bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

 

VU NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN!KÍNH MỜI CÁC ANH CHỊ DỰ BUỔI TỌA ĐÀM ĐÓ XEM HÌNH ẢNH CỦA MÌNH TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Cầm Sơn đã đưa videoclip này!

 

VŨ NHO 085 589 0003

NHÀ MẠNG THÔNG BÁO HỌ BỊ HACK NÊN ĐỂ XẢY RA SỰ CỐ ĐÁNG TIẾC ĐÓ!RẤT MONG CÁC TÁC GIẢ BỊ MẤT BÀI ĐĂNG THÔNG CẢM. TÍNH SƠ MỖI NGÀY TBT ĐĂNG 2 BÀI, CHÚNG TA MẤT NỬA THÁNG 5, NỬA THÁNG 7, TRỌNG VẸN THÁNG 6...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 20
Trong ngày: 104
Trong tuần: 874
Lượt truy cập: 693892

TRUYỆN CƯỜI PHÚ THỌ

CHÚNG TÔI NHẬN ĐƯỢC CUỐN SÁCH " VĂN HÓA VĂN HỌC DÂN GIAN TỈNH PHÚ THỌ" DO THẠC SĨ VĂN THỤC  CHỦ BIÊN.

XIN GIỚI THIỆU VỚI BẠN ĐỌC PHẦN TRUYỆN CƯỜI!

CÁM ƠN THẠC SĨ TRẦN VĂN THỤC!

III . Truyện cười Phú Thọ

III.1 . Truyện cười Văn Lang

III.1.1 - Khái luận

III.1.1.1 - Chất phét Văn Lang

Như phần trên đã trình bày,Văn Lang là một làng cổ mang tên nước thời Hùng Vương. Từ một làng gốc, Văn Lang đã phát triển thành chín làng. Trong tiềm thức cư dân vùng Đất Tổ, làng văn hoá này rất nổi tiếng bởi câu phương ngôn: “Văn Lang cả làng nói phét”. Nhưng vì nói “phét” hay bị hiểu như là một thói xấu, nên có người ngần ngại đã nói chệch ra là nói “khoác”, cho nó có vẻ nhẹ

nhàng để dễ nghe hơn.

“Nói phét và nói khoác đều là không nói thật, nhưng mục đích và tính chất

xem ra lại khác hẳn nhau.

Nói khoác có hàm nghĩa xuyên tạc, che đậy sự thật nhằm phục vụ cho một ý đồ nào đấy (thường là đen tối), người ta thường nghe nói: “Vạch trần luận điệu khoác lác đó ra”. Còn nói phét như trong Từ điển tiếng Việt ghi là: “Nói phóng đại, hoặc bịa đặt để đùa vui”, theo nghĩa này thì nói phét không phải là lừa dối xuyên tạc, cái “chất phét” ở đây chỉ nhằm tạo không khí vui cười giải trí nên mang danh nói phét nhưng thực chất là rất thật thà.

Có điều, nói khoác thường là giọng điệu của những kẻ có vẻ cao sang, như chính khách, quan viên đàn anh, nhằm khoe công lòe thế, ra mẽ oai phong; còn nói phét là những câu chuyện đùa vui cửa miệng của những người dân quê luôn đầy ắp ở nơi thôn dã nên nói có vẻ xoàng xĩnh, tầm thường, nghe như một sự ngược đời, nói phét mà lại là thực !.

Theo đà “bốc phét”, người nói cứ nói vống mãi lên để cho người nghe dù có chậm hiểu rồi cũng hiểu ra không phải là như thế. Tương tự câu chuyện thằng Cuội “nói dối như Cuội”, nói dối mà ai cũng biết thì không phải là dối trá nữa, nên Chế Lan Viên mới thốt lên: “Cuội thực thà biết bao nhiêu”.

Cái vẻ thực thà của ai đó bị gọi là “cha quỷ quái” thì cái nói dối của Cuội và cái nói phét của dân Văn Lang có thể nói là “mẹ của thực thà”. Chả thế mà mang danh“cả làng nói phét”mà người dân Văn Lang không bị ai nghi ngờ, khinh ghét, ngược lại còn được mọi người thích thú mến yêu:

  Nói khoác cả làng mà không ai lừa nhau

  Ngỡ không cười làng tôi không sống được

  Cười cho tạnh nỗi mưa thiêu nắng đốt

  Cười cho đầy trống vắng những ngày qua

  Cười cho mềm sỏi đá để trồng hoa.

                                            (Nguyễn Hưng Hải - Làng cười)   

Một sản phẩm văn hóa là truyện kể hay thể loại gì thì nó cũng mang đậm dấu ấn thời đại đã sản sinh ra nó. Có điều một thành tựu nghệ thuật khác với một sự thật lịch sử. Sự kiện lịch sử dù được người đời tô đỏ hoặc bôi đen đến đâu thì chỉ sau một thời gian bị phong hóa, sự thực sẽ được lộ ra, còn những tài sản nghệ thuật có giá trị, nhất là lại ở vị trí đỉnh cao thì phải có độ lùi dài về thời gian, người ta mới dần dần tiếp cận được các chân giá trị của nó” (Nguyễn Văn Nguyên - Chất phét Văn Lang).

Trở lại với truyện cười Văn Lang, tuy quá phóng đại đến nỗi được mang danh là nói phét, thế mà trong đó nó đầy ắp dấu ấn hiện thực về đời sống xã hội của làng quê Văn Lang thuở xưa. Ngoài những tính cách chất phác, đơn giản hay cực đoan một chiều, với những ước mong có được cuộc sống tốt đẹp hơn, ta cũng còn gặp một số truyện phải có độ lùi cần thiết để tái hiện về thời kì lịch sử đó thì mới có thể hiểu nổi phần nào những vấn đề của câu chuyện nêu ra.

Có thể nói dưói giác độ văn hóa truyền thống, phải thừa nhận tổng Văn Lang là một địa chí folklore mà tính chất cổ sơ của vùng Đất Tổ Phú Thọ còn in dấu cực kỳ đậm nét, nhất là dấu vết của tín ngưỡng phồn thực và nền văn hóa nông nghiệp. Trước khi đi vào tìm hiểu, khai thác những giá trị quý báu của truyện cười Văn Lang, chúng ta hãy tiến hành phân loại nó để có thể nhận diện rõ hơn.

III.1.1.2 - Vấn đề phân loại.

Việc phân loại truyện cười dân gian lâu nay đã tồn tại nhiều ý kiến khác

nhau. Sách “Lịch sử văn học Việt Nam” tập I - Văn học dân gian. NXB giáo dục 1978, các tác giả biên soạn đã chia truyện cười ra làm ba loại:

  1. Truyện khôi hài
  2. Truyện trào phúng
  3. Truyện tiếu lâm

Ông Hoàng Tiến Tựu trong “Văn học dân gian Việt Nam” tập II - NXB giáo dục. 1990 lại chia làm hai loại:

  1. Loại truyện cười không kết chuỗi.
  2. Loại truyện cười kết chuỗi

Ông Đỗ Bình Trị trong “Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học dân gian” (NXB giáo dục 2002) tuy không đặt vấn đề phân loại nhưng ông lại dựa trên hai loại chính để nghiên cứu thi pháp truyện cười.

  1. Truyện hài hước
  2. Truyện châm biếm

Trong “Truyện làng cười xứ Bắc”, Trần Quốc Thịnh có dẫn ý kiến của ông Đỗ Bình Trị cho truyện của các làng nói khoác chỉ là hình thức “tạm định danh là truyện làng cười hoặc truyện nói trạng.”

Trong thực tế, làng cười Văn Lang có kho tàng truyện cười rất phong phú. Nó có khả năng đáp ứng với tất cả các tiêu chí và các cách phân loại đã chuyển dẫn ở trên. Vì vậy, bước đầu chúng ta hãy chia ra 3 loại chính sau:

  1. Truyện khôi hài vui vẻ (tương ứng với loại tiếng cười trong lao động sản xuất và đấu tranh thiên nhiên)
  2. Truyện trào phúng châm biếm (tương ứng với tiếng cười trong sinh hoạt đời sống và đấu tranh xã hội).
  3. Truyện tiếu lâm giải trí (tương ứng với tiếng cười trong sinh hoạt phòng the, giải trí tính giao nam-nữ).

Và như vậy thì “nói khoác”, “nói phét”, “nói trạng” chẳng qua chỉ là phương thức biểu hiện chủ yếu của truyện cười Văn Lang cũng như các làng cười Việt Nam chứ không thể là một thể loại truyện biệt lập. Có thể nói “làng nói khoác Văn Lang” nhưng trước hết phải thấy, đó là một “làng cười”.

Việc phân loại, định danh từng tiểu loại của truyện cười nói chung và truyện cười Văn Lang nói riêng chỉ là tương đối bởi sự giao thoa giữa các tiểu loại ấy là rất rõ. Phân loại chẳng qua chỉ là thao tác để qua đó, chúng ta nhận diện rõ hơn đặc sắc nội dung và nghệ thuật của truyện cười Văn Lang cũng như những tinh hoa của nó mà thôi.

III.1.1.3 - Tính địa phương - tiêu chí nhận diện

Truyền thuyết kể về sự tích lập làng giúp người ta nhận ra một cái làng cổ, và để khẳng định đây đích thực là làng cổ, chúng ta cần phải tìm đến hệ thống ngôn ngữ - nguồn gốc của tư duy, trí tưởng tượng. Làng Văn Lang còn lưu giữ được nhiều yếu tố cổ đáng quý. Đầu thế kỷ XX, làng vẫn còn nhiều cụ già có ngón chân giao chỉ. Người dân vẫn sử dụng vốn từ ngữ của người Việt cổ khá nhiều, đi kèm với nó là thổ âm, thổ ngữ nặng nề, thường kéo dài khó nghe, dường

như chính giọng điệu ấy đã mang chất hài hước.

Thí dụ:

- "Đây"; họ nói là"đê"

- "Đấy", "đó" họ nói là "đé"

- "Hôm kia" họ nói là "hôm xưa"

- "Buổi trưa"; "buổi tối" họ gọi là "ban trưa"; "ban tối"

- "Đàn ông"; "đàn bà" người ta gọi  là "lền ông"; "lền bà".

- "Nhà mày"; "nhà tao" người ta gọi  là"nhà bay"; "nhà qua"

- "Keo kiệt"; "bủn xỉn" người ta gọi là "tò căn”

Bên cạnh đó, dấu vết của thời kỳ săn bắn, đánh bắt, hái lượm còn được ghi lại trong một số truyện cười Văn Lang khá đậm. “Chuyện rủi” là một tác phẩm mà “mã văn hóa” của nó còn khá cổ” hoặc tiếng cười trong sinh hoạt tính giao nam - nữ, chuyện kín phòng the, nếu đặt nó trong hệ thống tín ngưỡng phồn thực dân gian sẽ thấy tính cổ sơ của cái làng này. Những “mã văn hóa” cổ luôn chứa một “mật mã”, cần “giải mã” mới hiểu hết được. Những hồi ức về quá khứ, hoài niệm phồn thực (tín ngưỡng phồn thực ra đời từ thời nguyên thủy) là điều đương nhiên, thường thấy xuất hiện ở các làng nông nghiệp lúa nước.

Cái tính chất cổ của Văn Lang còn biểu hiện ở đặc trưng của văn hóa làng thuần nông, với những nghề nghiệp quen thuộc. Làng nông nghiệp lúa nước Việt Nam hầu như các làng đều na ná giống nhau. Nhưng làng Văn Lang có nét đặc thù mà ít nơi có, đó là rừng dứa năm tầng, nghề sơn tinh xảo với những người phụ nữ “thức khuya dậy sớm”. Điều đó lại cứ tự nhiên đi vào truyện cười với các tác phẩm hết sức độc đáo: Dứa gò Sui, Vống hay kiến, Mua tủ nhốt gà, Đĩa lưỡi chuột, Dao sắc... Làng vẫn ghi dấu ấn rõ ràng về cảnh quan môi trường của một vùng bán sơn địa, nhưng không phải bằng miêu tả mà là bằng các địa danh đồi rừng có thật: rừng Cấm, gò Tròn, gò Sui, gò Lọt Sọt, hố Đỗ, hố Hang Hùm, Đính Trại, Cổ Bồng… Kèm theo đó là những câu chuyện về cuộc sống và hoạt động săn bắn, đánh bắt, hái lượm: Miếng dập ngực, Bóp vỡ họng gấu, Bắt sống trăn gió, Độc trị độc, Cái may, Chuyện rủi… Các truyện này ẩn dấu những “mã văn hóa” tương đối cổ và đều gắn với những tên người hay với một địa điểm cụ thể, tất nhiên là của làng. Nông nghiệp lúa nước luôn gắn liền với thủy lợi, với những ao - hồ - đầm… Thì đây, truyện cười Văn Lang hiện hình ngay: “Cá rô đồng Danh Hựu”, “Cua đồng Chằm”, “Tôm đồng Liên Trì”…, tiếp nữa là “Cá mắm thính bà Lừng”, rồi cả “con lươn nhà bủ Chạch ngâm tre bắt được”, rồi “con trâu nhà bủ Sửu” v.v… Đúng là những truyện có địa chỉ, có xuất xứ, không thể nhầm lẫn với bất cứ nơi nào khác.

Văn học dân gian là sáng tác tập thể của nhân dân lao động, nó có tính truyền miệng, tính vô danh, tính tự phát, tính nguyên hợp, tính cộng đồng, tính diễn xướng, tính truyền thống, tính quốc tế… Tính vùng miền hay tính địa phương là một thuộc tính có tính chất khu biệt, nó đóng “con dấu” pháp lý hiển nhiên cho một tác phẩm văn học dân gian nào đó được mang “nhãn hiệu làng”.

Lại nữa, trong bất cứ thể loại văn học dân gian nào, các motyp, các biểu tượng, các công thức truyền thống…cũng thường được lặp đi, lặp lại như một “mẫu gốc” có sẵn. Đọc các tuyển tập truyện cười Việt Nam và một số tuyển tập truyện cười thế giới (tất yếu là chưa đủ), chúng ta thấy một số ít truyện cười Văn Lang có motyp hay cốt truyện giống với các truyện ở các tuyển tập chung đó: Võ mèo, Gan cóc tía, Cứt chó chè lam, Rắm đương quy, Kén rể thi thư, Đưa cho ta khám nghiệm, Hít hơi chả trả tiếng tiền, Mẹ đẻ ra sư, Thầy đồ đỡ đẻ, Kén rể lười, Tay ải tay ai, Tiếng đàn bầu, Sáu cẳng hơn bốn cẳng, Để chúng khỏi lạc đàn, Sáng kiến của mẹ cu, Trương Phì,  Vợ điếc, Con giống của bác, Khôn ăn cái dại ăn nước, Được cả nước lẫn cái, Mặt đỏ, Cút hơn chai, Để yên xem sao, Tình tang, Thủng bụng (25 truyện). So sánh với truyện cười của các làng cười Việt Nam trong một số sách của các tác giả Trần Quốc Thịnh, Dương Văn Cầu, Nguyễn Thị Nhung…, có thể thấy, truyện cười Văn Lang có một số trùng motip hoặc cốt truyện với truyện các làng cười xứ Bắc, truyện Ba Phi như: Miếng dập ngực,  Ớt cay, Giống dền quý, ăn cá không phải giở mình, Con ếch cốm, Con tôm càng, Dao sắc, Tôm đồng Liên Trì, Con gà đậu gãy văng trâu thành ngạnh, Khoai dẻo, Củ sắn xuyên qua đường 24, Con đỉa trâu (12 truyện). Xin dừng lại nói đôi điều về vấn đề này:

Con số 37 trên 174 , chiếm gần 21,3% đã cho thấy, truyện cười Văn Lang có sự giao thoa với truyện cười nói chung trên một phạm vi rộng. Điều này cũng nói lên tính địa phương và tính quốc tế của truyện cười Văn Lang là hiển nhiên, không thể nghi ngờ. Trong số những truyện có chung “mẫu gốc” đó, chúng tôi thấy, không hiểu sao, truyện của cư dân Văn lang kể “có duyên” hơn, “tự nhiên” hơn và thường “hay” hơn nữa. Chẳng hạn như truyện “Miếng dập ngực”, “Bắt sống trăn gió”, người Văn Lang kể rất tự nhiên, mâu thuẫn, kịch tính cao độ, kết quả hết sức có lý, tự thân hình tượng toát lên. Trong khi đó, làng Sơn Dương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) cũng có truyện bắt sống thú rừng: “Săn hổ”. Ở đây, nhân vật “tôi” đã “dùng đòn càn vót nhọn, đâm một nhát vào hậu môn con đực(…), tiếp theo là “Tôi xiên đòn càn vào giữa bụng nó rồi nhấc bổng lên, cứ thế gồng trên vai đi xuống Cao Thượng”, sau đó lại “vơ một nắm lá mua nhá nhỏ đặt vào và làm nó sống lại (…), đưa về Ba Lê triển lãm”.

Tại mảng truyện ca ngợi những sản vật của làng quê, Văn Lang có: Con ếch cốm, Ăn cá không phải giở mình, Suýt cháy nhà, Giống dền quý, Thuyền đu đủ, Dứa gò Sui, Củ sắn xuyên qua đường 24… Các làng cười xứ Bắc cũng có nhiều truyện về lúa, rau, củ, quả, cá, tôm, cua, ếch …tương tự. Làng cười Trúc Ổ (cũng được mệnh danh Trúc Ổ tổ nói phét) có: “Con ếch kéo đổ cây đa”, “Con cá cả nhà ăn chán”…Nhưng khi kể, người ta phải tìm mọi cách biện hộ sao cho có lý , thì ra con ếch kéo đổ cây đa vì “nó kéo đúng vào cái đêm gió bão lớn mà lị”; còn con cá mè cả nhà ăn chán vì “cháu nó mổ vô ý làm vỡ mật, cả nhà ăn chả kêu chán lắm mà lỵ”. Làng cười Hòa Làng có truyện “Cây rau dền” phải bắc thang lên mới hái được, nhưng sự thể là vì “cây  rau dền mọc trên bờ tường đắp đất”. v.v…

Đáng chú ý là Văn Lang còn có những truyện mà cốt truyện tương tự với truyện cười thế giới: Rắm đương quy (giống của Trung Quốc), Đưa cho ta khám nghiệm (giống của Nga), Hít hơi chả, trả tiếng tiền (giống với nhiều nước)… Giờ chúng ta hãy dừng lại ở truyện này để so sánh:

- Một số dân tộc ở vùng núi Pamia kể: Một anh chàng nghèo đi trên đường vừa nhai bánh mỳ vừa hít mùi cá nướng thơm từ một cái quán ven đường. Cô chủ quán thấy anh vừa ăn vừa khen mùi cá nướng thơm thì liền đưa anh ra tòa đòi tiền phạt, vì đã lén hít trộm mùi cá nướng của cô. Chàng trai khôn ngoan đã mượn một đồng bạc kẽm, rồi hướng ánh phản quang của mặt trời đúng vào người cô chủ quán và nói: “Thế là trả sòng phẳng rồi nhé!”  

- Tại vùng Trung Á, người dân kể: Một nhân vật thông thái là Khôtgia bị

chủ quán đòi tiền vì hít mùi cá thơm khi anh ta ngồi bên đường, vừa ăn bánh bao vừa khen cá nướng thơm. Nhà thông thái bèn lấy hai đồng tiền kẽm ghé sát vào tai gã chủ quán, vừa rung vừa chà sát làm cho kêu lanh canh rồi đắc chí nói: “Thế là huề! Người bán mùi cá thơm đã nhận đủ tiếng kêu của đồng tiền kẻ hít đã trả cho”.

- Dân tộc Mianma kể: Làng nọ có một người nghèo buộc phải chấp nhận điều kiện tai quái của điền chủ, anh đã ngâm mình dưới nước lạnh đóng băng với hy vọng sẽ được xóa nợ. Nhưng kết cục, anh bị hắn bội ước. Hắn nói: “Đừng hòng che mắt tao! Mày thoát chết vì bờ bên kia, người ta đốt lửa suốt đêm, mày sống nhờ hơi lửa ấy sưởi ấm”.

Dù đã cãi lý rất hùng hồn, nhưng anh nghèo vẫn thua cuộc. Một hôm khác, điền chủ sai anh nghèo mang xâu thịt đi nướng. Anh cầm xâu thịt đi ra bờ sông, nhìn thấy một bếp lửa đang cháy, liền nâng xâu thịt trên tay, hướng về phía ngọn lửa, xoay xoay lúc lâu, rồi coi như đã nướng xong. Điền chủ quát: “Mày đứng bờ sông bên này mà lại nướng chả trên bếp lửa bờ sông bên kia sao được ?”. Chỉ chờ có thế, anh nghèo đắc ý nói: “Con tắm ở bờ bên này mà bếp lửa bờ bên kia sưởi ấm cho con được thì cũng có thể nướng chín xâu chả theo cách của ông chứ?”. Lão điền chủ câm họng.  

- Người dân Văn Lang kể:  Hít hơi chả , trả tiếng tiền

“Một bà nhà quê ra tỉnh lỵ Hưng Hóa mua muối về bán. Bà mang theo một vắt cơm nắm kèm muối vừng để ăn đường. Lên đến tỉnh đúng vào bữa trưa, bà vào một cái bóng cây vỉa hè, giở cơm nắm ra ăn. Sau lưng bà, một quán cơm đang làm món thịt nướng cho khách. Mùi thơm chức mũi khiến bà vừa ăn vừa hít lấy, hít để:

- Chả thơm quá ! Ngon miệng thật !

Ăn xong vắt cơm nắm với muối vừng, bà đứng dậy định đi ra hàng muối thì viên chủ quán sấn tới ngăn lại:

- Bà đã hít hơi chả của tôi, vậy phải trả cho tôi đúng một quan tiền.

Bà nhà quê nhất quyết không chịu. Thế là hai người đưa nhau đến cửa quan. Viên quan sử kiện đã ăn tiền đút của chủ quán nên hỏi bà:

- Bà có thừa nhận là vừa ăn vừa hít hơi chả thơm của hắn không?

Thấy bà lão nói rằng “có” thì viên quan lại bồi tiếp:

- Thế hắn đòi một quan là không đắt chứ ?

- Bẩm không đắt. Bà thản nhiên trả lời:

- Vậy thì bà hãy trả cho chủ quán đúng một quan.

Bà lão bình tĩnh nói:

 - Tôi đồng ý trả. Nhưng xin quan cho tôi mượn cái chậu thau để đếm!

Gã chủ quán thấy vậy thì sốt sắng bảo:

- Không cần, có quan làm chứng, bà cứ đưa đây.

Co kéo mãi, cuối cùng viên quan cũng sai lính đem ra một chiếc chậu thau. Bà lão lấy từ trong bọc ra đúng một quan tiền rồi vãi nhiều lần xuống chậu, nghe xủng xoảng:

Tôi hít hơi chả

Tôi trả tiếng tiền

Ông nghe nhận luôn

Có quan làm chứng.

Hát xong, bà lão hốt tiền cho vào bọc rồi đi thẳng, trước sự chưng hửng của quan và chủ quán.       (Cụ Cù Thị Xuyến kể)

Nhìn chung là như vậy, nhưng còn đối với các làng cười Việt Nam thì thế nào ? ( CÒN TIẾP)

tay-bac7

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)