CLB VĂN CHƯƠNG GẶP GỠ MÙA THU
.
Hôm nay, tại văn phòng CLB Văn chương, số 9 Nguyễn Đình Chiểu đã có buổi tọa đàm về hai tập thơ "Sắc màu" và "Sắc màu cuộc sống" của tác giả Lê Thanh Hùng (bút danh: Lê Thanh, Bạch Dương). Đến dự, có nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà, nhà thơ Quang Hoài, PGS TS Vũ Nho, Nhà văn Vũ Đảm, chị Hoàng Tuyên, nhà văn Y Mùi, nhà thơ Đặng Văn Chương, nhà thơ Chử Thu Hằng, nhà báo Cao Thâm, nhà thơ Lê Đức Nghinh, nhà thơ Trang Nam Anh, nhà thơ An Nhu (Yên Bái); một số bạn bè và con cháu của tác giả Lê Thanh... cũng đến góp vui.
CLB Văn Chương thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, do nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ nhiệm. Tọa đàm thơ, giới thiệu tác giả tác phẩm là hoạt động thường xuyên của CLB Văn Chương. Tại buổi tọa đàm, các nhà thơ đã đưa ra những phân tích sắc sảo về tác phẩm, chân thành góp ý cho các tác giả, nhằm nâng cao chất lượng, giúp các bạn đến với CLB Văn Chương rút ra được những gợi ý bổ ích cho mình.
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Chử Thu Hằng, giới thiệu tập thơ "Sắc màu" của tác giả Lê Thanh.
.
LÊ THANH VÀ NHỮNG SẮC MÀU RỰC RỠ, VUI TƯƠI CỦA CUỘC SỐNG
(Lời nói đầu tập thơ “Sắc Màu” của tác giả Lê Thanh)
Lê Thanh Hùng (Lê Thanh, Bạch Dương) xuất thân là Thầy giáo tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội I sau chuyển sang làm cán bộ Đoàn Thanh niên (Phó Bí thư Huyện Đoàn Nam Đàn, Phó VP Tỉnh Đoàn Nghệ Tĩnh). Anh từng sống và làm việc 23 năm ở xứ sở Bạch Dương (Cộng hòa Belarusia, Liên bang Nga, Cộng hòa Ukraina). Với thế hệ chúng tôi, đó là những năm tháng rất đẹp của tình hữu nghị Việt Xô. Thời thanh niên sôi nổi ấy đã để lại dấu ấn đậm nét trong thơ anh, hình thành mảng thơ về đất nước, phong cảnh, con người Nga. Thơ của anh xuất hiện thường xuyên trên các trang "Báo tuần tin quê hương" (Tập san của Người Việt tại Ukraina), báo Doanh nghiệp Odessa với nhiều bài thơ in dấu trong lòng người đọc như: Mùa thu vàng Ukaina, Đêm trắng, Sợi nhớ sợi thương, Niềm vui, Sét đánh, Thu muộn... Bút danh Bạch Dương của anh cũng từ lâu đã trở nên quen thuộc với bạn thơ trong và ngoài nước.
Những năm tháng xa xứ ấy đã định hình phong cách người đàn ông Lê Thanh hào hoa, lãng mạn, yêu đời, giàu nhiệt huyết… Lê Thanh lúc nào cũng sống hết mình, yêu hết mình. Trái tim thi sĩ nhạy cảm của anh dường như chỉ đợi một cớ rất nhỏ để rung lên bởi những bóng hồng trong thơ, trong mơ cũng như ngoài đời thực. Từ cô gái năm xưa trên bờ Biển Đen đến những người đẹp trên mạng ảo, có khi anh chưa từng gặp mặt. Với những người đẹp ấy, Lê Thanh sẵn sàng trao tặng tất cả những gì mình có:
Anh tặng em những vần thơ/ Tình yêu, cuộc sống... bến bờ nông sâu/ Tặng em như thưở ban đầu/ Vạn hoa hồng thắm, nhịp cầu Tình yêu/ Trái tim dành tặng em yêu/ Nụ hôn nồng cháy với nhiều yêu thương. (Tặng em)
Không Em.../ Hồn chẳng đắm say/ Không Em.../ Sao nắm chặt tay đường đời?/ Không Em.../ Những lúc chơi vơi/ Bờ vai cần để cho người nào đây? (Em và Thơ)
Đối với Lê Thanh, điều mà anh lo sợ nhất là “Khi thi hứng không còn”. Không làm thơ được nữa, cuộc sống mất đi nhiều ý nghĩa với anh.
Đến một ngày/ Ta không thể làm thơ/ Tình yêu chết/ Sóng hết vỗ bờ mơn man/ Biển lặng im/ Hết nồng nàn/ Nắng vàng vụt tắt/ Sóng tan mạn thuyền/ Vần thơ thôi hết dịu êm/ Nụ hôn lạnh lẽo, tóc mềm thôi bay./ Tình yêu chết/ Tay rời tay/ Thời gian vô vị qua ngày hết đêm…(Khi thi hứng không còn)
Gặp Lê Thanh, ít người nghĩ anh đã qua tuổi lục tuần từ lâu, bởi khi nào anh cũng phong độ, trẻ trung và lãng mạn, cả ngoài đời lẫn trong thơ.
Anh đi tìm em/ Em ở đâu?/ Bãi Trước/ Và Bãi Sau... / Mà nỗi đau khôn tả/ Một mình anh đi tìm nàng tiên cá.../ Chiều hoàng hôn/ Buông thả ánh đèn vàng/ Những vì sao lấp lánh mơ màng/ Ngôi sao nào là em để anh dõi theo?/ Vì sao nào trên Hồ Mây cho anh với tới?/ Bóng hình nào là em/ Trên bãi đá lô nhô... chờ đợi? (Em ở đâu)
Những vần thơ đắm say ấy đôi khi mang lại hệ lụy cho anh, bởi trái tim người bạn đời của anh đôi khi nhạy cảm quá trước tình cảm anh dành cho thơ... Nhiều khi, chị quên mất rằng Nàng Thơ ấy chỉ tượng trưng cho những gì tốt đẹp mà thi nhân mơ ước. Nàng chắp cánh cho thơ anh bay lên khỏi những tù túng, nhỏ nhen của cuộc mưu sinh. Ai lại nỡ ghen với một Nàng Thơ như vậy.
Vì thế mà anh nhiều lúc phải “Sám hối”! Không biết Quan tòa là ai khi anh viết những vần thơ tự thú rất thật:
Đối diện với em, tôi tự thú thật nhanh/ Trải lòng mình, tôi vội vàng thú tội:/ Quá mê say thơ, rượu, bóng hồng/ Sám hối hết mình gạn đục khơi trong!/ Và xin em cho sám hối... cuối vòng:/ Tôi có tội lớn: Phải lòng người xinh! (Sám hối)
Nhưng, sau những lúc mơ mộng với Nàng Thơ, Lê Thanh lại trở về là người đàn ông đầy trách nhiệm với những niềm vui thật của gia đình. Tình sâu nghĩa nặng gần bốn mươi năm đầu ấp tay gối với người bạn đời, được anh thể hiện trong thơ từ những điều bình dị mà gần gũi nhất:
Anh bồn chồn nghĩ lại/ Những buổi chiều cô đơn,/ Ai xách xô nước mát?/ Ai kỳ cọ cho em?/ Những điều bình dị thế/ Xa nhau thấy mà thèm! (Chiều)
“Góc yêu thương” – phần ba của tập thơ là những bài thơ anh dành tặng cho những người thân yêu: mẹ, vợ, con, cháu và quê hương Xứ Nghệ, nơi sinh ra và nuôi dưỡng anh nên người.
Vợ chồng là nghĩa tào khang/ Tình sâu, nghĩa nặng… ngàn vàng khó mua/ Heo may lạnh, gió đổi mùa/ "Nàng Bân” rét muộn cho vừa lòng nhau.../ Hiên nhà sớm nở hoa cau/ Đào phai nở muộn... mái đầu lại xuân. (Giận – Thương)
Và đây nữa:
Bốn mươi năm một chặng đường/ Qua bao gian khó... yêu thương vẫn đầy/ Em ơi! Xin nắm chặt tay/ Con đường hạnh phúc còn dài có nhau! (Vàng)
Trở lại quê nhà sau những năm tháng tha phương, Lê Thanh hòa nhập vào phong trào thơ trong nước một cách tự nhiên. Anh tham gia sinh hoạt với các CLB, giao lưu cùng bạn thơ khắp miền, hoạt động sôi nổi trong các sự kiện văn học, các diễn đàn trên mạng… Trái tim đa cảm của Lê Thanh rất nhạy cảm với những mảnh đời còn nhiều thua thiệt anh gặp trong cuộc sống. Đến với các em học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, anh mong ước:
Nhiều người cùng chia sẻ/ Những trái tim rực hồng/ Mong trái tim em đỏ/ Đầu em nghĩ màu xanh/ Và tình yêu cuộc sống/ Điều kỳ diệu sẽ thành. (Sắc màu)
Trong một chuyến đi thiện nguyện, nhà thơ cũng kịp ghi lại nhịp rung đặc biệt của trái tim thi sĩ mà chia sẻ:
Vượt bao đèo dốc suối hoa/ Thắm tình Hà Nội mặn mà Hà Giang/ Cái ôm tay bắt nồng nàn/ Biên cương Tổ quốc rộn ràng vào xuân/ Chia bùi sẻ ngọt góp phần/ Món quà thiện nguyện tới dân còn nghèo. (Đón Xuân biên giới)
Những bóng hồng trong thơ anh không chỉ là những cô gái đẹp, đó còn là những phụ nữ lam lũ, tảo tần nhà thơ bất chợt gặp trong cuộc sống:
Thân gầy gồng gánh gầy thêm/ Trên vai em cả nỗi niềm đàn con/ Chân trần cát đỏ vẹt mòn/ Mưu sinh cuộc sống em gom mỗi ngày! (Gánh hàng rong)
Tính nhân văn trong thơ anh được thể hiện ở sự sẻ chia, đồng cảm sâu sắc với những mảnh đời phụ nữ cơ cực:
Cầu xin trời hãy ngừng mưa/ Đừng làm thấm lạnh đôi bờ vai em (Cảm thông)
Hay:
Đêm dài anh không ngủ/ Anh thức cùng em đây/ Anh nhìn qua cửa sổ/ Em về trong tuyết bay. (Sợi nhớ sợi thương)
Hình ảnh người mẹ trong thơ anh đại diện cho rất nhiều những bà mẹ Việt Nam khác:
Thương thay Mẹ một kiếp người/ Còng lưng gồng gánh cuộc đời long đong.../ Khổ đau nước mắt lưng tròng/ Bom Mỹ đã cướp người chồng thân yêu/ Chiến tranh biên giới một chiều/ Con trai ngã xuống… liêu xiêu thân gầy... (Mẹ tôi)
Trong sự mất mát chung của đất nước và đặc biệt là của thế hệ, Lê Thanh dành tình cảm đặc biệt cho những TNXP và những người lính "Mãi mãi tuổi hai mươi", trong đó có em trai của chính mình. Những câu thơ viết về đề tài này khiến bất cứ ai đọc lên cũng phải bùi ngùi xúc động. “Hoa tím tháng 5”, “Chiều nghĩa trang”… là những bài thơ minh chứng cho tâm hồn nhân hậu của thi nhân, luôn đồng cảm, sẻ chia với những buồn vui của đồng bào, quê hương, đất nước.
Tiếng súng Tây Nam gọi anh chiến đấu/ Anh chìm trong hoa lửa một chiều xuân/ Sáng bừng lên một phút trước tử thần/ Cô bé “Trốn tìm” trước giờ ly biệt…(Trốn tìm)
Lê Thanh có cách nghĩ tích cực, cách sống lạc quan, nhiệt tình với bạn bè. Những mối lo cơm áo đời thường không làm chai sạn được hồn thơ của anh. Những nỗi buồn (nếu có) trong thơ anh chỉ như cơn mưa bóng mây, thoảng qua rồi tan nhanh. Anh như cây Bạch Dương reo vui trong gió, hát mãi khúc ca yêu cuộc sống của mình. “Sắc màu”, tên tập thơ anh đã chọn, tập hợp hơn một trăm bài thơ, là những sắc màu rực rỡ, tươi vui của cuộc sống. Người cựu cán bộ Đoàn Thanh niên ấy vẫn đang sống trong “Thời thanh niên sôi nổi”, vẫn đang yêu đắm đuối Nàng Thơ trong mộng của mình./.
Chử Thu Hằng
Người gửi / điện thoại