CHƯƠNG TRÌNH SÁCH VÀ CUỘC SỐNG CỦA VOVTV
KỊCH BẢN: MINH QUYÊN
MC : HUYỀN PHƯƠNG
KHÁCH MỜI : VŨ NHO
ĐÂY LÀ BẢN CHUẨN BỊ. KHI NÓI CÓ THÊM BỚT.
VŨ NHO & HUYỀN PHƯƠNG ( ẢNH HOÀNG VĂN NĂM)
TRẢ LỜI MINH QUYÊN VỀ NHỮNG NGÀY THƠ ẤU
VN: - Tôi muốn nói ngoài một chút. Khi học cấp 3 chúng tôi học truyện “Người đàn bà Tàu” của Nguyên Hồng. Sách viết Nguyên Hồng là nhà văn tiểu tư sản. Câu học trò nhà quê hình dung Nguyên Hồng trắng trẻo, tóc chải mượt, áo sơ mi cổ cồn trắng. Khi vào Đại học, gặp nhà văn đến nói chuyện ở khoa Văn trong rừng Đại Từ thì Nguyên Hồng khác xa. Không khác gì một bác nông dân mà tôi thường gặp.
Và cậu bé Hồng trong những ngày thơ ấu thì thật là cực khổ. Mang tiếng là con nhà giàu. Nhưng kinh tế gia đình ngày một sa sút vì người bố nghiện hút. Mẹ là người nhẫn nhục, chịu đựng vì bố mẹ không hợp nhau, phải ở với nhau vì hai đứa trẻ. Những người lớn thì khinh mẹ Hồng vì xem em Quế là con của cai H. Người bà, người cô dèm pha, nói xấu người mẹ tội nghiệp của bé Hồng. Nhất là sau khi bố cậu mất, mẹ phải tha phương cầu thực trong Thanh Hóa. Và đẻ thêm em bé khi chưa đoạn tang chồng.
Người bà, Hồng và em Quế, cùng với cô G và con cô tá túc trong nhà cô C, chị của bố Hồng trong một gian bếp chật chội thật ngột ngạt. Trước đó nhà của Hồng trên phố, nhà tầng, rộng rãi, đẹp và thoáng.
Từ chỗ sướng đến chỗ khổ, rất khổ, thật xót xa.
“ Giá ai cho tôi một xu nhỉ? Chỉ một xu thôi. Để tôi mua xôi hay banh khúc. Không! Không ai cho tôi cả, vì người ta có phải mẹ tôi đâu”.
Nhưng ấn tượng về sự đau khổ về tinh thần còn nặng nề hơn. Bố của Hồng nghiêm khắc, đánh con rất dữ về tội “đánh đáo”, nhưng ông là người bất lực, nghiện ngập.
Những người khác thì cay nghệt, dè bỉu, khinh bỉ mẹ Hồng.
Chỉ có mẹ thương cậu bé thì phải bươn chải làm ăn xa.
Hồng cô đơn, côi cút ngay trong nhà mình, ngay giữa những người thân. Một tuổi thơ như thế thật buồn, thật khổ cực, một tuổi thơ tràn đầy nước mắt.
VN: - Gia đình của bé Hồng là gia đình thuộc loại giàu có nhưng lụi tàn. Bố của Hồng nghiện hút nên đã bán sạch đồ đạc, và cuối cùng phải bán nhà, chết trong bệnh tật, nghèo nàn.
Người bà của bé Hồng cùng với hai bà cô luôn dèm pha, nói xấu con dâu. Bà cũng không sung sướng gì khi con trai nghiện ngập, gia tài lụn bại, phải đi ăn đậu ở nhà nhà con gái.
Bà cô của bé Hồng thì giàu có nhưng keo kiệt, bủn xỉn, chỉ biết thu vén cho bản thân.
Mẹ Hồng thì nhẫn nhục, chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Không có lối thoát.
Trường học thì ông giáo là người cay nghiệt, hẹp hòi, không cho học trò thanh minh, không tha thứ cho hành động “ hỗn láo” vô tình.
Một cuộc sống ngột ngạt, không có tình người, đầy rẫy những cám dỗ, cạm bẫy.
VN: - Đúng vậy! Người bà đã tìm mọi cách để Hồng tin rằng em Quế không phải là con của bố. Rồi bà cô thì xúc xiểm, khích bác bé Hồng với giọng “rất kịch”, làm cho bé Hồng đau xót. Hồng đã phản ứng với bà cô và ước nếu cổ tục “là hòn đá, cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ” thì chú quyết vồ lấy “cắn, nhai, nghiến cho kì nát mới thôi”. Đây là đoạn rất xúc động trong chương “ Trong lòng mẹ” được trích vào sách giáo khoa THCS. Sau đó là những cảm xúc vỡ òa, sung sướng khi bé Hồng được gặp mẹ về và được lên xe kéo, ngồi trong lòng mẹ. Dù Hồng còn bé, nhưng tình cảm mẫu tử là tình cảm thiêng liêng mà bé Hồng đã tin rằng “không một rắp tâm tanh bẩn nào có thể xâm phạm đến”!
Cần nói thêm rằng với cương vị là chuyên viên bộ môn Văn của Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi đã dự nhiều giờ của giáo viên, kể cả làm giám khảo chấm thi giáo viên giỏi. Tôi thấy đoạn trích “ Trong lòng mẹ” là đoạn trích hay. Các thầy cô đều dạy rất thành công, xúc động.
Nhà văn đã rất thông cảm với mẹ mình, một người đàn bà góa, túng quẫn phải tha phương cầu thực, phải âm thầm sinh em bé khi chưa đoạn tang chồng.
Đúng là nhà văn đã thấu cảm những nỗi đau khổ của mẹ mình, cũng là những nỗi khổ chung của phụ nữ thời xưa. Bởi thế không phải ngẫu nhiên mà người ta coi Nguyên Hồng là “ NHÀ VĂN CỦA PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM”.
VN: - Trong truyện cho thấy chú bé Hồng là người có bản lĩnh. Chú tự lập bằng cách “đánh đáo” kiếm tiền. Có khi chú bỏ học để đánh đáo. Khi trò chơi “đáo lỗ” không còn phổ biến, chú lại luyện đánh “đáo bật” với “ đồng xu cái” mà chú quý hơn vàng. Mặc dù bố răn đe và đánh đòn rất dữ, nhưng Hồng bất chấp, cứ lang thang khắp thành phố để đánh đáo kiếm tiền. Rồi tiền kiếm được làm cho chú tự hào, ăn chơi thoải mái.
Câu chuyện cho thấy, nếu gia đình bình thường, mọi thành viên thương yêu, thì trẻ em có một đời sống khác.
Mặt khác, môi trường xã hội cũng quan trọng. Xung quanh, bọn trẻ con bán báo, đánh giày, ăn xin chơi bời lêu lổng, sẽ lôi cuốn những đứa trẻ lang thang, buồn chán như Hồng. Rồi mặt khác, cả những người lớn, nhưng không có trò giải trí nào ngoài đánh đáo ăn tiền, cũng là môi trường để Hồng thử sức. Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề giáo dục trẻ là sự kết hợp chặt chẽ gia đình nhà trường và xã hội. Và những người phạm tội hiện nay phần lớn là những người trong gia đình bất hạnh bố mẹ bỏ nhau, túng quẫn.
VN: - Đây là một cảnh sinh động về việc dạy học ngày trước! Không phải ngẫu nhiên mà các cụ tổng kết : Nhất quỷ, nhì ba, thứ ba học trò. Quỷ và ma chưa ai nhìn thấy, nhưng học trò thì làng thôn nào cũng có. Học trò thì nghịch ngợm, nghịch KHÔN có, nhưng đa phần là NGHỊCH DẠI.
Hồng bị đánh do hiểu lầm của ông thầy. Ông ta không cho học trò có cơ hội thanh minh. Học trò xin lỗi, chịu nhẫn lỗi, xin tha nhưng ông giáo cương quyết không tha. Đánh tàn nhẫn! Đuổi một cách tàn nhẫn! Bắt quỳ suốt buổi học một cách tàn nhẫn!
Ở đây chú bé Hồng không hiểu được mình phạm lỗi gì! Chú ngạc nhiên, phẫn uất nhưng phải cam chịu.
Rồi chú mới nhận ra rằng chỉ vì một câu nói vô tình với đứa bạn học nghịch ngợm “ Kệ xác mày!”. Thầy giáo lại cho rằng đó là Hồng hỗn láo, khi ông trịnh trọng nói : - "Các anh ngồi im, nghe tôi đọc “nốt”.
Hông chịu phạt oan và nghĩ “ Các hình phạt quái các chỉ nhóm thêm trong lòng tôi những phẫn uất, căm hờn”.
Ở đây tác giả phê phán sự độc đoán của người thầy! Phê phán thói quan liêu, không suy xét, không cho thanh minh. Phê phán sự hẹp hòi, không bao dung. Và sau cùng là hình phạt “quái ác” của người thầy trong giáo dục.
VN: - Ngô Tất Tố viết đoạn kết Tắt đèn để cho chị Dậu chạy ra ngoài. Ông bình luận “ Trời tối đen như mực. Cũng đen tối như tiền đồ của chị”. Ở đây chú bé Hồng chạy như biến ra ngoài đường… Vì bàn tay bằng thép của thầy giáo đã dúi chú xuống góc tường hình phạt và không cho ngóc lên. Một sự vùng thoát. Nhưng chưa có gì hứa hẹn sáng sủa cho bé Hồng… Một bên chạy vào đêm tối. Một bên thì chạy ra ngoài đường vào ban ngày. Nhưng cả hai đều bế tắc, đáng thương cảm.
7. Mặc dù là một hồi kí của cá nhân sống cách xa với thế hệ chúng ta. Tuy nhiên tác phẩm đã để lại giá trị nhân đạo và những thông điệp sâu sắc gì đối với cuộc sống ngày nay?
VN: - Nhà thơ Tố Hữu viết :
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm
( Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Đọc “ Những ngày thơ ấu” và những cuốn sách viết về đời sống ngày xưa, chúng ta thấy cuộc sống xưa ngột ngạt, khổ cực, bế tắc. Vì vậy càng thấy thương những kiếp người “muôn năm cũ”, càng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh xương máu để cho chúng ta cuộc sông tươi đẹp hôm nay. Tình thương yêu là tình cảm tốt đẹp làm cho người ta sống hạnh phúc!
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau
( Tố Hữu - Bài ca mùa xuân 1961)
Nhà văn Nguyên Hồng viết “Những ngày thơ ấu” cay đắng của mình để cho con cháu chúng ta cảm nhận hết những hạnh phúc mà các em có được trong thời thơ ấu của chúng , hôm nay. Dẫu rằng cuộc sống thời nay cũng còn nhiều khó khăn và thách thức.
Hà Nội, 2/10/2021
Người gửi / điện thoại