bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 311
Trong tuần: 1038
Lượt truy cập: 630829

VŨ NHO TRÊN VOV TV VỀ QUÊ HƯƠNG

Vũ Nho trên VOV TV về quê hương
Sáng đi tập thể dục, cô Dung hàng xóm chào và bảo : - Ông à, tối qua ông lên TV đấy. Tôi hỏi lại: Kênh nào? - VOV ! - À...
Đã lâu có trả lời phỏng vấn trên chương trình TIẾNG THƠ.
Bèn lục lại và đưa lên bài này.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình tiếng thơ của VOV TV.

canh_dong_chum

    ẢNH  CÓ TÍNH MINH HỌA

PV: - Thưa PGS. T.S Vũ Nho, tôi nghĩ rằng nhớ quê là tình cảm thường trực trong tâm hồn con người. Dường như người ta sinh ra đã mang sẵn trong mình một miền quê. Người ở huyện thì nhớ về ngôi làng của mình, người ở tỉnh thì nhớ về huyện mình, người đi ra khỏi tỉnh thì nhớ về tỉnh mình, người đi xa hơn nữa, thì lại nhớ tổ quốc mình. Từ những trải nghiệm của riêng ông, ông có thể lí giải gì về tình cảm này?
Vũ Nho:- Tôi cho rằng trừ những hoàn cảnh đặc biệt người ta không sinh trưởng và lớn lên ở quê, còn hầu hết mỗi con người đều có sẵn một miền quê. Nước Việt Nam nông nghiệp của chúng ta là đất nước của làng xã, thôn quê. Chữ QUÊ trong tiếng Việt có rất nhiều kết hợp. Chúng ta có xóm quê, làng quê, đường quê, đồng quê, một vùng đất rộng hơn thì là vùng quê, miền quê. Gói gọn trong chữ QUÊ nhưng có biết bao điều mà tuổi thơ mỗi người như tờ giấy trắng tinh ghi đậm những ấn tượng khó có thể phai mờ. Quê là cha mẹ, ông bà trong buổi đầu chập chững của mỗi con người. Quê là bạn bè chăn trâu cắt cỏ, bạn bè đi học, là mái trường, là con đường, là cánh đồng. Quê là tiếng ếch, tiếng ve, tiếng gà, tiếng chó, tiếng trâu bò…Quê là hương vị những món quà từ khoai, từ ngô, từ lúa…, Quê là canh rau muống, là cà dầm tương. Tất cả những cái đó gắn bó máu thịt với mỗi con người. Vì thế mà càng xa quê thì người ta càng nhớ.
Trong thơ cổ đã có mô típ Vọng nguyệt tư hương với bài thơ nổi tiếng Tĩnh dạ tứ ( Lí Bạch), tình quê tha thiết thì có Hồi hương ngẫu thư ( Hạ Tri Chương). Ở Việt Nam, ca dao có bài Anh đi anh nhớ quê nhà,… hoặc Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều. Nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn có bài Quy hứng nổi tiếng khi ông đang đi sứ Trung Hoa, mà ấn tượng quê là hương lúa mới và vị cua béo. Các nhà thơ Tố Hữu, Tế Hanh, Giang Nam, Đỗ Trung Quân,… đều có những bài thơ sâu sắc về quê hương.
Tình quê là tình cảm thường trực ở mỗi người. Nhưng chỉ có những tâm hồn nghệ sĩ thì mới có thể biến tình cảm ấy thành thơ, thành nhạc.
PV: - Theo như tôi biết, G.S – T.S Vũ Văn Hiền là một nhà nghiên cứu lí luận chính trị nhưng mang trong mình tâm hồn nghệ sĩ, yêu thơ và viết thơ về nhiều vùng quê của đất nước, ví như ông viết về Yên Bái và người Yên Bái coi ông như là người của quê mình. Nhưng phải nói thật rằng, những bài thơ hay nhất của G.S – T.S Vũ Văn Hiền vẫn là những bài thơ viết về miền quê lam lũ, vùng Thanh Miện – Hải Dương quê ông. Ông có chia sẻ cùng tôi ý kiến này không?
VN: - Tôi nghĩ nhà thơ Chế Lan Viên đã rất sâu sắc khi viết rằng:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn
Và : Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương ! Miền đất lạ có thể hoá quê hương thứ hai của mỗi người. Do đó bài thơ về quê hương thứ hai ấy vẫn có thể được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Lấy ví dụ về âm nhạc cho dễ cảm nhận. Nhạc sĩ Hoàng Vân viết bài hát Quảng Bình quê ta ơi được người dân Quảng Bình rất yêu thích, tự hào. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết Dáng đứng Bến Tre ; nhạc sĩ Trương Tuyết Mai viết Huế tình yêu của tôi. Không sinh trưởng ở vùng đất ấy nhưng vẫn có thể viết hay về vùng đất ấy. Gần đây nhất là trường hợp nhà thơ người Mĩ Jennifer Fosenbell khi chị viết Lại ở trong lòng Hà Nội. Một bài thơ rất hay, rất sâu về thành phố của chúng ta. Người Yên Bái yêu quý bài thơ của anh Vũ Văn Hiền thì cũng nằm trong quy luật chung. Nhưng rõ ràng miền quê thứ nhất vẫn là miền quê ám ảnh và dễ làm cho người viết thành công. Tôi có thể hoàn toàn sẻ chia với ý kiến của bạn.
PV : - Xin được đi vào bài thơ cụ thể. Tôi rất thích những hình ảnh này: Chiều giông vại nước ngập tràn Trưa hè đổ lửa úa vàng thân tre Yên lành tiếng ếch tiếng ve Bờ ao đom đóm lập lòe đêm đêm. Còn ông thì sao?
VN : - Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng của tỉnh Ninh Bình. Có lẽ miền quê Hưng Yên cũng tựa như miền quê tôi, có tre, có cau, có vại nước, có ve sầu, có ếch nhái và đom đóm... Tôi chỉ xin lưu ý với bạn rằng những hình ảnh này thân thương, gần gũi với những người đồng quê. Nhưng đặt trong bối cảnh nhớ quê, thì thấy rằng tác giả đã nhớ không chỉ là cảnh quê, mà nhớ nhiều thời điểm của quê hương : Lúc nắng, lúc mưa. Mưa lại chia ra khi mưa bụi : Tháng ba mưa bụi tím đầy hoa xoan ; lúc mưa dông : Chiều dông vại nước ngập tràn. Rồi nhớ buổi chiều, buổi trưa, buổi tối... Không gian khác nhau, thời gian khác nhau theo mùa, theo thời điểm trong ngày. Có thể nói rằng tình cảm với quê hương phải sâu nặng lắm mới nhớ kĩ và da diết thế.
PV : - Xin được đi vào những câu thơ tiếp theo: Đói nghèo đùm bọc đói nghèo Công ơn bác mẹ chín chiều nặng sâu Qua rào trao bát canh rau Tối đèn tắt lửa có nhau tháng ngày. Khi đọc những câu thơ này tôi nghĩ người đọc đến với bài thơ Nhớ quê không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp yên lành của một vùng quê đói nghèo, lam lũ, mà còn nhận được ở đó vẻ đẹp của một vùng quê chân tình, ân nghĩa. Ông có nghĩ rằng chính tình cảm này mới là cái sợi dây rốn nối kết bền chặt con người với quê hương, mới khiến cho những người con như tác giả tha thiết, đau đáu với quê hương đến vậy không?
VN : - Đây là tình người quê với nhau. Một tình cảm đẹp dựa trên đạo lí nghìn đời được đúc kết trong câu tục ngữ : lá lành đùm lá rách. Tình xóm giềng họ mạc, tình con cái với cha mẹ, tình của người đối với người,... Đó là tình quê. Nó thuần tuý mộc mạc, đơn sơ nhưng vô cùng bền chặt gắn kết con người với quê hương. Tình người là sâu bền nhất. Như một nhà thơ viết : Tất cả sẽ qua đi/ Chỉ tình yêu còn lại. Tình cảm sâu lắng của con người với con người là nét đẹp nhất của tình quê.
PV : -Thưa ông! Mở đầu bài thơ, tác giả viết: Đã đi góc biển chân trời Càng xa nỗi nhớ quê tôi càng dày và gần như được lặp lại ở cuối bài thơ: Dẫu đi cuối đất cùng trời Càng xa nỗi nhớ quê tôi càng dày. Trước hết tôi muốn nói tới từ dày trong hai câu thơ. Thường người ta dùng từ đầy: Càng xa nỗi nhớ quê tôi càng đầy, rất ít ai dùng từ dày. Theo ông việc lựa chọn từ dày cũng như kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng như thế mang lại ý nghĩa biểu cảm thế nào cho tứ thơ?
VN : - Thật ra, nỗi nhớ là rất trừu tượng. Trong thơ ca, người ta bao giờ cũng muốn lượng hoá nó, cụ thể hoá nó. Ca dao ví nỗi nhớ to lớn tới mức : Để quán quán đổ, để cầu cầu xiêu ( Nhớ chàng chẳng biết để đâu/ Để quán quán đổ, để cầu, cầu xiêu). Nguyễn Bính muốn đong đếm nó :
Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ
Em thử quay xem được mấy vòng
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng
Trong thơ ca, người ta muốn lượng hóa, cụ thể hóa nỗi nhớ nên đo nó bằng dộ sâu, độ dày, độ dài, độ rộng, độ lớn…
Trong bài thơ này, nỗi nhớ được hình dung kết tụ, lắng đọng cho nên dày lên. Dùng từ đầy cũng được, nhưng trong bài cũng đã có câu : Cho dù trời đất đổi thay/ Trong tôi kỉ niệm vẫn đầy như xưa. Vì vậy để tránh trùng lặp nên dùng chữ dày. Cũng là một cách biểu hiện nhằm cụ thể hoá nỗi nhớ.
PV : - Ở trong bài thơ tác giả đã sử dụng thể thơ lục bát truyền thống, ông có nghĩ đây là một lựa chọn đúng của người viết cho tứ thơ của mình không?
VN : - Tôi nghĩ rằng thể thơ chỉ quyết định một phần chất lượng của bài thơ. Cái chính là tài năng của tác giả và tính chất mãnh liệt của cảm xúc. Không nhất thiết cứ phải viết lục bát khi thể hiện tình quê. Nếu bút lực không dồi dào thì thể thơ cũng không giúp được gì nhiều. Ấy là chưa kể một tở ngại khá lớn là lục bát thì tương đối dễ làm nhưng rất khó làm hay.
PV : - Tôi muốn nói đến một sáng tác khác, bài thơ Tôi với quê tôi của tác giả. Xin được đọc những câu thơ mở đầu: Những lũy tre làng nay không còn dấu vết Ao nhỏ, chuôm to đã lấp cả rồi Vách đất, nhà tranh lùi về cổ tích Quê tôi bây giờ toàn cốt thép, tường vôi. Tôi có cảm giác nếu Nhớ quê thuần túy một nỗi nhớ da diết, thì ở Tôi với quê tôi, trong nỗi nhớ đã đọng một niềm nuối tiếc, một nỗi âu lo của người viết. PGS. Tiến sĩ Vũ Nho có cùng cảm nhận giống tôi không?
VN : - Tôi có cảm nhận vừa như của bạn lại vừa có phần khác. Đúng là ở bài Nhớ quê thuần tuý một nỗi nhớ da diết. Song ở bài Tôi với quê tôi thì không hẳn là trong nỗi nhớ đã đọng nuối tiếc và âu lo.
Tác giả như đang hiện hữu trước làng mình, quê mình và chứng kiến sự thay đổi. Có những thay đổi làm cho vui mừng phấn khởi như chuyện : Vách đất nhà tranh lùi về cổ tích/ Quê tôi bây giờ toàn mái ngói tường vôi. Nhưng cũng có thay đổi làm cho bâng khuâng, nuối tiếc. Đó là chuyện những luỹ tre không còn dấu vết, những ao nhỏ, chuôm to bị lấp cả rồi. Theo tôi, cảm xúc này là chuyện thường xảy ra trong sự đổi thay nhiều chiều, chứ không chỉ một chiều là toàn tốt lên, hoặc ngược lại toàn xấu đi. Và nó chuẩn bị, dự báo cho sự thay đổi cho số phận những bạn bè một thuở cưỡi trâu.
PV : - Ông đã bao giờ có cái cảm giác là mình về đúng địa chỉ quê mình, đúng địa chỉ nhà mình nhưng lại vẫn dâng lên một cảm giác mất mát, dậy lên một mong muốn kiếm tìm miền quê xưa, căn nhà xưa?
V.N : - Cái cảm giác lạ lùng, bâng khuâng đó ít nhiều ai cũng có. Tuy nhiên tuỳ từng tạng người, tuỳ từng hoàn cảnh mà cảm giác mất mát đó xuất hiện nhiều hay ít. Đã quen với làng xanh bóng tre, nay không có dấu vết luỹ tre ; đã quen với ao chuôm của làng quê, nay thấy chúng đã bị lấp hết - chắc chắn là sẽ có cảm giác bâng khuâng, nuối tiếc. Với tôi thì quê bây giờ chỉ có một năm vài bận về thăm. Đúng là đứng trước « nhà mình » mà vẫn cảm giác như lạ lùng, vẫn muốn nó giống như ngày xưa cũ.
PV : - Ông có chia sẽ gì ở hai khổ thơ tiếp theo: Đám bạn cưỡi trâu một thủa của tôi Người nằm lại chiến trường Tây Nguyên, Quảng Trị Đứa sống xa quê hóa người thành thị Kẻ ở lại làng dầu dãi bão giông Còn chút quê xưa là cây lúa, con sông Lúa với người vẫn hai sương một nắng Vẫn tiếng vạc khuya, cánh cò chớp trắng Xao xác bờ sông vẫn bên lỡ bên bồi.
VN : - Như đã nói, cảnh làng có những niềm vui và nỗi buồn trong sự thay đổi. Đám bạn chăn trâu thuở nào giờ số phận cũng thay đổi khác nhau. Người hi sinh ở chiến trường xa, người dời làng ra phố ở thành người thành thị, người ở lại làng thì dầu dãi bão giông vật lộn với thiên nhiên. Tuy nhiên, trong những đổi thay về cảnh sắc, con người ấy, vẫn có một phần hầu như không đổi. Ấy là cây lúa và dòng sông, là con người vẫn vất vả, bền bỉ hai sương một nắng. Sự không đổi này vừa vui lại vừa buồn. Vui vì cây lúa và dòng sông vẫn là hình ảnh muôn đời của làng quê, vẫn còn đấy cho những người xa quê có bến trở về. Buồn vì vẫn còn bao nhiêu là vất vả, dầu dãi và xao xác...Tình cảm của ngươì về do đó cũng không đơn giản chỉ là buồn hay vui mà là vui buồn, bâng khuâng trộn lẫn...
PV :- Ở cuối bài thơ tác giả viết: Đi suốt cuộc đời tôi vẫn là tôi, nhưng rồi lại kết bằng một nỗi buồn ngổn ngang: Tôi của ngày xưa, tôi của bây giờ… Tôi đọc thấy ở đây cả niềm tin, cả sự tự vấn và trên hết là nỗi buồn của người viết. Ý kiến của ông thì sao?
VN : - Tôi cho rằng ở đây không chỉ có ngổn ngang nỗi buồn. Chúng ta đã thấy có những niềm vui và nỗi buồn trộn lẫn. Có nửa mưa, nhưng cũng có nửa nắng ; có buồn xốn xang, nhưng cũng có vui thầm lặng. Có một tôi ngày xưa và tôi của bây giờ. Tôi của quá khứ và tôi của hiện tại. Và trên hết tôi vẫn là tôi. Cái người con của làng quê ấy vẫn là một công dân của làng, dù đã trải nhiều điều, đi nhiều nơi, nhưng :
Nghĩa tình sau trước mặn mà không vơi.
PV : - Thưa quí vị và các bạn!
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với nhà nghiên cứu, phê bình văn học Vũ Nho hy vọng có thể tìm được ở quý vị khán giả mối đồng cảm chia sẻ về những ân tình của GS- TS Vũ Văn Hiền dành cho quê hương. Xin cảm ơn PGS. TS Vũ Nho đã tham gia chương trình. Xin chào và hẹn gặp lại quý vị khán giả ở những chương trình tiếp theo.
Hạnh Thủy thực hiện 22 tháng 4/2010
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)