bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

Xin chân thành cảm ơn ban biên tập CLB Văn chương đã đăng bải chia sẻ thông tin về hành trinh tìm dấu tích phàn mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương như mò kim đáy biển

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TAC NHIỆT TÌNH CỦA NHÀ THƠ LÊ ANH PHONG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!CHÚC BÁC VUI KHỎE!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

rất cảm ơn PGS-TS Vũ Nho về những ý kiến khách quan

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!CHÚC BÁC VUI KHỎE!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 284
Trong tuần: 927
Lượt truy cập: 748135

HỐI HẢ MỘT PHẬN NGƯỜI

 

Hối hả một phận người

Tập thơ Chuông lá của Cao Xuân Sơn

Nxb Thanh niên

                               VŨ NHO

vu_nho_iu

              

            Trong xu hướng thơ những năm gần đây, người ta quan tâm nhiều đến việc hướng nội, đến việc thể hiện cái tôi, thể hiện cõi tâm linh của người viết. Tuy nhiên việc quan tâm nhiều khi thái quá dẫn đến tình hình cái ta, cái chung của cộng đồng trong thơ có phần mờ nhạt. Và muốn nói gì chăng nữa đó cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến hứng thú và tình yêu thơ của bạn đọc.

          Thơ của Cao Xuân Sơn một mặt đi sâu khám phá những miền tình cảm đa dạng và phức tạp của một phận người, nhưng anh cũng rất chú trọng tới những  biến đổi của xã hội, tới thời sự, thời thế. Bởi thế mà có sự cân bằng hài hoà giữa cái tôi với cái ta, giữa thi nhân và công dân, giữa cái riêng với cái chung thời đại.

          Ấn tượng thơ Cao Xuân Sơn là ấn tượng về một tâm hồn thi nhân nối mạng trực tiếp với cuộc sống. Các sự kiện trên xa lộ thông tin của mạch đời cuồn cuộn đổ về anh.

                   Chảy vào ta dòng thời sự ồn ào

Như nước xiết, ôi trăm chiều nước xiết

          Không phải chỉ là những sự kiện được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên báo hình, báo nói, báo viết. Nhà thơ có lí khi cho rằng "Cả những tin vỉa hè, tin vịt cũng phần nào mang gương mặt hôm nay" (Thời sự). Cố nhiên không phải cứ đưa nhiều tin, nói nhiều chuyện thời sự là có thể tạo được ấn tượng về tính thời sự và thời đại. Nhà thơ phải chọn lọc, phải xử lý, và phải thấm đẫm cảm xúc của bản thân mình. Ấn tượng bởi vậy còn là cách nghe, cách nhìn, cách cảm và cả cách bộc lộ, thể hiện của thi nhân.

          Rẽ vào một hiệu sách ta bắt gặp hiện trạng của xuất bản:

                             Kìa em tên tuổi bạt ngàn

                             Hình như sách dạy khôn ngoan hơi nhiều

                                                                                                (Ở cửa hàng sách)

          Vào một quán bia "Mái quán ngất nghiêng toa tàu chợ. Lanh canh tiếng cụng li" lại thấy tình trạng nhậu hao hao từ Lạng Sơn đến chót Cà Mau:

                             Không gian sóng sánh óng mật

                             Thời gian tưng bừng trào bọt sủi tăm

                             Ôi những giấc mơ vàng

                             Bán giá phải chăng

                             Ai cũng hững hờ, ai cũng tri âm

                                                                                                          (Bia hơi hí hoạ)

          Ra đường gặp trẻ con thành phố. Đúng là trẻ con những năm cuối cùng của thế kỉ này "Học ngày, học đêm, học hè học thêm. Quanh năm đến trường vẹo hông sách vở" (Trẻ con thành phố). Người lớn thì "Miệt mài ngàn vạn cuộc đua tranh. Hấp hoáng chân trời phồn hoa loá nhoá" (Trẻ con thành phố). Họ như đang say trong cơn siêu - mê - man "Siêu mẫu siêu sao lập loè công nghệ… Những kiều nữ chân dài siêu tốc xuất dương" (Linh cảm). Người đã vậy, ngay cả cảnh vật như cũng nhuốm màu thời đại với cung cách làm ăn "Đèn tiếp thị bóng đêm. Trăng hợp đồng với gió. Phố quảng cáo những món gì đâu đó. Tiếng xe đi toác vỡ những con đường" (Ngày tình yêu anh thấy). Không chỉ là những chuyện của đất nước mình. Những sự kiện Âu Á, Đông, Tây "Chuyện nọ cài chuyện kia nhằng nhịt":

 

                             Súng cứ nổ máu người cứ đổ

                             Trái đất bốn mùa lai rai chiến tranh

                                      (Hỡi các thiên thần hãy tung cú sút)

          Trong điều kiện ấy, hoàn cảnh ấy, con người, mà trước hết là người thơ cảm nhận thế nào, ứng xử ra sao? Thật khó mà phác thảo cho rành rẽ. Nhưng bao trùm là một sự thấp thỏm, phấp phỏng, âu lo "Thoắt buồn thoắt vui, âu lo, hồi hộp" (Thời sự). Thành phố ạ, ta yêu và ái ngại. Thấp thỏm ngày đi thon thót đêm (Linh cảm). Chỉ nghe thắc thỏm sao nhiều chớp suông (Trắng mưa ngoài phố). Và đây nữa cũng là tâm trạng ấy:

                   Hạnh phúc cháy như ngọn đèn hạt đỗ

                   Anh khum tay che gió tự trăm chiều

                   Phấp phỏng quá, em một mình xuống phố.

                                                                                                          (Giá có thể)

          Thi nhân không chỉ lo cho bản thân, cho người thân của mình. Đó còn là một nỗi lo chung. Tình cảm và trách nhiệm công dân thật đáng trân trọng. Trước sự kiện những ngôi sao Bát đa nhà thơ cảnh báo:

          Mọi máng cỏ trần gian đều trong tầm tên lửa

          Mọi hang đá đều trong tầm đổ vỡ

                                                                   (Những ngôi sao Bát đa)

          Anh nhân danh trẻ thơ mà biện minh và kêu gọi:

                   - Người lớn ơi, đâu phải lỗi các em ?

                   - Yêu thương thêm chưa một phút nào thừa.

                                                                                      (Trẻ con thành phố)

          Với chính mình thì khi "hốt hoảng" lúc "sững sờ", khi "chợt ngẩn ngơ" lúc "toát mồ hôi nhớ". Có khi bơ vơ "ốc đảo tâm hồn biết nối mạng vào đâu". Có lúc cô đơn "độc hành vào cõi nín thinh". Lại có khi "trang nghiêm mà tếu táo bông phèng", khi yếu đuối "mấy phen lòng muốn ngã"… Nhưng rồi cái niềm lạc quan, cái sự đa cảm và lòng chân thành (cả ba điều này đều đồng hiện trong bài thơ "Tự hoạ") đã làm cho nhà thơ có thẻ "hối hả một phận người" sống trách nhiệm, sống cân bằng giữa bối cảnh "Bùng nổ thông tin thời tối mặt tối mày" cùng với "Siêu tốc vòng quay chong chóng bạc tiền".

          Nhà thơ không tô vẽ chân dung cho mình. Xưa nay ta vẫn hay nghĩ rằng trong thơ ca không thể nào nói dối, cũng tựa như người nào đó không thể giấu đi khuôn mặt của mình. Nhưng nếu khi có thể tô son và trát phấn, nếu như có thể đeo mặt nạ thì sao lại không có sự giả trá cả ở trong đời và ở trong thơ ?

                             Chẳng dấu bạn, tôi cũng từng dối trá

          Vâng. Đấy là sự "thử lạc mình" của thi nhân để có thể sống trung thực và đứng đắn hơn.

          Qua tất cả những trạng thái tình cảm (từng có lúc, có khi mâu thuẫn, trái ngược) có thể thấy tác giả là người đa cảm, là người sống vì yêu. Giống như Nadim Hitmét trong "Thơ tặng Vêra", anh bị thôi miên:

                                      Em  nói và anh mụ mị

                                      Và anh ngoan ngoãn vâng lời

                                      Vĩnh biệt trần gian cũ kĩ

                                                                                                (Em nói)

          Như một tín đồ của tôn giáo Tình yêu, anh khấn trước Phật đài "Cho đôi lứa niệm A di đà Tình" (Vái trước phật đài). Và trong "nghẹn ngào" anh "muốn ra ôm cả cõi người mà hôn".

          Có phải vì thế chăng mà anh đã từng cô đơn, đã từng thích thú cô đơn, nhưng cuối cùng lại ngộ ra rằng:

                             Ngát chín hoàng hôn lấp lơ chuông lá

                             Cô đơn người ơi… cô đơn vô lí quá

                             Đêm không đen, đêm biêng biếc đang về

                                                                                                (Chuông lá)

          Những bài thơ của Cao Xuân Sơn trong tập thơ này cũng như là những tiếng "chuông lá lấp lơ". Ai đó tri âm sẽ nghe thấy và ngẫm ra nhiều điều tâm đắc.

                                                                                                Hà Nội 20/3/99

 

 

 

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)