NỖI NIỀM TA GỬI TRONG THƠ
( Giới thiệu tập thơ GIẤC THU EM của Hoàng Văn Năm)
PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho
Hoàng Văn Năm tham gia Câu lạc bộ Văn Chương của Hội Nhà Văn Việt Nam với vai nghệ sĩ nhiếp ảnh và vai sáng tác. Thơ và ảnh của anh từng được lên trang Website Tác phẩm & Bạn đọc. Nhiều người đọc quan tâm đến thơ anh đã náo nức truy cập. Tôi biết số liệu này vì hàng ngày, Tổng biên tập đều được thông báo mỗi bài có bao lượt người xem. Nhưng tác giả vốn thận trọng nên rất ít đăng bài. Bây giờ, những bài thơ viết từ lâu, được gom lại trong tập “ Giấc thu em”.
Thường thì những tác giả khi trình làng tập thơ đầu tiên hay chọn những bài thơ tình. Lí do chắc có nhiều. Nhưng có lẽ lí do căn bản là chỉ khi yêu ( yêu quê, yêu cánh đồng, dòng sông, yêu tuổi thơ và nhất là yêu người khác giới), khi tình cảm rung động mãnh liệt nhất thì người viết mới tìm đến thơ để thể hiện, để giãi bày và mong muốn được sẻ chia. Và những bài thơ được viết trong trạng thái cảm xúc đó dễ thành công hơn cả.
Năm 2015, tác giả đã chọn in 100 bài thơ ở Nhà xuất bản Hội nhà văn với tên gọi “Tình em”.
Lần này, với tập thơ “ Giấc thu em” cũng không là ngoại lệ.
Tất cả những nỗi niềm vui buồn, nhớ nhung, mơ ước, hò hẹn, bâng khuâng, với dòng sông Đáy, với “ Hồng Quang quê tôi”, với “người bên ấy”, với “người áo trắng ngọc ngà”, với “Cái thời chập chững lòng vừa biết yêu”, hoặc với đêm xòe huyền diệu vùng Tây Bắc “Lung linh đôi mắt nai cười/ Đôi chân lạc bước đất trời ngả nghiêng” đều được gửi trong thơ của tập thơ này.
Có thể thấy tác giả là người đa cảm và dĩ nhiên, đa cảm cũng dễ đồng nghĩa với đa tình.
Cái tình quê hương sâu đậm khiến cho nhà thơ vương vấn mãi với “Tằm tơ sông Đáy”, với Sài Sơn trong “ Lắng sâu kỉ niệm”, với “ Quê nội”, với “Sông Đáy – Quê tôi” ( Tên các bài thơ)
Hình ảnh người mẹ chỉ được gợi qua một đôi câu thơ nhưng khá ấn tượng:
Tháng ba nắng vỡ trời chiều
Bóng còng lưng mẹ đổ xiêu cánh cò
( Mẹ tôi)
Tác giả còn ghi những cảm xúc với “Trường xưa”, với các chiến sĩ Công an, với người nữ cảnh sát “áo vàng đẹp mãi”, với “ Cô giáo Hà Nội ở Bình Lư”. Nhưng tập trung nhất là thơ tình, hay thơ “thất tình”, thơ “hẹn tình” với “phía bên kia”.
Khi thì :
Nghĩ về bên ấy nỗi lòng chơi vơi
( Chơi vơi)
Khi khác:
Tràn đầy nỗi nhớ triền miên ngập lòng
( Nỗi nhớ)
Khi khác nữa thì liều lĩnh trong tưởng tượng:
Anh băng mình giữa màn đêm
Buộc nỗi nhớ vào bên em nơi đó
( Buộc nhớ)
Có những câu thơ bình tĩnh thở than, nhưng giọng có vẻ bâng quơ thú nhận không chỉ mình và cả phía bên kia:
Mượn vầng trăng khuyết sáng trong
Để soi cho tỏ nỗi lòng đơn côi
Tơ vương đâu chỉ mình tôi
Biết người bên ấy cũng ngồi tương tư
(Tơ vương)
Không dưới mấy lần, người viết nói đến sự trống trải, đơn côi của mình:
Gồng mình gánh nỗi cô đơn
Bước chân vạn dặm đường trơn tháng ngày
(Bình yên cuộc đời)
Cô đơn giấu cả vào đêm
Nhành lan lẻ bóng ướt mềm bên hiên
( Xuân Covid)
Và đây nữa:
Trong phòng kê cái giường đôi
Bao lâu tôi vẫn mình tôi …canh trường
Đêm đông gió rủ lòng thương
Luồn qua khe cửa chung giường cùng tôi
( Chung giường)
Vì thế, sẽ không ngạc nhiên, khi người thơ “Khát”, “Mơ xưa”, rồi “chuốc cạn cơn mơ ngọt ngào” trong “Giấc thu em”, rồi “nhắn mây gửi gió” cho người bên kia!
Nhìn chung, thơ lục bát của Hoàng Văn Năm vần luật chỉn chu, những bài thơ ngắn thường thành công và gấy ấn tượng. Sáu năm sau tập thơ đầu mới in tập thứ hai. Đó là sự thận trọng và tiết chế cần thiết.
Muốn đi xa hơn nữa trên con đường thơ ca, người viết cần nuôi dưỡng cảm xúc, đồng thời mở rộng đề tài, chắt chiu từ ngữ, không ngừng “thôi xao” và điều quan trọng nhất là giữ cho mình trái tim rộng mở “Niềm thương nỗi nhớ…Ắp đầy tâm tư” ( Niềm thương). Hoàng Văn Năm là người nhạy cảm, anh thừa biết điều này! Nhưng với sự cảm mến một người viết say đắm với thơ ca, hẳn nhắc thêm anh cũng không thừa!
Hà Nội, 4 tháng 6 năm 2021
Người gửi / điện thoại