“Thơ cho tuổi thơ”- Một món quà ý nghĩa
(Hoặc: Bay về trên những cánh ong trong…)
Đọc “Thơ cho tuổi thơ” của Vũ Nho, nhà xuất bản Hội nhà Văn, 2017
NGUYỄN THANH MAI
Tuổi thơ là thế giới trong trẻo thần tiên, là một biển trời thuần khiết yêu thương mà mỗi người lớn chúng ta đều muốn trở về. Nhất là khi, hay là đôi khi, những vướng bận đời thường không còn làm ta tha thiết nữa.
Nhưng trở về được đâu phải dễ, nếu không đủ tĩnh trong tâm, đủ trong trong trí. Để lắng lòng và nhập cuộc.
Rất may là khi ta cảm thấy khó…thì đã có các nhà thơ- những người như có phép thần thông giúp ta bay về trên những cánh ong trong suốt để tìm lại nhụy hoa, phấn hoa tuổi nhỏ.
Nhưng rồi có lúc, nhà thơ cũng làm ta khó nốt. Vì đã bảo đó là thế giới trong suốt, mà trong quá thì dễ nhìn thấy đáy, mà dễ nhìn thấy thì hình như không còn hấp dẫn nữa.
Và khi ấy, ta rất cần một tấm biển chỉ đường, một la bàn trái tim, để thắp lên một vì sao giữa đêm đang cần lấp lánh.
Trên hành trình mang đầy nỗi khát khao và niềm mong ước được trở về, tôi đã may mắn có được những người bạn đồng hành tin cậy ấy qua cuốn sách: Thơ cho tuổi thơ. (1)
*
* *
Cuốn sách nhỏ, màu xanh, màu của biển xanh trời xanh. Những cánh diều rướn mình bay tung, để lại đằng sau những dải lụa mềm khẽ bồng lên như tóc xòa trước ngõ. Tôi thẫn thờ ngắm mãi những con diều no gió. Và lòng tôi như có cả khoảng trời.
Mà thực ra thì có gì đâu. Bởi khoảng trời ấy chứa toàn những chuyện vớ vẩn trẻ con. Bé Linh xỏ giầy, đàn gà rúc mình dưới lá khoai, con phà, bếp dầu, con chim, con nhện…Tưởng cũng chẳng có gì để nói. Thế rồi bỗng nhiên, cây đũa của nhà phê bình chạm vào. Tất cả bỗng xôn xao. Chẳng hạn, khi chứng kiến cảnh bé Linh xỏ giày:
Chân phải Linh lộp cộp giày
Chân trái xỏ dép bước trầy trật đi
Bà cười! Ngó bộ cực kì
Danh hài cả nước ứ bì được đâu
(Ngộ nghĩnh- Vũ Xuân Quản)
Rất có thể người ta chỉ thoáng mỉm cười, rồi thôi. Trí não ta cũng hơi biếng lười và uể oải khi cảm thấy nhà thơ chưa mang đến cho ta được điều gì mới mẻ, nóng sốt hơn. Thế nhưng, có cái gì đã cựa quậy khe khẽ trong ta, khi người bình thơ bất chợt nhắc nhớ về một điều gì đó rất quen, rất thân thương làm ta cay sống mũi: “Trẻ em thường hay bắt chước người lớn. Một trong những trò đó là việc xỏ vào giầy dép ngoại cỡ của mọi người...Nếu xỏ đồng bộ cũng đã khó vì giầy dép quá khổ và nặng. Nhưng bé Linh lại xỏ mỗi chân một thứ nên bước đi càng trầy trật. Thật chẳng khác nào anh hề trong rạp xiếc hoặc diễn viên hài đang diễn”. Ừ nhỉ. Ra là như thế đấy. Những kỉ niệm tuổi thơ òa ập đổ về. Của bà. Của mẹ. Của mình và các em mình. Ngày xưa. Và ngay cả cái thằng tôi ngoài 50 tuổi bây giờ- thi thoảng vẫn còn rất thích xỏ vào giầy dép to tướng của đức ông chồng- cho thoải mái!
Trong trí tôi như hiện lên cảnh bé gái thắt nơ hồng đang cúi nhìn xuống chân, một tay nhấc váy trắng tinh, rồi trầy trật bước đi như chú gấu con. Mải ngắm em, ta quên mất nhân vật quan trọng: “bà chính là khán giả đặc biệt của sô diễn này. Bà cười và thốt lên: Danh hài cả nước ứ bì được đâu. Linh là đệ nhất danh hài trong mắt bà âu yếm!” (trang 110). Ôi tấm lòng của những người lớn dành cho trẻ thơ! Không quan sát chăm chú không thể ghi lại được cảnh này. Không có tâm để “nhìn” không thể nhận ra luôn có ánh mắt bà nâng niu dõi theo từng bước đi của em, sự thú vị của em trong “trò chơi” xỏ dép. Em là người làm đảo lộn mọi trật tự của thế giới thông thường. Em sẽ sắp xếp lại chúng theo cách của em, đi trầy trật, nhưng là bằng những bước đi của em. Và người lớn rất cần tôn trọng những hành động của em chứ không đơn giản là vỗ tay trầm trồ hay quát la ngăn cản. Tôi cảm giác như người bình thơ đã nhất quán một cái nhìn như thế trong câu chữ giản dị. Giản dị đến mức ta tưởng như anh vừa đổ một túi bi ra mặt đất. Cứ tửng tưng thế, không khen, chê, không tỉa tót chữ nghĩa, cũng không cần thêm lời nào về “giá trị tác phẩm”. Nhưng đọc những lời này, ta lại có thêm nhiều trải nghiệm. Về kí ức tuổi thơ ta đã có. Về những điều vẫn hiện hữu quanh cuộc sống của ta. Về cái cách mà các nhà giáo dục cần làm. Vì và cho tuổi thơ. Chứ không phải bắt chúng theo ý mình. Đừng có nghịch giầy. Trời ơi, lại làm lộn xộn hết lên cả rồi, sắp xếp lại cho ngay ngắn mau! Phải tập thói quen gọn gàng chứ? Suốt ngày phải dọn hầu lũ chúng mày, con với chả cái! Đúng. Với những người lớn, đây chỉ là trò nghịch ngợm. Nhưng với trẻ con, nó thú vị biết chừng nào!
Chẳng biết tôi có nghĩ quá lên không?
Còn bao nhiêu điều hấp dẫn khác trong thế giới của các em đã được các nhà thơ và người bình thơ trân trọng yêu thương và nâng niu âu yếm mà tôi muốn nói mãi, trích dẫn mãi cho thỏa lòng mình. Tất cả như muốn bồng muốn bế, muốn nương tựa và chở che:
Con phà thì cõng ô tô
Chú bộ đội cõng ba lô lên phà
Bố cõng con…kịp tới nhà
…Nhỡ sông không cõng con phà thì sao!
(Cõng- Quang Khải)
Đọc lên cũng thấy ngồ ngộ, vui vui vì phát hiện thông minh của nhà thơ, nhưng phải đợi đến những lời nhỏ nhẹ này của người bình, tôi mới nghiệm ra những bí mật trong hộp quà dành cho tuổi nhỏ. Đúng là “Trẻ con nước Việt mình chả lạ gì cái việc cõng. Bởi vì bế em, cõng em nếu không tự làm thì cũng ngó thấy bạn mình làm hàng ngày. …Bài thơ thú vị ở chỗ bỗng nhiên bé lo lắng. Bởi vì nếu dòng sông không cõng con phà thì chuyện gì sẽ xảy ra? Ô tô có sang bờ được không? Chú bộ đội cõng ba lô có sang bờ được không? Và cả bố đang cõng con nữa…Một thoáng lo lắng của bé đã cho thấy CÕNG quan trọng thế nào!”(trang 113). Ờ nhỉ. “Cõng” hóa ra không chỉ là mối quan hệ cộng sinh, tất yếu của tự nhiên, vạn vật đều phải nương tựa vào nhau, có cái này mới có cái kia. Đó còn là câu chuyện quyến luyến vấn vít của Ân tình và Đạo lí mà những người được hưởng ân huệ ngọt ngào “ngồi trên lưng” một ai đó (với cả nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ này) không được phép quên...
*
* *
Về bố cục: tập sách được chia làm ba phần: Phần một- Giới thiệu; Phần hai: Bình thơ. Cuối sách là phần Phụ lục giúp người đọc có thêm tư liệu về thơ dịch và thông tin về tác giả. Một sự phân chia như vậy là rõ ràng, hợp lí, có quan hệ tương hỗ bổ sung cho nhau.
Mười bài giới thiệu thơ của các tác giả dành cho các em trong phần một được tập hợp từ những bài viết và giới thiệu trên báo như mười bông hoa đẹp trong vườn thơ viết cho thiếu nhi, được viết bằng tất cả sự trân trọng, quý mến, giúp độc giả nhận diện những gương mặt thơ tiêu biểu của các nhà thơ Việt viết cho các em trong mươi, mười lăm năm trở lại đây.
Đặc sắc hơn là phần hai với sáu mươi mốt bài bình thơ. Đó thực là một “bình muôn hương”: có mùi hương thanh đạm, nhu mì; có “màu” rực rỡ bát ngát, có sự sắc sảo kiêu kì… mỗi bài mỗi vẻ, nhưng hầu như không bài nào bị nhạt, không chữ nào bị thừa, dù viết đến gần mươi trang hay chỉ mươi dòng, bài nào cũng có mĩ vị.
Nếu phần bình thơ Trần Đăng Khoa được tác giả viết công phu, mỗi chữ mỗi lời đều lấp lánh tài hoa và ẩn tàng nhiều trữ lượng văn hóa; thì những bài bình nho nhỏ về thơ của các tác giả được chọn khác lại mang đến cho ta những trải nghiệm và khám phá mới. Có một điều kì lạ là, “rất khái quát và sâu sắc về tư tưởng nhưng lại được diễn đạt bằng cái nhìn đơn giản, hồn nhiên của trẻ con” (tr235). Lời bình này của tác giả như đã chạm vào vấn đề cốt lõi phong cách phê bình của ông. Cứ nhẹ nhàng như không mà chật chội ý tưởng, khoáng đạt nghĩa tình. Đọc văn Vũ Nho, người ta cảm giác như được tung tăng dắt chữ đi chơi, được tháo cũi sổ lồng ra khỏi mọi ràng buộc, nỗi niềm như được chắp cánh bay lượn, mà lại được trau dồi tri thức một cách tự nhiên, hồn nhiên chứ không phải đau đầu vì những ngoa ngôn sáo ngữ. Giọng điệu chừng mực, khéo léo, thiết thực, vừa tầm; vừa ánh lên vẻ đẹp lung linh trí tuệ. Là nghị luận mà như kể chuyện, vào chuyện và bắt chuyện rất nhanh, rồi có khi lại kết rất đột ngột, bất ngờ mở ra nhiều suy ngẫm(2)- cách viết như thế dễ chiếm được cảm tình của nhiều bạn đọc. So với những nhà nghiên cứu phê bình về văn học thiếu nhi mà tôi được biết(3)
*
* *
Nếu có điều gì cần phải thưa lại với nhà phê bình, có lẽ bạn đọc mong muốn phần giới thiệu thơ sách viết kĩ hơn, giúp nhận diện rõ hơn phong cách của mỗi nhà thơ viết cho thiếu nhi. Mười bài giới thiệu bình thơ lẻ và nghiên cứu về một số chủ đề trong thơ Trần Đăng Khoa, cùng với những bài phỏng vấn nhà thơ, bài nào cũng có “chất” riêng, nhưng có lẽ nên sắp xếp thế nào đó cho đỡ cảm giác bộn bề; một số thơ chọn với tiêu chí viết cho thiếu nhi hay viết về thiếu nhi để nói với người lớn (Nhà không có bố, Bếp lửa, Nói với con, Con gái ơi Nói với con gái…) cũng khiến người đọc hơi băn khoăn chút ít, dẫu vẫn biết mọi sự chia tách đều không thể rạch ròi.
Dù có thế, trong tình hình chung, khi những người chuyên tâm viết cho các em không nhiều, mà ta lại có trong tay một cuốn sách có cả phần giới thiệu các nhà thơ, vừa có thơ chọn và lời bình, vừa có thơ dịch và thông tin về tác giả, điều đó chẳng những đem lại “niềm vui nho nhỏ, giúp các bậc cha mẹ, các em hân hoan thích thú khi tiếp xúc với thơ ca” (4), mà còn là một nguồn tư liệu tốt cho những người có nhu cầu học tập, nghiên cứu về mảng đề tài này. Chẳng phải là quý giá lắm sao?
Vì vậy, trên tất cả, Thơ cho tuổi thơ là một tác phẩm có giá trị mà các nhà thơ và người bình thơ đã trân trọng dành cho tuổi nhỏ và những người yêu tuổi nhỏ.
Làm sao có thể không nâng niu một món quà như thế?
---------------
(1) Thơ cho tuổi thơ- Vũ Nho; NXB Hội Nhà văn, 2017.
(2) Lời bình các bài thơ: Đêm qua chim chích ngủ ở đâu? Nguyễn Hoàng Sơn; Học trò vùng cao- Phạm Đông Hưng; Trời dầm- Tâm Dung, - trang 103, 145, 176, - sđd.
(3) Vũ Duy Thông: Con đường đến với trẻ thơ, in trong Bàn về văn học thiếu nhi– Nxb Kim Đồng, 1983; Phạm Hổ: Thêm mấy suy nghĩ về việc làm thơ cho nhi đồng , in trong Bàn về văn học thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, 1983; Xuân Quỳnh: Làm thơ cho thiếu nhi, in trong Bàn về văn học thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, 1983; Võ Quảng: Tuyển tập Võ Quảng, tập II, Nxb Văn học, 1998; Vân Thanh, 2000: Văn học thiếu nhi như tôi được biết, NXB Kim Đồng; Vân Thanh (Biên soạn), 2006: Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam, NXB Tự điển Bách khoa Hà Nội; Phạm Hổ, thơ viết cho nhi đồng- .Lê Nhật Ký (Theo thivien.net); Phạm Đình Ân; Huỳnh Diệu…
(4), Lời mở sách- trang 5- sđd.
08.3.2017- Nguyễn Thanh Mai
Người gửi / điện thoại