CÓ MỘT “MIỀN BAN TRẮNG” TRONG THƠ
(Đọc tập thơ “Miền ban trắng” của nhà thơ Phạm Minh Tân,
Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2019)
LÊ ANH PHONG
“Miền Ban trắng” là tập thơ thứ 5 của nhà thơ Phạm Minh Tân. Cái tên ấy gợi cho người đọc sự liên tưởng về một miền văn hóa, một vùng đất giàu chất thơ, miền Tây Bắc thân yêu của tổ quốc. Và khi đọc tác phẩm, tìm hiểu tác giả, chúng ta càng thêm trân trọng, đồng cảm với nhà thơ về lý do của việc đặt tên cho thi tập của mình.
Sinh ra trong không khí sục sôi của Cách mạng Tháng Tám tại quê nhà Hải Phòng, ngay từ nhỏ, cô bé Phạm Minh Tân đã theo gia đình lên miền Tây Bắc xa xôi sống và học tập. Có thể nói, cuộc đời chị đã gắn bó và coi miền đất ấy như quê hương thứ hai của mình. Đó là hành trình gian khổ, từ biển đến với núi rừng, nhưng đã mang lại cho nhà thơ nhiều vốn sống, nhiều trải nghiệm từ “miền ban trắng” đẹp cảnh, đẹp người ấy.
Tập thơ có 51 bài, được viết bằng nhiều thể loại: lục bát, thơ 5 chữ, thơ 6 chữ…, thơ tự do. Lục bát không phải là thể thơ được chị sử dụng nhiều trong sáng tạo, chỉ có 16 bài. Đó không chỉ là sự thống kê thuần túy về thể loại, mà phải chăng còn phản ánh xu hướng không lệ thuộc/ thoát ra khỏi khuôn vần, hướng tới tự do và đa dạng trong biểu đạt. Ở cái tuổi gần 80 mà nhà thơ vẫn giữ được mạch nguồn cảm xúc về thiên nhiên, về con người… cũng là điều hiếm gặp.
Có thể nói, với chị, thơ đúng là “tiếng nói của tâm hồn”. Âm chủ trong thơ Phạm Minh Tân trước hết là từ cảm xúc. Đó là bản nhật ký của tâm hồn. Cảm quan trong thơ thật hồn hậu. Đây là cảnh tác giả thăm làng lụa Vạn Phúc: “Người con gái mộng mơ/ Miệt mài bên sóng lụa/ Có nghe ngoài song cửa/ Ai thả chiều vào tơ”. Còn đây là những vần thơ chị viết cho con gái ngày lên xe hoa về nhà chồng: “Mẹ lẫn lộn giữa vui buồn, thương nhớ/ Vòng tay mẹ không đủ dài rộng nữa/ Con đi về phía ấy cuộc đời/ Tạm biệt mẹ/ Tạm biệt thời thơ dại/… Có hạnh phúc nào mà lệ không rơi”.
Không đa đoan phá cách, thơ Phạm Minh Tân phần lớn nghiêng về sự dịu dàng trong cách nghĩ, cách nói. Nó điềm đạm như chính con người chị.
Gặp được gì từ “Miền Ban trắng”?
Ta gặp cảm thức văn hóa qua “Em Mường trong đêm hội cồng chiêng”: “Giữa Thăng Long ngàn năm văn hiến/ Bỗng âm vang giai điệu cồng chiêng/ Có một miền huyền thoại/ Giữa Hà Nội linh thiêng”. Đó là âm vang của truyền thống bản sắc dân tộc trong sự hòa hợp linh thiêng với thủ đô ngàn năm văn hiến. Dường như, đó còn là sự đồng vọng của những năm tháng gian khó, mà nhà thơ đã từng gắn bó với miền núi Hòa Bình thân thương. Phải chăng, trong vẻ đẹp của thơ Phạm Minh Tân ít nhiều có ảnh hưởng cảm quan từ “miền ban trắng” Tây Bắc.
Ta gặp nhà thơ của hoài niệm. Là người sống ân tình, thơ chị nhiều nỗi nhớ: “Hoài niệm một dòng sông”, “Nhớ mùa hoa gạo”, “Xuân nhớ”… Hình ảnh gia đình thân yêu hiện lên thật đẹp, cảm động và nhiều suy tư, như là giấc mơ: “Có còn những tháng những ngày/ Mẹ ngồi giặt lụa hong đầy bến sông”, “Con về/ Ngõ nhỏ mưa rơi/ Hàng cau vẫn đứng đợi nơi sân nhà”. Và cũng thật ám ảnh rưng rưng: “Nhớ cha/ Những năm giặc giã/ Cái rét run chân/ Cái đói run tay/ Học trò ngác ngơ/ Nhìn viên phấn rụng khỏi tay thầy”. Đó còn là nỗi nhớ về những miền đất mà nhà thơ đã từng gắn bó: “Ơi Tháng Ba! Tháng Ba!/ Cho ta về miền nhớ/ Có một chiều cả gió/ Ngõ nhớ tràn xác hoa”. Và có khoảnh khắc tinh tế của lối nói, của xao xuyến: “Sấu rụng vào nỗi nhớ” mùa thu Hà Nội…
Ta gặp cảm thức thời gian, không gian cùng khát vọng khiêm nhường của nhà thơ ở nơi mình sinh thành trước bình minh ngày mới: “Đêm ở quê/ Nghe thạch sùng tặc lưỡi/ Đom đóm lập lòe thắp lửa vườn khuya/ Bông gạo rụng/ Một mảng đêm chợt vỡ/ Đêm ở quê/ Không ánh đèn rực rỡ/ Chỉ có gió/ Nồng nàn hương hoa cỏ/ Đêm ở quê/ Lòng những muốn làm con diều nhỏ/ Làm giọt sương trên lá/ Nghe tiếng gà khai hội ban mai”.
Tuy đâu đó thấp thoáng dấu vết ảnh hưởng từ ước lệ của văn chương trung đại, thơ vịnh vật vịnh cảnh, nhưng so với những tập thơ đầu, “Miền Ban trắng” đã thêm nhiều nghĩ ngợi và suy tư trong thơ. Thơ Phạm Minh Tân đã hướng đến thế sự nhiều hơn. Điểm nhìn được mở rộng. Riêng và chung, cá nhân và cộng đồng, bên cạnh sự hoài niệm, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, thơ chị còn hướng đến thực tại xã hội và đời sống cần lao. Chứng kiến cảnh chợ lao động, nhà thơ day dứt với câu hỏi về thân phận con người trong cuộc sống thị trường hôm nay: “Đã qua thời nô lệ/ Vẫn còn đây chợ người!”. Ánh sáng và bóng tối, nụ cười và nước mắt, hoa hồng và gai… như bóng với hình của đời sống. Trước một bông hoa giả, chị đã viết: “Hồng không gai/ Quý nỗi gì/ Hỡi hoa”. Mất đi những cái gai không còn là bông hồng kiêu hãnh nữa. Dường như bông hoa của tình yêu cũng trở nên nhạt nhòa đơn điệu. Một góc nhìn trực diện, thấu cảm và biện chứng. Đó là câu thơ hiếm gặp trong trường thơ của chị. Không phải nhà thơ nữ nào cũng dễ dàng nhận thấy. Khi đến cái tuổi thông tỏ mọi điều, trước sương khói cuộc đời, nhà thơ lại trở nên an nhiên: “Như trò chơi thuở ấu thơ/ Trốn tìm nhau/ Giữa đôi bờ thực hư”. Tuy chưa nhiều, nhưng chất nghĩ trong thơ chị thật đáng quý. Và như thế, không chỉ là “tiếng nói của tâm hồn”, thơ Phạm Minh Tân còn là tiếng nói của trí tuệ.
Không gian và thời gian đêm xuất hiện khá nhiều: “Đêm thức”, “Tình khúc đêm”, “Đêm bản Lác”, “Đêm ở quê”… Dường như đêm là để dành cho người cầm bút, dành cho câu chuyện một đèn một bóng. Từ góc âm bản ấy, nhà thơ hướng ra ánh sáng và nghĩ suy gì về thi ca và đời sống: “Đêm về thao thức cồn cào/ Câu thơ dứt ruột gan bào vì ai?”, “Trăng tàn biển bỗng bơ vơ/ Hoa tàn để những câu thơ ngậm ngùi”, “Tựa vào chiếc bóng cuối chiều/ Đêm nay thức với phiêu diêu cõi mình”…
Hình như đi đến đâu, nhà thơ cũng viết về miền đất ấy: “Về Đất Mũi”, “Bình minh trên hồ Ba Bể”, “Thăm nhà thờ đổ”, “Trên đỉnh Đại Lãnh”, “Sa Pa vào hội”… Đó là nhật ký bằng thơ của những chuyến đi. Lối viết ấy dễ trở thành thói quen, phảng phất ảnh hưởng từ thơ ngâm vịnh ngày xưa. Thơ vì thế dễ trở nên đơn điệu. Hơn nữa, phải chăng thói quen ấy vô tình cản trở sáng tạo trong biểu đạt, mà thi ca hôm nay cần hướng tới.
Có thể nói, nhìn toàn cảnh, thơ Phạm Minh Tân chủ yếu là sự giãi bày của nỗi niềm. Nó giản dị gần gũi với con người và cuộc sống thường nhật. Vì thế thơ chị dễ đọc, dễ chia sẻ, nhất là với những người cùng giới, cùng thời.
Với lục bát, tính trữ tình ngày càng rõ nét và đằm thắm. Nhiều cặp 6/8 nhuần nhị, dễ đi vào lòng người: “Ru lòng qua những cơn mê/ Dẫu tàn một kiếp câu thề vẫn nguyên”, “Ngập ngừng qua ngõ thuở nào/ Lời thương xưa đã tan vào mênh mông”… Trong hội thảo về thơ lục bát gần đây, Giáo sư Trần Đình Sử có nhận xét, không phải người viết nào cũng ý thức sâu sắc về tính trữ tình trong thể lục bát. Nói như thế để thấy rằng, có được một cặp 6/8 trữ tình hay là thử thách lớn với mỗi nhà thơ. Và biểu đạt như thế nào luôn luôn là câu hỏi đặt ra cho sáng tạo trong thơ.
Tuy đã tạm biệt với núi với rừng, nhưng trong thơ Phạm Minh Tân vẫn ánh lên vẻ đẹp của một tâm hồn luôn hướng đến thiên nhiên và sự sống. Dẫu đó là những ngày giãn cách của đại dịch: “Chợt sớm nay ríu rít một khoảng trời/ Lũ chim nhỏ gọi nhau về làm tổ/ Cây ngọc lan đầu ngõ bỗng đưa hương”. Không hiểu sao, trong buổi đầu gặp gỡ, tôi cứ nghĩ chị là cô giáo. Sau này mới biết chị là một kỹ sư điện tử. Trên con đường thi ca của đam mê, nhưng cũng đầy thử thách, với 5 tập thơ, vùng phủ sóng thơ Phạm Minh Tân đã được mở rộng. Người đọc dễ tiếp cận và có thể gặp nhau ở sự đồng điệu nào đó trong thơ chị.
Tôi cũng có 10 năm sống và học tập trên miền núi Hòa Bình, trong thời chiến tranh sơ tán. Tôi đã lớn lên bên dòng sông Đà đỏ nặng phù sa, lớn lên bên những ngọn núi, bên những bản Mường chất phác nhân hậu. Phải chăng vì thế, khi đọc thơ chị, tôi như được gặp lại mình qua “Miền Ban trắng”.
Tháng 4/ 2021
Người gửi / điện thoại