Vanvn- “Bằng ngôn ngữ giàu nhạc tính, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lưu giữ cho chúng ta một chiều sương, một bóng chim trời, một mùi hương cỏ, những giọt mưa trầm lặng, những nụ hôn có mùi nho tươi… Để chúng không trôi vào hư vô. Để chúng còn lại với cõi người”. Nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương đã viết về thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường – “Chàng du ca của tự do và tình yêu” vừa từ giã cõi đời sáng ngày 24.7.2023.
Hoàng Phủ Ngọc Tường rất thích một câu hát của Trịnh Công Sơn: “Đời ta có khi tựa lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do”. Trong thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là một ca nhân của tự do (chantre de la liberté). Tập thơ “Những dấu chân qua thành phố” (1976) ra đời 16 năm trước đây vẽ lên hình ảnh một gã du ca ra đi và cất tiếng hát ngợi ca khát vọng tự do của con người bên những bếp lửa rừng già hay trước con thác gào ngàn những năm chiến tranh. Trong thơ ông có cả một bầu trời huyền diệu đầy những ánh sao – biểu tượng của tự do mà con người lúc nào cũng đăm đắm ngước nhìn.
Một đôi mắt sao
Hai đôi mắt sáng
Tổ quốc nhìn tôi
Một trời mắt sáng
Đêm hành quân tôi ngủ dưới ngàn sao
Thấy đất nước cười lấp lánh chiêm bao.
(Ngủ dưới sao)
Bây giờ đây, như choàng tỉnh dậy sau một cơn mộng dài, Hoàng Phủ Ngọc Tường hướng đến ánh sao trong thế giới tâm linh mình. Với bàn chân rướm máu, nhà thơ đi tìm “con dế buồn rầu” của linh hồn ông và ông nghiệm thấy trong những cuộc ra đi và tìm kiếm của con người, đây là cuộc đi tìm có ý nghĩa nhất. Một cái tôi rã rời như những cánh phù du mỏi mệt trên đường bay, giờ đây đang được thu nhặt lại:
Dáng ai như tôi đi qua cánh đồng
Thu nhặt lại mình trên ngọn gió
Giống như con chim sẻ nọ
Thu về từng cọng vàng khô.
(Cỏ chim sẻ và châu chấu)
Cái tôi rất mực cô đơn và buồn bã đó lại chưa bao giờ giàu có như bây giờ, vì khi phát hiện ra mình, nó cũng đồng thời phát hiện ra cả một thế giới: những dòng sông, khoảng trời, ngọn cỏ, cánh chim … đều trở thành hóa thân của chính nó. Trong tập thơ “Người hái phù dung” (1992), có thể gặp rất nhiều câu thơ xác quyết niềm tin về nguồn cội thiên nhiên của con người (Tôi từ cỏ sinh ra) hay hứa hẹn một cuộc trở về làm bè bạn với thiên nhiên (Tôi về ngủ dưới vầng trăng; Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa; Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may; Tôi ước mong về dưới cội cây xưa…).
Như vậy thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từ chủ đề ra đi chuyển sang chủ đề trở về. Và trong hành trình trở về này, cái tôi được tìm lại thật ra là một cái tôi đã hóa kiếp để nhập vào một cuộc chơi mới của con người, trong đó tự do không còn là một ân sủng từ bên ngoài mà chính là tự do nội tại:
Ta tìm lại trong hình hài hóa bướm
Chút tự do quả thực trên đời
Rũ sạch hết đam mê hoang tưởng
Núi thông nhiều, ta hãy rong chơi.
(Bài ngâm “đùa chơi”)
Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, có thể định nghĩa con người bằng tự do, đồng thời bằng tình yêu. Thế giới trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là một thế giới rất mong manh, dễ tan vỡ, vì vậy mà nhà thơ cần rất nhiều tình yêu làm chất keo “gia cố” cho thế giới đó. Giữa cõi đất trời mông lung với tiếng gió thổi mơ hồ từ một nơi chốn xa xôi nào, nhà thơ đã đến không chỉ như một ca nhân của tự do mà còn như một ca nhân của tình yêu (chantre de l’amour):
Anh yêu em rộng rãi những chân trời
Và mới mẻ như ngày đầu anh đến
Với hương lạ sóng cồn cửa biển
Chim phượng hoàng gọi nắng rừng xa.
(Mùa xuân anh trở lại)
Những chiều Bến Ngự giăng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang.
(Địa chỉ buồn)
Có buổi chiều nào như chiều nay
Căn phòng anh bóng tối dâng đầy
Anh lặng thầm như là cái bóng
Hoa tàn một mình mà em không hay.
(Dạ khúc)
Chàng du ca này hát lên nỗi sầu đau về một mối tình trôi đi biền biệt như một lời kinh cầu gởi theo những bông hoa tàn phai. Ấy vậy mà trong bài hát của chàng bao giờ cũng ăm ắp một nỗi khát khao về vĩnh cửu, một niềm quyến rũ con người vượt qua ranh giới của cõi đời hữu hạn. Hình như chàng muốn lấy khát vọng vĩnh cửu làm thuốc xoa dịu đi nỗi đau đớn của con người trước sự bất lực của chính mình:
Mùa xuân lên đồi cỏ thơm
Mùa hạ nhìn trời mây khói
Thu tím chân cầu tím núi
Đông xa ngày trắng mưa dầm
Nhìn trời ngẩn ngơ anh nói:
– Mới thôi, mà đã một năm.
Rồi sẽ một ngày trắng tóc
Nhưng lòng anh vẫn không nguôi
Thời gian sao mà xuẩn ngốc
– Mới thôi đã một đời người.
(Dù năm dù tháng)
Một đời người, một tình yêu, một cuộc rượu, một trò chơi… tất cả chỉ như là những đóa phù dung trắng sáng, tím chiều. Nhưng dù là phù dung, khi màu hoa đã soi xuống tâm tưởng con người, thì khoảnh khắc đó sẽ biến thành vĩnh cửu. Bằng ngôn ngữ giàu nhạc tính, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lưu giữ cho chúng ta một chiều sương, một bóng chim trời, một mùi hương cỏ, những giọt mưa trầm lặng, những nụ hôn có mùi nho tươi… Để chúng không trôi vào hư vô. Để chúng còn lại với cõi người.
Những bài thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, vì vậy, sẽ vang vọng trên những nẻo đường đi của một nhân loại biết yêu và biết khao khát tự do. Hãy gọi tác giả của chúng là chàng du ca của tự do và tình yêu.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
(Báo Người Lao Động cuối tuần số 88, ngày 25.9.1992)