bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

Vy

Muốn mua sản phẩm

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 33
Trong tuần: 929
Lượt truy cập: 684972

THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI QUÊ HƯƠNG

Đào Phụng
 
THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI QUÊ HƯƠNG
XỨ THANH VÀ NGƯỜI THỢ, ĐỜI THỢ.                                                                                           
     Với tập thơ Hát lúc trăng lên, NXB Thanh Hóa, năm 1990, Lê Tuấn Lộc đã chính thức khai mở con đường thơ riêng của mình từ những ngổn ngang đất đá, quặng mỏ để đến với người đọc và từng bước khẳng định tên tuổi trên văn đàn thi ca đất nước; khẳng định sức đi, sức viết và sự gắn kết giữa thơ anh với công chúng người đọc. Trong suốt chặng đường hơn ba mươi năm cầm bút anh đã trả nghĩa cuộc đời hai mươi tập thơ, đầu sách - một số lượng không hề nhỏ, khiến bạn viết cũng kiêng nể. Thơ Lê Tuấn Lộc đa dạng thể tài, câu chữ bình dị nhưng hầm hập hơi nóng cuộc sống thường ngày. Có người nói thơ Lê Tuấn Lộc chíu chít những địa danh vùng miền với những tên làng, tên đất đọc lên đã "muốn ghé môi hôn" (Chế Lan Viên ) nhưng gắn bó máu thịt và đắm đuối hơn cả vẫn là thơ viết về quê hương xứ Thanh và những người thợ, đời thợ. Đây cũng là đề tài tâm huyết, trăn trở trong cả cuộc đời sống, sáng tác anh canh cánh, bận lòng như "uống nước nhớ nguồn" vậy. Đối với quê hương Thanh Hóa trước và sau Lê Tuấn Lộc vẫn là người hiếu nghĩa, nặng ân tình. Nhiều lần nghe anh bộc bạch những lời gan ruột với quê Thanh, tôi cũng thấy xao lòng"không làm được gì cho quê hương thì ngượng chết đi được"(Tự bạch) chính vì vậy mà suốt những năm tháng qua anh đã dành cho quê hương Thanh Hóa nhiều trang viết mát đằm in rải rác trên các báo chí trung ương và các địa phương, và dành hẳn một tập thơ viết về Thanh Hóa với cái tên rất gợi  rất kiêu hãnh: Tôi người xứ Thanh, NXB văn học và NXB Thanh Hóa ấn hành năm 2007.
Là người Thanh Hóa, thì quê dù bị chiến tranh tán phá hay đói nghèo ăn mày ăn xin "đui què sứt mẻ" thì vẫn là quê trong máu thịt ta như cây trên đất, sao trên trời và là điều không thể lựa chọn như mẹ cha ta.
"Tôi là người xứ Thanh/ ông tôi sinh ở Ngàn Nưa/ nửa đời đi ở/ nửa đời hầu hạ người ta" và "không ai chọn quê/ không ai chọn mẹ/Mẹ ta nghèo vẫn là mẹ của ta" dứt khoát là vậy:
Tôi là người xứ Thanh
Các con tôi sẽ khai sinh như thế
Các cháu tôi mai sau sẽ khai sinh như thế
Dù đi đâu về đâu.
(Tôi là người xứ Thanh)
   Vì lẽ đó, mà mỗi khi nghĩ về Thanh Hóa, trong tâm trí Lê Tuấn Lộc dường như cảm thấy quê Thanh có sự mầu nhiệm, linh nhiệm có thể phù phép mọi thứ trở nên lung linh, tươi mới. "Mỗi lần về quê mình như trẻ lại","như cuống lên"," như  về quê lần đầu/ như là đi xa lắm" và như nhà thơ Vũ Quần Phương từng cảm xúc,  chia sẻ: "Những gì ta yêu thương/ Sau bờ tre kia nhỉ" với lê Tuấn Lộc, sau bờ tre kia là quê anh, làng Nhiển Thôn. Nơi gợi trong ký ức của anh thời gian, không gian với  biết bao vui buồn, kỷ niệm:
Xưa mình mẹ nuôi con đau cả tháng
Biết đổi ca cho ai?
(Một đêm bên mẹ)
 Những con người chất phác, bình dị suốt một đời lam lũ, sống hòa thuận, đỡ đần nhau như cơm bữa, và ấm áp trong tình làng nghĩa xóm với những cái tên thật khó quên:
Bà Pháng lưng còng, bà Hòa móm mén
Chú Huân hay kể chuyện đánh Pháp
Ông Tuần hay giúp mẹ tôi trục lúa
Ông Thanh Hữu hay giúp mẹ tôi bổ củi
(Về lại làng Nhiển)
Người làng Nhiển một đời đánh giặc trở về sống vô tư, trong trẻo:
Một đời đi đánh giặc
Không màng danh lợi
Không hề đua chen
(Tôi người xứ Thanh)
 Bên cạnh những cuộc đời ríu ran may mắn là những cảnh đời bi thương, xa xót nhưng không vì thế buông xuôi, ỉ lại:
 Ông Khoai thì mù
 Bà Khoai thì toét
Để con trai thì hiếng
Để con gái thì chột
...
Ông mù mà giỏi đan
Làng tôi gọi ông Đan
(Ông Khoai)
 Viết về quê dù mặt xấu hay mặt tốt, tiêu cực hay tích cực Lê Tuấn Lộc cũng không hề bi lụy, tô vẻ phóng đại , hay né tránh mà bộc trực, thẳng tuột thực trạng, trình bày như nó vốn có. Chuyện trong nhà cũng như chuyện trong làng, bởi anh tin yêu tôn trọng sự thật, theo anh nó là lịch sử làng, hồn làng và bởi bản tính con người anh:
Tôi chỉ nói những gì tôi biết
Điêu điều hay phóng đại
Tôi chưa quen bao giờ !
                                 (Tôi chỉ là tôi)
 Bởi vậy đọc thơ Lê Tuấn Lộc viết về quê ta cảm nhận được chiều sâu, bề dày gốc ngọn của làng quê, vùng đất, con người, truyền thống văn hóa xã hội, tập tục ... và không loại trừ cả những thói tật thâm căn cố đế sau lũy tre.
Ông tôi đâu có giàu sang
Lại vay nợ lãi mà làm cổ cheo
                             (Ngày cưới mẹ tôi)
Đến cái sự "giận cá, chém thớt "chua chát:
Ông tôi đi ở cho người
Hận đời về đảnh tơi bời bà tôi
Bà tôi biết thân phận rồi
Cắn răng bà chiụ cho đời qua đi
                              (Tôi khóc bà tôi)
... "cho đời qua đi" vừa  là thực tại cam chịu vừa là sự vô vọng của kíp người dồn đẩy xuống thân phận người phụ nữ tạo nên tiếng kêu chung "đau đớn thay phận đàn bà"(Kiều) có thể nói thơ Lê Tuấn Lộc là thơ đa cảm, anh khóc nổi thương bà, anh khỏe trước sự hụt hẫng, bàng hoàng khi một người làng ra đi trong cô đơn đói rét.
Tôi qua thăm thì bác đã chết rồi
Bộ xương xếp trên giường tre ọp ẹp
Tháng ba đói lạnh tanh gian bếp.
                                                   (Người xóm trại)
Và bộc trực thẳng độp trước chớ trêu mà anh cho là phản cảm:
Con cái thương cha không khóc thì thôi
Sao thuê người khác khóc
Dối lừa thế ai mà chịu được
Thế mà người ta tin!
                                               (Người khóc mướn)
 Oái ăm giả "mà người ta tin", câu thơ như xát muối, đắng chát. Có cảm giác như Lê Tuấn Lộc luôn trong trạng thái chông chênh sợ nỗi thiếu vắng mỗi khi về quê.
Nửa vui rồi lại nửa buồn
Ai người năm ấy biết còn đón tôi?
Rồi : Mấy thằng đánh dậm còn không?
                                                   (Về lại làng xưa)
Ngay cả khi uống rượu, cũng hụt hẫng,tay nâng chén mà đắng lòng, khó nuốt:
Ngày nó báo tử
Rượu ngày giỗ nó cay hơn!
                                                                           (Rượu Thanh)
Câu thơ viết như không mà đọc lên thấy xốc, thấy nỗi người xa vắng.
Dù viết về quê hương Nông Cống hay quê hương Xứ Thanh, thơ Lê Tuấn Lộc cũng..... xao động câu chữ như nỗi trăn trở trước quá khứ , hiện tại, trước sự còn mất, bâng khuâng:
Cái nồi đất ngày xưa
Bây giờ sao nhớ quá
Cái làng Vồm thị xã
Phố Lò Chum ngày ấy
Bây giờ có còn không                (Cái nồi đất quê Thanh)
Rồi : Quán nước ngày xưa còn không nhỉ ?           (Còn không)
Bạn cũ ngày xưa thưa vắng dần rồi.                  (Mỗi lần về quê)
Gắn bó từ những vật dụng nhỏ bé quen thuộc hàng ngày đến những địa danh đây đó, hàng quán gần xa, rồi làng xóm, bạn hữu....đối với Lê Tuấn Lộc đều trở nên thân thiết như một phần của đời anh. Nên đi hay về anh đều quan tâm tự hỏi như lục vấn sợ sự thiếu hụt lòng mình. Bởi anh sợ nỗi thiếu vắng, sợ sự hụt hẫng nét quê, hồn quê. Bởi anh là người xứ Thanh, nhà thơ Lê Tuấn Lộc.
   Viết về Thanh Hóa hay viết về người thợ, với Lê Tuấn Lộc cũng đều là đề tài gắn bó quen thuộc, đề tài "tử" hơn thế anh lại là người trong cuộc "nằm trong chăn" trước nay. Nhất là đối với đề tài người thợ và lao động. Bởi anh là kỷ sư mỏ trực tiếp sản xuất, rồi trải cương vị  giám đốc các mỏ, có trình độ Tiến sĩ, lại hàng ngày làm việc với công nhân, nên anh hiểu rõ đời tư, công việc, cuộc sống, gia đình của họ và rung cảm trước mỗi giọt mồ hôi rơi của người thợ người lao động. Vì thế mà Lê Tuấn Lộc có nhiều thơ viết về giai cấp công nhân lao động. Từ những năm 80 của tế kỷ trước đến nay, Lê Tuấn Lộc đã lần lượt cho ra đời 6 tập thơ viết về người thợ, đời thợ. Đó là các tập Hát lúc trăng lên (1990), Thợ mỏ gặp nhau (2000), Thân phận (2004), Đi tìm vàng (2012), Người đi đã trở về (2015), Thơ và thợ (2019) trong đó tập thơ Đi tìm vàng được trao giải cao  của Bộ GTVT. Trong nhiều năm trở lại đây  Lê Tuấn Lộc là một trong số ít các nhà thơ Việt Nam viết nhiều về giai cấp công nhân. Lý giải về sự thành công trong sáng tạo, Lê Tuấn Lộc vui mà rằng do "duyên":  "Duyên số làm sao thơ và mỏ gắn bó với tôi đến thế"(Tự bạch) có lẻ vì sự gắn bó, thủy chung ấy mà Lê Tuấn Lộc "Trọn đời tôi đi làm mỏ, sống chết cũng vì mỏ" (Tự bạch) và không hề có chút phân vân hay nghĩ đến việc từ bỏ, chia tay:
Chưa bao giờ tôi nghĩ chuyện chia tay
Bởi áo thợ với mình thân thiết qúa
                                                   (Xuân ở mỏ)
Phải, vì chiếc áo màu xanh công nhân quá đỗi thân thiết hay vì những người thợ bình dị với tình đời rộng mở:
Liên hoan ở tận ven đồi
Rượu say dở đứng dở ngồi giữa thung
...
Dưới thung xa điện sáng ngời
Nhắc ta còn một cuộc đời đẹp hơn
 "Cuộc đời đẹp hơn" vừa là hiện thực vẻ đẹp người thợ vừa là hiện thực vẻ đẹp cảnh quan nơi chân rừng góc núi, sự heo hút  được thay thế bằng sự huyền ảo lung linh "hóa tâm hồn" (Chế Lan Viên) trước bước chân của những cuộc đời "lưu động" thăm dò, khám phá để lại khôn nguôi lưu luyến.
Ta vời vợi đỉnh trời mây đèo khế
Trập trùng non đâu thấy bóng quê nhà !
                                        (Đèo khế bốn mùa)
Cuộc đời người thợ đến đâu thành làng, thành chợ đến đó, sôi động, nhộn nhịp và gấp gáp, tốc độ. Như một máy ghi hình đa năng, thơ Lê Tuấn Lộc gần như không bỏ sót một góc quay nào của mỏ và thợ. Các bài: "xóm thợ", "làng thợ mỏ", "tiễn bạn", "đi chợ", "ca ba vùng mỏ", "đám cưới trong làng mỏ", "uống rượu ở mỏ thiếc Sơn Dương", "vợ chồng thợ mỏ"...v...v.. đã nói lên điều đó. Vì thế, thơ Lê Tuấn Lộc nhiều bài đã "neo"  được trong tâm trí người đọc:
Gặp anh chân cầu thang
Trao vội chùm chìa khóa
Ghé vào tai nói nhỏ
                          "Chiều anh đón con về"
                           (Vợ chồng thợ mỏ)
Cử chỉ "Trao vội chùm chìa khóa" cho thấy cuộc sống người thợ khẩn trương nhường nào. Bước sang thời "cơ chế thị trường" thơ Lê Tuấn Lộc không còn nhiều mơ mộng, bung bêng, lâng lâng theo kiểu :
Ngổn ngang núi,  ngổn ngang đồi
Phút giây với bạn đất trời bung biêng
                                                       (Uống rượu ở mỏ thiếc Sơn Dương)
Không hiểu do tuổi tác hay thực tại cuộc sống  biến động, thơ Lê Tuấn Lộc đã có những thay đổi dường như lắng đọng, đằm hơn, nhiều  ngẫm nghĩ  suy tư, triết lý và không kém phần xa xót:
Có những điều như chân lý vĩnh cữu
 Bây giờ như vô lý.
                                                              (Mỏ đã mất rồi)
Anh đồng cảm lo lắng với cuộc đời người thợ khi mất việc nhưng đồng thời bức bách vô vọng trước hướng đời của họ :
Những thợ xây tài nghệ
 Hết việc anh về đâu?
                                                  (Viết ở tòa nhà Keang Nam)
 "Về đâu " một câu hỏi không có lời giải, trước một thực tế không dễ gì trả lời:
Hai thằng tính ngược tính xuôi
Về quê huống tuổi biết rồi ra sao
Nghề làm mỏ thật lao đao
Nay còn mai hết, nay hao mai đầy
Về quê thì chẳng biết cày
Bán buôn chạy chợ lâu ngày không quen
Về quê còn chút lực điền
Cái nghề làm mỏ biết truyền cho ai
                              (Tiễn bạn về quê)
 Lại một câu hỏi, một lời than! Lời thơ vừa giải bày, vừa đồng cảm, bức vừa dự báo và trên hết là trách nhiệm trước tương lai của  người thợ, làm sao người thợ có việc làm và ổn định cuộc sống sau mỗi công trình kết thúc, hiện đang là bài toán nan giải hiện nay đối với toàn xã hội khi mà hàng loạt nhà máy, công trình sập tiệm, kết thúc hoạt động công nhân thất nghiệp tràn lan, hàng hóa sản phẩm làm ra ế ẩm để mốc meo trong kho:
Quặng chất thành núi trong kho
Giá thấp càng bán càng lỗ
Vừa lên voi lại vừa xuống chó
Kinh doanh như casino
                      (Nổi  niềm ....sản phẩm)
 Thực tại này, mọi thứ dường như đều có bi kịch, đều có kết thúc buồn. Những người thợ khai thác đá đỏ, làm ra sản phẩm quý hơn vàng, oái om thay nhiều cuộc đời lại rơi vào bi thảm :
Những người làm đá đỏ
Cuộc đời sao mà đen ?
                                                                              (Về lại Quì Châu)
 Sự trái ngược giữa hai màu sắc đen đỏ, tưởng như bình thường mà đọc lên như cắt lòng. Thảm khốc hơn là những hệ lụy tai nạn lao động của những số phận, thân phận trên những tầng cao xây dựng :
 Ai biết ai rơi từ độ cao 100 m
Tòa nhà Keang Nam
                                         (Viết ở tòa nhà Keang Nam)
Bên cạnh sự phản ánh những nốt trầm buồn thực tế, thơ Lê Tuấn Lộc cũng dành nhiều trang ưu ái về những công nhân thầm lặng hết mình vì công việc, vì vẻ đẹp phố phường, cuộc sống:
Xe máy lù lù ra ngoài thành phố
Pháo hoa tung lên trời
                      (Xe đi trong đêm giao thừa)
   Với  Lê Tuấn Lộc "hóa trầm chút khói cũng thơm hương" hơn ba mươi năm hắn bó với nghề mỏ, với người thợ, đời thợ với thăng trầm của những làng quê, góc núi xứ Thanh đồng thời cũng là hơn ba mươi năm lao động sáng tạo "rút ruột nhà tơ" anh đã tri ân quê hương, người thợ, cuộc đời 20 tác phẩm, như trãi lòng như trách nhiệm, như ký thác.
 Thơ anh như con người anh, bình dị, chân thật như cây xanh và luôn hối hả với công việc, với cây bút như sợ thời gian trôi, như sợ lòng không bắt kịp ý tưởng, hình hài cuộc sống.  Vì thế anh không còn thì giờ để trau chuốt câu chữ trau truốt nhiều về thơ của mình. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân khiến thơ Lê Tuấn Lộc ít có câu hay, ít có sự đột biến về ngôn ngữ thể hiện. Song có nhiều câu mộc mạc, mang phong vị ca dao rất thành công, ví dụ dưới đây :
Sông Gâm nước nổi mây chìm
Vàng chôn  dưới đất  biết tìm nơi đâu
 Hay:
Tìm vàng chả thấy vàng đâu
Sông Gâm thăm thẳm một màu xanh xanh.
 
                                                    Thanh Hóa 10/11/2020
                                                                   Đ.P

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)