bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 20
Trong ngày: 208
Trong tuần: 1350
Lượt truy cập: 637798

TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN PHAN KHUÊ

Truyện thiếu nhi của hội viên mới Nguyễn Phan Khuê

 

Vanvn- Nhà văn Nguyễn Phan Khuê sinh năm 1971, là người con của quê hương miền quan họ thuộc làng Mão Điền, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Từ thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Phan Khuê đã được cha mình – nhà thơ Nguyễn Phan Hách tặng cho cả một “gia tài quý giá” – đó là một kệ sách đặt trang trọng trong ngôi nhà nhỏ của gia đình. Và rồi chính những trang sách quý – những hạt giống lành ấy đã chắp cánh cho cậu bé Phan Khuê tiếp tục viết nên những trang sách của đời mình.

Nhà văn Nguyễn Phan Khuê
Nhà văn Nguyễn Phan Khuê

Những cuốn sách đã xuất bản của nhà văn Nguyễn Phan Khuê gồm: Thiếu nữ bị lạc – tiểu thuyết in năm 1992; Đại uý tí hon – tập truyện thiếu nhi – 1998; Quà của ông Ngoại – tập truyện thiếu nhi năm 2011. Và năm 2023 mới đây là tập truyện ngắn Hương hoa hoàng lan của anh dưới bút danh Khuê Phan do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành.

Nhà văn Nguyễn Phan Khuê bày tỏ:

“Tôi viết các tác phẩm dành cho thiếu nhi trước hết là để được nói với các em, được kể cho các em nghe về những câu chuyện nhỏ trong tuổi thơ của mình. Mỗi người sinh ra và lớn lên, qua những trải nghiệm cùng bạn bè, qua những câu chuyện trong gia đình, dưới mái trường… chúng ta sẽ học được cách ứng xử và trưởng thành.

Cha tôi dạy chúng tôi không phải bằng những lời dạy giáo điều. Cha dạy chúng tôi biết đọc, biết chơi với bạn, biết rút kinh nghiệm cho bản thân từ mỗi bài học nhỏ trong cuốn sách cũng như những câu chuyện xảy ra xung quanh mình. Những bài học từ cha đã giúp tôi viết nên những câu chuyện của mình dành tặng các em nhỏ”

NHÀ THƠ BẢO NGỌC giới thiệu


ĐIỀU ƯỚC

 

Bà mở rương lấy một chiếc áo thật lạ: áo dài nhung đỏ thắm có kim tuyến long lanh như những hạt sương buổi sớm. Bà bảo cái áo này bà may từ khi bé còn ở trong bụng mẹ.

Bé ngồi chăm chú nhìn bà. Bà mỉm cười rồi cầm một vật lạ ơi là lạ. Nó bằng cổ tay bé và được làm bằng nhung đen nhánh. Bà gỡ những sợi tóc bạc xuống rồi cuộn lên đầu. Dường như bà biết bé ngạc nhiên lắm. Bà bảo:

– Cái này gọi là cái vấn tóc.

Bà ăn trầu, gương mặt hồng lên như đánh phấn. A, trông bà đẹp quá, cứ như diễn viên trên sân khấu ấy. Bé háo hức:

– Bà ơi, bao giờ cháu có quần áo đẹp như của bà ạ?

Bà cười:

– Chỉ có các bà già mới mặc thế này thôi, khi nào cháu lớn, cháu sẽ mặc quần bò, áo phông như cô Nga ở bên hàng xóm. Hay là cháu sẽ mặc váy đầm, đi giầy cao thế này này – Ngừng một lúc bà nói tiếp – bé ngoan lấy hộ bà chuỗi hạt ở trong tủ kia nhé.

Bé lon ton chạy lại kéo cánh tủ ra và cầm chuỗi hạt cho bà. Những hạt tràng nhẵn bóng va vào nhau lách cách. Bà bảo mỗi hạt tràng ấy là một điều ước. Thế thì thích thật, bà có bao nhiêu điều ước đeo trên cổ. Mà cái chuỗi hạt này hiệu nghiệm thật, mỗi lần bà ước cái gì là đều được cái ấy. Có lần bà lim dim mắt, tay cầm tràng hạt ước: “Ước gì tôi có con búp bê đội mũ nồi lệch, chân đi giày đỏ để tặng cháu tôi”. Bà mở mắt rồi nói với bé: “Cháu tới đầu giường của bà, thế nào cũng có búp bê”. Bé chạy lại đó, quả là có con búp bê mà hôm qua đi chơi bé nhìn thấy và rất thích…

– Bà ơi, chiếc vòng này có phải là của bà tiên trong câu chuyện hôm nọ bà kể cháu nghe không?

Bà gật đầu.

Bà bế bé lên, làn vải nhung áp vào má bé mát lịm. Bé mặc váy đầm xòe trắng tinh, đôi giày cùng chiếc ví nhỏ xíu màu đỏ…

Đã bao lần bà mặc áo quần như thế đưa bé đi chùa, lễ tết. Bé cứ lũn chũn nắm bàn tay nhăn nheo của bà. Thỉnh thoảng, sợ bé mỏi chân, bà lại bế bé lên, cho đến một lần bà vừa bế bé lên, vừa nói:

– Chà, cái cún của bà dạo này nặng thế, lớn tướng rồi, chẳng mấy mà thành cô gái.

Vâng, bé lớn hơn trước rồi, cái váy đầm xòe dạo trước bé mặc giờ đã ngắn, đôi giày đỏ đã chật rồi. Nhưng lạ quá, sao mà chiếc áo nhung dài đỏ thắm của bà mỗi khi bà mặc lại cứ như dài rộng hơn ra? Bé hỏi thì bà mỉm cười:

– Là để cho cháu lớn lên đấy!

Bé đến tuổi đi học, chiếc cặp nhỏ đeo sau lưng, bộ đồng phục làm bé lớn vổng lên. Hôm đi khai giảng, bà gài lên đầu bé chiếc nơ trắng.

Ở nhà cũng như ở trường mỗi khi nhớ đến chiếc vòng nhiệm màu của bà, bé lại nghĩ xem mình có thật ngoan không. “Hôm qua bé dây mực ra bàn, người ngoan không làm bẩn bàn học. Hôm kia bé vấp ngã, lại còn khóc nhè, người ngoan đi đứng cẩn thận và không khóc nhè…”

Một buổi bé đi học về, và hơi ngỡ ngàng: “Sao nhà mình lại đông người thế nhỉ? Sao bà nằm ngủ trên giường mà lại mặc áo dài, vấn tóc?”

Mẹ ào ra ôm bé vào lòng, đôi mắt mẹ đỏ hoe. Mẹ dắt bé vào gặp bà lần cuối. Bà ngủ thật ngon, đôi mắt khép lại nhẹ nhàng như là bà vẫn đang cầm chuỗi hạt, ước một điều gì đó cho bé. Chiếc áo nhung đỏ thắm, chiếc khăn vấn đen huyền…

Bé mở tủ lấy chuỗi hạt gỗ đen bóng, bé ôm tràng hạt vào lòng, những hạt gỗ va vào nhau lách cách. “Bà ơi, cháu sẽ thật ngoan để được ước. Cháu sẽ ước bà tỉnh dậy bà nhé!”

Tranh của họa sĩ Đào Hải Phong

NIỀM VUI NHÀ MỚI

 

Gia đình Hà chuyển tới khu tập thể mới. Khu tập thể mới ở xa lắm, tít tận ngoại thành cơ. Hôm chuyển nhà bố mẹ bận tíu tít. Sợ Hà bị ngã, mẹ gửi Hà sang hàng xóm. Cô bé ôm con gấu bông ngồi trên ghế nhìn mẹ khiêng bàn khiêng tủ. Thứ nào cũng nặng cũng cồng kềnh. Hà thấy trời lạnh mà mặt bố lấm tấm mồ hôi.

– Bố ơi – Hà gọi – sắp xong chưa hả bố?

– À… sắp xong rồi con ạ, chỉ một tí nữa là xong thôi.

– Bố ơi cái giường của con bố chuyển chưa?

– Kia kìa, bố cho lên ô tô rồi đấy.

– Thế còn cái xe đạp của con nữa nhé…

– Ấy, tí nữa thì quên đấy…

– Bố ơi con khát nước quá…

– Nước à? Con chịu khó một chút, khi nào về nhà mới tha hồ uống.

Hà thấy bố lau mồ hôi vội vàng chạy vào mang ra cái xe đạp của cô bé. Chiếc xe hàng ngày Hà vẫn đi nặng thế mà bố chỉ mang có một tay, tay kia bố còn cầm cả cái xoong, cái chảo…

Bác hàng xóm mở tủ lấy cho Hà một hộp sữa chua. Hà định bật nắp ăn ngay nhưng chợt nghĩ ra điều gì, cô bé cất vào trong cái túi xách của mình.

Bác tài xế nổ máy, nhấn ga. Chiếc xe từ từ lăn bánh. Bố bế Hà ngồi trên ca bin, Hà bế con gấu bông – Chiếc túi xách có hộp sữa chua cộm lên.

– Cái gì thế này? Sữa chua à? Sao con không ăn đi? Để lâu là nó bị hỏng đấy.

Chiếc xe đi qua ổ gà, hộp sữa lắc qua lắc lại. Hà ra vẻ giữ bí mật:

– Một tí nữa con mới ăn… – Xe về tới khu tập thể mới, nhà Hà ở trên tầng mười cao ơi là cao. Bố và mẹ lại vất vả khiêng đồ đạc lên nhà. Xong việc thì trời cũng nhập nhoạng tối. Trong căn phòng sáng choang ánh đèn bố và mẹ ngồi nghỉ trên ghế. Hà mang hộp sữa chua ra.

– Bố mẹ mệt không? Con mời bố mẹ ăn sữa chua cho đỡ mệt ạ

– Bố cầm hộp sữa chua từ tay Hà. Cả bố và mẹ đều lặng đi giây lát.

– Mẹ bóc hộp sữa chua ra nhưng hộp sữa chua đã vữa hết rồi. Hộp sữa bị hỏng, chẳng ai ăn được tí gì nhưng Hà thấy cả bố và mẹ đều vui. Bố ôm Hà vào lòng, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt. Căn phòng mới còn thơm mùi sơn tường rộn lên những tiếng cười và những ánh mắt yêu thương.

Nhà văn Nguyễn Phan Khuê (Khuê Phan)

HOA BẠCH ĐÀN

 

Hồi ấy tôi luôn ước mình có một con dế. Con dế của tôi phải bách chiến bách thắng và tất nhiên nó phải đánh bại được con dế cụ của thằng Hào. Vì con dế của thằng Hào đang là vô địch ở xóm tôi. Bọn trẻ trong xóm nhìn nó thèm lắm. Riêng tôi chẳng thích con dế ấy tẹo nào, tôi cũng chả thích cả thằng Hào nữa. Mỗi khi dế của nó thắng, nó kiêu căng lắm, đến nỗi để cả con dế lên mái tóc bờm xờm hoe nắng của mình mà chạy khắp xóm. Vừa chạy vừa gào to:

– Tao là nhà vô địch, tao là nhà vô địch…

Thằng Kiên, thằng Sáng có dế đá thua thì chui vào đống rơm hay trèo lên cây bưởi tìm tán lá rậm nhất và khóc tức tưởi. Còn những người lớn thấy thằng Hào gào thét ở ngoài ngõ thì thấy giật mình ngơ ngác không hiểu điều gì.

Nhưng thằng Hào cũng chẳng kiêu được lâu. Một chiều, con dế đang ở trên đầu nó bỗng dở chứng nhảy vèo đi, đôi cánh ngắn cũn chẳng bay được lâu, rơi ngay vào bụi tre nơi có đàn gà chíp mới nở đang kiếm mồi. Một chú gà con vàng ươm giật mình tròn xoe mắt nhìn. “Cốp!” Chú thử cái mỏ còn hồng mềm của mình vào cái sọ bóng nhẫy của dế cụ. Ái chà cái sọ ấy bao lần giương ra thách thức các ngón đòn của các con dế khác, vậy mà giờ bị gà con mổ cho một phát trời giáng, nó quay đơ giãy đành đạch

Thằng Hào thét lên, nó đuổi đàn gà chạy táo tác rồi chui vào bụi tre lấy chú dế ra. Con dế vẫn sống nhưng từ đấy chả biết đấm đá là gì nữa, cứ thấy con dế khác là cuống cuồng chạy như nhìn thấy chú gà con vậy.

Còn thằng Hào lúc ấy khóc như ri, về nhà lại bị một trận đòn quắn đít vì chân tay bị gai tre cào xước.

Ngày qua ngày, chúng tôi lớn lên và đến trường học. Trường của chúng tôi nhỏ xíu nằm dưới rặng bạch đàn. Mùa hoa thơm nức. Thơm từ trang giấy đến mái tóc khét nắng của chúng tôi. Rừng bạch đàn cứ vi vút suốt cả ngày lẫn đêm.

Tôi khoái lắm, trong giờ học cứ hít căng lồng ngực mùi thơm thơm nồng nồng của hoa bạch đàn, lắng nghe những âm thanh vi vu ồn ã ấy và dõi mắt theo những con cánh cam, con ong đang chấp chới trên những chùm hoa cao ngất.

Giờ kiểm tra bài tôi ngồi cắn bút, cắn đến toét cả quản bút ra…

Thằng Hào lại gào toáng cả xóm. Nó đội cái cặp lên đầu. Mái tóc còn hoe vàng vì nắng nhưng thơm nức mùi hương hoa bạch đàn…. “Mẹ ơi, con được điểm 10, con được điểm 10… mẹ ơi…”.

Còn tôi thì bị những que roi quắn đít. Nhà tôi ở sát nhà thằng Hào. Mẹ mở vở tôi ra xem. Điểm 2!

Tôi ghét thằng Hào. Giá như thằng Hào không tự kiêu gào toáng cả xóm lên để mẹ tôi nghe thấy, đánh đòn tôi! Hôm sau đi học, tôi không gọi nó nữa. Nó thì chẳng để ý, chỉ cười. Thấy nó cười, bất chợt tôi quờ tay sờ vào mông đít của mình. Những vết hằn vì roi còn đau nhói. Tôi uất nó chảy cả nước mắt…

Vậy mà chiều ấy nó lại để cặp sách lên đầu và gào lên váng cả xóm. Tôi chạy theo nó, qua hàng râm bụt, thấy nó rối rít xòe cuốn vở trước mặt mẹ khoe điểm 10.

Bố thằng Hào đi đâu, mấy năm nay không thấy về. Một mình mẹ nó nuôi hai anh em. Mẹ nó đang ngồi trên hè đút cơm cho đứa em bị liệt từ nhỏ. Đứa em Hào cũng toét miệng cười khi thấy Hào khoe cả nó. Nó huơ huơ cái tay bị liệt nói: “Lớn lên, em cũng đi học, cũng được điểm 10, mẹ nhỉ, anh Hào nhỉ!”

Tôi thấy cay cay ở khóe mắt, sờ vào mông đít mình, vết roi mẹ đánh không còn đau nữa. Tôi chợt ao ước mình cũng được điểm 10 như nó. Bao ngày qua đi, chúng tôi đã lớn thêm. Biết làm thêm được nhiều việc. Và tôi cũng đã được điểm 10…

Một buổi chiều có người đàn ông xuất hiện. Một người đàn ông vừa lạ vừa quen. Ngày hôm sau tôi mới biết đó là bố thằng Hào.

Gia đình nó bán nhà rồi chuyển đi nơi khác. Nghe nói xa lắm, tít ở tận miền ngược cơ. Xóm tôi từ đó vắng và buồn hẳn đi.

Bây giờ ở xóm này tôi là đứa học giỏi nhất, được nhiều điểm 10 nhất và tôi đã được bầu làm lớp trưởng. Cứ mỗi khi được điểm 10 thì tôi lại rất muốn gặp thằng Hào. Tôi muốn thi xem ai được nhiều điểm 10 hơn. Càng nhiều điểm 10, niềm ao ước được gặp thằng Hào lại càng lớn hơn…

Thế rồi tôi cũng được gặp thằng Hào… Hôm ấy là sáng thứ Hai. Dưới cờ tôi được biểu dương trước toàn trường vì vừa đoạt giải học sinh giỏi văn cấp tỉnh và được chọn vào đội tuyển của tỉnh để đi thi toàn quốc. Khỏi phải nó tôi vinh dự và tự hào như thế nào. Tôi thầm nghĩ: “Giá như có thằng Hào ở đây xem cả trường hoan hô tôi”

… Hào có ở đấy thật…

Khi tiếng vỗ tay của các bạn vừa dứt, thầy Hiệu trưởng bước lên sân khấu, thầy đặt vào tay tôi một tờ báo để đọc cho toàn trường nghe. Bài báo ấy không dài lắm, tấm ảnh cũng chỉ lờ mờ thôi. Mái tóc bờm xờm cái miệng cười toe toét. Tôi giật mình: ảnh thằng Hào!

Tôi đọc xong bài báo, cả trường bàng hoàng. Tay tôi cầm tờ báo run bắn và òa khóc từ lúc nào. Cả trường cũng òa khóc… Thằng Hào bạn của tôi đã dũng cảm nhảy xuống dòng lũ để cứu ba em nhỏ và không còn nữa…

Tuổi thơ của tôi có nhiều điều ao ước lắm…. Từ những mơ ước nho nhỏ đến những ước mơ lớn dần theo năm tháng

Giờ mái tóc thơm nức mùi hương bạch đàn của tôi xưa kia đã không còn nữa, thay vào đó là mái tóc đã hoa râm…

Nhưng có một điều ước, điều ước ngày xưa tôi vẫn để trên đầu và điều ước ấy vẫn còn thơm nức mùi hương hoa bạch đàn của tuổi thơ…

NGUYỄN PHAN KHUÊ

trechantrau

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)