ĐÊM BUỐT*
Nguyễn Chí Dũng
Tối
Gió bấc ù ù.Phố vắng
Mưa nặng hạt.
Ánh điện mờ...
Trên bãi rác
Người mẹ già như mẹ tôi
Lom khom nón tơi
Dùng que xăm xăm,lật lật
Lúi húi nhặt những gì không rõ...
Nhưng chắc hẳn
Thứ đó
Rất quí cho đời mẹ
Rất cần cho đời mẹ
Có thể giúp mẹ
Nuôi đứa cháu mồ côi
Lớn lên trên đường đời...
Quên cả gió mưa táp quất vào mặt
Chỉ thấy chiếc que của mẹ đang xăm vào lòng tôi.
Chỉ thấy chiếc que của mẹ đang
Lật lật từng mảnh vụn tim tôi...
---------------------------------------------------------------
*Đêm buốt-Bài thơ trong tập “Nhớ ban mai” (Thơ Nguyễn Chí Dũng-Nhà xuất bản Hội Nhà Văn,tháng 9/2015).
LỜI BÌNH CỦA TRẦN TRUNG
CÓ MỘT ĐÊM BUỐT NHƯ THẾ
Gặp được, đọc rồi thích một bài thơ lẻ hay trong tập, có lẽ là cái thú vị như sự ngẫu nhiên ‘Giời cho” của cây bút phê bình.
Dễ đến ngót nghét một năm rồi, tôi nhận được tập thơ “Nhớ ban mai” của anh bạn đồng hương Nam Định-Nhà thơ Nguyễn Chí Dũng, qua đường bưu điện.
Thực tình, với tập thơ tặng này, tôi mới chỉ đọc “phá”. Mà, cũng chưa dừng lại lâu ở một vài bài tự tôi cho là thích. Cho đến ngày gần đây, một bài trong tập đã khiến tôi chú ý,ấn tượng...và, xúc động. Đấy là “Đêm buốt” của Nguyễn Chí Dũng.
“Tối
Gió bấc ù ù. Phố vắng
Mưa nặng hạt.
Ánh điện mờ...”
Bốn dòng thơ đầu, giãn cách theo điệu kể (kể sự) dường như chẳng có gì mới của giọng và lời.Nhà thơ muốn tạo nền cho hiện thực được quan sát và ghi lại một cách trung thực, khách quan.Nhưng, từ cái thật của cảnh, sự ấy, Nguyễn Chí Dũng-đột khởi dựng lên một Chân dung-Nhân sinh-Hình ảnh một “mẹ già” khốn khổ trong cuộc mưu sinh nặng nề, cơ cực: “Trên bãi rác/Người mẹ già như mẹ tôi”...
Giản dị mà cảm động trong lối so sánh cụ thể, trực tiếp của nhà thơ. Hình ảnh ấy như chợt hiện lên trong đêm đông buốt giá; hiện lên trong cảm quan “mục sở thị” của người thơ. Bà mẹ từ đời, thoắt thành Bà-Mẹ-Mình trong xót xa, thấm thía mà nhà thơ không cần vận đến mảy may từ ngữ xót, thương nào...
Cũng từ nỗi niềm ấy, hình ảnh một lão bà đi nhặt rác giữa không gian quạnh vắng, tăm tối và lạnh lẽo đêm đông, con mắt Thơ của Chí Dũng lại nâng tiếp, đẩy tiếp lên trong một chuỗi hình ảnh về bà mẹ nghèo, khốn khổ. Nỗi buốt đau từ mắt nhìn chuyển sang nỗi niềm cảm thương tận thẳm sâu trong lòng. Thế nên, dáng vẻ, động thái, tâm thế của người già đi nhặt rác thải, hiện hữu như thước phim quay chậm:
“Lom khom nón tơi (hay tới?)
Dùng que xăm xăm, lật lật
Lúi húi nhặt những gì không rõ...”
Đọc đến những lời thơ này của Nguyễn Chí Dũng, tôi lại chạnh nhớ tới hình ảnh lũ trẻ thơ con nhà nghèo, nơi chợ Huyện nghèo;Chúng cũng lom khom đi nhặt nhạnh từ bãi rác khi phiên chợ tàn trong xơ xác: “Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ, cúi lom khom trên mặt đất, đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được của các người bán hàng để lại...” ( Hai đứa trẻ-Thạch Lam-1938).
Lũ trẻ trong văn Thạch Lam được ghi lại từ trước Cách mạng (trước 1945). Còn, hình ảnh bà mẹ khốn khổ đi nhặt rác trong thơ Nguyễn Chí Dũng đã có khoảng lùi trên nửa thế kỉ-khi đất nước đã yên bình. Sự sâu sắc từ trái tim của nhà thơ là ở chỗ: nhà thơ hôm nay không dừng lại ở quan sát hiện thực đời thường về bà cụ nhặt rác, mà còn “đọc” ra được điều tâm nguyện sâu xa, tình nghĩa thường trực trong lòng bà lão nghèo khổ mà ắp đầy lòng vị tha. Bà lão “lúi húi nhặt những gì không rõ”, hóa ra lại chính là những thứ “rất quí”, “rất cần” cho “đời mẹ”. Mà, hơn nữa “Có thể giúp mẹ?Nuôi đứa cháu mồ côi/Lớn lên trên đường đời”.
Từ hình ảnh nhân vật trữ tình-Bà lão nhặt rác đêm đông, nhà thơ còn lồng kết một nhân vật khác, không lộ diện mà náu nương và ám ảnh tâm tư bà lão-hình ảnh của “đứa cháu mồ côi”.
Có lẽ chất trữ tình, chất nhân văn trong thi phẩm “Đêm buốt” của nhà thơ Nguyễn Chí Dũng là sự hòa kết bền chắc và lắng sâu của Tình-Đời cùng Tình-Người.Cũng vì thế, theo tôi khổ thơ kết của bài thơ, thoáng đọc có vẻ sâu xa về tình ý (cả về cấu tứ nữa!) song hơi bị phô lộ chăng :
“Quên cả gió mưa táp quất vào mặt
Chỉ thấy chiếc que của mẹ đang xăm vào lòng tôi
Chỉ thấy chiếc que của mẹ đang
Lật lật từng mảnh vụn tim tôi...”
HÀ NỘI,10/9/2016.
Người gửi / điện thoại