VŨ NHO TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

PGS.TS Vũ Nho: Một sự tiếp nối cần khích lệ

Là người quan tâm đến các sáng tác lấy cảm hứng từ lịch sử của cây bút trẻ, PGS.TS Vũ Nho cho rằng, đây là sự tiếp nối dòng chảy trong văn mạch dân tộc cần được khích lệ.

 

vu_nho_2

                      NHÀ VĂN VŨ NHO

-Ông thấy sao khi thời gian gần đây xuất hiện thêm một số tác giả trẻ lấy cảm hứng lịch sử để sáng tác tiểu thuyết?

-Tôi thấy rất vui. Chúng ta  biết nhà có gia phả, họ hàng có tộc phả, nước có quốc… phả, thường gọi là Quốc sử. Những ghi chép không thể thiếu của một nhà, một họ và mỗi quốc gia. Triều đại nào cũng có “Quốc sử quán” chuyên  ghi chép lịch sử. Bác Hồ đã từng viết: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Hiểu biết lịch sử vô cùng quan trọng. Người trẻ lấy cảm hứng lịch sử để viết văn thơ, trong đó có tiểu thuyết lịch sử là rất đáng khuyến khích. Cũng cần phải nói rằng khái niệm “nhà văn trẻ” chỉ là một khái niệm tương đối, chỉ lớp nhà văn  trẻ hơn các bậc đàn anh, đàn chị mà thôi. Và lịch sử cũng vậy. Có lịch sử rất xa và lịch sử khá gần.  

-Đánh giá của ông về chất lượng của các tác phẩm văn học đó? Có thể gọi đó là trào lưu mới trong đời sống văn học Việt Nam hay không, thưa ông?

-Tôi đọc Sương Nguyệt Minh, Phùng Văn Khai, Đỗ Bích Thúy, Uông Triều, Phạm Vân Anh… tôi thấy họ viết hay, được độc giả ghi nhận.  Tôi cũng đọc 2 tác giả trẻ tuổi hơn là Lục Hường với 2 cuốn “Nguyên khí ngàn đời”, “Tri kỉ vượt thời gian” về triều Mạc và Thương Hà  (sinh năm 1981) với cuốn” Vùng biên không yên tĩnh”, thấy họ có cách tiếp cận,  xử lí đề tài rất thông minh và một lối viết mới mẻ, cuốn hút.     

           Tôi không nghĩ rằng nên gọi đó là trào lưu mới trong đời sống văn học dân tộc. Lí do là từ trước, các nhà văn Việt Nam luôn quan tâm đến đề tài lịch sử. Những tên tuổi như Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Chu Thiên,  Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Quang Thân,Trần Thùy Mai, Nguyễn Huy Thiệp,… đã có thành tựu. Đây chỉ là sự tiếp nối dòng chảy trong văn mạch dân tộc.

-Lý giải của ông về việc độc giả trẻ khá quan tâm đến những tác phẩm văn học này?

- Đơn giản là có cầu thì có cung. Có bạn đọc cả già lẫn trẻ quan tâm, muốn khám phá  nhân vật,  sự kiện, triều đại lịch sử,… Vì vậy, các nhà văn viết để đáp ứng. Thật ra khó có thể nói người trẻ thờ ơ hay không quan tâm đến lịch sử. Hiện tượng học sinh reo hò, vứt tài liệu ôn thi môn lịch sử trước đây chỉ chứng tỏ việc dạy và học môn này bất cập trong nhà trường, hoàn toàn không phải là căn cứ để nói rằng giới trẻ lạnh nhạt hay thờ ơ với lịch sử.

-Theo ông, vì sao vẫn còn đó những lo lắng, hồ nghi rằng người trẻ chưa thể nắm chắc, thấu hiểu về lịch sử để vận dụng trong sáng tác?

- Các cụ ta xưa có dạy : “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Điều đó chỉ còn đúng một nửa mà thôi. Lớp trẻ bây giờ được chăm sóc, học hành bài bản, tiếp cận với các thành tựu khoa học sớm, nên KHÔN sớm. Tất nhiên, vẫn có người lo lắng, đánh giá thấp lớp trẻ. Riêng tôi vẫn tin  vào những người trẻ. Họ sẽ vượt cha anh!

-Tác giả trẻ cần có sự đầu tư và trách nhiệm gì trước những đứa con tinh thần của mình?

- Viết cho hay, cho hấp dẫn. Viết để cho không chỉ người trẻ, mà mọi tầng lớp quan tâm đến lịch sử là trách nhiệm vẻ vang của người cầm bút. Nhà văn trẻ cần tự trang bị cho mình những điều kiện tốt nhất để thực hiện sứ mệnh của mình. Đồng thời xã hội, cụ thể là các tổ chức nghề nghiệp, các nhà doanh nghiệp cũng cần phát hiện, nâng đỡ và tạo điều kiện cho các nhà văn trẻ đã, đang, sẽ xuát hiện trên văn đàn.

-Trách nhiệm của kiểm duyệt xuất bản đối với dòng sáng tác này là gì?

-Theo tôi, các cơ quan quản lí cần khuyến khích nhà văn trẻ, đặt hàng cho họ, tổ chức trại viết, giúp in ấn, phát hành những đứa con tinh thần đó. Nếu họ có những lệch lạc thì cần sớm phát hiện, uốn nắn, giúp đỡ trên tinh thần bao dung, rông lượng. Được như thế  sẽ khuyến khích các nhà văn trẻ phục vụ tốt nhất cho bạn đọc, cho nhân dân, cho đất nước.

-Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

                                         Bình Thanh  BÁO GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI  (Thực hiện)

hoa_sung_1

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung