bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 66
Trong ngày: 575
Trong tuần: 1329
Lượt truy cập: 774189

TRĂNG RỪNG

Nguyễn Trí

TRĂNG RỪNG
  
    Ở rừng nguyên sinh trăng đẹp lắm.
     Nhà thơ Nguyễn Duy đã viết “Hồi chiến tranh ở rừng. Vầng trăng thành tri kỷ”.  Phải lặng lẽ một mình trên cánh võng và đợi chờ đến khắc khoải trong yên ắng của khuya đêm. Chỉ những đêm thượng tuần mới có cơ hội ngắm nàng trăng vươn lên đỉnh cao nhất của rừng mà ngâm câu “đêm nay buồn lắm chị Hằng ơi”. Buồn và đẹp lắm trăng thượng tuần trong rừng cao và sâu và xa của nguyên sinh.
     Đẹp lắm nhưng không đẹp nhất cũng không tuyệt vời vì khắc khoải chờ đợi. Giữa sâu thẳm của đại ngàn. Nơi mà cả ban ngày ánh sáng của mặt trời cũng không len qua nổi thì muốn ngắm trăng là điều không tưởng. Kẻ cô đơn muốn hội ngộ cùng tri kỷ phải giăng cánh võng bên đường be, những con đường được hình thành trong chiến tranh hoặc nơi dừng, đóng quân của kháng chiến… chỉ nhưng nơi đó mới có khoảng trống cần thiết mà ngắm trọn vẹn một nàng trăng. Rón rén… chậm rãi như một cô gái trinh nguyên lần đầu hò hẹn với tình nhân. Ánh sáng của nàng sẽ sàng vươn lên hắt cái bóng của cây rừng vào khoảng trống. Rồi từng tí một nàng hiện ra trắng, trong, tròn vành vạnh…
      Đẹp lắm nhưng không đẹp nhất.
     Bởi khuya đêm ở nguyên sinh yên ắng nhưng không hề yên tĩnh. Có thể cô đơn ở cùng đồng đội. Nhưng chiến đấu để chiến thắng kẻ thù hay chiến thắng đói nghèo thì hiếm lắm kẻ yêu trăng. Hiếm lắm một cô đơn cùng cô đơn chờ trăng lên và dõi theo cho đến trăng tà. Thường chỉ một mình. Một mình và gió ngàn thổi qua rừng cùng tiếng của côn trùng tấu khúc nỉ non… rồi trong không gian ấy bổng một tiếng hú dài sâu thẳm lanh lảnh vang lên. Tiêng hú của loài vượn cô đơn đi kiếm bạn tình. Tiếng hú chắc chắn sẽ len vào não bộ cô đơn một thoáng hoảng kinh ập đến. Một thoáng nhưng cũng đủ cho cô đọc nhân rỡn ốc.
     Và màu trăng sẽ kém đẹp.
     Trăng ở rừng nguyên sinh đẹp lắm nhưng không đẹp nhất.
                                                        ***
    Trăng trong rừng cao su đẹp lắm.
     Không một ai đi trong rừng cao su mà thưởng trăng cả. Tán của cây cao su rộng nên mùa nắng thiên hạ thường vào lô để tránh nóng. Mát lắm, mát rười rượi khi giăng một cánh võng trong lô đánh một giấc thần tiên. Vậy thì về đêm trăng không thể soi bóng của mình để khoe hương sắc.  Nhưng giăng một cánh võng – cũng trong đường be – ngắm ánh vàng của trăng xuyên qua tán lá thì tuyệt. Đôi khi trăng hiện ra vành vạnh vì gió thổi mạnh làm tàng cây rạp về một phía. Lúc ấy trăng hiện ra tròn hình rõ nét, rồi gió ngưng thổi trăng biến mất. Sự hư thực ấy là trên cả tuyệt. Ít ai cảm nhận được cái đẹp hư ảo nầy ngoại trừ cô đơn.Đi đêm một mình trong rừng cao su sợ lắm. Chả hiểu làm sao giống Quạ Đen lại chọn cao su là nơi ngụ qua đêm. Đang đi và đang ngâm câu trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá… thì tiếng của một bầy quạ vang lên quạ… quạ… quạ… ngay lập tức trăng chết. Chết tức khắc. Bởi cô đơn rởn gáy rùng mình.Trăng trong rừng cao su đẹp lắm nhưng không đẹp nhất.
                                                          ***
          Trăng ở rừng Giá Tỵ mới thật sự đẹp. Đẹp tuyệt.
     Ánh sáng và bóng tối. Ngày và đêm. Đau đớn và hoan lạc luôn song hành cùng nhau để sự sống hiện diện. Xen giữa hiện thực trần trụi là trăng… “là trăng trăng trăng. Thôi thả nàng ra thả nàng ra. Hãy buông nàng xuống cho ta ẳm bồng. Đố trăng trăng chạy đằng trời. Ta thét một tiếng, trăng rơi tức thì”  Không biết từ một hoàn cảnh không gian và thời gian nào thi sĩ Hàn Mặc tử đã vung bút viết được nhưng câu thơ trên. Có thể thi sĩ đã ngữa người trên cát trắng biển Quy Hoà giữa một đêm đầy trăng? Vâng, chỉ giữa đêm đầy trăng với sóng biển rì rào và khơi xa gió lộng…
     Nhưng giữa một vườn Giá tỵ thì tuyệt.
    Không như trong rừng già nguyên sinh, không như trong rừng cao su cổ thụ. Rừng Giá tỵ hoàn toàn khác. Loại cây nầy rất khó để ươm giống.  Mười hạt giống mọc được ba cây là quý hoá. Trồng cho được một rừng giá tỵ là cả một công trình bởi hao tốn rất nhiều công sức. Nó có giá trị xuất khẩu rất cao. Giá tỵ là một phần không thể thiếu trong công nghệ sản xuất súng. Gỗ của loại cây nầy dùng làm bá súng tiểu liên cầm tay. Nó nhẹ và không bị nứt như các loại gỗ khác. Thân gỗ của một cây giá tỵ trưởng thành  - những hai mươi năm trồng và chăm sóc – có thịt mầu vàng và lõi mầu xanh đen như Cẩm lai. Mỗi mùa thu hoạch thiên hạ có tí chức quyền và những đại gia lắm bạc nhiều tiền xoè tay ngọc đóng mở ngoặc với các anh bảo vệ kiếm dăm ba tấc, một khối đóng cái tủ cái bàn trang trí cho phòng khách có mầu vương giả. Bọn lâm tặc gọi sự giao thoa của vàng và xanh đen của giá tỵ là mầu của đế vương.
      Tán Giá tỵ nhỏ bởi cành rất ngắn, ngược lại lá của nó to bắng chiếc mũ tai bèo. Mùa khô là mùa giá tỵ rụng lá. Đang xanh lá trở vàng. Vàng nhè nhẹ, vàng sẩm rồi lìa cành. Lá rụng. Ngập tràn như một tấm thảm dưới những khoảng trống của hàng cách hàng, cây cách cây những sáu mét của loại rừng trồng rất đặc biệt nầy.
     Sẽ yêu, đang yêu và đã yêu vẫn cặp kè nhau vào rừng giá tỵ vào mùa rụng lá để tự tình. Chao ôi! Trăng tự hạ đến thượng tuần mới đẹp làm sao. Đẹp lắm. Lắm lắm. Tay trong tay, dưới chân xào xạc lá. Rồi thì cả hai sẽ ngồi xuống một gốc giá tỵ bất kỳ. Chàng sẽ ngã người gối đầu lên tay, nàng gối đầu lên ngực chàng cùng yên lặng ngắm trăng. Lúc ấy ta sẽ không biết rừng cây hay trăng hay mây đang bay… tất cả đều bị những cơn gió nhè nhẹ rất mê hoặc đánh lừa:
    Tâm hồn tôi đêm nay sẽ hào hoa như cơn mưa xuân đầm ấm
    Nước ngọt thơm đem tặng khắp trăm miền
    Nếu có em về ngập ngừng kể chuyện
    Tình vu vơ tưởng quên nhưng vẫn nhớ
    Tình hững hờ vẫn nhớ ngỡ là quên…
  Khi Thảo gối đầu lên ngực mình Tẫn vẫn thì thào vào tai cô  những câu thơ này. Và lúc ấy cô vẫn thường hỏi anh:
     -  Mây hay là trăng đang bay hả anh?
   Năm ấy Tấn bốn mươi chín tuổi và Thảo hai mươi ba. Bốn mươi chín cũng vô cùng lãng mạn:
  • Mây không bay, trăng không bay. Rừng đang trôi em ạ – Tấn trả lời.
                                                           ***
     Ở tuổi hai mươi chín – một hôm kia – tình nương của Tấn theo thiên thần về trời trong một mùa đông giá lạnh. Với một tráí tim vỡ tan tành bởi tình yên anh ngỡ mình đã chết. Nhưng đến khi gặp Thảo Tấn mới hay rằng tình chỉ lịm đi trong cô quạnh. Cô quạnh của hàng vạn nỗi muộn phiền. Một cô gái hai mươi ba tuổi đắm đuối một bốn chín có trái với lẽ thường không? Ô… không, không hề… Tấn có gương mặt sáng và sang cả như một quân vương. Bạn bè của anh – từ giang hồ vặt đến nghệ sĩ đích thực đều gọi anh là hoàng tử.
     Hoàng tử là nhạc công của dàn nhạc Trăng Rừng. Tấn siêu lắm vài loại nhạc cụ, anh đào tạo và dìu dắt từng tý một cho nhạc công của Trăng Rừng. Nhìn Tấn nghiêng bêrê đỏ trên mái tóc, đầu lắc lư theo nhạc, đôi tay vung dùi trống…tiếng ru-lê dồn dập vang lên hoà cùng âm âm u u của trống bát… trong mờ ảo của đèn mờ sân khấu cái dáng vẻ cô đơn của Tấn đã khiến thạo lịm đi trong mê ly. Cô đắm anh. Đắm thật.
     Nhan sắc và tiếng hát của cô đã làm cô quạnh trong Tấn ra đi. Sự cô quạnh trong anh khủng khiếp lắm. Nàng ra đi để lại cho anh hai con trai. Anh nuôi con qua thì khốn khó bằng nghiệp nhạc công đến thầy dạy nhạc. Một thằng con làm phiên dịch cho một công ty du lịch qua đời vì ung thư bao tử. Anh nói với một bằng hữu giang hồ:
  • Nếu thằng con tao là mày mà chết thì tao không có gì để nói. Đằng nầy nó không rượu trà cà phê và thuốc lá. Hiểu không? Bữa ăn mà không có rau là không được. Vậy mà nó chết vì ung thư bao tử.
Giang hồ nâng ly:
  • Chết là một giải thoát. Là hạnh phúc… Tao mong lắm mà không được. Ngày bị bắt đi cải tạo vì vượt biển bất thành. Tao lao xuống biển luôn mà không chết được mày ơi. Chết mà. Khó lắm. Bởi nó là hạnh phúc mà hạnh phúc đâu dễ tìm. Thôi. Buồn mà chi. Rồi tao và mày cũng sẽ chết.
   Thảo đã làm sự sống trong Tấn bừng lên hương hoa. Và anh hát:
  • Thiên đường là nơi có rất nhiều biển tình sâu thẳm
Và vô số mặt trời nồng nàn
Những núi đá ở thiên đường có mắt nhìn mời gọi
Và cây rừng mềm mại cánh tay ôm
 
Ngày đói lả
Đêm mơ đồng lúa chín thiên đường.
      Mùa khô đến ông bà chủ của Trăng Rừng dọn lại sân khấu và quán xá sau những thàng ngày ngủ yên trong mưa dầm giá rét. Nam thanh nữ tứ của xứ rừng tay trong tay kéo nhau đến nghe Thảo hát. Cô là ca sĩ chính của dàn nhạc. Tấn nhẹ lòng nên đắm giọng ca của cô. Thảo có chất giọng khàn khàn của một ca sĩ đang rất nổi tiếng. Cô hát lại nhưng bài hát đã đưa cô ca sĩ nầy lên ngôi… những cặp uyên ương lắng hồn mình trong nhạc và ngắm ánh trăng trên sóng nước của dòng sông chạy qua trước quán. Khi âm nhạc dừng lại nhường chỗ cho khuya đêm và yên tĩnh uyên ương sẽ dìu nhau vào rừng giá tỵ nghe lá khô xáo xạc dưới chân mình. Mỗi một con đường trăng đẹp như tranh là một cặp đôi. Chao! Trăng soi làm ngã bóng những hàng cây, bóng cây làm hư ảo bóng người trong ánh vàng huyền hoặc. Rôi chàng gối đầu lên tay nàng gối lên ngực chàng.
   Tình đến vậy là tận tuyệt.
   Và khi gối đầu lên ngực người tình Thảo hát tình ca. Bài hát của chính anh viết dành riêng cho cô
         Chỉ có dòng sông biết số phận rong bèo
Chỉ có không gian biết tình mất về đâu
Nhưng chẳng bao giờ em biết
Linh hồn tôi đốt lửa đêm thâu
 
Phải đứng trên đỉnh cao ta mới nhìn thấy vực sâu
Phải lặng yên mới nghe được tiếng gió gào
Nhưng trong cõi nhân gian nào mấy kẻ
Nghe những lời ta nói với nhau
 
Chỉ có anh hôn bức tường in bóng dáng em
Chỉ có em tràn đầy trong trí nhớ anh
Xin đừng hỏi ai là người duy nhất
Gọi em – mây trắng mong manh
 
   Hát xong nàng sẽ sàng ngồi dậy và hôn lên môi Tấn một nụ dài những nồng nàn
 
      Đẹp quá tình yêu.
 Tấn rủ rỉ vào tai tình nương thơ của anh:
    Thề trên vương miện của tuyệt thế giai nhân
     Thề dưới gót giầy của ca nhi hèn mọn
     Sẽ tìm ra kim vàng rơi xuống biển đông.
   Nhưng đời không là mơ. Một hôm kia cả rừng giá tỵ xôn xao khi nghe tin Thảo chết.
                                                         ***
       Tình yêu luôn muôn mầu muôn vẻ. Ảo diệu như sương đẹp như hoa sáng loáng như gương rực như ban mai và lắm khi cũng đen như bóng tối. Cao thượng và ti tiện luôn hiện diện khi yêu. Con người vốn ích kỷ. Họ muốn người họ yêu thuộc về họ. Nguyễn Bính viết: “Và nghĩa là cô là tất cả. Cô là tất cả của riêng tôi”. Ông muốn : “mùi thơm của nước hoa mà cô thương xức chẳng bay xa, chẳng làm ngây ngất người qua lại…” thậm chí “ tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai, đừng hôn dù thấy bóng tươi. Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ. Đừng tắm chiều nay bể lắm người”(Ghen).
    Yêu và được yêu là hạnh phúc vô cùng vô tận. Nó xua tan tăm tối và khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Tấn chả hạn. Anh yêu Thảo và Thảo yêu anh. Tình yêu đã khiến bao nhiêu ảm đạm trong anh trôi ra biển xa và tan biến vào hư không. Trong một xuất ý bất kỳ Tấn đã viết:
Quên chuỗi hạt vô hồn
Dưới chân pho tượng vô ngôn
Đi tìm gái sông hồ non biển
Lời thật thà câu chuyện yêu đương
   Và khi yêu mà không được yêu thì bóng tối của đêm địa ngục sẽ trở mình hiện diện. Nó khiến ta tuyệt vọng trong âm thầm. Cười nói đó mà hồn như đã chết. Giữa phố thị mà cô đơn lạc lỏng. Biết bao kẻ đơn phương đã chết bởi thất vọng lớn quá. Khi linh hồn, sự sống, tin yêu, hy vọng… không thuộc về mình thì lắm kẻ chọn cái chết để quên. Có kẻ huỷ hoại mình bằng rượu hay ma tuý. Buồn quá mà. “Trời hỡi làm sao khi khát đói. Gió trăng có sẵn làm sao ăn. Làm sao giết được người trong mộng…”
     Sơn cũng đơn phương.
   Nhưng anh không rượu, không tìm quên bằng ma tuý. Sơn chỉ âm thầm ngồi trong góc tối nhất của Trăng Rừng nghe Thảo hát. Sơn cũng hát theo nàng “ Anh yêu em. Mà em đã vội quên. Một đêm thấy em đi bên ai… một đêm đường vắng đầy trăng…” Bất cứ nơi nào bất cứ ở đâu hình bóng nhỏ nhắn tươi vui của Thảo luôn tràn trong tâm não Sơn. Anh đau đớn nhìn cô bên Tấn vào  vườn trăng Giã tỵ… đêm của Sơn là đêm vô ngôn. Anh âm thầm gọi tên cô như Napoléon gọi  Josephine khi hấp hối, như Hạng Vũ thống thiết gọi “Ơi Ly Cơ hỡi Ly Cơ” trước khi vung kiếm tự cắt đầu mình trên con đò ở bến Ô giang.
      Trong đêm vô ngôn Sơn ầm thầm trong bóng tối. Đốt điếu thuốc và nhìn thấy trong vườn trăng Thảo và Tấn đang bên nhau. Đêm, từng đêm. Tựa lưng vào bức tường dối diện với lặng câm là lòng mình đổ vỡ. Đơn phương luôn làm tâm tư kẻ si tình vỡ nát. Đúng không?
   Những vì sao đâu hết cả rồi
   Chúng rơi xuống đáy hồ sâu thẳm
   Nước trong xanh in một phiến trời
   Sơn đã buông mình xuống đáy hồ đẻ kết liễu đời mình trong một đêm đầy trăng. Trước khi thực hành cú nhảy định mệnh Sơn bước lên sân khấu – khi Thảo vừa xong một bài hát –  tặng ca sĩ một đoá hồng. Thảo vừa đưa tay về đoá hồng thì mũi dao sáng loáng trong tay Sơn vung lên. Anh đâm thẳng vào ngực trái Thảo rồi tung mình chạy đến dòng sông đang chảy trước Trăng Rừng.
Lũ dế mèn đâu hết cả rồi
Chúng để những cây đàn trên cỏ
Và bông hoa uống hạt sương rơi. 
                                                          *** 
   Trong đêm đầy trăng trong rừng trăng Giá tỵ. Tấn một mình đi lại đường xưa. Anh âm thầm hát. Hát rằng:
Đêm vừa bắt đầu
Linh hồn khởi sự thương đau
Ngoài kia biển đầy nước mắt
Trên kia cả một trời sao.
 ……
                                                                    N.T
 
 
 
   
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)