CÁI LÝ CỦA CÔ GÁI THÁI
(Thơ Lê Triển-Tập “Mưa trái mùa”
NXB Hội nhà văn).
Trời nóng
Suối trong
Khỏa trần
Em tắm
Bất ngờ
Người qua
Vội vàng
Che mặt...!
Che mặt như không che gì.
LỜI BÌNH CỦA TRẦN TRUNG
MỘT NÉT TÌNH SƠN CƯỚC
Nếu xét rành rẽ về cấu trúc, bài thơ khá kiệm lời của Lê Triển chỉ tạo dựng bởi hai khổ. Và, trong chín dòng thơ,thì nhà thơ đã thả qua hàng tới tám dòng thơ chỉ với hai âm tiết.Có lẽ cái lối thả chữ của Lê triển đã gây cho người đọc cảm giác thong thả cùng cả sự thanh thản mà chiêm ngưỡng Bức-Thơ-Nuy thật nhẹ nhàng, chân mộc và cũng mang nét tứ tình rất riêng:
Trời nóng
Suối trong
Khỏa trần
Em tắm...
Dẫu trong văn bản không có dấu chấm lửng (...) sau khổ thơ một, người viết lời bình này vẫn cứ muốn “tham lam” mà thêm thắt với ý đồ gia tăng niềm bất ngờ, bất chợt đến rạo rực trong Cảm-Giác-Chiêm-Ngưỡng.
Với bốn dòng thơ khơi mở, nhà thơ đã tạo ra những mối tương quan vừa trái chiều lại vừa đồng nhất.Mối tương quan thật “tự nhiên nhi nhiên” giữa thiên nhiên-đất trời với “Trời nóng”,với “Suối trong” cùng sự đồng hiện với vẻ đẹp của con người-phái đẹp lúc “Khỏa trần/Em tắm”.
Tứ thơ của Lê Triển vừa thong thả lại vừa bất ngờ nữa, mang cho người thưởng ngoạn thơ. Ấy là khi nhà thơ chuyển từ vẻ đẹp trong mốt tương giao-đồng hiện của trời đất và con người sang “lãnh địa” của sự việc (Cảnh-Sự-Tình vốn là ba đặc điểm, cũng là ba phẩm chất của thơ ca kim cổ).Một khi người em gái vùng sơn cước mà đã và đang tắm suối-khỏa mình giữa thiên nhiên ngợp tràn màu xanh, thì em cần gì phải ý tứ mà dấu che! Cái thật mà cũng là cái khéo của nhà thơ là ở chỗ: tác giả lược bỏ đi một chữ “Em”( không cần phải “Bất ngờ/Người qua/Em vội vàng/Che mặt”).Thế nên, Lê Triển vẫn diễn tả được cái nét, cái chất rất nữ tính của cô gái miền sơn cước!
Đôi lời bàn góp (cho vui!) cùng nhà thơ về tên đặt của bài thơ và câu thơ kết. Tác giả đặt tên cho bài thơ của mình là “Cái lý của cô gái Thái”, theo tôi cũng có “lý”.Song, hình như hơi “khô” và có phần duy lý quá chăng!?
Còn về câu thơ kết, các cụ ta xưa từng dạy về việc làm thơ là “Mạch kị lộ”(mạch thơ-mạch cảm xúc và suy tư tránh lộ rõ!).Thế nên, “Che mặt như không che gì” là câu thơ “giải thích”, lộ cả tình lẫn tứ. Và, vì thế, theo tôi- Câu thơ kết của Lê Triển nên “che” bớt đi mặt-chữ để bài thơ khép lại câu chữ,vẫn gợi.Vẫn ngân nga dư vị trong lòng người đọc...
HÀ NỘI 16/11/2014.
Người gửi / điện thoại