ĐỌC "TIỆC RƯỢU TRONG MƠ"
- THƠ CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
NGUYỄN TOÀN THẮNG
*
Đặng Xuân Xuyến là người thích uống rượu. Bạn bè đến nhà chơi anh thường lấy rượu ra rủ rê "làm vài chén nhé" và khi đã ngồi “lai rai” với nhau thì anh uống hết mình, uống đến khi nào “say đứ đừ đừ” mới dừng cuộc rượu. Anh cũng có nhiều bài thơ viết về rượu và trong số các bài thơ viết về rượu, tôi rất thích bài "Tiệc rượu trong mơ" vì bài thơ này không chỉ hay mà còn thể hiện đúng phong cách uống rượu của Đặng Xuân Xuyến.
TIỆC RƯỢU TRONG MƠ
- Tặng “thằng bạn” đối tửu trong mơ -
Dốc ngược chai
Chắt thêm vài giọt rượu
Cạn ly này
Mai mỗi đứa một nơi
.
Ly rượu này
Mày rót
Tao say
Khề khà mãi
Mày say
Tao rót
.
Nhấp môi thôi
Mai mỗi thằng mỗi ngả
Ngày tháng xa
Mày
Tao
Kiếp không nhà
Tao xa lạ
Cõi trần đày đọa
Mày xa hoa
Tiên cảnh phiêu bồng...
.
Ừ!
Cạn nhé
Mày ơi
Cạn nhé
Ừ!
Nhấp môi
Mai
Mỗi ngả
Mỗi thằng...
*.
Hà Nội, 2 giờ sáng 03 tháng 05.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh “Dốc ngược chai” rượu để cố "chắt thêm" lấy "vài giọt rượu", điều đó chứng tỏ 2 người đã cùng nhau ngồi “đối tửu” lâu lắm rồi, cũng gián tiếp "tố giác" họ là đôi bạn thân, đôi bạn tâm giao có rất nhiều tâm sự cần được giãi bày. Thời gian trôi qua, rượu trong chai hết đã lâu nhưng đôi bạn vẫn chưa muốn xa nhau, vẫn còn quyến luyến muốn hàn huyên tâm sự lâu hơn nên họ vô thức hoặc cố ý mà "Dốc ngược chai / Chắt thêm vài giọt rượu" để kéo dài thêm thời gian ở bên nhau vì họ biết "Cạn ly này / Mai mỗi đứa một nơi.". Một lý do chính đáng để đôi bạn kéo dài thêm thời gian hàn huyên tâm sự:
"Dốc ngược chai
Chắt thêm vài giọt rượu
Cạn ly này
Mai mỗi đứa một nơi"
Sự quyến luyến không muốn rời xa đến ở cả 2 phía, ở cả 2 người đang ngồi đối tửu với nhau:
"Ly rượu này
Mày rót
Tao say
Khề khà mãi
Mày say
Tao rót"
Từ 2 câu thơ 7 chữ, Đặng Xuân Xuyến xé thành 6 câu thơ với cách ngắt dòng theo nhịp 3/2/2 để anh nhấn mạnh tình bịn rịn quyến luyến của đôi bạn thân. Anh lý giải ngắt dòng theo nhịp 3/2/2 để biến những câu thơ ngắn đấy thành như những đợt sóng lắc lư của tình người, tình đời, để sự quyến luyến giữa cõi thực với cõi mơ ... thêm bịn rịn.
Uống rượu với Đặng Xuân Xuyến cũng kha khá lần, tôi biết những khi anh thấy bạn rượu có tửu lượng thấp mà uống nhiệt tình quá thì anh nhắc "nhấp môi thôi để chốc còn lái xe an toàn về nhà" hay những khi anh có nhiều tâm sự muốn có "bạn rượu" ngồi lai rai để anh “dốc bầu tâm sự” thì anh mới nhắc bạn rượu “nhấp môi thôi để lai rai cùng anh (em)” nên khi đọc những câu thơ:
"Nhấp môi thôi
Mai mỗi thằng mỗi ngả
Ngày tháng xa
Mày
Tao
Kiếp không nhà"
Tôi hiểu được tâm trạng của Đặng Xuân Xuyến với người bạn đang ngồi đối tửu cùng anh. Đọc những câu thơ này tôi hình dung như Đặng Xuân Xuyến đang cố ghìm nước mắt: "Ngày tháng xa / Mày / Tao / Kiếp không nhà" để tâm sự với người bạn trong giấc mơ được nhiều hơn.
Anh tự cho mình là người thuộc cõi tiên bị đày xuống trần gian chịu phạt còn người bạn tri âm tri kỷ cũng là người của cõi tiên thì vẫn đang hưởng thụ cuộc sống của "Tiên cảnh phiêu bồng" vô lo vô nghĩ, sống tùy theo sở thích của mình:
"Tao xa lạ
Cõi trần đày đọa
Mày xa hoa
Tiên cảnh phiêu bồng..."
Ở 2 câu thơ 7 chữ này Đặng Xuân Xuyến lại xé ra thành 4 câu với nhịp 3/4 để khắc họa 2 con người với 2 số phận đối lập nhau hoàn toàn: một người thì: "Tao xa lạ / Cõi trần đày đọa", còn người kia là: "Mày xa hoa / Tiên cảnh phiêu bồng.. ". Giọng "Tao" ấm ức, chán nản, có phần ghen tỵ với "Mày".
Rồi đến những câu cuối của bài thơ:
"Ừ!
Cạn nhé
Mày ơi
Cạn nhé
Ừ!
Nhấp môi
Mai
Mỗi ngả
Mỗi thằng..."
Đặng Xuân Xuyến lại xé tiếp 2 câu thơ gồm 15 chữ thành 9 câu với cách ngắt nhịp: 1/ 2/ 2/ 2/ 1/ 2/ 1/ 2/ 2 khiến người đọc liên tưởng đến sự nghẹn lời trước lúc chia tay của đôi bạn thân.
Điều lạ ở bài thơ này là suốt thời gian dài đằng đẵng ngồi đối tửu cùng nhau nhưng người đọc chỉ nghe thấy mỗi danh xưng "Tao" nói chuyện, mỗi danh xưng "Tao" tự biên tự diễn còn danh xưng "Mày" chỉ im lặng ngồi nghe như một chiếc bóng. Như vậy bữa rượu 2 người thực chất chỉ là bữa rượu một người?! Ngạc nhiên thì phải tìm câu trả lời. Và câu trả lời là dòng chua "Tặng “thằng bạn” đối tửu trong mơ" được Đặng Xuân Xuyến đặt ở ngay đầu bài thơ. Thì ra là anh đang tâm sự với chính mình, đang đối tửu với chính bản ngã thật của con người mình: "Tao" là cuộc sống thực anh phải chịu đựng còn "Mày" là bản ngã của anh, là tâm hồn cốt cách của Đặng Xuân Xuyến.
Những người tiếp xúc nhiều với Đặng Xuân Xuyến, hiểu rõ anh đã 2 lần bị vỡ nợ vì tin người và cũng vì tin người mà anh bị nhiều thân tín phản bội, thì khi đọc bài thơ "Tiệc rượu trong mơ" sẽ dễ dàng hiểu ra Đặng Xuân Xuyến đang chua chát chuốc rượu với bản ngã của mình!
*.
Ngày đầu Đông năm Canh Tý
NGUYỄN TOÀN THẮNG
Địa chỉ: thôn Tống Vũ, xã Vũ Chính,
thành phố Thái Bình
Email: nguyentoanthang77@
.
Người gửi / điện thoại