bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM GỌN VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÙI PHƯƠNG THẢO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN LÃ THANH TÙNG!THƯƠNG NHỚ ĐĂNG BẤY, NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG VUI TÍNH , HÒA ĐỒNG, GIẢN DỊ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

 

VU NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN!KÍNH MỜI CÁC ANH CHỊ DỰ BUỔI TỌA ĐÀM ĐÓ XEM HÌNH ẢNH CỦA MÌNH TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Cầm Sơn đã đưa videoclip này!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 33
Trong tuần: 658
Lượt truy cập: 701129

VÈ NHÀ THƠ NGUYỄN LINH KHIẾU

 
Bài mới đăng trên báo Văn nghệ Công an hôm nay 19/9/2024
NGUYỄN LINH KHIẾU: MỖI NHÀ THƠ MANG ĐẾN MỘT KHUÔN MẶT RIÊNG
Nguyễn Việt Chiến
Nhà thơ, tiến sĩ triết học Nguyễn Linh Khiếu sinh năm 1959, quê Mỹ Lộc,Thái Thụy,Thái Bình, đã in 7 tập thơ và một số tập tùy bút, tùy văn. Là một trong những nhà thơ gần đây đã giành toàn bộ sự tìm tòi, thể nghiệm của mình vào lĩnh vực thơ văn xuôi. Nguyễn Linh Khiếu, từng được trao giải thuởng Thơ báo Văn Nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong một thập niên qua đã có một số phát hiện, đóng góp đáng ghi nhận về mặt thi pháp học của thơ đương đại. Tôi nhận thấy, anh là một giọng thơ đa thanh và triết giải ở cả hai trường thẩm mỹ của thơ lục bát truyền thống và thơ văn xuôi hiện đại.
TỪ “CHÙM MƠ TIÊN CẢM” ĐẾN TRƯỜNG CA “PHỒN SINH”
Năm 1991, Nguyễn Linh Khiếu in tập thơ đầu tay “Chùm mơ tiên cảm”, cái tên của tập thơ nghe thật khơi gợi khi mang ở trong nó một ngụ ý triết giải nào đó về chùm quả đầu mùa của mình. Tất nhiên, trong “chùm mơ” ấy, có trái còn xanh, có trái vừa chính tới. Hơn 1/3 số bài trong tập viết theo thể lục bát. Hình như tác giả có duyên với thể thơ truyền thống này qua những câu thơ “Phố huyện” đáng yêu kỷ niệm thời học sinh “Em ơi phố huyện quán Chùa/Cái ngày ta mơi tuổi vừa mười lăm/Em diện áo trắng quần thâm/Anh thùng thình áo quần dầm nước nâu/Chúng mình đã biết yêu đâu/Mới là thinh thích cùng nhau học bài”. Thế rồi mối tình thuở học trò nhớ mong thầm vụng làm cô, cậu xao nhãng bài vở để rồi: “Thầy nhìn ta cứ thở dài/Thông minh là thế phí hoài cả đôi”. Vốn là người nghiên cứu triết học, nhưng bạn đọc không thấy trong thơ anh sự căng néo, gân guốc của ý tưởng và thay vào đó là sự tinh tế của hình ảnh và những liên tưởng: “Tiếng thông reo ngỡ tiếng cờ/Tưởng chừng gươm giáo bất ngờ dựng lên/ Bất ngờ tướng sĩ cung tên/Trời ơi! trận mạc triền miên kiếp người”. Ngay cả khi anh triết luận thì giọng thơ trữ tình vẫn hồn hậu mà đa cảm, vẫn hóm hỉnh mà rõ nét suy tư: “Hình như là những gì trên cát/Sẽ lún chìm xuống dưới cát thôi/Hình như là những gì trên nước/Sẽ cùng sóng vỗ lên rạo rực chân trời”.
Không chỉ dừng ở thành tựu ban đầu đó, trong 12 năm liên tục (từ 2002-2014), Nguyễn Linh Khiếu đãlặng lẽ viết trường ca văn xuôi “Phồn sinh”, rồi đổ bộ vào nền thơ đường đại như một “hàng-không-mẫu-hạm thơ” với tập thơ do NXB Hội Nhà văn ấn hành,dày hơn 700 trang in gồm 150 chương, với 136.369 chữ và gần 13.000 đơn vị câu thơ có độ dài kỷ lục, được ghi nhận bởi kỷ lục guynet Việt Nam. Đây là một trường ca đặc biệt về mặt hình thức, 712 trang thơ văn xuôi (trang nào cũng dày đặc chữ như một trang tiểu thuyết), không hề có bất cứ một dấu chấm, dấu phẩy, dấu cảm thán, dấu hỏi…nào, mặc dù có những câu thơ dài đến 1.716 chữ. Trường ca Phồn Sinh của anh là một bản giao hưởng nhiều tầng, nhiều lớp, đa dạng và phong phú với các dòng chảy của sử học, triết học, mỹ học, của cả thi học và nhân học…trên cái xứ sở phồn sinh của nền văn minh lúa nước dọc châu thổ sông Hồng cùng với những biến thiên của lịch sử.
Đọc Nguyễn Linh Khiếu qua mấy tập thơ sau nàynhư Sa hồng, Hoa linh thảo và trường ca Phồn sinh, đôi khi ta ngỡ ngàng về một miền châu thổ lúa nước tràn trề sức sống với những khúc hoan ca phồn sinh còn thẫm đẫm hơi thở của mùa màng và vạn vật. Nhà thơ tụng ca vẻ phồn thực của đất đai, sông bể và tụng ca những điều bí ẩn thiêng liêng đã nâng đỡ con người và sự sống trên thế gian này trong bài thơ Phù sa sông Hồng: “Những sớm mai trên bờ bãi sông Hồng/chập chờn trong sương tiếng sột soạt /ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo/nây nẩy những bắp non tươi ẩn hiện/mùa nước sinh đang hổn hển trở về/phù sa non đầm đìa tươi mê/lộng lẫy chảy như đàn bò cái đang mùa động đực/tiếng gọi thống thiết ở miền lúa nước/những cánh đồng hôn phối bồn chồn lưu vực dòng sông/phù sa non rạo rực khuấy động mọi u mê cỗi cằn/bầy ếch nhái ộp oạp cõng nhau vào mùa ân ái/ những đám mây trứng cá trứng tôm rực rỡ bồng bềnh bay lượn/các nàng lúa nước ngây ngất thụ thai /trong vòng tay phù sa nóng hổi/khanh khách nước cười màu mỡ phồn sinh/châu thổ náo động nhịp điệu truyền giống thiêng liêng/thế hệ mới đang hun đúc đang hân hoan /dạt dào bờ bến mới/lộng lẫy phù sa căng tròn và hùng dũng như đàn bò cái/trườn lên trườn lên tươi rói và hổn hển…”.
NHỮNG CÂU THƠ NGỒN NGỘN SỨC SỐNG CHÂU THỔ
Trong nhiều bài thơ tự do của mình, Nguyễn Linh Khiếu thường có một kết thúc mở, bài thơ đã đi đến câu cuối nhưng mạch thơ không chịu đóng (hay không chịu “kết”). Và dường như còn một âm vang gì đó ở phía sau bài thơ mà chúng ta chưa nhận ra, chưa thấy hết và chưa nghe thấy được. Đây có thể là một tìm tòi mới, khiến bài thơ đầy ắp sức sống phồn sinh của anh nối dài được dư âm thơ trong tâm tưởng người đọc như một dòng chảy nhịp điệu sống động. Trong những bài thơ như vậy của Nguyễn Linh Khiếu, tôi có cảm giác sức liên tưởng của nhà thơ được huy động tối đa vào công việc khắc hoạ và miêu tả, với tính khái quát của tư duy hình tượng, nó có sức gợi mở chiều sâu của ngôn từ.
Nguyễn Linh Khiếu ở một số bài thơ khác đã cất công, tạo dựng tứ thơ một cách chặt chẽ hơn, tiết chế cảm xúc một cách minh xác hơn, và không để cho phần “thực tả” lấn át phần “hồn vía” của câu chữ như bài thơ Những nàng chuột đồng sau đây: “Trong giấc ngủ ta gặp tiếng rinh rích hân hoan/của các nàng chuột đồng/ có phải mùa xuân đang về trên đất đai phồn thực/những lông mượt mịn màng óng tơ thơm tho/chủ nhân của mùa màng dư dả/đám cưới khởi hành giờ Tý lùng tùng kiệu rước / các nàng bước vào ngày một Một đầu năm/những nàng chuột đồng kiêu sa lộng lẫy xiêm y /và súng sính nữ trang/bao giờ cũng tươi rói rói láu lỉnh và thoăn thoắt gợi cảm/hoa hậu của đồng quê linh hồn/của những đêm thiêng hội hè đình đám bí hiểm/các nàng luôn chứng tỏ tràn trề sinh lực/bằng sự mắn đẻ mê hoặc của mình/vương quốc của các nàng là châu thổ nồng nàn với những cánh đồng phì nhiêu phóng khoáng/và nhân hậu quanh năm bộn bề gặt hái/nơi lũ trẻ nhà quê suốt tuổi thơ nghe đất đai /vỗ về và dạy dỗ bài ca hoà thuận/có phải mùa xuân đã về rồi không nghe /tưng bừng giai điệu cưới xin từ phía những cánh đồng /ta xin diện áo the khăn xếp cùng mọi sinh linh nhập vào /đoàn rước lùng tùng đưa các nàng vào ngày mồng Một đầu xuân”.
Bài thơ văn xuôi trên gợi cho ta về một ý tưởng lạ trong bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng với “đám cưới chuột” vào những mùa xuân cách đây nhiều thế kỷ, đã phần nào nói lên sự phồn sinh lâu bền trong đời sống văn hoá dân tộc. Nguyễn Linh Khiếu là vậy, anh đang kiên trì một hướng đi mới, với những câu thơ văn xuôi ngồn ngộn sức sống phồn sinh về các vùng đất quê hương còn tươi rói những mùa gặt hái và đầy ắp kỷ niệm thời niên thiếu của mỗi chúng ta.
Không như những trường ca truyền thống, Phồn sinh khá đặc biệt về hình thức bởi nó được viết phỏng theo mô thức dòng chảy tuôn trào của sông Hồng mùa lũ. Đây là một văn bản tích hợp, trong đó có cả thơ, văn xuôi và triết học. Cách xử lý kết cấu hiện đại, tiếp cận vấn đề và sự kiện mang tính phức hợp cùng với tư tưởng thẩm mỹ phi truyền thống của tác giả là nhất quán, xuyên suốt trường ca.
Suy nghĩ về nghề văn, Nguyễn Linh Khiếu cho rằng: “Thơ là sự giải phóng năng lượng cá nhân của nhà thơ. Nhà thơ vẽ chân dung của mình bằng thơ. Qua thơ sở dĩ người đọc thấy được chân dung thời đại,dân tộc, con người và văn hóa là vì chúng được phản ánh một cách tuyệt vời và trung thực trong chân dung nhà thơ”.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí về thi ca, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cho rằng: “ Thực ra trong quá trình sáng tác, các nhà thơ đều đồng thời sáng tác các thể loại một cách đan xen do nhu cầu nội tại và cảm hứng sáng tác qui định. Có điều, ở trường ca thường tích hợp trong đó các thể thơ, thậm chí có cả văn xuôi. Trường ca đối với người làm thơ cũng giống như tiểu thuyết đối với người viết văn xuôi. Chỉ với trường ca, nhà thơ mới hiện nguyên hình chân dung văn chương của mình. Các tác phẩm văn chương của tôi bằng cách này hay cách khác đều thấm nhuần triết học phồn sinh. Tư duy thơ và tư duy triết học là hai dạng tư duy có vẻ hoàn toàn khác nhau. Khác nhau nhưng cơ bản đều phát lộ từ tiềm thức, từ vô thức cộng đồng ẩn trú trong mỗi chúng ta. Nó là hai nhưng thực ra lại chỉ là một. Vâng, chỉ từ một chủ thể sáng tạo. Tri thức mà tôi học hỏi, tiếp nhận được đa phần là tri thức triết học, tôn giáo, khoa học. Có thể nó đã đánh thức những năng lượng tương đồng ấy trong tôi thức dậy…”.
Nguyễn Linh Khiếu là như vậy khi anh luôn xác định: “Mỗi nhà thơ mang đến cho văn chương một khuôn mặt riêng, một khuôn mặt văn chương duy nhất. Nó thực sự đặc sắc cả về ngôn ngữ, nhịp điệu, kết cấu, tư tưởng, văn bản và lý tưởng thẩm mỹ. Nhà thơ không chỉ trò chuyện với thời đại mình, mà hơn thế, họ còn phải trò chuyện với những thời đại mai sau”.
chim_cuoc
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)