bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 101
Trong tuần: 907
Lượt truy cập: 797520

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN ĐÌNH GẤM

HAI ANH EM

Truyện ngắn của Nguyễn Đình Gấm

Tiếng xe máy rít về đêm làm cho ông Tâm không sao chợp mắt được.
Gần sáng thiếp đi một lát lại mơ mộng liên miên. Tối qua hóng mát bên đầm
sen mà lòng ông chẳng được bình an. Hương sen thơm mát thoảng trong gió
đã bị mùi xăng, mùi khói xe khét lẹt lấn át hết. Bóng trăng sáng vẻ tinh quái
như đồng lõa với ánh đèn điện vàng khè, tạo nên thứ ánh sáng nhạt nhòa
loang lổ trong những bụi tre còn sót lại bên đường bê tông gây nên một phản
cảm khó tả.
Ông nằm nghĩ miên man. Không còn tiếng gà gáy sáng. Chỉ nghe tiếng
rồ xe máy của mấy tay đi chợ tỉnh sớm, tiếng gầm rít của xe công nông chở
cát gạch, tiếng lợn kêu eng éc bị chọc tiết của cánh thợ thịt sớm để kịp đưa
tim cật, xương sườn về bán cho thành phố mỗi buổi sáng. Ngày trước đâu có
thế. Giờ này gà còn gáy râm ran khắp xóm, nằm ổ rơm không có chăn mùa
đông rét cắt da cắt thịt, ông mò dậy hút thuốc lào, ăn mấy con củ luộc rồi đi
cày sớm.
Cuộc sống thay đổi nhanh quá. Nỗi bực tức như vẫn nghẹn thành một
cục nơi cổ họng. Hôm qua ngày bảo thọ của bố ông mà chú em đã làm mất
mặt với họ hàng, xóm giềng. Nó cứ làm ngược ý ông, nó lại khinh khó ông…
Hai anh em sinh đôi. Giờ tý, tháng sửu năm Tân hợi ông cất tiếng khóc
oe oe... Hơn một giờ sau, giờ sửu em trai ông mới ra, những tưởng nó chết ngạt
ai ngờ mới tọt ra đã khóc oang oang, chân đạp tứ tung. Bố ông là lão nông có
học được tý chữ, đặt tên cho anh ra trước là Tâm, em ra sau là Đức, trong nhà
quen mồm gọi là “Tâm anh”, “Tâm em”. Hai anh em bề ngoài giống nhau như
hai giọt nước, trông khó mà phân biệt đâu là anh đâu là em, bà mẹ phải đeo vào
hai anh em mỗi đứa cái vòng bạc, chỉ khác là thằng em cái vòng bạc lại buộc
thêm nơ đỏ để khỏi nhầm lẫn. Nhưng có điều lạ là tính nết thì hai anh em khác
nhau như nước với lửa: Tâm thì trầm, ít nói còn Đức thì suốt ngày chạy nhảy,

hay nói hay cười. Khi đi chăn châu, có đám trẻ đánh nhau, Tâm anh lủi đi thì
Tâm em sấn tới, tham gia đánh hội đồng. Nó không sợ bất cứ đứa nào dù to lớn
hơn nó, nhiều tuổi hơn nó. Có lần nó húc đầu vào bụng thằng Vỹ kều, cắn nát
ngón tay thằng Vọng mập…từ đó ngay cả những đứa to lớn hơn, nhiều tuổi
hơn nó cũng phải kiêng nể. Ôi, cái thời mục đồng, chăn trâu cắt cỏ, đã đói lại
rét. Cả bọn mò cua, bắt cá lên nướng ăn ở gồi Chuôm giữa đồng Chùn nước
nổi, mỗi đứa lại kè kè một ống bơ phân bò khô, gió thổi vù vù thỉnh thoảng ống
bơ lại đỏ rực rên, vừa thích thú vừa thấy ấm áp biết bao.
Xưa kia, nhà ông thành phần trung nông, gia cảnh cũng thuộc diện tàng
tàng trong làng Ngọ. Bố ông cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cuối
đời cũng làm được năm gian nhà ngói, có sân gạch, bể nước, có tủ chè,
giường rẻ quạt. Tháng ba giáp hạt, có đận hơn nửa làng hết gạo, thiếu ăn đứt
bữa nhà ông vẫn còn thóc, có cơm độn ngô, độn sắn cho con cái ăn. Lớn lên,
Tâm là thợ cày giỏi nối nghiệp cha, còn Đức đi bộ đội, tòng quân đánh giặc.
Biền biệt suốt gần chục năm trời, khi đất nước thống nhất mới về mang theo
cả bệnh sốt rét Trường Sơn và mảnh đạn vẫn còn ở bắp đùi, da lúc nào cũng
tai tái, môi thâm sì, chỉ còn ánh mắt sáng, hàm răng trắng lóa vẫn hay
cười.Ông Tâm là một nông dân thực thụ, hay lảm hay làm, chịu thương chịu
khó, suốt ngày suốt tháng quần quật cày ruộng, cấy lúa, trồng màu. Rồi lại
chăn lợn, nuôi gà, thả vịt quanh năm, suốt ngày không lúc nào ngơi mà cuộc
sống gia đình vẫn lam lũ, khó khăn.Hai thằng con trai Trí, Tuệ được cái mạnh
khỏe suốt ngày lặn hụp ở ao, ở đầm làng, giỏi chăn trâu cắt cỏ, bắt cua bắt cá,
chứ học thì dốt, cứ hai năm một lớp. Rồi thằng Trí lấy vợ, hai vợ chồng đang
ở chung với bố, nó là tay cày chính thay cho ông được rồi. Thằng Tuệ đang
làm ở nhà máy may xuất khẩu, cũng nhờ chú Đức xin cho mới được.
Sau chiến tranh, Đức về quê lấy vợ. Đức cần cù chịu khó thì chẳng
khác gì ông anh nhưng cách nghĩ cách làm thì trái ngược hoàn toàn. Đức luôn
có những ý tưởng lạ lùng, làm những điều trái khoáy khác lạ với mọi người

trong làng. Sau khi cưới vợ, anh ta đi biệt tăm biệt tích gần một năm trời,
người nói rằng anh ta thăm đồng đội cũ, người nói rằng anh ta thăm chiến
trường xưa. Đức chỉ cười, không thèm quan tâm đến những đồn đại, lời ong
tiếng ve ở trong làng Ngọ. Về làng lại thấy anh ta lao vào làm quần quật từ
sáng đến tối, nào đào ao thả cá, nuôi ba ba; nào trồng hoa, chăm sóc cây cảnh.
Khi có đường liên huyện chạy qua khu nhà máy may xuất khẩu mọc lên, anh
ta là người đầu tiên ra mua đất làm nhà ở phố Ngọ. Rồi anh ta mở cửa hàng
kinh doanh tổng hợp bắt đầu từ quán ăn lòng lợn tiết canh, nước giải khát,
làm kem. Cây xăng ở phố Ngọ của Đức cũng là cây xăng đầu tiên ở cái vùng
hạ huyện này. Phố Ngọ nhờ có anh ta mà mọi người đua nhau làm ăn, bộ mặt
ngày càng thay đổi. Người thì khen anh, kẻ thì chê anh; người ân kẻ oán mà
chẳng biết tại sao. Đang lên, đang phất thì đùng một cái Đức phải đi tù. Chỉ vì
anh làm đơn tố cáo chính quyền thôn, xã không lo cho dân, chỉ suốt ngày
rượu chè, cờ bạc, bán đất ăn chơi. Trưởng công an xã triệu tập anh ta vì cái tội
vu khống, gây mất ổn định chính trị ở địa phương. Không chịu được anh thoi
cho hắn mấy quả vào bụng. Theo gia phả, vai vế nó phải gọi anh là ông trẻ.
Không ngờ hắn ngã ra ngất xỉu, phải đưa lên bệnh viện huyện khám, họ kết
luận anh đánh rập gan, chảy máu ổ bụng… Rồi công an huyện vào cuộc vì
anh chống người thi hành công vụ, dùng võ thuật đánh người gây thương tích.
Ông trẻ tức lắm phải tra tay vào còng, vẫn lầm bầm: “tao mà dùng võ đặc
công thì mày xong đời rồi, đồ mất dạy”. Dân làng ngơ ngác, bà con khóc lóc
thương Đức là người tốt chuyên giúp đỡ người nghèo, kẻ yếu trong làng. Bạn
bè, đồng đội cũ, cựu chiến binh khiếu nại chạy vạy cho anh từ địa phương đến
trung ương mà chẳng ăn thua gì. Sau này mới biết tay Trưởng công an bị sơ
gan cổ trướng từ lâu rồi, hắn đã chết khi Đức còn ở trong tù.
Sau ba năm mãn hạn tù, Đức về làng lại lao vào làm ăn không một lời
thanh minh. Bây giờ Đức ít nói, ít cười hơn. Dân làng càng yêu mến anh, lứa
cán bộ thôn xã hầu hết là mới rất tôn trọng và nể phục anh, cái gì cũng hỏi xin

ý kiến, tư vấn, lời khuyên chỉ bảo của anh. Đúng lúc địa phương có chủ
trương dồn điền đổi thửa, anh nhận thầu 5 héc ta đào mương, xây cống,
khoanh vùng trồng cây, thả cá, nuôi ba ba. Chỉ 5 năm trời Đức đã trở thành
ông chủ trang trại lớn, điển hình cựu chiến binh làm giàu của huyện, của tỉnh.
Truyền hình đưa tin, nhà báo phỏng vấn…rồi cả huyện cả tỉnh ai cũng biết
“ông Đức cựu chiến binh”, “ông Đức tỷ phú làng Ngọ".
Làng Ngọ thay đổi từng ngày. Một làng thuần nông yên ả nay ồn ào khác
lạ, nhà đúc 3-4 tầng đua nhau mọc lên trên những ngọn tre, bên cạnh những cây
mít, cây sấu cổ thụ xum xuê. Xe máy nhiều hơn, làng có đến hàng trăm xe, có
nhà ba chiếc xe máy. Mới mẻ và lộn xộn nhất là phố Ngọ: nào chữa xe đạp, xe
máy, nào bán thịt bán rau, quần áo vải vóc, hàng ăn, bia bọt, làm đầu, cho thuê
áo cưới, quán karaoke…suốt ngày tiếng xe máy, xe công nông gầm rú, inh tai
nhức óc. Khu nhà máy may xuất khẩu chiếm tới mấy héc ta ruộng ngay đầu
làng, suốt ngày tấp nập người và xe. Thỉnh thoảng xuất hiện những ô tô đen
bóng, cả người nước ngoài nữa, chỉ tay chỉ chân, xì xà xì xồ. Sự yên tĩnh làng
quê không còn. Thanh niên làng dùng côn đánh thanh niên làng bên sang tán gái
mà không chịu làm luật, bỏ cả xe chạy tán loạn. Hát karaoke đêm, rồi ăn uống
say bí tỉ, làm ầm cả phố Ngọ suốt đêm. Rồi chuyện vợ chồng nhà Tóng có vấn
đề, chồng bỏ đi biệt tích đã hơn một năm, bỏ vợ và hai con nhỏ bơ vơ, giờ bỏ
học đi ăn xin. Vợ làm đơn xin ly dị, đài phát thanh thông báo gọi về nếu không
thì tòa xử ly hôn theo pháp luật. Con nhà Quýnh đi cửu vạn ở Lạng Sơn về bị
“Sida”, nay như con mèo hen, người lở loét đang nằm chờ chết. Cái Nhàng lỡ
thì, đã qua tuổi băm, người chẳng đẹp đẽ gì chỉ được cái to béo, đùng một cái lấy
chồng người Tàu, nghe nói một ông già đã hơn bẩy mươi tuổi bên Quảng Tây,
Trung Quốc.
Làng Ngọ xưa nổi tiếng đẹp nhất vùng, bởi được toạ lạc bên con ngòi
uốn khúc hình con rồng chảy ra sông Cầu, lúc nào cũng đầy nước trong xanh
mà ai xa quê về đều thích nhảy ào xuống tắm cho thoả thích. Giờ nước con

ngòi trở nên đen ngòm, rác nổi lềnh bềnh, nào gà toi, nào lợn tai sanh trương
phềnh, trông đến khiếp.
Cuộc sống vẫn trôi chảy như con ngòi làng Ngọ lúc vơi lúc đầy. Thoắt
cái, hai anh em nhà ông Tâm đã ngoài năm mươi tuổi rồi, đã lên ông rồi
nhưng có điều khác lạ, đó là vẫn giữ được thói quen câu cá từ thuở nhỏ. Cái
thú câu cá, kỷ niệm câu cá thời trẻ có lẽ là mảng sáng đẹp nhất trong ký ức
của họ. Xưa, hai anh em hay câu cá ở bờ ao rậm rạp, nơi có cây sung, cây mít
cổ thụ có cành ngã xoài la đà mặt nước. Dọn bãi xong, rồi thả thính, ngồi chờ
tăm cá. Bọn trẻ câu trong làng ai nấy đều phục sát đất tài câu cá của hai anh
em nhà ông. Thính và mồi câu, đó là bí mật riêng của ông Tâm. Thính của
ông gồm cám rang thơm, bóp với cơm nguội, bỗng rượu và củ ráy. Chú Đức
thì giỏi về đào giun, kiếm mồi câu, chú thuộc từng loại giun, biết chỗ nào có
giun gầy giun béo thế nào.
Hôm nay, đã sau mấy chục năm vất vả, xuôi ngược, lang bạt kỳ hồ mưu
sinh, hai anh em lại cùng câu cá. Cả hai anh em ngồi im, chờ đợi lòng bồi hồi
nhớ lại những kỷ niệm thời con trẻ. Mặt nước ao im lìm không hề xao động,
không gian yên tĩnh lạ lùng. Thỉnh thoảng vài con nhện nước lướt qua, lướt
lại như làm xiếc. Rồi một vài cái tăm nhỏ li ti, to dần nổi lên. Đó là dấu hiệu
của những con riếc, con chép sục bùn ăn mồi. Lúc ấy mới thực sự vào cuộc
câu cá. Cả hai chăm chú theo dõi, hồi hộp, mong chờ, hi vọng, lại thất
vọng…Trong những đợt câu như thế có điều lạ là Đức thường gặp may, câu
được cá nhiều hơn, con rô, con riếc cũng to hơn, thỉnh thoảng còn được cả
chép cụ, hay trắm cỏ to nhất trong ao mới kỳ lạ chứ. Người ta bảo Đức sát cá,
có tay câu cá. Ông Tâm thì không nói gì, thấy buồn trong lòng.
Đã mấy chục năm rồi, hôm nay đẹp trời, hai anh em lại ngồi câu cá ở
chính nơi ấy của ngày xưa. Bây giờ cây mít không còn nữa, chỉ còn cây sung
cổ thụ sù sì, mốc trắng vẻ phong trần dãi dầu mưa nắng. Bờ ao cũng không
còn rậm rạp như trước nữa, giờ đã xây gạch nên ngồi rất sạch sẽ.

Thằng Trí thấy hai người câu cá cho là chuyện lạ, nói: “ bố và chú
muốn có cá để cháu sục vài cái thì tha hồ mà ăn, tội gì phải câu”.
- À, mày định dùng kích điện chuyên đi đánh cá trộm đấy phỏng? Ông
Tâm hỏi con trai.
-Thôi xin ông tướng. Cá chết của mày ai thèm ăn, biến đi cho tao nhờ.
Đức mắng cháu, lòng mong nó đừng có mà quấy rầy nữa.
Hai anh em vừa ngồi câu vừa rì rầm trò chuyện. Ông Tâm ít học nhưng
là người nghĩ sâu, hay dùng ca dao tục ngữ, ý cha ông để răn dạy con cháu,
hay đơn giản là để xả nỗi bực tức dồn nén ở trong lòng. Cứ tưởng chú ấy đã
bỏ xác ở chiến trường, cứ tưởng chú em phải rũ tù…thế mà vẫn có ngày hôm
nay. Thú thực trong thâm tâm mặc dù yêu quý em trai nhưng thỉnh thoảng
ông vẫn so bì tỵ nạnh với em, đôi khi khởi lên cả ý nghĩ xấu trong đầu ông.
Nó vô cớ xuất hiện mà ông không biết vì sao. “Chú ấy có hi sinh ở mặt trận
cũng là lẽ thường tình của chiến tranh, nhà ta được tiếng là gia đình có công,
đóng góp máu xương cho dân cho nước như bao người trong làng, ngoài xã”.
Hay ông cũng dửng dưng, không lấy làm buồn khi em trai bị công an đến bắt
đi, không vui khi em ông được ra tù thoát khỏi vòng lao lý… Ông tự trách
mình và không hiểu sao cái sự đố kỵ gen gét cứ nẩy nòi trong ông, không
ngăn nó được, mà ông đâu có cố ý.
Rồi hai anh em trò chuyện về việc giỗ bố ông hôm trước. Ông Đức im
lặng và cười trừ. Ông Tâm lấy thế anh cả lên giọng:
- Chú chớ có cậy giàu mà khinh khó tôi. Hai trăm nghìn đồng chú đưa
giỗ bố tôi vẫn trói tròn đây này. Cứ tưởng có tiền là muốn làm gì cũng được à.
Cả năm có một lần giỗ bố chú lại đến muộn. Đã vậy hai con Hải, con Hạnh thì
biến đâu mất tăm, tối mù tối mịt mới dẫn xác vào. Nào là phải bán xăng, nào
làm trong nhà máy không nghỉ được. Con cái nhà chú đấy. Đúng là đàn bà
sâu sắc như cơi đựng trầu, đái không qua ngọn cỏ. Một lũ bất hiếu.

- Em xin bác, có gì mà nghiêm trọng thế. Hôm qua em phải lên huyện
có chút việc về muộn. Xăng dầu lên giá, đúng buổi cháu Hải nhập hàng, cháu
Hạnh làm trong công ty của nước ngoài thì bác thông cảm cho cháu. Em nghe
nói thằng Tuệ nhà bác nghỉ ăn giỗ ông vừa rồi là vi phạm kỷ luật, họ đã kiểm
điểm và phạt lương tháng đó. Ông giám đốc người Hàn Quốc người ta theo
phong cách công nghiệp làm sao hiểu được việc xin nghỉ giỗ ông nội, người
ta cho đó là vi phạm hợp đồng lao động.
- Nó là giám đốc lắm tiền cũng mặc xác nó, có phải ông trời đâu mà sợ.
Ngày giỗ ông nội, là cháu đích tôn mà không có mặt là không được. Ông Tâm
nói như quát.
- Bác ơi, vậy bác không hiểu rồi. Sản xuất dây chuyền mỗi người một
việc, một khâu; một người nghỉ ảnh hưởng đến cả trăm người khác. Như con
Hạnh nhà em đã là chuyền trưởng rồi đó, lương hơn mười triệu đồng một
tháng thử hỏi làm ruộng cả năm không bằng.
- Tiền ai chẳng thích nhưng giỗ bố, giỗ ông là dứt khoát không được
vắng mặt, chú đừng bao biện cho lũ bất hiếu ấy.
- Ô kìa, cá cắn câu rồi. Ông Đức reo lên giật được một con cá riếc. Rồi
sau đó lại giật được hai con riếc và một con chép nữa.
Ông Tâm vẫn ngồi im, nhìn phao đứng lặng không hề xao động. Mãi
gần đến trưa, đúng giờ ngọ thì xảy ra một chuyện lạ lùng. Ông Tâm giật được
một con cá riếc rất to, vảy nó óng ánh xanh biếc; ông ngỡ ngàng run tay tóm
con cá , định gỡ lưỡi câu ra thì con cá bỗng cất giọng nói tiếng người van xin
ông tha mạng. Từ sáng đến giờ ông rủi quá, đen quá không được con cá nào
nay được con riếc lạ ông định bụng phải tóm bằng được. Ông Đức thấy có vẻ
không bình thường, lạ lùng bèn lên tiếng.
- Thôi anh làm phúc phóng sinh cho nó.

Lại nghe tiếng con cá cầu khẩn van xin như tiếng kêu cứu vẻ khẩn thiết
của người đang sa cơ lỡ vận, đã đến đường cùng. “Xin ông làm phúc thả tôi ra,
tôi sẽ phù hộ độ trì cho ông làm ăn gặp điều may mắn, ước gì được nấy”.
Nghe những lời cầu khẩn, van nài ông Tâm rất đỗi kinh hoàng không
tin vào tai, vào mắt mình nữa. Tiếng chú em kéo ông trở về hiện thực.
- Thôi, có lẽ đây là điềm lành, anh thả nó ra biết đâu từ nay may mắn sẽ
đến với anh.
Giờ đến lượt chú em ông khẩn khoản, trong giọng nói của Đức đã thấy
vẻ nhún nhường, điều mà người em quý tử của ông chưa bao giờ thể hiện.
Ông Tâm đắc chí lắm, thấy mình là người quan trọng, có quyền nắm giữ số
phận của con cá lạ. Cái tâm lý gia trưởng kẻ cả của ông hôm nay được ve vuốt
chiều chuộng làm ông mê mẩn cả tâm hồn. Cho đến khi ông run rẩy gỡ con cá
trên bàn tay mình, ông còn nghe một câu nói lạ lùng nữa mà ông không bao
giờ quên. “Ông thả tôi ra, tôi sẽ phù hộ ông nhưng có điều ông ước được một
thì ông em của ông sẽ được hai”.
Rồi nó quẫy mạnh rơi tõm xuống nước, biến mất. Mặt ao trở lại phẳng
lặng chỉ còn những bong bóng nước nhỏ li ti nổi bọt. Tất cả như một giấc mơ
giữa ban ngày. Ông liếc nhìn sang bên cạnh thấy vẻ mặt chú em vẫn bình
thản, chỉ thoáng một nụ cười mãn nguyện còn động trên ánh mắt khóe môi.
Đến trưa hai anh em nghỉ vào nhà uống nước, ăn cơm. Ông Tâm hôm
nay không được con cá nào đem về nhưng khác với mọi khi, trong lòng phấn
khích tràn ngập niềm vui mới mẻ mà ông chưa bao giờ cảm thấy như vậy. “Lẽ
nào chú ấy lại không nhìn thấy, không nghe thấy gì. Vẻ mặt của nó vui vẻ và
rạng rỡ thế kia. Hay câu chuyện vừa rồi chỉ là một giấc mơ, chỉ là mộng ảo”?
Tháng hai, sau tết mùa xuân mưa phùn ẩm ướt, làng Ngọ có dịch đau
mắt đỏ. Cả tháng mưa, đường bẩn, trời âm u chẳng thấy mặt trời đâu. Ông
Tâm thấy bức bối khó chịu. Từ thời cha sinh mẹ đẻ đến giờ ông chưa từng
thấy dịch đau mắt lạ lùng thế này. Cả làng như lên cơn sốt, lo lắng hoang

mang, khắp nơi bàn tán xôn xao. Mắt ai cũng đỏ hoe, ướt nhèm, sưng húp.
Mấy ông bà già khăn lúc nào cũng vắt vai, để lau, để chấm. Bọn trẻ thì đeo
kính râm, kính đen trông như thám tử. Thằng Trí đeo kính đen, đi lại nghênh
ngang được dịp ra oai với chúng bạn. Ông Tâm sang hàng xóm bàn với ông
Sang, ông Vinh góp ý với các cụ phải cúng, phải tạ lễ thành hoàng. Cả làng
đau mắt thế này chắc là do động đâu đó trong làng ngoài đình, thánh phạt đó
mà.
Loa truyền thanh của thôn oang oang, ra rả kêu gọi bà con phòng chống
dịch. Nào là phải giữ vệ sinh, phải đến trạm y tế để khám, để tra thuốc và rửa
nước muối sinh lý…
Ông Tâm nhìn lên nói đổng:
- Đúng là đồ mồm sắt, vắt mũi chưa sạch biết gì mà réo.
Rồi ông lại lẩm bẩm một mình. “Chắc là động ở đâu rồi, cứ đào mương
xẻ máng nhiều vào. Lại còn qui hoạch nghĩa trang, dồn mồ dồn mả vào một
nơi. Cây đa đầu làng đã hơn trăm tuổi bị chặt, bị đốn để làm đường. Khu máy
may xuất khẩu khi làm nền làm móng chúng nó chỉ quan tâm xem có bom
mìn không, có biết đâu rằng xưa kia đó là bãi tha ma, bao người ăn xin ăn
mày chết đói năm bốn nhăm chôn vùi ở đó. Nay làm nhà tầng, đường bê tông,
suốt ngày máy chạy, xe ô tô gầm rú chịu sao nổi”.
Ông Tâm càng bực hơn vì tất cả những điều chướng tai gai mắt ấy: nào
là lối sống mới, làng văn hóa mới, nông thôn mới…đều do thằng Đức, em
quý tử của ông gây ra. Từ khi ra tù không hiểu sao mấy tay cán bộ xã, cán bộ
thôn lại “kết” em trai ông, tôn làm quân sư, cái gì cũng xin ý kiến bác Đức,
việc gì cũng chờ bác Đức cho lời khuyên.
Thật là, ghét gì trời trao của ấy đố có sai bao giờ. Nghĩ lại cũng lạ, mấy
năm nay làm ăn cái gì chú ấy cũng gặp may, giờ đang phất lên có nhẽ giàu
nhất làng Ngọ này. Tuần trước có nhà báo tỉnh về chụp ảnh quay phim nêu
gương em ông là “điển hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi”. Ôi thật chẳng ra

làm sao. Ông chợt nhớ đến buổi đi câu và con cá riếc lạ màu xanh biếc huyền
hoặc. “Sao mình không thể mơ ước một lần xem thế nào nhỉ”. Ông lại lẩm
bẩm một mình.
Thế rồi ông ước ao mình có cái ti vi màu để thay cái đen trắng đã dùng
hơn chục năm nay. Ngay buổi trưa thằng Trí lôi về một ti vi màu 21 in xem
vừa to vừa đẹp. Nhưng ông ngạc nhiên khi thấy hôm sau chú Đức cũng mang
về hai ti vi màu So Ny 21 in, một để ở nhà trong làng, một để ở nhà ngoài
phố. Cái ti vi cũ chú đã cho ngay thằng Quắm toét.
Ông không thấy vui trong lòng. Nhưng có gì đó khêu gợi kích thích,
ông lại khát khao muốn có một chiếc xe Dream mới cho thằng Tuệ đi làm ở
nhà máy may xuất khẩu. Cả làng hầu như nhà nào cũng có xe máy, xe tàu bốn
năm triệu đồng một chiếc, giờ đã hết thời, trở thành hàng sắt vụn. Không biết
chú em có biết mong ước của ông không nhưng khi xe Dream vừa mang về
nhà, thằng Tuệ đi thử thì ông Vinh, người đưa tin của làng đã bô bô “ông Đức
tậu liền một lúc hai con xe Dream mới toanh, một cho hai chị em cái Hạnh,
một để ông ta vi vu”. Với dân làng, việc ông Đức mua liền hai con xe mới là
bình thường, ai chứ ông Đức có mua ô tô cũng được. Nhưng ông Tâm thì
không nghĩ như vậy. Trong lòng ông vừa băn khoăn, tò mò vừa khó chịu với
em trai. Như có gì sâu xa bên trong đang khởi lên, ông lại ghen tỵ với em và
thầm mong ước có được căn nhà mới. Nhà ông đang ở do bố ông làm, ông là
trưởng nam đương nhiên được hưởng lộc, căn nhà gỗ xoan đã nhiều lần sửa
chữa. Giờ ông muốn có ngay một ngôi nhà mới khang trang hơn ở vườn đằng
trước, để thằng Tuệ có lấy vợ thì cũng chẳng phải lo nơi ăn chốn ở. Điều mơ
ước của ông lại thành sự thật. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ như ý của ông
Tâm. Có điều là khi ông Tâm làm lễ mừng nhà mới thì ông Đức cũng khánh
thành một ngôi nhà mới trong làng, trên đất hương hỏa của cha mẹ chia cho,
cũng to rộng năm gian kiểu cổ hệt nhà ông nhưng toàn bằng gỗ lim Nam Phi

lại xây cả tường hoa lát sân và đưa ở đâu về nhiều chậu hoa cây cảnh, nào lộc
vừng, cây xanh, cây si, địa lan, uất kim cương…bên hòn non bộ làm ai cũng
trầm trồ khen ngợi. Ngay sau đó ở ngoài phố, một ngôi nhà đúc bốn tầng rất
hiện đại và hoành tráng cũng đang hoàn thiện. Tầng dưới nghe nói có cả cửa
sếp để bán hàng, cả ga ra để ô tô nữa. Người ta đến xem tham quan về kháo
với nhau như vậy. Ông Tâm nghe nói mà không thèm lai vãng, trong lòng bức
xúc, ấm ức không biết điều gì đang xảy ra.
Từ hôm đó ông sinh bệnh mất ngủ, ăn không ngon miệng, ngủ không
yên giấc. Rồi ông thấy đau đầu, nhức nhối nơi hai hố mắt, đôi khi nước mắt
cứ ràn rụa, cảm thấy mờ mịt không nhìn rõ người. Đó cũng là lúc làng Ngọ có
dịch đau mắt đỏ, làm cho mắt ông càng đau nhức hơn. Ông cứ đinh ninh dịch
đau mắt là động ở nơi đầu làng, thánh phạt mà nguyên do cũng tại thằng em
trai ông mà ra cả. Ông nằm lỳ ở nhà, không tra thuốc đau mắt, không đến
trạm xá, không thèm nghe lời tuyên truyền của bọn trẻ ranh, của mồm sắt nói
láo. Không hiểu sao, ông thầm nguyền rủa em trai mình.
Thế rồi, khi cả làng Ngọ đang quằn quại chật vật chống lại dịch bệnh,
ông Tâm không biết điều khủng khiếp đang chờ đợi ông. Một ý nghĩ độc địa
quái gỡ vừa lóe lên từ trong tâm can sâu thẳm mà chỉ có một mình ông biết,
một mình ông hay. Bất giác, mồm ông lẩm nhẩm như cầu nguyện: “Ôi nếu có
làm sao, ước gì mình chỉ bị mù một con mắt”.
Kỳ lạ thay, sau lời lầm rầm một mình chẳng ai nghe thấy, bỗng một cơn
gió lạnh phả vào mặt ông, đầu đau như búa bổ, hai hốc mắt nhức nhối, đau
buốt, nước mắt trào ra đầm đìa. Mắt ông mù mịt như đêm tối và trống rỗng.
Ông kinh hoàng với tay sờ cái ti vi mà không thấy gì, một con mắt bên phải
đen đặc không còn nhìn thấy gì nữa. Ông đã bị mù một bên mắt phải.
Những ngày tháng đó, dân làng Ngọ vẫn đang vật vã trong nạn dịch
đau mắt khủng khiếp chưa từng thấy. Nhiều người phải nằm ở bệnh xá của xã,

một số phải đưa lên bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh. Ông Đức cũng bị đau
mắt nặng, khi đến lúc dịch cao điểm ông cũng nhức buốt, đau như búa bổ
tưởng như hai con ngươi muốn bật tung ra. Do ông cảnh giác, có tiền, có ô tô
của bạn bè đưa ra viện mắt trung ương kịp thời. Các bác sĩ nói nếu chỉ chậm
một tý nữa thì bị mù cả hai mắt. Thật hú vía.
Ít lâu sau, cả làng Ngọ hoàn hồn, tai qua nạn khỏi riêng ông Tâm bị mù
hẳn một con mắt bên phải. Trời đã nắng lên, hết mưa, hết u ám. Buổi sáng,
loa truyền thanh của thôn lại oang oang tuyên bố dịch đau mắt đỏ đã bị đẩy
lùi. Theo lời của bác sĩ trạm xá tổng kết chiến dịch phòng chống đau mắt đỏ
đã xác định nguyên nhân ông Tâm bị mù là do mê tín dị đoan, không chịu
nghe theo hướng dẫn điều trị của bệnh xá. Lần đầu tiên ông Tâm chú ý lắng
nghe cái mồm sắt một cách chăm chú. Trong lòng ông đã biết vì sao ông bị
mù một con mắt nhưng vẫn băn khoăn không hiểu rằng nếu đúng như lời con
cá nói thì sao sự linh nghiệm chỉ ứng với ông, còn không ứng với chú ấy?
Ông cảm thấy có gì đó khó hiểu nhưng đã bình tâm hơn và ngẫm nghĩ lại đầu
đuôi câu chuyện.
Bắc Giang mùa thu năm 2006

hoa_sung_1

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)