“NHỚ NGƯỜI CẦM LÁ DIÊU BÔNG” - MỘT CÁCH TRẢ LỜI VÀ GIẢI MÃ
VỀ HIỆN TƯỢNG THƠ HOÀNG CẦM
(Giới thiệu tác phẩm “Nhớ người Cầm lá diêu bông”, NXB Văn học, 2023,
của nhà văn Nguyễn Thị Minh Bắc)
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Nhiều người cho rằng, thơ Hoàng Cầm hay nhưng không dễ năm bắt. Thế nhưng chính sự khó nắm bắt, khó hiểu đến lạ lùng của thơ ông lại như có một ma lực, một sự quyến rũ đến đam mê, rất cần được quan tâm, lý giải. Cuốn sách Nhớ người cầm Lá Diêu Bông của Nguyễn Thị Minh Bắc ra đời đã góp phần đáng kể trong việc giải mã những tín hiệu thẩm mỹ, đáp ứng sự mong đợi của độc giả yêu thơ Hoàng Cầm.
Đúng vậy, với gần 300 trang và ảnh đẹp, nhà văn Nguyễn Minh Bắc đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và hệ thống một cách khoa học cho các chương mục của cuốn sách.
Chương I: Nhà thơ Hoàng Cầm trong cái nôi văn hoá Kinh Bắc.
Tác giả giới thiệu thân thế và sự nghiệp nhà thơ Hoàng Cầm. Giới thiệu địa danh Kinh Bắc – vùng địa linh nhân kiệt, có bề dầy lịch sử, văn hóa truyền thống - cái nôi văn hoá ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến con người và tài thơ Hoàng Cầm. Cũng là bệ đỡ tinh thần vực ông dậy trong cơn bão lốc cuộc đời, vỗ về nuôi dưỡng hồn thơ ông.
Chương II: Thơ Hoàng Cầm là tấm gương phản chiếu văn hoá Kinh Bắc.
Đây là chương trọng tâm của cuốn sách. Đi từ mảnh đất màu mỡ văn hóa vùng Kinh Bắc, tác giả lần lượt mã hóa thơ Hoàng Cầm ở nhiều chiều cảm xúc. Từ không gian nghệ thuật, đến thời gian nghệ thuật. Từ con người siêu nhiên, con người hùng – người tài, đến những con người bình dị - người Mẹ, người Chị, người gái quê Kinh Bắc.
Chương III: Thi pháp thơ Hoàng Cầm - Giá trị nghệ thuật đỉnh cao, độc đáo.
Đây cũng là chương sách thú vị vô cùng. Tác giả đã lý giải một cách thuyết phục về nét lạ nổi bật của thơ Hoàng Cầm bằng nhiều nhận xét của các nhà nghiên cứu. GS Nguyễn Đăng Mạnh gọi là “phạm trù siêu thơ”, Nguyễn Đăng Điệp thấy ông là “người dệt thơ từ những giấc mơ”. Đỗ Lại Thúy cho rằng “Hoàng Cầm không có lý luận, không có tuyên ngôn như nhóm thơ siêu thực của Breton nhưng trên thực tế ông đã sáng tạo như họ”trang 136). Đúng như nhận xét:”Người nghệ sỹ vĩ đại là người có những đóng góp không thể thay thế trong lịch sử văn học nước nhà, thì Hoàng Cầm, người con ưu tú của xứ Kinh Bắc sẽ là một trong số những nghệ sỹ ấy”(trang 163)
Phần Phụ lục gồm 15 bài tâm huyết của tác giả cảm nhận, bình phẩm về một số bài thơ hay của Hoàng Cầm được độc giả yêu thích. Nhằm giúp người đọc dễ nắm bắt và hiểu rõ hơn giá trị nghệ thuật đỉnh cao, độc đáo của thơ ông.
Nhà văn Nguyễn Minh Bắc thật may mắn khi được thi sỹ Hoàng Cầm để lại cho đôi dòng bút tích. Những nét chữ tươi rói ngay trên trang đầu của cuốn sách, vô cùng quý giá và thực sự hấp dẫn, có sức cuốn hút người đọc. Giúp họ hiểu sâu thêm về tình người, tình yêu quê hương máu thịt và niềm tự hào về nền văn hóa Kinh Bắc của nhà thơ.
Cuốn sách Nhớ người cầm Lá Diêu Bông góp thêm một góc nhìn mới - nhìn từ góc độ văn hóa để lý giải, nghiên cứu, phê bình văn học.
Bởi theo chị, văn hóa Kinh Bắc – “văn hóa mẹ” là nguồn mạch chủ đạo trong thơ Hoàng Cầm. Sự cộng hưởng, hòa hợp giữa hồn thơ Hoàng Cầm và thế giới kinh Bắc đã tạo cho thơ Hoàng Cầm một phong cách độc đáo, chỉ riêng ông mới có.
Nhiều độc giả cho rằng, đọc thơ Hoàng Cầm là đọc văn hóa Kinh Bắc. Tất cả mọi không gian đa chiều của Kinh Bắc đều hiện diện trong thơ ông rất tự nhiên. Từ những dòng sông diễm lệ, núi đồi thần tiên, chùa chiền thanh tịnh, cùng những hội hè Kinh Bắc... trong thơ ông, đều sống động một mảng hồn Kinh Bắc.
Trong lịch sử thơ ca Việt Nam, “không ai nói nhiều về Kinh Bắc như Hoàng Cầm, cũng không nhà thơ nào nói về Kinh Băc giỏi hơn được Hoàng Cầm”(trang 158). Thơ Hoàng Cầm được đánh giá là “cuốn bách khoa thơ về Kinh Bắc” (trang 159). Đúng như tác giả nhận xét: “Chính mảnh đất địa linh nhân kiệt với những truyền thống văn hoá lâu bền đó đã được phóng rọi vào thơ Hoàng Cầm, được ông ghi nhận và giữ gìn, được ông chuyển hoá thành tiếng nói thi ca đậm đà bản sắc Kinh Bắc” (Trang 41).
Để có những biện giải này, chứng tỏ nhà văn Nguyễn Minh Bắc đã rất am hiểu những đặc trưng văn hoá, lịch sử, địa lý và tâm linh miền Kinh Bắc. Soi thơ Hoàng Cầm vào miền Kinh Bắc, chị phát hiện ra một không gian nghệ thuật khá thú vị. Có sông Đuống, sông Thương, sông Lục Nam và con sông Cầu vắt qua miền quan họ. Dòng sông cảm xúc đó chảy giữa nguồn mạch Kinh Bắc tạo nên một dòng sông tâm trạng, đầy ắp kỷ niệm, vời vợi nghĩa tình và tiềm ẩn nhiều tâm tư. Những ngọn núi Huyền Đinh, Yên Tử, Ba Voi, núi Neo, núi Dạm, núi Tiêu, núi Chè, núi Thiên Thai... cùng những dình chùa, hội hè Kinh Bắc “đã được thơ Hoàng Cầm vờn vẽ một cách tài hoa, góp phần viển nổi sắc diện không gian Kinh Bắc” (Trang 83).
Nhớ người cầm Lá Diêu Bông không chỉ làm nổi bật không gian Kinh Bắc bất tử trong thơ Hoàng Cầm mà còn khắc họa rõ nét một thời gian nghệ thuật vô cùng phức điệu, điểm tô gương mặt quê hương. Theo tác giả, thời gian nghệ thuật trong thơ Hoàng Cầm là “Kiểu thời gian phổ biến, phảng phất sắc màu tâm linh, siêu thức nhưng lại gắn bó chặt chẽ với tên người, tên đất, xôn xao đầy ắp những kỷ niệm về Kinh Bắc” (Trang 105). Đó là nhũng khoảnh khắc thời gian được xuyên thấu bởi nhiều cung bậc, từ ngắn nhất như những giây, phút, giờ, rồi qua những ngày, tháng, năm và dài đến vô tận, vĩnh hằng.
Tôi rất tâm đắc về sự phát hiện thời gian nghệ thuật độc đáo nhất là đêm của chị. Trong thơ Hoàng Cầm, “ĐÊM là thời gian được nói nhiều hơn cả. Có hàng trăm nghìn dáng vẻ của đêm mà vẻ nào cũng hiện rõ hồn quê Kinh Bắc” (trang 113). “Đêm trong thơ Hoàng Cầm còn là thời gian đi tìm sự sống. Nhà thơ hành trình vào đêm như để khoả lấp trạng thái bi kịch hiện tại của đời mình” (trang 118) và “Chất men đêm ấy trong thơ Hoàng Cầm thật lạ kỳ, đầy u ẩn không bao giờ nói hết được. Nên ông ảo hoá đêm thành những hình tượng siêu lạ” (trang120).
Trong việc lý giải thơ Hoàng Cầm, Nguyễn Minh Bắc đặc biệt nghiên cứu sâu sắc về con người Kinh Bắc. Bởi họ là các nhân vật trữ tình trong thơ, trong kịch Hoàng Cầm. Họ để lại dấu ấn quá đậm, không phai mờ trong lòng người đọc và trở nên bất tử trong thơ ông. Họ là những con người siêu thường lừng danh trong sử sách như: An Dương Vương, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, cùng các cụ tổ hàng chục đời trên mảnh đất Kinh Bắc. Họ đã khuất bóng ở nhân gian nhưng mãi mãi hiện diện trong tâm hồn nhà thơ Hoàng Cầm, thức tỉnh trong ông lòng yêu giống nòi, tự hào cội nguồn, bức xúc những gì bị trà đạp đau thương. Thơ ông vì thế mà thăng hoa thành điệu, thành vần theo nguồn cảm xúc ấy, và sống mãi.
Tác giả đã lý giải căn nguyên về thơ Hoàng Cầm in đậm những hình ảnh trai tài, gái đẹp của vùng quê Kinh Bắc. Từ vị Vua đầu tiên triều Lý – Lý Công Uẩn, đến vị trạng nguyên đầu tiên của nước Việt - Lê Văn Thịnh. Từ lãnh tụ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đến các đô vật nổi tiếng các làng quê Kinh Bắc…đã thức dậy trong ông sự cường tráng, dũng mãnh, tài cao trí lớn của trai Kinh Bắc, khiến ông bật ra những câu chữ chói lọi xứng tầm- Bình pha lê nghiêng rượu liệm đêm tàn.
Nhưng có lẽ, góp phần làm nên tính cách đa tình, đa đoan con người Hoàng Cầm, chính là người phụ nữ miền Kinh Bắc. Ông yêu họ từ trơng cổ tích đến ngoài đời. Ông mê đắm và thương xót thân phận họ từ người nữ trong hoàng cung như Nguyên phi Ỷ Lan, Tuyên phi Đặng Thị Huệ đến người nữ lao động như cô gánh gạo, cô hàng xén ngoài bãi dâu bãi chợ… Ông mộng mị và tương tư cái duyên dáng, xinh tươi, tảo tần cam chịu của cặp môi cắn chỉ, nụ cười toả nắng, khuôn mặt búp sen.
Nhà văn Nguyễn Minh Bắc lý giải, vì những cảm xúc ấy mà thơ Hoàng Cầm “thăng hoa thành nhiều giai điệu và giàu nhân tính, nhuần nhuyến giữa lý trí và tình cảm. Hình tượng con người trong sáng tác của ông vừa hiện rõ những nét đặc sắc Kinh Bắc vừa mang tính vĩnh cửu phổ quát của nhân loại” (Trang 135).
Như vậy, việc soi vào thơ Hoàng Cầm để tìm ra Kinh Bắc hay nghiên cứu kỹ về văn hoá, lịch sử, địa lý, con người Kinh Bắc để tìm ra những tín hiệu thẩm mỹ tạo nên phong cách thơ Hoàng Cầm? Cả hai điều đó nhà văn Nguyễn Minh Bắc đều thực hiện cùng lúc với những lý giải chặt chẽ, luận cứ luận chứng rõ ràng, sắc xảo. Đó còn là một cách nghiên cứu kép để người đọc được nhận thức kép: hiểu về thơ Hoàng Cầm và được chiêm nghệm thêm một vùng văn hoá đặc trưng mang đậm bản sắc Kinh Bắc.
Chị đã chọn lọc và phân tích văn hoá, lịch sử, địa lý, con người Kinh Bắc có ảnh hưởng sâu sắc đến nhà thơ Hoàng Cầm. Chị cũng tìm hiểu hoàn cảnh thăng trầm cuộc đời ông, tình yêu da diết quê hương Kinh Bắc của ông và xuất xứ những bài thơ ông viết ở mỗi hoàn cảnh đặc biệt, nên đã giải mã được nhiều điều uẩn khúc. Làm rõ vì sao Hoàng Cầm có sức mạnh vượt qua được kiếp nạn lớn cuộc đời, để rồi xuất thần những câu thơ thăng hoa, vụt sáng, thật huyền hoặc ly kỳ, trong nền thơ văn nước nhà.
Để làm sáng tỏ những lý luận của mình, Nguyễn Minh Bắc đã dụng công bình luận một số bài thơ hay, cũng là tiêu biểu nhất của Hoàng Cầm được bạn đọc yêu thích. Đó là các bài: Bên kia sông Đuống, Ca trù hoài cảm, Chiều nghiêng mây Thị Mầu, Xa, Cây tam cúc, Lá diêu bông, Qua vườn ổi, Cỏ Bồng Thi, Nước sông Thương, Mưa Thuận Thành, Bao giờ nói hết, Ai xui chắp mảnh tơ hồng…Trong đó có một số bài bình rất hay, rất ấn tượng như: Cây Tam cúc, Lá Diêu Bông, Mưa Thuận Thành... Với nhiều phát hiện sâu sắc và lý thú, chị đã cho thấy thơ Hoàng Cầm là thế giới mộng tình sống trong ký ức. Đăc biệt ở bài viết “Oanh vàng Kinh Bắc đã ngừng hót” (viết nhân ngày viếng thi sĩ Hoàng Cầm), nhà văn Nguyễn Minh Bắc lại có cớ đúc kết thơ ông một lần nữa bằng những câu chí lý: “Thơ ông phản ánh một Kinh Bắc đa chiều lộng lẫy, trong đó, tình yêu Kinh Bắc là hạt nhân toả ra năng lượng cháy bỏng, xuyên suốt hành trình thơ ông” (trang 186). Hoặc “Không gian Kinh Bắc đậm đặc trong thơ Hoàng Cầm, ghi dấu những thời khắc đầy ấn tượng với những con người tài, người đẹp bất tử cùng những nếp cảm, nếp nghĩ, những tập quán truyền thống mang băn sắc riêng vùng Kinh Bắc” (trang 186). Và chị khẳng định “Điều đáng quý ở thi sĩ Hoàng Cầm là trong cơn sóng gió cuộc đời, nhà thơ đã rút vào bản thể, sống kỹ lưỡng với dĩ vãng, với hồi ức, chìm vào tiềm thức để cho ngòi bút tuôn chảy, rút ruột mình làm nên tập thơ…”.
Nhà văn Nguyễn Thị Minh Bắc là người đầu tiên viết một chuyên luận nhằm giải mã thơ Hoàng Cầm và có được những kiến giải mới mẻ, thú vị được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận. Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu thêm về miền quê Kinh Bắc giàu bản sắc văn hoá và sâu nặng nghĩa tình. Hơn thế, cuốn sách cũng giúp ta hiểu đúng về con người Hoàng Cầm, càng thêm khâm phục một tài thơ. Tuy gặp sóng gió cuộc đời, tai nạn trong văn chương (thời Nhân văn giai phẩm), nhưng ông vẫn vực dậy, vượt lên, cho ra những con chữ lấp lánh, để đời, trở thành tấm gương kích thích người sáng tạo.
Kết luận: Tác phẩm Nhớ người Cầm lá diêu bông – chuyên luận phê bình của chị đã thực hiện nghiêm túc việc giải mã thơ Hoàng Cầm bằng công trình khoa học theo nguyên lý duy vật biện chứng. Toàn bộ cuốn sách đã trả lời thấu đáo câu hỏi vì sao thơ Hoàng Cầm là một hiện tượng lạ, một phong cách thơ độc đáo, riêng biệt, hấp dẫn mê dụ người đọc, góp phần làm phong phú nền thi ca Việt Nam.
Có điều rất đáng trân trọng nhà văn Nguyễn Minh Bắc là: khi Nghiên cứu thơ Hoàng Cầm, chị đã bộc lộ một lối nghiên cứu của riêng mình. Đó là biết tìm tòi ý tưởng, dụng công tập hợp và chọn lọc tư liệu, tìm hiểu các mối quan hệ và so sánh để tìm ra cốt lõi vấn đề. Ấy là một cách trả lới và giải mã về hiện tượng đặc biệt thơ Hoàng Cầm mà từ trước tới nay chưa có ai nghiên cứu một cách công phu, viết thành cuốn sách chuyên luận. Cuối cùng tập trung vào mục tiêu, và thực sự chị đã đạt được thắng lợi đó trong cuốn sách mà chúng ta đang có trên tay.
Thanh Xuân, ngày 21/7/2023
Người gửi / điện thoại