bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 202
Trong tuần: 996
Lượt truy cập: 632942

HOA TRONG NẮNG BIẾC

Hoa trong nắng biếc

(Đọc tập thơ “Bao giờ tươi mới giêng hai nõn” của NT Nguyễn Thị Mai-NXB Phụ nữ năm 2023)

Thanh Ứng

nh_n.t.mai_1

NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ MAI

            Tên bài viết này tôi tìm được trong bài thơ Nguyễn Thị Mai lấy làm tên cả tập mới xuất bản: “Bao giờ tươi mới giêng hai nõn”. Trong bài đó, nhà thơ còn viết: “Cho dù tất bật ngàn công việc / Vẫn đầy nỗi nhớ khát khao luôn/ Nỗi nhớ diệu kì, thương mến ạ /Cho em quên sạch những khổ buồn”. Chính “nỗi nhớ diệu kì, thương mến” đó mà đã có lần nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị gọi là “Những ngọn đèn kí ức trong thơ” Nguyễn Thị Mai. Ánh sáng của kí ức đã góp phần làm nên đời thơ của chị. Nếu thơ chị như dòng sông thì đến bây giờ “Sông trải phù sa phơi phới bờ”, nếu là hoa thì “Hoa lại nở bừng trong nắng biếc”. Tập thơ này là một bông hoa mới mà Nguyễn Thị Mai dâng tặng cuộc đời. Tập thơ là sự kết tụ những tinh chất đẹp đẽ của hơn 40 năm làm thơ với 15 tập đã trình làng và nhiều bài, nhiều tập được giải thưởng  ở trung ương, các ngành và địa phương. Bìa trình bày sang trọng khác lạ so với những tập trước với 69 bài thơ, chia ba phần tách biệt, mỗi phần lại có những dòng thơ làm đề từ nhưng cả tập vẫn nhất quán một hồn thơ Nguyễn Thị Mai từ  “Thời hoa gạo cháy” xuất bản năm 1995 đến bây giờ. Đó là cái Tôi trữ tình giầu thương yêu, nặng lòng vị tha của một trái tim nhân hậu. Trái tim đó trước hết thuộc về những người ruột thịt .Chị đã khóc nhiều để giã biêt khi mẹ cha mất đi trong khổ nghèo, bệnh tật và cũng lấy đi không ít nước mắt của độc giả trong những bài thơ viết về mẹ, về cha ở những tập thơ trước. Những người ruột thịt cứ thưa dần trên cõi đời này, nhà thơ còn người chị gái và mấy đứa em. Do duyên phận mà phải ở xa chị gái nhưng nhà thơ vẫn thường xuyên lo lắng, chăm sóc chị. Lễ mừng thọ chị 70, nhà thơ mời các nghệ nhân ở thủ đô về hát chầu văn, quan họ, ngâm thơ… và tự làm cả một tập thơ mừng chị, mong chị sống vui lúc tuổi già. Nhà thơ chăm sóc chị gái mình như chăm mẹ ngày xưa khác là bây giờ có bệnh viện, nhà an dưỡng, thuốc tây… Với thể thơ lục bát nhuần nhị quen thuộc của Nguyễn Thị Mai, bài thơ “Chị gái em thương” đã kể về người chị thân thương đó. Bài thơ dài, hơn 40 câu như một dòng chảy cuốn người đọc nhập vào cuộc đời của người chị gái với những bước vất vả, khổ nghèo trong gia cảnh éo le, may nhờ “phúc lành”, “duyên may” mà có một cuộc sống yên ấm khi về già “Bây giờ đã rể đã dâu / Chị còn vất vả đêm thâu bếp nhà/ Vừa bên nhau ông với bà/ Vừa vui cuộc sống tuổi già sớm hôm”. Ta còn gặp lại chị gái của tác giả trong bài “Chị ta đi hội Văn chương”: “Chị ta người của một thời/ Quanh năm vườn ruộng, xa nơi phố phường / Lần đầu đi hội văn chương /Lòng vui như thuở đến trường xa xưa” và trong cuộc đi đó, tác giả đã mua cuốn Kiều tặng chị vì chị cũng như mẹ ngày xưa thuộc Kiều và nhiều ca dao…Thương chị lại thương các em. Nhớ ngày mẹ mất, “Dải khăn em út bấy giờ chấm chân”, các em lớn lên nhưng vẫn vất vả, khó khăn, có người lại còn bệnh tật lay lắt. Những câu thơ viết về em trên giường bệnh cũng đớn đau như nhói vào  lòng “Chị ngồi nước mắt vòng quanh/ Thương em thân phận mỏng manh ngày này /Đời như chiếc lá lay phay / Một cơn gió thốc là tay buông về” và nhà thơ nắm chặt tay em, mong truyền cho em sự sống “Dù cho hơi thở dần mòn / Còn tay chị nắm là còn em ơi”…Cảnh nhà như thế, lại là con người biết thương yêu và có trách nhiệm với những người ruột thịt nên thơ chị trong các tập ta thường gặp những bài thơ sâu nặng nghĩa tình với những con người  đó. Viết về những người ruột thịt cũng là viết về phần đời mình và chị đã vượt lên nó để có ngày hôm nay. Với một trái tim phụ nữ nhân hậu, chị còn sẻ chia tình cảm với nhiều cảnh ngộ mà chị được biết, được nghe kể. Ta đã được đọc trong thơ Nguyễn Thị Mai với “Chợ đêm Long Biên”, “Nói với con chồng”, “Nhà không có bố”…và lần này cũng rất tự nhiên tiếp nối những tình cảm của nhà thơ, khi  viết về những khó khăn mất mát trong bão lũ của người dân Trà Leng trong “Lạy núi”,  cảnh ngộ tang thương của cháu nhỏ trong “Thương cháu Thái Lý Hoài Nam bị rơi vào lòng cọc bê tông tử vong”, những con người trong đại dịch Cô Vít “ Thành phố của ta ơi”, “Nghĩ về đại dịch Cô rô na”, cả người bị rủi ro trên thương trường “Kể chuyện đầu xuân”…Chính vì thế mà chị rất cảm kích trước những tấm lòng, hành động vì con người,vì sự nghiệp chung. Chị viết về “Người đàn bà dạy bơi”, về các bác sĩ, bộ đội hết lòng trong tâm dịch: “Bông trắng lá xanh”, “Người lính”…Trái tim nhà thơ rộng mở, hướng nhịp đập về những con người, những vùng đất của mọi miền Tổ quốc. Đọc những tập thơ trước, các nhà phê bình, Lê Thành Nghị, Bùi Kim Anh, Trần Thị Trâm, Vũ Nho…đã xác nhận điều này. Đó là “những cảm xúc sâu kín, một biểu hiện của cách sống luôn quan sát, luôn muốn ghi nhớ và ghi dấu những những xúc động riêng tư của chị” như nhà phê bình văn học Lê Thành  Nghị đã giải thích. Trong tập mới ta vẫn gặp bước chân của chị ở những nơi chị đã đến, ghi nhớ, cảm xúc và nghĩ suy. Chị xuống Hải Phòng thưởng thức bánh mỳ cay và thêm tự hào về vùng đất của nữ tướng Lê Chân, đến Vạt Lài mảnh đất biên cương phía Tây Nam Tổ quốc và thấm thía “Máu bao chiến sĩ thấm hồng đất đai” và ngẫm nghĩ về bờ dậu giữ gìn cương thổ  đất đai “Bờ dậu có khi chẳng thấy /Có khỉ rào nứa, xây tường…/Nhưng ngàn năm vì bờ dậu/Mà máu xương tràn biện cương”. Với Quy Nhơn nhà thơ thăm mộ Hàn Mặc Tử mà nghi suy về thơ và đời của  Hàn thi sĩ: “Chợ trăng còn mỗi vầng trăng lạnh /Lời rao nghẹn buốt tấm ngực gầy”…Đáng chú ý là lần lên Lâm Bình, Tuyên Quang chị được các họa sĩ vẽ chân dung, thế là có bài thơ “Vẽ tôi ở đất Lâm Bình”. Đã nhiều người “vẽ” chân dung Nguyễn Thị Mai bằng thơ và Nguyễn Thị Mai cũng tự viết chân dung mình. Trong các tập thơ trước đó và người đọc vẫn thường nhắc đến hai câu: “ Em thì tất tưởi mưu sinh / Nuôi con bến thực/ nuôi mình bến mơ” . Rất chân thành và cũng ngầm tự hào về một đời sống không dễ dàng mà vẫn rất lãng mạn nhiều thi vị. Các họa sĩ sẽ vẽ nhà thơ thế nào? Với gương mặt khả ái, sự giao tiếp chân thành, tận tâm chắc chắn bức tranh về chị sẽ có nhiều gam màu tươi sáng. Thật dễ dàng cho các cây cọ vốn đường nét, màu sắc là lợi thế của họ, nhưng nhà thơ vẫn băn khoăn “Vẽ tôi có sắc ngàn hoa/ Màu nào nói được bao la nỗi niềm/ Toát lên lo lắng buồn phiền/ Toát lên vất vả truân chuyên cuộc đời?/ Tất bật buồn, tất bật vui / Những đêm nước mắt ngậm ngùi lặng đau”. Thật khéo, một lần nữa nhà thơ lại tự vẽ chân dung mình bắng chính thơ mình. Một chân dung tâm hồn, thực và chân thành đến nao lòng người đọc. Nhà thơ Bùi Kim Anh đã kể nhiều câu chuyện phong phú, sinh động về cuộc đời với “bao la nỗi niềm”, “vất vả truân chuyên”…của Nguyễn Thị Mai trong bài viết của mình in trong tập sách dày dặn “Phái đẹp – Cuộc đời và cây bút” do Hội nhà văn xuất bản trước đây.Tuy nhiên cuộc đời của nhà thơ cũng có những niềm vui, dù là “Tất bật vui”, nhưng chính niềm vui trong tất bật nên niếm vui đó có thêm nhiều gia vị ngọt ngào. Đó là những lúc được sống với bạn bè, con cháu trong những lần họp lớp, hội khoa của thời phổ thông, đại học, hoặc đồng nghiệp ở những nơi mình  đã từng công tác và những chuyến đi của tập thể mà chị thường là người tổ chức, quán xuyến, hoặc được về lại với quê hương nơi nhiều kỉ niệm tuổi thơ, bạn bè. Những bài thơ trong tập này như “Chụp ảnh bạn bè ngày họp lớp”, “Gọi nhau họp Khóa”, “Lạc nhau trong hội” …ta thấy tác giả vui vẻ, hóm hỉnh,có khi tếu táo rất đáng yêu. Chị cũng trầm tĩnh,lắng sâu trong “Hà Nội có cầu Long Biên” hồi tưởng lại cả một thời thân thương tự hào về cây cầu nổi tiếng của quê hương trong những năm tháng cả dân tộc chống quân xâm lược. Trong những “Tất bật vui” đó có những niềm vui thầm kín khi nhà thơ đã ở tuổi gần 70 chị vẫn cảm nhận được trạng thái tâm hồn tình tứ và tự tin nó vẫn tồn tại trong cuộc đời mình. Bài thơ “Sáng nay” giúp ta nhận biết được điều đó: “Hình như con phố vừa mưa / Cây vừa gội lá, lá vừa tươi non / Tim vừa đập nhịp tuổi son / Hình như…tuổi hẹn vẫn còn cho em”,  rồi những tin nhắn, lời chúc từ những người khác giới và vẫn có những cuộc “Trốn tìm” cho dù “Tuổi giờ tuổi lá vàng rơi/ Ngàn mây ủ tóc còn chơi trốn tìm”, vẫn có người “Tung lời nhử gió để rình mây ngoan”…Hồn thơ Nguyễn Thị Mai như không bao giờ già. Chị vẫn xao xuyến với một lần gặp lại “Em lặng người…Khi gặp lại anh/ …Anh đứng trước em/ Trước chùm vải đỏ /Dẫu cuối mùa quả vẫn ngọt chờ nhau” , vẫn “run rẩy chân tay” “hồi hộp” gặp lại “người xưa” “dẫu đã mờ kỉ niệm, đã xa tháng ngày” trên bến Vầy Nưa của vùng núi Hòa Bình năm nào… Nhưng tất cả chỉ còn là kỉ niệm không bao trở lại nữa và chị cũng có những đêm không ngủ trong cô đơn, quạnh vắng và đặt câu hỏi “ Anh ở đâu, ơi mảnh trăng lặng yên?/ Móc vào cửa dấu hỏi lời nhưng nhức / Có khác nào lời trái tim trong ngực/ Hỏi chính mình để thương xót mình thôi” (Nghĩ trong đêm không ngủ)… Như có trái tim từng trải mách báo, chị nhận ra “Giả vờ con mắt đắm say/ Để rồi nắm giữ bàn tay chẳng rời”, có kẻ “Ngáo yêu”: “Lời luôn trơn miệng “Yêu em”  để rồi “Có kẻ hèn buông bỏ/ Quay lưng ngoặt đường tình/ Để ta dừng chân bước/ Biết thương yêu lấy mình” (Trời làm ra thế). Tình yêu đích thực chỉ có một và hình như nó đã qua rồi, cái còn lại “Chi là na ná tình yêu”. Tên bài thơ thật độc đáo hình như chỉ riêng phụ nữ mới cảm nhận rõ rang trạng thái tình cảm đó: “Nắm tay thật ấm áp rồi / Bên nhau đã đỉnh, niềm vui vỡ òa/Gần thì thắm nụ tươi hoa / Xa thì nỗi nhớ vắt qua đêm dài” nhưng rồi “ai vẫn là ai” vẫn “nhạt nhòa”, “vu vơ”, thất thường trong tình cảm:“Khi này hôi hổi chờ mong / Khi kia hờ hững thong dong gió chiều / Tim dù đập nhịp phiêu diêu /Chỉ là na ná tình yêu thôi mà”.Không định nghĩa tình yêu là gì vì đã quá nhiều định nghĩa và có quá nhiều câu chuyện đau buồn, lầm lỡ của xung quanh có khi cả bạn bè nhà thơ như của “Bạn gái khoa văn” trong tập này. Bài thơ như là một lời cảnh tỉnh, khuyên ngăn: “Biết thương yêu lấy mình”, “thương xót mình thôi”…Tình yêu cũng là một chủ đề lớn trong thơ Nguyễn Thị Mai. Ngay tập đầu tay “Thời hoa gạo cháy” và nhiều tập sau này “Một khúc sông trăng”, “Đừng yêu em như mặt trời”, “Tầm xuân mắt biếc”, “Không xóa nổi lời hoa” …và cả tập thơ vui “Thơ từ tin nhắn”…Nguyễn Thị Mai có nhiều bài thơ, câu thơ hay về tình yêu được giới trẻ và cả tuổi trung niên yêu thích, thuộc lòng . Riêng tôi, cũng thuộc nhiều câu hay của tác giả nhưng nhớ nhất câu: “Yêu mất rồi!... Sẽ khổ đấy tim ơi!” trong một lần “Trò chuyện với trái tim” của chị.

        Đã 15 tập thơ và tuổi cũng không còn trẻ nhưng Nguyễn Thị Mai vẫn còn dào dạt lòng yêu và nhiều xung lực trong cuộc sống! Như tên gọi tập thơ vừa xuất bản thật tươi mới, nõn nuột như giêng hai và còn cả năm tháng rộng dài.  Tôi tin chị còn nhiều năng lượng sáng tạo văn chương và hi vọng được đọc thêm những tác phẩm mới của chị. Xin chúc nhà thơ sức khỏe và thành công…

                                                                                                Hà Đông cuối tháng 9/2023

 

 hoagao2

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)