GIỚI THIỆU NHÀ VĂN NHƯ BÌNH VÀ TRUYỆN XÁC ĐÀO
PGS.TS. NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỨC HẠNH
Nhà văn Như Bình tên thật là Lê Thị Thanh Bình, sinh ra và lớn lên ở Cẩm Bình, nguyên quán ở Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Chị là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam năm 2001.
Hiện là Trưởng ban Chuyên Đề - Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ Công an – Báo Công an – Cục Truyền thông CAND. Chị công tác ở Hà Nội.
* Giải thưởng:
Giải C tạp chí Văn nghệ Quân Đội năm 1995
Tặng thưởng tác phẩm hay nhất của báo Văn nghệ trẻ năm 1996
Giải B giải thưởng văn học Nguyễn Du trong 5 năm (1995-2000)
Tặng thưởng truyện ngắn hay trên VietNamNet với truyện ngắn "Cửa sổ".
Giải A truyện ngắn viết về đề tài Dân số năm 2000
* Các tác phẩm đã xuất bản:
Người mang lại ái tình (tập ký, 2011 - Nxb Văn hóa thông tin)
Bộ Những câu chuyện khó tin nhưng có thật – 6 tập (2012, Nxb Văn học)
Dòng sông một bờ (tập truyện ngắn, 2000 - Nxb Kim Đồng)
Đêm vô thường (tập truyện ngắn, 2002 - Nxb Hội nhà văn)
Giông biển (tập truyện ngắn, 1999 - Nxb Công an nhân dân)
Sự ẩn khuất của số phận (tập ký, 2012 - Nxb Văn hóa thông tin)
Bùa yêu (tập truyện ngắn, 2015 - Nxb Văn
II - BÚT PHÁP TRỮ TÌNH – KỲ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN XÁC ĐÀO của NHƯ BÌNH
Như Bình là một nhà văn trẻ thành danh từ rất sớm. Truyện ngắn của chị được chia thành hai “mảng” có sắc thái thẩm mĩ trái ngược nhau. Chị là tác giả của hàng loạt truyện ngắn “Những chuyện khó tin nhưng có thật” – một chuyên mục trên Báo An ninh thế giới đã gây tiếng vang lớn, được nhiều độc giả yêu mến, đón đọc. Sau này, các truyện ngắn ấy được tập hợp lại trong 06 tập, với phong cách ngắn gọn, hấp dẫn, xung đột giàu kịch tính, tính chiêm nghiệm – triết luận cao. “Mảng” thứ hai là những truyện ngắn được viết bằng bút pháp trữ tình – kì ảo, có tính hướng nội sâu thẳm, ngôn ngữ giàu chất thơ, cái kì ảo được sử dụng như một biện pháp nghệ thuật đặc sắc, truyền ngắn Xác Đào là một tác phẩm tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật độc đáo ấy.
1) Cốt truyện tâm lí, xung đột nội tâm phản ánh nỗi đau tột cùng trong bi kịch gia đình.
Một không gian nghệ thuật đẹp và buồn thăm thẳm xuất hiện: - Khu vườn trồng đào thế của “cha tôi”, trong đó có mảnh vườn nhỏ trồng đào tự nhiên không bao giờ bán, với xác đào, huyệt đào và số phận của cây Đào từ gian khó mà lớn lên, rực rỡ khoe sắc tỏa hương trong mấy ngày tết, sau đó bị vứt vào bãi rác, sao cứ làm ta liên tưởng đến số phận con người.
Trong không gian lúc rực rỡ lúc u trầm tàn phai ấy, xuất hiện nhân vật người kể chuyện sử dụng đại từ nhân xưng “tôi” – một ngôi kể” cho phép đào sâu vào thế giới nội tâm của nhân vât và gia tăng tính trữ tình cho tác phẩm; nhân vật “cha tôi” với nỗi buồn đau giấu kín; nhân vật phụ “Ông Bền”. Không hề có sự kiện xung đột giàu kịch tính, lời đối thoại vô cùng hiếm hoi, chỉ có lời độc thoại nội tâm của cô bé đóng vai người kể chuyện. Tác phẩm như một cuốn phim quay chậm, một dòng sông kí ức của nhân vật “Tôi” trôi chảy, dưới đáy sâu của dòng sông ấy là nỗi đau, sự cô độc tột cùng của cô bé không có mẹ, thèm khát hơi ấm gia đình: - mong ước vòng tay âu yếm của cha mình, dù chỉ thêm một lần mà không được. Sự tài hoa của nhà văn thể hiện ở đây là: - không trực tiếp miêu tả nỗi đau, sự cô độc, ước mong giản dị mà khó thực hiện của cô bé mà chỉ gợi tả về nó qua một vài chi tiết nghệ thuật đắt giá, điều này khiến ngôn ngữ văn xuôi của Như Bình gần gũi với ngôn ngữ thơ mang tính dư ba rất lớn.
Khước từ cốt truyện sự kiện, triển khai mạch truyện theo dòng tâm trạng của nhân vật cô bé, một thế giới thiên nhiện – xã hội dù đẹp đẽ đến đâu vẫn thâm đẫm sự lạnh lẽo. Nó là biểu tượng cho không gian gia đình khuyết vỡ, không lành lặn, để lại tồn thương cho mọi thành viên, đặc biệt tạo nên vết thương sâu hoắm trong trái tim trẻ thơ không biết bao giờ mới thôi rỏ máu.
Nhân vật “cha tôi” cũng là nhân vật bi kịch như nhân vật cô bé – con gái của ông nhưng nhân vật “cha tôi” chỉ là nhân vật Bi kịch nửa vời. Sự kiện ông gặp rồi kết hôn với cô Thoa, vừa mang lại hạnh phúc cho ông vừa như nhát dao cứa sâu thêm một lần nữa vào trái tim cô bé. Sự kiện ấy khiến ông thay đổi hoàn toàn từ ngoại hình đến tâm trạng: ăn mặc đẹp đẽ và vui vẻ hơn, cho người chặt một cây đào tự nhiên để tặng cha mẹ cô Thoa – điều không thể xảy ra trước đó, vì mảnh vườn trồng đào tự nhiên như để ông trồng lên đó kí ức, nỗi buồn, sự thất vọng…?. Như là nơi ông dành tưởng niệm cho người vợ của mình?. Nhát dao chém xuống gốc đào tự nhiên kia cũng là nhát dao chặt đứt một quá khứ yêu thương, tưởng nhớ, đau buồn mà ông dành cho vợ mình – một người phụ nữ mê hoa đào. Hành động ông chảy nước mắt rồi vứt bức tranh vẽ một người phụ nữ ngắm hoa đào vào sọt rác cũng là hành động vứt bỏ những gì đã qua, dù thiêng liêng nhất, để bước vào một chặng đường mới của cuộc đời.
Nhưng nhân vật cô bé – con gái ông không thể như thế. Cô là nhân vật bi kịch đích thực, dù cái Bi được Như Bình dấu thật sâu dưới đáy các hình tượng nghệ thuật. Đào gốc đào đi còn lại huyệt đào, chặt đào mới nhìn thấy nhựa chảy, đó là máu của đào. Nhưng những hành động vô tình hay cố ý của người lớn mới là những nhát dao chém phũ phàng, tâm hồn trẻ thơ chảy máu mà không ai thấy?!Chỉ duy nhất một lần cô bé khóc đến cạn kiệt nước mắt rồi gọi “Mẹ ơi”, Tiếng gọi ấy vỡ ra từ trái tim non nớt của cô bé, vang vọng vào trái tim người đọc, rồi tràn theo nước mắt chúng ta cho những bi kịch gia đình đã, đang và sẽ còn xuất hiện trên thế giới này.
2) Yếu tố kì ảo xuất hiện trong giấc mơ hạnh phúc của nhân vật cô bé xưng “tôi”.
Trái tim nhân ái của nhà văn chắc sẽ vô cùng đau đớn khi miêu tả bi kịch của nhân vật cô bé. Có cách nào giải thoát, hay làm vơi bớt đau buồn cho em không?. Đó là giấc mơ gắn với cái kì ảo: - Cô bé mơ cùng Mẹ là một thiếu phụ về thăm vườn đào, thật vui tươi, với tiếng cười nhưng khi giấc mơ tan biến thì chỉ còn lại nước mắt.
3) Nhan đề Xác Đào đầy sức gợi, cùng những hình ảnh khác nhau của vườn đào trong số phần của nó đã trở thành một biểu tượng đắt giá. Khi còn bé, nhân vật “Tôi” thấy mình chỉ là một cá thể nhỏ bé bên những cây đào trong cái nhìn thờ ơ của cha. Lớn hơn một chút cả cô và cha mình phải chăng giống như: “Cả vườn đào, rừng đào sau tết như những kẻ tật nguyền bị cắt hết cụt đầu, hết chân, hết tay (…) đau đớn chờ đợi để trổ hoa…”. Và khi trở thành thiếu nữ: “Tôi ngạc nhiên thấy mình khô đét như xác đào đã chết và lặng câm như một huyệt đào trên mặt ruộng…”
Không hiểu sao sau khi đọc hết tác phẩm này, tôi thấy mình hóa thành một cây đào cổ thụ bị chém tơi tả khắp thân mình, vừa cúi xuống cố che chở cho một cây đào non run rẩy vừa gào thét bằng ngôn ngữ vô thanh của loài đào: - Có ai không?. Đừng để những mầm non tơ kia phải chịu bầm dập bởi sự vô tâm đến vô tình và ích kỉ của chúng ta?!