bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 35
Trong ngày: 613
Trong tuần: 1353
Lượt truy cập: 774288

TRUYỆN CƯỜI PHÚ THỌ ( TIẾP)

hoa_sung_1

TRÍCH TỪ CUỐN "VĂN HÓA, VĂN HỌC DÂN GIAN PHÚ THỌ"  do Hữu Thục  Chủ biên, nxb Văn hoá dân tộc.

III.1.2 - Đặc sắc nội dung truyện cười Văn Lang.

Con người có miệng có môi

Khi buồn thì khóc, khi vui lại cười.

Khi sinh ra, con người cất tiếng khóc chào đời, còn cái nhoẻn cười trẻ thơ phải chờ thời gian mới xuất hiện được. Nhưng điều kỳ lạ là ở chỗ, có bao nhiêu cung bậc của tiếng khóc thì hầu như cũng có bấy nhiêu cung bậc của tiếng cười. Người ta khóc vì đau khổ, buồn tủi, oan trái, giận hờn, thương cảm và cũng khóc sung sướng, cảm động, vui mừng, hạnh phúc ... Người ta cười vì vui vẻ phấn chấn, may mắn, hạnh phúc và cũng lại cười vì giận giữ, khinh bỉ, đau đớn ... thậm chí cười ra nước mắt.

Các nhà khoa học đã chứng minh ích lợi của nước mắt cũng như tiếng cười

đối với sức khoẻ, tác động của nó với tâm sinh lý của con người. Tiếng khóc, tiếng cười đã đi vào đời sống văn học như một lẽ hiển nhiên tất yếu, như là hai mặt đối lập trong một chỉnh thể thống nhất hài hoà, hay nói như cách nói của các

 triết gia:  trong "âm" có "dương" và trong "dương" lại có "âm".

Arixtốt nói: "Cái đáng cười là cái xấu". Bấy lâu nay người ta vẫn ảnh hưởng quan điểm có tính chất kinh điển đó và cho rằng "Cười là một hình thức chế ngự cái xấu. Dám cười cái xấu tức là dám tin, tự khẳng định sự tốt đẹp của mình hoặc ít ra thì cũng là tự thừa nhận rằng cái xấu là xấu, là đáng ghét, đáng cười". (Lý luận văn học. NXB Giáo dục. H. 1986). Secnưsepxki còn nhấn mạnh hơn: "Khi cười cái xấu, chúng ta trở nên cao hơn nó". Hiển nhiên là không ai có thể phủ nhận hoàn toàn các ý kiến đó. Nhưng như phần trên đã nói, rõ ràng là tiếng cười không chỉ có thể gắn với cái xấu mà nó còn gắn với những điều tốt đẹp, vui mừng. Nếu cứ áp dụng những quy tắc lý luận kinh điển vào thể loại truyện cười nói chung và truyện cươì Văn Lang nói riêng, chúng tôi e rằng nhà nghiên cứu khó có thể rút ra đầy đủ các kết quả và kết luận thoả đáng.

Dù nhìn dưới góc độc nào, tiêu chí nào thì cũng phải thấy truyện cười Văn Lang chứa đựng khá đầy đủ các cung bậc của tiếng cười và cũng hàm chứa tất cả các khía cạnh của thi pháp truyện cười. Cái nhìn thiên lệch nào cũng dẫn đến phiến diện trong việc đánh giá giá trị nội dung ý nghĩa và đặc sắc nghệ thuật của nó. Vì vậy dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra một số ý kiến bước đầu về truyện cười Văn Lang, chắc chắn phần thiếu sót và hạn chế không tránh khỏi.

III.1.2.1. Tiếng cười trong lao động sản xuất và đấu tranh thiên nhiên.

a - Tiếng cười ngợi ca sức lao động sáng tạo và tinh thần đấu tranh chinh phục thiên nhiên, tiêu diệt các thế lực hắc ám của tự nhiên.

Đây có lẽ là tiếng cười xuất hiện ngay từ khi hình thành nên làng cười Văn Lang. Cho đến nay, chúng ta không thể nào xác định được truyện cười Văn Lang ra đời vào thời điểm nào, song cũng cần nhớ là, khi còn người xuất hiện thì cũng là lúc cuộc sống của họ có nhu cầu sinh sản ra kho tàng văn học dân gian. Vì thế chúng ta nên hiểu rằng, thời điểm con người có nhu cầu vui vẻ thì lúc ấy đã xuất hiện tiếng cười. Vậy nên, truyện cười trước hết là một "thể loại cười cợt - nghiêm túc" (chữ của Bakhtin), nó không thể chỉ là tiếng cười chế diễu, mỉa mai, châm biếm, đả kích, phê phán, chê bai ... mà nhất định phải có - nói đúng ra là trước tiên phải có là tiếng cười vui vẻ, hân hoan, vui sướng, ngợi ca, thích thú, phấn khởi... Loại tiếng cười trước tiên này không thể ra đời muộn hơn các thể loại tối cổ cuả văn học dân gian như thần thoại, sử thi, truyền thuyết được. Bằng chứng là trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, những tác phẩm như "Nữ Oa, Tứ Tượng"; "Ông Đùng, Bà Đà"... chắc chắn phải ra đời từ thời xa xưa, tương đương với thời kỳ thần thoại, hoặc chỉ muộn hơn một chút. Nhìn một cách linh hoạt và mềm dẻo, chúng ra có thể thấy các truyện trên nằm trong tâm điểm giao thoa của các thể loại: thần thoại - truyền thuyết - cổ tích - truyện cười. Tình trạng "lưỡng phân" về thể loại của một tác phẩm văn học dân gian là khá phổ biến (Ví dụ: "Sơn tinh - Thuỷ tinh": thần thoại - sử thi - truyền thuyết; "Phú hộ ngã sông": ngụ ngôn truyện cười; "Trí khôn của tao đây": ngụ ngôn - cổ tích - truyện cười... ). Chính vì vậy, kho tàng truyện cười Văn Lang rất có thể có các tác phẩm ra đời từ rất sớm, nhưng chắc chắn là nó không thể có nhu cầu nhằm vào đề tài giải thích các hiện tượng tự nhiên. Cho nên có lẽ Truyện cười Văn Lang chỉ xuất hiện khi mà thần

thoại và truyền thuyết đã làm xong sứ mệnh lịch sử đó của nó.

Văn Lang là một làng cổ từ thời Hùng Vương dựng nước. Đây là một thời kỳ đã "xuất hiện trên đất nước ta một nền văn hoá khá cao, một nền văn minh nông nghiệp rực rỡ" (Lịch sử Việt Nam - Tập 1 NXB KHXH.H.1971). Con người thời đại Hùng Vương đã xây dựng được một chế độ xã hội có gia đình và nhà nước, hôn nhân một vợ một chồng, dù là ở buổi sơ khai, song điều đó là một bước tiến rất lớn.  

Tìm hiểu truyện cười Văn Lang, chúng tôi thấy có một mảng truyện dường như là sự tiếp nối những bài ca khẳng định và ngợi ca tinh thần đấu tranh chống thiên nhiên tiếp nối thể loại thần thoại. Điều này được thể hiện chủ yếu ở những tác phẩm về đề tài săn bắn, đánh bắt, hái lượm (từ truyện số 1 đến truyện số 16).

Khi vua Hùng truyền lệnh lập làng Văn Lang thì yêu cầu khai khẩn hoang hoá đồng thời cũng được đặt ra. Mảnh đất Văn Lang thiên tạo tự nhiên, bên cạnh một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú "sơn thuỷ hữu tình"; "đất lành mây tụ, anh hoa phát tiết" còn có một thiên nhiên khó tính mà khắc nghiệt, với vùng rừng núi nhiều thú dữ, trùng độc và những loài vật phá hoại mùa màng, cũng như cuộc sống yên lành của nhân dân. Nói chung trên dải đất Việt Nam cong cong hình chữ S, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, các vùng quê đều có những đặc điểm chung giống nhau. Thiên nhiên nhiều dáng vẻ, vừa đẹp kỳ vỹ, thơ mộng, êm dịu vừa chứa đựng bên trong những sức mạnh tàn phá ghê gớm, những yếu tố phồn sinh, phát triển và huỷ diệt, lụi tàn luôn cạnh tranh khốc liệt. Sống trong điều kiện môi sinh như thế, người dân Văn Lang bằng những truyện khôi hài vui vẻ đã cất lên tiếng cười ngạo nghễ, tiếng cười ngợi ca cảnh sắc, con người và cũng là tiếng cười cấu thành sức mạnh chinh phục tự nhiên bảo vệ quê hương mình. Những truyện cười Văn Lang đầu tiên có lẽ ra đời trong hoàn cảnh đó. Nó là thứ nghệ thuật hết sức tự nhiên, được người dân sáng tạo ra trong hoạt động thực tiễn, trong tiến trình thích nghi và cải tạo một cách chủ động đối với môi trường sinh sống.

"Thút thít ... thịt nó dốt" mới xem tưởng như là truyện cổ tích về loài vật, bởi nhân vật chính ở đây là một con hổ. Nhưng suy nghĩ kỹ, chúng ta lại thấy câu chuyện ẩn chứa một "mã văn hoá" khá cổ, ấy là khi con người chưa tách khỏi giới tự nhiên. Hổ cũng biết nói tiếng người và người còn sống chung với hổ (kết bạn). Nhìn sâu vào hình tượng nhân vật, chúng ra lại thấy truyện ca ngợi trí thông minh, nhưng đây mới chỉ là cái khôn ranh mãnh, láu cá, khôn vặt của con người chứ chưa phải là cái thông minh mang tính trí tuệ sắc sảo, thâm trầm. Nếu ta nhìn tác phẩm ở góc độ truyện cười đích thực thì sẽ hiểu nụ cười vui thích của con người khi thấy mình đang tách dần khỏi giới tự nhiên, đang tự khẳng định mình trước các lực lượng tự nhiên khác để dần dần vươn lên địa vị chủ động, hay nói cách khác là vươn lên địa vị ông chủ của giới tự nhiên. Thật khó tìm trong kho tàng truyện cười dân gian nơi nào cái tiếng cười hồn nhiên ngây ngô, trong khiết đến thế.

Cũng nói về loài vật, truyện "Võ mèo" lại có dư vị của truyện ngụ ngôn hơn là truyện cười. Tiếng cười chỉ cất lên bởi câu nói cuối cùng của chú mèo thông minh mà cực kỳ cảnh giác trước đưá "học trò" phản phúc. Tiếng cười như thế có ý nghĩa răn đời nhiều hơn là ngợi ca trí tuệ và tài nghệ của nhân vật biểu trưng cho con người.

Đáng chú ý nhất trong mảng truyện này là bốn câu chuyện về săn bắn:

"Miếng dập ngực"; "Bóp vỡ họng gấu"; "Bắt sống trăn gió" và "Độc trị độc". Đây quả là những tác phẩm đề cao tinh thần quả cảm, ngợi ca sức mạnh và khả năng tiêu diệt những con thú dữ để bảo vệ dân làng. Chân dung người người dân Văn Lang bỗng hiện lên vạm vỡ, oai hùng lẫm liệt như các anh hùng sử thi mà vẫn rất đỗi bình dị, chân chất, mộc mạc đến mê hồn. Điều đáng nói chính là ở chỗ, việc săn bắn được thú rừng hay tiêu diệt thú dữ là việc làm thường nhật của những người dân thuở xưa. Nhưng cái được đưa vào "bảo tàng sống" truyện cười Văn Lang laị là những chiến công độc đáo, đặc sắc nhất. Đó là một miếng võ "dập ngực" độc chiêu, một bàn tay không "bóp vỡ họng", một mẹo nhỏ "bắt sống" và một "mũi tên thuốc độc" liều lĩnh. Đáng nể phục nhất là câu chuyện ông Phúc Bủm đã có một tuyệt chiêu dùng "ớt cay" mà đuổi được một con thú dữ đang đói mồi ("Quan Ngài ăn trộm tép"). Thật khó tìm đâu ra trong truyện cười Việt Nam và thế giới cái tiếng cười hồn nhiên kiểu Văn Lang như mấy truyện trên. Các tình tiết truyện đã đưa người đọc vào một tâm thế căng thẳng hồi hộp bởi kịch tính gay cấn, để rồi kết thúc tác phẩm vỡ oà ra, nở bung thành tiếng cười sảng khoái tự hào, vừa nhẹ nhõm, vừa dí dỏm. Câu nói của chàng trai: "gổng con hổ trên đầu ngọn dáo", của ông lão: "con gấu tôi bóp vỡ họng", của ông cháu mấy đời: "ông cha bà bủ nhà qua kể lại" và câu nói của người con bị ong đốt, cha bắn mũi tên: "bỗng cứ mát lẹm" cả người... chính đã bộc lộ cái tài nghệ gây cười rất Văn Lang. Nhờ đó, câu chuyện chiến đấu anh dũng của các nhân vật bỗng trở thành một câu chuyện thường tình vui vui, ngồ ngộ, xảy ra như cơm bữa chứ chẳng có gì đáng nói. Cái vô tư thanh thản, cái bản chất đôn hậu, khiêm nhường của người dân lao động cứ qua đó mà bừng sáng lên. Nhờ tài nghệ gây cười độc đáo, đặc sắc đó mà công cuộc đấu tranh sinh tử với các thế lực hung bạo của thiên nhiên bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn, vui thú hơn và cũng phấn chấn hơn. Quả không có lời động viên nào khích lệ mọi người noi gương các "dũng sỹ" lập chiến công hiệu quả hơn những tiếng cười vui tươi lạc quan như thế.

Trong kho tàng truyện cười của các làng cười Việt Nam, làng Dương Sơn tổng Hoà Mục huyện Yên Thế (Bắc Giang) cũng có những truyện cười gắn với con hùm, hổ, cọp. Làng cười Vĩnh Hoàng huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng là một làng nói trạng nối tiếng có những truyện về cọp. Nhưng chúng tôi thấy, truyện của các làng trên dường như chỉ là những câu chuyện nói khoác, nói trạng cho vui, giá trị hiện thực của nó là quá mong manh. Trong số các tác phẩm về đề tài này, đáng chí ý là chuyện "Săn hổ" của làng Dương Sơn. Cũng là chuyện bắt sống hổ, nhân vật "tôi" đã dùng đòn càn vót thật nhọn, xiên vào hậu môn con hổ làm nó chết, rồi gổng con hổ trên vai (tương tự chi tiết truyện Văn Lang), sau đó lại dùng "lá mua đặt vào vết thương" làm nó sống lại đưa về Ba Lê triển lãm. Đơn cử một ví dụ như vậy để thấy, ở những truyện có chung đề tài săn bắn, đánh bắt thú dữ, chuyện của các làng trên không khắc hoạ rõ nét được tinh thần đấu tranh chinh phục tự nhiên, tiêu diệt các loài mãnh thú bảo vệ dân làng và quê hương như truyện cười Văn Lang. Giá trị hiện thực, tính "khả thi" (theo cách nói hiện đại ngày nay) của truyện các làng khác quả nhiên là rất ít so với truyện của làng cười Văn Lang, bởi truyện Văn Lang có dư vị thật hơn cả. (Xin bạn đọc xem thêm các tác phẩm: "Cải nhầm cọp"; "Cắt nhầm đuôi cọp" của làng Vĩnh Hoàng và các truyện:"Tát hổ rụng răng"; "Bắt hổ con"; "Săn hổ"; "Chó lên cân"; "Con hổ vằn" của làng Dương Sơn - in trong "Những làng cười Việt Nam - Trần Quốc Thịnh" –

NXB văn hoá dân tộc. H. 1998.)

Do điều kiện môi trường và xã hội giống nhau, truyện cười các làng nói khoác Việt Nam đều gắn liền với nội dung đấu tranh chống thiên nhiên, tiêu diệt các thế lực hắc ám của tự nhiên. Ở Vĩnh Hoàng có truyện tiêu diệt quạ để bảo vệ dưa (Bắt bọp ... quạ). Làng Trúc Ổ có truyện tiêu diệt lũ chuột phá hoại mùa màng (Con chuột ăn hết năm thúng thóc). Làng Hoà Làng cũng ngợi ca phong trào diệt chuột thời hợp tác xã (Chuột chạy) v.v… Tất nhiên, truyện làng Văn Lang mang màu sắc đấu tranh chinh phục thiên nhiên rõ và khá cụ thể.

Dấu vết của thời kỳ săn bắn, đánh bắt, hái lượm, còn được ghi lại trong một số truyện cười Văn Lang khá đậm. Các tác phẩm "Tổ ong rừng"; "Đi chơi xem ngày lấy may"; "Chuyện rủi"; "Cái may" cho thấy hoạt động kiếm tìm các sản vật tự nhiên như đánh bẫy, nhoi ong, vồ ba ba, cá gáy, bẻ, chặt, rút dây thiếu mật, cành quế chi, cây cam thảo như là công việc đương nhiên mà ai cũng có thể bắt gặp trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, chúng ta không thể cho đây là các tác phẩm ra đời đúng ở giai đoạn lịch sử thời cổ, thời tiền sử được, bởi những câu chuyện gặp may như thế đối với những người dân miền rừng núi là lẽ thường, thậm chí ngày nay vẫn có. Nhưng cái sắc thái cổ của những truyện trên lại là ở chỗ, sản vật tự nhiên thời ấy quá nhiều, quá dễ kiếm, đi chơi cũng có thể gặp, đi thăm đàn trâu trong cơn mưa bão cũng vô tình vớ được ... Nếu chúng ta coi đó chỉ là thủ pháp phóng đại, nói khoác thì e không đúng. Khoảng những năm 1960-1962, nhiều người cũng đã được nhìn thấy 7 tầng ong bạc trán tròn như toà tháp tại nhà cụ Trần Văn Thạch mà cụ nói là do tổ tiên để lại làm thuốc cầm máu (đốt xác các tầng ong lấy tro), làm thuốc cam cho trẻ nhỏ... Việc đào những con dế phá hoại mầm sắn, mầm sơn hiện nay vẫn diễn ra ở làng Văn Lang. Những loài cá, ba ba... nói chung là thuỷ sản ngày trước ở đây rất nhiều, phong phú, đa dạng (như phần đầu đã nói).

"Chuyện rủi" là một tác phẩm mà "mã văn hoá" của nó khá cổ, khi con người chưa thoát khỏi tình trạng đánh bắt, hái lượm. Việc đóng trại nuôi trâu trong rừng gần như tự nhiên, không cần làm chuồng tử tế và có người chăn thả trông nom như sau này là điều có thực ở Văn Lang (ở đây vẫn có một khu đồi tiếp giáp vùng núi Thanh  Sơn có tên Trại Trâu). Theo như nghệ nhân cho biết, ngày trước cha ông họ cày bừa xong, cắt hết sẽo trâu thả vào rừng này. Khi mùa vụ tới, họ lại đến tìm và lùa trâu về sấn sẽo để làm ruộng. Ở đây chỉ xin nêu vấn đề bước đầu như vậy để các nhà nghiên cứu xem xét.

Đối với nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, những trùng độc gây hại có nhiều vô kể: chuột, bọ, cua, dế, chim, quạ v.v… Người dân Văn Lang bản tính cần cù, yêu lao động, yêu nghề nghiệp đã chủ động đấu tranh bảo vệ mùa màng và thành quả lao động của mình. Tuy số lượng truyện thuộc mảng đề tài này không nhiều nhưng các tác phẩm đã bộc lộ cái sức mạnh nội tại cùng sự nhận thức của người nông dân lao động lam lũ khổ nghèo trưóc các thế lực phá hoại thật tinh tường. "Cua hay bò" là một câu chuyện tưởng như người Văn Lang chỉ nói chơi chơi cho vui thôi. Nhưng tìm hiểu kỹ lại thấy, mở đầu tác phẩm không phải là hình ảnh con cua mà là "một ruộng lúa đang thì con gái... xanh mơn mởn" (thành quả của công lao chăm bón), song ngay lập tức, truyện lại xuất hiện hình ảnh đối lập "bây giờ đã nát rũ" (hậu quả của việc phá hoại). Và như vậy, tinh thần quyết tâm trừ khử bằng được "thủ phạm" đã trở thành mục tiêu chủ yếu của người trồng lúa chứ không phải là bắt cua về để ăn, để giã diêu. "Dế hãy còn non" với hai dị bản khác nhau cũng có cấu trúc tác phẩm tương tự như vậy. Người dân Văn Lang đã phóng đại con dế lên "to quệch cồ lồ nằm khoanh như con lợn", hoặc thổi phồng khả năng đào hang của con dế từ Liên Trì, qua Tứ Mỹ về Thanh Sơn hay "ăn từ gò Chọi ăn sang gò Tròn" chính là nhằm mục đích giúp nhau nhận thức rõ khả năng tàn phá ghê gớm của các thế lực hắc ám trong tự nhiên. Nhưng có lẽ nổi bật hơn hết ở tất cả những tác phẩm mang đề tài này là tiếng cười giòn tan của người nông dân, ngợi ca tinh thần lao động hăng say bất diệt đã hoá thân thành lời ca biểu dương tinh thần đấu tranh chống thiên nhiên, thành khúc hát tự hào của người chiến thắng trong cuộc đấu tranh chinh phục tự nhiên.

Đối với nghề nông, đặc biệt là với cư dân làm nghề trồng lúa nước, "con trâu là đầu cơ nghiệp". Truyện cười Văn Lang có gần chục tác phẩm nói về con trâu hoặc nhắc đến trâu. Ở đó, chúng ta như đọc được một cuốn sách hướng dẫn cách thức chọn trâu cày: "Mõm bồ đài, tai lá mít, đít lồng bàn, vai nhô ngang, chân bước khuỳnh" (Cày về sớm). Chúng ta cũng còn thấy được người nông dân quý con trâu và tinh thần chăm sóc, bảo vệ trâu như thế nào. Các tác phẩm "Con đỉa trâu" và "Đỉa ở ao đình" cho thấy người ta đã phóng đại khả năng hút máu khủng khiếp của loài đỉa cũng như sự nguy hiểm của nó đối với trâu cày. Nhưng nếu như thế lực hắc ám của tự nhiên có sức tàn phá ghê gớm bao nhiêu thì tinh thần đấu tranh chống thiên nhiên của người dân Văn Lang càng mãnh liệt bấy nhiêu, quyết tâm tiêu diệt "thủ phạm" phá hoại sản xuất càng dâng lên mạnh mẽ bấy nhiêu. Cái quyết tâm của bủ Sửu cũng như con cháu bủ "tát mãi bể Đông cũng cạn" đã thể hiện rất rõ điều đó. Qua các tác phẩm trên, nhân dân lao động không chỉ tự thể hiện tinh thần đấu tranh chinh phục tự nhiên của mình mà còn trao cho nhau bài học cảnh giác cao độ trước những thế lực trùng độc gây hại mùa màng và gia súc.Yêu quý trâu và đấu tranh để bảo vệ nó một cách quyết liệt, điều đó đã thể hiện một sức mạnh lao động bền bỉ, dẻo dai, đồng thời cũng bộc lộ khả năng đứng cao hơn hoàn cảnh thực tại để cải tạo hoàn cảnh cho nó phù hợp với quá trình lao động sản xuất của người làm nghề nông trồng lúa nước Văn Lang.

b - Tiếng cười ngợi ca những sản vật phong phú của quê hương, đề cao sức lao động sáng tạo mà qua đó, người dân Văn Lang thể hiện những ước mơ, khát vọng về một cuộc sống đầy đủ, tươi đẹp.

Như mọi người đều biết, truyện cười cũng như truyện trào phúng nói chung thiên về phê phán hơn ngợi ca. Trong khi đó, truyện phét Văn Lang thiên về nội dung ca ngợi lại chiếm một tỷ lệ khá lớn.mảng truyện này, chúng ta thật khó tìm ra những yếu tố và giá trị có tính chất phê phán. Trước hết, chúng tôi cũng xin lưu ý rằng, truyện cười, truyện trào phúng có ý nghĩa ca ngợi trí tuệ quần chúng xuất hiện khá nhiều, song đó là ý nghĩa toát ra từ sự phê phán đả kích, chứ không xuất phát từ hình tượng tác phẩm. Vì vậy cần phân biệt nội dung ca ngợi trong truyện làng Văn Lang với ý nghĩa ngợi ca trong truyện cười nói chung. Làng cười Văn Lang có hẳn một hệ thống truyện mang nội dung ca ngợi những sản phẩm làng quê. Loại truyện này cùng nằm trong hệ thống truyện nói khoác của các làng cười Việt Nam như: Đồng Sài (nói về củ) Đông An (nói về dao sắc, cùi vải dày, mỡ cá mè, tôm to, gà đậu gãy toang trâu ... ) Hoà Làng (nói về ếch, củ sắn dài, khoai dẻo, ớt cay ... ). Tìm hiểu hệ thống các sách về truyện cười, truyện tiếu lâm hay tiếng cười dân gian Việt Nam lâu nay, có thể thấy ngoài các làng cười, các tuyển tập sách kể trên không có hệ thống truyện mang nội dung ca ngợi. Cho nên có thể xem đây là một loại tiếng cười độc đáo, đặc sắc, sản phẩm của văn hoá làng cười Việt Nam nói chung và Văn Lang nói riêng.

Tiếng cười ngợi ca những sản vật phong phú của quê hương vút lên hả hê sảng khoái, xen lẫn niềm tự hào ngay trong đời sống lao động sản xuất thường nhật của người nông dân Văn Lang. Là một làng thuần nông, hầu như bất cứ sản phẩm nào gắn với nghề nông của làng cũng xuất hiện trong kho tàng truyện cười. Ở đó, chúng ta bắt gặp cả những sản phẩm thiên nhiên ban tặng như cá, tôm, lươn, ếch và sản phẩm nhân tạo như lúa, rau, củ, quả... Với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, hạt lúa là "hạt ngọc" mà dân gian quen gọi là "ngọc thực". Người nông dân Văn Lang đã đưa vào "bảo tàng sống" của mình một sản phẩm cực kỳ tinh tuý. Đó là cái dẻo thơm của lúa nếp đìn. Chỉ với bấy nhiêu thôi mà họ đã sáng tạo nên những ba thiên truyện lừng danh: "Xôi dẻo", "Chốn dinh", "Lúa nếp đìn". Tài nghệ phóng đại để cùng nhau nhận thức rõ hơn sản phẩm tinh tuý của làng quê chính là một cách để người nông dân thể hiện cùng một lúc tấm lòng yêu quê hương sâu nặng, tình yêu lao động và niềm tự hào kiêu hãnh trước những sản phẩm do chính làng mình có, do chính bàn tay của mình tạo ra. Hạt lúa thơm dẻo, củ khoai dẻo và bở, củ dắn dài và bở, quả bí ngô thi nhau lớn... đến cả những giống cây đu đủ, chuối, bưởi, cau, chè, ớt, mướp, rau, thậm chí cả đến gỗ, củi..., tất cả đều ánh lên tinh thần ngợi ca xen lẫn niềm tự hào cùng tâm hồn lạc quan bất tận của người lao động. Có cái gì rất đỗi bình dị, mộc mạc, quê kiểng ẩn chứa đặc biệt sâu sắc trong những tiếng cười vô tư lự mà cũng vô cùng trong sáng đó.

Không chỉ đối với những sản phẩm lao động sản xuất, mà ngay cả những con vật, đồ vật, người dân Văn Lang cũng có cách biểu lộ tiếng cười của riêng mình. Như trên đã giới thiệu, Văn Lang có nghề trồng dứa không đâu có. Để giới thiệu nghề nghiệp tinh tuý đó của làng, chỉ cần hai tác phẩm cực ngắn "Dứa gò Sui" và "Vườn gỗ lem", bạn đọc đã nhận ra chân giá trị đích thực của lao động sáng tạo. Với nghề trồng sắn cũng vậy, chỉ cần một vài truyện cười, chúng ta đã được chiêm ngưỡng và thưởng thức nào là "Củ sắn xuyên qua đường 24"; "Giống sắn nghệ" cộng với  "Đĩa lưỡi chuột"- một mình chứng cho công nghệ rèn và cũng là dụng cụ lao động tinh xảo của người dân. Bên cạnh đó, nhờ truyện "Dao sắc" và "Mua tủ nhốt gà", chúng ta cũng hiểu hơn sản phẩm tinh tuý của nghề sơn mà nếu có cái nhìn tinh tường sẽ thấy thủ pháp phóng đại chỉ là phụ, còn sự tinh xảo mới là thực chất vốn có. Nói truyện cười Văn Lang phần lớn bắt nguồn từ hiện thực là vì vậy.

Bằng nghệ thuật cường điệu, phóng đại, đôi khi kèm theo cả lối nói ngoa

dụ đặc biệt dí dỏm hài hước, nhân dân Văn Lang không những ca ngợi những sản phẩm tinh tuý của làng quê, biểu dương khả năng lao động sáng tạo, mà còn qua đó bộc lộ những ước mơ khát vọng của mình. Song song với tiếng cười hả hê mà sảng khoái tự hào, người nông dân Văn Lang đã thể hiện khát vọng làm sao cho năng suất lao động tăng cao, chất lượng sản phẩm ngày càng tinh tuý. Lúa nếp không chỉ thơm mà còn phải dẻo đến "dính ngọn tre không rụng". Khoai không chỉ nhiều, to mà còn phải dẻo ngon tới mức "lôi tuột cả hàm răng xuống bụng". Gà trống không chỉ gáy vang xa mà còn phải có sức mạnh vô địch "đạp gãy văng trâu thành ngạnh". Gà mái không chỉ có sức vóc như lực sỹ với bước đi "cộp! cộp!" mà còn phải bay xa, đẻ khoẻ, đẻ dai, "trứng to như trứng ngỗng sư tử..." Cứ thế, người dân mơ ước từ con cá, con lươn, cho đến cả con ếch, con tôm càng, con cua ... cũng đều phải to, ngon, béo, "khoẻ".v.v...

Sản xuất nông nghiệp với cơ chế tự cấp, tự túc dẫn đến sự thiếu thốn, đói kém là đương nhiên. Xuất phát từ cái nghèo, cái đói, nhân dân Văn Lang đã vượt lên chính mình bằng những tiếng cười ngạo nghễ. Tiếng cười lạc quan bất diệt ấy có sức mạnh vô cùng lớn lao, động viên họ hăng say lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong đời sống sản xuất hàng ngày, kể cả những việc làm nhỏ nhất như việc nuôi gà, trồng rau .v.v... Và như vậy, truyện cười Văn Lang không chỉ là những câu chuyện về làm lụng mưu sinh mà còn là những câu chuyện về vẻ đẹp tâm hồn. Chính lòng yêu quê hương và yêu con người đã kết tinh thành những tiếng cười, thể hiện lòng yêu đời, yêu cuộc sống, yêu lao động và tinh thần lạc quan bất diệt. Sức sống nội tại mãnh liệt của truyện cười Văn Lang, truyện nói khoác Văn Lang còn là chỗ, tiếng cười lạc quan, yêu đời đó theo tiếng vọng của thời gian, vẫn sáng trong ước mơ, khát vọng muôn thuở của nhân dân lao động. Hiện thực cuộc sống nghèo khó là nền tảng chắp cánh cho mọi ước mơ cao đẹp bay cao, bay xa hơn nữa. Người nông dân thuần phác Văn Lang cất cao tiếng cười ca ngợi sản phẩm của làng mình bao nhiêu thì càng thể hiện khát vọng điều đó sẽ sớm trở thành hiện thực bấy nhiêu. Cái hay, cái đẹp, cái chân giá trị nhân văn, thẩm  mỹ của truyện cười Văn Lang chính là ở đó.

Lăng Thiên Đức trên động Khuất Lão. Ảnh: Sỹ Hoà

III.1.2.2. Tiếng cười trong sinh hoạt đời sống và đấu tranh xã hội.

Truyện cười Văn Lang cũng có quá trình phát triển theo dòng chảy lịch sử của dân tộc. Ở vào thời kỳ nguyên sơ, nó phản ánh những giá trị của nền văn minh nông nghiệp. Khi xã hội hình thành giai cấp và nhà nước, đấu tranh giai cấp như là động lực của sự phát triển. Xã hội phong kiến Việt Nam ra đời, truyện cười Văn Lang cũng mang hơi thở nóng hổi của thời đại đó.

Cách mạng tháng Tám thành công, miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào xây dựng cơ sở vật chất XHCN, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp phát triển, nâng cao và suy thoái, làng Văn Lang cũng vẫn xuất hiện những tác phẩm tương ứng với thời cuộc. Tiếng cười trong sinh hoạt đời sống và đấu tranh xã hội trở thành bộ phận thiết yếu và quan trọng đã tạo nên diện mạo đa dạng và phong phú cho một làng cười điển hình cho nhiều làng cười Việt Nam.

a - Truyện cười Văn Lang đả kích, châm biếm trực tiếp bọn thống trị nhiều

cấp độ và bọn cường hào ác bá ở trong làng.

Với khoảng trên dưới 20 truyện mà người ta đã sưu tầm được, có thể thấy khi người nông dân bất bình nổi dâỵ, tiếng cười của họ đã trở thành vũ khí của kẻ mạnh, thành đòn bút linh diệu giáng vào đầu bọn thống trị, đánh ngã gục tất cả các thế lực vương quyền, thần quyền, đạo đức, văn hoá, chính trị... của chế độ phong kiến thối nát. Trong lĩnh vực này, người dân Văn Lang đã bộc lộ một bản lĩnh chính trị cao cường, họ đứng lên đàng hoàng, công khai tuyên chiến với các thế lực thống trị từ ngoại bang đến nội quốc, từ những thế lực chóp bu đến các thế lực trong làng, ngoài xã. Với mảng đề tài đấu tranh xã hội, chúng ta sẽ nhận được nhiều cung bậc của tiếng cười: chế diễu, mỉa mai, khinh bỉ, châm biếm, đả kích cay độc, thâm trầm sâu sắc... Qua đó, người dân Văn Lang cũng bộc lộc một trí tuệ thông minh, sắc sảo khác thường, một sự tỉnh táo khôn ngoan và sự tiên cảm, tiên tri cực kỳ sáng suốt.

Chế độ phong kiến là sản phẩm của lịch sử nhân loại nói chung. Chế độ phong kiến Việt Nam cũng vậy, nó là tổng hoà của nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, văn hoá, lịch sử... Tuy nhiên nói gì thì nói, các triều đại phong kiến nước ta vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn của Trung Quốc, từ cơ chế vận hành đến bộ máy thống trị, cho đến cả ý thức hệ tư tưởng. Chỉ với ba thiên truyện, người dân Văn Lang đã ngang nhiên đối diện với thế lực phong kiến chóp bu "thiên tử" (tức vua Tàu). Mượn hình tượng nhân vật Trạng Quỳnh, họ đã giáng những đòn bút cực hiểm, bóc trần bộ mặt thật của thiên tử, cũng như những giáo lý, ý thức hệ phong kiến. Truyện "Quả bí một hột" cho thấy tài trí "bày binh bố trận" của Quỳnh, cũng chính là của dân Văn Lang. Tác phẩm "Đề cao đức quân tử" là một đòn bút  giáng vào giáo lý, ý thức hệ phong kiến trọng nam khinh nữ. Qua tác phẩm này, người dân Văn Lang đã nêu một thông điệp đòi quyền bình đẳng nam nữ, đồng thời còn lớn tiếng tố cáo, cái gọi là "đức quân tử" của giáo lý phong kiến chẳng qua chỉ là chỗ hơn nhau cái "cuống bí" (? !) mà thôi. Không những thế, người nông dân Văn Lang còn thông minh đến nỗi để Quỳnh xỏ mũi "thiên tử", làm nhục cả vua lẫn quan Tàu khi "trổ hết tài" cho chúng biết tay.

Thật không ngờ, người bình dân còn công nhiên tuyên chiến với cả quan đô hộ Pháp, những bậc thầy "khai hoá văn minh". "Nhất thế giới" là một câu chuyện mà tính chân thực của nó bộc lộ rõ ở chỗ, cuộc đối diện giữa quan đô hộ và người dân hiển nhiên là thường thấy, nó có thể xảy ra bất cứ ở đâu và trong bất cứ tình huống nào. Nhưng tài nghệ trào phúng, châm biếm, đả kích cay độc của nhân dân Văn Lang thật tuyệt vời. Họ đã "bịa" ra một cuộc thi nói khoác tại chính Ba Lê, thủ đô của nước Pháp mà buộc viên quan đô hộ người Pháp phải câm họng, phục tài nói khoác của làng Văn Lang là vô địch.

Thảm hại hơn nữa là chân dung, hình ảnh bọn quan lại phong kiến. Hiện lên trước mắt ta là bộ mặt dơ dáy, nhơ nhuốc của đủ loại quan văn, quan võ: quan phủ, quan huyện, quan sử kiện, quan thu thuế, thầy lý, bọn chức sắc trong làng..."Trạng Phét" là một cái tát điếng người vào mặt viên quan phủ hách dịch. Tiếng chửi của cô con dâu: "Nào ! Mày có câm họng không... "đâu phải chỉ là lời mắng con mà còn là lời thoá mạ chính tên quan, buộc hắn phải "câm họng" thật. Cái cách kết thúc lưỡng phân ấy quả đã gây được hiệu quả cực đắt. "Gan cóc tía" mới nghe qua, tưởng đây là một câu chuyện vui kể cho lứa tuổi nhi đồng. Nhưng xem ra, cái cách nhấn đi, nhấn lại chức danh của các nhân vật: "vua"; "tể tướng"; "đại tướng" là người kể có dụng ý chỉ một bộ máy cai trị ngu dốt, ỷ vào quyền thế mà không hề làm được việc gì cho ra hồn, gặp khó khăn là chỉ trông chờ vào người khác, quyết sách thì vừa hấp tấp, vội vàng vừa độc đoán, đểu giả.

Đối tượng đả kích, châm biếm của truyện cười Văn Lang thật đa dạng phong phú. Quan văn, quan võ thì hằm hè chơi khoăm nhau những cú điên đảo, làm suy thoái cả đạo đức và lương tri, tính toán đến cả tiền bạc nhỏ mọn. Quan sử kiện thì thằng nào cũng ăn của đút. Quan thu thuế thì rặt một phường "ăn bẩn" nhưng lại mắng người là "đồ bẩn thỉu". Trong hệ thống các truyện cười về mảng đề tài này, "Ba vạ" vừa là một tác phẩm độc đáo có một không hai, vừa là bức thông điệp xuyên thời gian, tấn công vào cán cân công lý trong xã hội phong kiến. Qua đó, người dân lương thiện đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Công lý của xã hội đương thời ấy chẳng hơn gì cái "đồ ba vạ" hay cũng chính là cái "đồ ba vạ". Nhân đây, cũng xin nói thêm rằng, không phải ngẫu nhiên "yếu tố  tục" xuất hiện đậm nhất với tần số cao nhất ở tiếng cười trong sinh hoạt đời sống và đấu tranh xã hội. Một khi nhân dân đã bất bình, nổi loạn thì họ không từ bất kỳ một yếu tố nào, họ sẵn sàng đập thẳng cánh vào mặt bọn quan lại bỉ ổi. Điều đó càng củng cố thêm sự thật về một truyền thống bền vững, cứng cỏi và rất quyết liệt, xuyên thấm trong thể loại truyện cười dân gian Việt Nam. Đó là truyền thống nhìn thẳng vào những bất công xã hội, bộc lộ sự bất bình phẫn nộ, thái độ phản kháng mạnh mẽ của nhân dân, vạch trần những xung đột giai cấp, tố cáo những sự thật thối tha, bỉ ổi của bọn vua quan, cường hào ác bá, tham quan ô lại... Và hiển nhiên qua nội dung này, người dân Văn Lang đã bộc lộ một bản lĩnh phi thường, tinh thần bất khuất trước cường quyền, bạo lực, trước bọn áp bức, bóc lột và cả quân xâm lược.

b -  Những thế lực xấu xa, đồi bại cũng không thoát khỏi những đòn bút đập thẳng cánh của nhân dân lao động Văn Lang. Nhìn đại thể, các thế lực xấu xa trong xã hội hầu hết là bọn bất lương, kiếm ăn bằng những nghề không mấy trong sạch, chính đáng. Ngoài ra, các hủ tục phong kiến và sự lạc hậu của nhân dân cũng tạo điều kiện, cơ hội cho bọn xấu hoạt động, kiếm trác. Trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam, hình ảnh những thế lực xấu xa, đồi bại xuất hiện khá nhiều và cũng rất dễ nhận diện. Đó là những gã thầy bói, thầy tu giả dạng, thầy đồ ngu dốt, những tên trọc phú hợm của, những kẻ chua ngoa lắm điều và những người hà tiện bủn xỉn đến mức keo bẩn. Truyện cười Văn Lang hiện diện

đầy đủ tất cả những hạng người đó.

Văn học dân gian Việt Nam phản ánh cuộc sống với những mặt cơ bản nhất ở nông thôn, đặc biệt là ở trong từng làng xã. Nó đích thực là những sáng tác của người nông dân, hoặc cũng có thể do các tầng lớp khác nhưng đều đã được sàng lọc qua ý thức hệ và trí tuệ của giai cấp nông dân. Vì vậy, sáng tác dân gian là công cụ giáo dục tư tưởng, tình cảm đạo đức, bồi dưỡng giá trị nhân văn, thẩm mỹ cho nhân dân lao động rất hữu hiệu. Trong kho tàng văn học dân gian vô giá đó, tiếng cười dân gian chính là thứ vũ khí lợi hại có sẵn để quần chúng đấu tranh chống các hủ tục lạc hậu, chống mê tín dị đoan, vạch trần những thói đời giả nhân, giả nghĩa nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục, lối sống trong sạch, lành mạnh và bảo lưu những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam qua các thế kỷ. Về góc độ này, truyện cười Văn Lang quả đã có những đóng góp đáng kể. Khi cười cái xấu, người dân Văn Lang đã đứng cao hơn nó và đủ tầm để chế ngự nó.

Song hành với sự tiến bộ đi lên của nhân loại là sự thụt lùi đi xuống của

 một số phong tục, tập quán lỗi thời, lạc hậu. Truyện "Te hẻ" là một tiếng cười quá độc đáo mà nhân dân Văn Lang đã sáng tác lên nhằm tống tiễn cái phong tục, tập quán lạc hậu, cổ lỗ xuống mồ. Ma chay, cưới xin từng là một hủ tục rất nặng nề dưới chế độ phong kiến, một chế độ mà hủ tục đó đã được biên soạn thành sách "kinh điển", bắt buộc mọi người trong xã hội phải tuân thủ. Thổi kèn đám ma là một tập quán rườm rà, giả tạo. Thợ kèn chẳng qua cũng chỉ là một đoàn người "thương vay, khóc mướn" giúp gia chủ "che mắt thế gian" mà thôi. Quang cảnh cái đám ma trong "Te hẻ" thật nực cười, từ hành vi "quằn quại của cô con dâu trưởng” đến hành tung của năm gã thợ kèn đều không có gì là "thật" cả. Tổ chức đám ma trong cái sự nhốn nháo, giữa tiếng hát nỉ non, với tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng kèn, trống phách rộn ràng của khúc "Te hẻ", gia chủ chẳng ngờ rằng thực chất đó chỉ là cách moi tiền của một bọn người lạnh lùng vô cảm mà dâm tục. Họ thổi kèn "khóc hộ" cho thật "mùi" vào mà con mắt soi mói luôn để ý đến cái "của nợ" mà bà chủ vô tình để cả ra. Nghịch cảnh ấy trớ trêu chẳng kém gì cái "Hạnh phúc của một tang gia" dưới tài nghệ trào lộng khôi hài của Vũ Trọng Phụng trong tiểu thuyết "Số đỏ". Từ tiếng cười dân gian giòn tan, "Te hẻ" đã nâng cao thành cái hài tống tiễn quá khứ mà nói như Mác: "Cái hài là tiếng kèn đưa ma, tống tiễn cái cũ xuống huyệt". Như vậy, hủ tục ma chay đã bị đả kích một cách không thương tiếc mà mục đích của nó là muốn nêu ra vấn đề làm sao để đám ma phải là một nét ứng xử đẹp trong thuần phong mỹ tục.

Các nhân vật thầy đồ, sư sãi trong "Thầy đồ đỡ đẻ"; "Mẹ đẻ ra sư"; "Chùa nào mà chả thế" đã từng xuất hiện trong nhiều tuyển tập truyện cười hay truyện tiếu lâm xưa nay. Tuy vậy, có thể nói, cách kể chuyện của người Văn Lang "có duyên" hơn, đối tượng cũng bị vạch mặt rõ ràng hơn, và vì vậy, tiếng cười cũng khoái chá hơn. Chân dung của những ông sư "hổ mang" những ông thầy đồ dốt nát hay của mụ thầy bói, đồng cốt quàng xiên chẳng còn ra thể thống gì nữa. Nhân dân bao giờ cũng tôn trọng những người có học, tán đồng tín ngưỡng tự do, nhưng chưa bao giờ khoan nhượng kẻ giả danh những cái đó để làm điều sằng bậy, hay hành nghề mê tín dị đoan để kiếm tiền dơ bẩn.

Với những kẻ giàu có hợm của mà bày trò kén rể theo lối "Trưởng giả học làm sang" (Kén rể lười) hay gã hà tiện bủn xỉn đến keo bẩn (Đại Hà Tiện - Tiểu Hà Tiện), người dân Văn Lang cũng giáng cho những đòn chí mạng. Gã trọc phú bày trò kén rể lười thì kết cục chỉ chọn được một đám trai lơ tật nguyền đến ứng thí, mà lão lại chọn kẻ "lười gấp đôi" thì chẳng hoá ra lão là một người cha "bệnh hoạn" không hơn không kém. Đại Hà Tiện còn "bệnh hoạn" hơn khi muốn "di truyền" căn bệnh "tò căn" của mình cho cả tông giống cháu con, và kết quả là lão đón nhận cái chết của loài súc sinh bị quẳng xác xuống ao, thật đáng kinh tởm. Người Văn Lang càng tỉnh táo hơn khi dành tiếng cười đầy tính trí tuệ, thông minh dí dỏm để "tặng" cho mụ goá chua ngoa đanh đá, lắm mồn một bài học đắt giá. "Ăn cháo đái bát" mới nhìn tưởng như đó chỉ là một câu chuyện phê phán nhẹ nhàng thói hư tật xấu trong nội bộ nhân dân. Nhưng nhìn sâu vào hình tượng và phản ứng của người đã nghĩ ra cái trò đùa để "chơi" mụ một trận nên thân như thế, chúng ta sẽ thấy quan điểm của quần chúng với hạng người này. Ai là người từng dấn thân trong đời sống nông thôn, sống thật với sự sống của người nông dân hiền lành mới hiểu họ quý những giây phút bình yên, êm ả của xóm làng biết chừng nào. Những kẻ "lắm điều" ở nhà quê quả là những kẻ đã quấy phá rất dữ tợn cái không khí thanh bình, trong trẻo của quê hương. Truyện cười Văn Lang đã dành tiếng cười mỉa mai, châm biếm cay độc cho loại người này quả là đích đáng lắm.

Không chỉ tấn công vào những loại người cụ thể, nhân dân Văn Lang còn giáng cả đòn bút vào cái thói đời đen bạc kiểu "canh chung không ai tra muối", "cha chung không ai khóc ."Thói giả dối lợi dụng lẫn nhau hay chờ thời cơ để "tát nước theo mưa"; "dây máu ăn phần" là một thói rất xấu trong đời sống cộng đồng. Người Văn Lang đã dũng cảm dùng "con dao mềm" để "giải phẫu" cái "ung nhọt" gớm ghiếc đó. "Rượu ngọt" là một tác phẩm toát lên một tiếng cười khác lạ, đầy chất triết lý dân gian. Đây là một cái cười lý tính có tính trí tuệ thâm trầm, sắc bén mà lại là cái cười "ra nước mắt". Không phải ngẫu nhiên mà quần chúng để cho cả cánh thợ săn, một trăm phần trăm đều buộc phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Phải chăng đó là cách mà nhân dân lao động Văn Lang đã phủ định triệt để cái thói xấu đó ?

Đặc biệt, thành phần "bất hảo" nhất trong đời sống cộng đồng làng xã, bọn kẻ trộm bất lương đã bị truyện cười Văn Lang tuyên chiến bằng một loạt tác phẩm đặc sắc. Với 10 tác phẩm đã sưu tầm, những câu chuyện về đối tượng này  có thể sắp xếp thành một tiểu hệ thống liên hoàn, tương đương với những "câu chuyện cảnh giác" trong đời sống làng xã. Cái chất hài hước, dí dỏm rất Văn Lang ở đây khiến chúng ta bị rơi vào hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ngược lại với thủ pháp nâng cao, đánh khẽ là một thái độ nâng cao, quật thẳng cánh xuống rất quyết liệt. Có những truyện chúng ta tưởng như người bình dân đề cao hay ngợi ca trí thông minh, sự sắc sảo, linh hoạt của bọn trộm (Cắt mũi, Giã ơn cái cong tương, Xin tí vôi, Gẫy chân rồi... ), nhưng khi xét lại mới biết, nhân dân muốn qua đó mà truyền cho nhau những bài học cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi của bọn trộm. Từ đó, mọi người cũng chỉ cho nhau rõ bản chất của bọn "cướp đêm" là chúng không từ một thứ gì, từ nắm ngô rang cho đến đồ quý đắt giá. "Thầy trò kẻ cướp" là tác phẩm bộc lộc cái tầm nhìn chính xác bản chất xấu xa đáng ghê tởm của lũ người bất lương. Bọn chúng dễ dàng hợp sức với nhau để khoắng những "mẻ" to, nhưng cũng sẵn sàng phản nhau, thậm chí thanh toán nhau để đoạt lợi. Tráo trở, lật lọng, lật mặt như trở bàn tay đi kèm với những thủ đoạn gian ngoan, vừa tinh vi, vừa xảo quyệt, đó là cái "thần" chung của kẻ trộm

mà nhân dân Văn Lang đã "tóm" trúng.

Lần theo các câu chuyện cảnh giác của dân Văn Lang, chúng ta thấy cái cách kết thúc truyện của họ thật khéo léo, tài tình. Rút cục, dù bọn trộm có tài trí đến đâu thì chúng vẫn phải trả cái giá cực đắt. "Bủm một cái" cho thấy việc bọn chúng bị bắt trói gô cổ thật nhục nhã, đê hèn, bỉ ổi. "Dùng bừa bắt trộm" cho thấy kết cục tất yếu của loại người "ngựa quen đường cũ" hay "chó đen giữ mực". "Báo quan mà lĩnh thưởng" còn cho thấy một kết cục bi thảm hơn của cái nghề "cha truyền con nối" tuyệt  tự.

Có thể xem ở mảng truyện này, mỗi tác phẩm đều toát lên những bài học cảnh tỉnh không chỉ cho nhân dân lao động mà là cho cả những đối tượng bị tấn công. Sự tuyên chiến mạnh mẽ của quần chúng còn bộc lộ ở tính quyết đoán và cách giải quyết số phận bọn bất lương, dù thế nào cũng không cho chúng nó thoát. Sự cảnh báo nghiêm khắc ấy cũng bộc lộ rõ bản lĩnh cao cường của những người bình dân vốn rất đỗi hiền lành, lương thiện. Thái độ phủ định tuyệt đối thế

lực xấu xa này là đã quá rõ ràng.

c -  Truyện cười Văn Lang còn góp phần phê phán những thói hư tật xấu, kể cả những yếu kém trong nội bộ quần chúng nhân dân, nhằm giáo dục con người hoàn thiện, trong sáng hơn. 

Đây là mảng truyện mang ý nghĩa tự phê bình và nó cũng chiếm một tỷ lệ khá lớn về nội dung tiếng cười trong sinh hoạt đời sống hàng ngày. Tiếng cười dân gian trong nhóm đề tài này nhẹ nhàng, bao dung độ lượng hơn hẳn. Tuy vậy, chúng ta cũng thấy ở đây bản tính khoẻ mạnh của người dân lao động Việt Nam, lý trí tỉnh táo, sáng suốt của họ. Đấu tranh để tự nhận diện mình và tự vượt lên chính bản thân mình là cuộc đấu tranh gay cấn, gian khổ nhất. Thái độ dám sử dụng "con dao mềm” trí não để tự "giải phẫu" những căn bệnh cố hữu, cắt đi những "cục biếu thừa" của chính mình là điểm đáng khâm phục nhất mà truyện cười Văn Lang đã thể hiện. "Không ai thích nhận thấy bản thân mình qua tác phẩm châm biếm" (Kru lôp). Thế mà nhân dân Văn Lang đã dám dựng chân dung chính mình trong tác phẩm châm biếm để tự phủ định - dũng cảm thay !.

Trước hết phải nói rằng tình yêu, hôn nhân và gia đình là điều thiết thực nhất mà bất cứ ai là con người cũng đều phải trải qua. Bản chất con người nói chung là sống thuỷ chung, lịch thiệp, sống nhân bản. Vì thế, để đề cao tình yêu chân chính và trong sáng, người dân Văn Lang đã truyền cho nhau câu chuyện "Thề cá trê chui ống", phê phán một cách nhẹ nhàng mà thấm thía biết bao về chuyện trai gái bụi bờ hư hỏng. Càng đáng cười hơn là hình ảnh một phụ nữ có chồng mà còn theo giai trắng trợn, bộc lộ một nhân cách "đĩ thoã" đến nỗi bị bêu diếu khắp làng: "Thùng ! Thùng ! Thùng ! Tôi đã có chồng, tôi vẫn theo giai. Người ta bắt được đeo hai cái thùng". Truyện "Tiếng đàn bầu" khá quen thuộc với chúng ta. Cái đáng cười ở đây không chỉ vì anh chàng nọ gảy đàn bầu dở, mà chủ yếu còn vì cái tính lăng nhăng lại hợm mình của một gã "máu dê" bỉ ối.

Cứ như thế, nhân dân  làng Văn Lang tự đấu tranh phê bình trong nội bộ mình dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, đa dạng mà cũng chu đáo vô cùng. Họ không bao giờ nói để đấy, nói cho qua chuyện mà thường nói cạn lời, nói hết ý. "Thề cá trê chui ống" là truyện sau khi nhân vật người đơm đó giáng một đòn cho đôi tình nhân "giăng hoa" kia thì ông vẫn cảnh tỉnh cô gái, bởi hai câu ca vừa có ý khuyên răn vừa chỉ bảo cho biết:

Cô rằng, cô chung, cô thuỷ, cô sắt, cô son

Nằm bờ, nằm bụi, sớm con cô muộn chồng.

Trong các mối tình bất chính, xưa nay bao giờ phụ nữ cũng nhận hậu quả đau xót hơn nam giới. Bởi vậy hai câu ca vừa là lời cảnh tỉnh vừa còn chứa đựng cả mối cảm thông của một người ngoài cuộc nhưng hiểu rõ sự đời, đứng ra bệnh vực phái yếu.

Châm biếm, đả kích thói xấu, tự đấu tranh phê bình hay còn gọi nghệ thuật "tự trào" là một khía cạnh nội dung đặc sắc khá nổi trội của làng cười Văn Lang so với nhiều làng cười khác. Anh Trần Quốc Thịnh đã sưu tầm được 91 truyện về đề tài này trong "Tuyển tập tiếu lâm xứ Bắc". Nhưng chúng tôi thấy, những truyện nói về ăn uống ở đó không tế nhị như truyện làng Văn Lang. "Cá mắm thính bà Lừng" cho thấy một nét ứng xử đẹp, mà đồng thời cũng biểu dương văn hóa ẩm thực rất Văn Lang. Các truyện khác lại chủ yếu đi theo hướng nhập sâu vào đời sống sinh hoạt ăn uống dân dã thường nhật của con người. Trong khi đó, ở truyện làng cười xứ Bắc, ta bắt gặp cảnh ăn uống cỗ bàn, tiệc tùng và nói rất nhiều đến cái say, nghĩa là nói nhiều đến cái ăn và cách ăn ("Phao câu chó"; "Ngọc"; "Rau ghém", "Cơm nếp nát", "Uống một chén"; "Không say"; "Lại không say"; "Vẫn không say nữa" ... ). Trái lại, truyện Văn Lang thiên về mục tiêu nhắc nhở con người hãy lưu tâm sửa chữa những tính xấu (tham ăn tục uống) và thói xấu (ăn vụng, ăn xó mó niêu) nghĩa là nó nói nhiều đến cái đói và miếng ăn có thể dẫn đến tình trạng huỷ hoại nhân cách của con người. Các tác phẩm: "Chợ đắt xôi dẻo" ; "Chó còn mừng nữa tao"; "Lẻm nốt" ; "Chỉ có mày với bà" hoặc như "Để chúng khỏi lạc đàn"; "Sáng kiến của mẹ cu"... đều có thể xếp vào thể loại "cười cợt - nghiêm túc" chứ không phải là cười cợt khôi hài bông phèng...

Bên cạnh đó, truyện cười Văn Lang còn lưu ý nhân dân sửa chữa cả những tật xấu của mình như tật ỉa bậy, chửi bậy quen mồm ("Thứ nhất quận công, thứ nhì ...";  "Gà đủ hay thiếu"), tật dấu đầu hở đuôi ("Nước mắm cà cuống đưa anh chàng tịt mũi"), tật bủn xỉn ("Tinh trứng; Chạy đằng giời"... ), tật lẩm cẩm, dở hơi (“Ông vệ sinh” )... Không những thế, họ cũng không buông tha cho căn bệnh ngu dốt của mình ("Sáu cẳng hơn bốn cẳng" ; "Bừng giơi" ; "Khó chữa lắm đấy" ... ). Đặt vào trong diện mạo văn hoá làng, những khía cạnh nội dung nói trên đều có ý nghĩa giáo dục và răn dạy rất thiết thực giữa đời thường, nó đem đến cho mọi người dân trong làng một nét ứng xử vui tươi, lành mạnh, một không khí dân chủ trong phê bình và tự phê bình rất đáng học tập.

Đặc sắc nhất, chín tác phẩm truyện cười dân gian Văn Lang hiện đại, sưu tầm được vào giai đoạn hợp tác xã nông nghiệp khủng khoảng và suy thoái đều tập trung phản ánh những vấn đề lớn lao và bức xúc, nóng hổi của thời đại. Có lẽ còn quá sớm để đưa ra những sự phân tích và kết luận thoả đáng. Tuy vậy, dưới đây chúng tôi cũng sẽ nêu ra mấy ý nghĩ bước đầu.

Nhân dân Văn Lang cho biết khá rõ xuất xứ hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm truyện cười hiện đại này. Đó là vào khoảng năm 1978 đến năm 1982, chính quyền Uỷ ban nhân dân xã Văn Lương và Ban chủ nhiệm hợp tác xã hợp nhất rơi vào tay một số phần tử tham nhũng và quan liêu, hách dịch. Chính bộ phận này cũng là những người gây ra vụ án kinh tế phức tạp, tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa lên tới gần một tỷ đồng (tiền lúc ấy còn đang có giá). Kết cục trong số những kẻ tham nhũng đó, có bốn người phải chịu án tù giam hoặc tù án treo. Không khí đấu tranh trong làng rất nóng bỏng. Trên các panô, bảng áp phích thường xuất hiện các khẩu hiệu như "Đả đảo phái tham những"; "Ủng hộ phái khởi nghĩa"... Các loại truyền đơn, ca dao, hò, vè, hát ví... cũng bùng phát làm rối tung, nhập nhằng, đen trắng lẫn lộn. Chính thời điểm này cũng là thời điểm rừng dứa năm tầng Văn Lang bị phả huỷ thành đồi núi trọc hoàn toàn. Hiện thực đau lòng đó đã khiến nhân dân cực kỳ bất bình, phẫn nộ nên truyện đả kích, châm biếm xuất hiện khá nhiều. Tất nhiên trong số chín tác phẩm trên, có truyện thật trăm phần trăm và có truyện vẫn kèm theo yếu tố hư cấu, tưởng tượng.

 “Mè ranh say rượu” và “Chỉ còn có thịt ... người” là hai tác phẩm đã phản ánh trung thực chân dung của những ông “quan cách mạng” tham nhũng của công, bày trò đánh chén, nhậu nhẹt vừa bê tha vừa bỉ ổi. Sự thực là tập đoàn tham nhũng này đã tôn xưng nhau, gọi bí thư đảng uỷ xã là “chánh tổng”, chủ tịch UBND xã là “lý trưởng”, dắt díu nhau ăn uống hết nhà này đến nhà khác, bê cả cỗ xuống bè vó. Dưới con mắt của quần chúng, bọn họ khác nào lũ "mè ranh". Chúng quả đã đục khoét của dân, “hoạ chăng chỉ còn có thịt… người là chưa ăn thôi”. Ăn no, uống say, rửng mỡ lên, chúng lại nghĩ đến những thú chơi phè phỡn khác là điều dễ hiểu. Cũng trong chủ đề dựng chân dung những ông “quan cách mạng”, “Lúa nông nghiệp 5” lại cho thấy bộ mặt của ông cán bộ tỉnh quan liêu hết cỡ. Lúa giống mới vụ đầu bây giờ mới cấy mà ông đã hỏi “tốt chứ” thì quả là ông đang ở trên mây. Cái thói quen kiểm tra, báo cáo cái gì cũng “tốt” trở lên đã bị nhân dân vạch trúng tim đen. Tác phẩm “Dân chủ quá trớn” và “Các ông ấy đủ rồi” là một tiếng chuông cảnh tỉnh, một thông điệp có tính thời sự nóng hổi. Người dân Văn Lang nói “mát” nhưng là cách nói “chết người”, điều đó cho thấy hiện tượng, hầu như cứ là cán bộ thì đều dính vào việc tham ô, ăn chặn của công, của dân bỏ vào túi cá nhân. Qua đó, nhân dân lao động còn tấn công vào những cuộc đấu tranh chống tiêu cực nửa vời, cải lương không hiệu quả. Người này tham nhũng thanh tra ra bị cách chức, miễn nhiệm, khi kẻ khác lên thay thì hiện tượng tiêu cực vẫn y như cũ. Phải chăng qua các tác phẩm kể trên, người bình dân đã bộc lộ quan điểm lập trường vững vàng và cứng cỏi của mình: đã đấu tranh chống tiêu cực thì phải đấu tranh triệt để, không khoan nhượng.

b - Tiếng cười ngợi ca những sản vật phong phú của quê hương, đề cao sức lao động sáng tạo mà qua đó, người dân Văn Lang thể hiện những ước mơ, khát vọng về một cuộc sống đầy đủ, tươi đẹp.

Vẫn là đấu tranh trong nội bộ làng xã nhưng truyện cười của làng Văn Lang đã tổng kết được những vấn đề nhức nhối nhất của thời đại. Vì thế mỗi câu chuyện cười hiện đại ở đây đều thấm đẫm dư vị của cái bi, đúng là “cười ra nước mắt”. Còn đâu nữa chân dung của những người cộng sản chân chính sẵn sàng làm “đầy tớ” trung thành của nhân dân? Còn đâu nữa những cán bộ của Đảng chí công vơ tư, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì nghĩa lớn? Sự thoái hoá, biến chất, tha hoá nhân cách của một số cán bộ trong làng xã quả đã gây hiệu quả rất xấu đối với phong trào cách mạng.

Trong bối cảnh mô hình rừng dứa năm tầng của làng bị triệt phá, bởi lý do nó bị sung công, nhập vào hợp tác xã năm 1976, đến năm 1978-1982, Đảng uỷ xã lại chủ trương cho dân phá rừng dứa để trồng sơn, tác phẩm “Cho vào hợp tác xã” đã ra đời. Đại quỷ “đầu trâu mình bò” thở ra lửa còn sợ “cho vào HTX” thì nói chi đến nhân dân “chân yếu tay mềm”. Tác phẩm này đã gửi một thông điệp có ý nghĩa vô cùng to lớn, cảnh tỉnh chúng ta về cái mô hình HTX nông nghiệp thời đó chưa ổn, chưa đi đúng quy luật của thực tại khách quan. Và hơn nữa, có thể nói, đây còn là sự tiên cảm, tiên tri báo trước rất chính xác về sự suy thoái nghiêm trọng của phong trào hợp tác hoá đã tồn tại mấy chục năm. Với tư duy dám nhìn thẳng vào sự thật, người nông dân thuần phác Văn Lang còn bổ sung hay nói cách khác là “bồi thêm” những tiếng cười xác đáng cho vấn đề đó. “Chưa nóng đít ông táo đã về”, “Cho mẹ đi nghỉ mát” có thể xem là những tiểu phẩm châm biếm có hạng, vạch đúng bản chất của lối làm ăn tập thể hời hợt, qua loa và dối trá. Cơ chế quan liêu bao cấp nặng nề cũng còn in dấu ấn sâu sắc trong “Sao mày không đẻ”. Một thời chúng ta nêu khẩu hiệu “Tăng năng suất lao đông” sản xuất hàng hoá sao cho “nhanh - nhiều - tốt - rẻ”, song thực chất chẳng hề cho ra được những sản phẩm đáng kể nào, mà lại còn dùng cơ chế “phân phối, cung cấp” để bóp nghẹt sản xuất. Hàng hoá thiếu hoặc có nhưng xấu, cộng với cơ chế quan liêu đã đẻ ra lối cửa quyền hách dịch, người bán mạt sát người mua, lối tham ô móc ngoặc là khó tránh khỏi. Tiếng chửi của bà già: “Mày không đẻ ra cán bộ… lấy tiêu chuẩn cho mẹ nó mua 5 cái bát sứ Hải Dương”… là một tiếng chửi đã gói vào đó rất nhiều cay đắng, phản ánh cái tư duy một thời ấu trĩ, cứng nhắc.

Với cuộc đấu tranh nội bộ giai cấp mình để chiến thắng chính bản thân mình, nhân dân Văn Lang quả đã đứng cao hơn những cái xấu và những thói thường phàm tục, ngu xuẩn. Cười thật to hay hài hước dí dỏm để rồi cùng với những tiếng cười ấy, người mắc lỗi có ý thức tự sửa chữa những lỗi lầm, đứng giữa hiện thực mà chiêm nghiệm thói hư tật xấu của chính bản thân. Điều đó cũng có nghĩa là người Văn Lang đã giành chiến thắng vinh quang, tự nâng mình đứng cao hơn hoàn cảnh để tự hoàn thiện mình. Ý nghĩa giáo dục đạo đức nhân cách, bồi dưỡng tình cảm nhân văn - thẩm mỹ của truyền cười Văn Lang quả rất quý báu. Và như vậy, Văn Lang cũng còn là một cái làng cười khoẻ mạnh, khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần, đẹp cả về nhân phẩm, nhân cách lẫn tâm hồn trong sáng, lạc quan.

III.1.2.3. Tiếng cười trong sinh hoạt giải trí, tính giao nam - nữ.

a - Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, những truyện cười vui, tếu thường mang lại cho nhân dân tiếng cười khoái chá, hả hê nhất. Đây là loại tiếng cười vô hại, một loại tiếng cười bông lơn vui anh vui em, vui bạn vui bè, vui cửa vui nhà. Người ta có thể cười trên đồng ruộng, trong sinh hoạt cộng đồng hay trong sinh hoạt gia đình. Theo các nghệ nhân Văn Lang, đây là loại tiếng cười tiếu lâm giải trí phòng the. Đặc điểm của nội dung tiếng cười này là bao giờ cũng phải “đụng chạm” đến sinh hoạt tính giao nam - nữ. Người ta chỉ mượn các từ ngữ hay nói bóng gió đến “chuyện kín” chứ chưa phải là miêu tả hay tường thuật chuyện đó. Trong bảng sưu tầm, thống kê, chúng ta thấy, có khoảng trên dưới 20 tác phẩm (từ số 135 đến 152). Theo dõi những truyện cười loại này, có thể nói, hầu hết là những câu chuyện có thể bắt gặp trong đời sống hàng ngày. Một cách nói lỡ miệng: “chọc ba phát khỏi liền”; hay một cách bao biện ngây thơ con trẻ: “ai bảo nó theo trai”; hoặc một bà lẩn thẩn vừa cho gà ăn vừa trò chuyện với nó: “một mình bảy vợ”; kể cả lối nói thật như đếm của chị vợ: “khi nó xoa thì em thấy sướng”..., những thứ ngôn ngữ mà ta dễ bắt gặp trong sinh hoạt đời thường ấy, khi được tổ chức lại thành truyện thì nó đã tự khắc đem đến tiếng cười hả hê, hết sức vô tâm, vô tư lự. Có thể xem loại tiếng cười này như liều thuốc bổ thần kinh, giải toả mọi lo toan sau những phút giây lao động căng thẳng, mệt nhọc.

b - Cũng thuộc loại tương tự như trên, Tiếng cười trong sinh hoạt tính giao nam - nữ là những tiếng cười gắn với chuyện kín trong phòng ngủ của vợ chồng, nơi giao hoan của hai kẻ khác giới. Những nghệ nhân hay kể những truyện này thường là những người rất mực vô tư, trong sáng. Thảng hoặc mới có một vài cụ cho là truyện nhảm nhí, hạn chế việc phổ biến, còn đa phần các cụ đều nói đây là loại truyện đem lại tiếng cười “xả láng”, “thích thú” nhất. Nghệ nhân Trần Văn Trục đã nói, hồi cụ còn đi làm đội sản xuất của hợp tác xã, loại truyện này được bà con kể cho nhau nghe nhiều nhất và cũng “hào hứng” nhất. Cụ còn cho biết ví dụ khi đó, cụ Cù Văn Ngũ kể “Thuở đương thì” đã làm cho các bà, các chị cười bò lăn, bò càng cả ra ruộng, quần áo bê bết bùn đất như vừa lăn ở vũng trâu đằm lên. Tại Văn Lang, số người biết các câu chuyện kể loại này không nhiều, bởi thực chất là nó ít được phổ biến rộng rãi. Các nghệ nhân hầu như không bao giờ để lộ cho trẻ em nghe. Nếu khi đang kể cho người lớn mà trẻ em xuất hiện, người kể “đánh trống lảng” rất nhanh và khéo léo.

Tiếng cười trong sinh hoạt tính giao nam - nữ, chuyện kín phòng the có thực là những truyện dâm tục hay không, đến nay chưa dám kết luận gì. Nhưng rõ ràng là những tác phẩm mà đã được in, không thể xếp nó vào loại truyện “khiêu dâm”, bởi tiếng cười ở đây bộc lộ một cách nói bông lơn hài hước, dí dỏm mà không kém phần tế nhị. Nếu chỉ là chuyện hai người kể với nhau trong phòng kín thì còn có thể xem, đó là những truyệt rất “có duyên thầm”. Vì vậy, có thể nói, đây là loại tiếng cười giải trí, bông lơn mang đậm chất nhân bản - trần thế - đời thường. Điều đó chứng tỏ không có gì thuộc về con người lại xa lạ đối vơí người nông dân lao động Văn Lang.

Sơ qua như vậy để bạn đọc và các nhà nghiên cứu nắm được diện mạo tổng thể đầy đủ hơn về làng cươì Văn Lang. Cũng còn có một hướng khai thác các truyện loại này là đặt nó trong hệ thống tín ngưỡng phồn thực dân gian, song thực tế vẫn chưa ai làm. Dù sao thì cũng xin nhắc lại lần nữa: Truyện cười Văn Lang cũng giống như tác phẩm văn học dân gian nói chung, chắc chắn vẫn có những “hạt sạn”, nghĩa là nó vẫn không tránh khỏi những hạn chế tất yếu. ( CÒN TIẾP)

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)