bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

Xin chân thành cảm ơn ban biên tập CLB Văn chương đã đăng bải chia sẻ thông tin về hành trinh tìm dấu tích phàn mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương như mò kim đáy biển

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TAC NHIỆT TÌNH CỦA NHÀ THƠ LÊ ANH PHONG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!CHÚC BÁC VUI KHỎE!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

rất cảm ơn PGS-TS Vũ Nho về những ý kiến khách quan

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!CHÚC BÁC VUI KHỎE!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 6
Trong tuần: 930
Lượt truy cập: 748196

GIỚI THIỆU TẬP BÌNH THƠ \"QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM\"

ĐÔI ĐIỀU VỀ  “QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM”

THƠ TUYỂN & BÌNH của NGUYỄN THỊ THIỆN

                                    Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, quý IV - 2020

 ba_bnh_qu_hng

                           PGS. TS. Vũ Nho

      Trong tiếng Việt, "QUÊ HƯƠNG" gợi thương gợi nhớ mỗi người, cũng thiêng liêng và thương mến như tiếng "MẸ", tiếng "CHA". Quê hương là một khái niệm vừa hẹp lại vừa rộng. Căn cứ vào những yếu tố ghép trước nó: thôn quê, làng quê, vùng quê, miền quê. Quê lại cũng có thể  ghép với các yếu tố sau nó để xác định tính chất quê mà người ta muốn tới: quê nội, quê ngoại, quê nhà, quê mình, quê mẹ, quê cha, quê hương, quê kiểng...Nói với bạn bè thế giới, người Việt tự hào  xưng quê hương Việt Nam chúng tôi!

         Tác giả bình thơ đã đặt tên cho tập thơ tuyển và bình của mình cái tên khái quát Quê hương Việt Nam. Việt Nam là quê hương của  hơn chín mươi triệu người sinh sống trên dải đất hình chữ S, và cũng là quê  hương  gần sáu triệu Việt Kiều ở  130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các bài thơ viết về Đất nước Việt Nam và quê hương được người bình tuyển chia làm hai phần. Phần thứ nhất Quê hương Việt Nam, gồm 8 bài thơ viết về Đất nước của: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Bùi Vợi, Bàng Sĩ Nguyên, Tạ Hữu Yên, Nguyễn Khoa Điềm, Đỗ Trung Quân, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Việt Chiến. Phần thứ hai Các miền quê và Hà Nội mến thương gồm 28 bài về các miền quê trong đó có  hơn chục bài về Hà Nội, kể cả  một số bài thơ về Hà Tây, về xứ Đoài cũng thuộc về Thủ đô mở rộng. Đáng chú ý là có hai bài thơ của Thu Trang và Nguyễn Huy Hoàng là người Việt xa xứ sống ở Pháp và Nga. Dù sao thì sự phân chia này cũng chỉ là tương đối. Vì phần Quê hương Việt Nam, có mấy bài chỉ là miền quê. Lại nữa thiếu vắng những bài thơ thành kinh điển về đất nước như  Ta đi tới của Tố Hữu, Đất nước của Nguyễn Đình Thi…

        Dù sao cũng phải ghi nhận sự cố gắng của tác giả trong việc chọn lựa, sắp xếp một cuốn sách có những bài thơ hay về đất nước, quê hương và những vẻ đẹp khác nhau của Thủ đô yêu dấu.

          Phải có một tình yêu thơ bền bỉ, thủy chung; phải có một sự cần mẫn công phu tuyển chọn giữa một rừng thơ về  đề tài mà hầu như nhà thơ nào cũng đều dụng bút để  rồi cuối cùng  chỉ chọn  ra 36 bài.  Nhìn chung ba mươi sáu bài đều có những vẻ đẹp riêng, nét hay riêng, dẫu mức độ không phải ngang nhau. Tuy vậy, không có bài quá non lép, chứng tỏ con mắt xanh của người lựa chọn. Người bình đã thuyết phục bạn đọc bằng những lời bình giảng, lý giải minh chứng cái hay, cái đẹp nội dung và nghệ thuật của những bài thơ được chọn. Khi in tập bình thơ này,  nhà giáo Nguyễn Thị Thiện đã viết và in 4 tập bình thơ trước đó  là Trang thơ – trang đời,  Tình quê – tình người (2 tập), Thơ dâng Mẹ. Nghĩa là tác giả đã chọn và viết lời bình cho hàng trăm bài thơ. Bởi vậy, kĩ thuật viết của tác giả đã định hình và khá thuần thục.  Một minh chứng cho nhận xét trên là hầu hết các bài viết trong tập này đã được công bố trên hai ấn phẩm chuyên san của Phụ Nữ Thủ Đô và Phụ Nữ Việt Nam. Có 19 trên tổng số 36 bài đã được công bố.

      Một số bài thơ nổi tiếng như Quê Hương Việt Nam (Nguyễn Đình Thi), Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm),  Tiếng Việt (Lưu Quang Vũ), Bài học đầu cho con (Đỗ Trung Quân), Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến), Đường về quê mẹ (Đoàn Văn Cừ), Hà Nội vắng em (Tế Hanh), Hà Nội (Trần Đăng Khoa),… qua cách bình thơ chân thành, đằm thắm, giàu cảm xúc của tác giả, người đọc cảm nhận được những nét mới mà các nhà bình thơ trước chưa nói tới. Đó là một đóng góp đáng quý. Một ví dụ bình về hình ảnh người mẹ trong bài “Đường về quê mẹ” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ:

          Thúng cắp bên hông, nón đội đầu

          Khuyên vàng yếm thắm áo the nâu

          Trông u chẳng khác thời con gái

          Mắt sáng môi hồng má đỏ au.

Tác giả viết  “So sánh với thơ của hầu hết các tác giả khác, chân dung mẹ thường hiện lên với dáng vẻ lam lũ, vất vả, nghèo khó; còn ở đây mẹ của thi sĩ toát lên vẻ đẹp thanh nhã, dịu dàng. Điều này quả thực là thú vị” (tr. 78 -79).

          Thêm một ví dụ khác. Những câu thơ của Bàng Sĩ Nguyên:

          Vẳng nghe mặt thành vua thổi ốc

          Thúc voi cày về chầm chậm bước hoàng hôn

          Thấy công chúa làm nương xong, ngồi chải tóc

          Cười với gương xanh, má điểm hồng

Người bình viết : “Nhà thơ vô cùng xúc động khi tái hiện hình tượng bậc minh quân tiên phong trong lao động, không chỉ “thổi ốc” ra hiệu lệnh cho dân chúng, mà bản thân Người cũng “thúc voi cày về” trực tiếp làm nương rẫy, tạo ra của cải nuôi sống con người. Công chúa, trang cành vàng lá ngọc của vua cũng tự mình “làm nương xong” mới “ngồi chải tóc” và “Cười với gương xanh má điểm hồng” ( trang 29).

          Một số tác giả tên tuổi còn rất mới, nhưng nhà bình thơ cũng đã mạnh dạn lựa chọn và giới thiệu những bài thơ hay của họ khi viết về quê hương. Đó là một điều rất đáng ghi nhận ở tinh thần dân chủ khi chọn bài. Các nhà thơ thành danh, nổi tiếng  và các  cây bút chưa thành danh, chưa nổi tiếng đều được bình đẳng trước tiêu chí lựa chọn  thơ hay của người bình. Bởi vậy mà những bài thơ của Nguyễn Đình Huân, Nguyễn Thị Thu Hà, Minh Loan, Lê Hoàng, Nguyễn Xuân Điềm, Hoàng Thanh Tâm, Phan Thu Hà, Mạc Phương được chọn và giới thiệu. Các tác giả  đó đã đóng góp thêm hương sắc mới  cho chủ đề thơ đất nước, quê hương, làm phong phú thêm cách tiếp cận và cảm nhận đề tài vốn quen thuộc nhưng không bao giờ cũ.

Tác giả cuốn sách đã không dè sẻn lời khen khi viết về bài “Đêm hoa sữa” của Phan Thu Hà:   

Bảng lảng một trời sương khói

          Ngỡ ngàng phố bỗng Liêu trai

          Để lòng người xa thảng thốt

          Như là đang nhớ mong ai

Người chọn thơ đã bình: “Vẻ đẹp huyền ảo của phố đêm gợi nhớ những câu chuyện cổ thần kì nhưng vẫn gắn với cuộc đời thực. Tình yêu luôn có bạn đồng hành là nỗi nhớ. Và đến câu thơ này bài thơ từ hướng ngoại đã chuyển sang hướng nội, đi vào suy tư với cảm xúc sâu lắng, nhất là ở thời điểm hương hoa sữa đang “âm thầm “ lan tỏa” (trang 222).

          Một điều thú vị là đối với mỗi bài thơ được bình, nhà văn đã nắm bắt được câu thơ hay trong bài, có ý nghĩa khái quát nhất để tách ra làm tiêu đề cho bài viết.  Việc lựa chọn này đòi hỏi phải có con mắt tinh đời, phải có sự nhạy bén và nắm được cái thần của câu thơ. Thành ra tên của mỗi bài bình là một câu thơ và cả bài bình được cảm nhận như là một áng văn xuôi triển khai cái tứ mà  nhan đề  của bài đã nêu. Nhà giáo Nguyễn Thị Thiện đã rất thành công trong việc  “rút tít” cho bài bình. Chỉ dẫn một số ví dụ thật tiêu biểu: Qua Thậm Thình – Bâng khuâng nhớ nước non mình ngàn năm.  Đất nước – Đất nước tôi sáng ngời muôn thuở. Tiếng Việt – Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ. Tổ quốc nhìn từ biển – Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất. Nhớ Huế quê tôi -  Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng. Quê hương – Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ.  Mạch nguồn đất mẹ - Tôi uống vào lòng cả mảng hồn quê. Cây lúa – Mảnh mai cây lúa nuôi người ấm no,…

        Trong một bài viết về bình thơ, chúng tôi đã khẳng định văn trong bài bình phải là văn có chất thơ, giàu nhịp điệu, hỉnh ảnh. Bởi vì đó là nội dung thơ đang được cảm nhận và trình bày bằng văn xuôi. Có một số bài lời bình của tác giả đã đạt đến tiêu chí đó. Và đó là những bài thành công nhất, tạo ấn tượng sâu và đẹp cho người đọc.

          Khi viết những bài bình thơ để in báo, viết nhiều sẽ có sự thành thục. Song mặt khác, viết nhiều, được in nhiều  cũng dễ quen tay, quen bút.  Đọc riêng từng bài thì không sao. Nhưng khi xếp các bài vào tập, đặt chúng bên nhau, nhược điểm đó sẽ bộc lộ rất rõ. Tác giả Nguyễn Thị Thiện cũng vậy. Bình một bài, nếu “tính tuổi” của bài thơ đó để chứng tỏ sức sống của nó là chuyện bình thường. Nhưng nhiều bài đều “tính tuổi”, mà việc tính tuổi đó thường đặt ở cuối bài, không khỏi gây ấn tượng về sự đơn điệu. Với nhà thơ Đoàn Văn Cừ: 80 năm, Lê Anh Xuân: hơn nửa thế kỉ.  Tế Hanh: 80 năm. Giang Nam : 60 năm. Anh Thơ : tròn 80 năm. Quang Dũng : Gần một thế kỉ.  Tố Hữu:  hai phần ba thế kỉ. Thu Trang: Hơn nửa thế kỉ.

          Viết về  nghệ thuật của các bài thơ cũng vậy. Người bình viết theo thói quen của nhà giáo, thành ra những nhận xét về nghệ thuật thường thể hiện bằng việc đếm các từ láy, các từ điệp. Ví dụ điển hình : “Bài thơ rất thành công trong việc dùng phép điệp từ, điệp ngữ: “mẹ” (6 lần), “con” (6 lần) đăng đối,”quê hương” (13 lần), “Quê hương là” (10 lần), và điệp cú pháp “Quê hương là gì hở mẹ” (2 lần), ý thơ vì vậy được nhấn mạnh hơn và tình yêu quê hương càng thêm sâu sắc”(trang 55). Việc đó tạo cảm giác dễ khuôn sáo. Thật tiếc là điều này lại thể hiện trong không ít  bài viết.  

          Kể ra những nhược điểm của tác giả trong tập này như thế,  chúng tôi  có chút băn khoăn liệu mình có phải là người khó tính, khắt khe?  Liệu có nên nêu ra như thế hay không? Nhưng rồi nghĩ lại,  chúng tôi thấy đây là điều cần thiết.  Chúng tôi không nói ra thì hàng ngàn bạn đọc đọc cuốn sách này cũng sẽ nhận thấy và cũng biết. Hơn thế nữa,  chúng tôi còn được tác giả thông báo rằng chị đang chuẩn bị một tập bản thảo bình thơ thứ 6 về người cha. Vậy việc nêu những tồn tại  này để  tác giả Nguyễn Thị Thiện rút kinh nghiệm  cho tập bình thơ sau sâu sắc, cuốn hút, thanh thoát  và thành công hơn tập trước là mục đích của bài viết.

          Dù còn những điều chưa được như ý, nhưng công bằng mà nói, tập Thơ tuyển và Bình  “ Quê hương Việt Nam” của nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Thiện vẫn là một tập sách quý, công phu cả việc tuyển chọn và thẩm bình. Sách in đẹp, bìa trang nhã, mỗi bài thơ lại kèm  ảnh chân dung tác giả  đẹp và nét. Mỗi bài thơ được ghi rõ nguồn tuyển. Tập sách góp phần giúp cho anh chị em giáo viên các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có thêm tài liệu tham khảo để dạy cho học sinh các bài thơ về chủ đề quê hương, đất nước có trong chương trình. Điều quan trọng nhất là  tập sách  như là một tư liệu,  như một dưỡng chất   giúp cho bạn đọc mọi lứa tuổi  bồi đắp thêm tình yêu quê hương, tình yêu đất nước mình. Một tình yêu thiêng liêng cao cả là hành trang không thể thiếu trong tâm hồn  của mỗi công dân nước Việt mến yêu.

 

                                                         Hà Nội,  năm 2021

vnp_hoi_hoa_xuan_ecopark_2019_1

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)