HẠNH PHÚC
Phạm Hồng Oanh
Giữa dòng người giăng giăng
Tôi hỏi thăm đường về hạnh phúc
Người ta chỉ tôi rằng
Có thể đi thẳng, đi xiên, đi tắt, đi vòng
Đến ngã bảy ngã ba
Rẽ lối nào cũng được.
Có nghìn vết xe lăn
Nhưng đừng dẫm lên vết xe của người đi trước
Những vết xe kia cũng mới chỉ dò đường.
Người ta dặn thêm rằng
Đừng hỏi thăm nhiều
Đừng ham bóng mát
Hãy cứ đi đến tận cùng khao khát
Sẽ thấy đâu là lối của mình!
Tất nhiên, có kẻ xin đường
Có kẻ thích chọc gậy vào bánh xe người khác
Có kẻ còi to đòi vượt trước
Có kẻ không học luật bao giờ
Tôi miết bàn chân cho chân cứng đá mềm
Rồi tự đan một chiếc sàng khôn mới
Giữa chín phương Trời giữa mười phương Đất
Tôi lựa cho mình Tâm đạo. Rồi đi!
1998
Lời bình của ĐẶNG VĂN TOÀN
Hạnh phúc là một giá trị cao quý trong thang bậc giá trị con người, đời người, điều mà ai ai cũng ước ao, mong muốn. Nó là hệ quả của mối tương quan giữa cái tôi với cái ta xung quanh, giữa cá nhân với cuộc sống nhân quần rộng lớn.
Nó không phải trái ngọt hoa thơm sẵn có mà ai đó chỉ việc đưa tay ra hái như chốn thiên đường nhà Chúa hay cõi niết bàn nhà Phật. Trái lại, hạnh phúc là phải phấn đấu liên tục, bền bỉ từng phút giây sống động, cụ thể, thiết thực, ý nghĩa. Vừa thể hiện, vừa chiếm lĩnh, vừa cho người, vừa cho ta, chung riêng trọn vẹn, hài hòa...
Cho nên, đường về hạnh phúc:
Có thể đi thẳng, đi xiên, đi tắt, đi vòng
Đến ngã bảy ngã ba
Rẽ lối nào cũng được
Rất mở, rất thoáng, không công thức, câu nệ.
Nhưng mở đấy rồi cũng có lúc, có việc phải cụ thể, cũng có chỗ phải thận trọng, né tránh:
Đừng dẫm lên vết xe của người đi trước
Những vết xe kia cũng mới chỉ dò đường.
Vâng, đừng dễ dãi đi theo, đừng bắt chước người ta. Thậm chí, Đừng hỏi thăm nhiều/ Đừng ham bóng mát, tức đừng bị động, phụ thuộc người khác, đừng quá rong chơi mà xao nhãng hành trình...
Sau bấy nhiêu những cụ thể, thiết thực, lời khuyên được chốt lại, thản nhiên, nhẹ nhàng như một châm ngôn, một triết lý sâu sắc, chí lý, chí tình:
Hãy cứ đi đến tận cùng khao khát
Sẽ thấy đâu là lối của mình!
Thế nào là tận cùng khao khát? Có mông lung không? Có đánh đố nhau không? Không, bạn hãy tự biết, tự hiểu. Vấn đề là ở chỗ tự biết, tự hiểu ấy. Nói mà như không nói, không nói lại là nói...
Thơ cứ thế, đinh ninh sau những lời khuyên nhủ, dặn dò. Rồi tự tin và bản lĩnh. Cái bản lĩnh cả về thể lực, cả về trí lự rất mềm mại ngoan cường trước đường xa dặm thẳm, trước giông bão cuộc đời:
Tôi miết bàn chân cho chân cứng đá mềm
Rồi tự đan một chiếc sàng khôn mới
Giữa chín phương Trời giữa mười phương Đất
Tôi lựa cho mình Tâm đạo. Rồi đi!
Chữ Tâm đạo, chữ quan trọng nhất bây giờ tác giả mới cho xuất hiện, trang trọng, dứt khoát.
Ngay lập tức, nó kết tụ sức nặng cả bài thơ đồng thời mở ra một tâm thế vững chắc, sáng rõ. Đường về hạnh phúc là con đường của lòng mình, chính mình, có khi ngay dưới mỗi bước chân mình chứ không phải chờ đợi đâu xa. Cho nên, phải tự mình tìm ra, tự mình khai phá, tự mình đi tới, tự mình cảm nhận và tận hưởng. Và người đọc chúng ta hoàn toàn bị thuyết phục bởi cảm xúc tin yêu, hy vọng ngập tràn./.
Đặng Văn Toàn
Kỳ Trọng, Đông Hà, Đông Hưng, Thái Bình
ĐT: 0383823033
Người gửi / điện thoại