CŨ CÀNG
ĐỒNG THỊ CHÚC
Cũ càng như mẹ tôi xưa
Áo nâu khăn vấn nắng mưa đội đầu
Cũ càng chị gái làm dâu
Mặt chồng ít gặp, dãi dầu tháng năm
Cũ càng thân những con tằm
Chỉ ăn lá lại biết nằm nhả tơ
Cũ càng thuở học i tờ
Đói cơm rách áo biết mơ làm người
Cũ càng câu hát buông lơi
Đưa anh đưa chị một đời bên nhau
Cũ càng chữ hiếu làm đầu
Công cha nghĩa mẹ dám đâu xem thường
Cũ càng trên kính dưới nhường
Anh em đùm bọc mà thương nhau cùng
Cũ càng đai áo quần chùng
Vua ra cày ruộng đau chung đói nghèo
Giúp dân qua cảnh gieo neo
Sáng trong tâm đức gương treo muôn đời
Cũ càng, ngoảnh mặt có người
Cũ càng, tôi nhặt mang phơi cho mình
11-2013 Đồng Thị Chúc
LỜI BÌNH CỦA ĐỖ NHẬT MINH
Công cuộc đổi mới đã hơn ba chục năm. Kinh tế thị trường thay thế kinh tế bao cấp. Làng quê, phố phường đổi thay đến không ngờ, cuộc sống người dân ngày càng no ấm. Bên cạnh những giá trị mới của xã hội phát triển và hội nhập thế giới lại đang mờ nhạt, xói mòn hoặc mất đi những giá trị tốt đẹp dân tộc bao đời nay. Không ít người tôn thờ chủ nghĩa thực dụng, của cải vật chất, coi nhiều giá trị nhân phẩm của cha ông đã cũ mèm, lỗi thời. Điều ấy đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của mọi tầng lớp xã hội. Trong số những người lên tiếng bảo vệ, tôn vinh phẩm chất cao quý dân tộc có các văn nghệ sỹ chân chính, và trong đó có nhà thơ Đồng Thị Chúc. Cũ càng không hề giấu giếm vấn đề đặt ra, cái ý tưởng mục đích của mình. Quanh tâm đức, tác giả khẳng định giá trị qua đối nhân xử thế, về quan hệ con người với con người, về gia đình, cha mẹ, anh chị em… Tưởng như cũ càng, đã một thời xa vắng những áo nâu, khăn vấn, mặt chồng ít gặp, những chữ hiếu làm đầu, công cha nghĩa mẹ, vua ra cày ruộng nhưng chính những điều tưởng như ấy đã làm nên sức sống dân tộc, làm nên giá trị trường tồn người Việt suốt mấy ngàn năm lịch sử. Thứ mà nhiều người cho là cũ càng, lạc hậu, ẩm mốc theo thời gian cần phải xếp lại, gói ghém lại thì nhà thơ lại mang ra bày đặt, đã mang phơi cho mình - nghĩa là vẫn quảng bá, vẫn tôn vinh.
Cái hay của bài thơ chưa phải là tứ lạ, có những nhãn tự, những từ ngữ găm vào trí não bạn đọc mà chính là với việc hệ trọng, thiêng liêng, cao quý lại diễn đạt bằng thể thơ lục bát dân dã, truyền thống, bằng ngôn từ giản dị, điềm đạm, không hề có sự rao giảng, triết lý, nói mà như không, như những lời bộc bạch, tâm tình, nhẹ nhàng, sâu sắc. Điệp khúc cũ càng tưởng như hờn giỗi, tưởng như thu mình, hóa ra lại mở, lại tạo bất ngờ, từ thừa nhận đến phủ nhận. Hãy đọc chầm chậm, nhẩn nha từng câu. Này đây: Cũ càng như mẹ tôi xưa/ Áo nâu khăn vấn nắng mưa đội đầu. Này đây: Cũ càng thuở học i tờ/ Đói cơm rách áo biết mơ làm người. Rồi: Cũ càng đai áo quần chùng/ vua ra cày ruộng đau chung đói nghèo… Thấm thía quá. Sâu sắc quá. Vậy ra cũ càng chẳng cũ chút nào, lại rất mới, lại rất nóng hổi hiện giờ. Trong cuộc sống xô bồ, đa dạng, phức tạp hiện nay, việc giữ gìn, bảo vệ, tôn vinh giá trị con người vừa dân tộc vừa hiện đại - con người mà một nhà văn danh tiếng nước Nga đã trân trọng viết hoa - là cấp thiết, hệ trọng. Đọc cũ càng, tôi nhớ những câu thơ của một nhà thơ nước ngoài:
Làm thú vật, làm quỷ ma thì dễ
Làm con người khó biết bao nhiêu
Xin cám ơn nhà thơ Đồng Thị Chúc đã lay động, thức tỉnh, cổ vũ những chân giá trị tốt đẹp bao đời nay. Chắc chắn ý tưởng của cũ càng sẽ đồng hành với nhiều thế hệ mai sau.
TP Bắc Giang 02-01-2018 Đỗ Nhật Minh.
Người gửi / điện thoại