Cầm Sơn
TRÚNG LỚN
Lúc chiều giám đốc công ty gọi đi tiếp khách, uống có hơi nhiều nên về đến nhà là Tài nhảy lên giường đi ngủ ngay. Đang mơ mơ chập chờn thì vợ Tài phát một cái rất mạnh vào mông.
- Đi suốt ngày, về đến nhà đã vội lên giường ngáy khò khò, có còn nhớ tới vợ con không hả?
- Thôi đi mình, hôm nay mệt lắm, cho tôi nghỉ rồi mai tôi bù.
- Bù, bù cái con khỉ nhà ông. Gớm tưởng báu lắm hả! dậy ngay tôi bàn cái này, người ta làm đông làm tây phất lên như diều, còn ông thì chỉ có cơ quan, suốt ngày rượu còn biết cái gì, sốt ruột!
Nghe vậy, mắt nhắm mắt mở, Tài nhỏm dậy uể oải:
- Lại có việc gì mà nhộn hết cả lên thế?
Thấy Tài còn đầy mùi rượu, nửa tỉnh nửa mơ, vợ Tài vào buồng tắm nhúng cái khăn mặt ướt ra đưa cho Tài.
- Ông lau mặt đi cho nó tỉnh táo cái đã. Hôm nay ăn uống ở đâu mà khật khừ thế?
- Quán Dê núi đá, cá sông Đà nhà mụ Đầm Hồng. Mấy cha trên Tổng công ty chỉ thích cái món tiết canh dê.
- Á à!..”Tiết dê cùng với tương gừng, làm cho thực khách bừng bừng máu dê, lên phòng khách ở đừng về, để cháu lại tiếp tiết dê tương gừng”. Hốc lắm cái thứ ấy vào rồi lại đú đởn chứ gì. Tôi nghe nói quán nhà mụ ấy còn có cả mấy cái phòng trên gác để phục vụ khách kiểu như bọn ông phải không?
- Chỉ tầm bậy thôi nào. Người nào người ta cũng có chức sắc, tên tuổi. Ai làm cái trò khỉ ấy để “Thân bại danh liệt” đi à. Tép riu như tôi cũng là chủ tịch Hội Cựu chiến binh công ty chứ có phải bỡn đâu. Thôi dẹp cái băng rè ấy lại, có việc gì thì vào chủ đề chính đi!
- Ừ thì cũng phải nhắc nhở để các lão dè chừng. Đàn ông chả có tin được lão nào, trông thấy gái xinh là mắt sáng lên như “tia chớp nhiệt đới ấy! Thôi, Bây giờ vào chủ đề chính nha! Ông đi biền biệt bú khú suốt ngày có biết gì đâu, cả làng người ta đang dồn tiền cho vay, lãi tính rất cao, hời lắm!
- Nhưng mà sao lại cho vay, ai vay?
- Bên xóm Tây, nhà ông Đạt có chú em họ ở tận Hà Nội về nói có cái dự án gì đó làm thì rất lãi nhưng thiếu vốn, cần huy động một lượng vốn lớn nên nhận vay trả lãi cao. Nhà Phát nó cho vay một trăm triệu mới có một tháng mà hôm qua được nhận ba triệu tiền lãi. Tại con vợ nó khoe thì tôi mới biết.
- Không được đâu, nhà mình làm gì có tiền mà cho vay.
- Thế chả có tới một trăm tám chục triệu trong sổ tiết kiệm đấy là gì!
- Nhưng mà tiền ấy là để sang năm sửa chữa, tân trang lại cái nhà, có kế hoạch cả rồi.
- Thế thì sang năm mới phải dùng đến. Bây giờ rút ra cho vay có phải lợi hơn không.
- Phải tìm hiểu kỹ xem, nó làm gì mà vay lãi suất cao thế. Không cẩn thận nó mà đổ bể, vỡ nợ thì mất toi cả chì lẫn chài đấy. Mà tiền gửi dài hạn, chưa đến hạn, làm sao Ngân hàng họ cho rút.
- Cái ông này chỉ giỏi ở đẩu đâu ấy thôi. Thế này nhé, ta mới gửi vào được có gần một tháng, bây giờ phá hợp đồng rút trước cũng chỉ mất có một tháng tiền lãi, mà tiền lãi gửi Ngân hàng thì được bao nhiêu, không phẩy không bốn phần trăm một tháng, mới gửi gần một tháng, bất quá mất bẩy trăm hai mươi ngàn là cùng. Rút ra cho chú em nhà ông Đạo vay mỗi tháng được những năm triệu tư chả hời hơn à! Bên nhà Lộc có thằng con quen biết nhiều còn gán cả sổ đỏ ra vay Ngân hàng mấy trăm triệu đầu tư vào vụ này đấy.
- Học hành chả đến đâu mà tính nhanh nhỉ?
- Không nhanh, cứ trông vào ông thì có mà...
Tài biết tính vợ, nếu cứ để thì mụ ấy giăng ca bà cụ thì không biết đến bao giờ mới dứt, mà tiếng nói của mụ đâu có nhỏ, nó cứ choang choang đấm vào lỗ nhĩ nhức hết cả đầu. Tài cắt ngang lời mụ:
- Thôi thôi! cái đó tuỳ bà, tôi không can dự.
- Ơ cái ông này, vợ chồng thì tôi phải bàn với ông chứ, ông có đồng ý không?
- Không đồng ý thì bà đã quyết rồi còn gì, xưa nay những việc trong nhà chả toàn là do bà quyết đó sao, sao lần này lại hỏi kỹ thế?
- Thì tôi cũng phải nói để ông biết. Cả làng người ta cho vay chứ đâu chỉ có mình nhà ta.
- Thôi! tôi đã bảo tuỳ bà, để cho tôi nghỉ. Làm cái chân văn phòng cứ phải tiếp khách triền miên, mệt lắm!
- Vâng! Ngày nào mà ông chả khách mấy khứa, tiệc tùng bù khú, thiết gì đến nhà cửa đâu!
- Bà tưởng ngày nào cũng phải uống rượu là sướng lắm à!
- Không sướng thì còn sao nữa, khối nhà còn đứt bữa kia kìa. Ăn uống nhậu nhẹt cơm rượu thừa mứa có khi còn nôn mửa cả ra nhà, thế mà cứ kêu khổ...
- Thôi thôi! tôi đã bảo là cho tôi xin rồi mà! Nhức hết cả óc. Vợ Tài định nói gì thêm nữa nhưng thấy Tài kéo chăn chùm kín đầu nên bỏ đi lên gác. Thị lại phía đầu giường lật gối thò tay xuống phía dưới lấy ra một chùm chìa khóa, chọn một chiếc mở khóa cái két sắt để ở góc phòng. Thị lấy ra một cái hộp, trong đó đựng các thứ nữ trang và moi dưới đáy hộp ra một cái bìa, đấy là tấm thẻ gửi tiết kiệm. Thị mang lại phía cửa sổ đặt tấm thẻ xuống khuôn cửa vuốt vuốt rồi cúi xuống xem kỹ từng dòng. Số dư trong tấm thẻ ghi một trăm tám mươi triệu, gửi ngày mồng ba đầu tháng, kỳ hạn một năm với lãi suất không phẩy sáu phần trăm. Như vậy phải đến thì này sang năm mới được rút và sẽ được số tiền lãi là mười triệu tám trăm ngàn đồng. Lúc ấy chả biết có phải là lãi không nữa vì vật giá thay đổi, các mặt hàng thiết yếu lại tăng giá. Nếu đầu tư sang cho em nhà lão Đạo bên xóm Tây một năm, thử tính xem nào, mỗi tháng ba phần trăm với một trăm tám mươi triệu thì được năm triệu tư. Một năm mười hai tháng vị chi tiền lãi lên đến sáu mươi bốn triệu tám trăm ngàn...À mà không! Cứ ba tháng nó lại trả lãi một lần thế là cái lãi ấy lại trở thành gốc. Vậy không phải sáu mươi bốn triệu tám trăm ngàn mà là...Chà chà...còn cao hơn nhiều. Lúc ấy có khi còn đập bỏ cả cái nhà này đi mà xây lại ý chứ. Còn để ở Ngân hàng, hơn mười triệu làm được gì, họa có chỉ là cạo cái lớp vữa vôi cát trát thay bằng lớp khác rồi sơn lại tường là cùng. Nhớ lại cái ngày cách đây mười năm, vợ chồng hý hóp xây được cái nhà ba gian có một gian chồng lên tầng hai mà cả từ ông bà anh em bên nội đến ông bà anh em bên ngoại mừng vui thi nhau lên thăm mang bao nhiêu là quà quê. Mà cũng phải thôi, tằn tiện, ky cóp bao nhiêu năm. Ngửa lưng úp bụng, giãi nắng dầm sương, kiếm được một đồng tiền đâu có dễ. Bốn miệng ăn hai suất lương quèn, kể ra so sánh với thiên hạ thì nhà thị không được xếp vào hàng giàu có nhưng cũng vào loại trung trung. Có điều nhu cầu cuộc sống đâu có dừng lại ở điểm nào, đâu chỉ có cơm ăn, nước uống, áo mặc thường nhật. Còn con cái học hành, còn tiện nghi, phương tiện. Sang nhà hàng xóm thấy có bộ bàn ghế salon phô tơi thì về nhà mình cũng phải cố gắng sắm lấy bộ salon bằng gỗ tự nhiên mà mua ở Đồng Kỵ. Hàng xóm có con xe máy Uây Tàu chẳng nhẽ mình lại cứ đạp xe đạp. Mình cũng phải có một chiếc xe máy chứ, mà xe Nhật hẳn hoi mới oách. Rồi tivi, tủ lạnh trăm thứ cần có tiền. Đời sống xã hội bây giờ đã cao lắm, nhà nào mà chả có tivi, tủ lạnh, xe máy. Khối nhà còn tậu được cả ô tô, mỗi dịp lễ tết cả nhà lên xe đi rõ là sang trọng, vui vẻ, hạnh phúc. Nhu cầu thì nhiều mà tiêu tiền cũng nhanh còn làm ra được đồng tiền thì bạc mặt, lồi mắt chứ bỡn đâu. Kể ra cái lão Tài nhà này cũng có lý. Nó làm cái gì mà dám vay với lãi suất cao thế? Nhưng nhà Lộc bảo hắn đã đi cùng thằng em lão Đạt đến tận công ty của nó xem xét. Nó có một công ty kinh doanh bất động sản, hiện đang nắm giữ trong tay ba bốn cái dự án với diện tích đất lên đến vài chục héc ta. Nhà Lộc bảo “Tôi đã thực mục sở thị một trong những dự án của nó, đấy là một tòa nhà đang hoàn thiện, một tòa nhà chung cư nằm trong tổng thể một khu đô thị. Thằng em lão Đạt là chủ đầu tư. Những người cho nó vay tiền nếu có nhu cầu mua nhà chung cư cho con cái đang học hành nhằm định cư lại thành phố sau khi học xong thì có thể chuyển luôn số tiền cho vay sang mua nhà. Chắc như đanh đóng cột, khỏi cần lăn tăn gì nhiều”. Nhà Lộc làm ăn như giời, con cái đi đây đi đó, quan hệ rộng, thông hiểu nhiều nó còn dám cho vay cả tỷ đồng thì mình còn có gì mà đáng lo nữa. Cẩn thận như lão Tài cũng phải, một trăm tám mươi triệu là cả một tài sản lớn hai vợ chồng đã phải tích cóp cả một đời chứ đâu phải chuyện đùa. Nhưng cứ nhát xít thế thì đến bao giờ cho mở mày mở mặt được. Làm ăn đôi lúc cũng phải liều một tý. Mà vụ này đâu có phiêu lưu gì. Nó đã vay cả nửa năm nay rồi, cứ ba tháng trả lãi một lần, khối người đã nhận được tiền lãi đấy chốc. Có mình ếch ngồi đáy giếng chả biết thông tin gì thì chịu thiệt thôi chứ. Quả này chắc chắn là trúng. Nhà Lộc nó nói là không có sai, chẳng phải lăn tăn gì nhiều cho nó nát óc.
Chiều hôm sau về, Tài lại được vợ chăm sóc về cái vụ “đầu tư trúng lớn này”, mụ nói:
- Mấy con ranh ở Ngân hàng thật rách chuyện. Tôi bảo nó cho rút tiền ngay không cần lấy lãi nữa cũng được. Nhưng nó lại bảo đợi mấy ngày để cho có số dư cuối tháng, đến ngày mồng ba vừa chẵn tháng nó sẽ trả cho cả gốc lẫn lãi. Thôi thì đành phải vậy!
- Ừ thì có mấy ngày đã sao!
- Nhưng mỗi một ngày là bị thiệt cả trăm ngàn chứ ít à!
- Tính toán so đo quá, rõ thật là đàn bà!
- Đàn bà, đàn bà thì sao, thử hỏi không có cái đàn bà này…
Biết là không đọ được với mụ, Tài bịt tai đi nhanh ra khỏi cửa. Sang đến tận sân nhà ông bạn hàng xóm vẫn còn nghe thấy giọng ca của mụ. Tài đã quen kiểu vậy, hễ vợ bắt đầu mở”ra đi ô” là Tài chuồn. Phải hàng tiếng đồng hồ sau mới quay về. Được cái vợ Tài không để tâm, có khi lúc Tài quay về thì mụ lại đon đả nói những chuyện vui khác.
Chiều nay, vừa về đến sân, chưa kịp dựng chiếc xe máy thì Tài đã bị vợ chạy ra tay kéo, mồm nói rối rít:
- Thật là phúc nhà mình còn to ông ạ…
- Phúc lộc gì thì bà cũng từ từ để tôi dựng xong xe cái đã!
Vợ Tài buông tay nhưng miệng vẫn tiếp tục phát sóng:
- Nó bùng rồi ông ạ!
- Ai bùng! Mà bùng cái gì?
- Là nói cái thằng em họ lão Đạt ấy, nó chuồn rồi! cả xóm Tây, cả xóm Đông đang nháo lên kéo đến nhà lão Đạt bắt đền. Còn lão Đạt thì bảo lão chả dính dáng gì, ai cho vay thì đi tìm cái thằng trời đánh ấy mà đòi. Nó là em họ chứ có là em ruột thì lão cũng chả có trách nhiệm gì...Nhùng nhằng lắm, xem ra mất hết ông ạ. Chiều nay tôi vừa rút được tiền ở Ngân hàng ra, đạp xe sang đến nhà Đạt thì đã thấy chật cả một nhà. Thật hết cả hồn vía. Tý nữa thì nguy!
- Ừ! cứ tưởng là phen này bà trúng lớn!
- Thôi đi cái ông này, người ta đang hút hồn hút vía chả động viên lại còn trách!
- Thế thì chiều nay bà làm món gì đi để tôi động viên bà.
- Nhất định rồi, tôi phải làm cơm liên hoan cái may này cho cả nhà cùng vui!
Tài đã kịp vào nhà bế thằng cháu “đít nhôm” ra sân, nó chín tháng tuổi, mỗi khi ông nội về, nó rất thích được ông bế đi chơi lòng vòng sang hàng xóm. Tài bế cháu đi ra cổng, nói lại đằng sau:
- Nhưng mà bà nhớ ra nhà hàng mụ Đầm Hồng mua thêm bát tiết canh Dê nhé!
C.S