bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

ĐỨC BÌNH - 0969781942

XIN CÁM ƠN BAN BT đã đăng bài ĐÁ BIẾT ĐAU !

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐINH Y VĂN! BÁC ĐÃ CÓ Ý KIẾN RIÊNG VỀ "NHÂN CHỨNG CÂM"! CHÚNG TÔI LUÔN HOAN NGHÊNH CÁC Ý KIẾN CỦA BẠN ĐỌC! VŨ NHO

 

Đinh Y Văn

Tôi là một người con của làng quê, cũng có những tán cau vươn trên lũy tre làng, cây gạo cây bàng cổ thụ… Là bạn đọc thường xuyên của Trang Nhà nên chân thành “hưởng ứng” câu hỏi của Tổng biên tập, “n...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC VỀ MỘT MỐI TÌNH THUỞ HỌC TRÒ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC SĨ HÀ HẢI ANH ĐÃ CỘNG TÁC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!BÀI THƠ TẶNG PHU NHÂN RẤT THÚ VỊ!CHÚC CÁC BÁC AN KHANG THỊNH VƯỢNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 57
Trong tuần: 882
Lượt truy cập: 958562

TIỂU LUẬN của NGUYỄN THỊ MAI

THƠ NGUYỄN MINH THẮNG – MỘT ĐỜI GIĂNG MẮC LÒNG YÊU

NGUYỄN THỊ MAI

 mai_ao_vang

Nhà thơ Nguyễn Minh Thắng có danh tiếng bắt đầu từ thơ chứ không phải từ văn xuôi, mặc dù càng về sau ông càng dồi dào bút lực và thành công thêm ở truyện ngắn cùng với tiểu thuyết.

Thơ ông có 3 tập chính: Tìm lại người xưa; Hương làng; Lời của đất và Thơ in chung trong tập Thơ và Tiểu luận.

Nổi bật trong thơ Nguyễn Minh Thắng là cảm xúc về tình yêu quê hương làng xóm nơi ông sinh ra, lớn lên, nơi đi công tác và nơi đang sống và viết… nhưng trên hết vấn là tình yêu con người, nhất là tình yêu đôi lứa.

Mảng thơ trữ tình ngọt ngào này chiếm đên 3/4 số bài trong đời thơ của Nguyễn Minh Thắng. Bởi từ những bài thơ tình yêu đầu tiên viết đầu năm 1960 của thế kỷ trước cho đến nay, 60 năm có lẻ, ông vẫn đau đáu yêu và viết thơ tình yêu. Nên có thể khái quát “chân dung thơ” ông: Nguyễn Minh Thắng – một đời giăng mắc lòng yêu. Và tôi lấy đó làm đề tựa cho bài viết này.

Thật vậy, thơ tình yêu của Nguyễn Minh Thắng trước hết đầy ắp những kỷ niệm đẹp, mộng mơ và tha thiết:

 

Anh đưa em về sông Luộc

Ngồi trên thuyền thúng câu mây  (Trăng mọc)

 

Đêm tình yêu trăng lặn vào tay áo

Sợi cỏ gà bò vắt xuống bờ ao

Có những con cò đêm đi cõng sao

Ngày đội nắng về xây tổ ấm.   (Khúc ca về làng)

 

 “Ngồi trên thuyền thúc câu mây”, “Trăng lặn vào tay áo”, “Những con cò đêm đi cõng sao”… thì quả là rất nên thơ và đẹp. Phải ăm ắp lòng yêu mới nhìn cảnh vật mộng mơ và say đắm như vậy. Kỷ niệm của ông hiện về tuổi lên chín lên mười đi tắm trần với bạn gái: “Dọc ngòi quần đảo ngược xuôi/ Đục làn nước suối ăn roi mấy lần” (Ước); hiện về cuộc gặp gỡ và chia ly trên sân ga với người ông yêu: “Hai ta ngồi dưới trời tròn/ tiếng còi tàu giục, bồn chồn ngoài ga” (Gặp em); hiện về tình cảm với người năm xưa ở Mỏ Bạch: “Nhớ mình xưa ở nơi này/ cái gian nhà lá tường xây nửa chừng”. (Tìm lại người xưa); hiện về một con đường chiều “đường hẹn rừng sâu tình tao ngộ/ bụi hồng pha nắng gió bay cao/ chia tay tạm biệt em bên núi”… nói chung trong bút pháp tả của ông, do được cảm xúc nội tâm chi phối nên những kỷ niệm dù buồn vẫn đẹp và lãng mạn. Đó cũng đúng tâm trạng của người còn trẻ và trái tim đập nhịp tuổi đang yêu. Ngay cả khi đau khổ, ông nhìn cảnh vật cũng rất đẹp: “Lá vàng bay cuối chiều thu/ Nghe như rơi cả lời ru vào trời” (Buồn). Và chính những mối tình dang dở, không trọn vẹn mới trở thành kỷ niệm đẹp bởi nó được nuối tiếc, nhớ nhung, khao khát suốt tháng ngày.

Nhưng khi đọc hết và đọc kỹ thơ Nguyễn Minh Thắng, ta còn phát hiện ra điều lý thú: Thơ tình của ông ngay cả khi đã trên thất thập cũng vẫn đa tình và lãng mạn không kém thời trẻ:

  • Em đi qua lòng anh

Khi sen tàn, cúc nở

Khi trăng đầu ngọn cỏ

Khi trời trong, biển trong… ( Vỡ 1)

 

Chúng mình đang trong biển lửa

Con thuyền rẽ sóng bay ra

Em kéo vầng trăng lên ngực

Che chiều sương gió phôi pha… ( Trăng mọc).

 

  • Em thả ngực xuống ao

Nước ao thơm và mát

Trời cho anh con mắt

Con mắt thoảng cái nhìn ( Ghen với sóng)

 

Nhưng tỉnh yêu ở tuổi bây giờ, không chỉ đẹp mà còn sâu lắng hơn, khao khát hơn: 

  • Tháng chầy mưa gió triền miên

                         Ngoài trời chín độ, thương em chín chiều

                         Trăm năm cầm một chữ yêu

                        Đã nhiều mưa nắng, cũng nhiều nắng mưa…  (Xuân Mậu Tý).

  • Lòng anh thấy nhớ em da diết

Đêm cài lưng giấc ngủ chập chờn  ( Đêm)

 

Tuy còn nuối tiếc, lưu luyến những kỷ niệm đẹp của tình yêu với người xưa, và bây giờ nhiều khi cũng lãng mạn với những phút giây “ngoài chồng ngoài vợ” nhưng thơ Nguyễn Minh Thắng vẫn tập trung cảm xúc trữ tình vào hình ảnh người vợ - người bạn tình trăm năm yêu dấu của mình: “Em là dòng họ nhà tôi/ Em là người tạo ra người đời sau/ Em là bóng cải hoa cau/ Em là vạt nắng ấm sau sân nhà/ em là mái tóc làn da/ Em là tất cả, em là thiêng liêng/ Em là của nổi, của chìm/ Em là dấu hỏi để tìm ngàn sau” ( Em). Bài thơ “Vắng bà” là tâm trạng chung của tất cả những người chồng cả đời luôn ơn nhờ vợ, nhiều khi vô tâm vô tính với nỗi vất vả của người phụ nữ trong gia đình để rồi một ngày bỗng nhận ra sự cô đơn khủng khiếp nếu thiếu bàn tay người vợ: “Bà đi chữa bệnh đợt này/ vài tuần dằng dặc ngỡ đầy dăm năm!”. Và đâu chỉ có thế. Ông còn nhận ra cái nghĩa cả vô bờ của người vợ bên cạnh mình: “Lửa reo trên bếp than hồng/ Gom tiền bán cháo cho chồng in thơ” (Tìm lại ngày xanh). Khi viết hai câu thơ này, Nguyễn Minh Thắng định rằng: để tỏ lòng biết ơn và động viên người vợ đã thương yêu mình thôi. Ngờ đâu khi hai câu thơ ấy hiện ra, nó đã động lòng trắc ẩn của bao người. Bởi ông đã dựng lên hình tượng điển hình về một người vợ đáng nể trọng. Ấy là đức dám hy sinh, biết chịu đựng, rất tâm lý, biết chiều chuộng thỏa lòng chồng. Mà hy sinh chịu đựng, chiều chuộng thỏa lòng chồng việc gì? việc in thơ. In thơ để làm gì? để tặng không cho bạn bè, ai đọc thì đọc, không đọc thì thôi. Tiền như ném qua cửa sổ, danh lợi hư vô, chẳng để làm gì, nghèo lại càng nghèo. Thế nhưng người vợ ấy nhìn thấy cái được nhất của chồng. Đó là được thỏa mãn lòng đam mê thơ phú, được tự hào có sách như bao thi sĩ, được chia sẻ tình cảm với bạn bè, được vui trong cuộc đời.. (giống như người mẹ muốn cho con bằng chúng bằng bạn). Và người vợ ấy vui vẻ như tiếng lửa reo trên bếp than hồng, chấp nhận tất cả.

Ngoài chân dung người vợ điển hình trong thơ tình yêu của Nguyễn Minh Thắng, ta còn gặp người mẹ, người chị gái, người em gái, người yêu đi lấy chồng … họ là những người phụ nữ dịu dàng, tần tảo, nết na với vẻ đẹp thuần phong cổ điển, nhưng ai cũng khổ và tràn đầy yêu thương trong lòng tác giả. Tuy nhiên hình ảnh họ được dựng lên thật đẹp và rất thi vị dù đó là người đã bỏ quê ra đi bao năm không về: “Bướm vàng em gói mang đi/ Ấm trong câu hát vân vi của làng/ Ra ngoài thành thị giàu sang/ em về vẫn cánh bướm vàng ngày xưa…Tiếng quê ran ríu từng lời/ Thơm thơm khói rạ, vơi vơi trăng đồng” ( Hương làng). Phải là người thơ lãng tử, đa tình, giàu lòng yêu con người mới viết được những câu thơ tha thiết như thế, nâng niu trân trọng như thế.

Để có được thơ hay và ấn tượng trong lòng người đọc, mỗi nhà thơ đích thực đều phấn đấu có bút pháp riêng với cách nhìn, cách cảm riêng. Và họ rất coi trọng “cái riêng mình”. Nhà thơ Nguyễn Minh Thắng không ngoài các nhà thơ đích thực ấy.

Với ông, thơ thiên về bút pháp miêu tả. Bởi ông quan niệm cảnh là tình, cảnh nói hộ tình. Từ cảnh mà tâm trạng hiện ra. Người làm thơ nên ẩn ý tình trong cảnh vật thì câu thơ phong nhã, sâu sắc. Ví dụ ông viết về người chị gái đã mất: “Chỉ còn gặp chị trong mơ/ Gập ghềnh sóng vỗ, phất phơ hoa ngàn” (Nhớ chị tôi), thì hình ảnh sóng và hoa được miêu tả tưởng là cảnh mà hóa ra đời người. Hoặc: “Ơi cánh muỗi gẩy đàn trong sương muối/ Ai đi về giẫm rách ánh trăng khuya/ hơi thở đất treo đầu cành chưa rụng/ Mưa gió nào ngăn nổi bước em đi ( Hai đầu), thì đâu phải tả về muỗi, về sương, về ánh trăng và về hơi thở đất… đấy là nói nỗi buồn chia ly không níu kéo được… Hoặc nữa: “Gió đồng cạp lấy đồng Bơn/ cỏ bờ lã chã giọt sương tháng Mười/ giẫm chân nghe tiếng đất cười/ Ngẩng đầu nhìn thấy bầu trời hoang sơ… (Đêm làng). Gió và cỏ, đất và trời được miêu tả sống động, nhưng không phải là cảnh đẹp mà là ngầm dự báo một làng quê không còn bình yên nữa. Người thưởng thức thơ nếu có trái tim nhạy cảm, con mắt tinh đời ắt đồng cảm, phát hiện ra ý hay ở những câu thơ như thế.

Bút pháp cũng ảnh hưởng bởi tâm trạng. Tâm trạng trẻ trung phơi phới thì giọng thơ vui vẻ, từ ngữ tràn trề sự sống. Tâm trạng đang yêu và được yêu sẽ toàn lời mộng mơ thi vị hóa bởi nhìn cái gì cũng đẹp. Tâm trạng buồn thương, nuối tiếc, thơ sẽ nhiều hoài niệm, luôn khắc khoải mong chờ. Những điều đó thể hiện trong thời gian và không gian nghệ thuật thơ Nguyễn Minh Thắng.

Về thời gian, thơ ông thiên về buổi chiều và ban đêm. Mọi cảnh vật ông miêu tả, mọi sự việc ông kể, mọi tâm trạng ông thể hiện đều vào buổi chiều và ban đêm. Đúng vậy, cứ mở thơ ra là gặp buổi chiều:

  • Tơ chiều buông tím dăng đầy mặt sông (Bến nhớ)
  • Chiều thu rộng quá thu ơi (Hoa niễng)
  • Lá vàng rơi cuối chiều thu ( Buồn)
  • Chiều thu lành lạnh thu đi (Nhớ phố Đúng)
  • Lòng chiều trống đến ngẩn ngơ (Câu thơ ngã)
  • Bâng khuâng chiều tím ngẩn ngơ cõi lòng (Cõi lòng)…

 

Và không chỉ thời gian buổi chiều mà thời gian ban đêm, ông cũng dùng nhiều không kém. Chỉ riêng Phần Thơ trong tập Thơ và Tiểu luận đã có tới 9 bài thơ về Đêm như: Đêm mơ, Đêm làng, Đêm mưa, Đêm quê, Đêm tàn thu, Đêm thu; Đêm thức và hẳn 2 bài thơ có đầu đề là Đêm. Đó là chưa kể trong các bài thơ khác, ông cũng dùng thời gian ban đêm để thể hiện cảm xúc của mình. Và về mùa, ông cũng nói nhiều về mùa thu, mùa đông. Rất hiếm hoi để tìm thấy một câu thơ Nguyễn Minh Thắng viết về bình minh, buổi sáng hoặc tả cảnh mùa xuân. Vậy có phải vì tuổi tác chi phối mà ông từng chiêm nghiệm: “Chiều tuổi tác là chiều chạng vạng/ nghiêng bên nào cũng thấy cô đơn?”. Không, ngay những tập thơ đầu tiên từ hơn 40 năm về trước, khi còn trẻ thơ Nguyễn Minh Thắng đã có “hiện tượng” thiên về thời gian cuối ngày, cuối mùa. Mặc dù sự việc hiện tượng ấy diễn ra không phải buổi chiều, không phải ban đêm, không phải mùa thu.

Còn nữa. Về không gian nghệ thuật, thơ tình Nguyễn Minh Thắng cũng luôn có mưa mà ít nắng, luôn có bão mà ít gió lành, luôn có làng quê, núi rừng hưu quạnh mà ít phố phường thành phố vui tươi…

Vậy thì chỉ có tâm trạng và cái nhìn đã chi phối thơ. Tâm trạng ông buồn thật trong tình yêu – một tình yêu lý tưởng mà không tới đích. Tuy vậy, nỗi buồn trong thơ tình không sướt mướt đắng cay hay bi lụy mà chỉ vừa đủ thấm thía cô đơn, vừa đủ tỏ bày những nuối tiếc, khát khao. Người đọc vì thế rất thích chất  lãng tử, lãng mạn trong những câu thơ tình rất trẻ của ông: “Anh cứ nhấp mắt em từng ngụm/ Cái đung đưa làm nghiêng ngả đất trời” ( Nhấp);  “Chúng mình ngủ giữa mắt nhau/ Thời gian xóa kiếp khổ đau đã rồi…./ Canh dài đã trọn em ơi/ Giờ anh mở mắt đón người yêu ra ( Ngủ).

Ngoài các bài thơ tình, thơ Nguyễn Minh Thắng còn nhiều bài thơ với chủ đề khác khiến ta buồn thương, ám ảnh và thấm thía nỗi đời như các bài: Mẹ tôi, Kính dâng mẹ, Tìm chồng, Nhớ phố Đúng, Tiếng ru người thương binh, Hương làng, Chợ làng, Khúc ca về làng…. Tuy các bài thơ ấy góp phần làm nên giá trị tập thơ nhưng xuyên suốt cuộc đời thơ, Nguyễn Minh Thắng vẫn viết nhiều và thành công nhiều ở mảng thơ tình yêu. Bởi vì ông - một đời giăng mắc lòng yêu cho đến tận bây giờ.

Thanh Xuân, ngày 13/8/ 2022

hoa_sung_1

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003.
Nhà văn, Phó Gs, Tiến sỹ VŨ NHO:  vunho121@gmail.com