NHÀ THƠ BÀNH PHƯƠNG LAN – CÂY BÚT NỮ TINH TẾ CỦA THỦ ĐÔ
PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho
Tập thơ “Người đàn bà đến muộn” của Bành Phương Lan, Nxb Hội Nhà văn, 2025
Người phụ nữ đa tài, Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Trung Phụng, Hội viên Hội nhà văn Hà Nội sắp in tập thơ thứ 3. Hai tập thơ trước gồm Vườn Thu, nxb Hội Nhà Văn, 2015 và Bản tình ca bỏ lửng, nxb Hội Nhà văn, 2021 ….Tôi hân hạnh được tác giả mời viết đôi dòng cảm nhận về tập thơ “Người đàn bà đến muộn” này.
Nói đa tài có phải là quá hào phóng lời khen hay không? Xin thưa không. Bởi tôi và các bạn thơ Thi nhân Miền Cổ tích, các nhà văn Hội Nhà văn Hà Nội từng được nghe Phương Lan đơn ca, song ca cùng thi nhân Đoàn Thịnh với giọng ca vàng như ca sĩ chuyên nghiệp. Phương Lan từng biểu diễn múa Chăm. Tác giả cũng sáng tác nhạc với ca khúc “Anh sẽ về khi Hà Nội vào Đông” – một trong 10 ca khúc trong phần phụ lục. Không phải tình cờ mà thơ Phương Lan được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó phải kể đến những tên tuổi: Phạm Dũng, Quốc Lâm, Trọng Thủy, Việt Cường, Hoàng Đăng Trúc, Thế Đạt, Trọng Thành, Nghiêm Tú Thiệp, Ngọc Anh,…Có đôi người phổ đến 2 ba bài. Trang FB của Phương Lan không thiếu những lời bình luận khen chủ trang đa tài, xinh đẹp.
Một số bài thơ của Phương Lan đã được các cây bút phê bình văn học, bình thơ coi như bài thơ hay viết lời bình như Nguyễn Anh Tuấn, Vũ Nho, Xuân Hiến, Nguyễn Thị Bình, Nghiêm Thản, Hoàng Thị Ngọc Hồi, Ngân Kim,…Đó là các bài thơ Người dưng, Khoảng lặng, Anh có về Hà Nội cùng thu, Về đi em, Đám cưới mẹ, Tôi muốn vẽ một nét chiến tranh, Để đức hạnh lên ngôi, Cô gái tật nguyền hát ru con, Ai cho mẹ một ngày vui.
Ấn tượng chung, thơ Bành Phương Lan khá phong phú và da đạng về chủ đề cũng như thể loại. Thiên nhiên, đất nước, tình yêu, tình bạn, những người phụ nữ trong chiến tranh, những người lính, những số phận thiệt thòi, khuất lấp. Thể loại có lục bát, tự do, tứ tuyệt, ngũ ngôn, ba chữ xen bốn chữ…Trong tập còn có cả những tản văn như là những bài thơ văn xuôi.
Tập thơ này nổi bật với chủ đề người lính và tình yêu. Tuy vậy tác giả vẫn quan tâm đến “Chuyện ở bệnh viện”, đến “Nỗi niềm quan họ”, đến “Người về Kinh Bắc quê em”, đến “Phố vào Đông”, đến giới nữ “Đàn bà dại”, đến giới mày râu “Đàn ông là chiếc gương soi”,…
Có phải nhà thơ luôn kính phục những người lính, những người đẹp nhất vì nước, vì dân, ngày đêm bảo vệ chủ quyền Biển đảo của Tổ quốc, nên đã gửi hai tập thơ của mình ra tặng. Và nhận được hồi âm: “Chúc chị thật nhiều sức khỏe/ Viết nhiều bài về lính nha” ( Lá thư từ đảo Trường Sa). Đáp lời chúc đó, Phương Lan đã viết các bài: Lính học yêu, Tôi muốn vẽ một nét chiến tranh, Đất biên cương, Lá thư từ đảo Trường Sa, Mong các anh bình yên trở về, Tình quê, Làm vợ lính, Người lính à, Tình của lính, Mùa xuân và người lính, Má cứ ôm con đừng ngại.
Tá giả đã ca ngợi mối tình thủy chung của người vợ lính trong bài “Tình quê” gợi nhớ hình ảnh thơ trong “Đợi anh về” của nhà thơ Nga C.Ximonov. Ca ngợi những người lính giữ đất biên cương, giúp dân khắc phục hậu qủa bão lụt, và ca ngợi sự hi sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc:
Có những người lính không trở về
Tên của họ cộng vào những chiến công
Thịt xương họ cộng vào Tổ quốc
(Tôi muốn vẽ một nét chiến tranh)
Thật cảm động trong bão dịch Covid 19, người lính sẵn sàng đưa bà cụ F0 xuống tầng đi điều trị:
Má nghẹn ngào chẳng nói được nên lời
Nghĩ mình bệnh F không (F0) ai muốn bế
Ánh mắt chân thành của người lính trẻ
Má bớt ngại ngần …ôm chặt vòng tay
( Má cứ ôm con! Đừng ngại)
Những câu thơ này lầm ấm lòng bao chiến sĩ đang canh giữ biển đảo xa xôi của Tổ quốc và những người lính nói chung:
Nhưng vợ lính cũng nhiều niềm vui nhé
Đây san hô, ốc biển gửi con chơi
Em xây đảo nơi quê nhà cho bé
Giống như cha con canh giữ biển khơi
(Làm vợ lính…)
Trong tập này, cây bút tinh tế, giàu nữ tính, giàu lòng trắc ấn tiếp tục viết về chủ đề tình yêu. Một chủ đề phong phú có thế viết mãi không cạn, nói mãi không cùng. Bạn đọc biết được gì về chủ đề này? Có thể nói là khá nhiều. Đó là sự đổi chiều một cách bất ngờ khi người phụ nữ tự chủ, không là cái bóng chạy theo người:
Em theo anh
Anh lại theo người
Chợt nhận ra…mình là cái bóng
Em trở lại thành người
Anh hóa bóng
( Bóng)
Đó là sự mỉm cười trước anh chàng si mê, chỉ gắng làm thơ yêu mà không dám liều yêu, dù người ta đã cháy, đã “tan chảy” từ lâu:
Anh sẽ viết một trăm bài nữa
Chắc em sẽ yêu anh?
Anh chàng lại đóng cửa viết
Mùa yêu đã trôi qua
( Chàng ngốc của tôi)
Đó là sự khôn ngoan, dù rằng bị lời yêu làm cho mù lòa, vẫn đủ tỉnh táo đề nghị “đừng thắng”. Bởi không có chuyện thắng, thua, hơn thế lại còn có “ Yêu thật thì thua/ Yêu đùa thì thắng” :
Lời yêu chui vào mắt
Khiến mù lòa lạ thay
Em trở nên ngu muội
“ Thua” lúc nào chẳng hay…
Chỉ xin anh điều này
Anh cũng “thua”… đừng “thắng”
(Anh đừng “thắng”)
Đó là sự ngạc nhiên trước sự đổi màu của bằng lăng khi nhìn bằng cặp mắt của người mình yêu:
Chiều nay anh bảo hoa bằng lăng màu đỏ
Em ngỡ ngàng…ngơ ngác…em tin
Và thế là những cánh hoa mang màu đỏ
Chỉ chút ngạc nhiên sao…mắt đổi màu
( Hoa bằng lăng không tím)
Đó là đôi khi có sự bi quan, đau buồn “Phượng khóc chiều mắt đỏ/ Buồn thương…một lỡ làng” (Phượng khóc). Có khi hoài nghi : “Diêu bông ơi hỡi diêu bông/Ở đâu chiếc lá? Có không …mà chờ?... (Ơi hỡi diêu bông) Nhưng cơ bản là sự sự lạc quan, là niềm vui sống dù “chiều muộn”, nhưng vẫn còn nắng, vẫn còn hoàng hôn:
Dẫu chiều muộn nhưng nắng đâu đã tắt
Hoàng hôn vàng còn sáng phía trời tây
Nắng cuối chiều vẫn mật đọng men say
Ríu rít từng đôi chim về tổ ấm
( Hoàng hôn vàng)
Bài thơ “ Em…đàn bà” có thể nói là bài thơ đằm thắm rất khơi gợi, cũng rất tinh tế với những câu thơ đẹp:
Ô hay!...ai quạt má hồng
Đôi môi chín mọng cứ rừng rực than
Mắt ai phả những nồng nàn
Mà từng lọn tóc cũng man man tình
Có thể nói thơ tình của Phương Lan đắm say, dịu dàng, nồng hậu, tinh tế. Bởi vì thơ ấy khởi phát từ một tâm hồn đa cảm dịu dàng.
Xin trân trọng hân hạnh giới thiệu với mọi người!
BÀI ĐĂNG TRÊN "THỜI BÁO VHNT" ngày 05/6/2025
Người gửi / điện thoại