẫn ngôi nhà mộc của bậc sinh thành

Người học trò xuất sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh

 “Nhành mai đỏ” bên dòng sông Thạch Hãn

Đại thắng Mùa xuân dấu son tươi sáng

Lịch sử sang trang

Ông - một con người toàn vẹn với non song

                 (Thăm nhà Tổng Bí thư Lê Duẩn)

Hay là, những người lao động chân bùn, tay lấm, những người hăng say dựng xây cuộc sống mới nơi mảnh đất mới cũng được Võ Văn Hoa quý mến, trân trọng và ngợi ca:

          Những cô gái Lệ Ninh nói ít làm nhiều

          Vết chai sạn hằn lên da thịt

          Dù không nói ra, anh vẫn biết

          Xe cát nhọc nhằn không uổng đâu em

     

          Có mồ hôi em lúa sẽ lên xanh

          Đất và nước hẹn mùa sáu tấn

          Đồng Triệu Hải những ngày vui vô tận

          Nước đã về. Em lại tiếp ra đi...

(Những cô gái Lệ Ninh)

Có những bài thơ Võ Văn Hoa viết khá hay về bạn bè, về đồng nghiệp và đồng văn của mình. Đó là những người cùng một chất sống, cùng một đam mê, cùng một sở thích cháy bỏng giống như anh:

          Nhiều đêm dốc bầu thức trắng

          Nghêu ngao thơ phú nỗi niềm

          Bất luận nắng mưa sớm tối

          Tìm về một cõi thân quen

(Nét xuân)

Khởi nghiệp là một nhà giáo, sau đó lên làm quản lý giáo dục, vì thế Võ Văn Hoa rất thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn, vất vả và đầy khó khăn của đồng nghiệp mình trong việc đưa cái chữ lên miền núi, về miền xuôi cho các em, các cháu:

 

          Quê anh lầm lội cơn mưa

          Đồng nước bạc ngỡ như chưa bao giờ

          Em về dạy các em thơ

          Mấy mùa gian khó nối bờ thương yêu

                             (Gửi em cô giáo trường làng)

Hay:                   

          Các cô giáo miền xuôi lên đây cắm bản

          Dốc chiều nghiêng!

          Gian khó buổi đầu không thể nào quên

(Như hoa Cà-phê trắng)

Võ Văn Hoa rất tiếc thương, nhớ đến những đồng nghiệp một thời từng gắn bó với “Những tháng năm dài gian khổ bên nhau”, trong “Tình bè bạn men nồng thức trắng” đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong khi “trang đời mới mở”, để lại “bao nỗi thương đau” cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp của mình:

          Tin mới nhận bồi hồi nóng bỏng

          Có thể nào bạn đã ra đi

          Hải Khê ơi! Trong từng lời sóng vỗ

          Chia cùng ta bao nỗi thương đau

(Cho người nằm xuống)

Cũng có những con người, Võ Văn Hoa chưa từng quen biết, gặp gỡ bao giờ. Nhưng nếu anh đã đến bất kỳ ở đâu, bất kỳ nơi nào mà có gặp nhau, mến nhau cũng sẽ trở thành đối tượng để viết thành thơ. Trong một lần về thăm quê, anh đang đi trên con đường làng, giữa cánh đồng lúa xanh, những con đê xanh rì cỏ mọc, có một cháu bé đang chăn trâu, thì liền hồi nhớ lại một thời niên thiếu đã cùng lũ bạn ở quê ra đồng chăn trâu và nô đùa tinh nghịch. Hình ảnh ấy, liền trổi dậy từ ký ức, nên nhà thơ đã viết thành bài thơ Đứa bé chăn trâu đồng làng rất hay, rất nhí nhảnh và tinh nghịch:

          Lâu chú mới về thăm làng

          Gặp cháu nghêu ngao gõ sừng

          Tan học chăm trâu giúp mẹ

Thơ viết về gia đình của Võ Văn Hoa là một mảng thơ cũng khá hay, giàu nghĩa tình, đậm tính nhân văn. Gia đình chính là nơi, mà mỗi chúng ta dù có đi đâu cũng phải nhớ về, phải yêu thương. Bởi ở đó, chúng ta không chỉ có bố mẹ, con cái, mà còn có cả một bầu trời yêu thương của ông bà, anh chị em, cháu chắt,… nữa. Bài thơ Bố gieo vào tâm hồn người đọc một câu chuyện tâm tình, mộc mạc, hồn nhiên của nhà thơ về người cha thân yêu của mình. Những lời dặn dò hồn hậu của người cha đối với nhà thơ, cho ta thấy được tình cảm của cha đã dành trọn vẹn cho con như thế nào. Những lời khuyên, lời dạy và cả sự gửi gắm, kỳ vọng của cha vào đứa con yêu thương nhất - người thơ. Tất cả được bày tỏ trong bài thơ rất đỗi thân mật, tự nhiên: 

 

          Cha - một người cha mẫu mực,

          Bố - người thầy đầu tiên của con

          Truyền dạy cho con

những Minh tâm Bửu giám

          Lên chút nữa, qua truông dài rú rậm

          Bố dắt con mỗi sớm đến trường

          Thời gian khó nhà đong từng bữa gạo

          Nếp gia phong từng mũi chỉ đường kim

          Bố răn dạy học văn học lễ

          Để mai sau con mãi kiếm tìm

Sự hy sinh của cha mãi luôn khắc ghi trong lòng của người thơ. Công ơn của cha tựa như núi biển, làm sao đền đáp hết được. Hình ảnh người cha thân yêu thuở nào chăm bẵm, đưa đón người thơ mỗi sớm đến trường, nhưng giờ đây cha đã sang tuổi bát tuần, nên mắt đã mờ, tai đã lãng và rồi một ngày kia cha đã ra đi mãi mãi không về nữa:

          Giờ sang tuổi tám mươi tai lãng, mắt mờ

          Tâm vẫn sáng, nếp nhà xưa vẫn giữ

          Ngày đi xa, con càng thêm hiểu bố

          Bố mãi là người thầy trong trái tim con

Mẹ - người con gái làng Văn, một thời xinh đẹp, “đoan trang tính cách má môi hồng” đã khiến bao chàng trai ở làng “phong trần ngơ ngẫn tiếc” nuối, vì đã cùng chàng trai khôi ngô, tuấn tú ở làng Lam Thủy cùng thề non, hẹn ước:

          Mẹ ngày xưa chắc đẹp lắm

          Con gái làng Văn đi lấy chồng

          Có kẻ phong trần ngơ ngẩn tiếc

          Từ đây vắng bóng một bông hồng

(Con gái làng Văn)

Năm tháng qua đi, giờ đây trên khuôn mặt của mẹ đọng lại những nếp nhăn, dáng mẹ lại gầy hao:

          Dáng mẹ hao gầy vào ra sớm tối

          Gậy khua vào bảng lảng hoàng hôn

(Bão)

Ngoài cha mẹ, Võ Văn Hoa cũng đã dành trọn vẹn tình cảm của mình cho người bạn đời - người vợ dấu yêu qua bài thơ Đêm nói gì cùng ta và một số bài thơ khác in rải rác trong bốn tập thơ:

          Tiễn em về phố xóm

          Ánh đèn mãi lung linh

          Để rồi đêm huyễn hoặc

          Chất sâu nặng ân tình

   

          Tiễn em rời phố xóm

          Chẳng thể nào cách xa

          Điệp trùng mây - sóng - biển

          Đêm nói gì cùng ta

Những người con, người cháu,... cũng được Võ Văn Hoa thể hiện tình cảm yêu thương dào dạt qua những bài thơ tràn đầy cảm động, luyến thương như Thơ tặng con gái Võ Hoàng Yến, Gửi con trai, Thơ tặng con gái Võ Hoàng Phương, Yêu thương dành cho cháu Win, Cháu tôi,…

Con người trong thơ Võ Văn Hoa có đầy đủ đối tượng, với muôn vàn tính cách, hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều xuất hiện một cách có khí phách, có tầm cỡ và giàu tình cảm, nghĩa tình, mang vóc dáng riêng của bản thân, góp phần làm giàu thêm mình bằng chất tiểu thuyết, chất đời, chất người như nó vốn có, vốn đang tồn tại. Cái tôi trữ tình của nhà thơ vì thế cũng rất phong phú, lớn lao, có sự hóa thân, gửi gắm vào những nhân vật trữ tình - con người ấy.

  1. Từ xưa tới nay, thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng vô tận, nhưng mỗi nhà thơ lại có cách tiếp cận, miêu tả khác nhau, vì thế thơ viết về thiên nhiên cũng mang đậm dấu ấn sáng tạo khác nhau ở mỗi nhà thơ. Nhà thơ Võ Văn Hoa rất yêu quý, đắm say thiên nhiên, nên cũng “tức cảnh sinh tình”, “vẩy bút” đề thơ. Các bài thơ viết về thiên nhiên của anh vì thế cũng rất dạt dào cảm xúc, sống động và đầy quyến rũ, thơ mộng, thể hiện tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống và yêu đời của nhà thơ. Đọc thơ các bài thơ về thiên nhiên, độc giả sẽ thấy ngập tràn những sông nước, trời biển, trăng, mây gió, hoa lá, rơm rạ, cá chim,... rất dào dạt, ấm áp, tràn đầy sức sống mãnh liệt, như có một linh hồn. Thiên nhiên vì thế đã trở thành bầu bạn, sẻ chia, tâm tình với con người:

          Thôi đừng trách anh, nghe em

          Mình bỏ lại cho nhau mùa xuân đôi chin

          Mùa tím Huế, chiều Hoàng Thành bịn rịn

          Ta còn gì chia sớt nắng sương pha

                             (Thơ viết mùa xuân đôi chín)

Mỗi năm có bốn mùa, Xuân qua Hạ tới, Thu tàn Đông đến. Đây chính là quy luật của thiên nhiên, và mỗi mùa gắn với những đặc trưng quy luật riêng:

          Mùa thu qua cuối trời...

          Để mùa đông khô khốc

          Mùa xuân qua mau

          Mùa hạ vương buồn trên lá

(Ngày ấy lâu rồi)

Trong bốn mùa, thì mùa Xuân và mùa Thu in đậm dấu ấn trong thơ Võ Văn Hoa hơn cả. Người thơ không chỉ rung động trước vẻ đẹp của mùa Xuân căng đầy sức sống, trước thời khắc giao mùa, cây cối đôi chồi, nảy lộc, trăm hoa đua nở, mà còn như để níu kéo ai đó trên đường xuân nữa:

          Bây giờ còn chi để nói

          Khi bên ngoài úp cánh mùa xuân!

          Mây buồn nhớ xuôi chân về đỉnh núi

          Gió còn thương nên vấn víu cây cành!

          Còn gì không em khi mùa xuân đến

          Ta âm thầm đếm bước mãi đi xa

(Mùa xuân cuối trường)

Mùa Xuân luôn tạo nguồn cảm hứng để nhà thơ tỏ bày cái nhìn đầy lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống tươi đẹp, đong đầy yêu thương:

          Mùa xuân mai nở non cao

          Mai nở vàng sông rực suối

(Núi Mai)

Mùa Thu cũng đem đến cho người thơ Võ Văn Hoa nhiều cảm xúc bâng khuâng, nhiều hoài cảm, nên cũng mang lại một nguồn cảm hứng bất tận để viết lên những bài thơ về mùa Thu hay đến vậy. Trong bài thơ Ra giêng anh cưới, Võ Văn Hoa đã vẽ lên một bức tranh màu Thu nơi núi rừng Trường Sơn hùng vĩ thật là đẹp, đầy sắc màu lung linh của sự sống, chứ không phải là một bức tranh mùa Thu nhuốm màu u hoài, ảm đạm:

          Chớm thu vàng cánh lá

          Anh mãi còn đi xa

          Trường Sơn heo hút quá

          Đêm thức mỏi tiếng gà

Dẫu núi rừng Trường Sơn có heo hút, có ngút ngàn nhưng người đọc vẫn không thấy ở đó bức tranh mùa Thu vàng vọt và ủy mị, mà là một bức tranh Thu êm đềm, đầy duyên dáng, với những đường nét tươi mới, đầy sức sống của một vùng đất mới, với một cuộc sống mới bắt đầu:

                

Ta nâng chén với mùa thu Đất Nước

          Cất cao lên tiếng hát mọi nhà

          Hướng mở có rồi thẳng đà lên phía trước

          Chân trời vui xanh sắc sáng thu này

(Cùng mùa thu)

Đọc những bài thơ về mùa Thu, người đọc thật sự ngẩn ngơ, thao thiết trước bức họa của nhà thơ Võ Văn Hoa về bức tranh của mùa Thu. Mùa Thu trên đất Cố đô Huế trong tâm tình có cái gì đó rất xao xuyến tận bên trong tâm hồn của con người:

          Có một chiều thu hiền dịu

          Em như góc bể xanh màu

          Viên mãn bên trời ai níu

          Trong chiều Đại Nội buông mau

(Thu Hương)

Những con sông, biển cả, núi non,... cũng ùa vào trang thơ Võ Văn Hoa. Sông chảy êm đềm, dịu nhẹ mang đầy phù sa và kỷ niệm. Biển êm trôi từng con sóng nhỏ, đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Núi trùng trùng điệp điệp, không hoang sơ nhưng lại phủ đầy hoa và tuyết. Võ Văn Hoa viết nhiều về sông nước quê hương, sông nước Việt Nam. Có những con sông cụ thể gắn với những kỷ niệm của thời ấu thơ, của nỗi đau chia cắt và của chứng nhân lịch sử:

          Sông một thời dậy song

          Chôn giặc xuống bùn đen

(Vĩnh Định ơi ta về)

Hay:       

Trầm tích một “tình sử Ô Lâu”

Tôi đi về phía dòng sông ban mai quá khứ

Nào ai biết vị tiến sĩ đầu tiên ở Đàng Trong

Bùi Dục Tài bươn bả ra đất nghìn năm kinh sử

Để năm trăm năm sau bia đá bảng vàng

(Bên này sông Ô Lâu)

Trăm con sông, nghìn suối rạch đều cùng đi ra biển cả. Biển của quê hương, của đất nước, của tình thương, của cuộc sống ấm no cho con người:

          Mùa xuân này anh ra biển cả

          Còn đây những âu thuyền cảng cá

Biển gắn liền với kỷ niệm của tình yêu:

          Một chấm xanh giữa trùng khơi

          Mùa xuân này anh ra biển cả

          Cồn Cỏ nở đầy hoa

          Một chấm xanh anh về

(Một chấm xanh)

Biển còn là chứng nhân lịch sử gắn với sự anh dũng chiến đấu của những người con ưu tú:

          Nơi này chị đã nằm

          Sớm chiều nghe sóng hát

          Nghe tháng năm dào dạt

          Nhắc những điều mến thương

(Ở một chân trời yêu thương)

 Trong thơ Hàn Mặc Tử, hình ảnh ánh trăng đẹp một cách lạnh lùng và kì dị. Trong thơ Xuân Diệu, hình ảnh trăng là nhịp cầu nối của tình yêu đôi lứa. Còn trong thơ Võ Văn Hoa, hình ảnh ánh trăng lại mang sắc thái, cung bậc tình cảm đa dạng, mang khuôn mặt nhớ, thương trong cái sâu lắng, cái tâm tình của một người đang yêu nồng cháy, tha thiết:

          Ví dụ trăng tròn bóng

          Hai mái đầu giao nhau

(Ví dụ)

Trăng choáng ngợp giữa không gian bao la:

          Trăng lẻ bóng, trăng trôi về đâu?

(Tình ca Ô Lâu)

Nhưng trăng còn trong tình nhớ, tình buồn, tình luyến thương khi phải cách xa, chia ly:

          Mười sáu vầng trăng em mười sáu

          Tiếng cười làng nón khuyết vào đâu

          Thăm làng mấy bữa muôn đời nhớ

          Ai để bài thơ nắng lợp đầu

(Làng Nón)

Chúng ta cứ tưởng tượng, nếu vũ trụ này không có trăng, thì địa cầu chắc hẳn sẽ biến dạng và lịch sử cũng sẽ khác đi, con người cũng sẽ thay đổi. Trăng vì thế quan trọng biết dường nào đối với sự sống và vẻ đẹp của trái đất này. Nhưng đó là vầng trăng của cõi Trời. Còn có một vầng trăng nữa, đó là vầng trăng của cõi Người, của cõi Mình, vầng trăng của tâm thức, vầng trăng của kí ức thời thanh xuân:

          Anh về với vầng trăng

          Đọc thơ tình năm tháng

                             (Kí ức thanh xuân)

  1. Thơ viết về tình yêu trong thơ Võ Văn Hoa cũng không phải là ít, nếu so với nguồn thơ tình dồi dào đến mức định in thành “từ điển” như một số nhà thơ khác. Nhưng ở đây, tôi muốn nói đến nét riêng trong thơ tình Võ Văn Hoa. Đọc các tập thơ, tôi nhận thấy thơ tình của anh không hề bộc lộ một cách sôi nổi, ráo riết và ồn ào, cuồng nhiệt, đắm say như nhà thơ Xuân Diệu - ông hoàng của thơ tình. Thơ tình của anh chính là thơ tình của người có tuổi, nên rất ý nhị, đằm thắm và lắng sâu, trang nhã, với một giọng điệu đầy tâm tình, thủ thỉ và nhẹ nhàng, buồn buồn của một thời hoa mộng chưa hề xa. Mạch nguồn của tình yêu ấy đều xuất phát từ một cái tình thực, từ một cảm xúc thực của nhà thơ, vì thế đã góp phần tạo ra nhiều vần thơ đẹp và thơ mộng cho tình yêu đôi lứa:

          Ra giêng anh cưới em

          Bên thềm xuân gõ cửa

          Còn vui nào hơn nữa

          Ra giêng về... cưới em

(Ra giêng anh cưới)

Những bài thơ tình hay, neo đậu trong lòng bạn đọc yêu mến là những bài thơ tình Võ Văn Hoa viết về những mối tình chân thật, giản dị và có chút nỗi đau trong sự chia ly, cách xa, nhất là mối tình đầu của một thời mộng mơ của cái thủa ban đầu đầy lưu luyến, nhớ thương ấy:

          Có phải từ bao giờ

          Vân vê tà áo mỏng

          Cánh chuồn bay trong thơ

          Cũng ngân vang tiếng sóng

          Anh từ nỗi đau xưa

          Quên sao ngày xa vắng

(Thơ tình)

Điều đó cũng hợp lẽ thường tình, vì suốt những năm tháng của tuổi học trò hoa mộng, với những ánh mắt, nụ cười, những rung động đầu đời,... đã đi vào trong ký ức của nhà thơ, nên cảm xúc nhớ thương trong xa cách ấy luôn thường trực trong tình cảm của nhà thơ. Đến khi bắt gặp mỗi hoàn cảnh cụ thể, thì nỗi nhớ ấy lại bùng lên, tạo những ý thơ, tứ thơ, hình ảnh thơ đầy xúc động qua những vần thơ rất sâu lắng, ý vị và tinh tế:

          Em hát tình ca đọng mật đời

          Dấu tình như thể chẳng buông lơi

          Anh mang gió nắng chiều rung nhẹ

          Đi tận chân mây đến cuối trời

(Người hát tình ca)

Những cung bậc của tình yêu đều được nhà thơ thể hiện qua những trạng thái, cảm xúc khác nhau, do đó chất trữ tình trong thơ Võ Văn Hoa đã đạt đến một độ chín nhất định, có sự bền vững.

Thơ tình Võ Văn Hoa, chính là mạch tình cảm chân tình nhất, không che đậy được lòng mình, và cũng không khoa trương, thi vị hóa, mà như là lời tâm sự, thấu hiểu lẽ đời, tình người, thấm thía từ cảm nhận xa xót, đắng cay trong tình nhớ, tình buồn:

          Bổng dưng trời đổ thay màu

          Em về buổi ấy nghe đau nhân tình

          Lời yêu từ độ chúng mình

          Để còn góc cạnh hành trình vời xa

          Bỗng dưng ngừng bặt khúc ca

          Khoảng không nỗi nhớ còn ta với mình

                                         (Còn ta với mình)

Đến như những nỗi buồn thấm thía nhất, đau đáu nhất, dang dở nhất của cuộc tình nhưng người thơ vẫn tìm về, neo đậu một chốn để nương nhờ, để ẩn khuất giữa bốn bể, đất trời:

          Anh về thăm lại Đakrông

          Cô gái năm xưa đã lấy chồng

          Cầu treo như nhắc ngày xưa cũ

          Anh mãi đi về một nhánh sông

                                         (Đakrông)

Đọc những bài thơ tình Võ Văn Hoa, độc giả thực sự xúc động trước những suy nghĩ đầy trải nghiệm về tình yêu, dù vui hay buồn, đủ đầy hay dang dở, gần gũi hay chia ly, hiện thực hay mong ước,... Tất cả, đều xuất phát từ hiện thực, từ tính thực của nhà thơ. Sự thể hiện của tính thực, chính là cái gốc để có được thơ hay, nhất là với thơ tình và thơ tình của Võ Văn Hoa có cái gốc vững chãi ấy:

          Mai em có về

          Huyện trũng quê anh

          Ngày mới quê hương trên đường đổi mới

          Bão lụt qua rồi-xốc hành trang đi tới

          Hải Lăng ơi quê mẹ anh hùng!

          Mai em có về

          Về làm dâu quê anh!

(Huyện trũng)

Nhà thơ luôn thấu thị được những giới hạn, mà mỗi người phải vượt qua những khó khăn, chông gai trong tình yêu để có được bến bờ của hạnh phúc. Có lẽ như thế, nên hơn một lần nhà thơ Võ Văn Hoa đã tự bạch rằng:

          Em đi ngang còn thơ thì đi dọc

          Em và thơ ngang dọc suốt đời tôi

Viết về đề tài tình yêu, Võ Văn Hoa có một cái nhìn, một cách thể hiện riêng khác, nên đã tạo được dấu ấn riêng, phong cách riêng. Có được như thế, chính là sự chân thật, mộc mạc, đậm đà, không cầu kỳ, bay bổng, choáng ngợp, đưa tâm hồn vào thế giới tình ái mông lung, ảo hóa - đây là yếu tố quan trọng, góp phần quyết định làm nên những vần thơ tình hay, được bạn đọc yêu mến:

          Ngày em hai mốt tuổi

          Người trồng cây si đứng vệ đường

          Áo trắng tung bay chiều ngược gió

          Đôi mắt vô tình thương đến là thương!

(Ngày em hai mốt tuổi)

Thiết nghĩ rằng, trong tình yêu cũng cần có sự bình đẳng. Bên cạnh cái rạo rực, xao xuyến của tình yêu tuổi trẻ, thì vẫn có cái sâu lắng, thâm trầm của lớp người lớn hơn. Tình yêu trong thơ Võ Văn Hoa vì thế không chỉ có “hoa thơm trái ngọt”, mà còn có cả “trái đắng”. Sự đa dạng trong diễn ngôn tình yêu, đã tạo nên một cung bậc tình yêu không hề giống ai của thơ tình Võ Văn Hoa.

  1. Sau năm 1975, đặc biệt từ sau Đổi mới đến nay, thế giới thơ ca đã có sự mở rộng biên độ trong việc tiếp cận hiện thực và con người, tạo nên sự phong phú và đa dạng hơn. Những cây bút thuộc lớp trẻ lại có điều kiện hơn để tìm tòi nghệ thuật thể hiện mới nhưng lại không tỏ ra lạnh nhạt với những thể thơ cũ. Võ Văn Hoa là nhà thơ thuộc thế hệ thứ 3 cũng đã tìm cách để hòa nhập cùng dòng chảy của thơ ca đương đại, nên đã chủ động, mạnh dạn thể nghiệm, cách tân, đổi mới mang tính hiện đại trong kết cấu, thể thơ (thơ tự do và thơ văn xuôi), ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu,... Tiên Điền, Tình ca Ô Lâu, Í a Xuân, Email xuân, Quà tặng, Như phiêu bồng thảo, Cỏ phiêu bồng,... là những bài thơ có sự phá cách, dẫu chưa thật sự mạnh mẽ, táo bạo nhưng lại không theo một khuôn mẫu cứng nhắc, nên đã tạo ra được thi tứ phong phú và đa dạng. Tình ca Ô Lâu là một bài thơ viết theo thể tự do, cách tư duy đa dạng, đã tạo nên một dạng thức phong phú trong kết cấu của bài thơ. Dẫu mạch luận lý không rành mạch nhưng trạng thái của tâm hồn lại ảo huyền, khải huyền, tạo nên một dòng chảy mạch ngầm xuyên suốt trong bài thơ, là một tâm trạng chứa đầy thất tình của một kẻ sinh tình đầy mơ mộng. Nhưng chính hai câu thơ toàn thanh bằng, đã tạo nên một sự nhẹ nhàng, giống như một đôi cách thiên thần, dẫu có một chút vô vọng và xót xa:

Dòng sông Ô Lâu - Em đi về đâu?

Dòng sông Ô Lâu - không còn em - tôi đi về đâu

Hay bài thơ Gạo ba trăng, dù mang sắc thái, dáng vẻ hiện đại (tư duy, thể thơ, kết cấu, ngôn từ,...) nhưng vẫn lưu giữ, vang vọng một trình tự dân tộc và màu sắc dân dã của nếp nghĩ vẫn cổ truyền:

                 Ăn gạo mòn răng mà chẳng biết

                 Hôm qua mạ nói: Gạo ba trăng

                 Mới hay gạo cá thơm tình mạ

                 Trời đất! Con quên cả chị Hằng

Nhưng khi thể hiện những suy tưởng về thế sự, nhân sinh, những tâm tình sử ký của một tấm lòng luôn “ưu thời mẫn thế”, thì Võ Văn Hoa lại dùng thơ văn xuôi. Tiên Điền, Vĩ thanh Thành Cổ,... là những bài thơ văn xuôi khá hay cả về ý nghĩa lẫn cấu tứ. Đoạn thơ sau trong bài thơ văn xuôi Tiên Điền là một minh chứng cụ thể. Bài thơ có sự thắt nút của vấn đề, nên nó có cái tứ chung, từ đó đem đến cho bạn đọc những cảm xúc đầy bất ngời và mới mẻ:

 Tế Hanh có “Bài học nhỏ về nhà thơ lớn” chuyện hôm nay có khác hơn. Trẻ em ở đầu làng đã đọc thuộc Kiều đương nhiên còn tận tường chỉ cho tôi đường về mộ Nguyễn. Tiên Điền tôi qua một lần thôi. Nhưng người giảng Kiều lâu năm trong tôi sẽ nhập thần hơn từ buổi sớm mai này

Nhìn toàn cục, thơ Võ Văn Hoa rất ít triết lý. Do đó, tính triết lý không trở thành một đặc trưng trong thơ, nhưng đôi khi cảm xúc đạt đến một độ chín nhất định, thì tự nó cũng trở thành triết lý cho thơ:

          Người đi rừng nhìn từ phía bể

          Nhà nông nhìn tổ kiến trên cao

          Anh yêu em nhìn từ đôi mắt

(Chớp bể)

Với sự thể hiện linh hoạt, đa dạng và phong phú, nên thơ Võ Văn Hoa thường có khả năng đi sâu vào những vấn đề rộng lớn của quê hương, đất nước, những vấn đề đời tư - thế sự và cả những nỗi niềm sâu thẳm bên trong tâm hồn của con người,...

Thơ Võ Văn Hoa thể hiện trên nhiều chủ đề, đề tài khác nhau, tạo nên sự phong phú và đa dạng. Từ tập thơ Còn ta với mình đến tập thơ Cỏ phiêu bồng đã vươn ra khỏi nẻo đường nhỏ hẹp để đến với một thế giới thơ rộng lớn hơn, phong phú và khoáng đạt hơn. Cảnh sắc quê hương, đất nước, con người và tình yêu,... được mở mang, tạo điều kiện cho độc giả khám phá thêm nhiều điều mới mẻ và thú vị. Tiếp cận dòng chảy thơ ca đương đại, Võ Văn Hoa là một trong số những nhà thơ không tạo nên cơn sóng gió lớn trong dư luận, nhưng vẫn thấm sâu vào lòng bạn đọc của nhiều thế hệ. Có được thành quả đó, là vì ở anh có được sự trung thực, chân thành, sự trong trẻo và tinh tế. Từ đó, chúng ta có thể lý giải vì sao Võ Văn Hoa là một trong rất hiếm nhà thơ thuộc thế hệ qua tuổi lục tuần nhưng vẫn không bị già cũ, mà vẫn đồng hành được với nhiều thế hệ. Thế hệ nhà thơ trẻ hôm nay ắt hẳn sẽ khác với thế hệ nhà thơ Võ Văn Hoa nhiều lắm. Thế nhưng, thế hệ các nhà thơ trẻ vẫn nhìn thấy ở anh tấm gương nghệ thuật đầy nhiệt tâm, cháy hết mình vì thơ ca. Đồng thời,  tìm thấy trong thơ Võ Văn Hoa nhiều góp ý bổ ích, góp phần động viên và tìm tòi, thể nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật của mình.

                                                Hải Thiện, tháng 12/2008

7583.jpg_wh860

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)