VŨ NHO TRẢ LỜI PV KIM KHÁNH

                    TRẢ LỜI KIM KHÁNH ĐÀI TH TP HỒ CHÍ MINH

v_nho_nguyn_kh

NHÀ VĂN VŨ NHO - ẢNH PHẠM VĂN SƠN

  1. Là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học, ông nhận thấy Tết xưa hiện lên trong những trang thơ, trang văn xưa như thế nào?

VN: -   Chúng ta đều biết Tết là ngày vô cùng quan trọng với người Việt. Đó là ngày đoàn tụ gia đình, ngày gặp gỡ người thân, ngày thực hiện nghi lễ tâm linh với tổ tiên. Đó cũng là ngày tiễn năm cũ, đón năm mới với hi vọng về cuộc sống đủ đầy hơn, tốt đẹp hơn năm cũ.  Các văn nghệ sĩ đều rất chú ý đến sự kiện quan trọng này. Bởi vậy mà họ đã ghi lại trong nhưng trang văn thơ về cảnh sắm tết, ăn tết, chơi tết. Thật thú vị khi ngày nay, những người trẻ tuổi có thể đọc thơ văn để biết cha ông ta đã sắm tết và ăn tết như thế nào. Xa một chút là cảnh tết trong thơ của nhà thơ Trần Tế Xương   với kiểu nói nghèo mà sang:

            Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy

            Giò lụa toan làm , sợ nắng thiu

Gần hơn là cảnh chợ Tết trong thơ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ ở miền Bắc, chợ tết phương Nam với bài thơ “Đợi tết quê Nam” của nhà thơ Vân Đài. Bạn đọc biết được nỗi vất vả của người phụ nữ sắm Tết qua bài “Tết của mẹ tôi” của nhà thơ Nguyễn Bính, biết được món quà tết của nhà thơ Hằng Phương qua bài “ Quà tết nhớ mẹ”, biết cảnh  hồi hộp đợi tuổi của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, biết nỗi mừng được quần áo mới trong bài “ Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh,… Thâm chí còn biết cả những con vật đón tết ra sao qua truyện “ Cái tết của mèo con” của nhà văn Nguyễn Đình Thi, “ Mèo con chúc tết” của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, các chị em nhà Bướm chúc tết của nhà thơ Dương Thúy Mỹ,…

  1. Ông có thể nêu ví dụ một số bài mà ông ấn tượng nói về nét văn hoá Tết xưa? Những đặc sắc của Tết phương Bắc, Tết phương Nam được thể hiện ra sao, thưa ông?

VN: Ai cũng biết đến bài thơ nổi tiếng “ Chợ Tết của nhà thơ” Đoàn Văn Cừ với sự miêu ta chi tiết và sống động:

          Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu

Đây là cảnh bán mua:

Người mua bán ra vào đầy cổng chợ

Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ

Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán

Mấy thầy khóa gò lưng trên cánh phản

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân

Còn đây la chợ Tết phương Nam của nhà thơ Vân Đài:

Dưa hấu xuồng con nặng lướt qua

Ruột vàng mát rượi cát Trà Kha

Chợ ba đêm tết gà quên sáng

Đèn đọ sao khuya khách lạc nhà

Bà nội mấy lần đi chợ tết

Thúng đầy cam đỏ gánh mùa xuân

Trẻ em áo mới vây quanh bếp

Xem mẹ ngồi xên chảo mứt gừng

                 (Đợi tết quê Nam)

Tôi ấn tượng với bài thơ Tết xưa của nhà thơ Thu Nguyệt:

Hồi xưa tết thiệt là vui

Ta trong trẻo đến khóc cười cũng trong

Tim theo nhịp quết bánh phồng

Chiều ba mươi gánh nước sông đổ tràn

[…]

Mẹ bày bánh mứt ra khay

Trẻ con như cánh bướm bay khắp đường

                         (Tết xưa)

Chỉ qua ba bài thơ , người đọc cũng thấy được sự khác biệt của tết phương Bắc và phương Nam. Mặc dù cùng chung không khí náo nức, hồ hởi.

 

  1. Đọc lại những áng thơ văn xưa cũng là một cách chơi Tết thú vị. Qua đó, cho thấy Tết nay đã khác Tết nay nhiều. Theo ông, hiểu về Tết xưa có tác dụng, ý nghĩa như thế nào đối với văn hoá đón Tết hiện nay, đặc biệt là với giới trẻ?

VN: - Đúng vậy! Có nhiều cách chơi TÊT, nhưng đọc lại thơ văn để biết Tết xưa cũng là một cách. Tết bây giờ khác rất xa tết xưa. Vì thực phẩm sẵn, quần áo đẹp đầy đủ, mọi thứ có thể không cần đến chợ, ngồi nhà đặt hàng cũng có đủ hết. Tuy vậy ngày Tết vẫn là ngày thiêng liêng, ngày tết vẫn được toàn dân, từ người già đến người trẻ nao nức, mong chờ. Những khi Bác Hồ còn sống, Tết là dịp để người dân nghe thơ chúc Tết của Người. Còn bây giờ, nghe và nhìn lãnh đạo Đảng nhà nước chúc  tết trên TV, xem bắn pháo hoa,…

            Giới trẻ ngày nay biết được dù vật chất chưa đầy đủ, nhưng thế hệ cha anh vẫn nao nức đón Tết, vẫn tràn đầy hi vọng  về cuộc sống tốt đẹp trong tương lai! Họ càng thêm tự hào và biết ơn thế hệ cha anh!

  1. Viết về Tết vẫn là dòng cảm hứng được duy trì xuyên suốt của các nhà thơ, nhà văn cho đến ngày nay. Theo ông, điều gì là giá trị không đổi mà những áng văn thơ viết về đề tài này mang lại cho người đọc?

VN: - Cảm hứng về Tết, về mùa Xuân là cảm hứng lớn trong văn chương từ xưa đến nay. Điều có ý nghĩa nhất là các áng thơ văn viết về TẾT bao giờ cũng tràn đầy tinh thần lạc quan, hân hoan đón chào năm mới. Những áng thơ văn đó đem lại niềm vui đầu năm, đem lại niềm tin rằng “ Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua” ( Hồ Chí Minh,Thơ chúc tết Mậu Thân 1968).

            Có  một số người đã nêu ý kiến bỏ Tết cổ truyền, chỉ đón tết Dương lịch cho đơn giản, tiết kiệm. Thế nhưng hầu như ý kiến đó bị bỏ qua. Vì Tết cổ truyền là một nét riêng văn hóa của đất nước. Tết đem lại niềm vui sum họp, niềm hi vọng tương lai. Báo Tết của các ngành rực rỡ những hình ảnh và bài viết. Bài Tết trên báo TÊT đã thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt!

                                                          Hà Nội 31/1/2024

GHI HÌNH SÁNG 2/2/2024

vnp_hoi_hoa_xuan_ecopark_2019_1

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung