bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM GỌN VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÙI PHƯƠNG THẢO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN LÃ THANH TÙNG!THƯƠNG NHỚ ĐĂNG BẤY, NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG VUI TÍNH , HÒA ĐỒNG, GIẢN DỊ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

 

VU NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN!KÍNH MỜI CÁC ANH CHỊ DỰ BUỔI TỌA ĐÀM ĐÓ XEM HÌNH ẢNH CỦA MÌNH TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Cầm Sơn đã đưa videoclip này!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 86
Trong tuần: 687
Lượt truy cập: 701408

VÂN NAM KÍ SỰ ( TIẾP)

VÂN NAM KÍ SỰ (TIẾP THEO VÀ HẾT)
      ĐỖ TRUNG LAI

Từ năm 902, Nam Chiếu mất. Lần lượt thay Nam Chiếu là các nước Đại Trường Hoà (902 - 929), Đại Thiên Hưng (929 - 930), Đại Nghĩa Ninh (930 - 937).
Năm 937, thủ lĩnh bộ tộc Bạch là Đoàn Tư Bình tiêu diệt Đại Nghĩa Ninh, lập ra Vương quốc Đại Lý, đóng đô tại Đại Lý. Vương quốc này khi ấy bao gồm cả các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Tây Nam Tứ Xuyên, Bắc Miến Điện, Bắc Lào và thậm trí, cả một vài khu vực nhỏ của Tây Bắc Việt Nam. Vương quốc Đại Lý tồn tại suốt 316 năm, qua 22 đời vua, mà Đoàn Chính Thuần (cha của Đoàn Dự trong "Thiên Long bát bộ") là vị vua thứ 16, nhưng lại là vị vua đầu của Hậu Đại Lý, gọi là Trung Tông An Văn đế (1096 - 1107). Sau ông này, Hậu Đại Lý còn 7 vị vua nữa. Vị vua cuối cùng của Hậu Đại Lý là Thiên Định Vương (1251 - 1254) Đoàn Hưng Trí.
Năm 1253, Mông Kha tấn công Đại Lý, Đại Lý mất vào tay người Mông Cổ. Nhưng Mông Kha cho họ Đoàn, dẫu mất ngôi vương, vẫn được được làm Đại lý Tổng quản cho Nguyên - Mông. Tất cả có 13 Đại Lý Tổng quản họ Đoàn, từ Đoàn Hưng Trí (1257 - 1260) đến Đoàn Thế (1382 - 1387).
Năm 1276, Hốt Tất Liệt xoá bỏ Đại Lý, đặt ra tỉnh Vân Nam. Mông Kha, Hốt Tất Liệt đều đã điều quân đánh Việt Nam, tổng cộng là 3 lần, dưới triều Trần của ta. Bản thân Thoát Hoan, con của Hốt Tất Liệt, cũng đã từng được phong là "Vân Nam Vương", sang đánh Việt và phải chui vào ống đồng chạy bán sới về Nguyên!
Sau khi Nguyên - Mông mất ngôi vào tay nhà Minh, người Mông Cổ vẫn giữ được tỉnh Vân Nam. Họ tự xưng là Lương Vương, cai trị riêng tỉnh này.
15 năm sau, khi đã được thừa nhận là Hoàng Đế toàn Trung Hoa, năm 1381, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương mới sai quân tấn công Vân Nam, diệt Lương Vương. Hai năm sau, 1383, Vân Nam hoàn toàn thuộc Minh. Thế là, từ lúc người Mông Cổ lấy Đại Lý cho đến khi Minh Thái Tổ lấy lại Vân Nam, người Mông Cổ đã cai trị Vân Nam suốt 130 năm, sau khi đã “mất ngôi” ở tất cả những nơi khác ở Trung Hoa.
Nhưng từ triều Minh, dấu ấn người Hán ở Vân Nam mới thật rõ. Các thành phố Côn Minh, Đại Lý, Lệ Giang… được thiết kế lại, như một Bắc Kinh thu nhỏ với những bức tường thẳng đứng bao quanh và đường sá cắt nhau. Chùa chiền kiểu Minh được xây nhiều. Những con sông đều có cầu treo bằng xích sắt…, chứng tỏ nhà Minh rất chú ý tới giao thông để mở mang miền Tây Nam này của họ.
Nhà Thanh (người Mãn Châu) đánh đổ nhà Minh (1644), Hậu chủ nhà Minh là Chu Do Lang (Quế Vương) chạy về cố thủ ở Vân Nam, đặt niên hiệu là Vĩnh Lịch (1646 - 1662). Năm 1662, nhà Thanh sai Ngô Tam Quế đánh Vân Nam, tiến cả sang Miến Điện, bắt được Vĩnh Lịch, cho thắt cổ chết. Ngô Tam Quế được phong là Bình Tây Vương, làm Tổng đốc cả về dân sự lẫn quân sự của hai tỉnh Vân Nam và Quý Châu. Ngô Tam Quế được toàn quyền bổ nhiệm quan lại Vân - Quý hoặc được tham khảo ý kiến trước khi triều đình nhà Thanh bổ nhiệm, thậm chí cả ở Tứ Xuyên và Hồ Nam. Ông này gần như một ông hoàng “độc lập” xứ này vậy.
10 năm sau, khi cơ đồ nhà Thanh đã rất vững, họ bèn bãi bỏ tư thế “độc lập” tương đối kia của Ngô Tam Quế, dù vẫn để cho giữ tước Vương. Ngô Tam Quế nổi loạn, tuyên bố lãnh thổ (1673), tự xưng là “Tư lệnh Vĩ Đại” của nhà Chu (mới). Nhà Thanh đã đàn áp thành công cuộc ly khai này.
Nhưng Vân Nam vẫn chưa yên. Gần 200 năm sau, từ 1856 đến 1873, người Hồi giáo Đại Lý với lãnh tụ là Đỗ Văn Tú, chiếm toàn bộ miền Tây Vân Nam, tuyên bố thành lập Vương quốc Hồi giáo, gọi là Bình Nam Quốc (Vương quốc miền Nam an bình). Ông tự xưng là Suntan (Quốc vương), với danh xưng tiếng Ảrập là Suleiman. Bình Nam Quốc bị nhà Thanh (tướng Sầm Dục Anh) đánh, bị người Anh ở Miến Điện sát đó đánh, bị người Pháp (đã tới Côn Minh) gây sức ép, phải thất bại, tự vẫn không thành và bị giao nộp cho nhà Thanh (1872). Tàn quân Hồi giáo còn chống cự được một năm nữa, đến năm 1873 thì tan hẳn. Lúc ấy, dân số Vân Nam (vốn ước khoảng 8 triệu) giảm còn 3 triệu, do chết trận và do ly tán!
Lại vẫn chưa hết! Nhân Cách mạng Tân Hợi (1911) của Tôn Trung Sơn, mồng 9 - 9 năm ấy (Tết Trùng Cửu hay Tết Trùng Dương), Thái Ngạc và Đường Kế Nghiêu, quan cai trị Vân Nam, tuyên bố ly khai nhà Thanh, chống lại Viên Thế Khải, Vân Nam đột nhiên trở thành "Tiền duyên Cách mạng Dân chủ" hiện đại của Quốc Dân Đảng phía Tây Nam, thực ra là một tình trạng cát cứ. Năm 1925, Tôn Trung Sơn mất, Đường Kế Nghiêu tranh chấp quyền lãnh đạo Quốc Dân Đảng với Hồ Hán Dân và thất bại. Năm 1927, tướng Long Vân được cử cai trị Vân Nam suốt 20 năm và tham gia kháng Nhật từ năm 1939,sau khi liên kết với Đảng Cộng sản Trung Hoa. Năm 1940, Nhật đảo chính Pháp ở Việt Nam, người Anh ở Miến Điện giúp Trung Hoa đánh Nhật. Đồ viện trợ của Anh vào Trung Hoa từ Miến Điện, đi qua Vân Nam. Năm 1945, tướng Đỗ Nhật Minh thay thế Long Vân chỉ huy Vân Nam một thời gian ngắn. Sau đó, em vợ Long Vân là Lư Hán, được bổ nhiệm làm Tư lệnh Vân Nam.
Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân Quốc Dân Đảng ở Vân Nam và Quảng Tây, gồm 4 quân đoàn, cả thảy 18 vạn quân, dưới sự chỉ huy của Lư Hán, kéo vào Bắc Việt Nam để giải giáp quân Nhật.
Sau Hiệp định sơ bộ mà Hồ Chí Minh ký với Pháp, tháng 5 năm 1946, Lư Hán rút hết quân về nước. Rồi Lư Hán làm Chủ tịch tỉnh Vân Nam, Tư lệnh An ninh tỉnh kiêm Hiệu trưởng Học viện Quân sự ở đây. Lư Hán và Long Vân, dưới ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Hoa và sự chi viện của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa, giữ vững được biên giới Vân Nam (với Pháp phía Việt Nam và với Anh phía Miến Điện).
Ngày 9-12-1949, Côn Minh khởi nghĩa vô sản, tỉnh Vân Nam tuyên bố giải phóng trong hoà bình. Từ đó đến nay, Vân Nam là một tỉnh của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
*
Từ Hà Khẩu (giáp Lào Cai của ta) đến Côn Minh, đường bộ dài 480 cây số, nhiều khi chạy song song với đường sắt khổ 1,1 m của người Pháp xưa kia, giờ bỏ đó. Hà Khẩu cao hơn mực nước biển 76 mét, Côn Minh cao hơn mực nước biển 1900 mét. Thế là đi từ Hà Khẩu đến Côn Minh, ta đã "lên giời" được gần 2 cây số. Vì "lên giời" nhanh quá nên càng đi, nước càng sôi ở nhiệt độ thấp hơn (càng dưới mốc 100 độ C) và vì thế, cơm ngày càng không "chín", chỉ là "cơm tám"/"cơm bảy" thôi, tức là càng không ngon! Nước pha trà cũng vậy. Chúng tôi đã đến trung tâm trà Vân Nam ở Côn Minh, uống trà hạng nhất Vân Nam là trà Phổ Nhị. Đầu tiên là uống trà sinh thái mới làm, sau đó uống trà viên (để 2 năm), cuối cùng là trà đóng bánh (để 3 năm). Hương trà không có gì đáng nói. Vị trà thì tuỳ độ đặc/loãng mà đậm/nhạt, nhưng nếu ai bị táo bón, dùng cốc to uống ba ngày liền, bỏ thêm vào đó mấy hạt muối, ngày thứ tư sẽ khỏi. "Thế là trà thuốc còn gì?"- tôi đùa. Nhà hàng cười, gật đầu. Chỉ có hai điều nên lưu ý: Thứ nhất, khi nâng chén trà Phổ Nhị, dù bằng tay phải hay tay trái, thì hai ngón - cái và trỏ - phải cầm vào miệng chén, gọi là "Lưỡng long tranh châu". Ngón út của đàn ông phải gập vào lòng tay. Nếu chìa ngón út ra, đó là cách bưng trà của thái giám và đàn bà rồi! Thứ hai, dù chén trà có nhỏ đến đâu, cũng chỉ được uống hết sau 3 lần nhấp chén. Cạn chén bằng 1 hớp, người xung quanh sẽ bảo: "Kìa! Trâu uống". Ấy là vì trà Phổ Nhị còn được gọi là Cẩm trà (Trà gấm), mà trong chữ "gấm" lại có 3 chữ "khẩu" - cứ phải uống 3 hớp (3 “khẩu”) mỗi chén! Mua Phổ Nhị trà về Việt Nam, ở nơi đất thấp, nước sôi 100 độ C, uống ngon hơn. Có điều, nên mua theo ít nhất là 1 chiếc chén "quân" có hình rồng nâu in ngoài. Khi rót nước vào chén, nếu là nước sôi 100độ C thật, con rồng nâu mới chuyển sang màu đỏ. 3 hộp trà (sinh thái, viên và bánh với 1 bộ ấm chén), giá bây giờ là 400 tệ, tức khoảng một triệu rưỡi tiền Việt Nam, một nhà 4 - 5 người có thể uống được cả tháng. Chỉ có điều, uống xong thì tuy khỏi táo bón, nhưng lại ngồi nhớ… trà Thái Nguyên!
Đi lại vì công chuyện thì không nói làm gì - Côn Minh có sân bay hạng nhất quốc gia, lại đang làm một sân bay nữa. Nhưng nếu gọi là đi chơi, thì phải đi đường bộ. Đường bộ Hà Khẩu - Côn Minh là con đường rất thú vị. Con đường ấy, như đã nói, dài 480 cây số, chạy qua các địa phận: Huyện Hà Khẩu (vốn xưa là xã Hà Khẩu, nay vì vai trò của Cửa khẩu quốc tế mà Hà Khẩu được cắt thêm đất, lập thành huyện) - châu Hồng Hà (thủ phủ là Mông Tự với thị xã thứ hai của nó là thành phố Khai Viễn), rồi qua các huyện Di Lặc - Thạch Lâm - Di Lương (hay Nghi Lương cũng được) - Trịnh Cống - thành phố Côn Minh. Đường khá tốt. Riêng đoạn Hà Khẩu - Mông Tự, chỉ dài có 150 cây số, nhưng đã được chui qua 22 cái hầm xuyên núi, không song song với đường sắt cũ của Pháp nữa. Hầm rộng, thường là một chiều, dài nhất cũng chỉ cỡ một cây số. Không đoạn đường nào cheo leo cả. Càng đi, cảnh vật và phong tục càng lạ. Qua huyện Hà Khẩu, vốn nhiều người Dao, không khác Lào Cai mấy, chỉ được cái nhiều rừng cao su. Đầu xuân, vẫn còn rét và hạn, cao su hết lá xanh, chỉ thấy bạt ngàn một màu héo úa. Không biết cao su trốn rét mà thay áo, hay thực ra là đã chết rồi? Đến châu Hồng Hà, vốn là đất của các dân tộc Di và Cáp Nê (Hà Nhì) xưa, thì mênh mông là những đồng và đồi trồng lựu. Lựu mùa xuân đang nhú hoa, cây nọ cách cây kia chừng 2 mét, mỗi cây cũng cao gần bằng chừng ấy, trải dài, lan rộng, hút tầm mắt. Lựu Hồng Hà đã xuất sang ta nhiều, mỗi quả to như cái bát ăn cơm, bửa ra, những hạt trắng - hồng nằm đều đặn như những hàm răng của các người con gái đẹp, cho vị ngọt - dôn dốt chua, giải khát tuyệt hay. Ở đây còn có nhiều vườn tỳ bà. Cây tỳ bà to như cây hồng xiêm, quả to như quả nhót, khi chín thì rực lên một màu hoàng thổ. Bóc nhẹ tay cho hết lớp vỏ mỏng, mỗi quả cho ta một khẩu vàng, mềm, ngọt lịm và cũng dôn dốt chua, nhưng chua nhẹ hơn lựu, nóng và khát tan biến. Vì vỏ mỏng, thịt mềm, tỳ bà rất khó mang bằng ô-tô. Đi máy bay thì mang được, nhưng lại không có sân bay ở Mông Tự, Khai Viễn! Chính vì thế, mà thứ quả này ít sang ta. Ở METRO Hà Nội có bán, 30 ngàn đồng 10 quả, tức là 10 “khẩu”! Xen giữa lựu và tỳ bà, còn bao nhiêu là đào. Hoa đào xuân đẹp như má con gái, cứ hây hây. Dọc đường, ăn cơm ở Mông Tự là ngon nhất. Nhà hàng nằm giữa đồng lựu, khuôn viên trồng nhiều tỳ bà.
Đến huyện Di Lặc, như đã nói, là gặp cả một huyện nho. Sang huyện Thạch Lâm thì đã tới "Thiên hạ đệ nhất kỳ quan" rồi. Thạch Lâm là khu rừng đá tự nhiên tại huyện tự trị dân tộc Di, còn cách Côn Minh chừng 80 cây số. Diện tích toàn Thạch Lâm vào cỡ 12 cây số vuông. Khu đáng xem nhất là Đại Thạch Lâm thì rộng chừng 4 cây số vuông, với 400 ngã tư và hơn 200 điểm phong cảnh. Năm 2004, Thạch Lâm được UNESCO công nhận là "Công viên địa chất thế giới" (giống Đồng Văn của ta). Từ năm 1984, Thạch Lâm đã được Chính phủ Trung Hoa phê là "Khu thắng cảnh trọng điểm quốc gia". Chỉ có điều, người Trung Hoa đã khéo léo biến nó, chỗ thành ra vườn cây - hoa - cỏ - đá; chỗ là hồ cho có sơn có thuỷ; chỗ là lầu tạ để có chỗ "nghênh phong" và tâm sự; chỗ là rừng cây trên đá/bên đá, không thành rừng để che lấp cảnh quan nhưng đủ để đá không cô đơn - cô độc - trơ trọi - mồ côi. Nhìn vào chân đá thấy hoa cỏ li ti; nhìn lên đỉnh đá, thấy vòm đại thụ, thấy tùng - thông che bớt thanh thiên; nhìn ven hồ, thấy đào hồng trúc xanh, mận trắng, kỳ ảo như tiên cảnh. Những cô hướng dẫn viên du lịch trẻ đẹp, mang trang phục rực rỡ của người Di, đi lại như giữa chốn Bồng Lai. Xe ô-tô điện đưa khách, im không tiếng động… Màu đá Thạch Lâm thay đổi trong ngày, theo thời tiết, ngỡ như mọi loại đá trên đời đều về đây họp mặt. Lại nghe kể rằng, ngày còn tại nhiệm, có lần Thủ Tướng Trung Hoa, Chu Ân Lai, thăm Vân Nam, ghé Thạch Lâm, thấy nơi đây chỉ có núi, ông bảo, nên đào thêm hồ cho nó “có sơn có thủy” thì mới đẹp. Có lẽ vì thế mà bây giờ Thạch Lâm mới “sơn thủy hữu tình” đến vậy chăng?
Qua Thạch Lâm là đến huyện Di Lương. Di Lương nổi tiếng với vịt quay của mình. Vịt quay Bắc Kinh đã rất ngon, nhưng là quay trên lửa than củi. Người Di Lương quay vịt bằng than lá thông. Vịt của họ nuôi trong hồ, hồ lại nằm bên đá/ trên đá. Có nước giàu can-xi, có tôm cá, vịt Di Lương béo mà không hôi, quay xong, thịt vàng sẫm màu mật ong, xương giòn như xương chim, chả bỏ đi đâu miếng nào. Ngồi ghế thấp, ăn bàn thấp, sàn nhà trải dày đến 2 tấc lá thông héo, dẫm lên không sinh một tiếng động và không khí thơm phức mùi tùng bách, chén rượu bồ đào (rượu nho - vang) cầm tay và thịt quay trên đĩa, tưởng cũng đã bõ công vượt "đường xa dặm thẳm".
Vịt quay Di Lương nổi tiếng như thế nên mới đẻ ra câu chuyện thế này: Một ông Hoa kiều, quê Vân Nam, xa nước lâu ngày, ông về thăm quê. Món đầu tiên trong một nhà hàng Vân Nam ông gọi, chính là món vịt quay. Nhà hàng đem lên con vịt quay đầu tiên, ông ngửi qua cái phao câu và lắc đầu: "Đây là vịt quay Quý Châu!". Con thứ hai, ngửi phao câu xong, ông lại lắc đầu: "Đây là vịt quay Tứ Xuyên!". Ngửi phao câu con thứ ba, ông phán: "Đây là vịt quay Bắc Kinh!". Phao câu con thứ năm bị phán rằng: "Đây là vịt quay Nam Ninh!". Nhà hàng tá hoả, đem lên con vịt quay cuối cùng. Ông lại ngửi phao câu và reo to: "Có thế chứ, đây mới là vịt quay Di Lương!". Thấy thế, một cô hầu bàn phục quá, lại mừng quá, đến trước ông, quay “phao câu” lại, khóc và thưa rằng: "Ông ơi! Cháu bị ly tán gia đình từ nhỏ, bây giờ không biết quê mình ở đâu. Xin ông làm ơn... xem xét rồi tìm quê giúp cháu!". Và, cô gái đã được toại nguyện. Chuyện này, không phải tôi bịa.
Nhưng câu chuyện ấy cũng có cái lý của nó. Ba tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên giáp nhau (Vân Nam còn giáp Tây Tạng, Quảng Tây, Việt Nam và Miến Điện nữa), tuy vậy, khẩu vị thực khách ba tỉnh này vẫn có cái khác nhau, dù rằng họ đều rất thích dùng các món cay. Khi ăn, người Vân Nam nói: "Cay không sợ!", người Quý Châu bảo: "Không sợ cay!", còn người Tứ Xuyên lại phán: "Sợ không cay!". Ăn cay, thứ nhất là dân Tứ Xuyên, nhì đến người Quý Châu, cuối cùng mới là người Vân Nam. Ngồi trên lá thông, ăn vịt quay bằng than lá thông ở Di Lương rồi đi tới huyện Trịnh Cống, giáp Côn Minh, mùa xuân đang độ, thay cho lựu, tỳ bà, nho, đào sau lưng, là bạt ngàn hoa lê trắng - Trịnh Cống là một huyện lê! Lê ven đường, lê dưới lũng, lê trên sườn và đỉnh đồi. Hoa lê kết thành bè mảng, trắng tinh, phau phau, nõn nà trong nắng xuân.
Lại nói đến nắng. Khắp Trung Hoa , không đâu nhiều nắng như Vân Nam. Vân Nam, Quý Châu đều được thừa hưởng ưu thế của cao nguyên Vân - Quý, một sự kéo dài của cao nguyên Thanh - Tạng. Côn Minh, thủ phủ Vân Nam, vì thế, được sở hữu một khí hậu gió mùa đồi núi cao nguyên do chịu ảnh hưởng, không phải là của gió mùa Đông Bắc hay Đông Nam, mà là của luồng không khí mát dịu từ Tây Nam Ấn Độ Dương. Vì thế mà nắng dồi dào, ít hơi nước, ít sương mù, nhiệt độ trung bình cả năm chỉ cỡ 15-16 độ C, rất ôn hoà, dễ chịu. Cũng vì thế nên Côn Minh còn được người Trung Hoa gọi là "Xuân Thành"- Thành phố mùa xuân. Ở đây, xuân cả bốn mùa. Nhưng bốn mùa Côn Minh nói riêng hay Vân Nam nói chung, khác mùa xuân Bắc Bộ chúng ta ở chỗ, luôn có trời xanh mây trắng, nắng gió chan hoà, dịu dàng, mát mẻ. Cho nên, trên đường phố Côn Minh, từ già đến trẻ, không ai đi dép lê, dép rọ. Tất cả đều đi giày/ tất, con gái thì đi ghệt. Vậy mà, không ai bị hôi chân bao giờ, áo sơ mi trắng mặc 2 ngày không thấy bụi, không có mồ hôi, cổ áo không thấy bị "là cháy"!
Cũng vì nắng gió chan hoà như vậy, mà hơn 80% những ngôi nhà ở Côn Minh lắp pin mặt trời, lắp bình nóng lạnh mặt trời. Thêm vào đó, cả thành phố đi mô-tô và xe đạp điện, không thấy máy nổ, không khói mịt mù, chỉ có ô-tô là còn chạy xăng mà thôi. Mà ô-tô, thì đại đa số là ô-tô do người Trung Hoa sản xuất - "Người Trung Hoa dùng đồ Trung Hoa"- là phương châm hành động ở đây. Đồ hiệu "tây" ở siêu thị cũng nhiều, nhưng đắt. Vả cũng không biết có phải đồ “tây” thật hay không!
Ở huyện Di Lương, ngoài món vịt quay nổi tiếng, còn có mỏ và trung tâm chế tác thạch anh. Thuỷ tinh bị nóng chảy ở 2.000 độ C, còn với thạch anh là 7.800 độ C. Vì thế mà thạch anh rất cứng, làm mặt nhẫn, mặt kính không sợ bị xước. Do mỏ nằm sâu trong đất, ít bị phong hoá như mỏ lộ thiên, nên thạch anh Di Lương thuần khiết hơn, nguyên gốc hơn. Thạch anh Di Lương có 6 màu: trắng, xanh, hồng, tím, vàng, trà (khói). Trắng và xanh giúp người ta mơ mộng, hồng là màu của tình duyên (còn gọi là màu của số đào hoa), tím là màu của chung thủy, trắng là màu trí tuệ cho người trẻ, trà là màu an thần cho người già, vàng là màu của tài lộc (nên thạch anh vàng còn được gọi là "Đá tài phú"!). Thạch anh, cầm trên tay thì mát lạnh và nặng hơn thuỷ tinh thường. Vân Nam, bên cạnh thạch anh, còn có cả mỏ vàng và bạc. Vì thế, khi vào trung tâm mua bán thạch anh Vân Nam, ta gặp cơ man là đồ trang sức trộn lẫn cả ba thứ này: hoa tai, nhẫn, vòng, dây chuyền, trâm, thoa… tất cả đều lộng lẫy, lấp lánh, mời gọi. Do vừa chế tác vừa bán nên giá ở đây là giá gốc, gần nhất với giá xuất xưởng, dễ chịu hơn các nơi khác. 1 triệu VNĐ một nhẫn bạc - thạch anh, 2-3 triệu VNĐ một nhẫn vàng - thạch anh, xinh đẹp. Mua được, nhưng đem về dùng vài tháng mới thấy là... không phải thế!
Đến Côn Minh, nếu bỏ qua trung tâm dược liệu Vân Nam thì thật phí. Do ảnh hưởng mạnh mẽ của Tây Tạng, nên dù vốn đã là "Vương quốc thảo dược", Vân Nam vẫn có thêm nhiều nét đặc biệt. Ví dụ, người Tạng, cả đời chỉ tắm toàn thân có 3 lần: khi đẻ ra, khi cưới và khi chết. Tuy vậy, người Tạng "tắm" chân hàng ngày. Họ coi chân là "Trái tim thứ hai của con người" và ngày nào họ cũng chăm sóc nó. Nửa nằm nửa ngồi trên xô pha, chân ngâm vào chậu thuốc Vân Nam ấm nóng, được các học viên Đông y xoa bóp/bấm huyệt, được các "đại phu" đông y "vọng, văn, vấn, thiết" rồi chỉ bảo về bệnh tật và chọn thuốc cho, người ta cảm thấy khoẻ lên, thấy được tôn trọng và sáng ra nhiều điều. Người Tạng cũng đưa về đây món "đệ nhất" của họ, là "Đông trùng hạ thảo". "Đông trùng hạ thảo" - "Mùa đông là côn trùng, mùa hạ là cỏ lá" - đưa qua mũi, đã thơm phức như trầm, đốt một mẩu lên thì lại càng ngào ngạt. Đây là món "thập toàn đại bổ" hạng nhất của thuốc Bắc. Loại to như đầu đũa, dài 4 - 5 phân, giá 350 tệ/gram, loại nhỏ như cái ruột bút bi, dài 2 - 3 phân, giá 300 tệ/gram. Tính ra, khoảng 6 - 7 triệu VNĐ/gram, tức là 6 - 7 trăm triệu (1 chiếc ô-tô khá)/cân. "Ăn Đông trùng tức là ăn vàng" - người Trung Hoa nói vậy. Ở trung tâm này, một thang thuốc ngâm, giá hơn nửa triệu đồng Việt, tìm mãi mới thấy một mẩu "Đông trùng hạ thảo" dài 2 phân, bé như một mẩu tăm to! Mua về nhà, ngâm vào 5 lít rượu tốt. 15 ngày sau chắt lấy một nửa, rồi lại đổ thêm rượu mới cho đầy. Cứ thế, chắt/đổ 5 lần thì hợp vào, bỏ bã, là có thể "bán dạ tam bôi" được rồi. Trung tâm dược liệu Vân Nam đúng là một "mê cung", "Đông tây y tử vi kết hợp", như người Vân Nam nói. Cùng một chỗ ấy, bên thuốc, còn mê man là cà phê và các sản phẩm có cà phê; mê man hoa khô và tinh dầu hoa, cả hoa tươi nữa. Khu vực quốc doanh thì không mặc cả. Khu vực tư nhân thì tha hồ nì nèo! Chỉ có điều, xuyên suốt trung tâm là "độc đạo", có nghĩa là, chỉ có một lối đi dích dắc qua tất cả các quầy, buộc người ta phải ngắm hết, xem hết và … tiêu hết tiền, thì đi ra! Tất nhiên, để cho nó “êm dịu” hơn, thì ở mỗi quầy cà phê, bánh kẹo, khách được nếm thử nửa ly cà phê (các loại), chút bánh quế và kẹo (các loại), để xem quyết mua cái gì. Về phương diện quảng bá và bán hàng, thì thật vô cùng lọc lõi!
Đến Vân Nam mùa xuân, khách còn được dự "Lễ hội hoa anh đào". Nhật Bản tặng có Côn Minh mấy ngàn cây anh đào. Người Côn Minh trồng kín Sở thú của mình, trồng ra cả phố nữa. Trong vườn, hoa anh đào đỏ - hồng kết thành vầng, thành tán, thành mây, rực rỡ cả một góc trời. Ngoài phố, anh đào lẻ điểm xuyết giữa nhà kính và cây xanh tạo điểm nhấn ưa nhìn, bớt đơn điệu. Họ trồng cả vào Thạch Lâm, xen giữa đá - cây - nhà - nước, đẹp tựa tranh quốc hoạ màu.
Khi trở về, từ Côn Minh, có thể bỏ qua Trịnh Cống, Di Lương, Di Lặc, Thạch Lâm mà về thẳng Mông Tự bằng một đường cao tốc mới làm, nhanh và êm hơn nhiều. Đường này đi qua huyện Thông Hải, là xứ xở của rau, lại bạt ngàn nhà kính, rau quả tươi ngon, rất là "sản xuất lớn".
*
Vân Nam với ta, đúng là "gần nhà xa ngõ". Với 2.400 năm tuổi, Côn Minh xứng đáng là thủ phủ xứ này. Với diện tích 394.100 cây số vuông, Vân Nam lớn hơn Việt Nam (329.566 cây số vuông) một ít. Dân số Vân Nam chừng 50 triệu người, khoảng già nửa dân số nước ta. Với khí hậu Ấn Độ Dương, Vân Nam thuộc một đới khác, rất lạ và dễ chịu. Với 26/56 dân tộc ở Trung Hoa, Vân Nam là vùng đa văn hoá rất đáng đến chiêm nghiệm.
Để kết thúc, xin kể một chuyện mà Đài Truyền hình Vân Nam đã kể: Có một đôi trai gái yêu nhau. Vừa cưới xong thì anh chồng biết là mình bị ung thư. Anh ta sầu não, đau khổ, chán sống rồi! Suốt ngày đêm, anh ta ngồi nhìn ra cửa sổ, mặc kệ đời. Vợ trẻ động viên thế nào cũng mặc, thề đợi chết chứ nhất định không đi viện. Nghĩ mãi, người vợ bèn ngày ngày ở nhà, tắm rửa sạch sẽ, ra đứng bên chồng với trang phục của... Eva. Anh chồng dần không nhìn ra cửa sổ nữa, dần quay sang nhìn vợ và rồi anh ta khỏi bệnh, dù vẫn không đi viện! Xem truyền hình tỉnh, một cụ bà muốn cứu chồng trầm cảm, bèn học theo cô vợ trẻ kia. Cụ ông nhìn cụ bà, chỉ một lần, đã ngáp một cái, “thoát dương” lập tức, và … thượng hưởng ngay!
Lắm chuyện như thế, nhưng truyền hình Vân Nam chỉ tiếp sóng truyền hình trung ương và truyền hình tất cả các tỉnh, các khu tự trị Trung Hoa (nội địa), không có truyền hình nước ngoài, trừ kênh thể thao!
Tuy thế, chính sách nhà/đất thì ở Vân Nam rất tốt. Cũng "Đất đai là quốc gia công thổ", nhưng khi cần dời dân để lấy đất làm dự án, thì đền dân theo giá thị trường và cho dân được chọn một trong ba phương án:
1. Lấy tiền ngay và tự tìm nơi ưng ý.
2. Chuyển đến nơi ở mới (đã xây sẵn) tốt hơn, cũng theo giá thị trường.
3. Nếu muốn ở lại chỗ cũ, thì tạm đến nơi mới, cũng xây sẵn, đợi khi dự án xây xong thì chở về chỗ cũ, đã được xây lại, dĩ nhiên là diện tích ở lúc này, được tính theo số tiền đền bù trước đó.
Vì vậy, ở đây không có chuyện cưỡng chế, không có chuyện "đôi co" giữa chính quyền và dân chúng, không có chuyện cán bộ được hưởng đặc lợi. Tất cả đều công khai, qua hiệp thương kỹ càng giữa chính quyền, dân chúng và nhà đầu tư.
Mùa xuân ở Vân Nam, đã đẹp bởi thiên nhiên, lại đẹp thêm bởi chính sách. "GDP" bình quân đầu người ở Vân Nam giờ là khoảng hơn 2.000 USD, đứng khoảng thứ 13 - 14 trong tổng số 31 tỉnh thành của Trung Hoa.
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)