- Mẹ cha nó chứ, có mấy nghìn rượu, mà nó tru tréo như mất cướp. Đã thế ông đây đ.. cần nữa thì làm gì được ông, để mà bán cho chó!
Thằng Cọc cởi trần, áo vắt trên vai, mặt xanh nhợt, đôi chân rung lên bần bật, kiểu đi nhún nhảy, người lao về phía trước như con lật đật. Nó vừa đi vừa chửi lẩm bẩm. Khi đi ngang qua nhà lão Đảo nó chửi càng to, ra điều như cốt để cho con mẹ Thêm quán lòng lợn tiết canh nghe tiếng. Lão Đảo thấy thế nhếch mép cười, trong bụng nghĩ: “tay Cọc lại lên cơn thèm rượu” bèn nhổm người đi ra cửa, lấy tay ra hiệu ngoắc nó lại:
- Anh làm gì mà to tiếng thế?
Nó nhìn lão Đảo cười hềnh hệch, vừa đi vừa nói giọng vẫn còn bực tức lắm:
- Mẹ cha nó! mua chịu mấy nghìn rượu mà nó dứt khoát không cho, còn đòi nợ mới tức chứ!
- Tưởng gì to tát, chứ rượu thì cậu vào đây, tôi đãi
Thằng Cọc như người bắt được của, nhưng cũng thừa biết là lão Đảo chẳng cho không ai cái gì bao giờ. Kiểu gì lão cũng sai khiến Cọc việc gì đó. Nhưng đang cơn khát thì lão có bảo đào mả bố lên lấy rượu nó cũng chẳng từ.
Lão Đảo chắt ở trong bình ra một cốc rượu ngâm dây mật gấu vàng óng, đặt trên bàn, mùi rượu nồng nồng tỏa ra khêu gợi làm cho nó tươi tỉnh hẳn. Để cốc rượu đấy rồi lão đi tìm chén. Thằng Cọc sốt ruột nuốt nước bọt ừng ực. Ấy thế mà tìm được chén rồi, lão Đảo còn đem ra bể nước trước sân cọ rửa từng cái một rất cẩn thận… Cọc đã không thể kiềm chế nổi, cũng may vừa lúc lão Đảo đem chén vào:
- Cậu đợi tôi rang mấy củ lạc đưa cay nhé
- Thôi! Thôi bác ơi, cho cháu xin chén cho đỡ nhạt miệng, khát quá rồi bác ạ!
Lão Đảo rót rượu ra chén, nói với Cọc:
- Cậu uống đi, tôi buổi sáng không quen, mấy lại uống rượu nhạt như cậu, tôi chịu.
Cọc cầm chén rượu mà tay run lên bần bật, rượu sánh cả ra khỏi chén. Nó không tài gì đưa được lên đến mồm, đành phải cúi xuống để hớp lấy chén rượu. Có chất rượu trong người, nó phấn chấn hẳn lên, đôi tay cũng hết run. Lão Đảo nhìn nó uống rượu trong bụng nghĩ: “Mất hết cả nhân cách”. Lão nói với Cọc bằng giọng mỉa mai pha chút thông cảm:
- Tỉnh chưa? Rõ khổ, có chén rượu thôi cũng không lần ra được! Mà người có sức như cậu, mà cứ lông bông… thật tiếc!
Lão đảo có khuôn mặt vuông dữ tợn, mắt cá đuối lúc nào cũng vẩn đỏ, lông mày rậm, dựng ngược, râu quai nón đâm ra tua tủa, giọng nói to như trống lệnh. Người không quen gặp lão lần đầu cũng chờn. Nhưng quen rồi thấy lão cũng thoải mái, hay nói, hay cười. Đấy là vừa ý lão thôi, còn không cũng liệu hồn.
Cả cái làng này ai cũng biết Cọc là thằng rượu chè, bê tha. Hễ trong người hết chất rượu là chân tay run lên như không còn sự sống. Vợ con nó cũng khổ, không có rượu cho nó là nó chửi, chửi vợ chửi con, chửi đời, chửi cái số của nó chẳng ra gì. Vì thế nên ngoài những tay bợm rượu thì chẳng ai dây dưa với nó làm gì. Tuy thế, hễ có rượu trong máu thì nó làm khỏe thật, cây gỗ phải hai người khiêng nó cũng vác phăm phăm. Nó quen với việc bị người ta xa lánh, khinh bỉ thế mà lại có một người là lão Đảo thông cảm, sẻ chia với nó. Nó xúc động lắm, vừa được uống rượu, lại vừa được giãi bày:
- Bác tính, nhà nông mà không có ruộng, làm thuê không có người mướn khổ lắm bác ơi!
- Cậu có dải đất ông cụ để lại ven đường dễ đến trăm mét dài đấy nhỉ? sao không cải tạo ra trồng rau, màu cũng là tiền đấy chứ.
- Bác bảo ăn gì để làm, bây giờ còn là cỏ hoang, lau sậy biết bao giờ mới thành vườn rau
- Tiếc cho cậu, nếu vào tay tôi thì đã ra vườn rau rồi… hay cậu bán cho tôi.
Thằng Cọc nhìn lão Đảo cười hề hề… rồi nó nhìn vào cốc rượu, nói:
- Bác cứ đùa, bác mà trồng rau, có trời sập, em có thấy bác làm gì bao giờ đâu?
- Tôi không làm được, tôi sẽ thuê người làm chứ!
- Ôi dào, thiếu gì rau ở trên rừng, việc gì phải trồng bác! Rượu ngon quá, bác trữ từ bao giờ mà bình to bình nhỏ tới cả trăm lít…
Thằng Cọc vừa nói, vừa nhìn vào cốc rượu dở trên bàn, vẫn còn thèm lắm, Lão Đảo rót tiếp rượu ra chén:
- Cậu uống đi, rồi về làm đỡ cô ấy mới có tiền uống rượu chứ! Rong ruổi uống rượu cả sáng, khéo cô ấy lại trách tôi dung túng cậu đấy.
Thằng Cọc vừa xoa xoa tay vừa vâng vâng dạ dạ. Rồi tự tay rót thêm chén nữa uống rồi mới cảm ơn rối rít ra về. Nó nghĩ lão này hôm nay cũng lạ, khác hẳn mọi ngày, cho nó uống rượu mà không đòi hỏi gì. Vừa ra đến cổng thì gặp bà Ngọc vợ ông Đảo đi đâu về, nó đon đả chào. Nhưng bà Ngọc tỏ thái độ thiếu thiện cảm, gật đầu đáp lại.
Vào đến trong nhà, thấy chiếc ly uống rượu vẫn còn trên bàn, Bà Ngọc ném cái nhìn về phía ông Đảo:
- Ông còn không biết cái thằng Cọc nát! Cả cái làng này phải tránh, mà ông lại giao du chén chú chén anh với nó!!
- Đúng là giọng đàn bà, cho nó chén rượu thì sao? Bà nghĩ tôi thế nào lại vơ đũa cả nắm, hả?
Biết mình quá lời nên bà hạ giọng:
- Mình là người tử tế, chưa sáng ngày ra đã đàn đúm rượu chè, ngật ngà ngật ngưỡng…
Lão Đảo thấy vợ đang bực bội, liền ngồi xuống cạnh bà Ngọc vỗ vai:
- Là tôi có chuyện này cần bàn với bà, bà còn nhớ nhà nó có thẻo đất chân đồi cây Ông Bụt trước cửa nhà nó, giáp đường không?
- Đấy mà cũng gọi là đất à? Một cái hố toàn đá xương xẩu thì có!
- Đấy là dưới mắt bà và mọi người ở đây thì mới còn tới bây giờ, chứ với tôi thì nó là gan trâu đấy! và có thế mới mua được giá rẻ như cho, mới sinh lời. Giờ thì bà đã hiểu chưa? Tôi sẽ cho san ủi, đổ thêm đất tạo mặt bằng. Nếu thằng Tú con bà không chịu về mở xưởng thì mình cho thuê. Đất là vàng bà có hiểu không??
Nghe Lão Đảo nói mua cho thằng Tú thì bà Ngọc đã hạ hẳn giọng:
- Thế nó đòi bao nhiêu??
- Tôi mới chỉ gợi ý, nó có định bán đâu mà đòi – Lão nhìn bà cười - Bà cứ để việc này đấy cho tôi, kiểu gì mình cũng mua được. Nhưng đừng có bép xép mà hỏng việc!
***
Bản Rộc Khoai là một bản nhỏ có hơn bốn chục nóc nhà sống rải rác ven suối Mưa, bám vào đường quốc lộ giáp ranh hai tỉnh. Một bản thuộc diện vùng sâu vùng xa, cách trung tâm xã một con đường Đèo dốc quanh co. Người ta vẫn thường gọi bản Rộc Khoai với cái tên “khu tự trị Rộc Khoai” vì nó là nơi đất giữa, sống biệt lập. Ruộng đã ít mà mỗi năm chỉ cấy được một vụ vì không có nguồn nước, chính vì thế mà đời sống ở đây rất khó khăn. Tuy bản được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, nhưng vẫn không thể thoát được nghèo. Đây cũng là nơi xã hội xô bồ, phức tạp. Thỉnh thoảng lại xuất hiện những thành phần mình mẩy săm trổ, ba trợn ba trạo, trôi dạt về đây trú ngụ, vung tiền như vị cứu tinh… những ngày như thế, hầu như các thanh niên tuổi lầng nhầng lại la cà ở quán nước để hóng hớt, dò hỏi xem có mánh lới làm ăn nào không, biết đâu lại chẳng được một chân sai vặt.
Con bé Phin, con nhà ông Quang. Khi còn ở nhà trông nó đen nhẻm, đầu tóc rối bù. Thế mà dạo này chẳng biết đi làm ăn gì ngoài thành phố, hôm nay về mặt hoa, da phấn trông xinh đẹp không nhận ra. Phin ăn diện như sắp đi thi hoa hậu. Nó về cùng với một anh bạn trai, dễ hơn Phin đến chục tuổi, đầu rẽ ngôi bóng mượt, bảnh bao da trắng mắt đeo cặp kính cận. Hai người xuống chuyến xe ca liên tỉnh. Họ vươn vai, vặn mình, phủi bụi trên quần áo, mặc dù chẳng có tý bụi nào bám vào. Rồi khệ nệ mỗi người một quai cùng sách chiếc túi du lịch to tổ bố, có vẻ nặng lắm. Bà Tám Thìn nhà ở cuối ngõ. Bà cũng có dây mơ họ hàng với nhà ông Quang. Bà đi lấy rau cho lợn dưới ruộng về, cứ nhìn hai đứa chằm chằm, rồi thốt lên:
- Ai như cái Phin, con ông Quang phải không?
- Vâng, cháu là Phương đây ạ.
Bà Tám Thìn vờ như không nghe thấy, trong đầu nghĩ: “bọn trẻ bây giờ ra ngoài được mấy ngày đã vội thay tên đổi họ…”. Bà liến thoắng hỏi chuyện cho tới khi về đến lối rẽ vào nhà bà
- Cháu bây giờ lớn lên, lại xinh đẹp không nhận ra được nữa. Thế bây giờ cháu làm gì, về cùng bạn phải không?
- Dạ, cháu đi làm ở công ty liên doanh với nước ngoài… - rồi nó trổ ra tên công ty bằng một tràng tiếng tây, bà Tám Thìn nghĩ bụng “bố ai mà nhớ được” – Còn đây là anh Trung, kế toán của công Ty cháu đấy ạ…
Tin đồn loang nhanh trong xóm, rằng con bé Phin lọ lem, con ông Quang. Giờ nó tên là Phương. Rằng đi làm cho một công ty nước ngoài, phất lắm. Rằng chuyến này đưa người yêu con ông sếp to về, tính chuyện cưới…
Chuyện con bé Phin “chuột sa chĩnh gạo” truyền từ người nọ đến người kia trong cái bản Rộc Khoai vừa bằng cái bàn tay. Mỗi người một tin, không đầu, không cuối loáng cái ai cũng biết. Có người còn cho là mình đã trực tiếp nói chuyện với anh chàng nọ.
Thằng Cọc nghe nói con Phin có bạn trai, nó đã nghĩ ra cách kiếm bữa rượu vặt. Nó để ý thấy chiều nào con Phin với Thằng Trung cũng khoác vai nhau đi ra quán uống café. Gọi là quán café chứ ở cái bản Rộc Khoai này thì không những chỉ café mà rượu, thịt, nước ngọt, mắm, muối, dưa cà, dầu, lạc… hổ lốn cái gì cũng có. Nó liệu giờ đến trước, ngồi chực sẵn.
Y như rằng chỉ dăm phút sau đã thấy bóng dáng hai đứa. Thằng Trung khoác vai con Phin, còn con Phin ôm eo thằng Trung, thản nhiên đi dọc đường làng, tỉnh bơ mọi ánh mắt dòm ngó. Cứ như trên thế gian này chỉ còn hai đứa chúng nó. Ở cái bản Rộc Khoai thì cảnh tình tứ này trông khá ngồ ngộ, nên thành chủ đề cho cánh thanh niên trong bản bàn tán xôn xao...
Thấy bóng dáng hai người, thằng Cọc vội đứng dậy chìa tờ bạc 10 ngàn nhầu nát bảo cô Nhàn chủ quán bán cho cốc rượu, được bao nhiêu thì được. Nó thừa biết không đưa tiền trước thì chẳng đời nào cô Nhàn chịu rót rượu. Cầm cốc rượu cô Nhàn đưa, nó uống ngay một ngụm, rồi rót ra cái chén con, ngồi mơ màng…
Con Phin và thằng Trung bước vào quán, nó chào Cọc một câu rất lễ phép:
- Cháu chào chú ạ!
- Mày là Phin con nhà ông Quang phải không? Này, ông bảo. Mày gọi thế là sai rồi đấy, nếu đúng theo vai vế bên nội thì phải gọi ông là ông trẻ. Còn theo bên ngoại thì mày phải gọi ông là cậu… dù theo bên nào thì ông cũng rất là quan trọng đấy, mày có hiểu không?
Con Phin ngớ người ra, nó chưa bao giờ được nghe nói cái nhà anh Cọc này có họ với nhà nó. Nhưng thấy mặt Cọc đã đỏ như mặt gà chọi, lại đang có bạn ở bên, chẳng tội gì mà lý lẽ với người say, nó nhẹ nhàng chữa:
- Vâng Cháu là Phương, cháu chào ông cậu ạ
Thằng Cọc thấy con Phin nín chịu, chứ bản thân nó thừa biết là Cọc chẳng hơi hướng họ hàng hang hốc gì với nhà nó. Vì thế nó cũng hả hê nói đỡ cho con Phin cái vụ thích tên đẹp:
- Ờ, Phương chính là tên cậu đặt cho mày đấy, nhưng hồi nhỏ gọi là Phin cho dễ nuôi… giờ ở làng thành quen cái tên ấy rồi ha ha…thôi nào, hai đứa lại ngồi xuống đây uống rượu với cậu
- Chúng cháu không uống rượu đâu ạ, chúng cháu chỉ uống café thôi…
Cọc biết đây là dịp may để kiếm được rượu nên đon đả:
- Thì cứ ngồi xuống đây cùng cậu cho vui, ai uống gì thì uống
Thằng Cọc gọi thêm chai rượu với một đĩa lạc rang, thấy cô Nhàn lưỡng lự, muốn nói điều gì đó, nó liền gạt đi:
- Bà cứ yên tâm! Đây không thiếu tiền. Nhé!
Khi có rượu, có lạc nó cứ thế cậu cậu cháu cháu tràn cung mây. Chừng đủ chất rượu trong người, nó ngật ngưỡng đứng lên lè nhè gọi chủ quán thanh toán. Thấy thế thằng Trung gạt đi:
- Chú cứ về trước đi ạ, để cháu thanh toán cả thể.
- Ừ, các cháu đã nói thế cậu cám ơn, còn ở lại lâu ngày thì vào cậu chơi, nhé!
Cọc vỗ mạnh vào vai thằng Trung, thằng Trung vội đứng lên lễ phép bắt tay Cọc lắc lắc, thân thiện:
- Chào cậu, cháu và Phương sẽ đến thăm cậu nay mai ạ!
Rồi thằng Cọc ngật ngưỡng ra về, trên đường thỉnh thoảng nó lại bật cười khoái chí vì cái sáng kiến kiếm được bữa rượu ngà ngà…
Cọc vừa đi khỏi con Phin đã nhắc khéo:
- Tay này là con sâu rượu, nó chẳng họ hàng dây mơ rễ má gì với nhà em cả. Nó nhận xằng để kiếm rượu, thân mật nó quen mui đấy!
Thằng Trung thấy thằng Cọc tuy nghiện rượu nhưng nói năng lưu loát, biết cách mồi chài, con người này dễ sai khiến… Nên nhìn con Phin ý tứ nói:
- Anh cũng đoán như thế, nhưng thêm một người anh em họ hàng cũng tốt chứ sao?
Chiều hôm sau, người ta thấy ở nhà thằng Cọc. Hai người cậu cậu cháu cháu ngồi uống rượu bù khú với nhau tới đêm. Thỉnh thoảng lại cụng chén, chuyện trò to nhỏ rất tâm đắc. Trái hẳn với mọi khi, hôm nay thằng Cọc hứng thú lắm, uống nhiều nhưng không nát…
Chuyện thằng Trung uống rượu ở nhà thằng Cọc cũng loang ra khắp làng, truyền từ người nọ đến người kia như một sự kiện hiếm gặp. Được mấy hôm rồi cũng mau tan như bong bóng xà phòng. Lão Đảo, khi nghe chuyện chỉ nhếch mép cười gật gật đầu bí hiểm…
Từ dạo ấy, ở cái bản Rộc Khoai này không còn thấy thằng Cọc lang thang ngoài hàng quán kiếm chén rượu vặt. Vì nó đã có tiền mua rượu về nhà, và cái tên Cọc nát cũng không còn ai nhắc tới nữa…
.
.****
Mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh núi Hang Cọp mà nắng đã gắt như đổ lửa. Trời cao xanh không một gợn mây. Gió thổi vù vù, ào ào ở trên trời.
Gió Lào. Gió thổi vào người nóng hầm hập. Bãi đất trước cửa nhà Cọc, những búi cỏ lau lẫn cây chó đẻ và nứa khuy khô cong. Gió quật tạo ra những âm thanh xào xạc… trông xác xơ tàn tạ. Khô tới mức tưởng như chỉ búng khẽ tàn lửa là cháy sạch.
Ấy thế mà không biết nhà ông Đoái làm gì từ sáng, cứ đi đi lại lại, ngó ngó nghiêng nghiêng, lội ngang lội dọc trong bãi đất nhà Cọc. Thấy lạ, nó ra sân đánh tiếng:
- Bác Đoái tìm gì trong vườn nhà tôi thế?
- Anh Cọc ở nhà đấy ư?
Nói rồi ông Đoái đi vào trong sân nhà Cọc, nói bâng quơ:
- Trời với đất, chưa sáng ngày ra đã nóng như thiêu như đốt thế này.
- Lâu lắm không thấy bác ra ngoài này
Ông Đoái có cái trại ở trong khe Con Gái, chủ yếu trông coi ao cá và nuôi thêm gà lợn, trồng cây ăn quả. Kinh tế trang trại của ông thuộc diện khá ổn định của bản Dộc Khoai này. Đài truyền hình tỉnh đã có lần về giới thiệu mô hình và tổ chức phỏng vấn. Cũng là niềm hãnh diện của bản Dộc Khoai mà nhiều người biết tới. Ông Đoái có ba thằng con, nhà chính ngoài bản ông giao cho vợ chồng thằng Hoài con trai trưởng. Còn lại bốn người làm ăn sinh sống ở trong trại. Nếu không nghĩ tới chuyện tách hộ rồi còn cưới vợ cho thằng Lịch. Mà đút nhét tất tần tật ở trong trại thì không ổn. Chính vì ý nghĩ ấy, ông mới nhòm tới miếng đất nhà thằng Cọc. Ông Đoái thừa biết mảnh đất rìa đường là của nhà thằng Cọc, nhưng vẫn vờ hỏi:
- Tôi thấy bãi đất hoang, toan cải tạo để làm vườn, gơ ít dây khoai lang chăn nuôi.
Thằng Cọc nghe ông Đoái nói thế, đã muốn nổi nóng:
- Ông bảo hoang là hoang thế nào? Đất của tôi, có chủ rồi đấy!
Ông Đoái biết đã chạm nọc, liền cười xòa:
- Tôi biết là đất của nhà anh rồi, nhưng bỏ hoang phí quá. Hay anh bán lại cho tôi, tôi ra ở cùng anh cho vui.
Nghe nói thế, thằng Cọc cũng đã bình tĩnh trở lại, rót nước rễ cây từ cái ấm siêu đen để dưới gầm bàn, mời ông Đoái:
- Bác uống nước, nhà cháu cũng toan cải tạo làm vườn, nhưng ngặt nỗi còn lo ăn bù đầu nên chưa đụng đến
- Tôi thực lòng muốn mua, nếu bán thì anh cứ bảo, đắt rẻ không ngại.
Thằng Cọc nghe nói đến tiền là sáng mắt lên! Trong đầu nó lóe lên ý nghĩ: “đúng rồi, mình cũng đang cần tiền để đổi đời!”.
- Cũng đã nhiều người hỏi, họ trả tới sáu mươi triệu rồi cơ đấy, nhưng cháu chưa có ý định bán. Đất bây giờ hiếm lắm, chiến lược đấy!
Nó nói vậy, họa chăng chỉ có lão Đảo nói bâng quơ hôm trước chứ thực tình chả có ma nào hỏi đến. Nhất là ở cái làng Dộc Khoai này. Người bên ngoài thì đã chẳng ai tội gì mà chui rúc vào đây. Người trong bản thì ai cũng khó khăn cả lấy đâu ra tiền để mua. Có muốn bán cũng không phải là dễ.
Ông Đoái thấy nó nói vậy, trong bụng nghĩ mình dấn lên là được:
- Anh em mình biết nhau từ lâu, chỗ người làng người xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Họ trả sao, tôi cũng trả thế và tôi sẽ mời cậu một bữa rượu thịnh soạn khi bàn giao.
- Bác nói vậy, để cháu bàn với nhà cháu đã, của chồng công vợ mà, cháu sẽ trả lời bác sau.
Ông Đoái ra về, trong bụng chắc mẩm sẽ mua được miếng đất của nhà thằng Cọc. Ông dự định sẽ san mặt bằng mở cái xưởng cưa cho anh em thằng Lịch. Còn vợ chồng ông thì an phận trong cái trang trại, chẳng gì mỗi năm cũng cho vài trăm triệu.
Vợ chồng Cọc bàn bạc, thống nhất bán đất để trang trải dăm triệu tiền vay mượn. Còn lại cũng phải sửa sang lợp lại nhà cho đàng hoàng. Vì nó chịu ơn lão Đảo nên việc này cũng phải hỏi qua ý kiến của lão ấy cho phải đạo, chứ việc quyết định vẫn là vợ chồng nó.
Lão Đảo thấy thằng Cọc nói đến bán đất thì vơ luôn lấy:
- Tôi đã nói với anh rồi, miếng đất này nếu vào tay tôi, tôi sẽ làm cho nó đẻ ra tiền. Thế mà anh chỉ biết tới rượu thôi, chẳng để tâm. Anh bán. Bán bao nhiêu? Tôi mua!
Vừa nói, lão Đảo vừa cầm cái cốc lại chỗ bình rượu rót ra một cốc, đưa cho Cọc:
- Anh uống đi – rồi lão hỏi dồn – Anh bán cho ai? Bán bao nhiêu?
Thằng Cọc uống một ngụm rượu, lấy lại tinh thần. Nó biết lão Đảo đã đánh tiếng từ lâu, nhưng nó sợ lão chỉ mượn đất chứ chẳng chịu bỏ tiền ra mua, nên nói:
- Ông Đoái trại cá đòi mua, tha thiết lắm! ông ấy giả tới chín mươi triệu rồi. Vợ chồng cháu định bán, nhưng đợi hỏi ý kiến bác đã.
- Vậy là anh chưa bán. Nếu anh không dùng, tôi cũng trả anh bằng ấy tiền. Quyết bán thì vợ chồng đến đây ta cùng ra ủy ban làm giấy cho đàng hoàng. Để tôi đi rút tiết kiệm về trả đủ cho anh. Nhất quyết không được bán ra ngoài.
Thằng Cọc nghe lão Đảo nói thế tươi tỉnh hẳn. Nhìn mặt lão dễ sợ, không ngờ lão cũng dễ tính. Nó đã khoác lác thêm tới ba mươi triệu nữa mà lão cũng tin. Đến giờ nó mới biết lão tẩm ngẩm tầm ngầm mà có nhiều tiền gửi tiết kiệm.
- Vậy thì bác cứ rút tiền đi, chúng cháu cũng đang cần tiền trả nợ và sửa lại cái nhà cho các cháu.
Việc đất cát thế là xong, được mấy ngày lão Đảo tức tốc cho máy vào san ủi mặt bằng. Để thì là bãi cỏ lau, vài ba bụi nứa khuy, theo thẻo, hầm hố chẳng đáng giá. Được san ủi ra bằng phẳng, chiều dài mặt đường tới 150m sâu vào tới 40m trông rộng như cái sân vận động. Ai qua cũng tấm tắc khen… họ còn đồn “lão Đảo trúng mánh, mua được mảnh đất như cho không, bán đất thổ cư phải thu bạc tỷ”
Vợ chồng thằng Cọc bán được đất, ngoài trả nợ cho việc uống rượu vặt của thằng Cọc thì cũng xây được ba gian nhà cấp bốn cao ráo, lợp tôn thoáng mát. Có nhà rồi, nhưng hàng ngày thấy mảnh đất như miếng gan trâu, đập vào mặt, thêm những lời đồn làm cho nó tiếc đứt ruột.
Cuối năm, bố con ông Đoái ra làm xưởng cưa ngay trước nhà nó. Nghe nói ông Đoái mua lại của nhà ông Đảo 30 mét mặt đường những 400 triệu. Nó hỏi dò thì ông Đoái bảo thuê lại để làm xưởng. Chẳng là trước khi bán lão Đảo có dặn ông Đoái nói vậy cho thằng Cọc đỡ nhiễu, chứ chính thức hai người đã làm giấy tờ tách bìa đỏ rồi.
Cọc biết mình bị hớ trong vụ mua bán đất nên càng buồn chán trách cái số không giầu. Thấy thằng Lịch con ông Đoái ra mở xưởng như cái gai đâm vào mắt, nó đau xót lắm. Nó đang có trong tay cơ hội bắt tay với với thằng Trung con Phin đã âm ỉ thôi thúc cái quyết tâm làm giầu của nó!
Gần đây, tình hình an ninh ở bản Rộc Khoai liên tục sảy ra việc mất trộm. Nhỏ thì con gà, con chó đến cây cảnh trong sân không cánh mà bay. Cây gỗ trên rừng trồng bị ngả trộm lấy mỗi khúc gốc có giá. Lớn thì mấy vụ trộm trâu bò đem ra rừng mổ. Hễ nhà ai hở ra cái gì có thể bán được là mất. Trước đây bản Rộc Khoai tuy có khó khăn nhưng hiện tượng này chưa hề sảy ra. Mọi người, mọi nhà sống chan hòa, đùm bọc. cánh thanh niên do thiếu việc làm nên la cà nghe ngóng tìm việc chứ cũng chưa đến nỗi lêu lổng, trộm cắp. Ngay thằng Cọc nát, xưa kia nát rượu, ai cũng phải tránh thì lâu nay đã hiền lành đĩnh đạc không còn bê tha nữa. Nó đã cùng vợ chỉn chu làm ăn, được làng xóm gần gũi, không còn đố kỵ.
Ấy thế mà giờ đây cả bản Rộc Khoai đang phải sống trong cảnh nơm nớp đề phòng, cảnh giác. Nề nếp sinh hoạt của mỗi gia đình cũng có nhiều thay đổi vì ai cũng lo mất trộm, đã nghèo lại nghèo thêm.
Một bài toán đặt ra cho bản Rộc Khoai và Công an xã. Cũng được huyện chỉ đạo tới bản rà soát đối tượng tìm hiểu nguyên nhân và hướng giải quyết.
Thời gian này, an ninh trong khu vực bản Rộc Khoai cũng tạm thời lắng xuống. Thì một sáng Công an Tỉnh về đọc lệnh bắt thằng Cọc để điều tra vụ án liên quan tới ma túy. Liền theo đó một số thanh niên trong bản cũng được triệu tập và đưa đi cai nghiện
Cả bản giật mình khi biết tin con Phin và thằng Trung đã bị bắt ngoài Thành Phố. Hai đứa nó chủ mưu gây dựng một đường dây tiêu thụ chất trắng!
Ai ngờ, bấy lâu khi đã có nguồn tiền từ việc bán đất và tiêu thụ ma túy cho bọn con Phin. Thằng Cọc không còn phải lang thang đi quỵt rượu. Nó đã biết giấu mình trong cái vỏ bọc chăm chỉ ruộng vườn, trách nhiệm với vợ con khiến làng xóm ai cũng mừng cho nó… giờ thì cháy nhà ra mặt chuột!
Cả bản Rộc Khoai vui mừng khi mọi việc đã sáng tỏ. Và bàng hoàng ghê sợ vì đã từng chung sống với mối nguy cơ, hiểm họa khôn lường…
Mọi việc cũng đã qua, bản Rộc Khoai lại trở về cuộc sống yên bình. Xưởng cưa nhà anh Lịch hoạt động, cũng giải quyết được một số khó khăn về công ăn việc làm cho bà con trong bản. Ngay cả chị Tiên vợ thằng Cọc cũng được Lịch nhận vào làm công nhân phơi ván bóc. Bộ mặt của bản Rộc Khoai đã có nhiều thay đổi. Những gia đình khó khăn, có việc làm ổn định không phải chạy ăn lần từng bữa. Trẻ em đến lớp cũng đông đủ hơn đồng thời cũng giảm hẳn những tiếng tru tréo, mất gà trộm trứng mỗi trưa. Lịch lại được xã và huyện biểu dương, khen ngợi. Lấy đó làm mô hình điển hình để xóa đói, giảm nghèo của vùng khó khăn như bản Rộc Khoai.
Người gửi / điện thoại