bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

ĐỨC BÌNH - 0969781942

XIN CÁM ƠN BAN BT đã đăng bài ĐÁ BIẾT ĐAU !

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐINH Y VĂN! BÁC ĐÃ CÓ Ý KIẾN RIÊNG VỀ "NHÂN CHỨNG CÂM"! CHÚNG TÔI LUÔN HOAN NGHÊNH CÁC Ý KIẾN CỦA BẠN ĐỌC! VŨ NHO

 

Đinh Y Văn

Tôi là một người con của làng quê, cũng có những tán cau vươn trên lũy tre làng, cây gạo cây bàng cổ thụ… Là bạn đọc thường xuyên của Trang Nhà nên chân thành “hưởng ứng” câu hỏi của Tổng biên tập, “n...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC VỀ MỘT MỐI TÌNH THUỞ HỌC TRÒ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC SĨ HÀ HẢI ANH ĐÃ CỘNG TÁC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!BÀI THƠ TẶNG PHU NHÂN RẤT THÚ VỊ!CHÚC CÁC BÁC AN KHANG THỊNH VƯỢNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 64
Trong tuần: 883
Lượt truy cập: 958636

VỀ TẬP THƠ "TRẮNG MÂY TÓC MẸ"

ĐÔI NÉT CẢM NHẬN VỀ  THƠ THIÊU NHI CỦA TRƯƠNG ANH TÚ

1-truong-anh-tu-8925

Nhà thơ TRƯƠNG ANH TÚ


            Qua tập “ Trắng mây tóc mẹ”, Nhà xuất bản Kim Đồng

                                   Vũ Nho

             Khi nhà thơ Tương Anh Tú trình làng tập “ NHỮNG MÙA HOA ANH NÓI”, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018,  chúng tôi đã viết một bài bình luận khá dài. Trong đó  vẫn lưu trong bản thảo  nhận xét tổng quan của mình : “Có thể nói Trương Anh Tú làm thơ khá hồn nhiên, tự nhiên. Anh vẫn làm các thể thơ truyền thống tự do. Anh cũng không có ý cách tân hay hậu hiện đại gì cả mà chỉ hồn nhiên thể hiện tình cảm của mình. Tôi đánh giá tất cao sự hồn nhiên, tự nhiên đó” ( trong bài viết Trong trẻo hồn nhiên một hồn thơ Hà Nội). Vâng, hồn nhiên là một phẩm tính rất quan trọng của thơ, nhất là thơ cho tuổi thơ. Trong cuốn chuyên luận về thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa,  chúng tôi đã có một đề mục 8 trang in trình bày về vấn đề này với  kết luận: “ Nếu vắng thiếu sự tưởng tượng và liên tưởng hồn nhiên, nếu vắng thiếu những tinh tế trong cách nhìn, cách nghe, cách cảm gắn liền với liên tưởng và tưởng tượng, thơ Trần Đăng Khoa sẽ thiếu đi  một nét siêu việt – nét đặc sắc nhất để xếp vào loại thơ thần đồng” ( Vũ Nho – Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca –Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2000, tr.28)

            Không ít lần khi viết về các tác giả thơ thiếu nhi, chúng tôi đã từng khẳng định dù tất cả mọi người lớn, đều có một thời là trẻ em, nhưng khi trưởng thành, chỉ có một số rất ít vẫn giữ được  cô bé hay cậu bé đó trong mình. Chính những người  ít ỏi này  nếu làm thơ, sẽ giữ được “cặp mắt xanh non”. Họ  viết thơ cho trẻ  em bằng  cách cảm cách nghĩ của người “đồng tuổi” nên trong trẻo,  hồn nhiên,  ngộ nghĩnh độc đáo và thú vị.

            Hãy xem “cậu bé” trong Trương Anh Tú kể chuyện  hít thở của mình trong bài “ Hơi thở mùa xuân”:

                        Tôi hít vào mùa đông

                    Thở ra bằng mùa hạ

                     Mùa thu tôi chiếc lá

                     Mang hơi thở mùa xuân.

 

                    Tôi giọt sương trong ngần

                    Thở ra bằng mây trắng

                    Như dòng sông thầm lặng

                    Thở ra bằng biển xanh.

 

                   Tôi giọt nắng ngọt lành

                   Thở sớm chiều với đất 

                   Tình yêu tôi đọng mật 

                   Trong cỏ hoa bốn mùa.

 

                    Tôi thở bằng giấc mơ.

Thật là ngộ nghĩnh và khác thường. Cậu bé hít vào mùa đông lại thở ra mùa hạ. Chưa hết, cậu “giọt sương” lại thở ra bằng mây trắng. Rồi cậu bé “giọt nắng” lại thở  “bằng giấc mơ”.  Cùng thở ra lạ lùng như cậu là dòng sông: Như dòng sông thầm lặng/ Thở ra bằng biển xanh.

Chỉ thấy thú vị và ngộ nghĩnh. Khác nào câu chuyện bạn đọc đã từng biết trong bài thơ của Xuân Quỳnh : “ Màu xanh bắt đầu cỏ/ Màu xanh bắt đầu cây/ Cây cao bằng gang tay/ Lá cỏ bằng sợi tóc/ Cái hoa bằng cái cúc/ Màu đỏ làm ra hoa” ( Chuyện cổ tích về loài người).

            Mặt trời, hình ảnh mà ai cũng nhìn thấy hàng ngày. Thế nhưng mỗi  trẻ em lại nhìn “ông mặt trời” theo  trí tưởng tượng của mình. Chú bé Khoa từng thấy ông ta như một đầu bếp nổi lửa thổi cơm sớm:

                        Ông trời nổi lửa đằng đông

                        Bà sân vấn chiếc khăn hồng đẹp tươi

                                              ( Buổi sáng sân nhà em)  

Còn chú bé trong thơ  Trương Anh Tú thì so sánh với màu quả gấc, màu xôi,  với màu lá bàng, màu hoa gạo .  Ông mặt trời ấy “chạy” cùng mây trắng, sông, suối. Và kì lạ là ban ngày “mọc lên từ biển/ Đêm về lại hóa biển khơi! “ 

Mặt trời đỏ như quả gấc
Như xôi mẹ nấu những ngày
Như chiếc lá bàng em nhặt
Tuổi thơ xếp tận trời xanh.
 
Mặt trời đỏ như hoa gạo
Đợi ai thắp lửa bên trời
Bao nhiêu mặt trời - hoa gạo
Đọng trong những hạt sương rơi.
 
Mặt trời chạy cùng mây trắng
Cùng sông, cùng suối… không rời
Mặt trời mọc lên từ biển
Đêm về lại hóa biển khơi.

 Thật thú vị khi thấy chú “ếch giật mình sợ ngã” trong đêm trăng huyền ảo mùa Thu  của ao nhà:

                           

                               Ánh trăng mỏng như dải lụa

                             trong veo mặt nước ao nhà

chú ếch giật mình sợ ngã

vào lòng mùa thu bao la.

                                               (Chú ếch và mùa thu)

Biển cả bao la thế, nhưng trong cách nhìn trong veo, ngộ nghĩnh  của trẻ thơ thì biển chỉ là giọt sương, là dòng sông, là mưa rơi mà thôi:

                   Biển là mưa rơi

Thấm trong lòng đất

Quên mình bất tận

Mai thành biển khơi.

Đột nhiên, lại nhớ những vần thơ của nhà thơ thiếu nhi lừng danh Nguyễn Hoàng Sơn, viết về Biển trong   con mắt nhìn của nhân vật Còng gió ba hoa  nói với Cá sông:

                   Ra biển thăm em họ?

                   Ôi chị điên thật rồi

                   Biển chỉ là cái chảo

                   Suốt ngày đêm sục sôi

                   Nước biển là nước mắm

                   Tất nhiên mặn ra trò

                   Chị mà về dưới đấy

                   Lập tức thành cá kho

                             ( Nguyễn Hoàng Sơn – Một cuộc du lịch)

 Trong tập thơ này, nhà thơ  Trương Anh Tú có nhiều bài thơ về mẹ. Thi sĩ Trần Đăng Khoa khi còn là chú bé đã viết bài thơ xuất sắc “Mẹ ốm”. Các thi sĩ  người lớn như  Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Công Trứ cũng có những câu thơ về mẹ rất xuất sắc. Chúng tôi muốn nói rằng các bài của Trương Anh Tú về Bà, về Mẹ trong tập này khá hay.

          Về người Bà yêu quý :

Bà đi nơi chín suối
xa xôi nơi chín đèo
nhớ bà gầu giếng khóc
im lìm nước trong veo.

Vườn xưa xào xạc lá
chợt về trắng sân mây
tiếng chổi tre bà quét
còn vọng thoáng đâu đây.

Ngỡ bà trong trời đất
thầm lặng như đất trời
ngỡ bà trong dáng núi
ngỡ bà trong mưa rơi.

          ( Nhớ bà)

Với người Mẹ thì có các bài thơ : “Mẹ tôi”, “Con học từ tiếng mẹ”, “Bàn tay mẹ”,  “ Giấc mơ hạnh phúc” và “Trắng mây tóc mẹ”. Tất cả đểu thể hiện lòng kính yêu,  sự biết ơn vô bờ của người con với Mẹ của mình.
          Về mối liên hệ máu thịt giữa người con và Mẹ, tác giả có những hình ảnh độc đáo, khoáng đạt:

                                      Con là vầng trăng bé

Treo trong mẹ trời xanh

Con là chùm quả ngọt

Treo cây mẹ ngọt lành.

 

Con là con sóng nhỏ

Tung tăng khắp biển trời

Chạy vào trong lòng mẹ

Mênh mang hơn biển khơi.

Trắng cùng mây tóc mẹ

Con thành người mẹ ơi!

Chỉ hình ảnh tóc mẹ trắng như mây để cho con thành người đủ nói tấm lòng biết ơn vô bờ của người con với mẹ của mình.

 

          Chúng tôi nhớ trong tập “ Những mùa hoa anh nói”, nhà thơ Trương Anh Tú có một phần thơ “Giấc mơ tuổi thơ”. Một số bài đó chắc có mặt trong tập thơ này.  Ở đây, nên chú ý đến bài “Tiếng hát” với  hai câu thơ:

                             Tôi mang nụ cười nhỏ

                             Hồn nhiên trong mắt mơ

Vâng, tập thơ này của Trương Anh Tú có thể ví như “nụ cười nhỏ”, nụ cười hồn nhiên trong mắt mơ, tặng cho các bạn nhỏ, tặng cho những bậc phụ huynh yêu thích thơ ca.         Tin rằng nụ cười hồn nhiên, thân thiện này sẽ được bạn đọc  Việt Nam nồng nhiệt đón nhận! Bởi nụ cười đó do một người Hà Nội gốc, một người con xa xứ hiện đang định cư ở Công Hòa Liên bang Đức  vượt muôn trùng xa cách đem về trao  tặn                                                    Hà Nội, 30 tháng 3 năm 2025                   

 nui_xanh


      

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003.
Nhà văn, Phó Gs, Tiến sỹ VŨ NHO:  vunho121@gmail.com