NHỮNG CÁNH BUỒM
Hoàng Trung Thông
Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch,
Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước, lòng vui phơi phới.
Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”
Cha lại dắt con đi trên cát mịn,
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!”
Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.
Nguồn: Những cánh buồm - NXB Văn học - 1971.
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
“CHA GẶP LẠI MÌNH TRONG TIẾNG ƯỚC MƠ CON”
"Những cánh buồm" là bài thơ rất nổi tiếng do nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993) sáng tác năm 1963. Đây là bài ca đẹp về tình cha con và ước mơ vươn tới cao xa của con người. Thi phẩm tái hiện cuộc dạo chơi của hai cha con trên bãi biển. Tình cảm cha con ấm áp chan hòa trong lời thơ giản dị, hình ảnh đẹp, khơi gợi bao ý nghĩa sâu xa về cuộc sống và tương lai: "Hai cha con bước đi trên cát / Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh / Bóng cha dài lênh khênh / Bóng con tròn chắc nịch". Cha con song hành cùng xuất hiện trên nền của biển trời lồng lộng, không gian thoáng đãng tràn ngập nắng mới, dưới chân cát trắng mát mịn. Nhờ quan sát tinh tế, Hoàng Trung Thông đã phác hoạ nên hai con người với hai cái bóng in trên nền cát thật sống động. Cái lênh khênh của bóng cha như đối lập với cái tròn chắc nịch khỏe khoắn của bóng con. Cái già dặn vì thời gian của thế hệ cha anh khác biệt với cái mạnh mẽ của thế hệ tiếp nối. Cha dắt con đi hay chính lớp người trước dẫn dắt lớp con em bước đi trong một tâm trạng náo nức, hứng khởi: "Nghe con bước lòng vui phơi phới". Đặc biệt, không gian rực rỡ của buổi nắng mai ấm áp báo hiệu một ngày mới tốt lành, đầy hứa hẹn. Cha và con đi trong không gian ấy thật hoà hợp với hiện tại sáng tươi làm lòng cha tràn ngập niềm vui bởi biết ở con đang nảy nở những ước mơ trong trẻo, cao đẹp. Và thật hồn nhiên khi: “Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:/ - Cha ơi! Sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời / Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”. Người con trong bài thơ này còn nhỏ nên mới đặt ra những câu hỏi ngây thơ như vậy! Nhưng câu hỏi của em nhỏ không hề vô nghĩa. Lần đầu tiên thấy biển, người con đã có những băn khoăn rất đáng yêu trước mịt mùng biển trời bát ngát. Đó cũng là dịp để người cha chứng tỏ trải nghiệm, vốn sống phong phú của mình qua lời giải đáp cho con: “Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa / Sẽ có cây, có cửa, có nhà / Vẫn là đất nước của ta…”. Theo như lời cha, cánh buồm sẽ là phương tiện để con người có thể đi đến những nơi chưa từng đến. Người cha đã tự thừa nhận sự giới hạn của mình. Và thật bất ngờ khi đứa con lại có cử chỉ và lời hỏi tiếp: "Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ / Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé / Để con đi!…”. Vậy là với người cha, những hiểu biết về chân trời xa mới chỉ dừng lại trong nhận thức. Nhưng với người con, sự hiểu biết giờ đây được nâng cánh thành ước mơ, thành hoài bão của con người muốn khám phá những điều mới mẻ, bí ẩn, lạ lẫm và kỳ diệu. Cánh buồm trắng là hình ảnh biểu tượng thật đẹp, đầy bay bổng và lãng mạn. Cánh buồm trắng ấy sẽ chở ước mơ, giúp con thực hiện những điều cha chưa làm được. Đi xa không chỉ hành động cụ thể trong suy nghĩ ngây thơ của đứa con nữa mà còn là ý nghĩa cuộc đời, để thực hiện những gì con mong muốn tha thiết. Khoảng cách giữa cha và con là khoảng cách của hai đời, nhưng qua lời đứa con, người cha chợt nhận ra có một sự kết nối đặc biệt giữa hai thế hệ, và điều này khiến lòng cha trào dâng niềm xúc động thiêng liêng: "Lời của con hay tiếng sóng thầm thì / Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm/ Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận / Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con". Đây là niềm cảm xúc sâu lắng, nguồn hạnh phúc thiêng liêng chỉ tình phụ tử mới có được. Trước đây khi còn nhỏ như con, cha đã từng khát khao như thế. Con và cha, quá khứ và hiện tại cùng chung một ước vọng, một ý nguyện. Đến với chân trời xa là mong ước của cha nay lại ươm mầm lớn dậy trong con. Cha đã truyền cho con ngọn lửa của đam mê và khát vọng, để con và thế hệ trẻ hôm nay bước tiếp con đường cha anh thuở trước và còn bay cao, bay xa hơn; đó là mong ước của cha, của gia đình và được vậy là phúc lớn cho xã hội.
"Những cánh buồm" của Hoàng Trung Thông là thi phẩm giàu chất suy tư về tình cha con với những hoài bão trong sáng làm xúc động lòng người.
Người gửi / điện thoại