PGS.TS. LUẬT, NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh (1930 - 2018) là nhà lý luận - phê bình hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại. Đã có nhiều bài viết về văn nghiệp và con người giáo sư với tư cách là bạn bè, đồng nghiệp, hoặc học trò. Bài viết này là chút hoài niệm của người có thời là hàng xóm của giáo sư, nhân dịp tròn 5 năm ngày ông rời cõi thế.
Gia đình thầy Mạnh (tôi vẫn theo các trò gọi giáo sư là thầy xưng em) đã chuyển từ Đồng Xa (khu Tập thể Đại học sư phạm) về Quan Hoa vào đầu năm 90 của thế kỷ trước, trước tôi khoảng vài năm. Cũng là mua đất làng, rồi dựng nhà. Căn nhà hai tầng nằm trong ngách, thuộc Ngõ 68 Quan Hoa, không rộng lắm, tọa lạc trên một mảng đất cũng chẳng vuông vức gì. Sân chỉ là một khoảng nhỏ đủ chỗ cho một cây mít, chắc là có sẵn trên nền đất cũ. Một khung sắt hàn chắn ngoài cửa nhà, muốn gặp chủ nhân thì phải bấm chuông. Người ra mở cửa thường là cô Thoại, phu nhân của thầy, cũng là một nhà giáo đứng tuổi nay đã nghỉ hưu. Thầy có hai con, anh lớn làm việc ở Sài Gòn, thỉnh thoảng mới về thăm nhà, cô em gái ở với gia đình, hồi ấy chưa chồng. Cơ ngơi của một giáo sư XHCN, một thời nghèo khó nay các con đã trưởng thành có dễ thở hơn, xem ra cũng vẻn vẹn chỉ vậy. Dù thế, so với chen chúc ở khu tập thể cũ, đội mũ lá sờn vành, đi xe đạp cà tàng, thì chắc cũng là một cuộc “đổi đời” rồi.
Thầy có giầu, là giầu sách vở và đám học trò. Sáu mươi năm làm nghề dậy học, mà là dậy văn, ông đã gieo vào lòng bao lứa sinh viên cái hay của văn chương, cái đẹp của chữ nghĩa, thì thật khó mà đong đếm. Trong số đó, có trò nhờ văn chương mà thành ông, thành bà (quan văn), thành “nhà” (nhà giáo, nhà báo, nhà văn), nhưng cũng không ít người bị văn chương “ám”, để rồi cứ suốt đời ngơ ngẩn thẩn thơ, chẳng đâu vào đâu, chẳng cái gì ra cái gì. Song, tôi tin rằng nếu hồi tưởng lại họ vẫn thấy những năm tháng sinh viên đắm mình trong cái hay, cái đẹp của văn chương, cùng với hình bóng những người thầy của mình, vẫn là những trang đời đáng nhớ nhất. Hạnh phúc của người thầy, lại là thầy văn học, là như vậy.
Giáo sư làm việc ở tầng hai, nhìn ra ngõ, tầng dưới là phòng khách độ vài chục mét vuông, bài trí đơn giản. Ngày tết có khởi sắc hơn, ấy là một cành đào lớn cắm bình, thường là do tự tay thầy chọn mua ở làng hoa Nhật Tân. Trên tường treo một số tranh, trong đó có bức chân dung của thầy do một họa sĩ vẽ tặng. Chân dung mầu nhìn đẹp, song “hiền quá”, béo tốt quá, chưa thật lột tả thần thái Nguyễn Đăng Mạnh. Ấy là tôi nghĩ thế. Chính tại căn phòng này một thời lui tới rất nhiều khách, phần đông là học trò, nhất là vào “ngày nhà giáo”. Chu Sơn, Văn Giá, thì không lễ tết nào là vắng mặt. Ngày thường, Đỗ Ngọc Thống cũng thường tạt qua, tự đảm nhận vai “xe ôm” của thầy. Tôi không là học trò cũng chẳng tăm tiếng gì, nhưng là hàng xóm của giáo sư, chỉ cách mấy chục bước chân, nên ít nhiều cũng được… thơm lây. Cái dream cà tàng màu mận chín của tôi cũng lấy làm vinh dự đèo thầy đôi ba lần đây đó, khi ông cần.
Hồi ở Quan Hoa thầy đã ở độ tuổi U70, tóc muối tiêu (mà muối nhiều hơn tiêu), da đã thấp thoáng đồi mồi, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Thầy người trắng trẻo, nho nhã, ăn mặc tươm tất, song không cao lớn, nếu đứng cạnh nhà văn Nguyễn Đình Thi, hay nhà văn Nguyễn Khải, thì chỉ tầm ngang cổ họ. Tinh hoa phát lộ ở đôi mắt, đen sáng, sắc sảo và có phần hóm hỉnh. Song thần thái nhất là ở cái cười. Chu Sơn, trò mang nhiều vóc dáng, phong thái Nguyễn Đăng Mạnh nhất, trong một bài khắc họa chân dung thầy mình, đã viết “Phải cái cười đã “cứu” tất cả. Nó bừng sáng, làm tan đi cái vẻ đăm đăm khắc bạc, những nét sắc sắc nhòn nhọn phút chốc chìm đi, tỏa ra xung quanh một làn hơi ấm và sáng”.
Đúng là cái miệng mà Sơn gọi là “nhòn nhọn” ấy, trước khi buông ra những lời nhận xét (cứ như là đinh đóng cột), thì thường chúm lại như đo đắn, ước lượng gì đó rồi mới bật ra cùng với một bàn tay chém mạnh: “cái tay này là chúa thích quyền lực”, “cha ấy trông thế chứ cũng được đấy”, “sao cái thằng ấy nó lại Chí Phèo thế”, “nói thế là ngu chẳng hiểu gì đời sống ngày ấy cả”…Những nhận định thẳng tưng, mà hơi “ác” ở thầy thưởng có kiểu như vậy. Bản tính thẳng thắn đã đành, mà có lẽ còn do thói quen của người làm nghiên cứu phê bình: Phải rình tóm bằng được cái tư tưởng nghệ thuật của đối tượng, từ đó mà lần cho ra được phong cách, bút pháp, thi pháp, làm nên cái “bản lai diện mục”, cái “thế giới nghệ thuật” của anh ta. Hay, nói như nhà thơ, nhà văn hóa Lê Đạt, là tìm ra “cái vân chữ” đặc thù, chỉ có ở nhà văn đó. Những quan niệm đã trở thành xác tín ở thầy, như “con người là con người” (nghĩa là có mặt này và cũng có mặt kia), “văn chương là văn chương” (văn chương có quan hệ với chính trị nhưng không phải là “con rối” của chính trị) đã làm nên cốt cách văn phong Nguyễn Đăng Mạnh, song cũng mang đến cho ông không ít những rắc rối, phiền toái.
Hồi mới đổ bộ vào làng Quan Hoa, tôi cũng ở trong ngách như thầy. Ấy là một căn nhà cấp bốn của chủ cũ để lại nằm trên mảnh đất dăm chục mét vuông, hình thang lệch, lại “thót hậu”. Mưa to, nước ngập đến đầu gối, mà nước sạch lại tậm tịt, có lúc phải dùng bơm rình lúc nửa đêm mà hút từng chút một. Chính ở đấy tôi đã làm cái việc đại sự không thể trì hoãn được, là “lấy vợ”, vì đã sang tuổi quá niên trạc ngoại tứ tuần mà mày râu đã không nhẵn nhụi, áo quần cũng chẳng bảnh bao. Chính cô Thoại, phu nhân thầy, đã phải làm cái việc đại diện cho nhà trai sang họ nhà gái “xin cưới”. Lúc đầu cô kiên quyết từ chối với lý do là “chưa từng làm cái việc này bao giờ”. Sau rồi, do thương tình, nhất là vì Chu Sơn, Văn Giá cứ nói khó mãi về cái sự thân cô, thế cô của “khổ chủ” là tôi, nên cô cũng phải đành lòng nhận. Người đứng ra làm “chủ hôn” tại một nhà hàng ở phố Huế, là nhà thơ Quang Huy - đương kim Giám đốc Nxb Văn hóa (nơi tôi đã từng in thơ) cũng nằm trong cái sự thương quý, cả nể ấy.
Sau này, tôi đã chớp thời cơ đất đóng băng chuyển từ ngách ra mặt Ngõ 68, lên một “biệt thự làng”, khá hoành tráng. Hôm mở “tiệc” tân gia, nhận lời mời thầy có sang dự mừng. Trong bữa rượu hôm ấy, thầy là “khách sộp” nhất. Nói thật, là trong thâm tâm tôi có hơi lăn tăn, vì mình chỉ là một nhà báo quèn, một nhà giáo “thỉnh giảng”, léng phéng thế nào mà lại ở nhà to hơn giáo sư đầu ngành. Tuy nhiên, là người từng trải, bao dung, thầy không tỏ thái độ bóng gió, ánh ỏi gì, cứ uống, ăn và nói cười thoải mái.
Thầy không nghiện rượu, song đã ngồi vào tiệc, đã uống là phải uống rượu ngon, rượu ngoại. Hút thì thầy nghiện, song cũng như rượu, thuốc phải là thuốc lá ngoại. Không có thì thôi, không uống tạp, hút tạp. Biết thế nên mỗi Tết đến, tôi thường thủ vài bao ba số hay dunhill sang mừng tuổi thầy, như một chút quà mọn. Không đến mức đạo mạo, quan cách, song chẳng biết tự bao giờ hai từ “sang trọng” đã là một “thương hiệu” gắn liền với Nguyễn Đăng Mạnh. Cái tính cách này là do di truyền từ ông bố thầy, không làm quan to, song cũng có máu ăn chơi, ganh đua với đời. Chơi cảnh, chơi chim, đồ cổ, tổ tôm và cả hát ả đào nữa, chắc chỉ thiếu có ngả “bàn đèn” tại gia. Thầy mê văn Nguyễn Tuân, rồi lây cái “sang”, ít nhiều cái “kiêu bạc” của Nguyễn, có lẽ cũng là do ở cái sự đồng điệu này. “Sang trọng”, “nhếch nhác” mang bản quyền Nguyễn Đăng Mạnh, sau di truyền sang miệng mấy tay học trò ruột, và còn được thêu dệt với nhiều biến thái, rất thú vị.
Theo lời thầy, phố huyện Hải Hậu ngày ấy, cũng như phố thị nghèo trong văn Thạch Lam, lèo tèo, tẻ nhạt thôi. Làm thành một không gian phố huyện gồm vài cái trụ sở hành chính, trường tiểu học, dăm cửa hiệu tạp hóa, hàng thuốc, hàng cơm, hàng phở… là hết. Nhìn chung là ít “phố” mà nhiều “quê”, chỉ bách bộ mấy chục bước đã thấy làng rồi. Tẻ nhạt là trong mắt người lớn, chứ với trẻ con thì không. Tuổi nhỏ hiếu động, trốn học, trốn nhà, kết bạn cùng lũ trẻ nghịch ngợm lặn lội cua cáy, rượt bắt chuồn chuồn, cào cào, châu chấu, cứ là loạn xạ cả lên.
Nhiều kỷ niệm, song nhớ nhất là những cây bàng phố huyện, sao nhiều bàng thế, về mùa hè cứ xanh mướt một dải phố. Sang thu quả chín từng chùm vàng ươm, bóng nhẫy. Bọn trẻ có đứa trèo lên hái. Lại có bọn hò nhau lấy đất đá ném cho quả chín rụng xuống. Chia nhau gặm hết cùi, ngọt lừ, rồi thì bổ hạt ra ăn nhân, bùi lắm. Rồi lại còn nhiều nhà thờ nữa, nhấp nhô trên những lũy tre xanh là những nóc nhọn gác chuông kiến trúc Gothic các loại. Giữa trưa, tối, nửa đêm, gần sáng là tiếng chuông cứ tiếp nối theo nhau, chồng lên nhau, vang ngân khắp cả một vùng quê lúa. Đúng như âm hưởng ca khúc Làng tôi của Văn Cao (người gốc Nam Định): “Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều/ Tiếng chuông nhà thờ rung/ Đời đang vui/ Đồng quê yêu dấu/ Bóng cau với con thuyền một dòng sông…”. Thứ bảy, chủ nhật con chiên áo chùng thâm, chùng trắng từ các ngõ xóm í ới gọi nhau đi lễ nhà thờ, hát thánh ca, vui vẻ, thanh bình lắm. Rồi, những câu hát chèo, điệu hát văn cứ văng vẳng, lẩn quất đâu đó nơi thôn dã.
Tôi bảo với thầy, nhà em “đi đời” không “đi đạo”, dân “đồng” (ruộng), chứ không phải dân “bãi” (biển), song sống với giáo dân. Trường cấp ba em học trước đấy vốn là dãy “Nhà Dòng” hai tầng, thời kháng Pháp gọi là “bốt” Đông Biên (giáp giới với đền thánh Quần Phương) được cải tạo lại. Hải Hậu đã được chính sử nhà Nguyễn ghi nhận là nơi những nhà truyền giáo phương Tây, xứ Bồ Đào Nha, đặt bước chân đầu tiên vào mảnh đất hình chữ S này, vào đầu thế kỷ thứ XVI - đời vua Lê Trang Tông. Toàn tỉnh Nam Định nay ước tính có hàng chục vạn giáo dân, với hơn 600 nhà thờ, hàng trăm xứ đạo. Nhà thánh Quần Phương (nhà thờ Đông Biên) ở phố huyện chính là nơi đã quay một số cảnh hành lễ trong phim “Ngày lễ thánh”, chuyển thể từ tiểu thuyết Bão biển của Chu Văn (một thời trưởng ty văn hóa Nam Hà) do nữ nghệ sĩ Bạch Diệp làm đạo diễn (nữ nhà báo Bạch Diệp hồi trẻ đã từng có hơn nửa năm trời là người vợ duy nhất của “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu - một đối tượng nghiên cứu tầm cỡ của thầy). Ngày lễ thánh kể về đời sống bộn bề, phức tạp, cùng sự giằng co giữa cái cũ và cái mới, của một làng Công giáo ven biển, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. “Bão Biển” như là nối tiếp “Xung đột” của nhà văn Nguyễn Khải, quê gốc Nam Định - cũng là một nhà văn nằm trong tầm ngắm của thầy .
Sau này, trong “hồi ký” của thầy có đoạn thấm đẫm dư vị tuổi thơ: “Phải nói rằng tôi từ nhỏ đã có một đầu óc rất giàu tưởng tượng đến mức như là bệnh hoạn, cứ nhắm mắt lại là lập tức như lạc vào một thế giới hoang đường nào. Nếu không ngồi chơi một mình thì đi lang thang vớ vẩn ở phố huyện hay trên những cánh đồng, bờ đê, đường làng, ngõ xóm, bắt cào cào, châu chấu, chuồn chuồn, chui vào các đền miếu quanh vùng, trèo cây, hái quả, vừa đi vừa tưởng tượng. Tôi rất thích quả bàng chín. Nó có một vị ngọt ngọt chua chua rất riêng và một hương thơm riêng. Về sau này, ngẫm ra, tôi gọi đấy là hương vị của mùa thu. Ăn một quả bàng chín như nuốt vào trong bụng hương vị của mùa thu”.
Vui chuyện, tôi đã thưa rằng làng Quần Phương, nơi thầy sinh, cũng chính là quê nhà văn liệt sĩ Nguyễn Thi (tên thật là Nguyễn Ngọc Tấn), cũng là bút danh của nhà thơ Vũ Quần Phương (tên thật là Vũ Ngọc Chúc): “Tên Quần Phương thân tha phương/ Tôi lấy tên quê làm độ đường…”. Thầy bảo: “Mình biết. Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, Nguyễn Ngọc Tấn cũng chỉ là bút danh. Ông gốc làng Quần Phương thượng, mình sinh ở Quần Phương hạ. Ông sinh năm 1928, trước mình hai năm. Mình đã nghiên cứu Nguyễn Thi từ rất sớm. Đây là nhà văn “tầm cỡ”, chỉ tiếc rằng ông hy sinh khi đang viết dở dang tiểu thuyết “ở xã Trung Nghĩa”, hứa hẹn một tác phẩm lớn. Trường hợp Nguyễn Thi thời chống Mỹ cũng tương tự như Nam Cao thời chống Pháp, đều rất yêu nông thôn, dành hết tâm huyết cho nông dân, và đều hy sinh ở độ tuổi tài năng đầy hứa hẹn. Số phận của họ gắn liền với số phận của dân tộc, nghèo khổ và chiến tranh. Hai đời văn này là những tấm gương tiêu biêu của trí thức ở một nước nhược tiểu phấn đấu tự vượt lên.
Nhân tiện, tôi cũng khoe với thầy: “Hải Hậu là đất mới ven biển, thuần nông, vậy mà cũng là “lò ấp” của lắm văn nghệ sĩ ra phết. Ngoài Nguyễn Thi, còn là kịch gia Đào Hồng Cẩm, nhà “Nga học” Phạm Vĩnh Cư, nhà làm phim thời sự Trần Văn Thủy, nhà văn hóa học Ngô Đức Thịnh. Ngay tại Hải Thanh, xã em, cũng có nhà văn Nguyễn Ngọc Ký, người có “đôi bàn chân kỳ diệu”. Đấy là còn chưa kể mấy “tên tuổi”, sinh ra ở Hải Hậu rồi “theo vận nước nổi trôi”, mà dân ngoài Bắc ít được biết đến (vì lý lịch có vấn đề). Tiêu biểu như giáo sư, triết gia Lương Kim Định (xã Hải Vân), nhà thơ Mai Thảo (thị trấn Cồn), nhà phê bình văn học Thụy Khuê (xã Hải Đông)…
Nghe thế, thầy tỏ vẻ hơi ngạc nhiên: “Những trường hợp này giống như ông anh, con ông bác mình, tên là Nguyễn Đăng Thục. Ông là giáo sư triết học lừng danh ở trong Nam, có nhiều công trình để đời, vậy mà chỉ sau năm 1975 ngoài này mới có người biết tiếng. Thụy Khuê mình có gặp ở Pa-ri hồi sang Pháp, năm 1993. Đó là một nhà phê bình tên tuổi, quen biết nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại, đi nhiều, viết khoẻ, và cũng như mình, thích hóng chuyện, nhất là những chuyện văn chương ở “phía bên kia”. Gần đây, tôi có đọc một bài viết năm 2009 khá dài có tên là “Thầy Mạnh”, trong đó bà Thụy Khuê dành cho ông những lời đánh giá cao, chẳng hạn “Nguyễn Đăng Mạnh là một nhà phê bình sắc sảo, ông nhận ra những gì người khác chưa thấy, và ông thấy được sợi chỉ đỏ trong tư tưởng và nghệ thuật của tác giả”, “Nguyễn Đăng Mạnh là một nhà trí thức dám nói, trong một môi trường ít người dám nói thật”,“Nguyễn Đăng Mạnh là nhà phê bình có lương tâm nghề nghiệp trong môi trường ít người giữ được lòng trong”.
Tuy chỉ là cái nhìn của một nhà phê bình văn học hải ngoại, và cũng chẳng có phát hiện gì ghê gớm, song những nhận xét ấy cũng rất đáng lưu tâm. Nhà nghiên cứu phê bình Thụy Khuê “phục thầy” ở nhiều điểm, nhưng thú vị nhất lại là ở cái duyên kể chuyện “Khi ông sang Pháp, tôi có được tiếp, nghe chuyện ông cả ngày không chán. Mà không phải nghe chuyện ai mình cũng thú đâu, nhiều người nhạt như nước ốc mà lại thích thao thao, ta đành chịu trận”. Đúng, đọc Nguyễn Đăng Mạnh, nhất là những chân dung văn học của ông không nhạt. Không nhạt, vì ông giầu tư liệu, lắm chi tiết, có những tư liệu ông độc quyền. Thêm nữa, ông còn khá rành thủ pháp dựng không khí, khắc họa tính cách, lựa chọn chi tiết, đưa đẩy câu chữ, tóm lại đó là thứ “phê bình chân dung” có văn, có giọng điệu. Như vậy, thầy đã thực hiện được cái điều mà ông hằng tâm niệm và viết ra “Văn phê bình phải có văn, có giọng, không có văn có giọng làm sao chuyển tải được nội dung thuyết phục đến người đọc”.
Theo thầy, thích “hóng chuyện” là căn “bệnh” chung của người làm nghiên cứu, phê bình. “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” là câu của nhà văn M.Gorky mà thầy lấy làm tâm đắc. Vậy nên khi mới vào nghề giáo, tập tẹ làm nghiên cứu, phê bình, ông đã sớm có ý thức săn tìm, gặp gỡ các nhà văn tên tuổi, thích “húc” vào những nhà văn bị xem là “có vấn đề”. Thời chiến, thiếu thốn đủ mọi thứ, từ phương tiện đi lại đến công cụ hành nghề. Để có những trang viết, khiến cho bạn đọc, nhất là người trong nghề “tâm phục khẩu phục” cũng phải kỳ công lắm. Có nhà văn cũng dễ tính thôi, nhưng có “nhà” cũng kiêu kỳ, định kiến với nhà phê bình. Phải kiên trì “đeo bám”, phải có “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” (chữ Nguyễn Tuân), thì mới mong họ cởi mở cõi lòng, dãi bày tâm sự với mình. Từ đó, mình mới “moi” được những chi tiết đắt, mới “móc” được những của độc, mới rành chuyện “bếp núc văn chương” xứ ta. Tính ra, tổng cộng ông đã có tới 35 quyển sổ ghi chép các loại. Thật đúng là “công trình kể xiết mấy mươi”. Sau này thầy sắm được máy ghi âm cầm tay rẻ tiền, máy ảnh mini nhưng cũng tậm tịt, phát xịt phát nổ.
Những tư liệu “tươi sống”, nhất là những chi tiết “đắt” và “độc”, đã mang lại cho nhà nghiên cứu phê bình nhiều lợi thế, nhất là khi dựng chân dung văn học, song lại rắc rối phiền toái khi viết hồi ký. Giá như ở hồi ký, ông lược bỏ một số đoạn nhậy cảm, hay dùng “uyển ngữ”, “nhã ngữ” thì sẽ suôn sẻ, yên thân hơn. Khốn nỗi, như một lời than của cô Kiều “rằng quen mất nết đi rồi/ Tẻ vui âu cũng tình trời biết sao”. “Quen mất nết” ở đây là làm nghiên cứu phê bình nên quen săn tìm chi tiết “sống” của những người nọ, việc kia, còn “tính trời” là cái tính, như chính ông đã tự bạch:“Xin nói thêm về một nét tính cách này mà tôi tự nhận thấy đã có từ nhỏ: thực chất thì hèn nhát, nhưng lại muốn tỏ ra là dũng cảm. Chẳng hạn, vào các đền miếu bỏ hoang, phá phách các đồ thờ cúng, lấy những cây gươm thờ múa may chơi... Sau này lớn lên, tôi thích ăn nói ngang ngược, nhưng chỉ dám nói trong phạm vi một công chúng vốn hâm mộ mình hoặc đồng tình với mình hay không có khả năng hại được mình. Viết lách cũng thế. Không muốn nói xuôi chiều, thích gai góc một chút, nhưng cũng chỉ trong giới hạn không nguy hiểm lắm đến bản thân mình và vừa đủ cho một số người yếu bóng vía phải nể trọng”.
Được biết, cuốn “hồi ký” dầy 300 trang, gồm ba chương, thầy viết xong năm 2007 định để đấy đã. Bản thảo gửi đi nhờ đánh vi tính (thầy không rành về vi tính, internet) chẳng biết thế nào mà lại phát tán lên mạng, thành sự kiện ồn ào một thời. Chưa in thành sách, thế mà người khen, kẻ chê, kể cả lời hù dọa rằng “Nguyễn Đăng Mạnh sắp bị công an đến nhà bắt rồi”! Thôi thì lĩnh đủ.
Về quyển hồi ký bị phát tán ngoài ý muốn, có người bảo ông bản lĩnh, dám nói ra những điều “nhạy cảm”, dù có biết, người khác cũng không nói. Mà nếu có nói thì cũng cứ kiểu “nước đôi” mà nói, có chết ai đâu. Có người khen ông dũng cảm, song mới dũng cảm… có một nửa. Lại có người chạnh lòng, bảo ông bè phái, có ác ý, nhất là những nhận xét về đồng nghiệp, làm tổn thương họ. Chính ông cũng đã tự rào trước, đón sau “Tất nhiên những sự kiện này và những nhân vật kia người ta đã nói nhiều, viết nhiều rồi theo cách nhìn quan phương chính thống. Ở đây tôi chỉ nói những hiểu biết trực tiếp của riêng tôi với cách nhìn rất chủ quan của tôi. Nhưng chính vì thế mà, biết đâu đấy, lại có thể đem đến những thông tin riêng, những ý vị riêng”.
Trở lại với câu chuyện nói dở về tuổi thơ của thầy hôm ấy. “Thế rồi sau đó thầy đi đâu?” – Tôi hỏi. “Rồi mình theo bố sang phủ Nghĩa Hưng (một huyện giáp Hải Hậu, cách con sông Ninh Cơ, muốn sang phải đi đò). Rồi lên học Thành chung (tương đương trung học cơ sở) ở thành phố Nam Định, bên hồ La-két (nay là hồ Vị Xuyên), cạnh nhà thờ Sainttuma, hình tháp chuông to đùng. Đầu tháng 8/1945, thì gia đình chuyển sang phủ Thái Ninh, Thái Bình song vẫn sang học ở tp.Nam Định. Cách mạng nổ ra, bố mất việc, thì gia đình rút về Bắc Ninh. Trong kháng chiến chống Pháp, tản cư lên vùng rừng núi Việt Bắc, chủ yếu là ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Chuyển đổi liên tục, vừa kiếm sống vừa học, nhiều trường đoạn gian nan, cơ hàn, nhếch nhác lắm.
Như vậy, hầu như suốt tuổi thơ và tuổi chớm tráng niên, thầy đã trải vui buồn ở mảnh đất Nam Định quê tôi, cả quê lẫn tỉnh. Cuối buổi chuyện trò, nghĩ ngợi một lúc, ông hạ giọng, như tự nói với mình: “Nhất định có dịp mình sẽ trở lại thăm nơi mình đã sinh ra, nhất định…”. Sau này trong hồi ký ông cũng để ngỏ ý định này “... Cũng năm nay tôi còn có nhu cầu về thăm lại nơi mình sinh ra. (làng Quần Phương Hạ, nay thuộc xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Ông bố tôi thời Pháp thuộc từng làm lục sự ở Hải Hậu một thời gian. Khi gia đình chuyển đi nơi khác, tôi mới lên chín tuổi. Tính đến nay, đúng 66 năm. 66 năm, bỗng có nhu cầu trở lại!”.
Trở về nơi đó, là về với tuổi thơ, về với cái “tôi” mới manh nha mà bền vững của mình. Đầu năm 2000, thầy chuyển chỗ ở, lúc về Láng Hạ (nhà con gái), lúc vào Tp.Hồ Chí Minh (nhà con trai), rồi đi về giữa hai vùng “đất thánh” và “đất thiêng” đó . Sau thầy, tôi cũng rời bỏ làng Quan Hoa rồi vướng vào bệnh tật nan giải, nên chẳng rõ ông có thỏa mãn được mong ước về thăm lại “thiên đường tuổi thơ”, nơi lưu giữ những bí mật thời hoa niên của mình không? Nếu có về thăm lại thì chắc thầy sẽ không khỏi thất vọng. Phố huyện Hải Hậu tiêu điều, tẻ nhạt xưa nay đã nằm trong thị trấn Yên Định đông vui có phần sầm uất nữa. Đến như tôi, người địa phương, mà cũng khó tìm ra dấu vết của cảnh cũ, trường xưa. Dãy bàng xanh mướt phố huyện thì chắc chắn không còn, có chăng chỉ sót lại một vài cây. Ngay đến tiếng chuông nhà thờ thời kinh tế thị trường nay cũng đâu còn ngân nga những giai điệu êm đềm, thong thả một thời. Ông cũng như đã tiên lượng điều nay: “Những cảnh ấy nay còn không? Những con người ấy chắc đã chết cả rồi! Hồn họ đang ở đâu? “Hồn ở đâu bây giờ!” (Vũ Đình Liên) Nhưng có những kỷ niệm cũng rất vụn vặt thôi, và cũng hiện lên trong trí nhớ tôi một cách tự phát, mà sao cứ ám ảnh sâu sắc và có tác động rất lớn, rất lâu dài tới tâm lý, tính cách của tôi”. Chẳng hiểu vì sao nhưng tôi cứ nghĩ rằng, trong những giấc mơ trở lại tuổi thơ thảng hoặc đâu đó, thế nào ông cũng nghe mơ hồ tiếng rụng của trái bàng chín cùng với cái hương vị ngọt ngào của mùa thu thấm vào ký ức thuở đầu đời.
Văn học thời kỳ 30 - 45, chủ yếu bao gồm hai mảng lớn là lãng mạn và hiện thực phê phán, mà thầy lại nghiên cứu những tác giả chủ yếu của cả hai mảng ấy. Tôi tin là, những ký ức tuổi thơ, cũng như những đoạn trường vui buồn, sướng khổ trải qua hai cuộc kháng chiến đã giúp ích nhiều cho công việc nghiên cứu, phê bình sau này, như chính thầy cũng đã thú nhận “Môi trường sống thời thơ ấu có ảnh hưởng rất quan trọng đối với năng lực cảm thụ văn chương của tôi. Từ những thú chơi cổ điển của ông bố tôi, tôi rất dễ cảm nhận được vẻ đẹp “vang bóng một thời” của văn Nguyễn Tuân. Và cảnh làng quê, cảnh phố huyện đã khiến tôi dễ nhập thân ngay vào thế giới nghệ thuật của những Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Đỗ Đức Thu, Bùi Hiển, Tô Hoài, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm…vv.., thế giới của những phố huyện nghèo, của những nhân vật quan lại, lính tráng, viên chức nhỏ, hương lý, của những cảnh sông dài trời rộng, những bến sông hoang vắng, của linh hồn đồng quê cổ kính, bình dị miền Bắc bàng bạc một chất thơ buồn… Đó cũng là cái buồn của ca dao, của chèo. Đọc một câu ca dao, nghe một làn điệu chèo, bao giờ tôi cũng thấy hiện lên trong trí tưởng tượng của mình cảnh đồng quê heo hút ngày xưa khiến nhiều khi chảy nước mắt”.
Ta lớn lên đời không là trang sách
Trong khổ đau Bụt chưa hiện bao giờ
Chẳng vì thế ta hoài nghi cổ tích
Và phàn nàn rằng đã trót yêu thơ
Nghe thế, tôi sung sướng ra mặt. Đó là mấy câu trong bài “Phút quay về” của tôi, chắc là thầy thấy tâm đắc, nên thuộc. Tôi không phàn nàn “vì đã trót yêu thơ”, cũng như thầy không hối tiếc rằng đã chọn nghề sư phạm văn. Tôi để ý thấy, sau thầy và những học trò trưởng thành từ lò sư phạm mà tôi quen biết, như Trần Hoà Bình, Chu Văn Sơn, Văn Giá, Châu Hồng Thủy, Đỗ Ngọc Thống, Nguyễn Đăng Điệp…không ai trong số họ phàn nàn rằng đã chọn nghề văn cả. Họ, cũng như thầy, tìm thấy mình, phát hiện ra mình ở văn chương, dù mỗi người một lĩnh vực và thành công ở những mức độ khác nhau. Cũng như tôi, đã là cán bộ giảng dậy đại học Luật, mà lại rẽ ngang sang làm báo làm văn thì cũng là do “nàng thơ” quyến rũ. Ôi, văn chương, thơ thẩn chứa đựng những bí ẩn, mang lại lợi lộc gì mà nó “nát” con người ta, hành người ta, bắt ta phải hy sinh cho nó đến vậy?
Làm ông giáo hành nghề dậy văn có cái thú của “ba trong một”: nói, đi, và viết. Dù rằng ở xứ ta, do nhiều ràng buộc, câu thúc nên may mắn lắm cũng chỉ thỏa mãn được một phần những cái thú ấy. Thì như thầy tự bạch “Tôi thường nói vui với các bạn đồng nghiệp: nghề chúng mình là nghề nói. Nhà nước tổ chức ra những lớp học, tập hợp những thanh thiếu niên lại để cho chúng mình nói hàng ngày. Mà nói là trong những hạnh phúc của loài người. Nam Cao cũng nghĩ như thế. Trong một thiên truyện ngắn ông viết: “…nói, trao đổi những ý nghĩ, những nỗi lòng, có lẽ là cái tật chung của loài người, không được nói thì khổ lắm”. Ông đã lên lớp, đã đăng đàn bao nhiêu buổi trong hơn sáu mươi năm làm thầy, ai mà thống kê cho hết. Còn viết, thì thầy đã viết nhiều vạn trang, từ giáo trình, bài phê bình, khảo cứu, giới thiệu tuyển tập, đến chân dung văn học, trong đó nhiều trang chất lượng, có giá trị lâu dài.
Thiển nghĩ, muốn nâng cao khả năng cảm thụ và phân tích tác phẩm văn học một cách có bài bản thì nên tham khảo “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn”. Muốn tìm hiểu sâu về những tác gia chủ yếu của văn học Việt Nam hiện đại thì không thể bỏ qua những trang viết trong “Nhà văn Việt Nam hiện đại - Chân dung và phong cách”. Về già, như đã nói, ông còn có cái thú viết hồi ký xem như “là một cách để giải tỏa cho mình”. Khoái nhất là cái sự đi. Ông là kẻ ham đi, thèm đi. Đi để thấy cái mới, để được gặp gỡ giao tiếp, nhất là để thù tạc, bù khú với cánh trẻ. Đỗ Ngọc Thống có tiết lộ chuyện mời thầy tham gia vào việc biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn (năm 2002) do Bộ GD-ĐT tổ chức. Thoạt đầu thầy quyết từ chối vì già yếu rồi ngại đi. Song Thống dở món “võ” quen thuộc, rằng cuộc này được tổ chức thành trại viết, có rất nhiều bạn trẻ tham gia, sẽ gặp những người này, người nọ, vui lắm, thú vị lắm, thì thầy bị thuyết phục và lại nhận lời, khăn gói lên đường.
Bữa ấy, chuyện trò có hơi lâu, xoay quanh vấn đề nông dân và nhà văn nước mình. Thầy bảo nhà văn tên tuổi nước mình, trừ Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng ít nhiều Vũ Bằng, Thạch Lam có hơi hướng phố, còn đa phần đều là gốc nông dân. Lớp trước như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Tô Hoài… nổi tiếng nhờ những nhân vật nông dân. Lớp sau này như Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Trường, cả Trần Đăng Khoa… văn chương cũng vẫn còn nhiều bùn đất.
Cao hứng thế nào mà ông lại đọc một đoạn cuối của bài thơ “Lá diêu bông” của thi sĩ Hoàng Cầm, cái đoạn vi vút … ới diêu bông. Ông bảo: “Thơ Hoàng Cầm không phải bài nào mình cũng thích, song đặc biệt mê “lá diêu bông”, một “siêu thơ”. Thế mà Tô Hoài, Trần Đăng Khoa lại không thích thơ Hoàng Cầm. Khoa còn dị ứng với văn Nguyễn Tuân. Có lần, Khoa còn thách mình hãy phân tích xem cái hay của lá diêu bông ở chỗ nào?”. Có những cái hay có thể giải thích được, lại có những cái hay không giải thích được, thế mới là “siêu thơ”. Thế là câu chuyện lại chuyển sang Hoàng Cầm và Nguyễn Bính.
Theo thầy, cùng gốc nông dân, lấy làng quê làm cảm hứng cho thơ mình cả thôi song Hoàng Cầm, khác Nguyễn Bính: Hoàng Cầm “sang” hơn “mới” hơn, kén người đọc hơn, Nguyễn Bính “quê” hơn, “quen” hơn, dễ mê hoặc tầng lớp bình dân hơn. Tác giả lá diêu bông ảnh hưởng cái chạm khắc cầu kỳ của Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm và phảng phất cái hồn Kinh Bắc, cái tình tứ của quan họ. Tác giả lỡ bước sang ngang ảnh hưởng “thuyết tài mệnh” của Nguyễn Du, cùng cái chất dân dã, quê kiểng của ca dao, hát chèo, hát văn. Hai ông cùng có người chị tinh thần của mình, song chị Trúc của Nguyễn Bính là nơi để ông giãi bày nỗi niềm khắc khoải của kẻ tha hương, còn chị “diêu bông” của Hoàng Cầm để ông giải tỏa ẩn ức dục tình thuở mới lớn. Cặp đôi “chị, em” khiến thơ hai ông đều mang đậm “thiên tính nữ”. Có giống và có khác nhau, văn chương thế mới thú vị.
Vẫn theo thầy, những nhà văn nông dân, hoặc gốc nông thôn ai cũng có chí vươn lên mạnh mẽ. Nam Cao, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Trần Đăng Khoa là những ví dụ. Nguyễn Bính chẳng học hành gì nhiều mà dám đi dan díu với kinh thành, mê hoặc được người đời như thế cũng đáng “nể” lắm. Nguyên Hồng là trường hợp đặc biệt, ông người phố (Nguyên Hồng, một giáo dân sinh ra lớn lên ở thành phố Nam Định), chuyên chú ngòi bút vào những mảnh đời thị dân nghèo khổ song lại sống như một nông dân, còn cần cù, tằn tiện hơn cả nông dân nữa.
Câu chuyện lan man, sang nước Nga. Tôi bảo: Thầy ạ, ngay nước Nga ở thế kỷ XIX, so với Tây Âu cũng chỉ được xem là nông thôn. Cái gọi là “tâm hồn Nga” chính là nông dân, nông thôn Nga đấy. Puskin, Levintan, Bunhin, Esenhin, Solokhov, Pautovxki… thì gần như đặc Nga rồi, ngay cả ông bá tước Tolstoi thì vẫn thích bổ củi và la cà ve vãn những cô tá điền nơi điền trang của gia đình, dòng họ ông. Nhân vật Nekhlioudov trong tiểu thuyết “Phục sinh”, một sinh viên ăn chơi phóng đãng, làm hại đời nàng Katiusa (Maslova)…là hình bóng của chính “Lév” thời trẻ. Các nàng Tachiana, Natasa, Lika điển hình cho tâm hồn Nga xưa, cũng phần nào mang bóng dáng những người tình hay người vợ của Puskin, Tolstoi, Bunhin. Có điều là văn về nông thôn Nga nó “sang trọng”, nó “tỏa hương”.
Rồi nhân tiện tôi hỏi thầy: “Cái gọi là “tâm hồn Nga” thì đã rõ, vậy thì theo thầy có cái gọi là “tâm hồn Việt” không? Thị Kính, Thị Màu, Thị Nở, Chị Dậu, mẹ La… những nhân vật phụ nữ nổi tiếng của văn học thì cuộc đời chỉ rặt những oái oăm, nghèo khổ. Các cô lái đò, hái mơ, dệt cửi, đi chợ, gánh nước trong thơ lãng mạn Nguyễn Bính, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ chỉ là những hình bóng mờ mờ nhân ảnh của chân quê xưa. Cô Kiều tài hoa, thì lại con viên ngoại họ Vương, người Bắc Kinh. Nàng cung nữ đa tình, nàng chinh phụ đa cảm thì bị giam hãm trong cung cấm, buồng khuê. Có cô Hồ Xuân Hương thì đầy ẩn ức dục tình, ngổ ngáo, tung hê tất cả. Đất đai, thổ nhưỡng trong văn nông thôn xứ mình không thấy nó tỏa hương, mà nếu có thì lại là “mùi bùn đang ngấu, mùi phân đang hoai” như trong thơ Trần Đăng Khoa. Thấy tôi bốc lên, nói hăng, lại hỏi xoáy như thế, thầy chỉ nheo mắt cười, không phát biểu gì về cái gọi là “tâm hồn Việt”.
Rồi thầy hỏi tôi: “Ông sang Tây thì ở đâu, học gì?”. “Em nghiên cứu Luật học ở Kiev, thủ đô của nước CH Ukraina, thuộc Liên Xô cũ”. Tôi kể sơ qua với ông về thành phố cùng với Đại học Tổng hợp Kiev mang tên văn hào T.Sevtrenco. Tại đây, vào những năm 60 thế kỷ trước nhà thơ Bằng Việt đang là sinh viên khoa Luật phải đành lòng xách valy về nước, vì Liên Xô thời N.Khơrutsov bị coi là “xét lại”. Bài thơ “Bếp lửa” nổi tiếng ông sáng tác ở Kiev, năm 1963. “Nhà thi pháp học” Trần Đình Sử, đã lấy học vị Tiến sĩ ở trường này vào cuối những năm bảy mươi thế kỷ trước. Mười năm sau ông quay lại làm thực tập sinh cao cấp. Đầu năm 90 thầy về, thì giữa năm tôi sang. Cũng ở đúng ngay cái “Ốp” số 9 dành riêng cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh cả khoa học tự nhiên và xã hội.
Bọn sinh viên khoa Triết ở “Ốp” gần đấy mà tôi quen, kể lại rằng, “cụ” Sử lúc ấy đã cao tuổi lại bị bệnh hen phế quản, suốt ngày lên thư viện đọc sách, chẳng thấy đi “Kòm” bao giờ (“kòm” là tiếng lóng của người Việt, chỉ các cửa hàng bán đồ cũ ở Liên Xô dạo ấy). Trước khi giáo sư về nước, chúng còn bảo nhau xúm lại “kiếm” một số thứ lặt vặt để thầy xách tay theo, chứ “đi Tây” về mà va-ly chỉ có sách thì coi sao được. Tôi chưa tiện hỏi lại giáo sư Sử xem có đúng thế không? Thầy Sử là anh ruột chị Trần Hoàng Thảo, họa sĩ trang trí của báo Pháp Luật Việt Nam, nơi tôi làm việc. Vậy nên tôi cũng có dịp gặp giáo sư Trần ở chỗ này chỗ nọ. “Ông là nhà thơ thời danh”, ấy là lời giáo sư nói với tôi, sau ngày tôi tặng ông “Cỏ may thi tập”. Hai chữ “thời danh” nghe là lạ, chẳng biết là ông khen hay ông chê.
Thầy Mạnh, thầy Sử, một “cây đa”, một “cây đề”, để những dấu ấn sâu đậm ở Khoa văn sư phạm. Khoa này có nhiều thầy cô nổi tiếng, song đám sinh viên, học viên mà tôi quen biết đặc biệt ngưỡng mộ hai “cụ” này. Họ hơn kém nhau vừa tròn mười tuổi. Mỗi thầy theo đuổi một hướng nghiên cứu khác nhau, một thầy là “phong cách học”, một thầy là “thi pháp học”. Giáo sư họ Nguyễn từ thực tiễn nghiên cứu tác giả, tác phẩm mà đúc rút nên lý thuyết, thành tựu ở “con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn”, giáo sư họ Trần lại từ lý thuyết “thi pháp” đã thụ đắc từ trời Tây, trời Tàu, mang về áp vào nghiên cứu tác giả, trào lưu cụ thể ở Việt Nam.
Hai thầy đều uyên thâm về học vấn, nghiêm túc trong khoa học, song khá cởi mở trong đời thường. Họ như đều gặp gỡ ở một điểm chung, là không thỏa mãn với những thành tựu nghiên cứu phê bình thời văn học cách mạng/hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhờ sự tâm huyết cùng nỗ lực tự vượt lên của hai thầy và những thầy cô khác, người ta gọi là “phe cấp tiến”, mà nền học thuật Việt Nam mới từng bước tiếp cận với khoa học thế giới, mới cập nhật được các trào lưu của nhân loại, dần thoát ra khỏi cái khung chật hẹp, đơn điệu, khô cứng, một chiều của lối phê bình hiện thực xã hội một thời. Lạ một điều là, cả hai thầy đều không thoát khỏi những lần bị “đánh” hội đồng, với những lời cáo buộc vô căn cứ như “đổi mới cực đoan”, “phủ nhận quá khứ”... Mà ngẫm ra thì cũng không lạ, đã thuộc hàng những “cây cao, bóng cả” thì tất phải hứng chịu sấm sét, tránh sao khỏi sự rung lắc của gió bão dư luận, hứng chịu cái vạ chữ nghĩa!
Nhớ cái lần vào khoảng đầu năm 2000, anh T.Đ.Th, đương kim Tổng biên tập báo “Giáo dục và Thời đại”, rẽ vào nhà tôi với vẻ mặt không vui. Thì ra anh vừa bị thầy Mạnh từ chối khéo “ngay từ ngoài cửa”, khi tới nhà riêng xin được làm nghiên cứu sinh của thầy về đề tài văn phóng sự Vũ Trọng Phụng. Ngoài tiểu thuyết Số đỏ, Giông tố, anh Th. còn say mê văn phóng sự của “ông vua phóng sự Bắc Kỳ” mà thầy Mạnh là chuyên gia số một. Tôi cũng ái ngại cho anh, một người học rộng, thời trẻ đã có những năm tháng du học ở cả Trung Quốc và Liên Xô. Sau đó, chẳng hiểu bằng cách nào mà anh Th. cũng thuyết phục được thầy. Hôm mang quyển sách “Đặc sắc văn chương Vũ Trọng Phụng”, mà anh nâng cấp từ luận án tiến sĩ của mình, tặng tôi, nhắc lại chuyện ngày nào bị giáo sư “không thèm tiếp”, tân tiến sĩ, tổng biên tập T.Đ.Th. cười khà khà: “Cụ Mạnh “kiêu” thì cũng phải thôi! Vấn đề là T.Đ.Th. cũng giỏi đi!”.
Điều thú vị là, mỗi “nhà” đều được thầy tặng cho “những lời có cánh”, lột tả cái thần thái, cốt cách văn chương của họ, chẳng hạn như “Vũ Trọng Phụng - nhà văn của lòng căm uất khôn nguôi”, “Nguyễn Tuân - một phong cách độc đáo và tài hoa”, “Xuân Diệu - niềm khát khao giao cảm với đời”, “Chế Lan Viên và cái ách nặng văn chương”, "Nguyên Hồng - nhà văn của những người cùng khổ", “Tô Hoài với quan niệm con người là con người”, “Dại khôn Nguyễn Khải”… Những lời này xem như những “cái mũ” sang trọng, mà nhà nghiên cứu “đội” cho mỗi nhà văn. Đã là “mũ” thì có cái trùng khít với người đội nó, nhưng cũng có những cái mũ gây tranh cãi thì cũng là điều thường tình trong lĩnh vực thẩm định, định giá văn chương, định vị tác giả, nhất là với những tác giả lớn, phức tạp. Sở dĩ ông dám “bắt hồn”, “gọi vía” họ vì đã từng dày công tiếp cận họ, “ăn nằm” với văn họ, thuộc họ, thậm chí bày binh bố trận rình rập họ, nên “chớp” được những nét tiêu biểu, những chi tiết “xuất thần” của nhà văn, được chọn làm “con mồi” của ông!
Đọc quyển sách này, cùng với một vài cuốn khác và tập “Nguyễn Đăng Mạnh - Chân dung và Phong cách” do Đỗ Ngọc Thống và Nguyễn Thị Bình - học trò ông tuyển chọn, sau khi thầy qua đời, tôi càng thêm hiểu về ông, cả đời tư lẫn đời văn. Thì ra, bấy lâu nay đôi khi ngồi với thầy ở cái quán nước ngay trước ngõ, nói những chuyện trên trời dưới đất (ngoài văn chương còn cả chuyện thời sự chính trị, mà tôi do hành nghề báo, đi chỗ nọ chỗ kia hóng hớt được), là khi giáo sư đi đâu về qua, hoặc nghỉ viết ra uống nước. Những bài viết, những chân dung đặc sắc, đa phần đều ra đời ở gác Quan Hoa, nằm ngay bên bờ Tô Lịch thơ mộng, mà nước thì đen ngòm, nồng nặc mùi xú uế. Tôi biết như vậy, là do ở cuối bài thầy thường chua thêm “Quan Hoa ngày”, như trước đó là “Đồng Xa ngày”, và sau đó là “Láng Hạ ngày”... Thói quen làm “giấy chứng sinh” cho bài viết của thầy sau này truyền sang cho đệ tử Chu Văn Sơn, với những “Đồi Bò ngày”, “Văn Chỉ ngày”, “Hòa Lạc ngày”… Gần đây, khi thử bút ở lĩnh vực viết phê bình, chân dung tôi cũng lây nhiễm cái thói quen thú vị ấy.
Qua những gặp gỡ truyện trò đây đó, tôi cũng biết trong thầy cũng có những nỗi buồn. Có những nỗi thoáng qua, có những nỗi nhói lòng. Còn nhớ cái lần vui miệng tôi đã hỏi thầy về cái sự “kiêu”, cùng các cụm từ “sang trọng” và “nhếch nhác”. “Cả cái này người ta cũng hiểu sai mình, chẳng biết vô tình hay ác ý”. Thầy lên giọng gay gắt: “Sao người ta không nhắc đến cái sự “tử tế”, “nghiêm chỉnh” trong viết lách mình hằng tôn thờ, mà lại cứ để ý đến những cái ấy. Mình đã hơn một lần giải thích: Sang không nhất thiết là giầu có, quyền lực. Nghèo mà vẫn có thể sang, giầu có, chức tước mà vẫn nhếch nhác. Vấn đề là ở nhân cách, văn cách. Anh có tự chủ, có “quản trị” được mình không, có để tham vọng vượt quá khả năng của mình không, có bẻ cong ngòi bút của mình không. Mình đã có bài bàn “Về khái niệm sang trong đánh giá văn học” đăng công khái để nói rõ quan niệm, chính kiến của Nguyễn Đăng Mạnh”.
Theo thầy, còn ai trong làng văn nước ta có cái bề ngoài cũ kỹ, lam lũ, nhếch nhác hơn tác giả “bỉ vỏ”, ấy vậy mà ông lại có một nhân cách mà cỡ Nguyễn Tuân, đệ nhất “ngông” trong làng văn, cũng phải nể phục. Trước đây, tôi cứ ngỡ là thầy chỉ thông thuộc, tâm đắc với những tuyp nhà văn mà ông đồng cảnh, đồng cảm như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, nhưng đọc bài viết, đúng hơn là “bài khóc” của ông về Nguyên Hồng khi nhà văn qua đời, mới thấy ông quý trọng, yêu thương nhà văn của những người cùng khổ - “Gorky Việt Nam”, như thế nào. Thì ra, ông chỉ khó chịu, thậm chí dị ứng với cái sự nhếch nhác trong nhân cách, văn cách, chứ đâu phải là cái nhếch nhác của vẻ ngoài, nhất là do nghèo khổ, hay ít được học do hoàn cảnh bó buộc mà nên. Thậm chí ông còn đánh giá cao họ. Bởi vì chính bản thân ông, và nhiều tên tuổi khác, cũng do mặc cảm “nhà quê”, “tỉnh lẻ” mà phải tự vượt lên. Ở thời trẻ, không có dịp may được đi “Tây”, đi “Tàu”, ông đã dày công tự trang bị cho mình một vốn tri thức, bằng đọc, bằng quan sát, chiêm nghiệm, đủ để làm thầy và hành cái nghề “giời đày” có tên gọi là lý luận, phê bình. Ông bảo “8 tuổi đã nối tiếng về thơ chứ đến 80 tuổi chưa chắc người làm lý luận-phê bình đã đúc rút cho minh một lý thuyết nào, mặc dù sách viết ra rất nhiều”.
Theo thầy, văn chương là vô cùng, chẳng nhà nghiên cứu phê bình, hay người thầy nào dám cho rằng mỗi lời mình nói ra, mỗi chữ mình viết ra, thì lời nào, chữ nào cũng là khuôn vàng thước ngọc cả. Văn chương cũng có “mệnh số” của nó. Thẩm định giá trị của trang văn, định vị một tác giả, khái quát một trào lưu, nhất là những tác giả lớn, những giai đoạn văn học phức tạp, là không có điểm dừng, không có đáp án cuối cùng. Dân chủ trong thẩm định, đánh giá văn chương là cần thiết, nó mang lại sức sống cho chính văn chương, nhưng đó là với người lòng trong, tâm sáng, thiện chí, bao dung. Còn ai đó “thị tài”, chỉ chăm chăm tìm cái khiếm khuyết, cái điểm chưa hoàn thiện của người khác, rồi cắt xén, thổi phồng, suy diễn, đi đến quy kết, phủ nhận sạch trơn công trình của người ta theo kiểu xúc đất đổ đi (thậm chí coi họ như “tội đồ”, làm hỏng cả một nền văn học) với thái độ hả hê (lại được cánh báo chí, trang mạng thừa nhiệt huyết mà thiếu chuyên môn, thích gây ấn tượng hùa theo) thì không còn gì để nói nữa!
Theo chỗ hiểu của tôi, đã là học thuật, đã là lý thuyết, thì có chỗ đắc địa, có chỗ chưa tới, hoặc còn phải bàn thêm thì cũng là lẽ thường tình. Có thể cái “chìa khóa” để đi vào nghiên cứu mà tác giả “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn” đúc rút ra chưa thật “chuẩn chỉnh” (mà thật ra, làm gì có chuẩn mực cho bất kỳ một thứ lý thuyết hay chủ nghĩa nào, nếu mong muốn nó còn phát triển, còn có sức sống). Song, chí ít nó cũng có giá trị, là những nấc thang, ghi dấu những cái mốc của lý luận phê bình còn khá non trẻ, đang có tham vọng “chỉ mặt”, “đặt tên”, “xếp chiếu” cho cái khu rừng văn chương còn nhiều hoang dã và đầy bản năng ở xứ ta.
Rồi thì còn là “nỗi lòng biết ngỏ cùng ai” trong lĩnh vực cải cách giáo dục và viết sách giáo khoa ngữ văn, mà có thời thầy là người đảm trách mảng chính, nên hay dở, khen chê đều phải đứng đầu chịu trận. Không phải là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, mà là đoạn trường ai có trong cuộc mới ngấm! Chẳng thế mà thầy rất cảm động, và có lần nhắc lại với tôi, bốn câu thơ của một đồng nghiệp, là giáo sư Trần Thanh Đạm, gửi từ Sài Gòn, khi nghe tin thầy một lần nữa phải nằm viện “Đọc anh nhớ lúc anh nằm viện/ Một lần ngoài đó một lần đây/ Những dòng ta viết cho người khác/ Ai biết bên trong máu thấm đầy”.
Cuộc đời phức tạp nhưng vẫn công bằng, dù chỉ là tương đối. Làm nghiên cứu phê bình là thẩm định, định giá tác phẩm, định vị tác giả, khái quát trào lưu, thì đến lượt mình, nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, và các trang văn của ông, cũng phải được người đời thẩm định. Những “lời có cánh” của những nhà văn tên tuổi và đồng nghiệp, như “giáo sư hàng đầu văn học Việt Nam hiện đại”,“không chỉ là nhà nghiên cứu, phê bình có phong cách độc đáo mà còn là một nghệ sĩ lớn”, “một bản lĩnh kẻ sĩ, nhân cách trí thức và một nghệ sĩ tài hoa”,”nhà phê bình có con mắt xanh”, “chỉ một vài trang, thậm chí một vài dòng ông đã lột tả được cái tạng, cái hồn của người mà ông viết”... dù chưa là tất cả nhưng đã cho một hình dung khái quát về sự đóng góp của đời nói (dậy) và đời viết Nguyễn Đăng Mạnh.
Song, theo tôi, ngoài câu biểu dương của nhà văn tài hoa, bậc đàn anh Nguyễn Tuân “Cậu ấy biết đọc và biết sống” thì câu “thành đạt lớn nhất của anh là bằng con đường tự đào tạo từ một trí thức bình dân trở thành một trí thức thực học” của tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến, người bạn thân nhất của ông, là một nhận định, cũng là lời khen chí lý, chí tình. “Trí thức thực học”, chỉ mấy chữ mà đã gói trọn thành quả cùng mọi vui buồn một đời lao động tận tâm, tự vượt lên chính mình, trong một hoàn cảnh đặc biệt, chẳng giống ai như ở ta. Tôi, cỡ tuổi nhỉnh hơn con ông, kiến văn có hạn, thì không dám nhận định, mà chỉ thầm nghĩ Nguyễn Đăng Mạnh đã “sống thực”, “nói thực” và “viết thực”. Mà trung thực với người, với mình, thiết nghĩ, là phẩm chất đầu tiên của nhà nghiên cứu phê bình, dù lớn, dù nhỏ. Buồn thay, “thuốc đắng” chưa chắc đã “dã tật”, nhưng “sự thật” thì nhỡn tiền là… “mất lòng”!
Dựng chân dung thầy thì các học trò Chu Văn Sơn, Đỗ Ngọc Thống, Văn Giá… đã dựng. Những kỷ niệm về thầy thì nhiều đồng nghiệp đã viết. “Nhà giáo Nhân dân”, “Huân chương Kháng chiến hạng Nhất”, “Huân chương Lao động hạng Nhì”, “Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam” (hai lần), “Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật” là những ghi nhận “chính thống” công lao, sự cống hiến của giáo sư. Tuy nhiên, ai cũng biết giá trị của tác phẩm làm nên tên tuổi, chứ không phải tên tuổi làm nên giá trị tác phẩm, kể cả những danh hiệu, huân huy chương lấp lánh các loại. Thời gian cùng bạn đọc là người “trọng tài” vô tư, đã đang và sẽ, kiểm chứng, thẩm định giá trị các trang viết của nhà nghiên cứu phê bình mang tên “Mạnh”, thuộc dòng họ “Nguyễn Đăng”, khá nổi tiếng, nằm bên bờ sông Đuống, xứ Bắc Ninh xưa.
Là một người không được đào tạo nghề văn, nhưng do yêu văn chương, mà tập tẹ viết chân dung, phê bình, tôi chỉ ôn lại một số kỷ niệm đứt nối trong thời gian hàng chục năm vô tình mà trở thành hàng xóm của thầy Mạnh, “cụ” Mạnh. Ngày thầy mất tôi không thể có mặt. Thầy Mạnh ra đi, liền đó học trò, đồng nghiệp Chu Văn Sơn - Những cốt cách cùng bản lĩnh, tài hoa của làng nghiên cứu, phê bình mà tôi có cơ may quen biết, học hỏi, cũng đi theo thầy. Hợp và tan, gặp gỡ và ly biệt đúng như chữ “duyên” của nhà Phật, ở đây là cái duyên văn chương. Bóng hình họ nay chỉ còn trong ký ức và trên những trang văn họ để lại.
Ôi, những người của một thời, nay hồn vía họ đang phiêu diêu nơi đâu?
Cố viên, Hải Thanh, Hải Hậu, thịnh Đông, 2022
Người gửi / điện thoại