bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

Vy

Muốn mua sản phẩm

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 194
Trong tuần: 894
Lượt truy cập: 682464

TẢN MẠN VỀ QUẢ CÀ

TẢN MẠN VỀ QUẢ CÀ
Tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung
 
tm_dung_1
Có lần, tôi đọc ở đâu đó, một câu chuyện vui. Người kế chuyện nhằm vào một anh chàng Người Tây, lần đầu sang du lịch tại Việt Nam và ngỏ ý muốn nếm thử món ăn độc đáo mang bản sắc Việt.
Người ta bèn dẫn anh đến một nhà hàng "cơm quê", gọi một suất "đặc sản".
Cô chủ hàng xinh đẹp và nền nã với tấm áo bà ba nâu, tôn dáng lưng ong, tóc búi trễ cùng nụ cười hàm tiếu, dịu dàng mời khách quý.
Nàng trịnh trọng bê một mâm gỗ cũng màu nâu bóng, trên xếp chỉ với ba món đồ ăn. Nhìn bát "chiết yêu" canh, với những mảng gạch cua đồng vàng ươm, nổi bật trên nền xanh ngắt của rau đay, mùng tơi, mướp hương đầu mùa đang lan toả mùi thơm ngọt ngào, cộng với một liễn màu da lươn cơm gạo tám xoan Hải Hậu chính hãng, thơm nức nở, đặc biệt là một bát cà pháo thơm chua, màu xanh dịu, được dầm rất khéo với riềng vàng, tỏi trắng, ớt đỏ, trên tay Người Ngoan. Nó hấp dẫn, cậu chàng người xứ lạ, đến nỗi, anh ta...xổ ra một tràng Tiếng Tây giòn như người ta...cắn cà pháo vậy!
Sau "bữa tiệc", người hướng dẫn viên du lịch, hỏi cảm nhận của thực khách. Anh ta...hồn nhiên, nói như phân trần:
- Tôi dùng món "súp" đầu tiên. Nó thật độc đáo và tuyệt vời! Món "cơm" thứ hai thì... bình thường! Nhưng mà món... quả "tráng miệng" của nước các bạn thì...quá thể!
Anh ta nhăn hết mặt mũi, rồi liên tiếp đưa tay lên... làm dấu!
Nghe thủng câu chuyện, cô chủ hàng từ cười mỉm đến lấy tay che miệng vì không nhịn được cười. Và dường như để tạo ấn tượng cho vị khách tầm cỡ..."Liên bang Quốc gia" kia, người đẹp chủ hàng, đã nhiệt tình "thị phạm" trực tiếp cho vị khách quý, lối ăn đặc sản của Người Việt. Và nghe đâu, sau này, vị khách đặc biệt ngày ấy, đâm... nghiền món canh cua, cà muối của quý nhà hàng, rồi trở thành "chú rể" của cơ sở này từ lúc nào không hay!
Chuyện thật hư về món ăn đặc sản cà muối, đã hấp dẫn đến mức trở thành mối lương duyên tầm cỡ... "quốc gia" như thế nào, thì còn phải kiểm chứng; Nhưng với tôi, nó đúng là món độc đáo, có một không hai, lặn sâu vào tiềm thức, mà bao năm nay, lòng tôi cứ nhưng nhức nhớ thương!
Nhà tôi, giống như hầu hết các gia đình thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng, không mấy nhà là không có vại cà muối. "Vại cà" nơi quê nghèo của tôi, được coi là một "tài sản"; Một "bảo hành" về sự căn cơ của những gia đình có nền, có nếp; Bởi, chỉ những gia đình có khả năng dồi dào về sức người, sức của, cơ bản, (thậm chí có kẻ ăn, người làm trong nhà), mới có được một, vài ba "vại cà đầy", để dành ăn quanh năm. Chả thế mà trong cuộc tỏ tình với cô gái mình say mê, chàng trai quê nọ, lại khoe ra cái sự "đầy đủ" trong gia thế của anh, để thuyết phục "người ngoan" như thế này:
"Nhà anh có vại cà đầy
Có ao rau muống, có vài chum tương".
Vậy đấy!
Chẳng khoe "nhà ngói bức bàn"! Cũng không khoe "ruộng sâu trâu nái". Không khoe bố mẹ hiền lành nhân đức. Vại cà đầy, ao rau muống, vài chum tương. Thế là giàu có rồi, là cơ bản rồi! Bởi thế, những người quê xa quê, như tôi, như bạn, như người đàn ông trong lời ca cổ sau đây, lại da diết nỗi niềm:
"Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương..."
Tôi rất tâm đắc và thú vị khi thấy hình ảnh quả "cà meo" đẹp cao cả, thiêng liêng, quý giá tình bạn, tình người trong vở chèo cổ " Lưu Bình Dương Lễ", và đặc biệt, trong truyền thuyết về người anh hùng Làng Gióng. Tôi vẫn nhớ ngày xưa, đã từng đọc chuyện Thánh Gióng ăn hết ba nong cà và bảy nong cơm. Thật may là tìm trên mạng, tôi thấy bản kể có chi tiết này:
“ Quân lính được lệnh hò nhau kéo ngựa sắt, khiêng roi, nón và áo giáp đến. Dân làng cũng bày một bữa tiệc gồm bảy nong cơm, ba nong cà muối, tiễn Gióng ra trận. Gióng cảm ơn làng xóm, ngồi ăn loáng một cai đã hết.
Ăn xong, Gióng ra sân vươn vai một cái, người hóa cao lớn lạ thường trước sự kinh ngạc của quân lính và làng xóm”
(Nguồn : Truyện cổ tích Thánh Gióng song ngữ Việt Anh hay nhất cho thiếu nhi. Eva.vn ngày 05/04 2022).
Như ta đã biết, trái cà vốn chẳng mấy xinh đẹp như trái của loài cây đào, lê, hồng, nho, cam quýt..., cũng chẳng sang trọng, quý giá để cho người ta dâng lễ gia tiên, làm quà biếu, hay nhiều chất vi ta min bổ béo, ngon lành của món ẩm thực quan trọng ... mà sự giòn ngọt, chua thơm, mặn mòi của nó chỉ để đưa miếng cơm gạo đỏ, độn sắn khoai, làm no lòng chắc dạ cho bữa cơm đồng gần, đồng xa trong lúc bận rộn, không có điều kiện đun nấu, của cánh thợ cấy, thợ cày. Hay thoảng hoặc, tranh thủ bắt được mớ cua đồng, nấu bát canh với rau vườn nhà, rau tập tàng cho con trẻ đưa cơm, người già mát dạ và người vợ được buổi ngắm chồng mình, hả hê, chan chan, húp húp, ngon miệng trong bữa chiều hây hẩy nồm nam...
Ai dám bảo, đây chưa phải là đỉnh cao của hạnh phúc!
Cây cà xinh xắn, trong ký ức còn gọi về nơi bạn, nơi tôi, hình ảnh đẹp gần gũi của những chùm hoa bé nhỏ, khiêm nhường biêng biếc tím; Gọi về những khao khát đến nao lòng, tiếng vọng tình yêu của gái đảm, trai hiền chốn thôn trang:
"Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà, bẻ nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay..."
Không biết tận đến lúc tuổi xế chiều, người con gái kia đã thành bác, thành bà ấy, có khi nào, trong giấc chiêm bao, nàng còn thổn thức về cốt hồn của chùm hoa cà tim tím ngày xưa ấy như... tôi, như bạn, hay không?
Để rồi, trong mỗi lời hát ru con, ru cháu, bất giác ai đó lại mùi mẫn mượn cây cà, trái cà, mà gửi gắm chút niềm riêng; Hoạc để ai đó trong đêm cô đơn, thổn thức, nhắn nhủ cùng ai nơi xa xôi, những lời máu thịt: Mình trải qua bao nhiêu đau đớn, mới tìm lại được nhau, đừng bao giờ đánh mất nhau lần nữa nhé, người ơi...
Với tôi, tôi không nhớ hết được những lời ca, khi ngọt ngào da diết, nhớ thương... lúc lại ngậm ngùi chua xót... được lấy cảm hứng từ những cây cà. Chỉ xin được trích ra đây đôi câu làm dẫn dụ:
" Hỡi cô yếm trắng lòa xoà
Vào đây kín nước tưới cà với anh
Bao giờ cà nhớn, cà xanh
Anh cho một quả để dành nuôi con"*
Tất nhiên người con gái trong bài ca không thô thiển, đáo để mà trả lời kẻ đa tình, hóm hỉnh kia rằng: Con thì em chưa có, mà nếu có, nó cũng chưa ăn được cà. Ví chăng cà...mới bói lứa đầu, chàng đã có lòng cho ai thì nên dành riêng ra một chùm... hai quả... cho cân!
Có lẽ trong chúng ta, không một ai là người không thuộc và tâm đắc những câu ca này, dù bạn xuất thân từ chốn quê nghèo hay thành phố giàu sang:
"- Ớt non mà trổ hoa cà
Lấy em không đặng, ở già vậy thôi"
"- Công anh làm rể chương đài
Một năm ăn hết mười hai vại cà
Giếng đâu thì dắt anh ra
Kéo anh chết khát vì cà nhà em"
Thấy tôi mê mải rặt những món ăn về cà, chị bạn tôi gửi cho mấy câu thơ hay của một Nhà thơ cũng rất yêu cây trái vườn nhà:
"- Thân em lá cứng cành mềm
Dầm mưa dãi nắng, ngày đêm cũng đành
Cánh hoa đơn chiếc móng manh
Thủy chung màu tím long lanh nhụy vàng
Em không vào bậc cao sang
Bốn mùa sương gió đa mang phận cà
Thương ai nắng đổ, mưa sa
Em cho trái lớn, thắm hoa xanh cành"
"- Cà pháo dày múi nấu bung
Đậu phụ thịt lợn ấm từng chân răng"
(Phạm Đức Quang)
Hạnh phúc đoàn tụ thật giản dị sau "cả ngày biền biệt", của người đàn ông thôn quê:
" Anh đi biền biệt cả ngày
Về nhà một thoáng lại đầy niềm vui
Chỉ trông con đón vợ cười
Bao nhiêu mét nhọc trong người tan nhanh
Chú mèo cũng cứ rối tình
Bên mâm cơm nhỏ bát canh, quả cà..."
( "Ngày Thường"- Ánh Tuyết)
Vâng, cây cà, quả cà là loài cây trái bình dị, gần gũi, thân thương. Quả cà đã thường xuyên có mặt trong bữa ăn đạm bạc hàng ngày của người bình dân, vào trong thơ ca, trong truyện cổ dân gian. Tôi thấy, bây giờ trong các nhà hàng sang trọng, ngoài các món ăn cao cấp, món canh cua cà pháo, cà tím nhồi thịt, cà tím nướng than hoa... đã thành đặc sản. Gần đây, một công ty của Việt Nam đã xuất khẩu một công ten nơ cà pháo sáng Mỹ. Trên bàn tiệc lớn cấp quốc tế của một số quốc gia, đã xuất hiện những món ẩm thực cao cấp từ những trái cà Việt. Chắc chắn, sớm muộn, cây cà sẽ góp gương mặt giản dị, duyên dáng, của nó vào vẻ đẹp trăm tia nghìn hồng của thơ ca hiện đại. Chúng ta hãy chờ xem!
Còn với tôi, sở dĩ sáng nay, tôi trở dậy từ gà gáy tiếng nhất, sau một đêm nhớ nhà, khó ngủ để viết bài này; Bởi, chiều qua, em dâu tôi điện lên kể chuyện:
- Em vừa hái được mẻ cà pháo ngon tuyệt ở bãi bờ Sông Sứ.
Mẹ bảo, con gói một nửa, gửi xe Dương Sim lên Hà Nội cho chị mày.
Ôi! Mẹ! Mới nghe tin nhà mà mắt con đã thấy rưng rưng!
2/ 5/2023
TD
 
 
 
 
 


 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)