bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 35
Trong ngày: 631
Trong tuần: 1367
Lượt truy cập: 774333

TRUYỆN CƯỜI PHÚ THỌ ( TIẾP)

TRÍCH TỪ CUỐN "VĂN HÓA, VĂN HỌC DÂN GIAN PHÚ THỌ"  do Hữu Thục  Chủ biên, nxb Văn hoá dân tộc.

Truyện cười xứ Huế, chủ yếu là chuyện thật, có tên địa điểm, có tên người

 cụ thể. Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có làng nói trạng Vĩnh Hoàng, chủ yếu người ta kể chuyện bằng cách phóng đại sự thật. Truyện cười xứ Nghệ nói nhiều đến đất học, đến sự cần kiệm. Các làng cười Bắc Ninh có làng Hiên Đường - Hiên Ngang được cái nhất về con gái nói ngang và nghệ thuật nói lưu đôi xoay quanh cây rau muống; làng Trúc Ổ“tổ nói phét”có các câu chuyện xoay quanh đề tài về câu cuốn và cá mú; truyện nói khoác Đồng Sài lại là củ khoai Chủng Chiu; đất Đông An lại dựng cầu quán thi nói khoác với đề tài linh hoạt tùy hứng; huyện Yên Phong nổi tiếng với “ăn mặn kẻ Nét, nói phét Yên Từ” - Yên Từ có nụ cười mỹ tự, nghèo nói khoác thành sang giàu. Vùng Bắc Giang có“Nói giễu kẻ Xe, nói khoe kẻ Chối”; làng“Hòa Làng ăn cơm rang nói khoác”,làng này có nhiều nét giống Văn Lang ở cái tiếng cười cổ sơ và tài bông lơn về các sản vật nông nghiệp. Nếu“Hòa Làng nói khoác có ca” thì “Dương Sơn nói khoác bằng ba Hòa Làng”, truyện hai làng này có rất nhiều nét tương đồng. Ngoài ra, còn có nói khoác Liên Tục (Bắc Giang), nói tức Can Vũ (Bắc Ninh), nói tức Nội Hoàng (Bắc Giang), nói tức Đông Loan (Bắc Giang), nói ngang làng Cua, tức làng Cù - Phụng Pháp (Bắc Giang)… Tổng quan sơ lược như vậy, chúng tôi thấy Văn Lang là làng cười không hề khép kín, mà nó là một hệ thống mở, có giao thoa với thế giới bên ngoài nói chung, còn có giao lưu chắc chắn với làng cười nào khác hay không thì hiện tại chưa đủ chứng lý và điều kiện tài liệu để kết luận.

So với các truyện ở nhiều nơi, truyện cười Văn lang do dân làng kể (tài nghệ diễn xướng) có cái chất hồn nhiên, tự nhiên, bông lơn một cách dí dỏm khác thường. Lời văn nghệ thuật ở đây rất hay đi kèm với thơ, điều đó chứng tỏ cư dân Văn Lang - chủ thể thẩm mỹ - ngoài năng khiếu sáng tác truyện cười, còn có tâm hồn thi sỹ. Hình như cái tâm hồn lạc quan, yêu đời của dân Văn Lang nó thoát thai từ một mảnh đất cổ sơ, rất giàu truyền thống hài hước. Và hơn nữa, phải chăng do phạm vi phản ánh, đề tài, nội dung cũng như các cung bậc tiếng cười (có tiếng cười khôi hài vui vẻ, tiếng cười trào phúng, đả kích, châm biếm, mỉa mai, có tiếng cười tiếu lâm hoan lạc, lại có cả tiếng cười chua chát, cười ra nước mắt…) của làng cười Văn Lang đa dạng, phong phú hơn các làng cười khác? Với số lượng và chất lượng đã thể hiện, nếu chúng ta tiếp tục nghiên cứu, khám phá thêm nữa, rất có thể sẽ đưa đến kết quả: Văn Lang - làng văn hóa dân gian cội nguồn Đất Tổ Hùng Vương là “Đất Gốc” của truyện cười Việt Nam. Dân gian nói:“Văn Lang cả làng nói phét” -“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Tài nghệ nói phét ở đây đã tạo nên tiếng cười cân bằng lý trí với tình cảm, giải tỏa được những lo toan, vất vả, nhọc nhằn, góp phần nâng cao trí tuệ, tầm văn hóa cho dân làng, và nhiều khi nó còn cho mọi người những bài học cảnh tỉnh sâu sắc.

  Không nên cực đoan cho tính địa phương có ý nghĩa quyết định duy nhất đối với một làng cười, vì để trở thành một thực thể riêng biệt, độc đáo, làng cười Văn Lang còn phải đúc kết biết bao nhiêu tinh hoa của nhiều vùng - miền, nhiều thời đại, còn phải hội tụ bao nhiêu là các nhân tố khác nữa. Tuy vậy, chúng tôi cũng vẫn xin nói rằng, tính địa phương là thuộc tính đầu tiên xác nhận tư cách một làng cười. Mácxim Gorki khuyên chúng ta: “Bạn hãy giữ lấy cái gì là riêng của mình, hãy săn sóc làm sao cho nó phát triển tự do. Lúc một người không có cái gì là riêng của mình thì phải thấy ở đó chẳng có gì hết”. Và như vậy, làng Văn Lang chắc chắn đã là một thực thể văn hóa tự xác lập nên hai tiếng: Làng Cười.

Cởi mở, lạc quan là nét đẹp dễ thấy của người dân làng Văn Lang

  III.1.1.4 - Truyện cười Văn Lang đồng hành cùng thời gian lịch sử  - văn hóa - xã hội

  Macxim Gorki nói: “Từ thời viễn cổ, văn học dân gian luôn luôn là người bạn đồng hành khăng khít và đặc thù của lịch sử (…), là lịch sử không thành văn của nhân dân lao động”(1). Khi khẳng định văn học dân gian là tác phẩm do nhân dân lao động sáng tác ra, cũng như khẳng định tính chất lịch sử của nó, chúng ta cần hết sức chú ý, vì nó phản ánh thực tế qua“lăng kính sinh hoạt”, với những “sự, cuộc, nỗi, niềm”của đời sống hàng ngày. Ngoài những đặc trưng cơ bản, văn học dân gian còn có những chức năng, những giá trị cơ bản như giá trị nhận thức (hay giá trị nhận thức - lịch sử), giá trị giáo dục (hay giá trị giáo dục - tư tưởng) và giá trị thẩm mĩ. Tuy không có chức năng “viết sử”, chức năng “làm sử” hay “chép sử”, nhưng với tư cách là kho tàng tri thức bách khoa, văn học dân gian trong tính nguyên hợp của nó, đó“là triết học, là khoa học, là thơ ca, là nghi lễ, là tín ngưỡng, là văn hóa nghệ thuật…”. Văn học dân gian còn là “lịch sử được hiểu lại”, được phản ánh lại qua“nhãn quan”của quần chúng nhân dân lao động. Đúng như ông Nguyễn Khánh Toàn đã nói:“Văn học dân gian, vừa là sáng tác nghệ thuật, vừa mang nội dung, ý nghĩa và giá trị của một pho bách khoa toàn thư của mấy ngàn năm, bao gồm các mặt sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ giáo, kinh nghiệm sống về vật chất và tinh thần”(2).

Cần có một cái nhìn động, linh hoạt, một hướng tiếp cận mở thì ngõ hầu, chúng ta mới khám phá được vấn đề: Truyện cười Văn Lang - người bạn đồng hành cùng thời gian - lịch sử - văn hóa xã hội.

Theo truyền thuyết lập làng, Văn Lang ra đời từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Đó là giai đoạn trên đất nước ta xuất hiện giai cấp và các liên minh bộ lạc, tạo cơ sở cho nhà nước ra đời. Đứng ở ngưỡng cửa của vương quốc văn minh, hay nói đúng ra là đặt chân sang vương quốc của sự tiến bộ, nhân loại tất yếu phải nhận thức được bản thân mình, để tách mình ra khỏi giới tự nhiên, đồng thời cũng phải đối chọi với các thế lực của tự nhiên, đấu tranh chinh phục và cải tạo nó. Thực tế đã chứng minh, thần thoại chính là những bài ca đầu tiên khẳng định và ngợi ca tinh thần đấu tranh chinh phục tự  nhiên của con người.

Nếu sự thực, làng Văn Lang do vua Hùng đặt tên thì chí ít ra nó cũng phải “ảnh xạ” ít nhiều những dấu vết văn hóa của thời đại đó. Tìm hiểu truyện cười Văn Lang, chúng tôi thấy có một mảng truyện dường như là sự tiếp nối những bài ca khẳng định và ngợi ca tinh thần đấu tranh chống thiên nhiên của người Việt cổ. Điều này được thể hiện chủ yếu ở những tác phẩm về đề tài săn bắn, đánh bắt, hái lượm (từ truyện số 1 đến truyện số 16, sách LCVL). Những truyện cười Văn Lang đầu tiên có lẽ ra đời trong hoàn cảnh đó. Nó là thứ nghệ thuật hết sức tự nhiên, được người dân sáng tạo ra trong hoạt động thực tiễn, trong tiến trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên.

Trong truyện cười Văn Lang, đây đó có ẩn dấu “mã văn hóa”( thuật ngữ của các nhà văn hóa học và khảo cổ học) thời cổ."Thút thít...thịt nó dốt" mới xem tưởng như là truyện cổ tích về loài vật, nhưng suy nghĩ kỹ, chúng ta lại thấy câu chuyện ẩn chứa một "mã văn hoá" khá cổ, ấy là khi con người chưa tách khỏi giới tự nhiên (nghĩa là con người vẫn còn trong dạng thái loài vật). Nhìn sâu vào hình tượng nhân vật, chúng ta lại thấy truyện ca ngợi trí thông minh, nhưng đây mới chỉ là cái khôn ranh mãnh, láu cá, khôn vặt của con người khi thấy mình đang tách dần khỏi giới tự nhiên, đang tự khẳng định mình trước các lực lượng thiên nhiên khác để dần dần vươn lên địa vị ông chủ của giới tự nhiên. Trong mảng đề tài này, các câu chuyện về săn bắn: "Miếng dập ngực"; "Bóp vỡ họng gấu"; "Bắt sống trăn gió" và "Độc trị độc",“Chuyện rủi”... là những tác phẩm in dấu vết của thời kỳ săn bắn, hái lượm, đề cao tinh thần quả cảm, ngợi ca sức mạnh và khả năng tiêu diệt những con thú dữ để bảo vệ dân làng.

Thời đại Hùng Vương là thời kỳ bắt đầu dựng nước, là buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Đây đã là “giai đoạn đoạn quá độ lâu dài từ một xã hội mạt kỳ nguyên thủy tiến lên một xã hội thai nghén nhà nước với những thể chế bước đầu của nó”. Vào thời đại này “đã xuất hiện trên đất nước ta một nền văn hóa khá cao, một nền văn minh nông nghiệp rực rỡ”(1). Làng Văn Lang là một làng thuần nông trồng cây lúa nước, bên cạnh sản phẩm lúa gạo, những sản phẩm nông nghiệp khác như : rau, củ, quả, sơn, dứa, cọ… và thủy sản như : cá, tôm, cua, ốc, ếch…cũng khá dồi dào. Văn hóa nông nghịêp lúa nước đã đi vào một cách hết sức tự nhiên qua hàng loạt các câu chuyện có đề tài về lúa, rau, củ, quả và về các con vật (từ truyện số 17 đến số 64 - sách “Làng cười Văn Lang). Các truyện: Xôi dẻo, Lúa nếp đìn, Khoai dẻo, Khoai sọ lủi, Củ sắn xuyên qua đường 24,  Trâu húc nhau,  Thuyền đu đủ, Dứa gò Sui, Bưởi rụng chết trâu cà, Cây chuối, Cau nhà, Trà thượng hạng, Xu hào bánh xe, Cây rau dền, Giống dền quý, Ăn cá không phải giở mình, Con lươn đồng, Con ếch cốm, Con vện, Con tôm càng, Gà trống gáy đạp gãy văng trâu, Gà đá chết lợn, Cày về sớm, Thuyền tróc… chính là những tác phẩm thể hiện ước vọng phồn sinh cây trồng, vật nuôi - một khía cạnh của tín ngưỡng phồn thực thời cổ.

Bên cạnh đó, mảng truyện về đề tài sinh hoạt giải trí phòng the, tính giao nam nữ với các tác phẩm như : Đằng trước hay đằng sau, Con giống của bác, Bà này không tự giác, Đố vui, Chúng nó không giận nhau, Cút hơn chai, Nóng giống, Thủng bụng, Đồi mai mọc… lại là những tác phẩm biểu hiện ước vọng phồn sinh về nòi giống - một phương diện cơ bản của tín ngưỡng phồn thực. Liên hệ với truyền thuyết Hùng Vương, qua các tác phẩm như: Hạt lúa thần, Sự tích Đá Ông - Đá Bà, Sự tích cây kiệu …, các thần phả, thần tích về lễ hội hát Xoan, trò Trám, lễ rước ông Khiu - bà Khiu…, thì thấy, truyện cười Văn Lang như là sự tiếp nối thời gian, không gian lịch sử - văn hóa của thời đại Hùng Vương. Có điều nếu tín ngưỡng phồn thực thời đại Hùng Vương là tín ngưỡng bản địa, công cuộc săn bắn, đánh bắt, hái lượm là hiện thực, là có thật thì trong truyện cười Văn Lang, nó chỉ còn là những “dấu vết”, những “ảnh xạ” qua trí tưởng tượng, và bằng phương thức cường điệu, ngoa ngôn, phóng đại ...

Vào thời kỳ chế độ phong kiến thịnh hành, đấu tranh giai cấp quyết liệt, tiếng cười dân gian trở thành vũ khí chiến đấu của người bình dân, truyện cười Văn Lang cũng nở rộ với hơn 50 tác phẩm (thống kê theo sách “Làng cười Văn Lang”). Ở đây có những truyện trực tiếp đả kích, châm biếm bọn thống trị (Nhất thế giới, Trạng Phét, Cứt chó chè lam, Rắm đương quy, Con mà nói sai, Quạt mặt quan, Quan văn xỏ quan võ…), có những truyện gián tiếp tấn công vào giáo lý hay công lý trong xã hội phong kiến (Đề cao đức quân tử, Kén rể thi thư, Ba vạ, Thầy đồ đỡ đẻ…). Đối tượng trào phúng của truyện cười Văn Lang quả thật đa dạng, phong phú, nhiều sắc thái.

Vào thời kì thực dân, đế quốc đô hộ nước ta, Văn Lang cũng xuất hiện một số truyện về đề tài chống xâm lược.“Hang cua”là tác phẩm gắn liền với chiến khu Vạn Thắng huyện Cẩm Khê, một căn cứ địa kháng chiến ra đời tháng 6 năm 1945, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền Cách mạng tháng Tám. Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng được “ảnh xạ” vào tiếng cười trong “Cây cải canh”. Dân quân du kích trực chiến bắn máy bay Mỹ cũng vang vọng vào cái cười ở“Dấn cái nữa”. Ngay cả cảnh giặc Pháp càn vào làng hay đốt làng, tội ác của chúng cũng hiện hình qua câu chuyện “Còn xơi hơi”, chuyện “Phải lòng Tây”. 

Đặc biệt, vào giai đọan xây dựng chủ nghĩa xã hội, và nhất là phong trào hợp tác xã, truyện cười Văn Lang có một mảng truyện cười hiện đại rất độc đáo mà ít nơi có. Các truyện: Dân chủ quá trớn, Sao mày không đẻ, Lúa nông nghiệp 5, Cho mẹ đi nghỉ mát, Cho vào hợp tác xã… đã phê phán lối suy nghĩ và cung cách làm ăn bao cấp tắc trách, lối quân bình chủ nghĩa, của HTX nông nghiệp, HTX mua bán, thói cửa quyền của lớp cán bộ quan liêu. Các truyện: Mè ranh say rượu, Chỉ còn có thịt người, Các ông ấy đủ rồi… đã tấn công vào những ông “quan cách mạng” thời đại mới, những kẻ chuyên đục khoét, tham nhũng, ăn chơi trác táng, phá hoại của dân. Vào thời kỳ chuyển đổi cơ chế sang cơ chế thị trường, các tác phẩm: Ba phát khỏi liền, Chả phải mất tiền, Sao mày chả lái, Bác ấy đến rồi, Phụ hồ thay, Sờ cái được ngay cơ mà… đã phần nào nói lên được cái sự buồn cười của cái gọi là “cơ chế làm ăn năng động”.

Song hành với diễn trình thời gian - lịch sử - văn hóa xã hội, các cung

 bậc tiếng cười của truyện cười Văn Lang cũng có sự biến đổi và phát triển cho phù hợp với bối cảnh lịch sử. Những chuyện được xem như là có sự tiếp nối với thời đại Hùng Vương, tiếng cười cất lên trong trẻo, sảng khoái mà hồn nhiên, vô tư, có vẻ ngây ngô đến kỳ lạ. Những chuyện gắn với xã hội phong kiến, tiếng cười sắc nhọn như vũ khí chiến đấu, vừa mang tính trí tuệ vừa thể hiện tinh thần đả kích, châm biếm sâu cay, đây cũng là thời kỳ truyện có nhiều yếu tố tục nhất. Những tác phẩm phần nào có liên quan đến cách mạng lại thường toát lên tính chất ngợi ca, phấn khởi, tự hào. Trong khi đó, những chuyện có ý nghĩa phê phán các khuyết tật của phong trào hợp tác xã, của các ông “quan cách mạng”, tiếng cười lại mang tính chất răn đe, cảnh tỉnh, thậm chí thấm đẫm tính chất bi hài, có cả cái cười ra nước mắt (Các ông ấy đủ rồi, Cho vào hợp tác xã, Cho mẹ đi nghỉ mát…). Khi xuất hiện nền kinh tế thị trường, nhân tố đồng tiền, hàng hóa được đề cập đến ở một số câu chuyện, tuy giản đơn nhưng trong tiếng cười, cái chất bông lơn, dí dỏm, phê phán nhẹ nhàng, có ý thăm dò thái độ đánh giá đối tượng xuất hiện. Nhìn chung, các cung bậc của tiếng cười cũng là một trong những thước đo giá trị và chất lượng phê phán, cảnh tỉnh hay ngợi ca của truyện cười Văn Lang.

Kho tàng truyện cười Văn Lang có nhiều hòn ngọc quý, quý không những vì nó có một dung lượng khá đồ sộ, phong phú và đa dạng về mọi mặt mà chủ yếu còn là vì nó đã trình làng những vấn đề thiết thân, nhiều khi bức xúc với mọi người trong bối cảnh của nhiều thời đại. Truyện không những hay mà còn ẩn chứa nhiều “mã văn hóa” cho đời sau khai thác và học tập. Trên mảnh đất quê hương, đồng ruộng, nương dẫy, đồi núi của chính mình, cư dân Văn Lang đã sáng tạo nên cơ man nào là tiếng cười, để rồi tất cả cùng được kết tinh lại thành những truyện cười ngợi ca sức sống, sức lao động sáng tạo, tài hoa khéo léo của con người, thành những ngón cười như đòn bút giáng vào cái xấu, cái ác, cái bỉ ổi… Có thể nói, hầu như không lĩnh vực nào trong lao động sản xuất, trong đấu tranh xã hội…, cư dân Văn Lang không có những tác phẩm tương xứng. Vì vậy, có thể xem truyện cười Văn Lang như là “bảo tàng sống”, nơi lưu giữ những tinh hoa truyền thống của văn hóa làng Việt Nam.

Truyện cười Văn Lang - di sản văn hóa phi vật thể Đất Tổ Phú Thọ đã, đang và chắc chắn sẽ đồng hành cùng thời gian - lịch sử - văn hóa xã hội đến mai sau… ( CÒN NỮA)


ruong_thang_co_gai

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)