ĐÔI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ VIỆT BẮC CỦA TỐ HỮU
Vũ Nho
1.Mình, ta và ai
Mình và ta là cách xưng hô thân mật của người Việt được sử dụng khá uyển chuyển trong đời sống. Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai. Như vậy mình và ta trong một số trường hợp là một mà thôi. Vì sao có thể như vậy? Vì bản thân đại từ mình là để người nói tự xưng, nhưng mình cũng còn là từ người nói gọi người bạn đối thoại thân thiết. Ta là đại từ để người nói tự xưng, nhưng ta lại cũng bao hàm cả người đối thoại để chỉ người chung một phía, một chí hướng, một mục đích.
Vận dụng cách xưng hô thân thiết của dân gian đó, nhà thơ Tố Hữu tạo ra hai nhân vật trữ tình người đi, người ở với cách gọi mình và ta, tạo ra một cuộc đối đáp đầy tình cảm lưu luyến, bịn rịn.
Mình về mình có nhớ ta. Mình (người về, người đi) có nhớ ta ( người ở lại) ?
Ta về, mình có nhớ ta. Ta ( người về, người đi) không rõ mình ( người ở lại) có nhớ người đi hay không?
Như vậy là hai nhân vật trữ tình hoán đổi cho nhau cách xưng hô. Ta là người ở lại, ta cũng là người ra đi. Mình là người ra đi, mình cũng là người ở lại. Vì thế mà mình với ta như hình với bóng, như bóng với hình. Hơn thế nữa, mình không chỉ là người đi, hoặc người ở mà mình còn bao gồm cả hai : Mình đi mình lại nhớ mình. Ta cũng không chỉ là người đi, hoặc người ở mà ta cũng bao gồm cả hai : Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây. Đất trời ta cả chiến khu một lòng.
Ngoài cách xưng hô mình ta thắm thiết uyển chuyển, nhà thơ còn rất thành công khi sử dụng đại từ ai. Ai để chỉ người ở lại : Tiếng ai tha thiết bên cồn. Ai để chỉ người ra đi : Ai về ai có nhớ không. Và ai là để chỉ một bộ phận người ra đi của ta : Ai về ai có nhớ không. Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng. Ai còn để chỉ một người không rõ tên giữa mình và ta : Rừng thu trăng rọi hòa bình. Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.Và ai cũng là để chỉ chung tất cả mọi người, cả mình, cả ta : Mười lăm năm ấy ai quên. Quê hương Cách mạng dựng lên Cộng hòa.
Tóm lại, mình, ta, ai những từ xưng hô đã được Tố Hữu sử dụng linh hoạt tạo nên sự gắn bó rất thú vị giữa người ở, người đi, tạo ra sự bâng khuâng , bịn rịn, tưởng như không thể tách rời giữa Việt Bắc và những người đã gắn bó với quê hương Cách mạng, thủ đô gió ngàn.
- Việt Bắc trong nỗi nhớ của người ra đi
Việt Bắc trong nỗi nhớ của người ra đi được tái hiện theo ba phương diện : thiên nhiên với những địa danh cụ thể; những hoạt động kháng chiến; hoa và người. Và bao trùm lên là tình cảm gắn bó sâu nặng nghĩa tình với Việt Bắc.
Bắt đầu là nỗi nhớ da diết, nôn nao như là nhớ người yêu. Việt Bắc hiện ra với buổi chiều, với đêm trăng, với bếp lửa, với núi, với nương, rừng nứa bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê. Một không gian rộng lớn và một thời gian dài với các mùa khác nhau ( Ngòi Thia sông Đáy suối Lê vơi đầy) với các thời điểm khác nhau ( chiều, sớm, khuya, đêm).
Rồi nỗi nhớ cụ thể hơn với kỉ niệm kháng chiến: người mẹ bẻ ngô, lớp học i tờ, đêm liên hoan, ngày tháng cơ quan. Việt Bắc hiện ra qua âm thanh đặc biệt của núi rừng: Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều. Chày đêm nện cối đều đều suối xa.
Nỗi nhớ tập trung vào hoa và người Việt Bắc. Đó là bông hoa chuối đỏ tươi nổi bật giữa màu xanh của rừng. Rồi một rừng hoa mơ nở trắng. Một rừng phách đổ vàng đầy tiếng ve kêu. Con người Việt Bắc nhìn thấy thấp thoáng qua dao cài thắt lưng nắng ánh trên đèo. Lại cũng là con người cụ thể với bàn tay khéo léo chuốt từng sợi giang. Và đậm nét có lẽ là cô em gái hái măng một mình với tiếng hát ân tình thủy chung.
Tất cả những nỗi nhớ ấy khi da diết, khi thấp thoáng, nhưng đọng lại nhất, ấn tượng nhất là tình người Việt Bắc, cái tình thể hiện bằng hành động giản dị nhường cơm sẻ áo :
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Trong khổ thơ từ nhớ được sử dụng rất nhiều. Nó là từ đứng đầu mỗi câu thơ : Nhớ gì…, Nhớ từng…, Nhớ người…, Nhớ sao…, Nhớ ai…Nỗi nhớ cứ đầy mãi lên trong tâm trí người ra đi. Nhớ cảnh, nhớ hoa, nhớ người, nhớ kỉ niệm ngày tháng kháng chiến. Điều đó nói lên sự gắn bó sâu nặng của người đi với Việt Bắc.
Tố Hữu là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng. Tính chất cách mạng ấy thể hiện ở chỗ các sự kiện lớn của cách mạng đều được Tố Hữu phản ánh kịp thời. Việt Bắc là bài thơ đánh dấu sự kết thúc kháng chiến, Chính phủ rời Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Bài thơ như là một tổng kết nhỏ, nhìn lại toàn bộ những ngày tháng gian nan kháng chiến hào hùng. Trong bài thơ, ta có thể thấy hình ảnh thể hiện sức mạnh kháng chiến : Những đường Việt bắc của ta. Đêm đêm rầm rập như là đất rung. Quân đi điệp điệp trùng trùng. Ta có thể tìm thấy những chủ trương lớn của kháng chiến : Điều quân chiến dịch thu đông. Nông thôn phát động, giao thông mở đường. Giữ đê, phòng hạn, thu lương. Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu… Đồng thời, nhà thơ cũng đã vẽ ra viễn cảnh xây dựng của đất nước khi kháng chiến kết thúc : Ngày mai rộn rã sơn khê. Ngược xuôi tàu chạy bốn bề lưới giăng. Đấy là thơ, nhưng cũng là đường lối phát triển của Cách mạng khi một nửa nước bắt tay vào khôi phục cuộc sống và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Yếu tố Cách mạng còn thể hiện trong sự son sắt thủy chung với Việt Bắc- quê hương Cách mạng dựng nên cộng hòa của Chính phủ mà Tố Hữu là người phát ngôn bằng thơ ca.
Trình bày một bản tổng kết kháng chiến, nhưng Tố Hữu chọn thể thơ lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc. Lại chọn cách trình bày đối đáp như trong ca dao. Hơn thế nữa cách xưng hô : ta, mình, ai của ca dao được sử dụng rất linh hoạt càng làm tăng thêm sự thân thiết, gắn bó giữa kẻ ở người đi. Những hình ảnh thiên nhiên, con người Việt Bắc được hồi tưởng lại trong nỗi nhớ da diết, bâng khuâng : nhớ gì như nhớ người yêu càng làm cho bài thơ thấm đẫm tình cảm, dễ dàng hòa nhập vào văn mạch dân tộc vốn dào dạt trong mỗi trái tim người Việt.
Tóm lại Việt Bắc là một bài thơ thành công của Tố Hữu mà nhìn ở khía cạnh nào ta cũng thấy lấp lánh một vẻ đẹp.
V.Nh.