LÊ ĐÌNH CÁNH
(Đã đăng Tuần san Hạnh phúc gia đình số 25 ngày 19/6/2020)
Mẹ ra Hà Nội thăm con
Vừa trên tàu xuống chân còn run run
Áo nâu còn đẫm mưa phùn
Còn hoai vị cỏ sục bùn lúa non
Sang đường tay níu áo con
Ngã tư hối hả xe bon ngược chiều.
Khoác vai mẹ, chiếc đãy nghèo
Năm xưa thắt lại bao điều đắng cay
Ðưa con trốn ngục những ngày
Vài lưng gạo hẩm thăm thầy trong lao...
Ðã từng mở giữa trời sao
Nắm cơm tiếp vận tay trao giữa đèo.
Củ khoai bẻ nửa nắng chiều
Bờ mương thoai thoải dài theo công trường
Ðưa con đánh Mỹ lên đường
Nắm cơm mẹ gói tình thương quê nhà.
Bà ra bế cháu của bà
Những mong cùng ước lòng bà hôm mai
Lên thang chẳng dám bước dài
Vào khu tập thể gặp ai cũng chào
Lời ru bà thuộc thuở nào
Qua bom đạn vẫn ngọt ngào nắng trưa
Ðể hồn cháu có núi Nưa
Tiếng cồng Bà Triệu ngày xưa vọng về
Lam Sơn rừng núi ba bề
Lũng Nhai vang mãi lời thề nước non.
Trải bao sông cạn đá mòn
Còn con còn cháu lại còn cha ông
Để hồn cháu có dòng sông
Tiếng hò trên ngã ba sông sum vầy
Sào tre đêm gõ nhịp gầy
Ba khoang đò dọc chở đầy ước mong.
Mới xa đã nhớ ruộng đồng
Thương con mà chẳng đành lòng ở lâu
Run run mẹ bước lên tàu
Vị bùn vẫn thoảng áo nâu quê nhà...
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
ĐÀNH LÒNG Ở LÂU”
Lê Đình Cánh (sinh nhăm 1941), nhà thơ nổi tiếng của xứ Thanh là hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1990. Trong số thi phẩm của ông, tôi thích nhất “Mẹ ra Hà Nội”. Bài thơ là tiếng lòng của đứa con trai luôn yêu thương, kính trọng, thấu hiểu mẹ sâu sắc đồng thời làm sống dậy chân dung người mẹ nông dân với nhiều phẩm chất giản dị mà cao đẹp.
Là người yêu thơ lục bát, thấy được vị trí của thể thơ này trong nền văn học dân tộc, tác giả cho rằng đó “là xương sống của thơ ca Việt Nam”. Vì thế, thơ ông “có cả một dòng sông lục bát không ngừng chảy”, những bài thơ hay nhất của ông đều sáng tác theo thể thơ truyền thống này. Bài thơ mở đầu bằng những câu tự sự dung dị mà rất gợi cảm:“Mẹ ra Hà Nội thăm con / Vừa trên tàu xuống chân còn run run / Áo nâu còn đẫm mưa phùn / Còn hoai vị cỏ sục bùn lúa non”. Chỉ vài câu thơ, nhờ khéo sử dụng điệp từ, ngôn ngữ giàu ấn tượng thị giác và cả khứu giác nên chân dung người mẹ hiện lên thật sống động. Mẹ là hiện thân của đồng đất quê hương với áo nâu “còn hoai vị cỏ”, vị bùn đất và “lúa non” quê nhà. Cử chỉ của mẹ “Sang đường tay níu áo con / Ngã tư hối hả xe bon ngược chiều” cho thấy mẹ đúng là chưa quen với ồn ào phố thị, mẹ tin cậy “níu áo con” khi qua đường lúc người và xe qua lại như mắc cửi. Trên vai mẹ khoác “chiếc đãy nghèo”- một thứ tay nải đựng đồ dùng thường khâu bằng thứ vải bền. Giờ vật dụng ấy đã “thắt lại bao điều đắng cay” trong đời mẹ. Hình ảnh ẩn dụ đắt giá này gợi nhớ tới bao việc hữu ích mẹ đã làm được: cả việc nước lẫn việc nhà, thường khi cả hai thứ đó không dễ phân biệt rạch ròi. Mẹ đã từng nuôi chồng "Vài lưng gạo hẩm thăm thầy trong lao", hoặc “Đưa con đánh Mỹ lên đường / Nắm cơm mẹ gửi tình thương quê nhà”. Không những thế, bản thân mẹ còn tham gia công tác dân công hỏa tuyến “Nắm cơm tiếp vận mẹ trao giữa đèo / Củ khoai bẻ nửa nắng chiều / Bờ mương thoai thoải dài theo công trường”. Ngôn từ đầy ám ảnh trong câu thơ "Củ khoai bẻ nửa nắng chiều”, tác giả đã nêu bật được hầu hết những công lao, thành tích của mẹ. Những việc làm ấy có ý nghĩa lớn lao. Chính nhờ được tiếp thêm động lực và sức mạnh hậu phương từ mẹ và bao nhiêu bà mẹ Việt khác nữa, quân dân ta mới chiến thắng được các thế lực ngoại xâm mạnh hơn gấp nhiều lần. Mục đích mẹ ra Hà Nội chuyến này là để: “Bà ra bế cháu của bà / Những mong cùng ước lòng bà hôm mai”. Câu thơ với nghệ thuật đảo ngữ và tiểu đối đã nhấn mạnh niềm mong ước tha thiết có cháu ẵm bồng của người mẹ. Có cháu, mẹ đã được “lên chức” bà thực rồi. Câu thơ ẩn chứa cả niềm tự hào và thái độ yêu chiều, cưng nựng của mẹ với đứa cháu yêu. Đáng chú ý là trong lời bà “ngọt ngào” ru cháu, tác giả cảm nhận được thật rõ người mẹ đang thực hiện sứ mệnh cao cả là: truyền tải tới lớp cháu con tình yêu quê hương bản quán, niềm tự hào về lịch sử anh hùng của ông cha“Để hồn cháu có núi Nưa / Tiếng cồng bà Triệu ngày xưa vọng về / Lam Sơn rừng núi ba bề / Lũng Nhai vang mãi lời thề nước non / Trải bao sông cạn đá mòn / Còn con còn cháu lại còn cha ông…”. Kết thúc bài thơ, tác giả nói về hành trình mẹ trở lại quê hương. Là người con, tác giả thấu hiểu sâu sắc nỗi nhớ nhà, nhớ quê của mẹ “Mới xa đã nhớ ruộng đồng / Thương con mà chẳng đành lòng ở lâu / Run run mẹ bước lên tàu / Vị bùn còn thoảng áo nâu quê nhà”.
Bài thơ đầy ắp chất liệu dân gian được chuyển tải bằng âm hưởng ca dao. Mặt khác, tác giả khéo sử dụng thành ngữ phù hợp (“sông cạn đá mòn”) và nhiều từ láy: “run run” (2 lần), “thoai thoải”, “hối hả”, “ngọt ngào”,“nước non”) đã làm sống dậy chân dung người mẹ rất đỗi bình dị nhưng tâm hồn và phẩm chất vô cùng cao đẹp.
Người gửi / điện thoại