bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 105
Trong tuần: 946
Lượt truy cập: 632679

NGƯỜI ANH HÙNG CỦA CHÚNG TÔI

NGƯỜI ANH HÙNG CỦA CHÚNG TÔI
 Bút ký

                  BÙI QUANG THANH


bui_quang_thanh

NHÀ THƠ BÙI QUANG THANH


Nhà thơ Hữu Thỉnh trong một lần về Hà Tĩnh bảo
tôi:
- Cậu đưa tớ về thăm một người bạn ở Cẩm Thành nhé.
Người bạn của nhà thơ Hữu Thỉnh là Đại tá Trần Xuân
Kiểu, nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp
ngày nào. Hôm đó, trong phút hàn huyên ngắn ngủi của
hai người lính, tôi được nghe họ nhắc đến cái tên rất đỗi
thân quen với tôi: Thiếu tá Bùi Quang Đấng, người đồng
đội của họ, người lính kỳ cựu của binh chủng thiết giáp,
người Tham mưu trưởng Lữ đoàn tăng 273 trực tiếp chỉ
huy mũi đột phá của xe tăng ta từ hướng tây - bắc Sài Gòn
vào Dinh Độc Lập buổi trưa lịch sử 30.4.1975.
Cách đây mấy ngày, khi vào thăm ông, Đại tá Trần Xuân
Kiểu tiếp tôi những miếng ổi vườn thơm lựng. Ông hỏi:
- Ông Đấng về hưu có khỏe không? Sao cậu chưa khi
nào viết về người đồng hương họ hàng nhà cậu? Đánh
đấm thì phải hỏi ông ấy, cậu ạ! Những người như thỏi sắt
nguội ấy mà moi được chuyện của họ mới tài.
Chiều đó, tôi phóng xe về thị trấn Cẩm Xuyên, tìm vào
nhà ông bác họ nằm sâu trong xóm lúa.

Thuở còn học cấp hai trường làng, tôi từng nghe rì rầm
lời bà con họ hàng, bạn bè chòm xóm nói về những chiến
công của ông. Khi thì nghe đồn xe tăng ông đánh địch bên
Lào, khi nghe ông xuất trận ở Làng Vây, Quảng Trị; rồi lại
nghe ông ở mãi đâu tận Tây Nguyên. Trong trí nhớ của lũ
trẻ choai chúng tôi ngày đó, ông là một thanh niên chắc
đậm, vai rộng mày xiên, ít lời nhưng có vẻ nóng nảy. Cái
ngoại tướng đó thật hợp với bộ quân phục binh chủng xe
tăng trong những bức ảnh ông gửi từ xa về cho o Hường -
vợ ông - một cô giáo dạy cấp hai xinh tươi, hiền dịu.
Trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên 1972, tôi ở
đơn vị ô tô vận tải thuộc Phòng Hậu cần B3, ông Đấng
là Chỉ huy trưởng đơn vị tăng duy nhất tham chiến ở đó.
Tôi biết ông đang ở cạnh tôi qua một thằng bạn cùng học
Khoa Cơ khí ô tô, cùng nhập ngũ và chung một đơn vị
huấn luyện ở Sư 304B. Chúng tôi gặp nhau tại chân núi
Ngọc Tô Ba khi hai thằng đang đi hai hướng ngược chiều
nhau. Thằng bạn tôi cũng dân Cẩm Xuyên cho tôi biết ông
đang là thủ trưởng của hắn.
Xe tăng ta tiêu diệt cứ điểm Làng Vây (1967), rượt
xe tăng địch ở Đường 9 - Nam Lào (1971), đè nát tuyến
phòng thủ Bắc Kon Tum ở Đắc Tô - Tân Cảnh, tiêu diệt
căn cứ Plây Cần, Đắc Min (1972 - 1973), tham chiến giải
phóng Phước Long, Buôn Ma Thuột, (1975). Xe tăng cùng
bộ binh cơ giới đuổi địch siêu thần tốc, đập nát Đồng Dù,
đánh chiếm Tân Sơn Nhất, húc đổ cổng Dinh Độc Lập và
những người lính xe tăng quang vinh cắm cờ giải phóng
lên nóc thủ phủ chính quyền Sài Gòn đã đi vào lịch sử
kháng chiến của dân tộc. Nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa
một lần biết chi tiết về người bác họ của tôi đã làm gì ở vị
trí tiên phong trong cuộc hành tiến có một không hai ấy.
Ông bà Đấng rất mừng khi tôi về. Cả bé Bình đang học


lớp 7 cũng vui ra mặt. Bé xăng xái chạy xách nước rót mời.
Ngồi chưa nóng chỗ đã nghe tiếng gà đập cánh dưới bếp.
Thấy ông xắn tay mổ gà, tôi dắt xe phóng sang nhà
Hoàng Cấp, hắn là lính trinh sát kỹ thuật ở C152 Phòng
Tham mưu B3 từ năm 1970 cho đến ngày xuống núi về Sài
Gòn. Sau ngày ra quân trở về quê nhà, Cấp và tôi thường
đi lại với ông Đấng. Không cùng tuổi tác, địa vị, nhưng
ông coi chúng tôi như em, như bạn, sống gắn bó đến sỗ
sàng. Trong bao lần hàn huyên, nhắc đến thuở đánh đấm
gian nan, ông chỉ ngồi nghe, phụ chuyện. Chẳng mấy khi
ông kể về mình. Tôi bảo Cấp:
- Cậu ngồi với ông ấy, moi lại kỷ niệm thời chiến
trường. Đặc biệt xoay quanh đêm hai chín và sáng ba
mươi tháng tư nhé.
Gật gù bên chiếu rượu tối ấy có cả Bằng, cháu rể ông
Đấng. Hoàng Cấp bâng quơ:
- Bây giờ đã là đầu tháng tư rồi, chóng thật. Cách đây
hăm ba năm, ngày này, đơn vị của bác đang làm gì, ở đâu
chứ bọn em đang xuôi quốc lộ 26 xuống Nha Trang.
Ông Đấng lim dim mắt:
- Để xem nào! Sau giải phóng Buôn Ma, bọn tớ cũng
đi theo đường đó về Nha Trang, giải phóng Cam Ranh rồi
quành lên Lâm Đồng, Đà Lạt; lại băng rừng về hướng tây
bắc Sài Gòn theo quốc lộ 13 trong đội hình Quân đoàn 3
đánh Dầu Tiếng, Tây Ninh.
- Thế là bọn em cũng theo sát chân các bác. Đến Đồng
Dù thì chững lại chờ xe tăng giải quyết.
Tôi như chợt nhớ:
- A! Đó là đêm hăm lăm hay hăm sáu gì bác nhỉ? Tiểu
đoàn ô tô của bọn cháu cũng bám theo xe tăng.
- Đêm hai bảy. Đối mặt với Lữ tăng 273 và Sư 320 là

Sư 25 Ngụy. Các cậu biết nhé: hàng rào dây kẽm gai dày
trăm rưỡi mét, cao hai mét bao quanh căn cứ. Trong các
lớp rào có đến bốn tuyến hào chống tăng sâu mét rưỡi,
rộng hai mét.
Tôi ngắt lời ông:
- Thế lúc đó bác ở tiểu đoàn nào trong Lữ?
Mắt ông sáng lên:
- Tớ là Tham mưu phó Lữ đoàn được giao trực tiếp chỉ
huy Dê ba (D3).
- Cụ thể một tý. Bác đi xe gì? Gồm những ai? Trang bị?
- Chiếc xe chỉ huy là loại bọc thép K63 của Trung
Quốc. Ngoài tổ chiến đấu và lái, còn có sở chỉ huy hành
quân: anh Lê Minh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 3, anh
Nguyễn Quốc Thước, Phó Tham mưu trưởng Quân đoàn
3, anh Bùi Đình Hòe, Sư phó sư 320 và tớ. Tiểu đoàn 3 xe
tăng có nhiệm vụ là mũi nhọn đột kích tiên phong. Đến
sáng 30.4, có thêm cô biệt động Trung Kiên cùng đi.
Bằng ngắt lời ông Đấng:
- Cháu thấy trong phim “Cô Nhíp” thì cô gái biệt động
Trung Kiên đi cùng xe tăng T54 cơ mà. Sao ông bảo cô ấy
đi xe bọc thép?
Tôi lo lắng. Ông Đấng nhíu mày, vỗ vỗ vào vầng trán
rộng đầy nếp gấp của thời gian. Ông gắt:
- “Cô Nhíp” là phim truyện, mà phim truyện thì họ có
quyền hư cấu.
Rồi ông quay sang tôi:
- Khoảng gần 4 giờ sáng ngày 30.4, cô ấy được dẫn đến
chỗ chúng tớ. Ai dẫn đến tớ không rõ vì lúc đó Sư phó Bùi
Đình Hòe đã làm việc với cấp trên nhận lệnh. Cô ấy mặc
bộ bà ba màu sẫm, đội mũ tai bèo và nhanh nhẹn trèo vào

xe chỉ huy. Đúng 4 giờ, theo sự hướng dẫn của Trung Kiên,
toàn đơn vị đồng loạt xuất kích tiến đánh sân bay Tân Sơn
Nhất. Đảm nhiệm hướng công kích chính vào mặt đông
sân bay cùng Tiểu đoàn 3 xe tăng có Trung đoàn 28 Sư
10. Trong trận giáp chiến ở Bà Quẹo, xe tăng T54 của Đại
đội 8 ép sát một tăng M48 của địch. Hai khẩu pháo giao
nhau, bánh xích xe ta chồm lên xích xe địch. Bọn địch
tháo chạy bỏ cả xe. Khoảng 9 giờ sáng thì ta chiếm xong
sân bay và trụ sở Bộ Tổng Tham mưu của địch.
Như theo đà tiến của đoàn quân chiến thắng, ông
say sưa:
- Từ Tân Sơn Nhất tiến vào Dinh Độc Lập, những xe
gần với xe tớ không gặp sức kháng cự nào đáng kể. Những
xe đi trước đã giải quyết hết các ổ đề kháng trên đường.
Hợp điểm trước cổng dinh có xe tăng của Lữ 273 và cả
Lữ 203 thuộc Quân đoàn 2, họ tiến vào từ xa lộ Sài Gòn.
Thiếu tá xe tăng Bùi Quang Đấng

Chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Xuân Tùng đã có mặt ở đó.
Cậu Bằng vặn vẹo đôi bàn tay:
- Thế xe tăng nào đã nã đạn vào Dinh Độc Lập hôm ấy
vậy bác?
- Tớ cũng chẳng biết nữa. Xe nào chẳng gắn pháo, xe
nào cũng đầy đạn. Bắn vào địch là nhiệm vụ của thằng
lính. Từ Buôn Ma Thuột vào Sài Gòn có xe nào mà không
bắn. Vì vậy chẳng mấy ai quan tâm tìm hiểu chuyện ấy.
Bà Hường - vợ ông, nãy giờ ngồi hóng chuyện, giục
mấy bác cháu nhâm nhi món gà luộc bóp lá chanh, cười:
- Mà có biết, ông ấy cũng quên rồi. Sau ngày giải
phóng miền Nam, ông theo học ở Đà Lạt rồi sang giải
phóng Phnôm Pênh; lại về bảo vệ biên giới phía Bắc nằm
mãi Lạng Sơn, Cao Bằng. Tôi ở nhà đây, có mấy chục tấm
Huân chương ông gửi về rồi cũng để mối mọt xông mất.
Ông giữ sao được bao nhiêu sự kiện trong cái đầu sứt kia.
Tôi sờ lên vết sẹo phía bên trái đầu ông:
- Kỷ niệm trận nào vậy bác?
- Miếng này ở Buôn Ma Thuột năm bảy lăm, khi tớ ra
khỏi xe tăng, dùng cờ làm tín hiệu hiệp đồng với bộ binh
đánh vào sân bay Phượng Hoàng. Máu ra nhiều nhưng
không phạm gáo dừa nên chỉ sau mấy ngày là tớ đã có
mặt trong đội hình thần tốc và chứng kiến cảnh pháo tăng
bắn chìm tàu chiến địch ở Cam Ranh.
Ông quay sang Hoàng Cấp, vỗ vai hắn:
- Cũng tại trinh sát điều nghiên không kỹ nên đánh
không trúng sở chỉ huy Sư 23 Ngụy ngay từ đầu. Trận này
mũi của tớ vất vả lắm mới hoàn thành nhiệm vụ.
- Em có đọc tờ báo nào đó nói về chiến công của bác ở
trận Buôn Ma.

- Báo Quân đội, báo Nhân dân đều có nhắc đến. Mẹ
Hường còn giữ được không nhẩy?
Bà Hường chạy vào buồng, đưa ra một tệp giấy khá
dày bọc trong bao ni lông cứng:
- Báo không còn nữa. Chỉ có chừng này ông mang về
khi nghỉ hưu thôi.
Tôi ngồi lật giở những tờ giấy mỏng, những chứng
nhận, ghi nhận, khen thưởng ông ở các chiến trường, các
chiến dịch lịch sử mà ông đã tham gia. Chao ôi! Từng ấy
sự kiện, chừng ấy sự tích, chừng ấy gian lao gói gọn trên
lưng một người lính chiến.
*
Tôi chợt rưng rưng buồn khi nhớ lại rằng: nếu không
có sự nhiệt tình đến ngớ ngẩn của chúng tôi thì giờ đây,
chắc ông đang là một sĩ quan cao cấp của quân đội.
Vào quãng năm 1983, ông bác họ tôi đang là Lữ đoàn
phó Lữ tăng 273 chốt tận biên giới Lạng Sơn. Một lần thằng
Hùng, con trai đầu lòng của vợ chồng ông bị ốm nặng bởi
chứng viêm não và ông phải nghỉ phép một thời gian để
chữa chạy cho đứa con trai. Cũng vào dịp đó, đơn vị ông
cho một xe tải chở năm tấn than bùn từ Đồng Mỏ - Thái
Nguyên về để giúp ông đổi gạch xây nhà. Chừng ấy than,
xí nghiệp gạch ngói huyện đổi cho năm ngàn viên gạch
thẻ, đủ để xây bao quanh một căn nhà hai gian. Nhưng
vốn liếng chỉ có ngần ấy. Những đồng tiền mà vợ chồng
ông dành dụm bấy lâu, trận ốm của cu Hùng kéo đi hết cả.
Một bữa tôi từ thị xã Hà Tĩnh về, ông bảo tôi:
- Cậu xem ở thị xã có chiếc xe tải nào chở hàng ra Hà
Nội mà chạy không về thì thuê cho anh một chuyến (ông
vẫn gọi tôi là “cậu” xưng “anh” dù tôi là cháu gọi bà
Hường bằng cô).

- Để làm gì hở bác?
- Anh có đứa bạn ở Hà Nội có ba bộ vì kèo sắt của căn
nhà cũ không dùng nữa, hứa cho anh. Nếu có xe chở về
được thì sẵn gạch đó có thể xây cho mẹ con thằng Hùng
căn nhà tàm tạm. Cậu xem, tranh mía, tranh rạ gì cũng nát
bét cả rồi.
Tôi nghĩ nát đầu, không tìm ra cách gì giảm được giá
cho chuyến xe để giúp ông. Một hôm thằng Đấu, em ruột
của ông hiến kế với tôi và Cấp:
- Tao có một con bê cái, thằng Cấp có hai mẹ con bò,
thằng Đê thì có cặp bò của chị Thắng nó. Nếu ta bàn thủng
được các bà xã và chị Thắng, mày (Đấu chỉ tôi) chịu trách
nhiệm thuê một chuyến xe chở cả ra Hà Nội bán. Ta lấy
vốn về trả các bà, phần lãi bù vào tiền thuê xe chở kèo sắt
cho ông ấy. Được không?
Tôi phân vân: - Đành là bò nhà, nhưng làm sao mang
được ngần ấy con ra Hà Nội. Phòng thuế, Công an, Quản
lý thị trường, Kiểm dịch thú y… họ trị chết.
Đấu cười: - Yên chí đi. Tớ biết trong xà cột của ông
Đấng có giấy giới thiệu đóng dấu quân đội, giấy khống
chỉ nhé. Tớ sẽ nẫm một tờ ghi là đưa bò từ trại tăng gia
của đơn vị ra cho bộ đội ăn tết ở các chốt biên giới Việt -
Trung. Phải bí mật không để ông ấy biết việc này nhưng
lại phải có ông ấy ngồi trong xe thì mới lọt được.
Tôi không ngờ thằng Đấu lại ma thế. Nó từng là lính
bộ binh đánh nhau ở B2, bị thương vào đầu, sọ não bị vỡ
một miếng làm nó phát điên. Nó vác khẩu trung liên cá
nhân chạy giữa hai làn đạn ta và địch, được đồng bào biên
giới Việt - Miên cứu chữa đến nay vẫn chưa bình thường.
Hóa ra nó vẫn ranh hơn bọn tôi. Kế hoạch được bí mật
tiến hành. Tôi dùng giấy giới thiệu mà Đấu lấy của ông

Đấng, ra ký hợp đồng thuê một chiếc xe “Zin khơ” bệ tải
của công ty ô tô tỉnh. Tôi mời ông Đấng cùng đi theo xe ra
Hà Nội để lấy vì kèo sắt về. Dịp đó đã gần tết Nguyên đán.
Có một viên Thiếu tá xe tăng oai vệ ngồi trên ca bin,
chiếc xe của chúng tôi được sự ưu ái của công an, các trạm
kiểm soát, thuế vụ, đi thẳng ra Thường Tín. Ông Đấng
chẳng một chút nghi ngờ về việc làm của chúng tôi, để
mặc chúng tôi giải quyết đàn bò, ông gửi cái xà cột lại nhờ
tôi giữ hộ, rồi đến nhà người bạn chuẩn bị mấy vì kèo mà
bạn đã hứa cho.
Chúng tôi mất mấy ngày chạy xe từ Thường Tín lên
Hà Nội, vào cả lò mổ Mai Động, ra tận bãi cỏ Thanh Trì,
Yên Sở, sang tận các cánh đồng Thanh Oai để gạ bán bò. Ở
nhà cứ tưởng đem được bò ra Hà Nội là ăn tiền, ai ngờ có
đồng nào thì mua xăng cho ô tô, chi ăn uống cho cả đám,
mua rau mua cám để nuôi bò. Trời rét như cắt, mấy con
bò gầy lông cứ dựng ngược lên. Ba ngày mà chỉ bán được
con bò tơ của chị Thắng và con bò đực màu đen có thể làm
bò kéo là có chút lãi, còn mấy con bò đực bé tẹo, gầy ẻo thì
dở nuôi dở thịt không ai chịu mua. Cuối ngày thứ tư của
chuyến đi, chúng tôi phần thì sốt ruột, thối chí, phần thì
lái xe giục phải về vì đã quá thời gian hợp đồng nên đành
bán tống bán tháo đàn bò. Tính toán thấy không bù nổi
vốn để trả cho chủ bò và chủ xe, chúng tôi đánh xe vào
làng Yên Sở mua một xe rau quả về, mong bù lỗ chuyến
buôn có một không hai này. Tôi và Đê áp tải xe rau quả
về, không quên nhờ cậu em ở Hà Nội theo địa chỉ báo cho
ông Đấng biết việc chở kèo nhà bị lỡ.
Chiếc xe Zin 130 chạy thục mạng trong đêm mưa, về
đến thị trấn Nghèn thì bị công an và kiểm soát quân sự
ách lại. Mọi sự vỡ lỡ. Giấy tờ của ông Đấng trong xà cột

không những không cứu được chúng tôi, thậm chí nó lột
trần sự giả dối của mấy ông lính dởm. Thấy tình hình có
vẻ nghiêm trọng, tôi đành nói sự thật với hai cán bộ kiểm
soát quân sự về chủ nhân của chiếc xà cột và lý do tôi
phải mang chiếc cặp đó theo mình, đến việc phải nói dối
là quân nhân. Chiếc xe tải chở đầy rau quả lập tức bị tịch
thu đưa sang nhập cho cửa hàng thực phẩm bên cạnh. Tôi
và Đê bị giữ lại Huyện đội Can Lộc để thẩm tra rồi cũng
được thả ra. Riêng chiếc xà cột và bản thân ông Đấng thì
bị liên lụy. Sau này, từ một người bạn cũng làm việc ở
Quân khu, tôi mới biết là Huyện đội điện lên Tỉnh đội,
Tỉnh đội điện ra Quân khu 4, Quân khu điện lên Bộ Quốc
phòng; Bộ điện về Quân đoàn 3 và Lữ tăng; Quân đoàn 3
điện lên Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng Tham mưu, lại lên
Bộ Quốc phòng và Đại tướng Hoàng Văn Thái chỉ thị cho
các đơn vị liên quan sục tìm Thiếu tá Bùi Quang Đấng...
Đợi chúng tôi ở nhà người bạn có vì kèo sắt, ông Đấng
vô cùng sốt ruột. Hôm sau ông đạp xe đi tìm. Không gặp,
ông đành lên nhảy tàu về quê chờ đợi. Mấy ngày sau tôi
và Đê mếu máo tay không về báo với ông hậu quả tai hại
của những việc chúng tôi làm. Từ kinh ngạc đến giận dữ,
ông lặng người trước sự việc trầm trọng này. Ông vội đạp
xe ra Huyện đội Can Lộc, có tôi đi cùng.
Mọi việc đã rõ ràng, dù là vô tình, ông vẫn bị đơn vị
khiển trách và phải làm bản kiểm điểm xin chịu kỷ luật
trước đơn vị. Sau này, Quân pháp Quân khu 4 đã cử một
đại úy đeo phù hiệu thanh kiếm và lá chắn về thẩm tra.
Cả bốn đứa chúng tôi đều làm bản cam kết xin nhận lỗi
về mình. Chính quyền địa phương cũng hết sức can thiệp,
phần nữa, có lẽ viên đại úy quân pháp trực tiếp chứng
kiến hoàn cảnh gia đình ông và việc làm liều mạng vì tình

đồng đội, tình lính B3 của bốn đứa chúng tôi nên sự vụ
cũng được dẹp bỏ. Ông Đấng bán số gạch định để xây
nhà góp vào bù trả số tiền mua bò hỗ trợ chúng tôi mặc
chúng tôi phản đối. Rồi ông xin nghỉ hưu, (nghe đâu đã
có quyết định ông lên giữ chức Lữ đoàn trưởng và thăng
hàm Trung tá). Lúc đó ông mới ngoài bốn mươi tuổi.
Mười lăm năm trở lại quê nhà, ông dành phần lớn thì
giờ chăm sóc vợ con. Gia đình ông đã có ngôi nhà khang
trang, mảnh vườn xanh um đầy cây trái. Việc làng việc
xóm, việc họ việc hàng ông là người xốc vác nhiệt tâm.
Ông như cỗ xe tăng, lầm lũi đến đâu là ở đó mọi công việc
được giải tỏa, dứt khoát. Cái dáng to bè, chắc nịch của
người cựu binh xe tăng như chỗ dựa cho mọi người trong
làng xóm.
Còn bây giờ, ông ngồi đó, tấm lưng đã hơi gù xuống,
khuôn mặt đầy nếp phong trần nhưng thật thanh thản, hiền
hậu. Với chúng tôi, bao giờ ông cũng là một vị anh hùng.
Trại viết văn Quân đội,
Đồ Sơn, 10.1998

bia_bui_q._thanh

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)