RU CHA
Phạm Ngọc Họa
(Viết nhân ngày giỗ đầu của Cha)
À ơi Cha ngủ giấc ngàn
Buông xuôi mọi việc, tìm miền nghỉ ngơi
Trút bao vướng bận cõi đời
Bồng Lai dạo gót, qua chơi suối vàng
Đời Cha số phận trái ngang
Năm quê, bốn chốn, họ hàng lắm bên
Năm 59 Cha ghi tên
Tòng quân đánh giặc trận tiền lập công
Năm 65 tổng động viên
Chích tay thư huyết vượt miền đi B
Nam Lào - Đường 9 chẳng nề
Quân nhu đơn vị, làm nghề tải lương
Giặc tan, về với đời thường
Như bao người lính chẳng vương bụi trần
Không bon chen lợi với danh
Vượt qua bao đận đoạn trường sinh nhai.
Nay Cha về cõi thiên thai
Thảnh thơi một giấc chẳng hoài thế nhân
Ngủ đi Cha, giấc mộng lành
Như xưa Cha đã dỗ dành, ru con...
Tháng 12/2017
Nguồn: Trang facebook cá nhân Ngoc Hoa 12/2017
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
“NGỦ ĐI CHA GIẤC MỘNG LÀNH”
Cùng là đấng sinh thành nhưng cảm hứng thơ viết về người mẹ của các tác giả rất phong phú, viết về cha lại không nhiều. Vì thế, đọc bài “Ru cha” của tác giả Phạm Ngọc Hoạ, viết nhân ngày giỗ đầu của cha, tôi có ấn tượng khá sâu đậm. Bài thơ rất độc đáo về thi đề: thường là ru con, ru cháu, ru em, còn đây lại là ru cha. Thi phẩm không chỉ tái hiện lên một phần chân dung người cha cựu chiến binh, mà còn nói lên tấm lòng đồng cảm và nhớ thương cha của người con trai thật sâu sắc.
Tác giả chọn thể thơ lục bát có âm điệu du dương để chuyển tải nội dung cảm xúc “Ru cha” là rất phù hợp. Mở đầu là âm điệu hát ru rất đỗi quen thuộc: “À ơi”, người con đã nói lên thực trạng người cha thân sinh đã an giấc ngàn thu. Cha của ra đi đã tròn năm, nỗi đau thương, nhớ tiếc thời gian đã làm cho lắng dịu, người con nhận thức rõ được qui luật sinh tử không ai tránh được ở đời. Thái độ người viết lúc này thật an nhiên:“À ơi Cha ngủ giấc ngàn/ Buông xuôi mọi việc, tìm miền nghỉ ngơi / Trút bao vướng bận cõi đời/ Bồng Lai dạo gót, qua chơi suối vàng”. Tác giả khéo dùng nhiều từ đồng nghĩa “miền nghỉ ngơi”, “Bồng Lai”, “suối vàng” để chỉ thế giới cõi âm một cách nhẹ nhàng thật khéo léo. Ngay sau đó, với niềm đồng cảm sâu xa, chủ thể trữ tình hồi tưởng lại cuộc đời không ít truân chuyên của người cha:“Đời Cha số phận trái ngang / Năm quê, bốn chốn, họ hàng lắm bên. Hoàn cảnh nghèo khó, cha phải mưu sinh lập nghiệp xa quê hương. Đến những năm giữa thế kỷ XX, đất nước bị chia cắt, cha đã cùng bao nhiêu thanh niên, trai tráng khác lên đường nhập ngũ, ra mặt trận chiến đấu, góp sức trẻ lập công vì sự nghiệp giải phóng dân tộc: “Năm 59 Cha ghi tên / Tòng quân đánh giặc trận tiền lập công”. Càng quí trọng và tự hào về cha hơn nữa là năm 1965, chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, như nhiều đồng đội cùng đơn vị, người cha đã lại chích tay lấy máu, viết tâm thư gửi lên cấp trên tình nguyện đi chiến đấu nơi tuyến đầu lần nữa. Các mặt trận lớn như: Nam Lào, Đường Chín đã có sự góp công, góp sức âm thầm mà hiệu quả của người lính quân nhu như cha. Song, điều đáng ngưỡng mộ nhất ở người cha bình dị ấy là tuy đóng góp, dâng hiến không ít mồ hôi, công sức và cả tuổi trẻ cho sự nghiệp kháng chiến bảo về Tổ quốc và đấu tranh giải phóng dân tộc, một sự đóng vô cùng trân quý, nhưng ông không màng công danh lợi lộc mà:“Giặc tan về với đời thường / Như bao người lính chẳng vương bụi trần / Không bon chen lợi với danh / Vượt qua bao đận đoạn trường sinh nhai”. Người con không chỉ nói về riêng cha mình mà còn ngợi ca bao cựu binh khác đã cống hiến, hy sinh vô tư vì lợi ích chung của dân tộc. Tục ngữ mới có câu “Nước sông, công lính”. Máu đào và công sức của bao thế hệ cha anh đã đổ xuống, sự hy sinh ấy đã mang lại cuộc sống thanh bình hôm nay cho nhân dân, cho đất nước. Sau khi hồi tưởng và tri ân công đức người cha trong quá khứ, bốn câu kết của bài thơ, tác giả đưa người đọc trở về với cuộc sống hiện tại: “ Nay Cha về cõi thiên thai / Thảnh thơi một giấc chẳng hoài thế nhân / Ngủ đi Cha, giấc mộng lành / Như xưa Cha đã dỗ dành, ru con...”. Với ngôn từ dung dị dễ nhớ, dễ hiểu, cảm xúc chân thành tha thiết, tác giả vỗ về, an ủi và cầu mong cha được an nghỉ giấc lành. Bài thơ không chỉ là nỗi nhớ niềm thương da diết mà còn là lời tri ân thâm trầm, sâu lắng của người con đối với cha mình.
Người gửi / điện thoại