bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 362
Trong tuần: 1148
Lượt truy cập: 773748

TÚ XƯƠNG DỊCH THƠ

Phạm Trọng Thanh

TÚ XƯƠNG DỊCH THƠ CHỮ HÁN
(Nhân 150 năm sinh nhà thơ Trần Tế Xương
05/9/1870- 05/9/2020)
 
Tú Xương trong con mắt xanh thời gian, việc nhìn nhận đánh giá những cống hiến của nhà thơ non Côi sông Vị trong văn học Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX được khẳng định từ các tuyển tập tác phẩm Tú Xương, từ các công trình nghiên cứu về ông của các soạn giả trong Nam, ngoài Bắc nhiều thập niên qua.  Xưa nay, trên văn đàn, sự trọng thị, liên tài là cách ứng xử của những người có nhân cách lớn, có biệt nhỡn và cả tài năng trác việt.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan trong bài “Thơ Tú Xương” in trên tạp chí Văn nghệ  tháng 1 năm 1963 đã suy tôn Tú Xương là bậc “Thần thơ thánh chữ”.  Lời biểu dương Tú Xương của nhà văn Nguyễn Tuân trong bài “Thời và thơ Tú Xương" ngay từ những năm Sáu mươi thế kỷ trước đã được nhiều người tán thưởng: "Tú Xương, một người thơ, một nhà thơ vốn có nhiều công đức trong trường kỳ xây dựng lâu đài ngôn ngữ Việt Nam". (Tạp chí Văn nghệ tháng 5/1961).
Đáng chú ý, trong một bài thuyết giảng ở Anh quốc, GS Albert Smith đã đánh giá: “Tú Xương xứng đáng đứng vào hàng những nhà thơ trào phúng lớn của thế giới” (Dẫn theo Nguyễn Thị Hòa Bình trong luận văn sau đại học “Con đường từ Nguyễn Khuyến đến Trần Tế Xương của văn học trào phúng” – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999).
Ở Nam Định, từ thế kỷ trước đã lưu truyền câu phương ngôn Đọc thơ Xương, ăn chuối ngự - một cách tôn vinh từ lòng mến mộ của người tỉnh Nam về hai thứ đặc sản tinh thần, vật chất ở một miền quê bao năm nuôi dưỡng một thi tài.
          Năm 1962, tại phòng đọc Thư viện Nam Định, tôi đã chép bản dịch thơ Đỗ Phủ của nhà thơ Trần Tế Xương trong cuốn sách “Tú Xương, con người và nhà thơ” (Trần Thanh Mại - Trần Tuấn Lộ biên soạn, Nxb Văn hoá - Hà Nội 1961). Sách không in bản phiên âm nguyên tác chữ Hán Xuân dạ hỉ vũ của Đỗ Phủ. Chỉ có bản dịch của Tú Xương:
                    MỪNG MƯA ĐÊM XUÂN
                    “Khen thay con tạo khéo chia mùa,
                    Hoa sớm mưa xuân những hẹn hò.
                    Đưa nhẹ một cơn bừng giấc thắm,
                    Rơi ra từng sợi thấm cành khô.
                    Đồng không lối tắt mây nghi ngút,
                    Sông vắng thuyền ai lửa thập thò.
                    Phơi phới thành xuân ban sáng dạo,
                    Chồi sương nặng trĩu mặt hoa đưa”.                                
          Thử hình dung ông Tú trong màn mưa bụi Thành Nam đêm xuân, quay về phía dãy phố hàng hiên có bóng đèn lồng và đôi câu đối đỏ:
                    “Môn ngoại vãng lai xa mã khách
                    Đình tiền xuất nhập quế khôi nhi (1)
          Ngôi nhà cổ 247 Hàng Nâu, khu Định Hữu,Vị Xuyên hãy còn hé cửa. Bên tràng kỷ, trên án thư, người nhà đã bày sẵn nghiên sứ, thỏi mực Kim bất hoán đen ánh và cây bút Tảo Thiên Quân cùng "Một ngọn đèn xanh" với "mấy quyển vàng". Ông dịch thơ Đỗ Phủ, thần hứng lâng lâng.Tấm áo bông treo trên mắc áo hãy còn đính những hạt mưa xuân bé tí, lấp lánh. Một đêm xuân bao nhiêu tình tứ:      
                     "Ai ơi còn nhớ ai không,
                    Trời mưa một mảnh áo bông che đầu.
                    Nào ai có tiếc ai đâu,
                    Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô.
                    Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ,
                    Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình.
                    Non non, nước nước, tình tình,
                    Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ "
                                              (Áo bông che đầu – Trần Tế Xương)                  
          Bài thơ “Xuân dạ hỉ vũ” của thi hào Đỗ Phủ tả một đêm mưa xuân ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) được sáng tác vào khoảng năm 761, nơi Đỗ Phủ gặp lại người bạn đồng môn là Nghiêm Vũ đang làm Tổng trấn Thành Đô. Một số bài thơ miêu tả cảnh thanh bình của Đỗ Phủ ra đời trong “thảo đường” ở đây. Đỗ Phủ (712-770) sao có thể biết sau hơn một nghìn năm ở phương Nam xa xôi này có một nhà thơ trẻ yêu quí ông, gọi dậy sức sống tinh khôi ở một bài thơ cổ. Ở đây, đồng đất ngoại thành Nam Định cũng vừa bừng thức sau làn mưa xuân dìu dịu mùi hương cỏ nõn. Sông Vị Hoàng êm lắng, đầu mom cuối bãi lơ mơ sương khói, thuyền ai thắp lên ánh lửa ánh vào trang thơ:
                    “Đồng không lối tắt mây nghi ngút,
                    Sông vắng thuyền ai lửa thập thò.”
          Không biết đây là thành xuân phương Bắc xa lắc xa lơ hay là Thành Nam với những xóm Phù Hoa, Phù Nghĩa,Vị Khê, lối cửa Đông, cửa Nam sớm mai như vẽ:
                    “Phơi phới thành xuân ban sáng dạo,
                    Chồi sương nặng trĩu mặt hoa đưa.”
          Đưa bài thơ Xuân dạ hỉ vũ của Đỗ Phủ - bản dịch của Tú Xương vào chuyên luận Đọc thơ Tú Xương, trong bộ sách “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” (tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1982, tr.184), nhà thơ Xuân Diệu viết:  “Trước hết là khâm phục Đỗ Phủ, tiếp liền sau là khen Tú Xương, ngôn từ thanh nhẹ, lời văn rất mới; mới đây không phải ngông nghênh, tân thời “mô đéc” thì gọi là mới; mới đây nghĩa là trẻ, trẻ thì nhất định luôn luôn mới, trẻ là tồn tại muôn đời, mở ra lúc nào mới lúc ấy! Chao ôi, không biết khen ai, khen cả hai tác giả! Mưa xuân ban đêm hẹn với nhau nảy sớm mùa; cái mưa xuân ấy “đưa nhẹ một cơn”, thì hoa bừng giấc thắm, tỉnh dậy và nở thắm; cái mưa xuân ấy “rơi ra từng sợi thấm cành khô”, cha chả là hay! Hai câu đối nhau, đọc liền một lúc mới thấy lộ hết cái hay”.
          Tú Xương còn bao nhiêu bản dịch thơ Đường nữa? Khó có thể liệt kê đầy đủ bởi vì ngay những sáng tác của ông lúc sinh thời còn được bạn đọc hôm nay tìm đọc, chủ yếu do những người quí trọng tài năng thi ca xuất chúng của ông mà nhập tâm rồi lưu truyền, ghi chép lại. Thơ ông trong trí nhớ, trong tâm thức người Nam Định, trong các bản chép chuyền tay nơi tủ sách các gia đình.
          Nhà thơ Trần Lê Văn, một người thuộc dòng thân tộc họ Trần cùng làng Vị Hoàng (sau đổi là Vị Xuyên) với bậc tiền bối Trần Tế Xương, trong cuốn sách “Tú Xương khi cười, khi khóc, khi than thở” (NXB Lao Động, Hà Nội, 2002, tr.184) cho biết: “Năm 1930, Trần Duy Lãng, một trong những người con của ông Tú, bị Tây bắt vì bị tình nghi hoạt động cách mạng, gia đình sợ đem đốt hết cả tập thơ. Đốt tại số nhà 280 Hàng Nâu, Nam Định”.
          Trong tuyển tập “Thơ Đường” (tập I, Nxb Văn học- Hà Nội, in lần thứ hai 1987, tr.183) do Nam Trân giới thiệu – tuyển chọn, có bài “Thập thất dạ đối nguyệt” của Đỗ Phủ, bản dịch thơ của Tú Xương.
          Phiên âm:
                    THẬP THẤT DẠ ĐỐI NGUYỆT
                                                 Đỗ Phủ
                    Thu nguyệt nhưng viên dạ,
                    Giang thôn độc lão thân.
                    Quyển liêm hoàn chiếu khách,
                    Ỷ trượng cánh tuỳ nhân.dsc00759
                    Quang xạ tiềm cầu động,
                    Minh phiên túc điểu tần.
                    Mao trai y quất dữu,
                    Thanh thiết lộ hoa tân.
 
          Dịch nghĩa:
                    NGẮM TRĂNG ĐÊM MƯỜI BẢY
                    Trăng thu đêm nay vẫn tròn,
                    Thân già côi quạnh ở xóm bên sông.
                    Cuốn rèm, trăng còn ngó khách,
                    Chống gậy, trăng vẫn theo mình.
                    Ánh rọi xuống, làm con cầu long đã lặn phải cựa quậy,
                    Bóng sáng soi vào, khiến con chim ngủ xoay mình luôn.
                    Lều tranh dựa bên cây quít, cây bưởi,
                    Đêm lạnh hạt móc mới đọng như hoa.
 
          Dịch thơ:
                    NGẮM TRĂNG ĐÊM MƯỜI BẢY
                    Vành vạnh trăng thu chút chửa sai,
                    Xóm sông lụ khụ một mình ai.
                    Cuốn rèm trông thấy như chào lão,
Chống gậy ra chơi lại đón người.                           
Soi suốt rồng nằm dòng nước chảy,
Sáng choang chim ngủ bóng cành phơi.
Nhà tranh ngồi tựa bên chồi quít,
Móc trắng lòng ta cũng trắng ngời.
                                        Trần Tế Xương
          Bài thơ ở thể ngũ ngôn được “dịch” sang thể thất ngôn tưởng như thêm “đất dụng võ” nhưng cũng thêm cả những thử thách cho dịch giả vì thơ không chấp nhận những chữ “vô vị”. Đỗ Phủ “Ngắm trăng đêm mười bảy” một mình từ túp lều tranh quạnh quẽ bên dòng sông trăng thu đầy ắp. Đỗ Phủ khi ấy hẳn là đang ở rất xa con sông thơ “Khúc Giang” nổi tiếng “Triều hồi nhật nhật điển xuân y” (Khỏi bệ vua ra cố áo hoài - Tản Đà dịch), trong cảnh ngộ “Thân già côi quạnh ở xóm bên sông” xa lánh hẳn cái thuở làm chức gián quan tháp tùng vua Đường chạy loạn An Lộc Sơn. Những năm cuối đời, nhà thơ lâm vào cảnh khốn khó, gia đình ly tán. Đỗ Phủ nếm đủ cơ cực, thiếu đói, bệnh tật hành hạ, nhưng phẩm cách của bậc Thi Thánh, tư tưởng nhân văn lại càng toả sáng. Thơ ông vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật thơ Đường.
          Tú Xương dịch bài “Thập thất dạ đối nguyệt” của Đỗ Phủ có thể cũng vào một đêm thật trăng sau những đêm “Nhạt nhèo quang cảnh ánh trăng suông”,”Trời không chớp bể với mưa nguồn”...là cái đêm bình yên trở lại sau “Đêm rằm tháng tám chúng vây ai?”... rậm rịch bước chân đám lính khố đỏ, khố xanh lùng sục các phố xá Thành Nam, vây ráp như “đèn kéo quân” tìm bắt những người bị tình nghi có hành vi chống đối Nhà nước Bảo hộ. Cái đêm chừng như vầng trăng trong thơ Đường về tròn gương bên bến nước sau nhà, trăng dạt dào tiếng sóng vỗ mom sông. Bản dịch của Tú Xương sáng đẹp lạ thường. Trong lời thơ Việt có cả những làn sóng“quang xạ” được dịch giả “đẩy” bừng lên:
                              “Soi suốt rồng nằm dòng nước chảy
                              Sáng choang chim ngủ bóng cành phơi”
          Và ở câu kết “Đêm lạnh hạt móc mới đọng như hoa”,Tú Xương dịch thành "Móc trắng lòng ta cũng trắng ngời” khiến sự sáng trong lòng ta ngời lên như những hạt ngọc! Nhà thơ Ngô Văn Phú, người biên soạn “Thơ Đường ở Việt Nam” cho đây là bản dịch thơ Đường hay nhất.     
          Năm 2010, công trình “Tú Xương toàn tập” do Đoàn Hồng Nguyên biên soạn, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - Nxb Văn học, Hà Nội ấn hành, sách in khổ 16x24, dày 856 trang đã đến tay bạn đọc gần xa. Mở đầu cuốn sách là Niên biểu Trần Tế Xương (1870 – 1907) tiếp đến  3 phần chính: Thơ văn Nôm, Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm, Thơ Tú xương trong sự tiếp nhận của các nhà nghiên cứu Thư mục về Tú Xương.
           Theo soạn giả Đoàn Hồng Nguyên “lần đầu tiên công chúng biết đến “Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm” của Tú Xương là qua phát hiện của các ông Hoàng Ngọc Phách - Lê Thước - Đỗ Đức Hiểu trong tập sách “Văn thơ Trần Tế Xương” xuất bản năm 1957. Các tác giả này căn cứ vào thông tin: Tú Xương từng dịch thơ Đường do ông Trần Tất Đạt - con trai thứ ba của nhà thơ Tú Xương cung cấp. Tuy vậy, các tác giả này chỉ mới trích lục có 5 bài trong số 83 bài của bản dịch đưa vào giới thiệu trong phần Phụ lục của tập sách...”
“Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm” là phần thứ hai trong 4 phần chép tay có tên là “Vị Thành giai cú tập biên”, kí hiệu lưu trữ tại Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm: AB 194, từ tờ 29a – 61a... 4 phần của văn bản này, hai phần. Phần thứ ba:“Thiên Nam Hương Sơn Quan Âm chân kinh tân dịch” dài 65 trang và phần thứ tư: “Nam giao cổ kim lí hạng ca dao chú giải”, dài 226 trang, không thấy ghi tên người biên soạn. Theo Trần Nghĩa (tạp chí Văn học, 1970) phần thứ ba là bản dịch của Kiều Oánh Mậu soạn năm 1909. Còn lại hai phần: phần thứ nhất “Vị Thành giai cú tập biên”, 56 trang, từ tờ 1a – 28b và phần thứ hai: “Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm” ở đầu mỗi trang đều ghi rõ tác giả là Tú Xương”.        
Chiếm tới 250 trong 856 trang sách, “Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm” lần đầu tiên đến với bạn đọc hôm nay với bài khảo luận công phu, những phân tích, kiến giải học thuật đáng tin cậy của soạn giả Đoàn Hồng Nguyên; 83 bàì Đường thi nguyên tác được chuyển từ văn bản gốc in chữ Hán trang nhã cùng 83 bản dịch của Tú Xương. Các bài thơ ngũ ngôn Đường luật đặc sắc được biên khảo, chú thích, khảo dị, tóm tắt tiểu sử tác giả... khá đầy đủ. Đáng kể  là, in cùng nguyên tác chữ Hán các thi phẩm với bản dịch của Tú Xương, người làm sách in kèm bản dịch của các dịch giả từ năm 1944 đến nay: Nhượng Tống, Nam Trân, Tương Như, Ngô Tất Tố, Phan Ngọc, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Vũ Mộng Hùng, Bùi Hạnh Cẩn - Việt Anh, Lê Nguyên Lưu, Bùi Khánh Đản, Ngô Văn Phú, Duy Phi, Đoàn Hồng Nguyên để người đọc có cơ sở đối chiếu, thẩm định.
          Trong “Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm” của Tú Xương, “Thơ Đỗ Phủ được tuyển dịch nhiều nhất (21 bài), kế đến là thơ Lý Bạch (16 bài). Mạnh Hạo Nhiên có 6 bài. Đỗ Thẩm Ngôn và Vương Duy cùng 5 bài. Trần Tử Ngang 3 bài. Vương Bột, Thẩm Thuyên Kì, Tống Chi Vấn và Sầm Tham cùng 2 bài. Các tác giả còn lại gồm 19 người, trong đó có các tên tuổi lừng lẫy như Vương Tích, Lạc Tân Vương, Bạch Cư Dị... Tú Xương cũng chỉ tuyển dịch mỗi người một bài. Có nhiều nhà thơ được Tú Xương đưa vào trong hợp tuyển nhưng cho đến nay tên tuổi cùng tác phẩm của họ còn khá xa lạ với người yêu thơ Đường ở Việt Nam như: Vu Lương Sử, Lý Xương Phù (TXTT, tr. 233).
           Như vậy, để làm hợp tuyển Đường thi này, Tú Xương đã đọc rộng, hiểu sâu trước khi chấp bút diễn âm, mong muốn giới thiệu thêm các gương mặt thi nhân đời Đường mà các tuyển tập trước chưa làm.         
          Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm của Tú Xương chỉ tuyển dịch những bài thơ ngũ ngôn cũng là một cách làm riêng, gây sự chú ý đặc biệt với người làm sách. “Nhiều dịch giả đã cho rằng, dịch thơ thất ngôn đã khó, mà dịch thơ ngũ ngôn càng và khó hay hơn vì tiếng Hán hàm súc hơn tiếng Việt, nên tình ý chứa đựng trong câu thơ ngũ ngôn luật thi hiếm khi được chuyển đầy đủ sang tiếng Việt” (TXTT, tr, 238).
Trong số 83 bài ngũ ngôn tuyển dịch, Tú Xương đã “dịch chuyển” 11 bài sang thể ngũ ngôn luật. Và ông đã thành công. Ở bài “Lục Hồn sơn trang” của Tống Chi Vấn “tuy đôi chỗ chữ nghĩa không thật sát nguyên tác. Nhưng nhìn chung, cấu trúc đăng đối và nhịp điệu của nguyên tác đã được dịch chuyển hoàn toàn sang bản dịch. Còn hơn thế, Tú Xương còn dịch chuyển được một cách trọn vẹn tâm tình của chủ thể trữ tình bằng tất cả sự đồng điệu” (TXTT, tr, 239).    
          Bạn đọc ghi nhận công phu nghiên cứu sưu tầm, tham khảo 17 đầu sách , từ “Toàn Đường thi” (Thượng Hải cổ tịch xã, 2 tập , Thượng Hải -1996), đến các công trình tuyển dịch thơ Đường ấn hành trong nước từ năm 1944 đến nay. Thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng những nhận định của những người đi trước, khảo sát văn bản một cách khoa học để đi đến nhận định: “Hợp tuyển này không chỉ dừng lại ở cách tuyển dịch. Tính độc đáo của hợp tuyển này còn được thể hiện qua cách dịch chuyển đầy sáng tạo, mang đậm nét phong cách Tú Xương” (TXTT, tr. 238).
          Tuy nhiên, ở phần này, có một đôi chữ “tồn nghi”, không thấy liệt kê ở mục “khảo dị”, có thể do “cách đọc” chữ Nôm, do “lỗi” vi tính... khiến người đọc phân vân. Ở bài 65 – “Xuân dạ hỉ vũ” của Đỗ Phủ, câu 7 “Hiểu khan hồng thấp xứ” (Sớm mai nhìn thấy khắp vùng mượt hồng) và câu thơ trong bản dịch của Tú Xương đã được xuất bản “Phơi phới thành xuân ban sáng dạo”. Câu thơ này, trong “Tú Xương toàn tập” của Đoàn Hồng Nguyên được in là “Phơi phới thành xuân ban tối dạo”(tr. 421-422). Hay như ở bài 67- “Động phòng” (Buồng trống) của Đỗ Phủ, câu 7 “Thanh lậu vãng thời đồng” (Giọt nước trong xưa nay vẫn thế) – câu thơ bản dịch của Tú Xương được in trong “Tú Xương toàn tập” là “Giọt làu canh khuya nào còn nước” (tr. 427-428), có vẻ không ổn. Có phải chữ “làu” chính là chữ “lậu” (không dịch) chỉ giọt nước rỉ trong đồng hồ nước cổ sơ đấy chăng?
Tổng quát về “dịch phẩm” độc đáo  này của Tú Xương, Đoàn Hồng Nguyên viết: “Đường thi được tạo nên trên cái nền của một cấu trúc đăng đối chặt chẽ và tiết tấu nhịp nhàng cân đối, giọng điệu nhẹ nhàng u nhã. Những tính chất này trở thành một điển phạm, chạm khắc nên một nét đặc thù cho thơ Đường, mà người đọc khi ngâm lên có thể dễ dàng phân biệt Đường thi với Tống thi, Minh thi... Khi diễn âm thơ Đường, dù đã thổi vào và tạo nên cho những dịch phẩm của mình một sức sống riêng, nhưng hơn ai hết Tú Xương luôn phải hiểu, rằng ông không thể phá vỡ những điển phạm ấy của nguyên tác như đã làm với những câu thơ luật Đường – là những sáng tác của ông, nếu không muốn bóp chết nó ngay từ lúc mới chào đời. Không thể phá vỡ một nguyên tác mà nói theo quan niệm hiện nay là “tín, đạt, nhã” hay là tính chính xác, tính nghệ thuật của những bản dịch, do vậy trong những bản dịch dù đã rất phá cách nhưng Tú Xương buộc lòng vẫn phải giữ lại cấu trúc đăng đối của nguyên tác, giữ lại cái âm điệu u nhã, và cả cái không khí trang trọng cổ kính của Đường thi...”.
Với tôi, trước đèn, khi đọc phần II công trình biên khảo trong “ Xương toàn tập, thầm cảm ơn người làm sách đã làm đầy một góc khuyết trong hiểu biết của mình về tài năng nhà thơ Thành Nam yêu kính. Giờ đây, tôi đã có cả nguyên tác bài thơ yêu thích của Đỗ Phủ, xin được chép ra đây để cùng thưởng ngoạn một “Đêm xuân mừng trời mưa” trong Đường thi hợp tuyển của Tú Xương.
Phiên âm:
          XUÂN DẠ HỈ VŨ
                                        Đỗ Phủ
          Hảo vũ tri thời tiết,
          Đương xuân nãi phát sinh.
          Tùy phong tiềm nhập dạ,
          Nhuận vật tế vô thinh.
          Dã kính vân câu hắc,
          Giang thuyền hỏa độc minh.
          Hiểu khan hồng thấp xứ,
          Hoa trọng Cẩm Quan thành.
Dịch nghĩa:
Đêm xuân mừng trời mưa
Cơn mưa lành biết rơi đúng tiết trời,
Đang xuân làm cho cây cối nảy chồi.
Theo gió (mưa rơi) trong đêm,
Lặng lẽ tưới tắm cho muôn loài.
Đường thôn mây đen giăng đầy,
Chỉ lập lòe ngọn đèn của con thuyền trên sông.
Sớm mai nhìn thấy khắp vùng mượt hồng,
Nặng trĩu những cành hoa khắp thành Cẩm Quan
                                        (TXTT, tr, 421-422)
 Cũng xin được “lẩy” 2 câu kết bài thơ này trong bản dịch xuất thần của Tú Xương để cùng ngâm ngợi:
          “Phơi phới thành xuân ban sáng dạo,
          Chồi sương nặng trĩu mặt hoa đưa”...
Tú Xương với Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm được xuất bản cho thấy ông xứng danh một dịch giả tầm cỡ như nhà nghiên cứu Ngô Linh Ngọc trong bài “Đôi điều tâm đắc về việc dịch thơ chữ Hán” (1982) đã xếp Tú Xương vào hàng những dịch giả có tên tuổi như Nguyễn Du, Tản Đà. Còn với soạn giả Đoàn Hồng Nguyên trong lời kết bài khảo luận phần này đã nhắc lại điều tương đắc từ nhà nghiên cứu Nguyễn Tuyết Hạnh để cùng khẳng định: Tú Xương, “một nhà thơ lớn, tấm lòng lớn, một dịch giả lớn”.
Thiết nghĩ, đó là những đánh giá công bằng, xác đáng.                        
                                                                          P.T.T
------------
Chú thích Ảnh: Trang bìa “TÚ XƯƠNG TOÀN TẬP”- Soạn giả Đoàn Hồng Nguyên- Nxb Văn học, 2010.
(1) Câu đối trong bức tranh"Đốt pháo" của cố hoạ sĩ Nguyệt Hồ (1905-1992) - hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) – Nam Định.
 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)