bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 316
Trong tuần: 1110
Lượt truy cập: 631515

PHÒM (TIẾP)

LaHAN
 
THƯƠNG NGƯỜI THÌ VẪN HƠN
 
  Nghe chuyện ở “Sài Goòng”. Hai cô gái đi chơi đêm. Muộn. Bị giữ, đưa vào Trung tâm Quản lý xã hội 10 ngày. Cán bộ làm việc đó bị kỷ luật. Phòm giật mình!
  Số là cách làng Phòm chừng hơn cây số, có một bãi doi nổi lên đẹp như tranh Thái. Phía trên là đồng hoa cải vàng; phía dưới, giáp triền nước là bãi cát cũng vàng... Khối đôi sắp cưới kéo nhau ra đây chớp ảnh, khối cặp tình nhân đưa nhau ra đây phởn. 45 Tối ấy, cách đây gần 3 tháng. Cũng có 2 cô gái dựng chiếc xe máy “Lít” màu sữa, đùa, chụp ảnh, chạy, bày bánh ra ăn... Bóng đêm tràn xuống, vẫn chẳng chịu về.
Trăng áp rằm, sáng nồng nã.
  Bên kia sông, thành phố Sơn Tây hắt ánh điện lung linh như trong phim Hàn Quốc. Hai cô gái ngồi bên nhau rỉ rả chuyện bạn tình. Hai thằng choai choai, một áo xanh, một áo ba lỗ màu cháo lòng xịch xe:
 - Em ơi! Đi chơi không?
- Thì tụi em vẫn đang ngồi chơi!
- Cho anh ngồi cùng nhé!
 - Bờ sông của đất của trời Bận thì đứng ngắm, rỗi hơi thì ngồi... hí hí...
Như được mời. Hai thằng ngồi kẹp hai bên, sát nách hai cô gái!
 - Ơ... cái anh này. Anh làm gì thế?
- Anh làm công nhân cát sỏi!
 - Anh bỏ tay ra, không tôi kêu lên bây giờ!
- Hớ hớ... Kêu đi, kêu đi... Anh kêu hộ nào!!!
Hai cô vội liếc nhìn chiếc xe máy. Sợ bị cướp! Rồi hai cô gạt mạnh tay, đứng phắt dậy. Thằng áo ba lỗ ngã kềnh. Thằng áo xanh nắm chặt tay một cô, hét:
 - Chớ có đi! - Soạt! - Nó rút từ trong túi áo ngực ra một cái thẻ đỏ, nghiến răng: - Đứng im! An ninh nhân dân đây!
- Ơ... ơ... Thằng áo ba lỗ lồm cồm bò dậy, rút từ thắt lưng ra cái gậy sơn đỏ sơn trắng. Dư dứ:
 - Ơ... cái gì! Mời hai cô về trụ sở giải quyết!
  Trụ sở xã thì xa. Đền Vua than thì gần. Chúng bắt hai cô gái về sân đền. Phòm được mời ra chứng kiến vì chuyện xẩy ra ở địa bàn thôn của Phòm. 20 phút sau, xã đội trưởng, trưởng công an xã cùng 16 công an viên và đội viên dân phòng có mặt.
  Biên bản! Lời khai! Lục soát... tới tấp đòi đưa ra. Hai cô gái mắt trợn ngược, da mặt xanh như lá chuối, mồm há ra, lưỡi cong lên dính chặt vào vòm họng, chỉ biết: “Ơ... ơ...”.
 Trưởng công an xã:
 - Đây là gái ăn chơi, từ phố về mồi chài trai làng. Bắt!
Xã đội trưởng:
 - Cảnh giác cao độ, có khi là thế lực thù địch thả người về nắm các điểm trọng yếu của bờ sông chúng ta. Giữ!
   Phòm hỏi hai đứa gái. Chúng cứ “Ơ... ơ...” mà nước mắt cứ vòng vèo! Thương quá, Phòm bảo:
 - Có khi các cháu nó đang điều trị ở Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ câm điếc. Ta chuyển về đó rồi hãy tính. Chuyển!
  May sao, 3 ngày sau, các bác sĩ chữa chạy thế nào mà hai đứa gái nói lại được. Đứa khai, vốn người bên kia sông, đang học trường cao đẳng báo chí thông tin của tỉnh bên Phòm, rủ bạn học trường Chuyên Thơ về ngắm quê vào đêm trăng sáng. Định ngắm một lát rồi qua cầu về thăm mẹ! Ai ngờ... Báo tin, bố mẹ chúng đón về. Hoan hỉ!
   Sơ kết 6 tháng, thôn Phòm được khen an ninh tốt. Nghe đâu, Trung tâm phục hồi trẻ câm điếc cũng được bằng khen. Thích thật! Đấy! Giải quyết việc gì, cứ có lòng thương người, bao giờ cũng hơn!

screenshot_977
 
LÀNG PHÒM THI HOA HẬU
 
  Cậu bí thư chi đoàn thôn đến nói với Phòm:
 - Gay quá bác ạ!
 - Gay gì thế?
 - Trên xã Đoàn yêu cầu chọn gái đẹp lên huyện thi, rồi huyện chọn lên tỉnh thi hoa hậu mang tên “Hoa hậu đền Bà” bác ạ!
 - Á à... Tỉnh mình có cái đền Bà nổi tiếng cả nước nên tỉnh chọn thi Hoa hậu lấy tên ấy là đúng rồi! Gay đếch gì nữa?
   Cậu Bí thư chi đoàn vò đầu, gãi tai:
 - Đành rằng việc ấy là hòa chung không khí của cả nước. Nhưng bây giờ chọn đứa nào trong 62 đứa gái tuổi từ 16 đến 25 của thôn mình hả bác?
Phòm gật gù, đăm chiêu một hồi rồi ngẩng mặt lên, nói như quát:
 - Thế tính năng động, sáng tạo của tụi bay tụt đâu hết rồi?
- Dạ... Ý bác là...
 - Là sao nữa! Làng mình có đền Vua than nổi tiếng, tội gì mà không nhân dịp này, ta tổ chức thi Hoa hậu đền Vua than!
- Ấy ấy... Bác ơi! Thi hoa hậu có quy chế chỉ cấp nào mới được tổ chức...
 - Cậu ngu bỏ mẹ. Thì mình đừng nói thi hoa hậu, mà là thi hoa khôi, thi người đẹp... Thiếu đếch gì tên!!! Ngày xưa các cụ thi chọn người đẹp rồi làm tướng bà cho ngồi đánh cờ người ở các làng, các tổng đấy thôi!
 - Vâng... vâng... Cái này để cháu báo cáo và xin ý kiến cấp trên đã bác ạ. Kể ra thi được cũng hay!
Phòm cao giọng:
 - Việc báo cáo, chạy chọt các thủ tục là của cậu. Còn các việc khác để tớ với các cụ lo.
 Rồi Phòm hèm giọng:
 - Này nhé, thi về nét đẹp truyền thống thì mời cụ Từ giữ đền và mấy cụ bô lão chấm. Thi về nữ công gia chánh thì mời mấy bà sồn sồn góa chồng. Các bà ấy khó tính thế, chọn mới công bằng và chất luợng! Thi về ứng xử thì mời mấy ông giáo về hưu chấm. Thi về ca múa hát hò thì mời mấy cô giáo mầm non chấm... Thế được chưa?
- Ấy, bác ơi, còn cái khoản nhân trặc nhân chắc học gì ấy thì sao ạ?
 - À... về cân đo đong đếm các số đo chứ gì. Lo đét gì. Mời ông Kiễng - thợ may vẫn sửa quần áo cũ, ngồi ở góc đền ấy. Đo thì cấm có sai.
- Thế còn chuyện dao kéo, sửa sang sắc đẹp đã bị cấm. Mình làm sao phát hiện ra được ạ?
- Giời ạ! Sao đầu óc cậu bã đậu thế? Họ đưa ra quy định thế cho có vẻ chọn cái đẹp tự nhiên thôi, chứ hoa hậu sửa răng, rồi hoa hậu bơm ngực, rồi á hậu sửa môi, á hậu nâng mũi đầy ra đấy, có sao đâu!!! Cần lắm thì ta mời mấy bác batoa, chuyên cạo lông, chọc tiết tham gia ban giám khảo. Vết mổ nào mà các ông ấy không nhòm ra? Mà mục ấy mình cho qua. Miễn là trông mọi chiều nó Đẹp!
  Phòm bỗng hạ giọng, động viên:
 - Gắng lên cu cậu, đợt này mà thành công, các năm sau ta tổ chức mỗi năm dăm ba cuộc thi nữa. Nào là Hoa khôi Cày Cấy này, Hoa hậu Bò sữa này, Hoa khôi Cát này, Hoa hậu Phù sa này, Người đẹp bên sông này, Hoa hậu Mầm non, Hoa khôi Tiểu học, Hoa khôi Con Dâu, Hoa hậu mẹ Chồng... Chà... Khối thứ có thể bịa ra mà thi. Cứ hướng chủ đề về cái gì thì mình thi cái đó!
Phòm cười to:
- Khờ... khờ... Ngày xưa, chiến tranh, dân làng ta tự hào “Ra ngõ gặp anh hùng”. Thế hệ các cậu sống trong hòa bình, cứ thi nhiều hoa hậu vào, tìm nhiều người đẹp vào. Đi đâu cũng gặp vương miện hoa hậu, thời buổi “Ra ngách gặp hoa hậu” không phải là sung sướng lắm sao? Khờ... khờ...
 Cậu bí thư chi đoàn cun cún chạy đi lấy giấy bút để làm tờ trình. Phòm hân hoan bước ra đền với một niềm vui rất mới!
 
CHUYẾN XE THANH LIÊM
 
Giữa trưa, Phòm nhận được lệnh: 4 giờ chiều có mặt tại Ủy ban xã. Có việc gấp.
 Đến nơi, thấy đủ mặt từ Bí thư, Chủ tịch, hai Phó chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch Mặt trận, trưởng hoặc phó các Đoàn thể Cựu, Thanh, Cao, Phụ. Đủ cả. Riêng Hội Nông dân thì Chánh Phó Chủ tịch đi vắng, Phòm là Ủy viên Thường vụ, đi thay!
  Một xe 16 chỗ ngồi thuê của Hùng Choắt thôn Phù, nổ xình xịch giữa sân.
Lên xe. Ổn định chỗ ngồi, bà Bí thư xã hắng giọng:
- Hôm nay chúng ta thay mặt Đảng bộ và nhân dân xã Tân Tàng lên chúc thọ. Xin lỗi. Tôi nhầm. Chúc mừng sinh nhật đồng chí Bí thư huyện (Lốp đốp tiếng vỗ tay).
 Bà tiếp:
- Đồng chí ấy là Bí thư huyện trẻ nhất của tỉnh nhà, đó là hồng phúc của huyện ta.
 (Lại lốp bốp tiếng vỗ tay). Phòm ghé tai Bí thư Đoàn: “Trẻ đếch gì nữa, tay ấy học cùng tớ, ngót 60 mẹ nó rồi!”.
 - Nhưng ông ta khai thế nào mà năm nay mới có 49!?
- Thì vưỡn biết! Giọng ông Chủ tịch xã bỗng cất lên ồm ồm:
- Đây là việc quan trọng và rất cần thiết. Chúng ta đi đông đủ như vầy thể hiện sự đoàn kết cao của Đảng và dân, sự biết ơn lớn của dân và Đảng xã nhà với đồng chí ấy. Có đủ mặt các ban ngành đoàn thể như vầy cũng bộc lộ rõ tính công khai, minh bạch mà chúng ta đang ra sức thực hiện!!!
 Chủ tịch Hội Phụ nữ ỏn ẻn:
 - Các đồng chí không nói sớm, để em đặt bó hoa!
Chủ tịch Cựu chiến binh gạt đi:
- Vẽ vời làm gì, đây là việc tế nhị!
 Chủ tịch Hội đồng vội lên tiếng:
 - Quà cáp thì Văn phòng lo đây rồi. Không ai phải lo gì.
 Mọi người nhìn nhau. Phòm ngồi im. Xe chạy êm ru giữa đường cái quan. Bỗng Phó Chủ tịch phụ trách Văn Xã lên tiếng:
- Lát nữa, khi chị Bí thư xã có nhời chúc tụng ở nhà trên, bác Phòm cầm túi quà vào nhà sau đưa cho chị Huyện rồi nói rằng đây là chút quà quê của chúng em nha!
 - Sao lại tôi?
- Bác ở Hội Nông dân, nói quà quê nó hợp lý nhất. Mà đây là quà quê thật. Có yến gạo ngon với cái phong bì thôi mà!!!
- Ôi dào, khi ấy ai biết ai mà vẽ chuyện thế!
 - Thôi thì thế này, chú BeTo Nguyễn - Bí thư Đoàn xách túi cùng bác Phòm nhé!
Như sợ sự im lặng, bà Bí thư cất lời:
 - Các đồng chí ạ, chúng ta đi đây cũng là vì dân, lo cho dân, chứ mỗi chúng ta có ai hưởng tư lợi gì ở đây đâu. Một chuyến xe đầy thanh liêm. Nhưng vì là việc tế nhị, dễ chạm vào vùng nhạy cảm nên mọi người cần thấu cảm và thống nhất thực hiện...
 Phòm suýt phì cười, không ngờ bà Bí thư xã vừa đi tập huấn ở tỉnh về, có thêm mấy từ mới đáo để, hết “Nhạy cảm” đến “Thấu cảm”! Vui thế. Phòm quay sang tán với Bí thư Đoàn:
- Theo cậu, trên cơ thể người, có mấy chỗ nhạy cảm?
- Cũng tùy ạ, người có chỗ dưới, người có chỗ trên...
 - Người có ở tai, người ở nách...
- Có người nhìn thấy thứ mình thấy nhạy cảm đã nhạy cảm rồi ạ!
- Ừ, có người nghe thấy nói đến nó đã nhạy cảm rồi...
- Đúng thế ạ!!!
- Ha ha... Thế hôm nay mình đi đây thì nó “Nhạy cảm” vào chỗ nào?
 Hai anh em chưa hết chuyện thì xe đã đến huyện. Mọi việc diễn ra tuần tự như tiến! Buổi tối, đánh chén no ở quán đặc sản phố huyện. Về. Thủ quỹ Ủy ban thanh toán tiền ăn, tiền xe chu đáo! Mỗi bác về lại có túi quà của huyện. Văn phòng rỉ tai, Bí thư huyện cảm ơn cả đoàn, cả lái xe. Đúng là một chuyến xe đầy căng sự Thanh Liêm Chính! Có thế mới được thế chứ!

                                                                                               LaHAN
                                                                                           
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)