| Th.sĩ Nguyễn Thị Thiện HỒI CHUÔNG CẢNH BÁO VỀ BẢO VỆ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH (Nhân đọc "VŨ ĐIỆU TÌNH YÊU" của Thu Lâm - NXB Hội Nhà văn – 2021) NHÀ VĂN THU LÂM Gia đình là tế bào sống của xã hội, nơi cuộc sống bắt đầu nhưng tình yêu không bao giờ kết thúc. Đề tài gia đình vì thế luôn là nguồn cảm hứng phong phú của các nhà văn. Với cây bút Nguyễn Thị Phi Yến, bút danh Thu Lâm cũng vậy. Sau mấy tập truyện Say nắng, Nước mắt đàn ông và tiểu thuyết Dạ khúc, mới đây chị lại gửi tới bạn đọc yêu quý tập truyện "Vũ điệu tình yêu". Cuốn sách với 152 trang (khổ 14,5 x 20,5) gồm hai truyện vừa, tác giả bài viết xin chia sẻ đôi điều cảm nhận về truyện thứ nhất có nhan đề "Vũ điệu tình yêu". Tác phẩm là hồi chuông cảnh báo đối với bạn đọc để bảo vệ hạnh phúc gia đình. 1. Đề tài của truyện viết về một trong những vấn đề bức xúc trong xã hội. Thực tiễn quanh ta không hiếm những cuộc hôn nhân đổ vỡ mà vợ chồng đã vào tuổi xế chiều. Với sự từng trải và trái tim nặng trĩu suy tư, Thu Lâm không thể không viết ra những điều chị hằng trăn trở, day dứt. Làm thế nào để hạn chế bớt, có cách gì để giảm thiểu những cuộc hôn nhân đổ vỡ? Tác phẩm của Thu Lâm ra đời nhằm giải đáp những câu hỏi đó. Nhan đề "Vũ điệu tình yêu" nói tới đam mê khiêu vũ của nhiều người, trong đó có một bộ phận người cao tuổi. Khiêu vũ không chỉ là môn thể thao có lợi cho sức khỏe mà còn là loại hình nghệ thuật giúp tình yêu đôi lứa thêm thăng hoa.Truyện của Thu Lâm xoay quanh đề tài tình yêu và hôn nhân với những vấn đề nhạy cảm, thiết thân với cuộc sống mỗi người. Truyện có ba phần, dung lượng gần một trăm trang viết không nằm ngoài mạch cảm xúc ấy nhằm chuyển tải những điều tác giả suy tư và tâm đắc. Thông điệp cốt lõi Thu Lâm gửi đến bạn đọc là: tạo dựng được gia đình hạnh phúc đã khó nhưng duy trì, phát triển và bảo vệ được hạnh phúc gia đình bền vững còn khó hơn rất nhiều. Thiết nghĩ hạnh phúc gia đình như cái cây non, mỗi thành viên gia đình đều phải có tình yêu và trách nhiệm vun bón, tưới tắm để cây ấy sống được, lớn lên và xanh tốt. Khi đó, người ta được hưởng bóng mát, ăn trái ngọt của nó. Ngược lại, nếu ai đó không biết trân trọng, chăm sóc cái cây đó, nhất định họ sẽ bị trả giá. Những vấn đề ấy được cây bút nữ Thu Lâm quan tâm và chia sẻ tới bạn đọc từ những tình huống, sự kiện và chi tiết khá hấp dẫn qua giọng kể chuyện dung dị, chân mộc, dễ đi vào lòng người. 2. Cốt truyện là một yếu tố quan trọng quyết định tính hấp dẫn của truyện. Tác phẩm tự sự là loại hình nghệ thuật phản ánh đời sống bằng hình tượng văn học mang tính khách quan thông qua cốt truyện, nhân vật và lời kể của nhà văn với những diễn biến tình tiết được chọn lọc qua lăng kính nhìn đời, nhìn người của nhà văn. Cốt truyện “Vũ điệu tình yêu” khá hấp dẫn người đọc. Tác giả mở đầu truyện bằng cuộc gặp gỡ giữa đôi bạn thân đồng môn Đại học Sư phạm và là đồng nghiệp - dạy Văn bậc Trung học phổ thông. Hai người cùng nghỉ hưu được mấy năm là bà giáo Hà và bà Lan Hương. Trong khi bà Hà rất trẻ trung, gọn gàng, sành điệu trong bộ váy hoa màu sáng mềm mại, mái tóc uốn cao ôm lấy khuôn mặt ưa nhìn, đôi mắt sáng toát lên vẻ tự tin (1) thì bà Lan Hương thường xuyên nhếch nhác trong bộ đồ mặc ở nhà đã cũ (2) bởi bà luôn chăm chỉ việc nội trợ gia đình. Như vậy, người viết đã đi thẳng vào trung tâm của truyện để rồi ở những phần sau tái hiện, lý giải do đâu và vì sao có sự khác biệt giữa hai người bạn thân ấy. Đáng nói hơn nữa là tác giả xây dựng các tình huống truyện đối ngẫu: bà Hà tuy chồng mất sớm vẫn tạo dựng cho hai con trai có cuộc sống ổn thỏa, thu xếp chủ động mọi việc để bản thân có cuộc sống đơn thân nhưng thoải mái . Trong khi đó, bà Hương có đủ đầy vợ chồng, con trai, con gái nhưng gia đình lại có nguy cơ đổ vỡ nếu như không có sự giúp đỡ của người bạn thân và kết thúc truyện là sự tỉnh ngộ của bà Lan Hương. 3. Nhân vật là yếu tố sống còn trong tác phẩm tự sự. Xây dựng nhân vật thành công hay mờ nhạt thể hiện bản lĩnh, tài năng của mỗi nhà văn. Viết tác phẩm này, Thu Lâm xây dựng nhân vật trung tâm là Lan Hương và để làm nổi rõ ý đồ nghệ thuật của mình, tác giả xây dựng nhân vật bà Hà như là một sự đối trọng để so sánh, đối chiếu. "Vũ điệu tình yêu" tập trung tái hiện cuộc sống của một gia đình trí thức ở thành phố Hà Nội thời hiện đại. Bà Lan Hương, bà Hà và ông Thành là nhóm bạn thân cùng học. Sau khi ra trường, cả ba đều dạy học ở các trường THPT tại Hà Nội. Vì học cùng lớp nên họ rất hiểu và yêu quý nhau. Từ tình bạn, Thành và Hương dần tiến đến tình yêu rồi kết hôn khi vừa Tốt nghiệp Đại học. Hai người giỏi trai, xinh gái, là một cặp thanh mai trúc mã. Vẻ đẹp của vóc người nhỏ nhắn với làn da mịn màng trắng hồng – đặc trưng của thiếu nữ Hà Nội, cùng nụ cười với lúm đồng tiền (3) duyên dáng, làn môi thắm đỏ của cô sinh viên Lan Hương đã khiến bao chàng trai si mê nhưng cô chỉ dành trọn tình cảm cho Thành. Chàng sinh viên cùng lớp tuấn tú cao ráo, có cặp kính trắng lấp loáng làm sáng lên khuôn mặt điển trai và nụ cười hút hồn phái đẹp (4). Tình yêu và hôn nhân của họ không chỉ khiến bạn đồng nghiệp mà còn rất nhiều người khác ngưỡng mộ. Tổ ấm Thành Hương càng thêm hạnh phúc khi có con đủ cả nếp tẻ, khoẻ mạnh và xinh xắn. Con trai lớn tên Long, gái út tên Tuyết đều khỏe mạnh khiến nhiều người phát thèm và mong ước. Con thuyền gia đình êm trôi trên dòng sông lớp lớp niềm vui của họ khi các con dần khôn lớn, xây dựng gia đình riêng. Cứ ngỡ rằng vận may và hạnh phúc viên mãn mỉm cười với gia đình Thành – Hương. Nhưng không phải thế, có những lúc gia đình ấy đã phải chao đảo như con thuyền trước sóng to gió cả. Vậy nguyên nhân do đâu? Từ trước tới nay, hoàn toàn khác với bà Hà, người bạn gái tự tin, cương nghị, luôn có ý thức nuôi dạy các con sống có trách nhiệm và tự lập, bà Hương lại chỉ quen sống vì chồng vì con. Bi kịch của gia đình bà Hương và không ít gia đình ngoài thực tế xã hội chính là ở đây. Chăm lo hết lòng vì chồng con là đáng quý - đây cũng là đức tính nổi bật của phụ nữ Việt Nam - nhưng hy sinh phải đúng mức. Bà Hương lại quá đà trong chuyện này. Ngoài việc công tác giảng dạy ở trường, bà Hương vốn hay lam hay làm, chỉ chăm chăm lo lắng cho chồng con với những bữa ăn ngon miệng, nhà cửa mọi lúc sạch sẽ. Bà dường như quên mất bản thân mình. Hồi còn trẻ, chồng bà muốn làm việc nhà đỡ vợ hoặc muốn con chia sẻ giúp việc nhà, đã có lúc phải gắt lên:- Em để đấy anh đỡ cho hoặc phân công cho con Tuyết, thằng Long nó rửa bát.Khi ấy, bà Hương lại gạt đi: - Ôi dào! Em làm rốn cho xong, bố con anh làm thêm ngứa mắt, quên chỗ nọ bỏ chỗ kia, lại phải làm lại. Lâu rồi thành thói quen, chồng con bà cũng chẳng đỡ đần nữa(5). Công bằng mà nói, ông Thành là người chồng thương vợ, muốn vợ được thư giãn nghỉ ngơi, bằng chị bằng em. Nhưng tính bà Hương như thế, cứ sợ mọi người làm hỏng việc: nấu ăn không ngon, đi chợ không khéo, lại còn lãng phí tiền bạc nữa. Thế là tất tần tật mọi việc bà ôm vào mình mới yên tâm. Sau này các con đã trưởng thành, con gái Tuyết lấy chồng cách nhà mẹ không xa. Con trai Long lấy vợ, không lâu sau ông bà có cháu đích tôn. Thằng cu Bin ra đời là niềm vui quá lớn đối với gia đình. Đúng lúc này bà Hương được nghỉ hưu. Nhưng bà chẳng an nhàn thêm mà lại còn vất vả hơn trước. Bản tính hay làm nhưng ôm đồm, bà Hương càng cố gắng để tròn trách nhiệm với con với cháu. Không chỉ lo cho nhà mình, bà lại còn đi chợ, chế biến sẵn đồ ăn cho nhà con dâu, con gái nữa. Đến độ cô con gái đã phả la toáng lên: Trời ơi! Thân làm tội đời, mẹ ơi là mẹ. Con không lấy đâu.- Mẹ lạ thật đấy! Anh chị đã ra ở riêng rồi, phải để cho chị dâu tập nội trợ đi chứ, việc gì mẹ phải hứng. (6) Vậy nên bà xao nhãng việc chăm sóc đời sống tinh thần của ông là dễ hiểu. Ông Thành mê và có năng khiếu khiêu vũ, rủ vợ đi nhảy cùng thì bà Hương từ chối. Việc ông tìm đến với người bạn nhảy là Thanh Tú ở Câu lạc bộ khiêu vũ và sàn nhảy là điều như đã được báo trước. Nguyên nhân chính bởi bà Hương không hiểu chồng. Người đàn ông đâu chỉ cần có ăn ngon, mặc đẹp, còn khao khát những lời nói ngọt ngào, cử chỉ âu yếm, ánh mắt yêu thương. Rất may cho bà Hương có người bạn tốt là bà Hà đã hết lòng giúp đỡ, tìm mọi cách giúp bạn mình bảo vệ được cuộc hôn nhân không bị đổ vỡ. Tuy nhiên cuộc sống của ông Thành sau vụ tai nạn giao thông khi đèo Thanh Tú đến sàn nhảy đâu còn như trước. Kết thúc ở cuối chuyện cho thấy cách nhìn đời, nhìn người của Thu Lâm đầy ưu ái và nhân hậu. Tác phẩm đã khép lại nhưng vang lên trong lòng mỗi người đọc là hồi chuông mà người viết đã cảnh báo: phụ nữ hãy yêu thương, chăm lo cho gia đình nhưng còn phải hiểu chồng, biết yêu thương, chăm lo làm mới bản thân mình nữa. Đó chính là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình bền vững trong cuộc sống nhiều biến động hiện nay./. N.T.T Chú thích: (1) Vũ điệu tình yêu - trang 11 (2) Vũ điệu tình yêu – trang 12 (3) Vũ điệu tình yêu – trang 19 (4) Vũ điệu tình yêu – trang 19 (5) Vũ điệu tình yêu – trang 23 (6) Vũ điệu tình yêu – trang 29 |
Người gửi / điện thoại