bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 37
Trong ngày: 613
Trong tuần: 1352
Lượt truy cập: 774291

TRUYỆN CƯỜI PHÚ THỌ ( Tiếp theo va hết))

 Trong cuốn "Văn hóa, văn học dân gian Phú Thọ" do Hữu Thục chủ biên, Nxb Văn hóa dân tộc.

III.1.3. Đặc điểm nghệ thuật truyện cười Văn Lang.

III.1.3.1. Về hệ thống đề tài và nhân vật.

Truyện cười Văn Lang là truyện dân gian trong phạm vi một làng duy nhất nhưng đây là một làng cười điển hình cho nhiều làng cười Việt Nam. Sở dĩ như vậy là vì truyện cười Văn Lang như một sự thu nhỏ bức tranh chung của tất cả kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam. Chỉ xét riêng về hệ thống đề tài và nhân vật cũng thấy. Nếu truyện cười trong cả nước đề cập đến đề tài gì và những loại nhân vật nào thì truyện cười Văn Lang cũng có đủ các đề tài và loại nhân vật đó. Hay nói một cách khác, những gì tìm thấy trong truyện cười Việt Nam nói chung thì cũng sẽ tìm thấy trong truyện cười Văn Lang. Chẳng hạn, trong kho tàng tiếng cười dân gian Việt Nam có hệ thống truyện trạng (kể cả những nhân vật thông minh) thì làng Văn Lang cũng có tới ba truyện về trạng Quỳnh và một truyện về trạng Phét. Hệ thống nhân vật truyện cười Việt Nam có chân dung vua quan ngoại quốc thì truyện cười Văn Lang cũng có vua quan tàu, quan tây. Truyện các làng nói khoác có hình ảnh lúa, rau, củ, quả, beo hổ, gấu, trăn... thì Làng Văn cũng có đầy đủ, thậm chí kể cả Huế cố đô có truyện xoay quanh tuồng cung đình thì Văn Lang cũng có truyện “Trương Phì”. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta quá đề cao làng Văn Lang mà chẳng qua là muốn mọi người nhận diện sao cho đúng và đầy đủ về một làng cười đặc biệt nằm trong vùng văn hoá dân gian Đất Tổ này.

Có thể thấy, đề tài và nhân vật của truyện cười dân gian Văn Lang khá đa dạng và phong phú. Lần theo tiến trình lịch sử của mỗi thời đại thì hầu như thời kỳ nào Văn Lang cũng có những tác phẩm tương ứng. Điều đó chứng tỏ Văn Lang là một cái làng cười liên tục phát triển và không chỉ dừng lại ở một số đề tài và kiểu dạng nhân vật nhất định. Nhìn chung tất cả các đề tài hiện diện ở đây, trước hết đều nảy sinh từ mảnh đất Văn Lang để rồi đi xa hơn trở thành những đề tài có tính chất truyền thống trong truyện cười dân tộc Việt Nam.

- Mảng đề tài về các sản vật làng quê có lẽ là mảng đề tài để lại nhiều ấn

tượng nhất trong lòng độc giả của truyện cười Văn Lang. Chất liệu cuộc sống lao động sản xuất và đấu tranh chinh phục thiên nhiên đã tạo ra những tiếng cười hả hê, sảng khoái tự hào, ngợi ca những thành quả lao động, đồng thời cũng chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng bay bổng. Mảng đề tài này đã đem đến nội dung ca ngợi đích thực chứ không phải chỉ toát lên giá trị ý nghĩa ngợi ca. Nhân vật trong mảng đề tài này là những người nông dân đã sáng tạo nên những sản phẩm tinh tuý đó, hoặc là những người đã lập nên những chiến tích trong săn bắn, đánh bắt, hái lượm. Như vậy đối tượng cười ở các tác phẩm loại này không hề dính dáng đến sự phê phán, đả kích, châm biếm mà là nhằm biểu dương ca ngợi. Tiếng cười ở đây là tiếng cười khôi hài, vui vẻ, trong sáng lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống và yêu lao động.

- Mảng đề tài chiếm số lượng tác phẩm nhiều nhất là mảng đề tài về kẻ thù giai cấp, dân tộc và những thói hư tật xấu trong nội bộ quần chúng nhân dân. Chất liệu đời sống sinh hoạt thường nhật hàng ngày và đấu tranh xã hội đã tạo nên những tiếng cười ngạo nghễ đầy chất trí tuệ, biến hoá thành những “đòn bút” giáng vào đầu bọn thống trị và các thế lực xấu xa hay phê phán, châm biếm những thói xấu, tầm thường đáng cười trong cuộc sống. Nhân vật trong mảng truyện này đều là những đối tượng đáng cười: vua, quan, kẻ sỹ, kẻ tu hành, kẻ hành nghề mê tín dị đoan, bọn trộm cắp và cả những con người bình thường mà xấu tính, xấu nết hoặc ngu dốt, kém cỏi. Tiếng cười ở đây là tiếng cười trào lộng châm biếm cay độc mang tính chiến đấu cao, đồng thời còn có cả tiếng cười phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía. Qua đây, nhân dân Văn Lang còn bộc lộ một tiếng cười chiến thắng, thể hiện bản lĩnh cao cường của những người đứng cao hơn thực tại, vượt lên trên chính bản thân mình.

- Mảng đề tài chiếm số lượng truyện ít hơn là mảng đề tài về sinh hoạt tính giao nam - nữ. Chất liệu đời sống sinh hoạt lứa đôi và sự giao hoan của những người khác giới đã khiến người bình dân tạo ra những tiếng cười giải trí lành mạnh, nói “chuyện kín” mà không dâm tục. Nhân vật chủ yếu là những cặp vợ chồng già có, trẻ có với lối ứng xử vui vui, ngồ ngộ trong sinh hoạt đời thường. Tiếng cười ở đây vừa như liều thuốc an thần vừa như chất xúc tác trong sinh hoạt tình dục. Quả không có cuốn sách “khoa học tình dục” nào tạo ra được cái “chất thơ dân gian” và những nụ cười “có duyên” trong sinh hoạt vợ chồng thiết thực hơn thế. Đây đúng là một loại tiếng cười tiếu lâm giải trí, vui thích đặc biệt mà trong đời sống dân gian, hầu như nơi nơi đều có.

III.1.3.2. Về các thủ pháp nghệ thuật.

Làm nên những sản phẩm tiếng cười, thủ pháp ngoa ngôn, cường điệu, phóng

đại là thủ pháp đặc sắc nhất của làng cười Văn Lang. Truyện cười Văn Lang không chú trọng xây dựng ngoại hình nhân vật nên không phóng đại đôi ba nét bề ngoài của đối tượng. Phóng đại ở đây ngoài việc phóng đại sự vật, sự việc còn là phóng đại tâm lý, tâm trạng hoặc thói hư tật xấu của nhân vật, cường điệu, nói quá lên những hành vi ứng xử của đối tượng đáng cười. Hầu hết truyện cười nào của làng Văn Lang cũng sử dụng thủ pháp cường điệu phóng đại hoặc thấp thoáng cái cách nói khoác, nói ngoa dụ, nói quá lên. Ngay cả ở những câu chuyện giải trí cười cợt bông lơn như “Đầu trâu luộc”, “Ai bảo nó theo trai”, chúng ta vẫn thấy cái cách nói cường điệu rất Văn Lang ("cả cái đầu trâu luộc của tôi"; hoặc “ai bảo nó theo trai”, hay sự cáu gắt “đình chỉ ngay” của ông bố…).

Tài nghệ nói khoác của người Văn Lang thể hiện rõ nhất ở cách kể chuyện phóng đại cường điệu mà vẫn hết sức hồn nhiên, tự nhiên. Đây cũng là điểm đặc sắc nhất của làng này. Cũng là nói khoác nhưng ở một số làng cười khác, chúng ta vẫn tìm ra “tỳ vết". Ví dụ như Trúc Ổ “tổ nói khoác” cũng có nhiều truyện tương tự như của Văn Lang:Con ếch kéo đổ cây đa”, “Con cá cả nhà ăn chán”… nhưng người Trúc ổ phải tìm cách “biện hộ” làm sao cho việc nói khoác của mình “có lý”. Hoá ra con ếch kéo đổ cây đa vì “nó kéo đúng vào cái đêm gió bão lớn mà bị”, còn con cá mè cả nhà ăn chán vì “cháu nó mổ vô ý làm vỡ mật, cả nhà ăn chả kêu chán lắm mà lị". Nếu chúng ta so sánh với các tác phẩm “Con ếch cốm”, “Ăn cá không phải giở mình" và  “Suýt cháy nhà” sẽ thấy, người Văn Lang nói khoác và phóng đại rất có duyên. Ngay cả những truyện về lúa, rau, củ, quả, họ cũng không chỉ chú ý đến số lượng sản phẩm mà thường đề cao chất lượng tinh tuý của nó. Nói về lúa, họ chú ý đến cái sự dẻo thơm. Nói về sắn ngoài sự to dài, họ còn chú ý đến sắn thơm và bở… Nếu cây rau dền Hoà Làng phải bắc thang lên để hái vì “rau dền mọc trên bờ tường đắp đất” thì cây rau dền Văn Lang mới chỉ “trèo đến chạc ba đã nhìn thấy cột cờ Hà Nội”. Cách phóng đại cường điệu của dân Văn Lang thật là tự nhiên, dân dã, không ai đặt ra vấn đề “có lý” hay “vô lý”.

Tài nghệ sử dụng thủ pháp cường điệu, phóng đại của làng cười Văn Lang sở dĩ nó rất đặc sắc còn là bởi những cách phóng đại ấy phần lớn được dựa trên cơ sở hiện thực và có khi còn được chắp cánh tưởng tượng từ những chuyện có thật. Ngay cả khi đối diện với vua Tàu, quan tây, quan ta, nhân dân Văn Lang đã “bịa” trên cơ sở lôgíc những chuyện như thế rất có thể xảy ra chứ không phải là những câu chuyện không thể nào xảy ra được. Cái có lý chính là ở chỗ, người Văn Lang đã sử dụng những lôgíc hợp lý để dựng truyện, vận dụng những diễn biến của quy luật tâm lý để khắc hoạ nhân vật. Cường điệu, phóng đại, “bịa” như thật quả là biệt tài của làng cười Văn Lang.

Cũng giống như đặc điểm nghệ thuật - thi pháp của truyện cười nói chung, truyện cười Văn lang cũng có kết cấu ngắn gọn, cốt truyện đầy kịch tính, tình tiết sự kiện luôn có yếu tố bất ngờ và tạo ra được nhiều tình huống xung đột gay cấn. Đặc biệt rõ là ở những tác phẩm có nội dung đả kích châm biếm bọn thống trị và các thế lực xấu xa. Mảng truyện mang nội dung ca ngợi cũng không phải không có những đặc điểm trên, nhưng những xung đột, mâu thuẫn ở đây không phải là giữa cái thật với cái giả hay giữa nội dung bên trong và hình thức bên ngoài. Xung đội, mâu thuẫn kịch tính trong các tác phẩm về đề tài săn bắn, đánh bắt, hái lượm là những điều có thật toát ra từ tình tiết diễn biến sự kiện, tạo sự hấp dẫn chứ không phải để nhằm tạo tiếng cười. Như vậy trong truyện làng Văn Lang, cần phân biệt rõ các thủ pháp, biện pháp, cách thức dựng truyện và tài nghệ gây cười giữa hai loại tiếng cười ngợi ca biểu dương và tiếng cười châm biếm phê phán.

III.1.3.3. Đặc điểm về ngôn ngữ

Ngôn ngữ truyện cười Văn Lang ít biến đổi, bởi lời văn nghệ thuật của nó đã đạt tới tính chất vừa cô đúc ngắn gọn vừa giản dị trong sáng, trên cơ sở ổn định của cốt truyện và các chi tiết sự kiện, cho dù nghệ nhân chuyên kể giữ nguyên cả các từ ngữ của địa phương mình. Đối thoại trong các truyện cười Văn Lang cực ngắn và rất súc tích. Lời thoại luôn tiến thẳng đến mục tiêu cần thể hiện, kể cả khi lời thoại ấy là lời mà nhân vật đang “lý sự” với đối thủ (Đề cao đức quân tử).

Thủ pháp gây cười bằng ngôn ngữ của người dân Văn Lang khá phong phú và linh hoạt. Lời văn nghệ thuật ở đây thường đan xen giữa văn xuôi với văn vần, nhiều khi có cả thơ lục bát, ca dao, tục ngữ. Điều đó tạo nên sự sinh động hấp dẫn khác thường, thế giới tâm trạng của nhân vật hoặc vẻ đẹp tâm hồn của chủ thể thẩm mỹ (tức người kể chuyện, người sáng tác) được khắc hoạ rõ nét. Cách nói lưỡng đôi, “nói nước hai” dẫn đến tình trạng lưỡng phân được nghệ nhân sử dụng đắc địa trong từng hoàn cảnh, từng cốt truyện rất hợp lý, kịp thời. Cách mắng con: “Mày có câm họng ngay không” trong “Trạng Phét” vừa là rủa con vừa là sự thoá mạ của cô con dâu đối với viên quan hách dịch. Câu chửi của viên quan thu thuế chợ “Rõ là đồ bẩn thỉu” vừa là lời của hắn nhưng dường như là lời chửi cay độc của nhân dân đập thẳng cánh vào mặt quan là “đồ bẩn thỉu”. Sắc bén hơn, câu mắng cái “đồ ba vạ” của mình trong “Ba vạ” của chị chàng nọ cũng là một cách chửi nước đôi, khiến cho cái cán cân công lý trong xã hội phong kiến đích thực “rõ là đồ ba vạ”. Lối nói ngược để gây cười cũng xuất hiện trong một số tác phẩm, ví dụ “rõ thật rủi” trong “Chuyện rủi”, “em bé đầu trọc lốc” trong “Mẹ đẻ ra sư”, “giỏi thì đem báo quan mà lĩnh thưởng” trong “Báo quan mà lĩnh thưởng” .v.v...

Cũng như bao làng cười khác, ngôn ngữ truyện cười Văn Lang là thứ ngôn ngữ bình dân, chồng lợp nhiều lớp từ cổ, từ địa phương, tuy giản dị mà đa chiều, đa nghĩa. Ở đây ta bắt gặp những cách nói lái rất thông dụng như: “vê nó màng”, “chốn dinh”, “bừng giơi”, “riềng năm”… và cả những từ ngữ rất dân dã, quê kiểng: “lẻm nốt”, “quá trớn”, “mè ranh”, “bủm một cái”, “te hẻ”, “nóng đít ông táo”, “nóng rát đít”, “vặn cổ”, “bố cu”, "mẹ hĩm”, “bố thẽm”, “ông trẻ”.v.v... Chính vì thế mà truyện cười Văn Lang hiện ra gần như đầy đủ các cung bậc của tiếng cười dân gian có trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

III.1.3.4. Nghệ thuật diễn xướng

Nghệ thuật diễn xướng cũng là một nhân tố quan trọng tạo nên đặc sắc nghệ thuật của truyện cười Văn Lang. Là một làng cười, môi trường diễn xướng của những câu chuyện cười Văn Lang thật lý tưởng, nó đích thực là diễn xướng dân gian, không gian nghệ thuật dân gian. Giá trị của các tác phẩm truyện cười Văn Lang càng được khẳng định, nghệ thuật đặc sắc của nó càng nổi bật hơn khi chúng ta thưởng thức nó từ góc độ phương thức diễn xướng. Thoát ly khỏi môi trường diễn xướng, cái “hồn” của truyện cười Văn Lang sẽ bị mất mát rất nhiều.

Truyện cười Văn Lang là thứ nghệ thuật ở giữa cuộc đời, nó khác xa với thứ nghệ thuật sân khấu. Người dân Văn Lang “biểu diễn” tác phẩm của mình một cách hồn nhiên, tự nhiên. Một tác phẩm chỉ do một người kể mà mỗi lần kể đã mỗi khác, huống chi nó lại được nhiều người khác kể trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và đối tượng thưởng thức cũng khác nhau. Người ta có thể kể câu chuyện đó ngay trên đồng ruộng cho cả một tập thể thưởng thức, cũng có thể kể trong không khí gia đình, thậm chí ngay trong bữa ăn hay trong phòng ngủ. Người ta lại cũng có thể kể một câu chuyện lúc thì cho người lớn, lúc thì cho trẻ em, có thể có cách riêng kể cho con gái hoặc con trai mới lớn... Vì vậy ngôn từ, giọng điệu kể cũng luôn có sự biến hoá rất linh hoạt. Có thể nói, đặt trong phạm vi làng xóm, cái chu trình ứng tác, biểu diễn, thưởng thức, sửa chữa, cắt xén, bổ sung, lấp đầy của truyện cười Văn Lang luôn diễn ra thường xuyên và như một dòng chảy liên tục. Người ta phục tài nói khoác của nhau để rồi đến lượt mình lại nói khoác có duyên hơn. Cứ thế người bình dân Văn Lang vừa sáng tạo, vừa biểu diễn, vừa thưởng thức vừa sửa đổi, cách tân. Sáng tạo cũng là một cách để giữ

 vững truyền thống của làng một cách chắc chắn hơn.

Thưởng thức truyện cười Văn Lang ngay trong diễn xướng của chính dân

 làng mới thấy hết cái hồn nhiên, dí dỏm, cái đặc sắc nghệ thuật độc đáo của nó. Lâu nay theo thói quen thưởng thức sân khấu, người ta cho rằng, người kể chuyện cười mặt phải tỉnh khô như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng thực tiễn lại cho thấy, các nghệ nhân làng Văn Lang có những cách "diễn xuất" rất linh hoạt. Có loại tác phẩm nghệ nhân vừa kể vừa cười, người nghe cũng cười xả láng trong một không khí hoà đồng, cộng cảm, dân chủ rất tuyệt diệu. Lại có loại tác phẩm nghệ nhân kể trong trạng thái tỉnh bơ, khách quan hoá, nhưng kể xong thường kèm những lời bình khoái chá và rất dí dỏm. Cũng có loại truyện mà nghệ nhân vừa kể vừa kèm  theo điệu bộ khoa chân, múa tay, nhún nhảy rất điệu nghệ hoặc nực cười. Đặc biệt, giọng nói của người Văn Lang cộng với một lớp từ địa phương, bản thổ rất riêng cũng là một biện pháp để gây cười. Truyện làng Văn Lang có một số tác phẩm phải qua chính biệt tài diễn xướng của nghệ nhân làng họ thì mới bật ra tiếng cười được. Trong khi đang kể chuyện, nghệ nhân thường chêm vào những ngôn từ mới lạ do sự sáng tạo tức thì, tạo nên sức truyền cảm và kích thích tâm thế đồng sáng tạo ở người thưởng thức. Điều đó thường làm nở bung những trận cười kéo dài, "cười như nắc nẻ" rất ngộ nghĩnh. Cho nên có thể nói, truyện cười Văn Lang có đời sống phong phú nhất ở trong sinh hoạt cộng đồng, nó chỉ sinh động thật sự khi tồn tại trong môi trường diễn xướng, trong tính tổng thể nguyên hợp folklore.

III.2 .  Truyện các làng cười khác

Tại Phú thọ, ngoài làng cười Văn lang, hiện nay các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy một số truyện nói trạng của làng Trù Mật. Đây cũng là một làng cổ xuất hiện trong truyền thuyết Hùng Vương, nằm trong địa danh động Phú An, Ma thành xưa. Trù Mật có một ngôi chùa cổ kính thờ Phật và ngôi đền thờ Đức Kiều Thuận. Ông vốn là Bộ tướng của Ngô Quyền, nổi tiếng là người thông minh chính trực. Khi Dương Tam Kha thoán đoạt quyền bính, Kiều Thuận lánh lên thành Hội Hồ, Hoa Khê rồi xây dựng căn cứ Tam Thành. Thời kỳ loạn 12 xứ quân, ông có trong tay hơn 10 vạn người và tự xưng “Cương Nghị quân”. Khi Đinh Bộ Lĩnh cho Đinh Điền và Nguyễn Bặc đến đánh dẹp, ông bị thương nặng nên đã tuẫn tiết. Trước khi chết, ông vẫn hướng về “Nam quốc đại nhân” tỏ khí tiết của mình. Đinh Tiên Hoàng lập nước Đại Cồ Việt đã phong Kiều Thuận là “Cương Nghị Đại Vương” và sai hai làng Phú An và Trù Mật lập lăng, đền thờ. Rõ ràng Trù Mật cũng là một làng văn hoá của người Việt cổ.

Ở tỉnh Phú Thọ, truyện cười xuất hiện tại nhiều làng xã, hầu như làng nào cũng có dăm ba câu chuyện cười. Tuy vậy đến nay, các nhà sưu tầm mới chỉ thấy có hai làng: Trù Mật và Văn Lang. Trù Mật là một làng cổ thuộc động Phú An xưa, nay thuộc xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ. Làng này được mệnh danh là “Nói trạng Trù Mật”. Văn Lang là một làng cổ mang tên nước thời Hùng Vương, làng nổi tiếng là “…lý sự tổng Văn” hay “Văn Lang cả làng nói phét”. Nhờ vậy, tỉnh Phú Thọ chẳng những có nhiều truyện cười mà còn có một di sản văn hoá cười, bộc lộ một tâm hồn lạc quan yêu đời, yêu lao động rất đỗi hồn nhiên, trong trẻo.

Làng Trù Mật có một kho tàng truyện cười tồn tại từ xa xưa. Nhưng vì dân làng không có phong trào thi kể chuyện và cũng không có ai để tâm sưu tầm, ghi chép để lưu giữ nên giờ chỉ còn lại với số lượng không đáng kể. Đây là một làng cổ xuất hiện trong truyền thuyết Hùng Vương, nằm trong địa danh động Phú An, Ma thành xưa. Trù Mật có một ngôi chùa cổ kính thờ Phật và ngôi đền thờ Đức Kiều Thuận. Bởi vậy, những truyện nói trạng ở đây tuy ngày nay sưu tầm được ít ỏi, nhưng có thể phán đoán là trước đây có khá nhiều mà dân làng không mấy người nhớ được nữa.

Nhìn chung, nói trạng Trù Mật cũng có cấu tứ và thi pháp nghệ thuật gần giống với truyện cười Văn Lang. Thủ pháp ngoa ngôn, phóng đại và lối nói khoác một tấc đến giời được nghệ nhân sử dụng thường xuyên, chủ yếu. Ngôn ngữ kể chuyện hết sức đơn sơ, mộc mạc, phải nó là quá giản dị, song cái tinh tế lại ẩn giấu trong nụ cười khi tủm tỉm, khi duyên dáng, khi bông lơn khá thi vị. Truyện “Con ếch xồm” kể về hai chàng bắt ếch khoe chiến tích của mình, đêm nào cũng vớ được vài ba yến, có khi bắt được con ếch xồm nặng tới 5 kí. Họ so sánh với ếch Cu Ba và sáng tạo ra cả thơ phù hoạ:

Hụ hụ là cụ Cu Ba

Ếch bắt cả gà chứ chẳng phải chơi

Bao giờ sấm động mưa rơi

Thì em lại bắt một nồi nấu canh.

Truyện cười Trù mật cũng có cái vui vui ngồ ngộ kiểu truyện cười nói chung và Văn Lang nói riêng. Nhìn sâu vào tiếng cười hết sức hồn nhiên, tự nhiên ấy, người ta nhận ra niềm thích thú tự hào ngợi ca những sản vật do chính người nông dân sáng tạo ra. “Quả trứng chưa ấp đã nở” là truyện đề cao nghề nuôi gà chọi, một thú chơi tao nhã của làng quê Việt Nam. Người Trù Mật hồn nhiên khoe giống gà chọi của mình, con nào cũng to như ngỗng sư tử. Tốt giống tốt má, trứng nó cũng to đến mức trứng vịt phải gọi bằng cụ. Một anh bạn lấy mấy trứng về ấp thử, thế mà trên đường về,“đang trưa nghe tiếng gà gáy, trong túi tôi như có cái gì cựa quậy, sờ vào thì ra mấy quả trứng nó cựa. Tôi mang ra thử xem thì thấy vỏ trứng đã nứt, mấy chú gà trống đạp tung vỏ nhảy lên cây thành ngạnh, vươn cổ gáy te te rồi bay như gà cỏ”. Truyện cá, truyện về ếch, lại có cả truyện “Hai chiếc bánh chưng không có nồi luộc”, đây đích thị là truyện ca ngợi sản phẩm tinh hoa của nghề nông trồng lúa nước. Ngoài những truyện về vật nuôi, truyện đi đánh bẫy “Tài nghệ”, nói trạng Trù Mật còn chú ý hơn những những loại thuỷ sản do tự nhiên ban tặng, đó các truyện như: “Què vì xương cá”, Mẻ cá chật nơm”... Trong những truyện đã sưu tầm được, truyện “Cái vạ chim ngói”, là tác phẩm có yếu tố châm biếm, đả kích tham quan ô lại, với đòn bút khá sắc sảo và tinh tế. Nhìn chung, người dân nơi đây thi nhau nói khoác và cũng vui vẻ phục tài nói khoác của bạn. Qua những câu chuyện vui vui ngồ ngộ này, ta thấy ánh lên niềm lạc quan yêu đời, niềm tin yêu cuộc sống, yêu lao động của người nông dân chân lấm tay bùn. Và cũng qua tiếng cười mộc mạc mà trong khiết ấy, chúng ta cũng cảm nhận được phong cảnh thiên nhiên và tập quán làm ăn sinh sống của một vùng quê đồi gò đan xen đồng chiêm trũng, cảnh trí sơn thuỷ hữu tình rất thuận lợi cho nghề nông và hoạt động đánh bắt thuỷ sản.

 Tóm lại, kho tàng truyện cười Phú Thọ có khá nhiều thành tựu độc đáo và đặc sắc mà ít nơi có được. Trong tâm thức người dân Đất Tổ, hầu như không ai là không biết đến làng cười Văn lang và những truyện cười dí dỏm, thông minh của họ. Truyện cười Văn Lang, nói trạng Trù Mật vẫn là sản phẩm của văn hoá làng, sản phẩm của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Việc bảo lưu những di sản văn hoá quý báu đó và chọn lọc để nâng cao, phát huy tinh hoa phục vụ cho nhu cầu xây dựng một nền văn hoá mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại ngày nay đang đặt ra với tất cả chúng ta.


anh_cua_trung_nguyen_11

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)