bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

Vy

Muốn mua sản phẩm

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 38
Trong tuần: 933
Lượt truy cập: 685073

ĐƯỜNG CHIỀU CỦA Y MÙI

Phạm  Ngọc Tâm Dung
 
CẢM NHẬN KHI ĐỌC "ĐƯỜNG CHIỀU" CỦA  Y MÙI
 
   Đầu năm 2020, tôi nhận được cuốn sách "Đường Chiều" của nhà văn Y Mùi, do một người bạn văn mến tặng. Được biết, tác giả cuốn sách là một tiến sĩ y khoa đã từng tu nghiệp ở nước ngoài. Điều đó gợi trí tò mò của tôi. Tôi muốn xem một nhà khoa học bước vào làng văn ra sao! Sau này, vì một tình cờ may mắn, tôi được chính bác sĩ Y Mùi trị bệnh, rồi qua sự sẻ chia, tâm tình, tôi mới tự ngẫm ra rằng  người ta đến với văn chương không chỉ là nghiệp mà còn là duyên. Thì ra, Y Mùi cũng giống như hầu hết chị em chúng mình, xuất thân từ một vùng quê nghèo, thuần nông, áo rách, cơm độn, chân đất tới trường. Vào đời bằng hai bàn tay trắng với bao gánh nặng lo toan, với bao cay đắng của kẻ thân cô thế cô ... nơi đất khách và cuối cùng là với bao nhiêu nghị lực, bao nhiêu quyết liệt để trụ vững và vươn lên. Bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau, điều gì cũng phải để mắt, để tai, để tâm , để trí... Từ cái vụn vặt đến sự to tát, từ thất bại đến thành công đều nếm đủ mùi... Một phụ nữ như thế, hỏi sao không có cái nhìn đa chiều, sâu sắc và cảm thông...!
   Ở bài viết này, tôi không có ý phân tích, hay bình giá tác phẩm, mà tôi chỉ nêu những gì tôi thanh thản đọc, thanh thản cảm nhận được. Đó là hình ảnh những người phụ nữ mà tôi yêu thích trong "Đường Chiều". Các nhân vật trong cuốn sách 246 trang , gồm 15 truyện ngắn, hầu hết là phụ nữ: nông dân, giáo viên, bác sĩ, người buôn bán nhỏ, công chức, kẻ giàu, người nghèo, kẻ xấu, người tốt... Và tất cả đều khá ấn tượng. Mỗi con người, mỗi số phận, đều mang một nỗi khổ khác nhau. Không biết tôi nghĩ như thế này có phải không - phần nhiều người đọc tìm thấy trong "Đường Chiều"  sự cảm thông của người cùng giới nữ.  Có cảm tưởng tác giả không cố tình viết văn mà nỗi này, nỗi kia trong cuộc đời đã giục chị cầm bút viết về mình , chủ yếu là giới mình. Vì thế, các nhân vật trong 15 truyện ngắn ( đặc biệt là các nhân vật phụ nữ ) đều gây ấn tượng thật đậm trong tôi. Có thể tạm chia họ làm hai nhóm. Số đông trong họ là những người phụ nữ bình dân.  Còn lại là phụ nữ trí thức. Ngay trong truyện ngắn đầu tiên, tương phản với nhân vật cô giáo tiểu học - người dẫn chuyện chỉn chu, hiểu thảo mua trầu vỏ biếu mẹ,  người bán trầu vỏ nghèo nàn "cái mẹt cũ kỹ với ít vỏ khiêm tốn..."(mà ta đã từng nhìn thấy trong các chợ quê hay góc hè phố của những thập niên trước, hàng cốt chỉ bán cho mấy bà lão nghiền trầu tằn tiện, ăn cho đỡ nhạt miệng, cho đã cơn thèm như thèm cơm tẻ) là chị bán trầu vỏ khá "tân thời" với " đôi môi dày trát son đỏ choét, dẩu ra cong cớn. Hai chân mày đen sì như hai con đỉa trâu, chết cứng, vắt ngang cái trán vừa ngắn vừa dẹt". Chị ta vừa bán vừa chửi, đe dọa khách nhằm "ăn hiếp trắng trợn giữa ban ngày" Có lẽ , do chưa khéo "nẻo đường tu" nên người đàn bà ấy gặp nhiều "quả báo nhỡn tiền" ngay nơi người bạn đời và ngay ở đứa con trai độc nhất chăng! Hãy chờ xem, nhà văn nữ của chúng ta giải quyết mâu thuẫn của truyện ngắn thú vị này ra sao vào hồi kết.
   Hình ảnh người phụ nữ tồi tội trong "Chỉ là giấc mơ" có một suy nghĩ thật giản đơn: "Nó nghĩ phụ nữ bao giờ cũng chỉ là phụ nữ thôi..." "Nó xác định, đi làm chỉ để làm đẹp đội hình" .." Nó tự nguyện làm hết việc nhà, dành thời gian cho chồng thả sức thi thố ngoài xã hội..." ( Trang 23-Chỉ là giấc mơ). Sau giấc mơ toan bứt phá, kinh hoàng, người mẹ ấy lại tìm cách bấu víu vào một điểm tựa tinh thần "Ơn trời! Nguồn vui sướng của mình là đây, nó nghĩ rồi tự nhủ " mẹ sẽ cố gắng để cho con có một gia đình, con trai ạ"...". Hai mẹ con cứ thế ôm nhau không biết đến bao giờ nếu cả hai không cùng giật mình khi nghe tiếng quát". Tôi tin rằng, rất nhiều chị em chúng ta, có chia sẻ gan ruột với tác giả Y Mùi về việc xây dựng tính cách nhân vật và giải quyết mâu thuẫn đỉnh điểm của truyện ngắn này.
   Thoát khỏi cảnh sống đạm bạc, kém sôi động ở quê nhà, lên thành phố lập nghiệp là ước mơ của hầu hết lớp người trẻ tuổi ở nông thôn nước ta. Cô Hồng lên phố làm nhân viên bán hàng, sáu năm dài đổ mồ hôi, sôi nước mắt yêu nhầm kẻ trai bất tài, tham vàng bỏ ngãi trong "Rể phố ". Đặc biệt là nhân vật Hoa, nhân vật đại diện cho đông đảo lớp trẻ "Học hết chữ của thầy giáo làng, cô được lên huyện, lên tỉnh học tiếp rồi lập nghiệp" " lấy chồng trí thức và gốc quê giống cô" . ( Trang 32 - Liệu có thể khác đi ). Giống như phần nhiều các bạn gái ngày nay, cô mang bầu trước ngày về nhà chồng và bao đắng cay cũng bắt đầu từ đó. "Dòng máu nông dân tần tảo chảy trong huyết quản đã giúp Hoa vượt qua mặc cảm...", "Trong đầu cô lúc nào cũng văng vẳng lời mẹ dặn " Một điều nhịn ...". Một truyền thống nữ tính dịu dàng, muôn thuở nhẹ dạ của người phụ nữ mà nhà văn đã khắc hoạ thật cảm động. "Hình như cứ mỗi lần người chồng bước thêm một bước lên bậc thang danh vọng, thì Hoa lại nhỏ bé hơn trong chính căn nhà của mình. Khi bực dọc thì chồng cô lại đay nghiến: " đồ buôn thúng bán mẹt thì khá lên làm sao được...Hoa nghe mãi thành quen". ( Trang 37- Liệu có thể khác đi). "Hoa giật mình không nhận ra người đàn bà ở trong gương, ánh mắt vô hồn, mái tóc bù xù, bạc trắng đang nhìn cô" ( Trang 39- liệu có thể khác đi). Vụ đồng đứng đơn ly dị thì Hoa đúng là con ngốc trong con mắt của nhiều người. "Còn Hoa, người trong cuộc sau khi đã nằm quá lâu trong cái chăn lởm thì cô biết rõ..." Không giống như sự "mổ xẻ" của lũ bạn đồng môn "Kể cả thằng chồng không đáng mặt, cũng phải gây khó khăn cho nó và chia đôi tài sản..." ( trang 40 ), tác giả đã cho nhân vật đáng thương, cũng đáng trân trọng của mình tự giải thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục trần gian. Nhiều khi nỗi đau cũng có ích, nó giúp cho con người nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, vượt lên thực tại để đích thực là mình.
   Nhìn chung, các nhân vật nữ bình dân trong tập truyện ngắn của Y Mùi thật đa thanh đa sắc: một bà mẹ nghèo tảo tần trong "Vụn vặt chuyện nhà", một Mụ Tân "gần trọn cuộc đời không có đàn ông" đến xế chiều lại tìm được chút văn chương và một người bạn già làm điểm tựa; một Cụ Cội trọn đời vất vả được sống hạnh phúc bên cháu con cùng Con Dế màu hồng hiện đại; một bà cụ Ngãi bất hạnh khi có con trai bất hiếu làm nên chúc "giáo sư"; một cô Gấm nhân hậu đẹp người đẹp nết. Tôi đặc biệt chú ý đến hình ảnh bà cô suốt đời ở gìa và có cái nhìn nhân hậu trong "Rể phố". Ở họ, có cái đẹp nhẹ nhàng run rẩy, mà cũng có cái thô tháp trần trụi, của những người đàn bà làng quê, thị dân, công chức... của xứ sở chúng ta vô danh mà  khỏe khoắn, cường tráng, lớn lao... Đó là cái chất muôn đời của phụ nữ.
   Nhóm thứ hai gồm những phụ nữ trí thức, nhưng tôi thấy, dù họ có là bác sĩ, kỹ sư hay giáo sư gì gì đi nữa thì vẫn mang bản chất của người nữ nông dân.
Trong "Đường Chiều" hình ảnh người đàn ông không nhiều, tác giả chỉ chấm phá đôi nét nhưng là những nét điển hình ở một góc độ nào đó. Đây cũng là những trường hợp ta thường gặp trong đời thường, có nhân vật đã góp phần quan trọng đâỷ nỗi đau của người phụ nữ lên đỉnh điểm. Hình ảnh những người chồng, không mấy hoàn thiện trong nhân cách. Cư xử hèn hạ, thủ đoạn với vợ với con và cả với mẹ ruột của họ. Cư xử độc đoán, gia trưởng vô cảm đã làm tổn hại ngay đến lợi ích dòng họ trong " Rể phố". Cái trò xin đểu vặt của mấy cậu choai choai.
   Nhưng có lẽ, tôi khoái nhất một hình ảnh trong số họ là Lão Chí Thi Nhân. Lão Chí xuất hiện như một vai kép trong cái sân khấu thi ca khá bao la và sôi động. Môt góc của sân khấu là "Lớp bồi dưỡng viết văn..." "Do hội trung ương tổ chức". " Ngay sau khi rời lớp học, trở về là lão xúc tiến việc tuyển chọn bài, in sách. Lão sẽ làm đơn xin vào hội văn nghệ của tỉnh luôn. Hội tỉnh thì được quá đi chứ, vì lão đã được bồi dưỡng qua trường lớp đàng hoàng, do hội trung ương tổ chức hẳn hoi. Nghe nói mấy thi hữu chưa in sách bao giờ, chưa từng vào hội văn nghệ địa phương, nhưng sau lớp bồi dưỡng viết văn như thế này, được vào thẳng hội trung ương đấy thôi..." (trang 211-Thi nhân Làng Đồi). Trong con mắt lão Chí "lớp học này... toàn là thi sĩ, văn sĩ, lực lượng nhân văn tiềm năng của các hội địa phương, và cả trung ương; toàn là cây bút sắp chuyên nghiệp đến nơi" (trang 220 - Thi Nhân làng Đồi). Lão lên kế hoạch xuất bản: "Lần này về Lão Chí đầu tư cho ra tấm, ra món...Trên phần bìa sách gấp vào, nhất định phải có thông tin cá nhân tác giả và ghi rõ " Đã tốt nghiệp lớp bồi dưỡng viết văn..." Mà " Chốt hạ, cả khóa bồi dưỡng viết văn chỉ có mỗi hai buổi học thi nhân làng Đồi thấy thích nhất, thấy hơp với khả năng tiếp thu của Lão nhất... Đó là buổi bắt đầu và buổi kết thúc khóa học”. (trang 225- Thi Nhân Làng Đồi).
   Với cá nhân mình, khi khép tập văn lại, vẫn nguyên trong tôi một nỗi ám ảnh: Thứ định mệnh phương đông đã đè nặng lên số phận của người phụ nữ viết văn; từ góc quan sát, cảm nhận, suy ngẫm và chấp bút. Ở "Đường Chiều" tác giả không chỉ thành công ở việc tái hiện bề bộn những hiện thực của thế giới thứ nhất - cuộc sống hiện tại,  mà tác giả còn tạo ra nhịp sống của thế giới thứ hai - đó là thế giới của những mơ ước lúc bay bổng..., lúc kinh hoàng của những giấc mơ. Đó là một khả năng thuần hóa, kỳ diệu hóa nỗi đau, niềm vui và niềm hy vọng. Do vậy, cũng giống như trên sân chơi bóng đá, tác giả Y Mùi luôn tạo ra những bất ngờ, đột ngột mà hợp lý, giàu sức cuốn hút.

Hà Nội tháng 11/2020
P.N.T.D

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)