Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng
Nguyên tác: Lý Bạch
故人西辞黄鹤楼,
烟花三月下扬州。
孤帆远影碧空尽,
惟见长江天际流。
Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Bạn cũ ra đi từ phía Tây lầu Hoàng Hạc
Giữa mùa hoa khói tháng ba xuống Dương Châu
Xa xa, bóng hình cánh buồm đơn độc lẫn vào mây biếc đã khuất
Từ trên lầu chỉ còn thấy sông Trường Giang bên trời xuôi mãi đâu
--Bản dịch của Ngô Tất Tố--
Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng
Bạn từ lầu Hạc lên đường,
Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng.
Bóng buồm đã khuất bầu không,
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.
--Bản dịch của Trần Nhất Lang--
TIỄN MẠNH HẠO NHIÊN Ở LẦU HOÀNG HẠC ĐI QUẢNG LĂNG
I
Bạn cũ đi từ Hoàng Hạc Lâu
Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu
Cánh buồm mất hút chân trời thẳm
Chỉ thấy Trường Giang nước chảy mau.
II
Bạn đi từ Hoàng Hạc Lâu
Tháng ba hoa khói Dương Châu xuôi dòng
Cánh buồm khuất nẻo cuối sông
Trường Giang nước chảy mênh mông lạnh lùng.
Trong số các bạn bè của Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên là nhân vật xuất hiện rất nhiều trong thơ ông. Lý Bạch yêu mến Mạnh Hạo Nhiên ở nhiều mặt, thơ văn, tính cách, sự nghiệp… Vì thế mà ông đã phải thốt lên rằng “Ta yêu mến Mạnh phu tử”.
Bài thơ “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” được Lý Bạch viết trong bối cảnh năm 729 (tức năm thứ 13 niên hiệu Khai Nguyên thời Đường Huyền Tông), Lý Bạch đi thuyền từ Tứ Xuyên đến phía Đông Trường Giang, trên đường đã đi qua rất nhiều nơi. Đến mùa xuân năm 726, Lý Bạch đi đến Quảng Lăng và ở đó vài tháng. Mùa đông năm ấy, ông rời Quảng Lăng, du ngoạn ở phương Bắc. Sau đó đến Tương Dương, nghe nói Mạnh Hạo Nhiên ẩn cư ở núi Lộc Mộc ở phía Đông Nam thành thì liền đến để thăm hỏi. Mạnh Hạo Nhiên đọc thơ Lý Bạch, hết lời khen ngợi, hai người nhanh chóng trở thành bạn hữu tri kỷ. Mạnh Hạo Nhiên rất nhiệt tình khoản đãi Lý bạch, và giữ ông ở lại đó hơn 10 ngày. Đến tháng 3 năm 730, Lý Bạch được biết mạnh Hạo Nhiên muốn đi Quảng Lăng, liền nhờ người đưa tin, hẹn gặp Mạnh Hạo Nhiên ở Giang Hạ (nay là thành phố Vũ Hán của Trung Quốc). Rồi họ gặp nhau ở lầu Hoàng Hạc tại Giang Hạ. Vài hôm sau, Mạnh Hạo Nhiên đi thuyền xuống phía Đông, Lý Bạch đích thân tiễn đến bờ sông. Thuyền đi, Lý Bạch đứng bên bờ sông ngóng thuyền Mạnh Hạo Nhiên khuất bóng, cảm xúc dâng trào mãnh liệt, liền viết bài thơ “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”. Do đó, chúng ta có thể thấy được tình bản rất đáng quý của hai người. Bài thơ này là tác phẩm rất tiêu biểu của Lý Bạch, đã trở thành bài thơ quen thuộc, cửa miệng của rất nhiều người.