Trong màu “Men lửa”
(Đọc tập Thơ chọn lọc: Men lửa của nhà thơ Trần Thị Nương,
Nxb Văn học, 2022)
NHÀ THƠ LÊ ANH PHONG
Trên tay tôi là tập “Thơ chọn lọc” 338 bài của nhà giáo,
nhà thơ, nhà báo Trần Thị Nương. Cái tên đã gọi
đúng thần thái, thần thức của thi tập: “Men lửa”. Đó là tập
thơ của niềm giao cảm, của tình yêu và khát vọng, của sự
trăn trở trước con người, trước cuộc đời.
Lửa hiện lên trên tên gọi của nhiều bài thơ: Lửa reo, Lửa
hồng, Lửa nồng, Lời của lửa, Cháy lặng im, Vẫn cháy... Dường
như, nguồn năng lượng ấy chị dồn hết cho thi ca. “Men lửa”
cũng là điệu tâm hồn thơ Trần Thị Nương. Thơ đến với chị
từ những điều thiêng liêng cao cả: Tình cảm gia đình, tình
yêu thiên nhiên, đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước...
Nhưng nhiều khi thơ đến từ những điều giản dị, từ những
con người của đời thường: Ngày nằm viện, người thợ may,
nghe người bạn thơ hát... Cuộc sống với muôn vàn gương
mặt đều có thể tràn vào trang viết. Chữ nghĩa bắt đầu từ gia
đình, từ câu hỏi rưng rưng trước cỏ xanh của tấm lòng hiếu
nghĩa: “Đâu rồi bóng mẹ? Cỏ non ơi!”. Chữ nghĩa bắt đầu từ
tình thương của mẹ: “Chút gừng cay đẩy lùi cơn cảm lạnh/ Tay
mẹ gầy xoa ấm mấy trăm năm”. Thật cảm động và ấm lòng, tôi
như được gặp lại mẹ mình trong hình ảnh thơ ấy. Riêng và
chung, người mẹ của nhà thơ nhưng cũng là người mẹ của
năm tháng không quên. Tình thương ấy vẫn đang sưởi ấm
những ngày đông buốt giá.
Thơ Trần Thị Nương là khúc ca về vẻ đẹp của ký ức của
quê hương, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người trong cuộc
sống đa dạng: “Cái thời trang vở trắng phau/ Mắt đen lay láy
nhìn nhau ngỡ ngàng”, “Quê tôi những đêm trăng vàng/ Điếu
cày ngồi nghe cổ tích/ Chuyện buồn vui nghìn năm trước/ Điếu
phả khói trắng lặng im”, “Xoải chân kéo/ Hoàng hôn ngún lửa/
Làng chài xanh/ Nô nức vụ cá về/ Mỗi người lính/ Mỗi pháo đài
giữ biển/ Mỗi người dân/ Sừng sững cột đá thề”.
Có thể nói, tình yêu cùng với niềm khát khao giao cảm
là một trong những nguồn mạch chính tạo nên thơ Trần Thị
Nương. Đắm đuối với thi ca, thành thật với chính mình, con
đường thơ của chị là hành trình của: “Tìm mật trong cây/ Tìm
vàng trong lửa”, “Ta thèm khát người đàn ông đích thực/... Chỉ
cần trái tim đập thật/ Những lời mộc mạc, người ơi!”. Đó là khát
vọng sống, khát vọng yêu, tìm “người đàn ông đích thực” của
đời mình, tìm người đồng cảm tri âm trong cuộc sống, trong
văn chương: “Lặn lội suốt trời Nam bể Bắc/ Sống tìm người
đồng cảm- thế thôi”. Trước đổi thay, trước chộn rộn vẫn là
những vần thơ của niềm tin, của thủy chung trong lẽ sống:
“Đá có bạc thành vôi kệ đá/ Sông đổi dòng, tách nhánh kệ sông/
Biển dội dã thủy triều kệ biển/ Yêu nhau cất sóng ở trong lòng”.
Ở đó luôn dào dạt “Dòng sông dồn nuôi biển cả”, sóng “Dội
nỗi niềm khôn nguôi”. Ở đó nồng nàn và mê đắm, “gặp nhau
là cháy”, yêu hết lòng và thành thực, cho nên “Có phải/ Anh là
sự thật/ Để em gạch đi/ Mọi giả dối trên đời?”, để “Đãi ngày nuôi
những yêu tin/ Cho mình được sống chính mình trong nhau”.
Khao khát sống, nhưng: “Biển đục bất ngờ/... Thôi đành bỏ biển
chiều nay”, “Chỉ còn cách bay lên để sống/ Trong quãng ngày chật
hẹp trần gian”. Có thể nói, thơ Trần Thị Nương là tiếng nói
nồng cháy, đầy tự tin, mang bản sắc “âm hưởng nữ quyền”.
Nhưng, đó còn là nỗi niềm thế sự, là suy tư về con người và
những ngày ta đang sống.
Trong “Men lửa”, ngôn ngữ thơ Trần Thị Nương xa lạ với
điệu đà làm dáng. Thời gian trong thơ chị là thời gian của
nồng nàn hối hả “Đồng hành” trên trang viết: “Chúng mình
cùng đi nhé/ Chuông đã thỉnh trong chiều/ Bên bùn... sen vẫn nở/
Quỹ ngày còn bao nhiêu?”. Trân quý từng phút giây cuộc đời,
nhưng đó phải là thời gian của hoa nở. Người thơ rất sợ “Sự
thờ ơ đục ruỗng thời gian”. Còn đây là thời gian, không gian
của hiện sinh. Trong mơ hồ sương khói, trong phấp phỏng
lo âu, một thoáng hoài nghi trên đường xa đứng lại: “Đắm
chiều lửa ngút trong sương/ Lại hun hút một chặng đường hư vô/
Chợt không chợt có sững sờ/ Mong manh vẫn khắc khoải chờ ngàn
năm”. Nhưng, với khí chất “Men lửa”, nhà thơ vẫn hướng về
phía trước, vì ở đó có: Biển gọi, Bến đợi, Vẫn chờ, Sóng khát...
(Tên các bài thơ): “Biển gọi ai hay ai gọi biển/ Đến bây giờ sóng
vẫn dội trong thơ”, “Khao khát nhận trăm nghìn ngọn thác/ Lọc
riêng mình vị mặn biển xanh”, “Đời làm giọt nước trong veo/
Còn hơn là cả ao bèo lầm mưa”, “Biển không bao giờ lẻ/ Khi chúng
mình trong nhau”. Đó còn là thời gian của nghiệm sinh để
hiện lên phẩm giá, để “lành sẹo vết đau”...
Bên cạnh đó, vẻ đẹp của thi ca đã giúp nhà thơ chống lại
những phôi pha, chống lại sự cằn cỗi nguội lạnh của tâm
hồn, san lấp những khoảng cách trong “Tiếng gọi”: “Tiếng
trầm tiếng ấm gọi tôi/ Nửa xanh về trước. Nửa ngời về sau”.
Ngược lại, thiên tính nữ mang đến cho thơ Trần Thị Nương
vẻ đẹp vừa thực tế vừa lãng mạn mà hồn hậu: “Mẹ đã cho
con người đàn ông đích thực/ Con được làm Người vừa đi bộ, vừa
bay...”. Hạnh phúc cũng thật mong manh, nhưng vẫn trở về
sau giông bão. Đây là khoảnh khắc của “Hạnh phúc” giữa
mùa người được nhà thơ nâng niu trong hương sắc xuân
sang: “Hạnh phúc đến sau quá nhiều bước ngoặt/ Bao cơn giông
chẳng át nổi mùa vàng/ Cả rừng đào chưa làm nên cái Tết/ Chỉ
em về mới thực xuân sang”. Ngay cả trong “Chia đôi”, trong
nghịch cảnh đầy nước mắt, trái tim và con mắt thi nhân vẫn
nhận ra một vẻ đẹp khác, vẻ đẹp từ nỗi buồn, từ sự tương
phản, câu thơ mang đến nhiều nghĩ ngợi và tự vấn: “Hai
người chẳng còn thương nhau nữa/ Chỉ con quýt vàng đi lại cả
hai nơi”. Phải chăng, than hồng luôn được ấp iu an trú trong
chiều sâu của nội cảm hồn hậu bao dung, sưởi ấm những
ngày lạnh lẽo cô đơn. Khi đã sống hết mình với thơ, với tình
yêu, với cuộc đời... , khi đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”,
bằng sự an nhiên tự tại, nhà thơ bình thản đón mùa của
giá lạnh với “ngó sen hồng vẫn đợi ngày nở hương bên hồ cũ...
Thanh thoát, diệu kỳ giữa cung bậc mùa đông”. Đi qua bao buồn
vui, người thơ như bước vào khoảng lặng của ái ngữ tâm
cảm, ở đó có những “hạt tâm tri” đang nở, ở đó ánh lên vẻ
đẹp của con người, vẻ đẹp của văn hiến, lịch sử trong “Hồn
phố”: “Bồi hồi dạo giữa giấc mơ/ Kiếm thần vung loáng nước bờ
thời gian/ Hút vào dòng chảy lo toan/ Nụ cười vẫn ngọc. Phố
Tràng vẫn Thi/ Thẳm sâu Văn Miếu nói gì/ Nghìn sau ngoảnh
lại nhiều khi ngỡ ngàng”. Đó là những cặp 6/8 hay nhất trong
lục bát của chị. Tinh tế, đằm thắm và chiêm nghiệm. Vẻ đẹp
ấy đã mang đến sự hài hòa và chiều sâu cho chân dung thơ
Trần Thị Nương.
Vừa là nhà báo vừa là nhà thơ, phẩm chất công dân hiện
rõ trong thơ chị. Thế sự với những vùng sáng tối của con
người, xã hội và đất nước luôn được nhà thơ quan tâm trong
thao thức: Biển Đông và bờ cõi giang sơn, những nguy cơ
băng hoại về văn hóa, lối sống, những vấn nạn nhức nhối...
Đây là câu thơ đầy ám ảnh trước những đứa trẻ tội nghiệp
do hậu quả chất độc da cam “Sau chiến tranh”: “Đứa vẹo vọ
không ra hình quỷ/ Đứa nghiến răng ken két muốn làm người”.
Trong phong nhiêu chộn rộn “Người tìm nhau qua vực thẳm”.
Và ở đó âm vang câu thơ trăn trở: “Sợ chùa tượng gỗ ngồi chơi/
Có nghe sóng xé biển trời bão giông”.
Có thể nói, trong bức tranh thơ Trần Thị Nương, “Dây
bầu và bức tường mảnh chai” là điểm nhấn. Bài thơ trở thành
một minh chứng sinh động về sự giao thoa giữa truyền
thống và hiện đại trong biểu đạt, trong điểm nhìn. Giàu
suy tưởng, một biểu tượng về sức sống và khát vọng, về
bản lĩnh và thao thức vượt thoát, bài thơ được Tạp chí Văn
nghệ Quân đội tuyển chọn là một trong những tác phẩm
hay sau 1975. Tư tưởng ấy hiện lên từ sự tương phản, từ
“bức tường mảnh chai”, hình ảnh rất quen thuộc trong đời
sống Việt. Nhà thơ viết cho cuộc đời và phải chăng thấp
thoáng có mình trong đó.
Xin được dẫn chứng trọn vẹn bài thơ mà tôi yêu thích:
“Trên bức tường mảnh chai/ dây bầu xanh thanh thản/ Mảnh vỡ
sinh ra từ vỏ nào rỗng tuếch/ dây bầu sinh ra từ Đất Mẹ xửa xưa/
Mảnh chai tua tủa - dây lan óng mềm/ mảnh chai nhọn hoắt - hoa
cười hồn nhiên/ Đom đóm bay qua bức tường mảnh chai/ gặp dây
bầu bật lên thành đốm lửa/ Đàn chim bay qua bức tường mảnh
chai/ gặp dây bầu hát lên thành cung bậc/ Mặt trời đi qua bức
tường mảnh chai/ trổ những nụ trắng ngần/ hóa thành dây ánh
sáng/ Trên bức tường/ mảnh chai cứa vào không gian/ dây bầu/
ung dung/ trĩu quả”
Sáng tạo là hành trình không có điểm dừng, bài thơ hay
luôn ở phía trước. Cởi mở và nồng nhiệt, nhưng nhà thơ
“Nhiều khi tránh đám đông/ Ta lặng lẽ bên trời/ Với hư không
nỗi niềm thăm thẳm/ Với cõi người đằng đẵng mùa mong”. “Tôi
và chúng ta”, ý thức ấy cần lắm cho thơ. Không còn là đồng
ca, thơ hôm nay dành cho đơn ca. Hiện thực trong thơ chị
rất rộng. Có thể nói, nhà thơ Trần Thị Nương đã định hình
được căn tính của mình trong thơ, chữ nghĩa gắn liền với
buồn vui của con người, trăn trở và thao thức, khát vọng
sống mạnh mẽ của một người thơ đa cảm và luôn hướng
về ánh sáng. Đó là phẩm chất thơ của một người viết luôn
“sống chật với mình”. “Men lửa” trở thành một trong những
địa chỉ của thơ, của niềm khát khao giao cảm, ngôn ngữ của
“Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt”... Người thơ ấy, có lúc
“Thảnh thơi tôi thắp ngọn đèn trong thơ”, có lúc lại bùng lên
kiêu hãnh như muốn “Bay về phía mặt trời”.
Bước vào đời là một nhà giáo, phải chăng cái gốc ấy đã
góp phần giữ vững Cây Thơ Trần Thị Nương trong gió bão.
Hoa trái đã nên mùa bên “Giếng khát”.
Và ở phía Vườn Tâm ấy, tôi vẫn thấy ánh đèn “Men lửa”
thắp trong thơ.
Tháng 3/2022
Người gửi / điện thoại