bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 150
Trong tuần: 1107
Lượt truy cập: 794549

TRUYỆN NGẮN HỒ BÁ THƯỢC

TÌNH ÉT TƠ RI


             HỒ BÁ THƯỢC

 

Trước khi bước vào hội trường họp quân chính, tôi thoáng thấy một người tóc xoăn, mặt mũi hốc hác, quần áo lôi thôi lếch thếch… Thôi, đúng rồi. Đúng là hắn. Hắn là bạn tôi. Nhưng tại sao, hắn bị trói giật cánh khuỷu thế kia? Đằng sau, lại có mấy người áp giải.

Tôi quay vào gặp anh Ngạn, tham mưu phó Binh trạm:

- Anh Ngạn ơi, anh ra xem thế nào. Thằng Cương cán bộ phòng Kỹ thuật trên Ban làm sao bị bắt, có người áp giải kia kìa?

Tôi với anh xuống mấy bậc đá trước cửa hang hội trường, gặp ngay người áp giải. Chưa kịp hỏi, một trong ba TNXP dập gót báo cáo:

- Thưa thủ trưởng, đơn vị chúng em bắt được người này đêm qua ở trọng điểm Khe Rinh, đốt lửa trước miệng hầm, nghi là thám báo mặt đất. Đơn vị chúng em đã giam một đêm, chưa khai thác được điều gì. Đơn vị cử chúng em áp giải người này lên Binh trạm.

- Thế này nhé, các đồng chí cảnh giác như vậy là rất tốt. Tôi thay mặt Ban tham mưu cảm ơn các đồng chí. Bây giờ mọi người quay về đơn vị tiếp tục làm việc. Bàn giao người này cho cơ quan tham mưu. Thủ trưởng Binh trạm sẽ giải quyết.

 Ba người áp giải đeo súng lên vai vừa đi khuất sau mấy lèn đá, chúng tôi vội cởi trói cho Cương, dồn dập hỏi:

- Sao lại xảy ra nông nỗi này?

- Để nói sau, bây giờ đói quá. Đêm qua mới có tí lương khô vào bụng, cả ngày hôm nay đã có gì đâu. Cũng may, nếu họ giam giữ thêm mấy ngày nữa, tôi chết đói là cái chắc. Dưới đơn vị, họ chỉ ăn cháo cầm hơi thôi.

 Sau khi ăn bánh lương khô nghiền với nước sôi trong ăng gô, Cương kể:

- Hôm qua, vượt qua đèo Đá Đẽo về đến ngầm Khe Rinh, trời nhá nhem tối. Nước ngầm dâng cao, có lẽ đến gần hai mét, chảy như thác. Có ai đó, buộc một sợi dây song, dự phòng trước khi nước nguồn đổ về. Em lấy ni lông buộc túm ba lô, bám dây để sang sông. Ra đến giữa ngầm, nước chảy xiết, nhấn chìm cả người, lẫn bọc đồ xuống tận đáy. May mà bọc đồ bị áp lực nước làm vỡ, em mới trồi lên được, không thì theo hà bá rồi. Sang được bờ bên này, ba lô mất hết, chỉ còn bộ quần áo ướt trên người. Tìm mãi cũng thấy được hầm cứu nạn. Đang hơ hong quần áo, thì họ đến bắt.

Vẫn chưa hết cơn bực, Cương gân cổ lên giãi bày, rồi chửi toáng lên:

- Em giải thích thế nào, họ cũng không thèm nghe, không thèm hiểu. Thám báo kiểu gì, tự mình đốt lửa lên cho máy bay đến ném bom vào mình à?  

Tôi bảo:

- Thế này Cương nhé, cậu đang mệt mỏi, người còn yếu lắm, về đơn vị mình nghỉ ngơi mấy ngày cho lại sức. Tớ cũng còn mấy chuyện về khoản kỹ thuật “mìn dán” để hỏi cậu đấy. Chờ vài hôm nữa, họp quân chính xong là mình về liền. Anh Ngạn có cho phép?

Tham mưu phó cười toác miệng, không nói, chỉ gật gật đầu. Tôi ghé vào tai Cương nói nhỏ mấy câu. Hắn là đứa thông minh, gật đầu hiểu ngay. Tôi yên tâm vào hội trường họp.

Theo lời Vinh dặn, Cương đến trạm xá quân y nhận bệnh nhân cùng về C14. Vinh an tâm khi Cương đi cùng cô gái, và thầm cảm ơn bạn đã nhận lời chăm sóc cô trên đường về đơn vị.

Tiếp nhận người với Trạm quân y xong, bây giờ Cương mới có thời gian ngắm bệnh nhân của mình. Đó là một cô gái, người thẳng như “cột điện”, khó khăn trong việc đoán tuổi. Chắc hẳn, cô không dưới hai mươi, nhưng nếu đoán ba mươi, bốn mươi cũng được. Bởi trên khuôn mặt, ẩn chứa đầy bệnh tật, da dẻ khô héo, xanh xao. Chỉ nhìn thoáng qua, cũng đã nổi da gà. Tóc cô gái rụng gần hết, sót lại một túm nhỏ lơ thơ vàng ệch, buộc sau gáy, như chiếc đuôi bò vào kỳ thay lông. Đôi lông mày nhẵn thín mù mờ, nước da tái trên khuôn mặt già dặn, góc cạnh đến lạ lùng. Bộ quần áo cô đang mặc, là trang phục nữ TNXP đã sờn, bạc thếch. Có lẽ đây là bộ trang phục đẹp nhất của cô, bởi ai đi xa, cũng muốn chọn cho mình một bộ cánh, nếu không được đẹp lắm, chí ít, cũng phải tươm tất một chút. Muốn đấy, nhưng làm sao lúc này mà có?

Đã đi được mấy con dốc, chưa ai nói với ai lời nào. Cô gái muốn bắt chuyện với với Cương, nhưng bằng cách nào? Có lẽ phải vượt qua sự e ngại, và gạt bỏ bề ngoài xấu xí của mình, liệu có thể nói chuyện được với anh ta? Cô cũng thừa biết, lần đầu gặp nhau ở trạm quân y, dù chưa nói gì, nhưng đã biết ánh mắt anh ta nhìn mình như thế nào rồi? Thôi kệ, đó là quyền của anh ta. Nhưng, một khi đi trên đất của mình, đương nhiên mình là chủ. Chỉ cần đi nhanh một chút, lẩn sau mấy phiến đá kia, lập tức anh ta sẽ bị lạc ngay giữa rừng. Lúc ấy, đừng có nhìn mình, với con mắt ngạo mạn nữa nhé! Nhưng, có nên đẩy anh ta vào khó khăn một mình giữa rừng vắng? Trong khi, thủ trưởng giao cho mình, phải đưa anh ta về đơn vị kia mà. Nghĩ vậy thôi, nhưng cô vẫn thấy ngại quá vì anh ta khá đẹp trai, đôi mắt kia có vẻ rất phong trần?… Còn nữa, trên đường về đơn vị, không may mình phát bệnh, nếu không có anh ta, mình sẽ sao đây? Thôi mình cứ liều, thử một chút không sao. Thế rồi, cô đi sát vào anh, cho ra một tràng thổ ngữ:

Mô rú, mô khe mô nỏ chộ

Mô rào, mô bể chộ mô mồ.

Cương giật mình, hét lên:

- Cô bảo tôi cái gì mà chộ mô mồ.

- Không em có bảo gì anh đâu, anh nghe thế nào ấy chứ. Em nói mô nỏ chộ cơ mà”.

- Vâng, thế thì chộ mô mồ với mô nỏ chộ nó là con gì, là cái gì? Nói mau !

Cô gái cất tiếng cười, giọng Hà Tĩnh trong veo. Một tiếng cười tươi mới, non trẻ, phát ra từ một thân hình ốm yếu bệnh tật. Cô liếc sang chàng trai, mắt sắc như dao, đủng đỉnh nói:

  • Các anh ngoài Bắc, đọc câu thơ Đâu núi, đâu khe sao không thấy /Đâu sông, đâu biển, thấy đâu nào?, có lẽ đọc câu thơ ấy, nhiều người hiểu,vì đó là tiếng phổ thông. Còn thổ ngữ Hà Tĩnh chúng em đọc là: Mô rú, mô khe, mô nỏ chộ/Mô rào, mô bể chộ mô mồ. Đấy, anh thấy tiếng quê em, có ngộ không?

Cương cười phá lên:

- Thế mà anh tưởng con gì?

- Anh cho là con gì nào?

Cương nhìn cô gái thấy đôi mắt long lanh, nhưng rất thân thiện, nói nhanh: “Con mắt”. Cô gái ngượng nghịu, biết anh ta nói về mình, tảng lờ. Bây giờ, hai người không còn sự dè dặt với nhau nữa, Cương thấy hào hứng, và cũng muốn bắt chuyện:

- Thế em còn câu gì hay hay đọc cho anh nghe.

Cô gái trả lời:

- Vâng, em đọc một câu, anh lái ngược lại câu
ấy nhé.

- Được, được. - Cương hào hứng đồng ý.

- Vậy thì em đọc đây:

- Yêu nhiều thì ốm. Anh đọc lái đi xem nào?

Cương ấp úng đỏ mặt. Cô gái đỡ lời:

- Ôm nhiều thì yếu!. Đúng không? Tiếp câu nữa anh nhé: Người cười không bao giờ tính.

Lần này Cương lúng túng thật sự. Cô gái thấy thương thương lạ, liền gỡ cho:

- Thôi, em đọc tiếp hộ anh nhé: Người tình không bao giờ cưới", thế là anh thua rồi nhé?

Chiếc ba lô toòng teng sau lưng, chắc không có đồ đạc gì nhiều, nhẹ tênh là vậy. Nhưng mỗi lần lên dốc, cô gái ôm lấy ngực, dường như rất khó thở. Cương thấy ái ngại, sang vai chiếc ba lô cho cô mà giật mình. Đời thường, cũng như trong mơ, Cương chưa bao giờ ngờ tới mình đang sóng đôi trong rừng với một người phụ nữ, nhưng không phải hình hài đàn bà. Miệng đắng, nhưng tim lại dội lên niềm thương cảm con người trong hoạn nạn, Cương nhẹ nhàng bảo cô gái:

- Ta nghỉ một chút thôi em.

- Dạ, vâng ạ!

Tiếng “vâng ạ” ngọt ngào đậm chất Hà Tĩnh. Té ra, cô gái mất đi nhiều thứ, nhưng tiếng nói trong trẻo vẫn còn nguyên bản sắc. Cương nghĩ, tiếng thưa ngọt ngào ấy, có lẽ chỉ dành riêng cho mình, ít ra vào lúc này? Cương thấy có chút cảm tình với cô. Cương bảo đi loanh quanh kiếm chút trái cây ăn cho đỡ khát. Lúc trở về, thấy cô gái nằm trên vạt cỏ xanh, chân tay co quắp, mắt trắng dã, miệng tứa ra một ít nước giãi. Theo lời dặn của Vinh, Cương không quá ngạc nhiên, biết ngay cô gái đang lên cơn động kinh.

Ném vội mấy chùm dâu da đất sang bên, Cương thoăn thoắt cởi áo của mình. Nhưng hết sức bối rối khi mở hàng cúc của cô gái, rồi phanh vạt áo ra. Còn quần của cô có nên cởi? Cương thoáng chút do dự. Giữa cánh rừng vắng vẻ, nếu có người đi qua nhìn thấy, tưởng mình đang làm chuyện bậy bạ, không biết phân bua với họ thế nào? Cương tặc lưỡi, bỏ qua.

Cương nằm đè lên người, hai tay lồng dưới cổ ôm chặt lấy cơ thể, tựa như truyền năng lượng của mình vào người cô. Tuy đang cơn co giật, nhưng cô vẫn ý thức được điều gì đang xảy ra với mình, dù không phải là lúc tỉnh táo nhất. Một lúc sau cô đã tỉnh lại, nhưng không vội ngồi lên, muốn kéo dài chút “ân ái” vừa qua. Cương bối rối cài cúc áo lại cho cô. Khi cả hai đã bình tâm trở lại, cô gái dạn dĩ, rồi kể:

- Em tên là Phương Loan đang học cấp III lớp cuối, nghe tin TNXP lấy quân, em bỏ học, viết đơn xin đi đợt đầu tiên. Quê em ở ngã ba Lạc Thiện, tưởng gần dặn bảo đảm giao thông dưới Đồng Lộc, ai dè đi mãi vào tuyến trong, được biên chế Đội 23 TNXP Hà Tĩnh, mở đường 20. Thực ra đơn vị em không làm đường, chuyên lo vận chuyển lương thực, thực phẩm, dụng cụ, cuốc xẻng, thuốc nổ cho các đơn vị, đã cắm rải rác trên tuyến. Đi bộ theo đường mòn, hoặc nơi chưa có đường mòn, phải tự mở lối mà đi. Mỗi chuyến gùi thồ như vậy, cũng hết hàng tuần lễ cả đi lẫn về. Được cái, đến đâu cũng gặp người nhà mình, vui lắm, quên hết mệt nhọc. Có một lần đơn vị em gùi hàng vượt qua ngầm Ta Lê, giao hàng cho các đơn vị thi công xong. Lúc về, nước ngầm lên to quá, chờ đến mấy ngày vẫn không qua được. Cấp trên quyết định chúng em ở lại, gia nhập đơn vị mới, làm đường 128 trên đất Lào.

Anh cũng chẳng lạ gì cảnh gian nan, căng thẳng, chết chóc, luôn rập rình quanh ta suốt ngày đêm. Đã thế, việc ăn ở thuốc men, lương thực thực phẩm, có lúc khan hiếm, gần như tuyệt vọng. Nói đi mở đường,nhưng đường cứ tắc, trách ai đây? Không có ăn, không thuốc men, ốm đau bệnh tật, chẳng lẽ trách trời? Chúng em chỉ biết động viên nhau, ôm nhau vật vã. Nước mắt trời, nước mắt người, hòa trộn chẳng biết ai nhiều hơn ai?

Còn một nỗi khổ trần ai nữa, là cái mặc. Khi gia nhập TNXP, chúng em được cấp hai bộ trang phục nữ. Bạn nào có quần đen, áo cánh mang theo, phòng khi những ngày đến tháng của phụ nữ. Hậu cần cấp thêm khoản quần áo nhỏ, vài ba mét vải sô làm đồ lót… Nhưng khi sang bên này rồi, những bộ quần áo tưởng chừng thông thường ấy, trở thành món đồ xa xỉ, tìm kiếm trong mơ cũng không thấy. Rồi đằng đẵng sáu tháng nắng, sáu tháng mưa, quần áo cũng không còn để mặc. Quần dài cắt thành quần đùi, lấy chỗ vải thừa vá vào chỗ rách, chỗ nát. Quần áo vá dày lên, thường hay bị ẩm mốc, phơi ba, bốn ngày vẫn ướt như vừa mới giặt. Nam, nữ ăn mặc đều giống nhau. Ban ngày chúng em cởi truồng, đắp chăn để tiết kiệm quần áo. Ba giờ chiều dậy ăn uống rồi chuẩn bị ra mặt đường. Những bạn mắt chưa bị “quáng gà” dẫn đường đi trước, chúng em túm áo, vai vác cuốc, xẻng, rồng rắn nối đuôi nhau. Đó là bệnh “thông manh” đấy anh ạ.

Hơn một năm nay, chúng em vô cảm về giới tính của mình. Khi ra đi, tuổi xuân hơ hớ, ngực căng tròn, vú nhô cao xinh đẹp. Là con gái, không ai không tự hào khi trời ban cho vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ. Không dám phơi ra để khoe khoang, nhưng cũng muốn cho ai đó vô tình dòm vào. Bây giờ vú vê, chẳng còn gì sất. Giá như cấp trên lại cấp cho đồ nội y, có lẽ chẳng ai dám dùng. Nếu mặc vào, khác gì chiếc phao bơi, quẫy đạp gì trong đó cũng không đến được bến bờ. Bây giờ, chúng em không quan tâm đến thứ đồ lót, khăn sô phụ nữ nữa, mọi người quên hết chuyện ấy cả rồi, tất cả chị em lâu nay không còn kinh nguyệt.

Trời dai dẳng mưa hết mùa. Đường sụt lở, xe vận chuyển ngừng hoạt động, chúng em chuyển sang học chính trị, học văn hóa. Hát hò inh ỏi làm vui. Lấy tiếng hát, át tiếng bom, vơi nỗi buồn. Chán rồi, bắt đầu “thoát y vũ” trùm kín chăn, chẳng còn ai thấy xấu hổ nữa. Các bạn nam cũng quen dần, và không còn cách nào khác hòa đồng với chúng em, miễn sao che kín phần dưới là được.

Còn nữa, anh biết không? Nụ cười ai mà chẳng muốn. Người ta có vui, có hạnh phúc mới có được nụ cười. Nhưng với chúng em, cười là một căn bệnh lây lan khủng khiếp. Anh có hình dung được cả trăm con người, bỗng dưng rú lên cười, cười rũ rượi, cười như điên, như dại, cười phát ho phát hen, cười chảy nước mắt, cười đến co thắt, đau cả bụng… đó là dịch cười, thảm họa đấy anh ạ. Nhiều đoàn y tế vào thăm chúng em, xác định đó là bệnh lây cười. Nhưng điều kỳ lạ, ngoài mặt đường chúng em làm việc cần cù, dũng cảm hơn ai hết.

Ngoài những bệnh tật do môi trường, thời tiết, cuộc sống kham khổ, thiếu thốn đủ điều, gây ra mà em đã kể cho anh nghe. Còn một chứng bệnh khác của phụ nữ. Đó là căn bệnh Ét tơ ri. Người ta không muốn dịch thuật từ ngữ này ra tiếng Việt, mà gọi thế là để cho dễ khỏa lấp cội nguồn bệnh tật, nghe văn minh một chút. Nhưng thật ra, đích thực đó là Bệnh đàn bà thiếu đàn ông (hystenria).

Về căn nguyên bệnh, anh thừa biết rồi đấy. Chung qui do cuộc chiến tranh sống còn này. Nhiều gian khổ không tưởng tượng nổi. Sức chịu đựng của con người là quá giới hạn, ăn uống kham khổ, thiếu thốn tình cảm, ốm đau, bom đạn và ức chế sinh lý nữ mà sinh ra. Nếu không có chiến tranh, chúng em đã có người yêu, sinh con đẻ cái như bao người đàn bà khác, chứ đâu xảy ra nông nỗi này?

Phương Loan kể với giọng xúc động nghẹn ngào. Cô khóc, nhưng không có khăn tay lau, chỉ dùng cùi tay áo quệt đi, quệt lại mà nước mắt vẫn không ngừng chảy. Trái tim Cương thổn thức, trước một tình cảm mới lạ. Anh biết dỗ dành an ủi lúc này, chỉ làm cô tủi thân và không chừng lại phát bệnh thêm lần nữa. Anh đi gần bên cô, nhẹ nhàng hỏi:

- Tại sao Phương Loan về được bên này?

- Anh ạ, sau khi thông Đường 128 nối thông Đường 20, cấp trên cho chúng em về nước. Đơn vị em được điều chuyển về Đường 12 phụ trách trọng điểm quan trong Khe Ve - Đức Trọng này. Trước đây, chúng em vào chiến trường, phải đi bộ hàng tháng trời. Bây giờ lần đầu tiên, được đi ô tô, dù là ô tô chở hàng, chúng em vẫn thích. Mấy lần máy bay xua đuổi, chúng em vẫn reo hò, cười nói ầm ĩ, dù cái chết vẫn treo lơ lửng trên đầu. Thiếu đói, gian khổ đâu đã lùi xa?

Loan cười. Đây là lần đầu tiên Cương thấy Loan cười. Cương tự hỏi nụ cười này, chẳng giống với ai. Vừa méo mó, vừa úa tàn, thoáng cái lại tươi như hoa mới nở! Đó là nụ cười rất lạ, và lập tức hằn sâu vào tim anh. Loan kể:

- Thật buồn anh ạ, chúng em đi một đoàn dài về nước, ai nhìn thấy cũng đau lòng. Không phải trong trại tù ra. Không phải bầy đàn du cư thời nguyên thủy, ăn lông ở lỗ. Càng không phải Đoàn TNXP tưng bừng năm xưa vào chiến trường. Nó là cái gì đó, không thể tả nổi, chỉ nước mắt làm mờ đi, nhưng không xóa nổi hình hài một đoàn quân không bại trận, mà trở về tả tơi như bại trận…

Suốt chặng đường về C14, Cương chăm chú lắng nghe Loan kể, không nói một lời. Có lẽ trong đầu Cương, bao ý nghĩ lộn xộn đang dội về. Nhưng trước hết, Cương nhìn Loan với con mắt khác hẳn, cảm phục cô gái này. Cô có tri thức, có văn hóa, biết nhận diện bộ mặt thật cuộc chiến khốc liệt này. Cô đã chiến thắng chính mình, chiến thắng bệnh tật. Biết trân trọng cuộc sống và dám hi sinh thân mình.

Chiều tối, hai người về đến đơn vị. Trong căn hầm nửa nổi, nửa chìm của chỉ huy đơn vị, Cương cảm thấy thoải mái. Những ấn tượng về Loan cứ chập chờn, rồi lui dần vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong bóng đêm mờ mờ, có một người đang dò dẫm từng bước một. Không biết vì sự ngượng ngập hay sợ người khách tỉnh giấc, mà người ấy không tiến thêm nhưng cũng không muốn lùi lại. Đây là căn hầm của chỉ huy, đương nhiên người đột nhập vào hầm cũng biết người đang ngủ trong hầm là ai?  

Hình như, trưa nay Loan cảm nhận được “hơi hướng” của người đàn ông, điều xưa nay chưa từng xảy ra với cô bao giờ. Việc Cương ôm cô lúc đang lên cơn động kinh, đã khơi dậy trong cô một sức sống mới. Có lẽ đây là liệu pháp thần kỳ giúp cô lành bệnh, cô hy vọng về điều đó chăng? Còn đêm nay, bỏ qua sự ngại ngần, cô đến sát giường, nơi Cương đang ngủ? Cô không muốn làm Cương thức giấc. Cô sẽ sàng ngả mình bên cạnh, và cứ thế đêm trôi đi bồng bềnh, hạnh phúc. Bất chợt Cương tỉnh ngủ, biết có người nằm cạnh. Nhưng người đó là ai? Một thoáng, Cương nghĩ đây là cô gái hồi chiều. Anh thận trọng đưa tay vuốt nhẹ mái tóc cô và nhận ra Loan.

- Loan phải không?

- Vâng ạ!

- Sao em lại ra đây? - Cương lựa lời - Anh thực sự quí mến em, nhưng không phải lúc này. Nếu em lại lên cơn, thì anh không ngần ngại. Còn chuyện này, chuyện khác, anh nghĩ bây giờ có nên không? - Cương khéo léo từ chối.

- Vâng, em cũng nghĩ thế, xin anh đừng nghĩ sai lệch về em. Em không dám lấy cớ bệnh tật để biện minh cho hành động của mình đâu. Thôi, em về lán đây, chúc anh ngủ ngon.

Sáng hôm sau, Cương xuống bếp ăn, nhân thể xem chiến sĩ ăn uống thế nào. Qua mấy đoạn dốc nhỏ, nhà ăn của đại đội hiện ra bên mép suối tiện cho việc sinh hoạt. Bỗng, có một phụ nữ đang lội dưới suối, vừa đi vừa hú hét, lấy thau chậu tát nước như mưa. Trên người không có chút quần áo nào hết.

Các đội viên TNXP vừa đi làm về, chuẩn bị ăn bữa sáng. Thấy cảnh tượng bạn mình đang lên cơn động kinh, nhốn nháo cả lên. Họ nhìn về mấy cậu thanh niên trẻ, nhưng không mấy hi vọng về các bạn ấy. Vừa hay Cương xuất hiện, mọi người đồng thanh hô:

  • Thủ trưởng cứu chị Loan đi, thủ trưởng cứu chị Loan đi!”

Cương vội vàng xuống suối, dìu Loan về nhà hầm chỉ huy đại đội.

Loan bắt đầu lên cơn co giật. Bệnh Ét tơ ri lại xâm nhập vào cô. Vài động tác như hôm qua, Cương không còn ngượng ngập nữa, nằm đè lên Loan khi cô không còn quần áo…

Đêm nằm suy nghĩ về bệnh tình của Loan, Cương thấy bứt rứt khó hiểu. Không lẽ thầy thuốc bó tay, hay họ nghĩ một chút bệnh đàn bà, có gì đáng quan tâm? Cùng lắm đàn ông ấp lên thân thể đàn bà là chữa được bệnh, chẳng cần phải thuốc thang làm gì cho nhiễu sự? Vậy, không biết ai lo lắng chữa trị cho họ đây? Cương chợt nghĩ, hay là đêm qua Loan không được giải tỏa tâm lý, để rồi sáng nay cô phát bệnh? Cương thấy mình có lỗi, và muốn làm điều gì đó, để san sẻ nỗi đau của cô?

Ngày từ Tây Bắc vào Trường Sơn, Cương vẫn nay đây, mai đó của người cán bộ giao thông. Đồng nghĩa hàng ngày tiếp xúc với nhiều công nhân, thanh niên xung phong, nhưng đa phần là phụ nữ, Cương quen biết không ít phụ nữ. Cương tham gia mở Đường 20 Quyết Thắng, ở đó có giai thoại “cùng hợp, không can chi mô” mà ngày đầu mới đến, Cương không biết họ nói về điều gì.

 Một hôm, đi công tác xuống đơn vị TNXP, đêm đã quá khuya, Cương ghé vào hầm chữ A, làm một giấc ngon lành. Đang ngủ, Cương vô tình chạm tay vào người nằm bên, thấy thân thể mềm mại, ấm áp, và rất đàn bà. Vậy là cô gái đi làm đêm về, vào hầm là ngủ luôn. Cương ngồi dậy tháo lui, nhưng cô gái đã tỉnh ngủ, vít Cương nằm xuống. Cùng lúc thân thể cô ập lên người Cương. Hằng ngày, giọng con gái Hà Tĩnh trong trẻo đến xiêu lòng là vậy, bây giờ giọng ngọt ngào ấy, Cương không sao thoát khỏi bộ ngực trần đã được cởi cúc sẵn. Cô nói nghe như hát:

- Anh ơi “cùng hợp, không can chi mô! ”.

Cương chìm trong cảm xúc đê mê. Cô gái như con sư tử đói, xâu xé miếng mồi không thương tiếc. Cương không chống nổi cơn bão táp, bởi cô gái tấn công anh bằng hiến dâng, và chiếm đoạt. Qua lần ấy, Cương mới hiểu câu nói đầy ẩn ý “cùng hợp…” của chị em như lời mời đi đến tận cùng, thẳng thắn đến chân tình trong thời bom đạn, sợ cái chết đến với mình lúc nào không hay.

Bơi chải trong công việc, đã có lần Cương sa lưới cuộc tình tay ba, tay tư “cắc cớ” trong hầm chữ A, gần bến phà Long Đại, cùng một lúc với ba người đàn bà. Ai cũng muốn dành cho mình một chút tình chốc lát, vì họ sợ bất thần ra đi, mà chưa được đụng chạm vào cơ thể đàn ông. Chuyện xảy ra thật oái oăm, thật khó xử. Cuộc sống tắm mưa, gội đạn, làm cho họ mất mát, thua thiệt quá nhiều. Một chút tình trao nhau vội vàng lại khó khăn, nghiệt ngã đến vậy sao? Cương trân trọng họ, mà không dám cùng họ đi tới tận cùng. Nào Cương đâu dám chê, dám trách họ là người dễ dãi, lẳng lơ! Có lâm vào hoàn cảnh chiến tranh, mới hiểu được phần nào về thân phận người phụ nữ. Thật sự, Cương thấy thương họ, thương mình, muốn hiến dâng nhưng nào có được!

 Cứ như thế, cuộc tình của Cương nối dài mãi. Có lúc là mối trăng hoa chốc lát, nhưng cũng có lần mùi mẫm đắm say. Sau chuyến đi này, Cương lại về cơ quan. Một mối tình cháy bỏng đang chờ đợi, nhưng có phải là tình yêu đích thực, hay chỉ là cảm xúc xác thịt giữa đàn ông với đàn bà?

Cương thở dài ngao ngán. Bất chợt nghĩ tới Loan, một cô gái còn trẻ, nhưng vì chiến tranh, mà không được đắm mình trong tình yêu, để rồi mang hết bệnh này, tật kia… Cương muốn được gần gặn với cô để chia sẻ, giảm bớt nỗi đau về tinh thần, và thể xác. Ít ra, cũng phải làm gì, để cô khỏe mạnh, lấy lại được vẻ đẹp, hồn nhiên của người con gái. Thậm chí, chiến tranh kết thúc, nếu được gặp lại, đây có phải là tình yêu đích thực, mà mình đang tìm kiếm? Cương thấy ân hận, vì đêm qua, Loan đã đến với mình như một con bệnh, chứ đâu phải chuyện này, chuyện nọ để rồi sáng nay cô phát cơn động kinh.

 Dòng suy nghĩ bị cắt ngang, bởi một bóng người khoác tấm dù pháo sáng đổ ập lên người Cương.

- Loan, Loan phải không?

- Vâng, em đây. Anh hãy cứu em đi, anh làm một điều gì đó, để xua tan căn bệnh quái ác của em, giúp em đi!

Giọng cô run run, lịm dần trong hy vọng. Một tình cảm yêu thương trỗi dậy, trào dâng trong Cương. Anh ôm chặt Loan, khi cô không mặc chút quần áo nào, thủ thỉ với cô: “Anh sẽ gắng sức, đẩy lùi bệnh tật cho em”!

Thế là, họ quấn vào nhau. Hai tay Cương xoa nhẹ trên vùng ngực, từ từ di chuyển xuống vùng thấp, rồi mơn man miết nhẹ cơ thể cô. Loan thở dốc, hai đầu vú săn se rồi chẳng mấy chốc vươn lên, chờ đợi… Cương cảm nhận được thân thể đàn bà, dưới anh đang ấm dần lên, săn chắc. Sức mạnh thể chất, và tâm lý của cô dần dà  được hồi phục…

Ba ngày sau,Vinh về đơn vị. Vinh hỏi Cương:

- Mấy hôm nay, cô Loan có phát bệnh không?

- Có anh ạ, chỉ hai lần thôi, em làm theo điều anh dặn. Nhưng đêm qua quá đà, em đã ngủ với Loan. Anh có tha lỗi cho em không?

Vinh bật cười ha hả, mắt sáng long lanh, vỗ vào vai Cương đồm độp:

- Tốt lắm, làm tốt lắm. Em đúng là một bác sỹ đông y giỏi!

- Anh khen mỉa em làm gì? Em đâu biết nghề thuốc, anh nói xa xôi làm sao em hiểu?

- Này nhé, căn bệnh của chị em, như Loan, chỉ có thể chữa khỏi theo cách, mà chú đã làm. Chú thực hành đúng, nhưng có lẽ chưa hiểu y lý. Anh nói chú nghe hồi đầu năm, có việc ra Bệnh viện Quân khu, gặp mấy tay bác sỹ, họ tếu táo đúc kết một bài thuốc chữa chứng bệnh này cho chị em. Nghe thì có vẻ tiếu lâm, dung tục, nhưng thực tế hoàn toàn đúng. Chú muốn học, anh dạy?

- Thì anh truyền giáo đi!

- Dạy truyền khẩu nhá. Có mấy từ Hán Việt, chú là thằng thông minh, có học nên cũng không khó hiểu, khó nhớ. Quy trình bắt mạch, kê đơn, dùng toa thuốc gói gọn trong hai câu nôm na: “Bế khí tam niên sinh chứng bệnh. Kiệt thanh năng hai nắm, củ tròn thì mài, củ dài thì ngậm”. Hiểu và nhớ chưa?

- Em chẳng hiểu thì làm sao mà nhớ.

- Chú đúng là dân xứ Bắc chẳng biết nói lái như dân miền Trung. “Kiệt thanh năng” nói lái là cái “C... thanh niên”, hiểu chưa. Vị thuốc này cho mài, cho ngậm là thôi ngay bệnh, đúng không?

Hiểu ra, Cương cười lớn đến nỗi mặt đỏ như gấc. Giọng Vinh rầu rầu:

- Đơn vị anh nhiều phụ nữ, bệnh này lây lan rất nhanh. Có lần anh đang ôm ấp cứu một cô, nhưng bỗng nhiên một cô khác lại lên cơn. Anh lại phải chạy sang… Mình là thủ trưởng đơn vị, có trách nhiệm với sinh mệnh chiến sĩ, buộc phải cứu đồng đội, cứu mình. Loan là cô gái mắc bệnh này nặng nhất, tần suất lên cơn rất nhiều, có ngày lên hai cơn. Rõ tội, nếu không dính bệnh này chắc Loan là cô gái xinh đẹp. Loan kiên cường, thủy chung với đồng đội nên vẫn bám trụ với đơn vị. Mấy lần cho về tuyến sau, cô đâu có chịu đi. Hành vi ôm ấp này, anh không lợi dụng, không đi quá giới hạn, được công khai nên chị em hoan nghênh, cánh nam giới đồng tình.

Cương chia sẻ chân thành:

- Hình như sau tối qua, em cảm nhận được Loan nhanh chóng bình phục, bệnh tật có lẽ được đẩy lùi.

Vinh tươi tỉnh:

- Cám ơn Cương đã làm tốt công việc khó xử này. Anh tin Loan sẽ khỏe. Hay là, Cương ở lại thêm một đêm?

 

                                                              7-2017

anh_cua_trung_nguyen_11

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)